Chuyện Cô Nữ Tu Xinh Đẹp

13 Tháng Tám 201417:05(Xem: 5608)

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 4

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014


Chuyện Cô Nữ Tu Xinh Đẹp


Lúc mà uy tín của các giáo phái trong kinh thành ngày càng bị giảm sút, đời sống ngày càng khó khăn; tất cả chùa viện ngày càng hương tàn khói lạnh, vật thực bữa có bữa không thì chúng ngoại đạo ngày càng sinh tâm căm ghét, hận thù đức Phật và tăng chúng đến tận xương tủy.

Chuyện hối lộ cho đức vua một trăm ngàn đồng tiền vàng để xây dựng một “tiền trạm” ngay trước “mũi” chùa Kỳ Viên thất bại; nó như là giọt nước cuối cùng làm cho tràn ly, chúng ngoại đạo tìm phương kế thâm độc để trả thù. 

Kinh điển còn ghi nhận hai vụ trả thù bằng “mỹ nhân kế”, không biết chính xác là vào hạ nào của đức Phật tuy đều xảy ra tại Kỳ Viên tịnh xá. Và cũng không biết rõ là họ thuộc giáo phái nào. Vụ đầu tiên là họ sử dụng một nữ tu sĩ rất xinh đẹp, tên là Sundarī, giả một kịch bản là hay đến chùa Kỳ Viên vào những giờ giấc “khả nghi”. Sau đó cô ta nói xa nói gần, ỡm ờ nửa kín, nửa hở như là có liên hệ “gì đó” với đức Phật. Bậc trí và những thánh đệ tử thì mỉm cười trước những đồn thổi này, nhưng tăng, tục phàm phu thì nghi nghi, ngờ ngờ. Bước thứ hai của mưu kế này là cho người trà trộn vào những buổi thuyết pháp đông đúc, có mặt hai hàng cư sĩ để tung tin, rỉ tai, sau đó loan truyền khắp thành phố về chuyện “mờ ám” của đức Phật.

Dù bọn ngoại đạo và nữ tu Sundarī đã rêu rao nói xấu, vu khống nhiều cách nhưng vẫn không làm giảm uy tín đức Phật được, nên họ đã dùng đến thủ đoạn độc ác là bỏ bạc tiền thuê mướn nhóm côn đồ nghiện rượu chè, mê cờ bạc giết cô Sundarī rồi giấu xác chết trong đống rác trước cổng ra vào tịnh xá Kỳ Viên.

Sau đó, nhóm tu sĩ ngoại đạo cử người đại diện vào trình đức với vua Pāsenadi:

- Tâu đại vương! Một nữ tu trẻ đẹp của giáo phái chúng tôi tên là Sundarī, bỗng dưng mất tích trong thời gian lui tới chùa Kỳ Viên. Xin đại vương cho đội quân do thám đi điều tra!

 Cùng lúc ấy thì chúng chia ra nhiều toán giả vờ đi tìm kiếm khắp nơi. Có một nhóm loanh quanh luẩn quẩn trước cổng chùa Kỳ Viên rồi hô hoán lên là tình cờ thấy xác cô Sundarī trong đống rác. Tin được loan ra, hằng trăm tu sĩ ngoại đạo đồng bọn tìm tới, chúng làm ầm ĩ lên rồi đặt xác chết trên cáng, kéo đi khắp thành phố rêu rao với đại ý rằng:

- Hỡi muôn dân bà con kinh thành Sāvatthi! Hãy nghe đây! Quý vị đã thấy chưa? Cô nữ tu Sundarī của chúng tôi là một đệ tử ngoan đạo, thuần thành nhưng lỡ mang sắc đẹp mê hồn, kiều diễm của tiên nữ. Trong mấy lần lui tới chùa Kỳ Viên, không biết tại sao, cô ta lại bị giết chết rồi được chôn xác tại một đống rác tại cổng chùa? Ai giết? Và tại sao lại bị giết? Có phải sa-môn Gotama và đệ tử của ông ta đã lỡ làm điều xấu xa rồi muốn che giấu tội lỗi của mình bằng cách chôn xác phi tang? Ôi! Thật là oan uổng! Thật là oan uổng!

Xác chết sau đó được mang đến triều đình. Đức vua bước xuống, đi tới gần bên nhìn xác chết một hồi; vì mới một ngày một đêm nên dường như cái xác còn “tươi nguyên”; tuy lấm lem lá rác nhưng cũng không giấu được một vẻ đẹp làm nao nao, xao xuyến lòng người. Không cần vị quan nắm cán cân công lý, không cần mọi thủ tục rườm rà, đức vua cất tiếng hỏi:

- Ai là người đầu tiên thấy cái xác này?

Giữa đám đông, ước chừng có vài mươi người đồng cất tiếng tự nhận là mình:

- Là tôi!

- Chính tôi thấy!

Đức vua tức khắc thấy sự sơ hở của chúng, nhưng cũng hỏi tiếp:

- Thế các thầy đến cổng chùa Kỳ Viên làm gì?

Họ im lặng. Một vị có vẻ lớn tuổi đáp:

- Tâu đại vương! Có một bọn tàn thực đang khều cái gì nơi đống rác, thấy xác chết nên chúng hô hoán lên, sau đó chúng tôi mới tìm tới.

- Thế sao vừa rồi có cả mấy chục vị bảo là thấy xác chết đầu tiên? Vậy những vị bảo là thấy đầu tiên đâu, các thầy vẫn chưa trả lời câu hỏi của ta: Đến cổng chùa Kỳ Viên làm gì, có việc gì?

Họ im lặng. Đức vua bèn nghiêm khắc nói:

- Trẫm sẽ cho điều tra. Nhưng khi chưa có bằng chứng, khi chưa có kết luận của triều đình thì đừng rêu rao bậy bạ. Trẫm sẽ xử theo luật hình về tội: “Cố ý bôi nhọ, vu khống người khác, nhất là những bậc đạo cao đức trọng!”

Nói thế xong, đức vua cảm thấy xót thương cho đóa hoa trong đống rác, bèn cho lính bó nhiều lớp vải trắng rồi chu đáo cho hỏa táng thi hài Sundarī. Còn nhóm tu sĩ ngoại đạo thì đức vua bảo lính cai ngục giam giữ lại, đợi điều tra xong hãy tính.

Thế rồi, nghe kể rằng, chuyện điều tra cũng không lâu la gì. Đội quân do thám được đức vua cử đi đã lân la khắp các nơi vui chơi hạ liệt trong kinh thành, tức là những “điểm đen” thường xảy ra các loại tội phạm.

Có hai đứa côn đồ vừa xong một trận nhậu nhẹt say sưa nhưng khi trả tiền thì đứa này đùn đẩy sang đứa kia nên sinh ra bất hòa, tranh cãi ồn ào:

- Tiền đứa nào cũng bằng nhau, tại sao tao trả mà không phải là mày trả?

- Vì chính tay tao giết chứ không phải mày giết!

- Nhưng tao lại phải vác cái xác nặng nề, còn mày thì đi lông ngông như dạo mát vậy đó!

- Nhưng mà mày quăng xuống rồi bỏ đi, còn tao lại phải tìm lá rác để che giấu cái xác!..

Nghe chừng ấy chuyện, chẳng gặng hỏi lôi thôi, lính do thám xích tay hai tên du côn dẫn về triều đình. Tại đây, chúng khai nhận tội, đồng thời khai luôn những kẻ thuê mướn, chính là nhóm tu sĩ ngoại đạo cho người đại diện vào triều tấu trình với đức vua.

Trước khi hành hình bọn côn đồ và bọn chủ mưu, đức vua cho lính dẫn nhóm tu sĩ ngoại đạo đi khắp các con đường lớn, con đường nhỏ trong kinh thành, đính chính lại lời rêu rao thất thiệt ngày hôm trước của chúng, phải thành khẩn và phải liên tục thay nhau loa truyền như sau: 

- Xin được đính chính! Xin được cải chính! Thưa bà con muôn dân kinh thành Sāvatthi! Mấy vị trưởng lão tu sĩ của chúng tôi sai người thuê mướn hai đứa côn đồ nghiện rượu giết chết cô tu nữ Sundarī để vu oan giá họa cho sa-môn Gotama cùng đệ tử của ông ta. Chính mấy vị trưởng lão của chúng tôi mới là người chủ mưu, mới là kẻ có tội! Xin được đính chính. Xin được cải chính!

Khi nhóm tu sĩ ngoại đạo cải chính rồi, dân chúng trong thành Sāvatthi không ai còn nghi ngờ gì nữa, đồng thời họ càng thêm khinh ghét bọn chúng! Hai đứa côn đồ nghiện rượu và mấy vị tu sĩ ngoại đạo chủ mưu giết hại cô nữ tu Sundarī đều bị hành hình, xử trảm theo pháp luật của quốc độ.

Trong thời gian ấy, tịnh xá Kỳ Viên vẫn yên lặng như tờ, vì đức Phật và chư vị trưởng lão đã dặn bảo đại chúng rằng:

“ - Nhân sanh ra ở đâu là nó sẽ diệt ở đó! Hãy giữ sự yên lặng và thanh bình của bậc thánh đệ tử!”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7316)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7156)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6779)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5430)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8315)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6802)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14412)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn