Nhất Chỉ Thần Thông

13 Tháng Tám 201404:07(Xem: 4953)

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 4

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014


Nhất Chỉ Thần Thông
(1)


Dabba Mallaputta đắc thánh quả A-la-hán và các thắng trí lúc bảy tuổi và cũng là một trong số ít vị được đặc cách thọ đại giới không qua giai đoạn sa-di tại quốc độ Malla, sau đó, vâng mệnh đức Phật trở về Veḷuvana để đi theo con đường hạnh nguyện xưa của mình.

Đã bốn năm trôi qua, bây giờ đại đức Dabba Mallaputta đã mười một tuổi. Theo với thời gian, đại đức càng ngày càng chín chắn, thuần thục trong tứ oai nghi, trong thái độ khu xử cũng như trong công việc hằng ngày. Được chư vị trưởng lão giao cho hai nhiệm vụ quan trọng, khó khăn đúng với sở nguyện: Một là chăm sóc, thu xếp, lên lịch trình đặt bát hằng ngày, tại tịnh xá hay tại tư gia thỉnh mời; bảo quản, coi sóc các kho lẫm gồm ngũ cốc, vải vóc, dầu đèn, hương liệu... người ta cúng dường đến tăng. Hai là phân phối chỗ ngủ nghỉ cho chư khách tăng với đầy đủ những nhu dụng cần yếu; như vậy cũng có nghĩa là những vật dụng như mùng, mền, chiếu, gối, khăn tắm, giẻ chùi chân, nước rửa, nước uống, nước tắm, các công trình như nhà vệ sinh, phòng tắm nước nóng, củi lửa... cũng phải để tâm quán xuyến. Quả là cả hằng đống núi công việc, phi bậc thánh không thể làm được. Tuy nhiên, nhân nào duyên nấy, bên cạnh đại đức Dabba Mallaputta có cả hằng trăm vị sa-di phụ việc. Trong số sa-di này có mặt khiêm tốn một số bậc thánh từ sơ quả đến tam quả và ngay tứ quả cũng có vài ba vị. Chính nhờ năng lực tâm linh của một số ít bậc thành này, như sức của những con ngựa thuần chủng, nó kéo phăng phăng cỗ xe mà trong đó, sức ì, sức trì níu của những tâm sở biếng nhác, giải đãi, hôn trầm, mệt mỏi, dã dượi... của chúng phàm phu lúc nào cũng đông hơn, đã bị vô hiệu hóa. Còn nữa, chư khách tăng đến và đi tại Trúc Lâm, ba phần tư đều là những người còn quá nhiều phàm tính, tục tính. Cũng không sao, đấy là sự tồn tại tương quan tất yếu; và cũng là cơ hội tốt cho chư vị học hỏi và tu tập thêm tâm nhẫn, tâm từ, tâm xả...

Mấy năm nay, đại đức Dabba Mallaputta nổi danh như một ngôi sao sáng do ngài và hội chúng đã chu toàn mọi bổn phận, mọi trách nhiệm không chê vào đâu được. Còn nữa, do biết vị đại đức trẻ này có thắng trí bất khả tư nghì nên chư khách tăng thường hay làm khó ngài để thử tài của ngài.

Thường thì sự thu xếp chỗ ngủ nghỉ của ngài rất nền nếp, chu đáo, có óc khoa học. Do nhờ thắng trí nên khi một nhóm tỳ-khưu đến, biết họ chuyên trì kinh, đại đức thu xếp cho họ ở cùng chung sālā với nhau. Các nhóm chung về luật, các nhóm chuyên về Abhidhamma, các nhóm chuyện thảo luận giáo pháp, các nhóm chuyên thiền định cũng tương tợ vậy. Ai cũng hài lòng. Vì như vậy là không ai quấy rầy ai. Riêng có những nhóm tỳ-khưu thích nói chuyện thế tục, sinh hoạt tay chân, ăn nói còn thiếu kiểm soát, thiếu sự thu thúc cũng được đại đức thu xếp cho họ ở chung nhau với nụ cười bậc thánh trong tâm của ngài: “Ồ! Các vị này chắc cũng sẽ được vừa ý vì những sở thích ưa cười nói ồn ào, huyên náo của họ”.

Đấy là ban ngày, còn ban đêm khi có khách tăng đến, đại đức Dabba nhanh chóng nhập đề mục ánh sáng, xuống cận hành, dùng thần thông thắp ánh sáng nơi ngón tay trỏ của mình để dẫn mọi người đến trú xứ như đã chỉ định. Đến nơi, chỗ ngủ nghỉ lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ với đầy đủ giường, nệm, gối, gậy chống, nước rửa, nước uống và cả chỗ tiêu, chỗ tiểu. Chính vì lý do này mà khách tăng truyền miệng với nhau nên ngày càng có nhiều nhóm ở xa tìm đến. Rất nhiều khi, Trúc Lâm không còn đủ chỗ, họ lại yêu cầu được thu xếp chỗ ở bên ngoài, ngày càng xa hơn để làm khó, thử tài bậc thánh trẻ tuổi. 

- Này đại đức quý mến ơi! Hãy cho chúng tôi chỗ trú ngụ bên ngoài cũng được.

- Vậy chư vị thích ở chỗ nào? Thích chỗ nào tôi sẽ phân bố chỗ ấy.

Có vị muốn thử tài, làm khó chơi:

- Thưa, ví dụ như tôi muốn ở đỉnh núi Gijihakūṭa có được không?

Đại đức mỉm cười:

- Được, không sao! Chư vị hãy bước theo tôi.

Thế rồi, với ngón tay trỏ được thắp sáng, đưa lên cao, soi tỏ con đường, đại đức dẫn khách tăng rẽ đêm tối bước đi. Lạ lùng làm sao, chỉ chừng vài chục hơi thở họ đã đến đỉnh Linh Thứu với những hang, những động, những chỗ ngủ nghỉ sạch sẽ, tinh tươm trên những giường gỗ, giường tre, giường đá đủ kiểu, đủ loại.

Một đồn mười, mười đồn trăm. Thế rồi, từng đêm, từng đêm, khách tăng xin trú ngụ tại Hang Núi Kẻ Cướp, sườn núi Isigili, sườn núi Vebhāra, hang Sattapaṇṇa (Thất Diệp), tại rừng Sīta, động Sappasoṇḍika, hẻm núi Gomaṭa, hẻm núi Kapota, vườn xoài Jīvaka, vườn nai Maddakucchi... Nhóm nào muốn ở đâu thì đại đức đáp ứng cho họ chỗ ấy trăm lần như một đều chu đáo, thích nghi.

Như vậy, chư vị trưởng lão cũng như chư khách tăng gần xa đều tán thán ca ngợi cái ngón “nhất chỉ quang tướng thần thông” của đại đức Dabba Mallaputta.

Tôn giả Mahā Kassapa mỉm cười, tự nhủ:

- Dùng thần thông để sắp xếp trú xứ cho tăng chúng trong những đêm trời tối tăm hay mưa gió như thế ấy, chắc đức Tôn Sư cũng không rầy la đâu!


(1) Mượn chữ của Toại Khanh (Sư Giác Nguyên), từ một bài viết nào đó có đăng trong trang Web. Luy Lâu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7316)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7157)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6781)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5432)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8317)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6802)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14412)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn