11. Đền ơn Mẹ rồi yên nghỉ vĩnh hằng

22 Tháng Tư 201515:18(Xem: 3023)

MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT NGÔI SAO

TRUYỆN NGÀI XÁ LỢI PHẤT

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

Đền ơn Mẹ rồi yên nghỉ vĩnh hằng

Thế rồi, ngày đi đêm nghỉ, bộ hành vất vả sáu ngày đường, họ mới về được đầu làng Nàlaka. Trong thời gian ấy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất cũng không tránh khỏi sự gặp gỡ Chư Tăng cùng cận sự nam nữ hai hàng. Dường như Tôn giả chẳng có sự nghỉ ngơi nào, Ngài đã không mệt mỏi giáo huấn, dạy dỗ tại mỗi nơi dừng chân. Và số người được nếm hương vị Thánh quả không phải là ít.

Ngôi làng Nàlaka, cũng được gọi tên là Upatissa, trước đây Bà la môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh. Rất nhiều gia đình đã quy giáo Đức Thế Tôn. Rất nhiều tỳ-khưu, sa-di xuất thân từ những gia đình danh giá, cao sang ở đây. Chỉ riêng bà Sàrì là khư khư bất động mà thôi.

Dừng chân dưới những tàn cây cừa cổ thụ, Chư Tăng tìm nước rửa mặt, tay chân. Trời đã về chiều, khói hoàng hôn bảng lảng xa gần giữa những vườn xanh trùng điệp. Làng quê trông thật yên ả, thanh bình - nơi đây đã một thời Tôn giả lớn lên, học hành, suy tư và trưởng thành... Tất cả trở nên mồn một trong ký ức. Bây giờ, Tôn giả đã là một con người khác, rất gần mà cũng rất xa con người cũ ấy. Dường như Ngài không còn dính bất kỳ một quê hương nào nữa cả, lý lịch cũng không mà tên tuổi cũng không, đã bước ra ngoài tất cả mọi hiện tượng, mọi quy ước trên trần thế...

Có một đứa trẻ dừng lại nhìn ngắm Chư Tăng với đôi mắt đầy thân thiện. Khi hỏi ra mới biết đó là cháu trai của Ngài, bà nội nó là em của mẹ Ngài, Tôn giả kêu lại và nói:

- Cháu đoán ra ta là ai không?

- Cháu đoán Ngài là con của bà dì cháu!

- Thế là giỏi! À, này cháu! Cháu có biết bà dì cháu có nhà không?

- Dạ có ạ!

- Vậy thì ta nhờ cháu làm giúp một việc nhé?

- Dạ vâng ạ!

- Cháu vào làng, nói với bà dì như thế này: "Con trai trưởng của bà dì, Sa môn Xá-Lợi-Phất đang về đến đầu làng." Cháu nói thế có được không?

- Dạ được!

- Hãy nói như thế này nữa: "Sa môn Xá-Lợi-Phất sẽ xin ở trong nhà bà dì một ngày. Vậy xin bà dì sửa soạn, sắp xếp căn phòng mà thuở xưa con trai trưởng của bà dì chào đời. Ông ta sẽ xin được ở lại đấy! Ngoài ra, xin bà dì hoan hỷ sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị tỳ-khưu nữa! Năm trăm vị, cháu nhớ không?"

Y lời, trẻ Uparevàta chạy vụt đi, đến nhà bà Sàrì:

- Thưa bà dì, con trai trưởng của bà dì đã về đến đầu làng.

Lòng người mẹ rất thương nhớ con, nghe vậy rất vui, nhưng lời lại rất xẵng:

- Nó về đây làm gì?

- Thưa, Ngài không về một mình mà có cả năm trăm vị tỳ-khưu nữa!

- Làm gì mà đông dữ vậy! Bắt "con mọi già" này hầu hạ chúng chăng?

Đứa bé vẫn vô tư:

- Bà dì phải sửa soạn căn phòng thuở xưa Ngài chào đời cho Ngài ấy ở. Rồi lại còn phải sửa sọan hơn năm trăm chỗ ở khác nữa đấy. Dường như con trai thứ hai của bà dì cũng có mặt trong ấy. Đông lắm! Vui lắm!

Khi đứa bé đi rồi, bà Sàrì tự nghĩ:

"- Đúng thật là cái thằng ngu! Lại kéo theo cả bầy, cả lũ đến đây nữa. cái gia đình này giàu lắm mà! Nó đã không cần, sao còn về đây mà báo hại? À, hay là nó đã chán cái đời sống không cửa không nhà, muốn về đây trong những ngày tháng cuối cùng để ngủ cho đã, ăn cho sướng, mặc cho ấm? Rõ là đã quá muộn rồi con ơi, con cũng đã gần bảy mươi tuổi đầu rồi, còn "cá mú" gì được nữa?"

Bà Sàrì thở dài nhưng cũng sai gia nhân sắp đặt đâu đó tươm tất đàng hoàng. Trời đã tối, bà còn sai gia nhân đốt hàng chục cây đuốc sáng rực, đến đầu làng dẫn Tôn giả và Chư Tăng về nhà.

Lát sau, Tôn giả và Chư Tăng bước qua sân gạch rộng thênh thang. Gia nhân đứng lố nhố, thắp đèn sáng rực như ban ngày. Ai cũng muốn nhìn mặt hai người con trai của chủ sau mấy chục năm xa cách.

Tôn giả bước đến bên bà Sàrì, cúi đầu xuống:

- Thưa mẹ! Con đã về!

Bà Sàrì chống gậy lui vào phòng, nói mà không hề ngoái lại:

- Có gì mai hãy nói! Chỗ ở của ông yêu cầu đã dọn sẵn, chỗ ở cho hơn năm trăm vị tỳ-khưu đều đâu đó cả rồi, có gì sai bảo, nước nôi, giặt giũ - có gia nhân sẵn sàng túc trực hẳn hòi!

- Cám ơn mẹ.

- Có đứa nào theo về đấy?

Trưởng lão Cunda đáp kính cẩn:

- Thưa mẹ, con là Cunda. Con cũng về thăm mẹ đây!

- Cám ơn!

Rồi bà Sàrì đóng phòng lại. Trưởng lão Cunda hướng dẫn Chư Tăng tìm ác chỗ ở, chỉ cầu tiêu, phòng tắm v.v... Quả đúng là một cơ ngơi vĩ đại, không thiếu bất cứ một tiện nghi gì. Chư Tăng rất thán phục anh em của Tôn giả, dám khẳng khái từ bỏ một cơ ngơi như cung điện của vua chúa thế này. Nếu Chư Tăng còn biết rõ gia sản hiện kim của gia đình Ngài lên đến chín trăm triệu đồng tiền vàng thì họ còn kính phục đến chừng nào nữa! (Ghi chú - So sánh để biết: gia sản của trưởng giả Cấp Cô Độc trước là năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng, sau tìm thấy thêm năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng nữa)

Tôn giả Xá-Lợi-Phất bước vào căn phòng xưa, vừa ngồi vào giường là một căn bệnh trầm trọng phát sanh. Trưởng lão Cunda thấy đại huynh trưởng có vẻ đau đớn, ái ngại hỏi:

- Em có giúp gì được cho đại huynh không?

- Có lẽ đêm nay phải làm phiền em đây!

- Được giúp đại huynh lần cuối này, không dễ gì ai cũng có may mắn ấy!

- Anh bị bệnh tả lỵ đấy em ạ! Hãy chuẩn bị mấy cái "bô".

Thế rồi, sau đó Tôn giả đi tả liên hồi. Trưởng lão Cunda đi vào đi ra hoài với cái bô trên tay. Bà Sàrì thấy phòng con trai còn thắp sáng, lịch kịch có tiếng động, bà hé cửa nhìn sang. Thấy Trưởng lão Cunda tất tả vào ra, bà biết chuyện. Cho đến gần nửa khuya, bệnh mới giảm bớt. Bà nghĩ:

"- Con trai của ta đi tả liên tục, chắc là đau đớn lắm, nhưng nó không hề rên la lấy một tiếng. Thiệt lạ đời! Cả ông Cunda cũng vậy, cũng lặng lẽ. Sao họ giống nhau đến thế? Ôi! Người Mẹ này lo lắng cho con mà dường như không dính đến họ được."

Bà không thể ngủ, cứ chong tai lắng nghe, chong mắt để nhìn.

Lúc ấy, Tứ Trấn Thiên Vương gặp nhau, nghĩ rằng họ phải có bổn phận đi thăm lần chót Bậc A-La-Hán Trưởng lão nên đã với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, hào quang sáng rực, họ hiện trong phòng Ngài, cung kính lễ bái rồi đứng hầu một bên. Tôn giả biết chuyện này nên dùng thần thông để cho bà Sàrì nghe thấy quang cảnh và cuộc đàm thoại.

Tôn giả hỏi lớn:

- Các vị là ai?

- Bạch Tôn giả, chúng tôi là Đại Thiên Vương cai quản bốn châu.

- Các vị đến đây có việc gì?

- Thưa, thứ nhất là để chiêm ngưỡng thăm viếng Tôn giả lần cuối cùng, thứ hai là đến đây để Tôn giả tùy nghi sai bảo.

Tôn giả nói:

- Vậy thì cảm ơn các vị trời đầy oai đức đã bỏ công thăm viếng. Bệnh tình tôi đã thuyên giảm, lại có Trưởng lão Cunda ở đây, khỏi phiền đến các vị. Thời cũng đã phải lẽ, các vị hãy đi đi!

Họ vâng lời, đảnh lễ Tôn giả, rồi như vầng trăng sáng, họ mất hút giữa hư không.

Thiên Chủ Đế Thích - Thiên vương cõi trời Đao Lợi - nghĩ mình phải có bổn phận đưa tiễn Bậc Đại Chưởng Pháp nên với oai nghi, hào quang, thần lực hiện bên giường Tôn giả trong chớp mắt. Cũng qua một hồi đối thoại ngắn, Trời Đế Thích cung kính đảnh lễ rồi xin rút lui.

Trời đã khuya, không những trong vườn bà Sàrì mà dường như cả làng Nàlaka đồng trở nên sáng rực. Đó là các vị Đại Phạm Thiên xuống hầu Tôn giả Xá-Lợi-Phất, cũng cung kính nghiêng lưng thi lễ và muốn săn sóc bệnh tình cho Ngài. Tôn giả cảm ơn và rồi họ cũng cáo biệt.

Bà Sàrì chứng kiến từ đầu, thấy rõ quang cảnh và nghe không sót lời một nào, bà nghĩ rằng:

"- Không biết những vị nào như các Đấng Thiên Thần oai lực và cao sang như thế lại đến thăm con ta, đảnh lễ con ta rồi nói gì rằng là... hầu hạ... sai bảo nữa? Mà cũng kỳ lạ, là con ta có vẻ lớn hơn họ, là bậc Thầy của họ?"

Bà Sàrì rời phòng, rón rén đến tận cửa phòng của Tôn giả, muốn gặp Trưởng lão Cunda để thăm hỏi bệnh tình. Tôn giả đã biết chuyện này nên bảo Trưởng lão Cunda mở cửa để bà Sàrì vào.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất dựa lưng trên chiếc gối, ngồi dậy:

- Đã khuya rồi mẹ chưa đi ngủ sao?

- Mẹ ngủ sao được khi tả lỵ nó hành hạ con như thế!

- Con đã khỏe rồi mẹ ạ!

Bà lặng lẽ quan sát thần sắc Tôn giả thấy có hư hao nhưng vẫn toát ra cái an nhiên, thanh thản lạ kỳ! Rồi căn phòng bệnh của tả lỵ, mà sao lại thanh sạch và như tỏa mùi hương (các vị trời âm thầm bỏ lại hương trời, tẩy xú khí).

- Này con! - bà Sàrì hỏi - Tại sao đã khuya rồi mà có những người đến thăm con như vậy? Các vị đầu tiên là ai mà oai phong lẫm liệt, oai gấp trăm lần vua loài người, mà chung quanh họ lại sáng rực như có hào quang? Họ là ai vậy con?

Chưa trả lời vội, Tôn giả bảo Trưởng lão Cunda lấy cho Mẹ một cái ghế, còn Tôn giả sửa lại oai nghi, ngồi kiết già rồi mới nói chuyện:

- Thưa mẹ! Đấy là bốn vị Vua Trời, còn gọi là Tứ Đại Thiên Vương oai trấn bốn châu thiên hạ đấy!

- Bà Sàrì rùng mình, nổi gai ốc: "hèn gì!" Rồi bà bồn chồn hỏi:

- Họ oai đức như vậy, cao sang như vậy, sao họ lại đến thăm con, cung kính đảnh lễ con? Có lẽ nào con lại cao hơn họ sao?

- Thưa mẹ! Những vị Trời ấy có tâm rất cao thượng, họ hằng hộ trì Phật Pháp. Khi Đức Bổn Sư đản sanh, chính họ tiếp bồng hoàng tử bằng tấm da mịn. Họ luôn luôn bảo vệ Đức Bổn Sư, như bốn vì Thiên Tướng cặp kè với gươm giáo sáng lòe vậy. Con cũng hay giảng đạo, dạy đạo cho họ nên họ cung kính con, coi con như bậc Thầy!

Bà Sàrì nghe vậy, hoan hỷ đến tận chân tơ kẻ tóc. Móm mém cười, bà hỏi tiếp:

- Còn vị đến sau? Vị đó ngó bộ oai sang hơn bốn vị trước! cái thân như tạc bằng ngọc ngà châu báu, hào quang đã sáng mà lại đẹp. Ôi, lại đẹp một cách lạ lùng! Vị ấy là ai?

- Thưa mẹ! Vị đó là Vua cõi Trời Ba mươi Ba hay còn gọi là cõi Trời Đao Lợi mà người ta hay gọi là Đế Thích Thiên Vương. Vị này cũng còn là vua của bốn vị kia nữa. Thế gian hay gọi vị này là Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì Ngài có rất nhiều thần lực.

- Vị như vậy mà còn thua cả con sao?

- Thưa mẹ! Đối với tỳ-khưu, đối với chúng con thì vị Trời ấy cũng như một chú sa-di, một người hầu để sai bảo việc vặt thế thôi!

- Khiếp! Nghe ông con nói mà khiếp!

Tôn giả mỉm cười:

- Mẹ không tin sao? Để con gọi Ông Đế Thích ấy xuống đây, sai bảo cho Mẹ xem nhé?

Bà Sàrì chối đây đẩy, xua tay lia lịa:

- Thôi! Thôi! Mẹ tin rồi! Thấy oai tướng của ông Trời ấy mẹ đã khiếp rồi! Mẹ thiếu đức, thiếu phước nên sẽ cúi đầu, run rẫy trước ông ta mà thôi!

Tôn giả giải thích tiếp:

- Có một mùa an cư, Đức Thế Tôn nhập hạ ở cõi Trời ấy về. Chính vị Trời Đế Thích cao sang ấy đã mang y bát cho Đức Thế Tôn, tiễn đưa Đức Thế Tôn đến tận quả đất với lòng thương kính và trân trọng.

- Ồ! Còn mấy vị đến sau, hào quang sáng cả vùng trông rõ mồn một như ban ngày? Ôi! Các vị này thân thể như ánh sáng, nhẹ nhàng, thanh cao và tinh khiết làm sao! Mới thấy họ thôi mà tâm hồn mẹ đã lâng lâng, mát mẻ vô cùng. Họ là ai vậy con?

- Thưa mẹ! Đấy chính là những vị Đại Phạm Thiên, là những Bậc Thần Linh Cao Cả mà mẹ tôn thờ đấy!

- Hả?!!!

Bà Sàrì tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên quá, miệng dường như không còn ngậm lại được.

Biết mẹ đã khởi tâm tịnh tín, Tôn giả giảng tiếp:

- Vào ngày Đức Bổn Sư xuất thế, có bốn vị Đại Phạm Thiên ở cõi Trời Ngũ Tịnh Cư Thiên, bốn người bốn góc đã căng một tấm lưới bằng vàng mịn tiếp hoàng tử đấy. Thường thường vào buổi khuya, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe. Không những họ coi Đức Bổn Sư là Bậc Thầy Vô Thượng mà họ cũng xem chúng con như Bậc Thầy mà họ hằng ngưỡng mộ, tôn sùng!

Bà Sàrì tâm tư đã hoàn toàn đổi khác, bà nghĩ:

"- Ôi! Ai ngờ rằng con trai ta mà cao cả đến thế, cho đến các vị Đại Phạm Thiên mà giòng tộc ta tôn thờ, lễ lạy, cúng kiến từ đời này sang kiếp nọ cũng ở dưới con ta không biết bao nhiêu bực! Ôi! Nếu con ta đã là vậy thì oai đức của Đức Thế Tôn kia cao lớn biết dường nào?"

Một sự thỏa thích, hoan hỷ tràn ngập tâm ta bà; một niềm mát mẻ, trong lành tỏa khắp cả châu thân bà. Tôn giả Xá-Lợi-Phất ghi nhận được sự diễn biến ấy, và đây là thời tốt đẹp nhất để thuyết cho bà rõ ạn Đức của Tam Bảo.

Tôn giả bèn hỏi:

- Thưa mẹ! Mẹ nghĩ gì mà khuôn mặt mẹ rạng sáng đến như vậy?

- Này con! Không rạng sáng sao được khi con trai của mẹ cao cả hơn các Ngài Đại Phạm Thiên? Và chắc chắn rằng Thầy của con, Đức Thế Tôn lạ lùng ấy, rõ đúng là vô biên vô lượng ân đức nhất dưới gầm trời này!

Tôn giả gật đầu:

- Đúng vậy mẹ ạ! Mẹ đã suy nghĩ rất đúng. ạn đức của một vị Phật thì chính ngay hư không hay biển cả kia cũng không thể so sánh được. Mẹ biết không? Dễ gì có một Đức Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện trên đời này? Phải kể đến hằng trăm đại kiếp mới tượng ra được một nhân cách hùng vĩ như thế. Ngày Đức Bổn Sư ra đời, quả địa cầu dày bốn mươi do tuần này rung chuyển ba lần. Ngày Đức Thế Tôn thành đạo cũng thế. Không những địa đại rung chuyển mà cả hằng vạn cõi trên khắp đại thiên thế giới cũng chấn động như sóng dội!

Thưa mẹ! Con thì đã có nghĩa gì, mặc dầu giữa thế gian này, con đứng hàng thứ hai sau Đức Phật! Về Phước Đức, về Định Lực, về Trí Tuệ, về Giải Thoát, về Kiến thức hiểu biết quảng đại, về Phẩm Hạnh, về Công Hạnh, về các Tâm Vô Lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả thì con cũng đã thành tựu khá nhiều, nhưng so với Đức Phật thì có thể ví như hạt cát với biển cát của con sông Đại Hằng, như một hạt bụi so với ngọn Hy mã lạp sơn!

Rồi tuần tự, từ từ, chậm rãi, Tôn giả nói cho bà Sàrì nghe về ạn Đức của Phật, ạn Đức của Pháp, ạn Đức của Tăng... làm cho bà Sàrì như rơi vào vùng biển trời bao la, lạ lùng, choáng ngợp, hùng vĩ, huy hoàng... Thời Pháp chưa chấm dứt mà bà đã đắc quả Tu-Đà-Huờn, nhập vào dòng Thánh.

Bà Sàrì hoan hỷ quá, hân hoan quá, bà thốt ra lời trong những giọt lệ mừng vui, lần thứ nhất và cuối cùng ở trong đời:

- Này Upatissa! Từ nay mẹ không dám gọi xách mé ông nữa, mà mẹ sẽ gọi ông là tỳ-khưu Upatissa, là Sa môn Xá-Lợi-Phất! Một người có ân đức vô lượng vô biên, đã cho mẹ uống được những giọt nước ngọt ngào, đã cho mẹ thấy rõ đường đi nước bước, biết đặt đức tin đâu là đúng, đâu là sai. Ôi! Quý hóa thay! Này Sa môn Upatissa! Sao từ trước đến nay ông không chịu dẫn dắt mẹ? Tại sao trong suốt những năm tháng qua, ông không cho mẹ một sự hiểu biết Chơn Chánh, Bất Tử này?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất hân hoan tự nghĩ:

"- Thế là ta đã báo đáp được trong muôn một ân sinh thành dưỡng dục cho Mẹ. Và đấy chính là điều phải làm duy nhất còn lại đối với ta. Vậy mọi bổn phận trên đời này ta đã hoàn tất, đã chu toàn, ta ra đi là phải lẽ, đúng thời"

Khi bà Sàrì rời khỏi phòng, Tôn giả hỏi Trưởng lão Cunda:

- Giờ là canh mấy rồi?

- Thưa, đã quá canh ba, trời đã rạng sáng.

- Ta muốn nói chuyện với Chư Tăng lần cuối cùng, em triệu tập giúp ta nhé!

- Thưa vâng!

- Ta đã tập trung tất cả mọi sức lực còn lại để nói chuyện với mẹ, giờ ta yếu lắm! Em hãy bảo người khiêng ta ra Nhà Hội, Chư Tăng cũng sẽ tụ họp ở đấy!

- Thưa vâng!

Khi đã an vị đâu đó xong xuôi, nhìn Chư Tăng một cách rất ân cần, Tôn giả nói:

- Tất cả mọi điều đáng nói, ta đã nói hết rồi. Bây giờ ta chỉ xin các thầy hoan hỷ bỏ lỗi cho ta vì một vài hành vi hay lời nói nào đó mà làm cho các thầy buồn lòng. Trên con đường tấn tu Phạm hạnh, ai cũng có những sai lầm, không nhiều thì ít. Đây là giây phút cuối cùng, các thầy hỷ xả bỏ qua cho ta nhé?

Chư Tăng đệ tử của Tôn giả đồng trả lời:

- Ngài đừng nói như thế mà tội nghiệp cho chúng con. Ôi! Quả thật một sự mếch lòng nhỏ như hạt bụi giữa Ngài đối với chúng con cũng không có! Với chúng con, Ngài là một viên ngọc Mani không tỳ vết, là mặt trăng, là mặt trời lồng lộng giừa không trung! Dù Ngài có ra đi, có khuất bóng, dấu chân Bất Diệt và Cao Cả của Ngài vẫn còn đó. Chúng con nguyện đi theo dấu chân ấy và ghi khắc hình ảnh của Ngài vào tâm khảm. Phải nói ngược lại mới đúng: xin Ngài hoan hỷ xá tội cho những lầm lỡ của chúng con!

- Lành thay - Tôn giả nói, giọng đã yếu lắm - Hãy lấy Phật làm ngọn đèn, hãy lấy Pháp làm chân lý lên đường, hãy lấy Tăng làm áo giáp ngăn che. Vậy các thầy sẽ được bình an về nơi cõi miền Giác Ngộ. "Hãy tinh tấn, gia công chuyên niệm, kiên trì chăm chú đừng có xao lãng - đấy là lời dạy cuối cùng của ta." Các thầy hãy lui ra!

Cả năm trăm vị tỳ-khưu, rất nhiều vị đỏ lệ ngậm ngùi nhưng đều vâng dạ, bước ra ngoài, vòng tay cúi đầu hoặc nhìn vào. Bên cạnh Tôn giả chỉ còn ba vị Trưởng lão A-La-Hán, đó là Cunda, Ly-Bà-Đa và A-Nậu-Đà-La.

Tôn giả ngước nhìn cả ba vị Trưởng lão rồi nói nho nhỏ:

- Giờ là phải thời, cho phép tôi đi trước chư hiền!

Cả ba lặng lẽ chấp tay, cúi đầu. Tôn giả xoay người nằm nghiêng về bên phải, chân phải duổi thẳng, chân trái co lên, đầu gối lên cánh tay phải, tay trái bỏ dọc theo thân mình. Trưởng lão Cunda kéo y ngoại phủ chân và phủ đầu Ngài. Lát sau, nhiếp tâm, Tôn giả nhập Sơ thiền, từ Sơ thiền Ngài đi vào Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên thiền, Thức vô biên, Vô sở hữu, Phi phi tưởng rồi đi vào Diệt thọ tưởng định. Từ Diệt thọ tưởng định, một lượt nữa, Ngài xuống lại Sơ thiền. Từ Sơ thiền Ngài lên lại Tứ thiền. Dừng lại ở Tứ thiền, Ngài trú sâu viên mãn vào đại định rồi hoàn toàn đi vào Niết Bàn Tịch Diệt.

Lúc ấy, vầng thái dương cũng bắt đầu ló dạng ở chân trời như chào đón một Bậc Vĩ Nhân, một Ngôi Sao Sáng đã đi vào vĩnh cửu. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Kattika ở Ấn Độ, vào khoảng giữa tháng 10 và 11 Dương lịch.

* * *

Bà Sàrì nằm nghỉ một lát thì trời đã sáng bừng, bà vội vả trở dậy với ý nghĩ: "không biết bệnh tình của Ông con ta giờ ra sao?" Bà bước sang phòng, vắng tanh. Thấy mọi người trang nghiêm đứng trong Nhà Hội, bà bước vào. Tới nơi chỗ nằm, bà lần lượt sờ chân, sờ mũi, sờ đầu mới biết rằng Tôn giả đã tịch! Bà liền quỳ dưới sàn phòng, than khóc, nước mắt, nước mũi nghẹn ngào.

- Ôi! Ông con trai cao quý của mẹ đã đi rồi! Ôi! Ông con trai suốt đời hiền lành, dịu dàng, nết na, mẫu mực... giờ không còn nữa! Trước khi mất, mẹ mới biết rằng ông là người cao cả, đức lớn hơn cả Phạm Thiên! Thế nhưng đã muộn rồi, ông con ơi! Gần suốt một trăm năm, mẹ đã không tạo được, không tích lũy được một công đức nào cả trong cái ngôi nhà đồ sộ này cả. Mẹ đã không biết cung kính, cúng dường cho hằng trăm Sa môn, hằng ngàn Sa môn chân chánh và cao thượng. Mẹ đã không xây cất được một tịnh xá, không dâng được một mảnh đất, chưa thật sự phát tâm hoan hỷ dâng một chút ít vật thực cho Đức Phật và Tăng chúng. Ôi! Của cải chất đầy rương mà mẹ chưa có một chút phước báu nào cả ông con ơi!

Bà Sàrì kể lể cho đến khi mặt trời lên cao. Ba vị Trưởng lão A-La-Hán ngồi đại định ở ba góc xung quanh nhục thể của Tôn giả. Nhìn sự yên tỉnh ấy, một hồi, tâm bà thanh thản hơn. Chư Tăng lần lượt bước vào đảnh lễ. Tôn giả A-Nậu-Đà-La xuất thiền, khẽ nói nhỏ vào tai bà Sàrì :

- Không nên khóc nữa, thưa Mẹ! Con Trai của Mẹ đã nhập Niết Bàn, nghĩa là đã đi vào chốn an vui vĩnh cửu, từ rày không còn đính một tí đau khổ nào nữa, dầu chỉ là đầu ngọn cỏ kusa! Mẹ hãy tỉnh táo, lau ráo nước mắt, lo hậu sự cho Con Trai Mẹ, với tất cả tấm lòng của mẹ, rồi mẹ sẽ cảm thấy yên ổn và mát mẻ lạ lùng!

Thưa Mẹ! Mẹ chỉ mất đi một người con đức hạnh, nhưng chúng con lại mất đi cả Một Kho Tàng Pháp Bảo, mất đi một Ngôi Sao Sáng bên cạnh Đức Tôn Sư; mất đi một người Cha, một người Mẹ, một người Anh Cả trong Giáo Hội và Tăng Đoàn. Chúng con mất mát lớn hơn cả mẹ nữa đấy! Mẹ hãy nhìn xem Chư Tăng kìa! Anh Trai Trưởng của chúng con ra đi, cả năm trăm đứa con kia - mới chỉ là số ít thôi - đã cảm thấy bơ vơ không có nơi nương tựa! Nhưng định luật là vậy, có sinh thì có diệt, có tụ thì có tan! Còn vấn đề tạo công quả thì không có gì phải muộn màng! Chư Tăng còn chầu bên linh giác, Đức Phật còn tại thế, Giáo Hội còn trường tồn. Mẹ hãy chứng tỏ cho các thôn làng xung quanh đây - những ngôi làng Bà la môn kỳ cựu - biết rằng mẹ là mẹ của bảy vị A-La-Hán cao cả, mẹ đã đứng vững trong Chánh Pháp, mẹ có Đức Tin Bất Động với Tam Bảo, mẹ đã nếm được hương vị của Đạo Bất Diệt. Thưa Mẹ! Những lời con đã mạo muội nói ra như vậy, mẹ nghĩ có đúng không?

Bà Sàrì gật đầu mạnh mẽ:

- Rất đúng, hoàn toàn đúng, thưa Tôn giả! Các Ngài và ông con trai của tôi nói lời nào là đúng lời ấy mà trước đây tôi vì quả mê muội nên không thấy. Hãy cho tôi được sám hối Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng.

Bà quỳ xuống đảnh lễ, cả ba vị A-La-Hán chứng minh cho lời sám tội ấy.

Sau đó, bà Sàrì rộng tay mở kho tàng, lấy ra những bao vàng lớn. Thế rồi hằng trăm gia nhân chạy tới chạy lui xuôi ngược. Hằng chục Trưởng lão trong thân quyến ăn vận nghiêm trang đến nhà theo lời mời của bà Sàrì. Hằng trăm thợ thầy danh tiếng, hằng trăm người phụ việc tuân lệnh răm rắp theo lời chỉ dẫn của bà. Từng núi lương thực được chở đến. Vật liệu, hương liệu, tràng hoa, vật thơm, vải vóc... ngựa xe nườm nượp. Gỗ chiên đàn, gỗ thơm hương vàng cháy theo thuyền trên nguồn tải về.

Thế là chỉ trong ba ngày, một ngôi Nhà Hội Tế được dựng ngay chính trung tâm làng Nàlaka. Tất cả cột và vòng khung toàn bằng gỗ quý, thếp vàng, thếp bạc. Chính giữa ngôi Nhà Hội Tế có hai mái che phủ rộng rãi, có bao lơn, có trường bản được khắc chạm tinh vi với những trụ cột cũng được bọc vàng bên ngoài. Tất cả khí cụ thờ tế hoặc trang hoàng khác cũng bằng vàng, bằng bạc.

Thật là tài tổ chức, sự khéo léo sắp đặt, chỉ huy của bà Sàrì vẫn còn hiệu năng, đắc dụng như thuở nào! Cả mấy làng trầm trồ thán phục một bà lão trăm tuổi. Chưa thôi, hằng ngày, gia nhân chăm lo vật thực đầy đủ, sung mãn, thượng vị cúng dường cho năm trăm thầy tỳ-khưu. Hằng ngày, số người ăn, cả quan khách, thầy thợ và gia nhân bao giờ cũng trên ngàn người. Một mình bà Sàrì quán xuyến tất cả.

Đến ngày thứ tư, quan khách đông hơn, và Tôn giả A-Nậu-Đà-La nói với bà Sàrì là rất nhiều Chư Thiên cũng trà trộn xen lẫn vào đấy để cùng tham dự. Có điều hay là mặc dầu đã ở trong hàng ngũ Chánh Đạo, bà Sàrì vẫn để cho các trưởng giáo Bà la môn và quan khách tổ chức hội tế theo truyền thống, tập tục của dân làng. Khi số người đông đảo ấy đã hành lễ suốt mấy ngày theo nghi thức tang lễ cổ truyền đã xong, bà cho dựng ngay một dàn hỏa thiêu cao trọng bằng tất cả các loại gỗ quý nhất, củi đốt cũng bằng gỗ trầm hương. Nhục thể của Tôn giả Xá-Lợi-Phất được phủ bằng hàng chục loại hoa tươi, hương liệu thơm như đinh hương, hồi hương, nước hoa ngát ngào đủ loại, và được tôn trí trên cao.

Thế rồi, Chư Tăng đứng vòng quanh, tụng những biến kinh về Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã. Ba vị Trưởng lão A-La-Hán cầm những bó mồi bằng rễ cây Usìva thơm hương, châm lửa đốt. Lời kinh của năm trăm người đọc quả có uy lực kinh thiên động địa, dào dạt, ùn ùn như sóng lượn giữa không gian. Lửa bốc cháy, thơm ngào ngạt, lan xa cả mấy ngôi làng...

Trong đêm hỏa thiêu ấy, có mấy ngàn người tham dự cùng vô số Chư Thiên chứng kiến. Tôn giả A-Nậu-Đà-La, Ly-Bà-Đa và một số tỳ-khưu cao hạ khác thay nhau thuyết pháp không nghỉ. Khi lửa tàn chỉ mới cuối canh hai, Tôn giả Ly-Bà-Đa và A-Nậu-Đà-La lấy những thùng nước hoa tưới tắt những cục than âm ỉ khói. Trưởng lão Cunda đến góp nhặt xá-lợi vào vuông vải lọc.

Bà Sàrì đưa ra một cái hộp bằng vàng để đựng di cốt nhưng Trưởng lão Cunda nói:

- Không, Thưa mẹ! Chỉ vuông vải lọc của thầy tỳ-khưu như thế này là đẹp lắm rồi. Con sẽ đi ngay, kịp thời về trình báo với Đức Thế Tôn. Con không thể lưu lại đêm, hay lưu lại một giây khắc nào nữa cả.

Nói xong, Trưởng lão Cunda sửa lại y bát, buộc vuông vải lọc chứa đầy xá-lợi, đồng thời cầm luôn Y Tăng-Già-Lê và Bình Bát - là di vật của Tôn giả Xá-Lợi-Phất - cấp tốc lên đường.

Hội chúng trống rỗng

Trưởng lão Cunda hơn năm ngày bộ hành cấp tốc mới đến được Kỳ Viên tịnh xá. Không nghỉ ngơi, Ngài tìm gặp Tôn giả Ànanda, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên:

- Thưa Ngài! Tôn giả Xá-Lợi-Phất, anh trai trưởng của con đã nhập diệt rồi. Đây là di cốt, đây là bình bát và y tăng-già lê của Ngài.

Tôn giả Ànanda lặng ngắt một hồi lâu, thò tay sờ vuông vải lọc, sờ y, sờ bát rồi nói như một cái máy.

- Vâng, thưa Tôn giả! Chúng ta hãy ra mắt Đức Tôn Sư!

Thế rồi cả hai vị đến đảnh lễ Đức Đạo Sư.

- Bạch Đức Thế Tôn! Tôn giả Cunda vừa từ Nàlaka đến đây, có báo với đệ tử rằng đại huynh trưởng của đệ tử là Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã nhập Niết Bàn rồi. Và đây là di vật của Con Người Cao Cả ấy!

Nói thế xong, Tôn giả Ànanda đôi mắt ứa ra hai hàng lệ, nghẹn ngào:

- Khi đệ tử nghe tin ấy, tâm tư đệ tử trở nên bàng hoàng và cơ thể cảm nghe như yếu ớt, suy nhược đi. Mọi vật chung quanh như quay cuồng, mờ nhạt. Và tâm trí của đệ tử như rơi vào trạng thái mơ hồ, mông lung, không còn phân biệt cái gì ra cái gì nữa cả. Ôi! Đệ tử rất đau đớn!

Đức Phật biết tâm tư của người đệ tử giàu xúc cảm, Ngài cất giọng từ hòa:

- Này Ànanda! Sao ông lại nói như vậy? Xá-Lợi-Phất nhập diệt có lấy đi của ông phần nào giới hoặc định hay không? Hay Xá-Lợi-Phất đã mang đi tất cả trí tuệ và giải thoát của ông mất rồi?

- Anh Cả của đệ tử không lấy đi cái gì cả. Nhưng Người là cố vấn trí tuệ cho đệ tử, đã giảng giải Pháp Bảo cho đệ tử một cách trọn vẹn, rõ ràng và chân thực. Người đã dẫn dắt hàng ngàn tỳ-khưu vào Thánh Đạo. Những huấn pháp, dụ pháp của Tôn giả ấy linh động, ngát ngào, mát mẻ, ấm cúng và thâm diệu dường bao! Ôi! Vĩnh viễn đệ tử không còn nghe được những thời pháp đậm đà, sâu sắc và thắm thiết kia nữa!

Đức Phật lại phải an ủi, dạy bảo:

- Này Ànanda! Đừng sầu thương thái quá! Như Lai biết rõ tình cảm của ông đối với Xá-Lợi-Phất, nên trong buổi tiễn đưa, Như Lai đã cố ý không cho ông gặp mặt là vì vậy.

Tất cả mọi pháp hữu vi nó sinh diệt hoại thành ra sao ông đã biết rồi. Tất cả mọi cái gọi là yêu thích, yêu mến, luyến thương... chúng tạo ra ràng buộc, đau khổ như thế nào ông cũng biết rồi. Và ông còn thuyết pháp rất hay về điều đó nữa là khác. Như Lai chỉ nhắc nhở ông một điều thôi: "Hãy tự tạo cho mình một hòn đảo để nương tựa, một hòn đảo không sinh diệt - Bất Tử, một hòn đảo thoát ra ngoài mọi định luật vô thường, một hòn đảo ở trên mọi trạng thái và các điều kiện." Ông là bậc bác học, đa văn, quảng tuệ, Như Lai nói ít nhưng ông hiểu nhiều!

Tôn giả Ànanda cúi đầu ghi nhận nhưng dòng sóng cảm xúc trong tâm tư vẫn cứ tuôn trào.

Thấy vậy, Đức Phật đưa Tôn giả Ànanda vào công việc:

- Hãy tụ tập tất cả Tăng chúng trong Kỳ Viên tịnh xá đến ngay Đại Giảng Đường để Như Lai nói thêm về Người Anh Cả của họ.

* * *

Đức Thế Tôn ngồi lên Pháp tòa, phóng hào quang sáu màu trộn lẫn từng đôi một, duỗi thẳng cánh tay nhận vuông vải lọc đựng di cốt của Tôn giả Xá-Lợi-Phất, đưa lên cao rồi đặt vào lòng tay trái, nhìn hội chúng Chư Tăng đầy cả Đại Giảng Đường rồi Ngài nói:

- Này các thầy tỳ-khưu! Đây là di cốt có màu sắc sáng trắng như ngọc trai của một vị tỳ-khưu có phẩm hạnh trinh bạch tựa vỏ ốc. Đấy là Anh Cả của các ngươi! Ông ấy đã nhập diệt rồi. Và đây là Y, Bát còn lại!

Đức Thế Tôn đưa tay chỉ Y, Bát nằm bên cạnh Pháp tòa, mở lời tán dương công đức:

- Này các thầy! Xá-Lợi-Phất đã tu tập rất lâu, kể từ khi phát nguyện dưới chân Đức Phật Anomadassi đến nay với thời gian không thể tính được, Ông đã tích lũy Ba-la-mật như cát của con sông Đại Hằng. Quả vị mà Ông đạt được rất gần với Như Lai. Là một tỳ-khưu xứng đáng được tứ chúng tôn trọng và ngưỡng mộ. Trí Tuệ của Ông không ai bì kịp. Trí Tuệ ấy sáng suốt, quảng bác, rực chói như hàng triệu ngôi sao tụ lại. Ông ấy là một người sống đời biết đủ, ít ham muốn, điềm đạm, không dính bụi trần, ưa tĩnh cư, ưa tạo sự hòa hợp giữa Tăng chúng, không mệt mỏi trong Phật sự, không chán nãn trong việc giáo huấn môn đồ, là người bạn khả kính, khả ái của mọi người. Là một thiện trí thức vĩ đại.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Từ bỏ một gia tài không thua gì gia tài của trưởng giả Cấp Cô Độc, Xá-Lợi-Phất đã nhẹ nhàng ra đi để sống đời Sa môn vô sản bần hàn. Trải qua vô lượng kiếp sống đào tạo công hạnh, Ông ấy là người luôn luôn thân cận Như Lai, khi là thân phụ, khi là nội tổ, là chú, là bác, anh em, con cái, cháu chắt hoặc bạn của Như Lai. Ông ấy kiên định như đá tảng, khiêm nhu tựa lụa mềm, kham nhẫn giống đại địa, tĩnh lặng tợ bể sâu! Ông ấy sống đời vô hại và hữu ích cho mọi người. Sống với bè bạn, người thân, môn đệ Ông như con chúa đàn với đôi sừng bằng sắt sẵn sàng bảo vệ và ngăn chặn kẻ ác, điều ác không cho đến gần. Ông ấy còn tự ví mình như một người Chiên-Đà-La thấp kém nhất trong xã hội, thế nhưng lại là một Người Cao Cả Nhất trên đời này.

Đức Phật một lượt nữa lại đưa di cốt lên:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đây là xá-lợi của vị Tỳ-khưu ấy, có sắc trong sáng như ngọc trai, là vị Thánh Tăng duy nhất khi ra đi có cuộc tiễn đưa vĩ đại, quả đất phải rung động và sấm gióng đầy uy vũ giữa trời cao!

Trong trăm ngàn kiếp sống qua, Ông đã biết bao lần bức xiềng đời sống gia đình. Đã biết bao lần Ông khẳng khái chối bỏ ngọc vàng, tước lộc, thê nhi vì lý tưởng vô thượng của đời mình. Vị Tỳ-khưu ấy giờ đây mãi mãi được thế gian tôn thờ. Các thầy hãy bước theo gót chân của Xá-Lợi-Phất. Một gót chân mà dù ở giữa đô thị hay giữa rừng sâu cũng không làm hại đến một cọng cỏ; gót chân in dấu sự tịch lặng và vô nhiễm đến muôn đời!

Xá-Lợi-Phất là người chiến thắng vĩ đại! Một vị Tỳ-khưu phẩm hạnh trong trắng như vỏ ốc, xứng đáng xây dựng một bảo tháp để Chư Thiên và nhân loại cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng, dâng đèn hoa, trầm hương để tôn kỉnh đến ngàn sau.

Sau khi xá-lợi của Tôn giả Xá-Lợi-Phất được chính Đức Thế Tôn ca ngợi như vậy, tán thán như vậy, hai hàng cận sự nam nữ, vua chúa, đại thần, phú hộ, dân chúng quanh thành Xá-Vệ hùn góp tiền bạc, của cải nhanh chóng kiến tạo một bảo tháp để tôn trí xá-lợi của Ngài, trên một ngọn đồi cao, sâu trong rừng cây của hoàng thân Kỳ-Đà.

Đến ngày, Tứ chúng tổ chức một cuộc rước xá-lợi trang nghiêm và trọng thể. Đức Thế Tôn đi trước với xá-lợi, với kiệu, với lọng và tràng hoa; sau là một đoàn Chư Tăng cùng cận sự nam nữ cả hàng ngàn người. Xúc động nhất là Tôn giả Ànanda, bị bỏ lại đằng sau xa, khóc lóc, than thở với nước mắt dầm dề, như người vô hồn, lặp đi lặp lại mãi:

"- Ôi! Người bạn cao thượng của tôi đã đi rồi thì đối với tôi, cuộc đời sẽ chìm sâu trong đêm đen lạnh lẽo!"

Tôn trí xá-lợi trên bảo tháp xong, Đức Phật bảo Tôn giả Ànanda:

- Thấy di vật, ông lại tưởng nhớ Ông Anh Cả! Vậy hãy tập hợp Chư Tăng, hãy cùng với Như Lai về Vương-Xá. Như Lai cũng không muốn ở lại đây nữa!

Ngay ngày hôm sau, là một cuộc lên đường vĩ đại từ nước Kosala, dọc theo sông Hằng về nước Ma-Kiệt-Đà. Ròng rã ngày đi, đêm nghỉ, Đức Phật khi ấy đã quá già yếu nhưng Ngài vẫn chậm rãi, kiên trì, dẽo dai trên đường trường. Vì bộ hành đông nên gần một tháng mới về đến Trúc Lâm tịnh xá.

Tôn giả Ànanda báo tin:

- Bạch Đức Thế Tôn! Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên cũng nhập diệt rồi.

- Như Lai đã biết!

Thấy Ànanda ngẩn ngơ như người mất hồn, Đức Phật ân cần nói:

- Tại Kỳ Viên tịnh xá, khi đang xây bảo tháp cho Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên đã có đến đảnh lễ và xin phép Như Lai rồi.

- Vậy thì xá-lợi của Tôn giả hiện ở đâu?

- Đã có Ca-Diếp làm việc ấy.

Lát sau, Tôn giả Đại Ca-Diếp mang vuông vải lọc đựng di cốt, Y và Bát của Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên đến đảnh lễ bên chân Phật.

Tôn giả Đại Ca-Diếp giải thích cho Tôn giả Ànanda nghe:

- Tôn giả Mục-Kiền-Liên đã ba lần dùng thần thông để tránh bọn giết người, nhưng sau đó Tôn giả nghĩ rằng không nên trốn tránh nghiệp. Vậy là Tôn giả cứ ngồi bất động cho bọn kia đâm, chém, chặt ra từng khúc rồi quăng vào bụi tre. Khi bọn giết người đi rồi, Tôn giả hóa hiện thần thông, hoàn thân lại như cũ, bay về Kỳ Viên tịnh xá và xin Đức Thế Tôn để Niết Bàn!

- Này Đại Tôn giả! Tôn giả Mục-Kiền-Liên gây nhân gì mà quả báo khủng khiếp vậy?

- Nói ngắn gọn là quả báo bất hiếu với mẹ cha!

Đức Thế Tôn nói với hai vị Tôn giả:

- Cả hai ông nên bố cáo chuyện này với Chư Tăng, cận sự nam nữ hai hàng, phải xây một bảo tháp như của Xá-Lợi-Phất để tôn trí xá-lợi cho Mục-Kiền-Liên. Các ông hãy đi đi. Như Lai rất mệt. Như Lai muốn nghỉ ngơi bảy ngày. Đừng cho ai quấy rầy Như Lai!

Thế là Đức Thế Tôn đóng hương phòng, an trú vào diệt thọ tưởng định - là chỗ tĩnh cư của bậc Thánh. Khi xuất định thì bảo tháp đã xây xong. Cuộc rước xá-lợi cũng trọng thể, huy hoàng. Đức Thế Tôn tự tay đặt di cốt của người học trò yêu thứ hai vào bảo tháp.

Ba hôm sau, Đức Thế Tôn lại rời Trúc Lâm tịnh xá cùng với Tăng chúng lên đường. Ngài lại đi ngược dòng sông Hằng lên đến xứ Vajji, tại Ukkacala. Ở đây, tạiû một bãi cỏ trống, với đại chúng vây quanh, Đức Thế Tôn nhìn ra sông Hằng sóng vỗ cuồn cuộn, rồi nói:

- Này các thầy tỳ-khưu! Các thầy có thấy không? Sông Đại Hằng nước lũ cuồn cuộn, nó sẽ cuốn theo mình bao nhiêu rác bèo, đất cát về với biển cả. Giòng sông Sinh Tử cũng vậy, nó cuốn đi tất thảy chúng hữu tình, dẫu là Chư Thiên, Phạm Vương, Ma quân hay vua chúa, chúng sanh vạn loài. Giờ đây nó đã cuốn đi hai vị Đại Đệ Tử ưu tú của Như Lai!

Các ông có biết không? Các Bậc Thế Tôn, các Đấng Toàn Giác từ ngàn xưa, ai cũng có hai ngôi sao xuất chúng bên cạnh mình, và bao giờ họ cũng ra đi trước Đấng Đạo Sư. Hai vị Đại Đệ Tử ấy bao giờ cũng được Tứ chúng kính yêu, nể phục do trí tuệ, công hạnh cùng phước báu Ba-la-mật của họ. Hai vị Đại Đệ Tử ấy là những người hoàn toàn về mọi phương diện. Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên là hai nhân cách ưu việt khó tìm thấy, không những các ông thương tiếc mà Như Lai cũng thương tiếc. Nhưng Như Lai và các ông đã thấy rõ, đã an trú vững chắc vào Tâm Bất Động, vào Tuệ Bất Động khi nhìn ngắm các pháp hữu vi vốn chịu tác động bởi những định luật tất yếu. Nhờ thế mới nói đến giải thoát, nhờ thế mới nói đến chấm dứt Tử Sinh.

Này các thầy tỳ-khưu! Các ông hãy nỗ lực tinh cần, kiên định không mệt mỏi để bước lên Con Đường. Người bước lên trước dẫn người bước lên sau, phải lên đến đỉnh đồi cao Bất Tử ấy để ca bài ca Chiến Thắng và Tự Do!

Đưa mắt lặng lẽ nhìn đại chúng, Đức Thế Tôn nói thầm trong tâm rằng:

"- Khi Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên đi rồi - thì đối với Như Lai - Hội chúng này hoàn toàn trống rỗng!"

Khởi viết từ năm 1980
Hoàn thành năm 1995.

Cảm Bạt
Trong trường miên nỗi nhớ
gió vô tận rì rào
cát hồng, đốm tía lả tả bay
sóng tâm tư dạt dào
mây, vén ra trên khung xanh
bóng người lừng lửng
từ sát-na mà hiển hiện vô cùng
Tôi đãkhóc
thương tuyết đổ trên sông dài
thương mù sa trong bóng khói
Người
ra đi không dấu chân
mà nở hoa vạn đại
hiện giữa Kinh Thư
như máu huyết
như tủy xương
như óc tim từ lá cỏ thảo nguyên trù mật
Ôi! Thánh hạnh như chu sa
khắc trên trán ngày trán đêm
giữa điêu linh và nỗi chết
Tôi nhặt làn hương
tôi nhặt hạt sương
tôi nhặt ánh sao
để nói rằng hư vô còn mãi
loảng xoảng trong giấc mơ của anh
bập bùng theo tóc bạc của tôi
xác bướm đêm và phù du trên lửa
Ôi! đứng giữa đồi cao này
dế trắng ca thiên thâu
hoang vu từng hạt bụi
thế gian không bóng người
sông dài còn lam lũ
lũng thấp mãi bò quanh
thiên đường kia đãcũ
bước chân này từ đỉnh Hy-ma
hơi thở này tự tại mở ra...
HẾT

Chân thành cảm ơn anh Bình Anson đã gửi tặng Thư Viện Hoa Sen bản vi tính điện tử quyển sách này (Tâm Diệu)
(http://old.thuvienhoasen)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7272)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7113)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6708)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5404)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8243)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6742)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14324)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn