Chuyện Ở Sākya

14 Tháng Tám 201423:06(Xem: 5401)

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 5

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014

Chuyện Ở Sākya


Sau khi chỉ định tôn giả Sāriputta trông coi Kỳ Viên, từ Sāvatthi, đức Phật có thị giả Nigāta theo hầu, dẫn theo tôn giả Mahā Moggallāna, bộ hành cùng với hội chúng hơn một ngàn vị tỳ-khưu tăng và ni theo lộ trình thương mãi đi về hướng ddông, chênh nam. Đức Phật cho biết là sẽ đến vương quốc Sākya.

Một số trưởng lão và tỳ-khưu xuất thân từ Sākya và Koliya như Kāḷudāyi, Devadatta, Anuruddha, Bhaddiya, Bhagu, Upāli, Ānanda, Nanda, Sīvali, Rāhula... cũng được tháp tùng ta bà du hóa. Ni trưởng Gotamī và tỳ-khưu-ni Yasodharā, Sundarī Nandā cùng với chừng một trăm ni chúng cũng được đi theo.

Đức Phật bảo tôn giả Mahā Moggallāna phân bố chư tăng ni thành nhiều nhóm, nhiều chúng, phân tán nhiều con đường khác nhau để dễ dàng trong việc khất thực.

Họ lại như những cánh chim trời nhẹ nhàng cất cánh thiên di, sau mùa mưa nên tiết trời im mát.

Đến địa đầu vương quốc Sākya, con đường xưa cũ hiện ra. Cảnh vật có thay đổi nhưng khuôn mặt xóm làng thì vẫn vậy. Vẫn với những cánh đồng lúa mạch, nếp, bắp, đậu, kê... Vẫn với những vườn cau, xoài, thốt nốt, chà là và rau củ các loại. Vẫn với những túp lều tranh rách nát, tồi tàn và vô số gia súc như cừu, dê, bò, heo, gà, vịt, ngang ngỗng... như vẫn ở chung với người. Vào đến thành phố thì khá hơn một chút nhưng vẫn không được phong quang, sáng sủa cho lắm; và dường như các sinh hoạt xã hội, mức sống của mọi người vẫn không khá hơn kể từ thời đức vua cha Suddhodana!

Thế là vào đầu mùa mưa thứ mười lăm, đức Phật và hội chúng đã đặt chân lên cổ thành Kapilavatthu rồi ngài và tỳ-khưu tăng ngụ tại tịnh xá Kāla-khemaka, trước đây do cư sĩ Khemaka cúng dường và tịnh xá Ghaṭāya do dòng tộc Sākya xây dựng trong Rừng Cây Đa (Nigrodhārāma). Còn ni trưởng Gotamī và hội tỳ-khưu-ni thì trở về ni viện cũ mà họ đã từng an cư mấy năm trước đây.

Đây là lần thứ tư đức Phật trở về Sākya và là hạ đầu tiên ngài an cư ở quê hương.

Chỉ mới một hôm là đức vua Mahānāma cùng với một số quan đại thần trẻ tuổi tìm đến, đảnh lễ đức Phật và thỉnh mời ngài cùng Tăng chúng ngày mai vào hoàng cung để ông cùng các gia đình hoàng gia được đặt bát cúng dường.

Đức Phật mỉm cười:

- Cả tăng và ni đông hơn ngàn vị, vậy hoàng gia có đủ sức thỉnh mời hết không?

- Đây là cơ hội hy hữu tạo hạnh phúc cho hoàng gia, bạch đức Thế Tôn!

Không khí vương triều sau nhiều năm sống theo giáo pháp nên có vẻ trầm lặng hơn, nhất là thế hệ cùng thời với đức Phật và một số hoàng thân, quan lại lão thần triều đình... Các “ông hoàng”, chư vị “công nương” và con cháu dòng Sākya có mặt khá nhiều trong hội chúng tăng ni tỳ-khưu, nhưng ánh mắt, nụ cười hoặc sự chào hỏi cũng toát ra sự an bình, lặng lẽ. Dường như những rộn ràng, lao xao từ những tâm lý thế tục thường phàm ở trong lòng họ đã yên lắng một phần nào rồi.

Dịp này, lúc thì giờ phải lẽ, đức vua Mahānāma thỉnh thị đức Phật dạy thêm về giáo pháp cho triều đình cùng con cháu nội ngoại dòng tộc Sākya cũng như dân chúng kinh thành Kapilavatthu. Ông nói:

- Năm kia, đức Thế Tôn, chư vị trưởng lão đã an trú mọi người trên căn bản ngũ giới. Đại đức Ānanda lại phân tích về giới, giảng nói rộng rãi ý nghĩa của giới cùng những ví dụ, hình ảnh rất sinh động. Mọi người ai cũng hoan hỷ và ai cũng còn nhớ trong tâm khảm. Cận sự nữ hai hàng từ đấy cũng biết giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý cho được tốt hơn. Sự yên ổn, thanh bình trong khá nhiều gia đình đã được thiết lập. Tuy nhiên, lần này xin đức Thế Tôn và hội chúng tăng ni an cư mùa mưa ở đây để hai hàng áo trắng kinh đô Kapilavatthu được dịp cúng dường, nghe pháp. Hy vọng rằng, nhờ vậy, những căn bản của giới, của thí, của tâm, của tuệ sẽ được an lập vững chắc hơn!

Đức Phật gật đầu:

- Đúng vậy, này Mahānāma! Một vị vua mà biết chăm lo đời sống tinh thần cho triều đình và bá tánh như thế là noi gương các bậc Chuyển luân Thánh vương kia đấy! Ừ, Như Lai và hội chúng tăng ni sẽ an cư mùa mưa ở đây để gieo những hạt giống bồ-đề cho xa rộng hơn nữa, không những ở kinh thành Kapilavatthu mà cả kinh thành Devadaha bên Koliya nữa vậy!

Thế rồi, sau đó, đức Phật, tôn giả Mahā Moggallāna, chư vị trưởng lão Anuruddha, Ānanda, Kāḷudāyi, Bhaddiya... thay phiên nhau, ở tại Nirodhārāma, tại ni viện hay tại các tịnh xá, trú cư trong và ngoại ô kinh thành - giảng nói những đề tài theo đúng yêu cầu của đức vua Mahānāma đã được đức Phật chuẩn y. Đấy là những thời pháp liên hệ đến giới, đến thí, đến tín, đến tâm, đến tuệ(1)... là con đường hạnh phúc và sang cả đi đến cõi người, cõi trời; và nếu ai có căn cơ sâu dày họ sẽ đi được vào dòng giải thoát.

Hôm kia, đức vua Mahānāma đi một mình với vài nội thị tìm đến gặp đức Phật, lại hỏi:

- Đệ tử có nghe về tuệ, có tu tập tuệ chút ít nhưng không rõ dòng họ Sākya nếu được tu tập tuệ thì họ có thể dập tắt được ngã mạn và kỳ thị giai cấp không, bạch đức Tôn Sư?

- Một số ít thì có thể, nhưng cả dòng tộc Sākya thì nó đã ăn sâu trong truyền thống rồi, rất khó dập tắt, này Mahānāma!

Đức Phật biết rõ vị vua hiền đức này đang “sầu não” chuyện gì, nhưng ngài cũng hỏi:

- Trông đức vua có vẻ ưu tư và lo lắng đó, này Mahānāma?

- Thưa vâng! Dòng tộc Sākya ngã mạn và kỳ thị giai cấp đã thành nề, đôi khi sẽ xảy ra hậu quả không tốt, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử rất lo lắng.

- Đức vua cứ nói đi!

Đức vua ngẫm nghĩ giây lát:

- Đức Thế Tôn có nhớ chuyện con bé Vāsabha-Khattiya con gái của đệ tử làm hoàng phi cho đức vua Pāsenadi chăng?

- Ừ, đức vua cứ kể hết đi!

Chuyện mà ông kể, đức Phật cũng biết. Thuở thanh niên, Mahānāma yêu thương một cô gái nô lệ, sau sinh một cô gái có tên Vāsabha-Khattiya. Khi Mahānāma làm vua(2), mặc dầu bị nhiều quan đại thần thủ cựu phản đối, ông vẫn phong cho cô làm công chúa. Khoảng sau mùa an cư năm thứ tám của đức Phật, do muốn làm thân quyến với ngài, đức vua Pāsenadi xin cưới một công chúa dòng Sākya. Sau khi hội ý với các quan đại thần, ai cũng muốn đức vua gả Vāsabha-Khattiya dù có dòng máu nô lệ nhưng vẫn là công chúa. Đây là do sự ngã mạn của dòng Sākya: Họ vẫn coi dòng tộc Sākya là cao quý hơn tất thảy mọi dòng tộc khác khắp thiên hạ. Về làm hoàng phi nước Kosala, cô sanh hạ cho đức vua Pāsenadi một trai có nước da vàng sáng rất kháu khỉnh. Không biết đặt tên gì, vua sai nội thị đến hỏi ý kiến của hoàng thái hậu. Biết đức vua rất mực thương yêu trẻ nên bà nói tên là Vallabha, có nghĩa “được yêu thích, được yêu thương”. Viên nội thị do lãng tai, về tâu trình, lại phát âm thành Viḍūḍabha(1), đức vua cứ ngỡ là một tên cổ xưa nào đó nên vui vẻ lấy tên ấy. Hoảng tử Viḍūḍabha rất thông minh, sáng dạ. Chừng sáu bảy tuổi, khi đã bắt đầu có nhận thức, nó biết ông ngoại của nó là đức vua nước Sākya nên rất hãnh diện. Tuy nhiên, đức vua Mahānāma cứ lo lắng, nếu nó biết được bà ngoại nó là thân phận nô lệ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ông cũng rất lo sợ khi đức vua Pāsenadi phát giác được chuyện ấy!

Đức Phật lại trấn an, nói với ý rằng, quá khứ thì đã qua rồi còn tương lai thì chưa đến! Hãy sống trong hiện tại với nhân với duyên trước mặt. Hiện quán là ở đấy. Trí tuệ là ở đấy. Khi có được trí tuệ rồi, thấy rõ ngã và pháp đều không có thực tính, chúng chỉ là duyên sinh vô ngã thì hóa ra mọi lo lắng, ưu tư chỉ là hoa trong gương, trăng trong nước, là bóng bọt, là giấc mộng huyễn mà thôi!

Cũng do biết nghiệp quả quá khứ nặng nề mà sau này dòng tộc Sākya không thể tránh khỏi(2), nên suốt trong mùa an cư đức Phật muốn giúp cho mọi người được thân chứng giáo pháp hay an trú vững chắc nơi giáo pháp. Và cũng suốt trong mùa an cư ấy, các gia đình hoàng gia, các quan đại thần, các gia chủ hữu danh, thương gia kinh thành Kapilavatthu... họ thay nhau mời thỉnh đức Phật và chư tăng ni đặt bát cúng dường rất chu đáo. Thỉnh thoảng, đức Phật và chư vị trưởng lão lại từ chối một số nơi để có thì giờ ôm bát đi xa hơn, gieo duyên hóa độ các thôn làng ở ngoại ô và còn nhiều trấn thành khác nữa.

Hôm kia, một số chư tăng ni khá đông, trong đó có trưởng lão Devadatta, chư đại đức Sīvali, Rāhula... ni trưởng Gotamī, tỳ-khưu-ni Yasodharā... xin phép đức Phật đi thăm nước Koliya, là quê hương, dòng tộc của các vị ấy.

Đức Phật gật đầu:

- Phải rồi! Nên như thế! Và Như Lai cũng muốn Mahā Moggallāna cùng đi theo nữa!

Khi mọi người muốn biết lý do, đức Phật nói như sau:

- Đức vua Suppabuddha còn giận Như Lai! Ngài cứ cố chấp trong tâm trí rằng, vì Như Lai mà Devadatta, Yasodharā bỏ nước mà ra đi. Rồi cũng vì Như Lai mà cháu ngoại của ông là Rāhula mới bảy tuổi đầu đã phải đi xin ăn đầu đường xó chợ. Rồi còn Sīvali và một số tỳ-khưu tăng ni thuộc hoàng tộc Koliya nữa, ngài hận trách Như Lai đã làm cho quốc độ không có người nối dõi vương vị!

Ngừng hơi một lát, đức Phật tiếp:

- Chư vị nếu gặp đức vua thì nên mở lời khôn khéo làm sao để cho chuyện ấy được nhẹ nhàng hơn. Cái quả của tâm sân, tâm hận nó khủng khiếp lắm. Như Lai nhờ Mahā Moggallāna đi theo là vì ông ta có nhiều phương tiện trí, cũng cùng chung một mục đích hóa giải mối hận thù ấy. Đúng thời, Như Lai cũng sang hóa duyên bên ấy cùng chư tỳ-khưu tăng.

Trong lúc ấy thì tôn giả Bhaddiya dẫn mẹ mình là bà Kāḷigodha đã đắc quả tu-đà-hoàn, đến đảnh lễ đức Phật, sau đó thỉnh mời ngài và chư vị trưởng lão đến tư gia đặt bát cúng dường.

Tôn giả Bhaddiya nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Mấy năm nay, mẹ con đã sống vững chắc trong giáo pháp; vậy xin đức Đạo Sư giảng pháp nào tương hợp để giúp bà sống an lành hơn, tươi vui hơn, mát mẻ hơn.

- Chỉ có tâm từ là thù thắng nhất, này Bhaddiya!

- Vậy thì xin đức Đạo Sư an trú cho mẹ con tâm từ vô lượng ấy.

Thế là sau buổi ngọ trai, đức Phật giảng về đề mục tâm từ rồi ngài kết luận:

- Như vậy, từ tâm giải thoát nếu được thực hành, nếu được tu tập, nếu được làm cho sung mãn, nếu được tác thành như cỗ xe, nếu được tạo lập như căn cứ địa, nếu được tiếp tục an trú, nếu được duy trì, tích tập, nếu được khéo khởi sự - thì sẽ gặt hái được mười một lợi ích. Thế nào là mười một?

Ngủ được an lạc,

Thức được an lạc,

Ngủ không có ác mộng,

Được mọi người mến mộ,

Được phi nhân ái kính,

Được chư thiên mến trọng, bảo hộ;

Không bị lửa, thuốc độc, gậy gộc, đao kiếm xúc chạm, họa hại;

Tâm luôn định tĩnh, ổn định và vào thiền một cách mau chóng;

Sắc mặt luôn luôn tươi vui, trong sáng;

Mệnh chung không mê loạn, không hôn ám; nếu chưa thể nhập cứu cánh của đạo bất tử thì sẽ được hóa sanh lên phạm thiên giới(1).

Đức Phật còn dạy tiếp:

- Ngoài ra, những ai tu tập từ vô lượng, dù chưa đắc định cũng được lợi ích thù thắng là trong các cõi trời và người, sẽ ít có người ganh ghét, ít có kẻ hận thù, không chết bất đắc kỳ tử, không bị ai đánh đập, không sống trong thế giới có đao trượng, nước, lửa họa hại...

Đến ngang đây, đức Phật nhấn mạnh:

- Nếu đức vua Sappabuddha biết lấy nước mát của tâm từ để dập tắt lửa nóng của tâm sân, tâm hận thì tốt biết bao nhiêu? Còn nếu cố chấp, không buông xả được thì hậu quả thật khó lường... Như Lai không có cách gì giúp đỡ được. Mỗi người hãy tự cứu mình!


(1) Đầy đủ chi phần là Tín, giới, văn, thí, tuệ. Đức Phật giảng nói cho đức vua Mahānāma - có ghi lại trong Mahāvagga Saṅyutta.

(2) Vì Nanda, em cùng cha khác mẹ với thái tử, con các đức thân vương Amitodana, Sukkodana là Ānanda, và Anuruddha đều đã đi xuất gia hết - nên Mahānāma (anh ruột của Anurudha) phải ở nhà, và sau này kế thế ngôi vương.

(1) Trong chú giải kinh Pháp cú, NXB Tp. HCM, q.2 tr.575 - sư Pháp Minh dịch là Lưu Ly.

(2) Sẽ viết một chương khác.

(1) Tăng chi bộ kinh IV, phẩm Tùy niệm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn