Cảm Hóa Aṅgulimāla

17 Tháng Tám 201409:34(Xem: 5498)

MỘT CUỘC ĐỜI 
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT 
TẬP 5 
Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
Nhà xuất bản Văn Học 2014


Cảm Hóa Aṅgulimāla


Đại đức Aṅgulimāla xuất thân từ dòng dõi bà-la-môn, trong một gia đình quý tộc nhiều đời. Mẹ ngài tên là Mantanī và thân phụ là Gagga, vốn là vị quân sư tài đức, khả kính của đức vua Pāsenadi xứ Kosala.

Trong đêm ngài sinh ra đời, một hiện tượng lạ thường chưa từng có xẩy ra, là tất cả vũ khí ở trong thành phát ra ánh sáng chói lòa; ngay cả thanh gươm báu của đức vua Pāsenadi xứ Kosala nằm trong bao, đặt ở căn phòng ngủ cũng sáng lên ánh thép lấp lóa, lạnh buốt, làm cho đức vua kinh hoàng.

Ông bà-la-môn Gagga, thân phụ của ngài Aṅgulimāla nhìn thấy hiện tượng như vậy liền bước ra hiên nhìn lên trời xem thiên văn. Giữa hư không vời vợi, một ngôi sao “kẻ cướp sát nhân” vừa xuất hiện. Lẩm nhẩm tính một hồi, mặt ông bà-la-môn thoáng đổi sắc, rùng mình, sợ hãi! Ngôi sao ấy chính là biểu hiện số mạng con trai vừa mới hạ sanh của ông, sau này nó sẽ trở thành “tên cướp sát nhân khét tiếng” hay sao?

Là quân sư của đức vua, người nắm cán cân công lý và sự an nguy cho xã tắc, ông bà-la-môn không cho phép mình vì tình riêng mà giấu kín mầm mống họa hại, nên trời vừa rạng sáng, ông đã vào hầu chầu đức vua Pāsenadi xứ Kosala, tâu rằng:

- Đêm qua bệ hạ ngủ có được yên giấc hay không?

Vua đáp:

- Thưa quân sư khả kính! Ta có ngủ yên được đâu! Không biết có điềm triệu gì mà thanh gươm báu của ta đặt ở trong bao lại phát ra ánh sáng chói lòa rất là khủng khiếp. Ta lo sợ có điều gì đó họa hại đến tính mạng của ta hoặc chuyện gì đó bất trắc xảy ra cho ngai vàng của ta chăng?

- Tâu bệ hạ! Vị quân sư mau mắn đáp – Đêm qua hạ thần có xem thiên văn, quả thật có một hung tinh vừa xuất hiện; nhưng điềm triệu ấy không liên hệ gì đến tính mạng cũng như ngai vàng của bệ hạ cả. Không những thanh gươm của bệ hạ mà tất cả các loại vũ khí ở trong thành đều phát sáng, đấy là do năng lực ác nghiệp của con trai hạ thần vừa mới sinh ra đời!

Vua ngạc nhiên, chồm người tới trước:

- Có chuyện gì vậy, quân sư hãy nói rõ cho ta nghe xem thử nào?

- Tâu! Con trai hạ thần vừa mới hạ sanh đêm qua, ứng vào vị hung tinh ấy, sau này, nó sẽ trở thành tên cướp sát nhân rất nguy hiểm!

- Có chuyện vậy sao? Đức vua hỏi dồn dập – nó sẽ trở thành tên cướp sát nhân? Chỉ là một tên cướp thôi hay là thủ lãnh một nhóm trộm cướp chuyên giết người, cướp của, dã man, tàn bạo, phá xóm, phá làng... và đe dọa cả ngai vàng của ta?

- Không phải vậy, tâu bệ hạ! Nó chỉ là một tên cướp, một mình nó thôi. Tuy chẳng tổn thương gì đến bệ hạ và ngai vàng, nhưng để tránh những họa hại về sau, xin phép bệ hạ cho hạ thần được giết chết nó khi đang còn hài nhi!

Đức vua Pāsenadi, vốn là một vị vua hiền đức, nghe vậy mở lời can ngăn:

- Đừng nên như thế, thưa quân sư khả kính! Nếu chỉ là một mình nó thì không thể xảy ra tai hại lớn lao được. Ta biết rõ quân sư một đời nghiêm minh cẩn cẩn, chí công vô tư, không vì tình riêng mà che mờ phép nước. Nhưng đứa trẻ kia vừa mới mở mắt chào đời, chưa làm gì nên tội, quân sư hãy tha cho nó mạng sống. Nếu bảo là do năng lực của ác nghiệp thì quân sư nên tìm cách ngăn chặn có lẽ tốt hơn! Hãy chăm sóc nuôi nấng, dạy bảo nó nên người! Hãy rèn luyện nhân cách, phẩm chất trong môi trường giáo dục đúng đắn thì ác nghiệp xưa sẽ không có cơ hội nẩy sinh. Thanh gươm nằm trong bao, mũi tên nằm trong giỏ thì làm sao hại người được mà sợ! Vậy từ rày nên đặt tên cho trẻ là Ahimsaka (Vô Hại).

Bà-la-môn Gagga cúi đầu tuân phục, ông cảm kích và tri ân đức vua hiền minh không kể xiết.

Cậu bé Ahimsaka lớn lên, tư chất thông minh đĩnh ngộ lại có sức mạnh phi thường. Ông bà-la-môn Gagga luôn luôn bị ám ảnh bởi hung tinh “Kẻ cướp sát nhân” nên ông giữ gìn, chăm sóc và giáo dưỡng trẻ rất cẩn thận, chu đáo. Tất cả các loại vũ khí trong nhà đều được cất giấu, không cho trẻ nhìn thấy. Ngôn ngữ đàm thoại từ trên xuống dưới cấm không được nói đến gươm, đao, giáo, mác, cung, nỏ... Ngay chính những từ, những chữ liên hệ trộm cắp, giết người, cướp của, ác độc, hung dữ... cũng không được dùng đến. Một môi trường sống tốt đẹp, hiền thiện bao bọc xung quanh trẻ, tạo nhân, tạo duyên cho những phẩm chất cao cả nẩy lộc, đâm chồi; đồng thời, một hạt mầm nhỏ nhoi của ác nghiệp cũng không có cơ hội duyên cảnh mà ló đầu ra!

Khi trẻ vừa lớn, tuổi đủ hai mươi, ông bà-la-môn Gagga cho Ahimsaka du học ở thành phố Takkasīla, là nơi có những ngôi trường đại học, đào tạo nên những vị quốc vương hiền minh, những nhà lãnh đạo tài ba, những hiền triết uyên thâm và cả những nhà ngôn ngữ, bác học, văn chương, nghệ thuật trác tuyệt!

Thanh niên Ahimsaka có thiên tư tuyệt vời nên bất cứ môn học nào, chàng cũng đều xuất sắc hơn người, vượt trội hơn người. Ngoài ra, Ahimsaka là người học trò luôn làm tròn tất cả phận sự đối với thầy, mà mọi lễ nghi, phép tắc không ai có thể chê chàng ở một điểm nhỏ nào. Tài năng và đức hạnh của Ahimsaka đều vẹn toàn. Người thầy già bà-la-môn chủ nhiệm rất hài lòng, luôn đem lòng thương yêu Ahimsaka và xem chàng như đứa con ruột của mình.

Sự việc ấy làm cho bạn bè đồng học ganh tỵ. Họ bàn bạc với nhau rằng:

- Môn học nào thầy cũng khen nức khen nở Ahimsaka! Môn học nào Ahimsaka cũng đệ nhất, cũng ở trên chúng ta một cái đầu, hai cái đầu! Các bạn nghĩ có chán chăng?

- Vâng! Người khác phụ họa – Kể từ khi có Ahimsaka chúng ta không ngóc đầu lên nổi! Nếu tình trạng này kéo dài, chúng ta còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ! Mặt mũi nào nhìn cha mẹ, bà con, họ hàng quyến thuộc nữa.

- Quả đúng như thế! Không có Ahimsaka, các môn học chúng ta phân chia đồng đều, lúc người nhất môn này, lúc người nhất môn khác. Có Ahimsaka tất cả chúng ta đều trở nên hạng bét. Đành phải cúi gằm mặt xuống để nghe thầy chửi mà thôi!

- Còn nữa! Người khác lên tiếng phụ họa – người đâu mà đức hạnh, lễ nghi, phép tắc... đều hoàn hảo đến như thế? Ahimsaka vốn là người đã đẹp, tuấn tú, phi phàm... kèm thêm nết hạnh trong sáng kia nữa... thì trong lòng thầy còn có chúng ta đâu mà mong!

- Nói tóm lại! Một người học trò lớn tuổi trong bọn cất cao giọng như biểu quyết – chúng ta phải cùng nhau tìm ra phương cách để đuổi Ahimsaka ra khỏi ngôi trường này. Mất Ahimsaka là chúng ta còn, còn Ahimsaka là chúng ta mất! Đấy là kết luận tối hậu!

Thế là sau buổi thảo luận hôm ấy, nhóm học trò đi đến quyết định là tìm cách để hãm hại Ahimsaka. Chúng biết rằng chẳng có cách gì, cách nào để nói xấu Ahimsaka được. Bảo Ahimsaka là dòng dõi thấp hèn ư? Chẳng thể nào, không những Ahimsaka là dòng dõi bà-la-môn, mà còn là dòng dõi bà-la-môn cao quý, thượng đẳng nữa! Bảo Ahimsaka thiếu tư cách, vô lễ, hỗn xược với thầy ư? Chẳng thể nào, nói vậy chẳng khác gì nói hương chiên-đàn có mùi thối hoắc và chim cộng-mạng hót không được hay! Ai mà tin! Mà có lẽ kết quả sẽ ngược lại.

Cuối cùng họ tìm ra được một kế mưu. Họ chia làm ba nhóm và nhóm nào cũng đều thưa với thầy một điều giống nhau. Ban đầu có lẽ thầy họ không tin, nhưng dần dà sẽ sinh ra hoang mang, ngờ vực, và sau rốt thì sẽ tin thôi.

Thế là kế hoạch được thực hiện từ từ. Ngày hôm sau, vào dịp thuận tiện nhất, nhóm thứ nhất kín đáo vào quỳ bạch với thầy:

- Ai cũng biết rằng, bạn Ahimsaka là người học rất giỏi, có đức hạnh, lẽ phép; từ lâu rất được thầy yêu bạn mến. Tuy nhiên, “đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”, xin thầy hãy coi chừng, đề phòng vì bạn Ahimsaka đang có âm mưu hãm hại thầy đó!

Nghe nói vậy vị thầy rất bực tức, liền quở trách họ, và cho rằng họ có ác tâm muốn làm tổn thương tình cảm giữa ông và Ahimsaka, bèn xua đuổi nhóm ấy đi.

Thời gian sau, y theo kế hoạch, nhóm thứ hai với số người đông hơn, cũng vào quỳ hầu thầy và thưa chuyện với nội dung y như lần trước. Họ cũng bị thầy quở trách rồi đuổi đi. Nhóm thứ ba cũng như thế, nhưng sau đó còn nói thêm:

- Nếu thầy không tin chúng con, thầy cứ quan sát, xem xét Ahimsaka thì biết. Ahimsaka có tài trí khác thường, nếu hắn có âm mưu hãm hại ai thì khó mà đoán được. Ngoài ra, tại sao đối với thầy, hắn lại cung kính, lễ độ, làm tròn tất cả mọi bổn phận “một cách khả nghi” như thế?

Sau nhiều lần quá, vị thầy bắt đầu suy nghĩ: “Sao cả ba nhóm học trò này đều thưa cùng một sự việc giống nhau? Và chúng đều có ý lo lắng cho sự an nguy của ta? Không có lửa thì làm sao có khói? Vậy thì từ rày ta phải để ý, coi chừng Ahimsaka xem sao?”

Khi không ngờ vực thì không có vấn đề gì, nhưng khi đã ngờ vực rồi thì cái gì ở nơi Ahimsaka cũng khả nghi cả. Sao y lại lễ phép quá như thế? Sao y bưng ly nước một cách trịnh trọng như thế? Sao y thưa hỏi bằng thứ ngôn ngữ nghiêm túc và phát âm một cách chuẩn xác như thế? Sao khuôn mặt y bao giờ cũng nghiêm trang, từ hòa đến vậy... Những sự ngờ vực này, tuy thời gian sau vẫn không tìm ra chứng cớ, nhưng vị thầy đã cảm thấy lo sợ, bất an mơ hồ. Sự lo sợ, bất an này ban đầu chỉ khởi lên nơi ý nghĩ, nhưng lâu ngày chầy tháng, chúng chìm vào vô thức và tạo nên những cơn ác mộng. Đến lúc này thì Ahimsaka đã trở thành nỗi ám ảnh không rời, vị thầy suy nghĩ: “Quả thật kẻ có tài trí khác thường như Ahimsaka mà ám hại ta thì ta không biết đâu mà đề phòng cho được. Cách tốt nhất để gìn giữ tính mạng là phải tìm cách hạ thủ y trước. Nếu tự tay đầu độc hoặc giết chết y, bọn học trò sẽ biết, và như vậy, vua chúa, bà-la-môn quý tộc cũng sẽ biết, rồi tiếng tăm xấu ác lan truyền ra nhiều quốc độ, rằng thầy mà giết học trò thì còn đâu là uy tín của ta nữa! Khi mà thiên hạ đã mất đức tin nơi ta, họ sẽ không còn gởi con cháu đến đây học nữa; theo đó, danh vọng ta sẽ mất mà lợi lộc cũng tiêu vong! Vậy ta hãy dùng mưu để giết Ahimsaka. Giết Ahimsaka mà không phải ta tự ra tay, ấy mới là thượng sách”.

Thế rồi, giữa đêm khuya thanh vắng, vị thầy bí mật cho gọi riêng Ahimsaka, dạy rằng:

- Này con! Trong lớp học chỉ có con là người tài trí phi thường, nên ta muốn truyền cho con một môn học tối cao, tuyệt đỉnh. Môn học này từ xưa đến nay, thầy chưa tìm ra người xứng đáng. Tất cả học trò của thầy không có ai đủ tư chất, bản lãnh để theo đuổi môn học bí truyền này. Nhưng có điều...

Ahimsaka cúi đầu:

- Xin thầy cứ nói!

- Muốn ứng dụng vào môn học bí truyền này con phải làm một việc “phi nhân”, thầy còn ngại là con không đủ can đảm.

- Con khá can đảm, thưa thầy! Nhưng “phi nhân” thì...

- Bởi thế ta mới ngần ngại...

- Xin thầy cứ nói thử...

- Con phải cải trang thành một tên cướp hung dữ, đến những chỗ khuất vắng, lần lượt tìm giết cho đủ số một ngàn người, thiếu một cũng không được. Khi ấy ta sẽ truyền thụ bí kiếp tuyệt đỉnh cho con!

Ahimsaka sợ hãi. 

- Con được sinh ra và lớn lên trong dòng dõi bà-la-môn cao quý, việc giết người là không thể, bạch thầy!

Vị thầy thở dài:

- Ta biết vậy mà! Ta biết con không đủ can đảm mà! Ta biết con còn bị ràng buộc, thiết định ở trong nền giáo dục đạo đức truyền thống nên chẳng bao giờ có thể học được cái gì cho thật đến nơi đến chốn, nhất là môn học “xuất phàm”!

Nói thế xong, vị thầy xua tay:

- Thôi, con đi đi! Thầy cũng không ép. Vả chăng, con sau này cũng chỉ thành tựu được những cái gì rất là tầm thường của một phàm nhân; còn việc hô phong hoán vũ, trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, giữa thông nhân sự... để sau này làm một bậc thầy ưu việt, một nhà lãnh đạo tài ba, xuất chúng, khả dĩ đem đến hạnh phúc và an vui cho toàn thể châu Diêm-phù-đề này, thì hãy để dành cho người khác vậy!

Vị thầy bỏ đi. Ahimsaka rất là khó xử. Khi chàng ra đi, cha mẹ ân cần đưa tiễn, dặn bảo là phải học hành cho đến nơi đến chốn; phải biết hy sinh cái vị kỷ để nghĩ đến lợi ích cho nhiều người; phải trở thành một người học trò xuất chúng, lỗi lạc! Nếu chàng không học được môn học bí truyền này thì chàng chỉ là kẻ học trò tầm thường, phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ hay sao? Nhưng nếu mà chàng giết một ngàn người thì đạo đức, lương tâm cùng giáo dục truyền thống của dòng dõi bà-la-môn đều không cho phép?

Suốt mấy đêm trường trằn trọc, thao thức; lựa chọn nào cũng khổ tâm cho chàng cả, biết làm sao đây? Cuối cùng, nghĩ đến sự kỳ vọng của cha mẹ, nghĩ đến sự tài cao, xuất chúng, nghĩ đến sự lợi ích cho nhiều người, chàng đành hy sinh cái “lương tâm bé nhỏ vị kỷ” của mình!

Hôm kia, chàng tìm thầy và thưa:

- Bạch thầy! Chí con đã quyết! Phải biết hy sinh cái nhỏ để thành tựu cái lớn mà thôi vậy!

Vị thầy biết cái lưỡi câu treo lơ lửng ấy tự con cá sẽ tìm đến để móc họng vào, bèn đáp:

- Thế là con đã suy nghĩ rất chín chắn. Vậy ngày mai, trước lớp học, con phải giả vờ xin phép về thăm cha mẹ bị bệnh để việc làm bí mật của con không ai biết, không ai hay! Xong xuôi, con hóa trang, mang theo mình năm loại vũ khí. Bao giờ con giết đủ một ngàn người, hãy về đây tìm ta, cũng vào lúc đêm khuya! Tuyệt đối môn học này không để người thứ ba nhìn thấy!

Ahimsaka tuân mệnh nhưng chàng lại đắn đo:

- Bạch thầy! Con chưa hề thấy vũ khí, lại chưa hề biết cách sử dụng vũ khí bao giờ!

Nghe vậy, lòng thầy bà-la-môn đau nhói, niềm bi mẫn khởi lên đối với chàng trai hiền thiện, nhưng vì nghĩ đến tính mạng của mình, ông ta thắng lướt được.

- Cũng bắt đầu khuya đêm mai, ở đây, thầy sẽ dạy sử dụng năm loại vũ khí cho con!

Thế rồi, đêm đêm, Ahimsaka khổ công luyện tập. Vị thầy không ngờ, với võ học, Ahimsaka học một biết hai; chàng có thể thâu tóm toàn bộ sở học võ thuật của thầy trong một thời gian rất ngắn.

Không lâu sau đó, Ahimsaka đảnh lễ từ giã thầy, lặng lẽ trang bị năm loại vũ khí, xuôi về phương Nam, đi mãi. Khi vào địa giới nước Kosala, gần kinh thành Sāvatthi, có một khu rừng rậm có nhiều cây trái, Ahimsaka dừng chân. Tìm được một hang động khuất tịch để ở, Ahimsaka bắt đầu một đời sống hoang dã, giết người để thành tựu môn học tối thượng, xuất phàm!

Ahimsaka không còn nhớ rõ thời gian mình đã sống trong rừng là bao lâu, và cũng không nhớ rõ là mình đã giết được bao nhiêu người! Ban đầu, quả thật, chàng không dám giết, chàng sợ máu và sợ cả đôi mắt người đối diện. Thật là khổ sở khi phải giết người mà lòng không mảy may thù oán và tâm không hề khởi lên ác niệm! Lần đầu tiên khi kẻ bị giết run lẩy bẩy, thì mặt chàng xanh mét, cắt không có một hột máu! Đêm về, chàng sợ hãi đến độ không dám ngủ, vì hễ cứ chợp mắt là hình ảnh người bị giết hiện ra! Nhưng khi nghĩ đến niềm hy vọng của cha mẹ, sự lợi ích cho toàn thể châu Diêm-phù-đề, chàng lại lấy hết dũng khí để giết mạng người thứ hai. Ám ảnh lại tái diễn và chàng lại phải nhắc nhở mình, tự trấn an mình. Thời gian sau, khi giết người đã thành thói quen, Ahimsaka thấy mình như một cỗ máy, giết người mà không khởi lên một ý nghĩ nào cả. Nhát dao đưa lên, thế là bóng người gục xuống. Chẳng kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, bình dân hay quý tộc. Những kẻ vào rừng kiếm củi, măng giang, mộc nhĩ, tìm trầm... hoặc bộ hành lang thang là nạn nhân của chàng.

Tuy nhiên, hôm kia, Ahimsaka sực tỉnh là chàng không thể nhớ hết số người đã giết là bao nhiêu. Sau đó, hễ giết được một người là chàng cắt lấy một đầu ngón tay để làm chứng. Những ngón tay để rải rác chỗ này chỗ kia trong hang động, cái bị thối, cái bị sâu kiến rúc rỉa, cái bị thất lạc – rốt lại, chàng lại mất công toi! Cuối cùng Ahimsaka nghĩ ra một cách, là xâu những ngón tay này phơi khô rồi mang ở cổ. Từ đó chàng có biệt danh là Aṅgulimāla, có nghĩa là kẻ cướp giết người, cắt đầu ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ.

Việc giết người này, thời gian sau đã kinh động từ làng này sang làng khác ven khu rừng. Không ai dám đi một mình vào rừng vì việc này hay việc nọ. Nhưng vì sinh kế, họ phải rủ nhau từng toán, từng đoàn từ ba, bốn người đến năm, bảy người; nhưng rồi cũng bị tên cướp sát hại. Đến nỗi, đôi khi có những đoàn đông từ ba mươi đến bốn mươi người, nhưng cũng không thoát khỏi lưỡi đao thiện xảo của Aṅgulimāla. Võ nghệ và cách giết người của Aṅgulimāla càng ngày càng tinh luyện. Người ta đồn đãi với nhau rằng:

- Lưỡi đao của Aṅgulimāla lạnh buốt, ánh thép chớp lên là năm, bảy cái đầu cùng rơi trong một lúc!

- Không phải đao mà là kiếm, lưỡi kiếm mỏng như lá mía. Một số đông người hồn lìa khỏi xác rồi mà cái thân vẫn còn đứng trơ ra đấy!

- Là lưỡi giáo chứ! Đang đi một đoàn người như thế, bỗng nhiên ba, bốn người đứng sững lại, không ai hiểu chuyện gì. Té ra không biết lưỡi giáo từ đâu, đã xâu ba, bốn người ấy thành một xâu, như xâu ếch!

Rồi nào là lưỡi mác, là cung tên, là mã tấu, là quả chùy, tùy theo sự tưởng tượng phong phú của nhiều người. Tuy nhiên, dường như ai nói cũng đúng cả, vì Aṅgulimāla có cả thảy năm loại vũ khí. Và có một sự thực chung: Chưa ai thoát khỏi bàn tay của Aṅgulimāla nếu gặp mặt hắn!

Khắp cả mấy cánh rừng và ven rừng, nơi Aṅgulimāla ở, một đồn mười, mười đồn trăm, thời gian sau chẳng còn ai dám lai vãng nữa.

Thế là bắt buộc Aṅgulimāla phải tảo thanh vào các xóm làng để tìm nhân mạng cho đủ túc số một ngàn. Không biết cái xâu tràng hoa ngón tay của Aṅgulimāla lúc ấy đã vòng được mấy vòng ở cổ mà dân chúng sợ hãi đã bỏ xóm làng lánh nạn, xa cách đấy hơn ba do-tuần.

Chuyện náo động đến kinh thành Sāvatthi khi một đoàn dân chúng lũ lượt tay xách, nách mang, kẻ gồng, người gánh tơi tả, hớt hãi trốn về thành phố. Một nhóm các vị bô lão đại diện dân chúng xin được bệ kiến đức vua Pāsenadi, tâu rằng:

- Xin bệ hạ hãy cứu nhân dân vô tội! Tên cướp giết người Aṅgulimāla đã ra tay giết hằng trăm mạng người, không coi pháp luật nước Kosala của bệ hạ ra cái gì nữa!

- Chúng tôi phải rời bỏ bản quán, tha phương cầu thực rất là khổ sở. Mong đại vương cử quân lính vây bắt tên cướp, để cho chúng tôi được về quê hương yên ổn làm ăn.

- Quá nhiều người chết về tay giết người hung dữ kia rồi! Đến lúc tất cả các xóm làng đều trống không thì đã muộn mất rồi, tâu bệ hạ!

Đức vua Pāsenadi nước Kosala nghe chuyện hệ trọng, tức tốc cho hội triều hỏi ý kiến của bá quan. Ai cũng đồng ý mang quân diệt cướp. Tuy nhiên không có viên đại tướng nào tình nguyện dẫn đầu đoàn quân! Cái uy danh và tin đồn về võ nghệ siêu quần bạt tụy của Aṅgulimāla làm cho những viên đại tướng của đức vua sợ xanh mặt.

Đức vua Pāsenadi nổi giận:

- Giết một tên cướp mà chẳng có đại tướng nào dám ra tay, quả là khiếp nhược!

Vị bà-la-môn quân sư, là thân phụ của Aṅgulimāla, vội đứng lên:

- Tâu đại vương! Xin ngài bớt giận. Người ta thêu dệt quá nhiều về tên cướp nên ai cũng sợ hãi là chuyện bình thường! Vậy giết tên cướp kia, đại vương hãy cho hạ thần được đảm nhận!

- Không được! Đức vua xua tay – Quân sư chớ nên làm thế! Quân sư là thầy của ta, lại theo đòi văn học chớ không phải võ nghệ. Trách nhiệm này thầy khỏi phải bận tâm. Không có viên đại tướng nào đủ đởm lược thì tự tay ta sẽ dẫn quân truy bắt tên cướp.

Trong buổi hội triều ấy, sở dĩ bà-la-môn quân sư đứng ra nhận lãnh trách nhiệm là vì ông có trực giác mơ hồ: Tên cướp Aṅgulimāla ấy chính là con trai của ông, chính là Ahimsaka thân yêu của ông. Điều này quả thật là khó lý giải. Làm sao đứa con trai hiền thiện của ông lại là kẻ giết người được? Con trai của ông chưa hề biết tới một loại vũ khí nào và cũng chưa từng học qua hay sử dụng một môn võ nào! Tuy nhiên, điều đó cũng không thuyết phục được ông thay đổi ý nghĩ. Ông đoán chắc một điều mà ông không thể lầm lẫn: Con trai của ông, Ahimsaka chính là Aṅgulimāla – chính là kẻ cướp giết người! Ngôi sao “kẻ cướp sát nhân” thuở con trai ông chào đời, với kiến thức bác lãm và thông tuệ về thiên văn của ông giúp ông khẳng định những điều dường như phi lý cũng biến thành sự thực!

Bãi triều, về nhà, ông âu sầu nói chuyện với vợ:

- Này phu nhân! Ngôi sao “kẻ cướp sát nhân” thuở xưa đã ứng điềm triệu nơi con trai của chúng ta rồi đấy!

Nghe vậy, bà Mantanī quỳ lạy, xổ tóc, thổn thức, khóc lóc thảm thương, cầu xin chồng tìm biện pháp cứu con trước khi bị đức vua vây bắt. Ông bà-la-môn quân sư đứng lặng, ruột đau như cắt nhưng lý trí rất vững mạnh, ông nói:

- Tôi cũng đau xót lắm, nhưng việc cứu con, tôi không thể, xin phu nhân tha thứ cho tôi.

Bà Mantanī gào lên:

- Phu quân là thầy của vua, quyền lực nghiêng trời lệch đất! Phu quân lựa lời khôn khéo nói một tiếng còn ai dám không nghe?

Bà-la-môn quân sư nghiêm sắc mặt:

- Phu nhân không nên nói vậy! Còn có luật vua, phép nước; con trai ta giết người thì con trai ta phải đền tội, đấy là điều công bằng. Chúng ta đừng vì tình riêng mà che mờ đức lý cũng như lương năng xã hội!

Bà Mantanī im lặng.

Bà-la-môn quân sư nói tiếp:

- Vả lại, các bậc minh triết ngàn xưa có dạy rằng, có bốn hạng người không nên đặt niềm tin vào họ, bà có muốn nghe không?

- Phu quân cứ nói!

- Vâng, phu nhân hãy nghe đây! Bốn hạng người ấy là: Một là tên cướp giết người, đừng nên đặt niềm tin vào kẻ ấy, dầu trước đây hắn là người thân. Hai là bạn bè cũ, cũng không nên đặt niềm tin quá đáng dù đã từng sống chung với nhau lâu năm. Ba là đức vua, đừng nên đặt niềm tin dẫu hiện được đức vua tin cẩn. Bốn là đàn bà, không nên tin tưởng, dẫu trước đây đã từng đối xử rất tốt với họ.

Suy ngẫm bốn hạng người này thì con trai ta rơi vào điều cấm kỵ thứ nhất, nó là tên cướp giết người thì lẽ nào ta còn tin tưởng được! Vậy thì tôi từ chối chuyện đi tìm nó, khuyên giải nó, mong phu nhân thứ lỗi cho tôi. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng tôi lại có thể khôn ngoan hơn các bậc minh triết tự ngàn xưa!

Giận dỗi, bà Mantanī quay lưng đi, tự nghĩ: Cái lý lẽ của ông là lý lẽ của đầu óc, sự khôn ngoan của đầu óc; còn tôi có lý lẽ của tôi: Là lý lẽ của con tim, sự khôn ngoan của con tim! Vậy dầu chết, tôi cũng đi tìm nó và cứu nó!

Quả vậy, Aṅgulimāla dù là kẻ cướp giết người, nhưng trong trái tim người mẹ, nó chỉ là đứa bé nhỏ dại, đáng mến, đáng yêu, đáng tha thứ xiết bao!

Thế là chẳng quản gian lao, vất vả, nguy hiểm, bà Mantanī trốn lánh bà-la-môn quốc sư, bươn bả, lặn lội ra phía ngoại ô, dò hỏi đường, đi tìm con!

Cuối canh chót đêm ấy, đức Thế Tôn nhập đại bi định, xuống cận hành định. Sau khi quán xét chúng sanh nào hữu duyên nên tế độ, đức Thế Tôn nhìn thấy Aṅgulimāla. Ngài biết rằng, duyên lành của Aṅgulimāla đã đến sau khi trải qua nhiều gian truân của nghiệp. Chỉ cần nghe xong vài câu thuyết ngôn, là Aṅgulimāla sẽ phát sanh đức tin trong sạch, từ bỏ hành động bạo ác rồi xin xuất gia. Về sau, Aṅgulimāla sẽ chứng đắc thánh đạo quả A-la-hán cùng với thắng trí.

Đức Thế Tôn còn thấy rõ rằng, nếu ngài đến chậm trễ một bước, Aṅgulimāla sẽ giết mẹ, phạm ngũ nghịch đại tội thì vô phương cứu thoát!

Thế rồi, sáng hôm sau, đức Thế Tôn đi vào thành Sāvatthi để khất thực như lệ thường. Sau khi độ ngọ, dọn dẹp cất đặt sạch sẽ xung quanh cội cây, đức Thế Tôn khoác y, ôm bát men theo con đường mòn nhỏ, nhắm hướng khu rừng, nơi Aṅgulimāla trú ngụ mà đi thẳng.

Chừng được mấy do-tuần, bắt đầu bước vào xóm làng với nhà cửa thưa thớt, dân chúng hai bên đường thấy “một sa-môn đang dấn thân vào chỗ chết”, bèn bước ra can ngăn:

- Xin ngài hãy dừng chân lại! Đây là con đường dẫn vào khu rừng chết người! Bà con ở những thôn làng xung quanh đây, hễ ai còn sống sót đều dắt dìu nhau đi lánh nạn. Tên cướp sát nhân Aṅgulimāla này nó hung dữ lắm, nó sẽ giết hết không chừa một ai đâu! Kẻ tu hành nó cũng giết, nó giết cả hàng chục, hàng trăm sa-môn, bà-la-môn rồi đấy.

Nghe vậy, nhưng đức Thế Tôn vẫn chậm rãi bước đi. Kẻ khác ra ngăn nữa:

- Ông sa-môn! Không phải chuyện đùa đâu! Ông hãy nhìn trước mặt thử xem! Xóm làng ở đấy vắng vẻ, đìu hiu, không một bóng người, không một tiếng chó sủa, không một tiếng gà gáy! Kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla tàn sát hết, không chừa một mống!

Thấy đức Phật vẫn bước đi, một bô lão chạy ra nói lớn:

- Chỉ chúng tôi già cả, đói nghèo, lụm khụm không thể đi được nên ở lại đây; còn tất cả bà con có chân, có cẳng thì đều trốn hết rồi. Ông sa-môn không nghe lời can ngăn thì cứ đi chừng vài do-tuần nữa để nạp mạng cho tên cướp. Trước đây có những toán người đông đến hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, không biết nghe lời lão, vẫn đi thẳng theo con đường này, đều bị Aṅgulimāla sát hại cả, chẳng còn ai sống sót.

Đã ba lần thấy dân chúng có lòng tốt cản ngăn, đức Thế Tôn nghĩ là nên cảm ơn họ và trấn an họ:

- Chư vị hãy an tâm! Như Lai không phải một sa-môn tầm thường, mà Như Lai là một vị Phật, một vị A-la-hán, một bậc Chánh Đẳng Giác. Hôm nay, Như Lai đi vào khu rừng chết người này nhưng Như Lai sẽ không chết, trái lại, Như Lai sẽ tế độ cho Aṅgulimāla, giúp cho kẻ giết người hung dữ kia trở lại với cuộc sống hiền thiện. Như Lai cảm ơn chư vị đã có lòng tốt!

Thấy tướng hảo quang minh rạng ngời của đức Phật, thấy khuôn mặt và nụ cười an tĩnh, tự tin của ngài, dân chúng biết đây đúng là đức Phật; mà trí tuệ, từ bi và uy lực của ngài đã được loan truyền khắp nơi nơi, không ai là không hay biết. Chợt nhiên, họ đồng phủ phục xuống:

- Vậy xin ngài tế độ cho kẻ cướp để cho chúng con được sống trở lại cuộc đời an cư lạc nghiệp!

Đức Thế Tôn mỉm nụ hoa sen, đáp lại:

- Chư vị sẽ được như nguyện!

Thế rồi, từ giã đám dân chúng, đức Thế Tôn đi vào một con đường tắt. Ngài biết rõ rằng, nếu không đi đường tắt, mẹ của Aṅgulimāla sẽ đến trước; và như vậy, nếu muốn tế độ cho Aṅgulimāla, sẽ không còn kịp nữa!(1)

Hôm ấy, Aṅgulimāla ngủ dậy muộn. Đã thức cùng với mặt trời lên cao, chàng còn nhẩn nha vào rừng kiếm trái cây ngon, ăn một bụng no! Ăn xong, chàng xuống suối tắm mát. Tắm xong, khi nhìn chiếc bóng lồ lộ, rõ nét của mình trong dòng nước trong, Aṅgulimāla bần thần suy nghĩ:

- Thế là không biết thời gian trải qua mấy xuân hạ rồi, từ một vóc dáng thư sinh trắng trẻo, đẹp đẽ nay đã biến thành một loại người rừng hoang dã, tóc tai râu ria xồm xoàm! Ta cũng không còn nhớ y áo ta đã rách mấy lớp; và cũng không biết bao lần ta lấy y áo của nạn nhân để mặc vào người? Còn nữa, và đây mới là điều hệ trọng: Vòng tràng hoa xâu ngón tay người ở nơi cổ ta đến nay đã được chín trăm chín mươi chín ngón rồi. Vậy chỉ còn một người nữa là đủ số. Ta vẫn nôn nóng làm việc này cho xong để học được môn học bí truyền. Cha mẹ ta đã già, thường ước mong cho ta trở thành người hữu dụng, mang tài học xuất chúng giúp ích cho xã hội. Bao nhiêu tháng ngày qua, bàn tay ta đã tắm nhuộm quá nhiều máu người vô tội! Ôi! Đấy là sự hy sinh quá lớn! Nhưng nếu không có sự hy sinh này thì làm sao ta có thể học được môn học tối cao?

Aṅgulimāla thở dài, đứng dậy. Núi rừng hoang vu, trùng điệp, các thôn làng vắng vẻ đìu hiu. Đã ba ngày qua, Aṅgulimāla không tìm thấy một bóng người, họ đã sợ hãi chàng mà trốn đi đâu mất hết. Cũng không sao mà, sau buổi trưa, chàng sẽ đi đến một ngôi làng xa, tìm thêm một người là đủ số! Khi đem trình cho thầy xong một ngàn ngón tay, là bằng cớ của một ngàn mạng người, chàng sẽ cắt tóc cạo râu, thay đổi y phục đàng hoàng để về thăm cha mẹ trước đã.

Ăn xong một số trái cây cuối cùng, Aṅgulimāla đi vào hang động, nơi mà chàng cư ngụ bấy lâu, nhìn quanh một vòng rồi trang bị năm loại vũ khí vào người...

- “Hắn lại đến!” Aṅgulimāla thầm nghĩ – hễ cứ mỗi lần trang bị năm loại vũ khí vào người rồi là như có một luồng khí rất mạnh chạy rần rật trong cơ thể, như được tiếp thêm sinh lực của năm, bảy con ngựa nòi! Rồi, sức mạnh ấy đẩy chàng đi, bắt đầu sử dụng các loại vũ khí và giết người!

Khi bước ra khỏi bìa rừng là mắt chàng đỏ ngầu, lý trí mất hết, chàng vọt chạy theo sự điều khiển của bản năng. Cũng như mấy ngày trước, từ rừng trên đến rừng dưới, không thấy một ai, chạy sang các làng kế cận, cũng không thấy một bóng người; rảo thêm mấy vùng phụ cận nữa, vô ích! Khi men theo con đường nhỏ thì mặt trời đã ngả sau đọt cây, chợt Aṅgulimāla thấy một bóng người. Người ấy đang đi về phía chàng. Ngạc nhiên, chàng tò mò nhìn ngắm. Kẻ ấy không sợ chết sao?

Người ấy là bà Mantanī, đã bất chấp mọi hiểm nguy để đi tìm con. Thấy hình bóng của một người rừng hoang dã, bà linh tính đấy là con trai của mình, bà vô cùng mừng rỡ. Còn khi Aṅgulimāla thấy người đó đúng là mẹ mình, tự nghĩ:

- Mẹ ta thương ta lắm! Mẹ ta sẵn sàng hy sinh mạng sống để cho ta thành tựu ước nguyện. Vậy thì ta chỉ cần giết mẹ là đủ số một ngàn ngón tay rồi!

Nghĩ thế xong, Aṅgulimāla rút đao ra, chạy nhanh tới. Bất chợt lúc ấy một bóng người khác sau hẻm núi bước ra, xen vào khoảng cách giữa Aṅgulimāla và mẹ của chàng! Aṅgulimāla liền thay đổi ý định, cầm đao rượt theo người kia, một sa-môn, là con mồi vô phước từ đâu đến nạp mạng!

Vị “sa-môn vô phước” ấy là đức Phật, ngài đã xuất hiện kịp thời để cứu Aṅgulimāla khỏi tội giết mẹ. Hơn ai hết, ngài hiểu rằng, khi cầm đao để rượt giết người, cậu con trai Ahimsaka này không còn là con người “vô hại” nữa, mà nó chính là kẻ cướp sát nhân hiện thân! Chính sức mạnh của ác nghiệp đã chi phối toàn bộ sinh hoạt thân và tâm của y! Nếu có lý lẽ, hiểu biết thì lý lẽ, hiểu biết ấy cũng chỉ biện minh cho hành động giết người mà thôi!

Khi Aṅgulimāla bỏ bà Mantanī để đuổi theo đức Phật, ngài liền rẽ sang một con đường khác, rồi sử dụng thần thông. Đấy là một loại thần thông rất lạ lùng: Vẫn những bước chân chậm rãi, khoan thai, thung dung như một kẻ nhàn du, nhưng đằng sau, Aṅgulimāla đã cố chạy đuổi theo hết sức lực vẫn không bắt kịp. Hắn thoáng nghĩ:

- Thật lạ thay, chuyện chưa từng có bao giờ! Trước đây dầu voi, ngựa, nai hay xe ngựa chạy, ta cũng đuổi theo bắt được! Nhưng bây giờ, dầu ta đã hết sức vẫn không đuổi kịp vị sa-môn với những bước chân nhàn nhã kia!

Thế rồi, chạy đuổi theo một do-tuần, hai do-tuần, ba do-tuần... Aṅgulimāla đã huy động toàn bộ sức lực, toàn bộ sức mạnh phi thường, nên bước chân của hắn dường như bay trên đầu cỏ mà bóng vị sa-môn vẫn luôn trước mặt hắn một khoảng cách cố định.

Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đầu váng mắt hoa, hơi thở dồn dập, tim đập như trống trận, Aṅgulimāla đã đuối sức, dừng chân lại, cất tiếng gọi lớn rằng:

- Này ông sa-môn kia, dừng lại! Hãy dừng lại!

Đức Phật biết cơ duyên điểm hóa đã đến, nên chân ngài vẫn khoan thai bước đi, cất giọng phạm âm, nói vọng lại:

- Này Aṅgulimāla! Như Lai đã dừng lại lâu rồi! Chính con! Chính con mới là người chưa chịu dừng lại!

Nghe vậy, Aṅgulimāla rất ngạc nhiên, suy nghĩ:

- Nơi nơi thiên hạ đồn rằng, những sa-môn Sākya này thường hay nói sự thật, lời nói không bao giờ trái ngược với việc làm. Nhưng tại sao, ở đây, rõ là ông sa-môn này đang đi mà nói là mình đã dừng lại? Còn ta là kẻ đã dừng chân lại, ông sa-môn lại bảo là chưa chịu dừng? Thế là nghĩa làm sao nhỉ?

Bèn nói:

- Này ông sa-môn! Tại sao rõ ràng ông đang đi mà ông lại nói “Như Lai đã dừng lại rồi”; còn tôi thì đang dừng lại, nhưng ông lại nói “chưa chịu dừng”?

Đức Phật hiện ra thân sắc rực rỡ quang minh, hào quang sáu màu chập chờn di động, rải từ bi tâm bao phủ trọn vẹn con người của Aṅgulimāla, cất giọng nói với tám tuyệt hảo:

- Này Aṅgulimāla! Quả vậy, Như Lai là người đã dừng lại lâu rồi. Như Lai đã dừng lại đao, dừng lại trượng, dừng lại và từ bỏ tất cả mọi sự giết hại đối với chúng sanh; dừng lại con đường tội ác! Còn con, chính con mới là người chưa chịu dừng đao, trượng, chưa chịu dừng lại sự sát hại chúng sanh, chưa chịu dừng lại con đường tội ác!

Lời nói dịu ngọt với âm điệu trong vắt như giọt sương mai trên đầu núi; và ý nghĩa của lời nói ấy của đức Thế Tôn như xoáy sâu vào tâm trí Aṅgulimāla, làm lay động, thức tỉnh giấc ngủ mê man của vô minh và vọng nghiệp, trả lại cho Aṅgulimāla khoảng trời bình minh tươi sáng đầu đời. Chàng chợt mở lớn đôi mắt ra, đứng sững lại, bàng hoàng...

- Này Aṅgulimāla! Hãy dừng lại đi con!

Bây giờ thì Aṅgulimāla đã hoàn toàn thức tỉnh; chàng biết rõ rằng, vị sa-môn này chính là đức Phật, bậc đại bi đang gióng lên tiếng trống bất tử vang dội khắp đó đây, chứ không thể là ai khác nữa, liền quỳ mọp xuống:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Con biết tội rồi! Ngài đã đích thân ngự đến khu rừng này là vì hạnh phúc an vui lâu dài cho chính con. Ngài đã từ bi giúp con bước ra khỏi chỗ tối tăm, mê lầm của ngu si và ác nghiệp. Từ đây, con xin nguyện từ bỏ vĩnh viễn đao, trượng; từ bỏ vĩnh viễn bàn tay vấy máu tàn hại chúng sanh! Mong ngài minh chứng cho sự sám hối thành khẩn và thiết tha này!

Bạch thế xong, Aṅgulimāla đứng dậy, bẻ cung tên, giáo, ném đao, kiếm xuống vực sâu, quăng vòng hoa ngón tay người qua bên kia sườn núi, thành kính đảnh lễ dưới bàn chân bụi của đức Phật rồi xin xuất gia.

Với tâm từ bi quảng đại, đức Thế Tôn đưa bàn tay vẫy, nói rằng:

- Này tỳ-khưu! Hãy đến đây!

Tự dưng, tóc râu Aṅgulimāla được cạo sạch nhẵn, y áo lấm lem bụi đất và máu người biến mất, thay vào đó là y áo sa-môn tề chỉnh, nghiêm trang với đầy đủ tám món vật dụng của một thầy tỳ-khưu thuộc giáo hội tăng đoàn. Tiếng nói bằng phạm âm của đức Thế Tôn tiếp tục mồn một bên tai Aṅgulimāla:

- Bây giờ con đã là một thầy tỳ-khưu phạm hạnh. Điều mà con xin, Như Lai đã cho con. Sau này, con hãy y chỉ, thực hành theo giáo pháp toàn hảo ở chặng đầu, toàn hảo ở chặng giữa, toàn hảo ở chặng cuối của Như Lai; thì đấy mới đích thực là lộ trình dừng lại, chấm dứt mọi khổ ách, khổ nạn nơi trần thế!

Truyền dạy cho Aṅgulimāla xong, đức Thế Tôn dẫn vị tân tỳ-khưu theo con đường khác, không qua kinh thành Sāvatthi mà trở về Jetavanārāma tịnh xá. Nhìn vị tân tỳ-khưu với dáng dấp trang nghiêm, đạo mạo, với lục căn thu thúc, với oai nghi đĩnh đạc, đức Thế Tôn nghĩ: Đúng là tư cách của một đại đức cao hạ, không ai có thể nghĩ đấy là một tên giết người khét tiếng.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, đức vua Pāsenadi nước Kosala thân chinh dẫn một đoàn quân gồm năm trăm binh mã ra khỏi thành, tìm diệt Aṅgulimāla. Khi đi đến gần Jetavanārāma, đức vua nghĩ là nên vào hầu thăm đức Phật cho phải phép, trước khi sang ranh giới bên kia để vào rừng, bèn hạ lệnh dừng quân.

Thấy đức vua Pāsenadi cùng với đoàn quân trang bị vũ khí sáng ngời, với ngựa thiện chiến nai nịt oai phong, đức Thế Tôn bước ra khỏi hương phòng, ân cần hỏi.

- Đại vương gian lao vất vả cầm quân xuất chinh ắt là có vị vua láng giếng nào khiêu chiến đấy chăng?

Đức vua xứ Kosala bỏ ngựa từ xa, đến bên đức Thế Tôn, khấu đầu đảnh lễ rồi nói:

- Chẳng phải vậy, thưa đức Thế Tôn! Không phải đức vua Bimbisāra trị vì xứ Māgadha làm con bực tức. Cũng chẳng phải đức vua Licchavi trị vì xứ Vesāli chọc giận con! Vua các nước lớn, các nước nhỏ khác cũng không ai làm cho con phải khó chịu cả. Mà chỉ vì... mà chỉ vì...

Đức Thế Tôn mỉm cười tiếp lời:

 - Mà chỉ vì... trong nước có nội loạn chăng?

Đức vua Pāsenadi lắc đầu:

- Cũng không phải thế, bạch đức Thế Tôn! Nói nội loạn cũng không đúng hẳn, vì chỉ có một người thôi, đó là tên cướp Aṅgulimāla. Nó là tên sát nhân rất hung ác, rất khủng khiếp. Đã có hằng trăm, hằng ngàn người bị chết về tay hắn. Kinh hãi nhất là nó giết người không phải để ăn thịt, để uống máu! Nó giết người chỉ để mà “chơi” thôi! Nó giết người, nó cắt ngón tay, nó lấy những ngón tay ấy, phơi khô, xâu thành vòng hoa mà đeo ở cổ cho đẹp! Đức Thế Tôn thấy có kinh hãi không? Xung quanh khu rừng ấy, dân chúng cả chục ngôi làng đã sợ hãi nó mà trốn đi nơi khác hết rồi. Đồng không, nhà trống, vườn hoang! Thế nên, hôm nay con mới đích thân dẫn hùng binh đi diệt tên giết người dã man, việc làm ấy có đúng chăng?

Đức Phật gật đầu:

- Đúng lắm! Tàn bạo, dã man như thế là phải giết!

Đức vua Pāsenadi ngạc nhiên:

- Hóa ra đức Thế Tôn cũng khuyến khích sự giết hại, đồng ý sự giết hại ư?

- Đồng ý chứ! Khuyến khích chứ! Như Lai cũng đồng quan điểm với đại vương rằng: Tất cả những gì là tàn hại, xấu xa, ác độc, hung dữ... trên thế gian này thì cần phải đốn bỏ, tận diệt, phải làm cho nó không được sinh khởi trong tương lai!

- Đúng là như thế! Đức vua gật gù.

- Trái lại, những gì là tốt đẹp, là hiền lương, là vô hại... thì cần phải nâng đỡ, phải làm cho nó tăng trưởng, lớn mạnh, phải thế không đại vương?

- Nhất định như vậy rồi!

Yên lặng một lát như để cho đức vua thẩm thấu ý nghĩa ấy, đức Thế Tôn đi vào gần đề hơn:

- Này đại vương! Kẻ tàn hại, xấu xa, ác độc, hung dữ thì đại vương giết, điều ấy là theo pháp luật của nhà nước, Như Lai không xen dự vào đấy được. Nhưng nếu bây giờ kẻ ấy đã trở nên hiền thiện, tốt đẹp, vô hại... thì đại vương nhất định nâng đỡ, trưởng dưỡng, có phải thế chăng?

Đức vua Pāsenadi mơ hồ cảm thấy bị bậc thượng trí đưa vào một cái bẫy vô hình nào đó, trong một lúc không đoán được, nhưng cũng mạnh mẽ gật đầu:

- Đúng vậy!

- Này đại vương! Bây giờ Như Lai đi vào chính đề đây! Nếu đại vương nhìn thấy Aṅgulimāla cạo bỏ râu tóc, mặc y cà-sa, xuất gia làm thầy tỳ-khưu, từ bỏ ác độc, hung dữ, sống đời phạm hạnh thiêng liêng, giới đức trong sạch thì đại vương đối xử với vị tỳ-khưu ấy như thế nào?

Đức vua Pāsenadi đáp:

- Bạch đức Thế Tôn! Đối với tỳ-khưu ấy, con sẽ cung kính đón tiếp, đảnh lễ, thỉnh mời vào chỗ ngồi cao quý và xin hộ độ bốn món vật dụng thường xuyên cho vị ấy bất cứ lúc nào! Nhưng bạch đức Thế Tôn! Chuyện ấy không thể nào xảy ra cho trường hợp của Aṅgulimāla. Vì sao vậy? Vì Aṅgulimāla là kẻ cướp sát nhân, không còn nhân tính; ác tâm, ác tánh đã thành nề; hung dữ, tàn bạo đã thành thói quen thì làm sao có thể trở thành vị tỳ-khưu sống theo phạm hạnh, giới đức trong sạch cho được!

Lúc ấy, tỳ-khưu Aṅgulimāla đang ngồi không xa chỗ đức Phật và đức vua Pāsenadi; đức Thế Tôn bèn đưa tay chỉ, rồi nói:

- Sự thật đúng là như vậy, thưa đại vương! Tỳ-khưu Aṅgulimāla đang ngồi kia, đang sống đời hướng thiện và hướng thượng vô cùng cao đẹp!

Đức vua Pāsenadi nghe đến tên Aṅgulimāla, chợt đứng phắt dậy, tóc trên đầu dựng ngược, vẻ mặt vô cùng hoảng sợ! Đức Phật lên giọng trấn an:

- Đại vương hãy bình tĩnh! Sẽ không có, sẽ không còn một tai họa nào từ Aṅgulimāla xảy đến cho đại vương đâu!

Đức vua Pāsenadi liếc mắt nhìn về chỗ đức Phật chỉ, thấy một tỳ-khưu tướng mạo trang nghiêm, đẹp đẽ, choàng chiếc y vàng sáng như có hào quang, đang tĩnh tại ngồi thiền trên một tảng đá, tự nghĩ: Đâu có nét nào là ác độc, hung dữ nơi vị tỳ-khưu này?

Đã hết sợ hãi, đức vua Pāsenadi bước gần lại. Lúc ấy, tỳ-khưu Aṅgulimāla cũng vừa xả thiền.

- Thưa đại đức! Đức vua nói - ngài chính là Aṅgulimāla phải chăng?

- Phải, tâu đại vương!

Vua vẫn chưa hết ngờ vực, hỏi tiếp:

- Thế thân phụ, thân mẫu ngài tên gì?

- Tâu đại vương! Thân phụ của bần tăng tên là Gagga, hiện làm quốc sư của đại vương, mẫu thân của bần tăng là Mantanī!

Đến đây, đức vua Pāsenadi thở ra một hơi dài như trút hết gánh nặng; một niềm hoan hỷ dâng lên ngập tràn cả tâm tư; bèn cung kính đảnh lễ tỳ-khưu Aṅgulimāla, rồi nói:

- Mừng cho người con thân yêu của quân sư Gagga và bà Mantanī được an vui!

Đức vua đảnh lễ một lượt nữa, chấp tay bạch:

- Xin đại đức cho phép con được hộ độ bốn món tứ vật dụng: Y áo, vật thực, chỗ ở, thuốc men cho đến trọn đời!

Tỳ-khưu Aṅgulimāla sau khi xuất gia với đức Phật đã nguyện thực hành theo pháp đầu-đà, tri túc trong vật dụng; nên cất giọng điềm đạm nói:

- Tâu đại vương! Xin đại vương đừng bận tâm! Người sa-môn khất sĩ sống hạnh đầu-đà bao giờ tứ sự cũng vừa đủ dùng, không thừa mà cũng không thiếu vậy!

Đức vua Pāsenadi thấy đức Phật hóa độ một tên sát nhân nguy hiểm, trở thành một vị tỳ-khưu hiền hòa, thanh tịnh như thế thì xiết bao cảm phục. Rõ ràng là đức Thế Tôn không cần đến bất cứ một thứ vũ khí nào, bất cứ loại quyền lực gì, ngoài trí tuệ vô thượng và lòng đại bi vô biên của ngài! Một niềm kính ngưỡng bao la khởi lên, đức vua Pāsenadi quỳ năm vóc sát đất, rồi tán dương:

- Thật là một điều phi thường chưa từng có, bạch đức Thế Tôn! Chính ngài, chỉ có ngài mới có thể tế độ được người mà thế gian này không ai có thể tế độ được! Chỉ có đức Thế Tôn, chính đức Thế Tôn mới có thể làm vắng lặng phiền não ở nơi người mà không ai có thể làm cho vắng lặng phiền não được! Với tâm đại bi, đức Thế Tôn đã đưa những người từ nơi tối tăm tìm về với ánh sáng một cách kỳ diệu chưa từng có trên thế gian. Việc làm phi thường của đức Thế Tôn khiến cho tự con phải suy nghĩ: Với quyền lực, với vũ khí, có thể nào ta bắt buộc người khác cải tà quy chánh được chăng? Câu hỏi ấy trước đây đã kết dính trong đầu con, treo lơ lửng trong giấc ngủ của con, nay thì con được đức Thế Tôn tháo gỡ; và cũng tự nơi con, con đã tìm được câu trả lời. Xin tri ân vô thượng đức Thế Tôn!

Đức vua Pāsenadi quỳ lạy bái biệt đức Thế Tôn và Aṅgulimāla rồi dẫn quân trở lại kinh thành! Ông cũng không quên cho người truyền báo tin lành ấy cho quốc sư Gagga và bà Mantanī, người mẹ tội nghiệp!

Chuyện còn kể rằng, buổi sáng hôm kia, đại đức Aṅgulimāla mặc y mang bát đi khất thực, khi ngang qua con đường dẫn vào thành Sāvatthi, ngài thấy một người đàn bà đang đau đớn quằn quại mà không sanh con được, ngài khởi niệm tâm bi: Ôi! Chúng sanh đau khổ quá chừng, thật đáng thương vậy thay!

Thế là hình ảnh người đàn bà đau đớn ấy cứ ám ảnh suốt trên khoảng đường đi khất thực của ngài. Độ ngọ xong, trở về chùa Jetavanārāma, đại đức Aṅgulimāla liền vào hầu Phật, bạch lại sự việc đã tận mắt chứng kiến rồi tỏ lòng thương xót đến nỗi khổ của chúng sanh.

Đức Phật nói:

- Vậy này Aṅgulimāla! Con hãy đi đến chỗ người đàn bà ấy, phát nguyện bằng lời chân thật rằng: Nầy cô! Từ khi tôi sinh ra, biết mình không có tự ý sát hại chúng sanh; do lời chân thật nầy, xin cho cô sinh đứa con dễ dàng và hài nhi của cô cũng được an toàn!

Nghe vậy, đại đức Aṅgulimāla lộ vẻ ngạc nhiên, bối rối vô cùng:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu thế là con đã tự nói dối, vì trước đây con đã giết hại rất nhiều người!

Đức Thế Tôn dạy tiếp rằng:

 - Nếu thế thì con phát nguyện bằng lời chân thật như thế này: Này cô! Kể từ khi tôi được sinh ra trong dòng dõi giáo pháp thánh tông, biết mình không tự ý sát hại chúng sanh; do lời chân thật này, xin cho cô sinh được dễ dàng, hài nhi của cô cũng được an toàn!

Nghe lời chỉ giáo của đức Phật, đại đức Aṅgulimāla đi trở lại chỗ người đàn bà, ngồi trước bức màn che, khởi phát tâm bi mẫn, mở lời chú nguyện! Lạ lùng thay! Lời chân thật vừa dứt, người đàn bà sinh đứa con một cách dễ dàng, như đổ nước ra khỏi bình, và hài nhi cũng được an toàn như ý nguyện!

Đại đức Aṅgulimāla sống riêng một mình nơi thanh vắng, nỗ lực, tinh cần tu tập Tứ niệm xứ. Ngày kia, ngài chứng ngộ Tứ thánh đế, đắc quả A-la-hán bằng trí tuệ siêu thế. Vậy là ngài đã hoàn thành xong phận sự của một thiện gia nam tử, từ bỏ đời sống tội lỗi, xuất gia tầm cầu giải thoát mọi ách phược. Ngài biết rõ đây kiếp chót, không còn tái sanh nữa.

Mặc dầu đã giác ngộ hoàn toàn, đứng trong hàng ngũ cao thượng của bậc thánh, nhưng do năng lực ác nghiệp, nên những khi đi khất thực, những cục đá, những khúc cây, những mảnh sành người ta ném đi đâu đó lại rơi trúng nơi đầu, nơi mặt hoặc thân hình của ngài. Lại còn những người mất thân nhân, quyến thuộc thuở trước, được kẻ mách bảo, nhận diện được ngài; họ đã ra tay nhiếc mắng, đánh đập bằng đủ vũ khí gì có sẵn nơi tay! Có đôi khi trở về hầu thăm đức Phật, đại đức Aṅgulimāla ở trong tình trạng đầu bị chảy máu, y rách, bát bể... trông rất đáng thương tâm!

Đức Thế Tôn khuyên dạy rằng:

- Này Aṅgulimāla! Con hãy cố nhẫn nại! Thay vì chịu quả khổ lâu dài ở địa ngục thì nay con chỉ chịu quả sơ sơ ở hiện tại này thôi!

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử hoan hỷ tín thọ lời dạy bảo này, ở tất cả mọi trường hợp, lúc bị đánh đập bằng tay hay bằng đá gậy, tâm con đều an tịnh!

Đại đức Aṅgulimāla thanh thản ôm bát trở lại trú xứ của mình, nhập thánh quả định, thọ hưởng hạnh phúc an lạc giải thoát. Xả định, ngài cảm ứng thuyết bài kệ này:

“- Người nào, trước kia

Thất niệm quên mình

Làm điều tội lỗi

Về sau tinh cần

Kiên trì, chánh niệm

Thấy rõ xấu ác

Người ấy làm cho

Thân tâm xán lạn

Tựa như vầng trăng

Thoát khỏi mây che!

Người nào chứng đắc

Vô lậu thánh đạo

Sẽ ngăn ác nghiệp

Đã làm, đã tạo

Người ấy làm cho

Thân tâm xán lạn

Tựa như vầng trăng

Thoát khỏi mây che!

Vị tỳ-khưu nào

Dẫu còn trẻ trung

Tinh cần thực hành

Theo giới, định, tuệ

Người ấy làm cho

Thân tâm xán lạn

Tựa như vầng trăng

Thoát khỏi mây che!”

Tiếp theo, đại đức lại rải tâm từ đến cho những người mà ngài đã lỡ gây oan trái:

“- Này hỡi tất cả

Người thù của tôi

Lắng nghe chánh pháp

Được thuyết từ Phật

Xin hãy gần gũi

Những bậc thiện trí

Người đã chứng ngộ

Các pháp siêu thế

Xin hãy thực hành

Giáo huấn của Phật

Xin hãy lắng nghe

Pháp bậc thiện trí

Là đức nhẫn nại

Là đức từ tâm

Xin hãy thực hành

Y theo chánh pháp

Đừng làm khổ mình

Làm khổ kẻ khác

Niết-bàn tối thượng

Lợi lạc hữu tình

Hãy nên thương yêu

Tất cả chúng sanh

Như mẹ thương yêu

Con một của mình!”

Ngoài ra, tùy lúc tùy khi, đại đức nói kệ chỉ dẫn cách tu hành cho người khác; và pháp mà ngài hằng tán dương, ca tụng chính là pháp chánh niệm, tức là pháp không dể duôi, không thất niệm, không quên mình!

Đời sống của đại đức từ lúc ấy cho đến cuối đời quả là thanh cao, trong sáng, đúng y như lời kệ mà ngài thường hay nhắc tới:

“- Người ấy làm cho

Thân tâm xán lạn

Tựa như vầng trăng

Thoát khỏi mây che!”


(1) Chẳng rõ tại sao, khi thì đức Phật sử dụng thần thông, khi thì không!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn