Nhân Duyên Quá Khứ

17 Tháng Tám 201409:20(Xem: 5621)

MỘT CUỘC ĐỜI 
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT 
TẬP 5 
Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
Nhà xuất bản Văn Học 2014


Nhân Duyên Quá Khứ


Câu chuyện về gia đình người thợ săn vẫn chưa chấm dứt. Tuy đại chúng đã thỏa mãn mọi câu hỏi nghi ngờ, nhưng họ cũng còn tò mò không hiểu, do nhân duyên gì mà chàng thợ săn Kukkuṭamitta, vợ và các con trai, con dâu đồng loạt đắc quả Tu-đà-hoàn như thế? Một gia đình săn thú, giết thú mấy mươi năm, sát hại không biết bao nhiêu sinh linh vô tội mà lại dễ dàng đắc quả như thế sao?

Thế là đức Bổn Sư lại phải kể lại câu chuyện xưa.

“- Vào thời đức Chánh Đẳng Giác Kassapa, lúc ngài nhập diệt, cận sự nam nữ hai hàng bàn tính với nhau về việc xây dựng thánh tháp để tôn trí xá-lợi. Sau khi thống nhất ý kiến, họ đồng thuận là lấy hùng hoàng vàng và thạch tín đỏ làm đất, lấy dầu mè làm nước. Tiếp đến, họ nghiền thêm nhiều loại đá thành bột, trộn chung với nhau để đúc thành những viên gạch, lấy dầu có chất dính kết trộn với cát làm hồ vữa để xây. Họ còn dự định bên trong, bên ngoài tháp sẽ được dát vàng; riêng cửa ra, cửa vào thì phải lót gạch toàn bằng vàng khối, mỗi viên gạch như thế trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng.

Công trình xây dựng như thế là phải phí tổn một ngân khoản rất lớn. Vị triệu phú nổi tiếng ở một ngôi làng ngoài thành phố, cư sĩ lâu năm, phát hỷ tâm cúng dường mười triệu đồng tiền vàng rồi tuyên bố:

- Tôi muốn là người chủ trì công trình, và sau khi hoàn tất, cũng chính tôi là người chủ lễ khánh thành tòa bảo tháp này, bà con có đồng ý không?

Cận sự nam nữ bàn tán xôn xao về số tiền lớn lao ấy, và ai cũng nghĩ thầm, thế thì ông ta làm chủ trì công trình, chủ lễ khánh thành là xứng đáng. Tuy nhiên, có một số người nghe vậy lại chạm tự ái, nghĩ rằng: “Cả trong thành phố mà lại không có ai đủ sức, đủ tài của, lại để cho một ông triệu phú ngoài thành cuỗm mất danh dự!”

Trong thành có một vị triệu phú, ai cũng biết danh, bình tĩnh lắng nghe mọi dư luận, ông cười vui trong lòng, sau đó, tuyên bố với mọi người:

- Nếu chỉ mười triệu mà được cả hai danh dự kia thì không đáng, tôi xin cúng dường hai mươi triệu! Xin bà con bầu chọn tôi.

Vị triệu phú ngoài thành phố cũng không ngán, ông ta tuyên bố:

- Vậy thì tôi xin cúng dường ba mươi triệu, được chưa?

- Chưa được! Vị triệu phú trong thành cười ha hả - vậy thì đã thấm chi. Ông mà ba mươi thì tôi xin cúng dường tám mươi! Theo nổi không nào?

Nghe con số quá khủng, vị triệu phú ngoài thành phố nghĩ thầm: “ Ông ta giàu hơn mình nhiều. Gia tài của mình chỉ có chín chục triệu, còn ông ta nghe đâu có đến bốn trăm triệu. Thế nếu mình cố gắng tận cùng, hô lên chín mươi, hết cả gia sản, còn ông ta hô lên một trăm thì mình sẽ rớt đài rồi. Dại chi cho họ thấy ‘điểm yếu’ của mình”.

Sau khi suy nghĩ chín chắn, ông triệu phú ngoài thành chậm rãi, điềm đạm nói:

- Tám mươi, nghe ra cũng không nhiều! Tôi có thể lên chín mươi và ông có thể lên một trăm. Và nếu thế thì chúng ta cứ đấu với nhau mãi. Tôi nghe đức Đạo Sư dạy rằng: Bố thí, cúng dường, phước báu cao thượng nhất là tâm ly, tâm xả, chứ không phải với tâm đấu, tâm tranh! Quý vị nghĩ có phải không?

Thấy mọi người gật gù và có vẻ đã thấm ý, ông triệu phú ngoại thành nói tiếp:

- Nói tóm lại, ở chỗ này, tại đây, về tiền bạc, thế là tôi đã thua. Tôi thua với tâm phục, khẩu phục – vì tâm thí xả tám chục triệu đồng tiền vàng, thật không dễ gì thế gian làm được. Tuy nhiên, dù thua “tiền của” nhưng tôi sẽ cố gắng bù thêm “công sức” vào, thêm mồ hôi và lao lực vào! Vậy, bắt đầu từ ngày mai, tôi, vợ tôi, bảy đứa con trai của tôi, bảy cô con dâu của tôi, cả thảy mười sáu người sẽ tự nguyện đến đây làm công quả cho đến khi hoàn tất công trình, hoàn mãn lễ lạc thành. Vậy xin bà con cận sự hai hàng, xét bình chọn, xem thử tôi có xứng đáng với hai danh dự kia hay không?

Cả ngàn người đại diện chia ra từng toán, từng nhóm, tìm cách lấy ý kiến đồng thuận là nên bầu chọn cho ai làm chủ trì kiêm chủ lễ. Cuối cùng, ông triệu phú ít tiền của nhưng nhiều công sức được mọi người bầu chọn với số phiếu nhiều hơn.

Nghe kết quả, ông triệu phú tám chục triệu đồng tiền vàng thua cuộc mỉm cười:

- Đem cả lực lượng vợ chồng con cái dâu rể mười sáu người đến làm công quả suốt thời gian công trình thì quả là tôi không bằng được. Tôi thua. Tôi thua cũng với tâm phục khẩu phục. Chính tôi cũng muốn bầu chọn ông bạn già đấy!

- Tại sao vậy? Có người hỏi.

Ông triệu phú thua cuộc ôn tồn đáp:

- Tôi chỉ cúng dường tiền vàng, tức là vật ngoại thân mà thôi. Còn gia đình kia, ngày này sang ngày khác còn cúng dường cả thân, cả khẩu, cả ý của mình nữa. Nếu đức Đạo Sư còn hiện tiền, thì Đạo Sư cũng dạy rằng, đấy là sự cúng dường cao thượng nhất: Cúng dường ba-la-mật đó!

Quả thật vậy, ai cũng đồng ý đấy là sự cúng dường cao thượng.

Nên sau kiếp ấy, cả mười sáu người đồng hóa sanh lên thiên giới. Trong suốt thời gian dài không có Phật, họ thọ hưởng phước báu vinh quang và sang cả không kể xiết. Kiếp hiện tại, người nữ hạ sanh vào gia đình ông triệu phú tại Vương Xá, đắc quả Tu-đà-hoàn khi mới vừa mười sáu tuổi. Người nam do nghiệp quá khứ còn nặng nên hết phước cõi trời, lại rơi vào gia đình thợ săn. Tiểu thư con ông triệu phú vừa mới thấy mặt chàng thanh niên thợ săn đã đem tâm ái luyến mạnh mẽ do họ đã từng là vợ chồng thương yêu thủy chung nhiều đời rồi. Đấy là mối tình tiền kiếp. Các con trai từ thiên giới lại tìm cách đầu thai vào lòng bà mẹ cũ. Chư thiên nữ, những nàng dâu thuở trước, sinh hạ rải rác đó đây, tìm duyên trở lại với những người chồng xưa của mình. Thế là cả một đại gia đình mười sáu người từ thời đức Phật Kassapa thuở xưa, bây giờ họ đoàn tụ ở đây. Do công và của xây dựng thánh tháp tôn trí xá-lợi Phật nên họ đồng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Đại chúng thở phào nhẹ nhõm khi thấy rõ nhân quả cùng duyên xưa lối cũ thật nhiệm mầu như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 2014(Xem: 8238)
...Điều cuối cùng đáng nói nữa, là chẳng có tư liệu nào là chính xác hoàn toàn, do các vị kết tập sư viết sau cả 500 năm, và cũng khó tránh khỏi sự hư cấu, thêm bớt của hàng sa-môn hậu học. Ta học Phật, tu Phật là học và tu theo giáo pháp. “Khi Như Lai diệt độ rồi thì Pháp và Luật là thầy của các ông”. Và, “Ai thấy Pháp là thấy Như Lai!” Vậy, Pháp mới là quan trọng!...
13 Tháng Mười 2014(Xem: 6613)
Phật giáo được truyền đi hai hướng: một hướng đi về phía Nam Ấn, truyền qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, và Campuchia. Phật giáo truyền theo hướng này bằng ngôn ngữ Pali và được gọi là Phật giáo Nam Truyền. Một hướng khác đi về phía Bắc Ấn qua A Phú Hãn (Afghanistan) đến Trung Hoa. Từ Trung Hoa, Phật giáo truyền đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
26 Tháng Chín 2014(Xem: 9130)
Đức Phật - The Story of Siddhartha Gautama là một phim tài liệu của PBS thực hiện bởi nhà làm phim từng đoạt giải thưởng David Grubin và lời thuyết minh của tài tử điện ảnh Richard Gere, kể câu chuyện về cuộc đời Đức Phật... Phim nói tiếng Anh
03 Tháng Chín 2014(Xem: 11934)
Năm 2010, tại Sài Gòn diễn ra đại hội “Con gái đức Phật” quy tụ hội chúng tỳ-khưu-ni và cận sự nữ Nam Bắc tông trên khắp thế giới về tham dự. Tôi không biết gì về nội dung cũng như hình thức đại hội ấy, nhưng cụm từ “Con gái đức Phật” tôi nghe sao nó dễ thương, bình dị và rất gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Từ đó, tôi khởi tâm biên soạn một cuốn sách để giới thiệu về những vị Thánh Ni và những cận sự nữ có hành trạng đặc biệt và thù thắng thời đức Phật và đặt tên đầu sách là “Con gái đức Phật”.
12 Tháng Tám 2014(Xem: 24313)
Đây là bộ sách nói về cuộc đời đức Phật Thích Ca từ khi ngài Đản sinh đến lúc ngài Nhập diệt, qua lối văn kể chuyện vừa “giàu tính văn chương nghệ thuật vừa đầy đủ những chi tiết khách quan và trung thực nhất về cuộc đời đức Phật”.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 6420)
Phật Tổ Đạo Ảnh, đúng theo danh xưng là một tác phẩm miêu họa pháp tướng cùng ghi chép đạo hạnh các lịch đại Tổ sư Ấn-độ và Trung Hoa, mong để lại cho kẻ tu hành đời sau những tấm gương soi, không ngoài ý nghĩa “kiến hiền tư tề”, tức nhằm mục đích khích lệ mọi người trông thấy gương các bậc thánh hiền mà khởi tâm nối gót theo .
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 5166)
Sau khi viết bài “Những chi tiết dị, đồng về đức Phật lịch sử”, BBT. Thư Viện Hoa Sen gợi ý tôi xem lại trang Wikipedia Tiếng Việt cùng một đề tài liên hệ. Xem xong, tôi nghĩ, mình không dám và cả không có khả năng thò tay vào đấy để sửa hay điều chỉnh được; vả lại đấy là công việc của các nhà nghiên cứu, họ có chuyên môn về cách làm hơn. Tôi thì xin chịu. Do vậy, tôi bèn copy lại, dựa theo trang Wikipedia ấy, rồi thêm chỗ này, bớt chỗ kia, dĩ nhiên là theo chủ quan kiến thức Phật học của mình.
16 Tháng Bảy 2014(Xem: 5942)
Sau khi bộ đại sử đức Phật Sakyā Gotama “Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt” 6 quyển, 3000 trang được in ấn và phổ biến trên các trang mạng Phật học, được đọc lại trên các trang Pháp Âm, và được độc giả đọc nhiều nhất là “thuvienhoasen.org” ở Mỹ và “quangduc.com” tức là Tu viện Quảng Đức ở Úc – tôi, tác giả, nhận được khá nhiều câu hỏi về những chi tiết lịch sử, có những dị biệt, mâu thuẫn nơi này và nơi khác.