Chuyện Tỳ-Khưu Nanda

09 Tháng Tám 201400:52(Xem: 4678)

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 3

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014


Chuyện Tỳ-Khưu Nanda
 

Sau những buổi “tranh luận” ấy thì uy tín, uy lực của đức Phật và giáo pháp đã làm cho giới bà-la-môn bàng hoàng, không còn dám cựa quậy, nhúc nhích nữa. Trí tuệ của đức Phật đã mở phơi trần trụi những bao che, phong kín ngụy trang bấy lâu nay của giới cấp bà-la-môn! Họ chẳng còn chỗ nào để tự hào và hãnh diện nữa. Đúng ngài là hiện thân của đức Chánh Đẳng Giác trên đời này thực sự rồi. Cả hai buổi pháp thoại đều được truyền tụng đi khắp mọi nơi; thêm mắm, thêm muối cho câu chuyện được đậm đà; thêm gừng, thêm ớt cho nó cay cay hơn; thêm dấm, thêm chanh cho nó chua chua thêm một chút nữa. Chuyện đời mà. Các giới cấp từ lâu tự xem mình là thấp kém, bây giờ cảm thấy mình được cởi trói, được nở mày, nở mặt, được sống cho ra một con người. Họ tri ân đức Thế Tôn về quan điểm bốn giai cấp đều thanh tịnh ấy. Thế là khí hậu của Kỳ Viên đại tịnh xá như được thêm mưa thuận, gió hòa...

Các trưởng lão ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt, tu tập cho tăng chúng, bây giờ đã trên hai ngàn vị. Đến mùa an cư có thể còn đông hơn nữa. Hai vị đại đệ tử phải tuyển chọn thêm một số vị giáo thọ. Đức Phật gần gũi, trao đổi chuyện với Rāhula để xem chú có tiến bộ không. Ai cũng khen Rāhula hiếu học. Giới sa-di ở đây rất đông, hai vị đại đệ tử lại thêm vất vả để giáo huấn, được Rāhula phụ giúp rất đắc lực. Riêng tỳ-khưu Nanda thì khuôn mặt không được vui, trong lòng vẫn còn bị đốt cháy bởi khối lửa tình si.

Đức Phật chợt nói:

- Này Nanda! Hôm nay, ông cùng với Như Lai hãy đi chơi một chuyến cho khuây khoả!

Ngạc nhiên, Nanda tròn mắt:

- Đi chơi?

- Phải, lên cõi trời chơi! Tiện thể, Như Lai muốn giáo giới, nhắc nhở ông thiên chủ Đế Thích một chút.

Nói xong, đức Phật vận thần thông lực đưa tỳ-khưu Nanda đến cung trời Đao Lợi. Giữa không gian, khi bay ngang qua một khu rừng vừa bị hỏa thiêu, đức Phật cốt ý để cho Nanda trông thấy một con khỉ cái bị cháy trụi lông; tai, mũi và đuôi đều bị sứt, đang cố ôm bám vào một thân cây trơ trọi để níu lấy sự sống.

Đến cung điện rực rỡ của đệ nhị thiên đường, chuông gió, sáo trời dặt dìu, mê ly, thánh thót; hoa trời nở đầy hai bên lối đi bạch ngọc, trân châu, mã não. Mấy muôn chư thiên lấp lánh ánh sáng, phục sức cao sang và quý phái, dẫn đầu là thiên chủ Đế Thích ra nghinh đón đức Tôn Sư. Và, ô kìa, mười muôn thiên nữ với sắc đẹp lộng lẫy, đài các, diễm lệ, kiêu kỳ xuất hiện giữa đám mây hồng, mây tím; nhóm vũ khúc, nhóm hát ca... có cả quần tiên càn-thát-bà tấu nhạc như một cuộc hội trường xuân miên viễn.

Thấy tỳ-khưu Nanda đang say sưa, mê mẩn ngắm nhìn, đức Phật nói:

- Này Nanda! Ông hãy tuỳ nghi đi chơi đâu đó cho thỏa thích. Như Lai có công việc với Sakka thiên chủ.

Thế rồi, đợi Đế Thích dẫn đức Phật vừa đi khuất, tỳ-khưu Nanda đi thăm thú cảnh “non bồng nước nhược”! Ở đâu cũng điện các trùng điệp, ở đâu cũng bảy báu trùng điệp. Không gian sạch trong, không một mảy bụi. Rồi hý trường, công viên, hồ cảnh, thủy tạ, đền đài, vườn cây, rừng cây với hoa trái lạ lùng chín mọng, hương thơm diệu kỳ. Và ô kìa, tiên nữ và tiên nữ... vóc ngọc, dáng ngà chỗ này chỗ kia thướt tha, uyển chuyển bay lượn đó đây vẳng lại tiếng cười vui, âm thanh trong trẻo như ngọc chạm, như pha lê reo!

Tới chỗ nào, tỳ-khưu Nanda cũng như muốn chết sửng, chân bước đi không nổi! Ở đây, sắc trời, thanh trời, hương trời nó hấp dẫn, lôi cuốn gấp hằng triệu lần thế gian. Cung điện Kapilavatthu huy hoàng, sang trọng, nhưng đem so sánh với nơi này thì chỉ như cái xó bếp tối tăm, nghèo nàn thật tội nghiệp.

Bước chân đưa đẩy, dẫn Nanda đến một tòa cung điện với năm trăm bảo tháp kim cương, hội tụ giữa hư không, phản chiếu ánh sáng lấp lánh muôn màu. Bước vào giữa điện, Nanda trông thấy một chiếc ngai khảm bảy báu, trông rất lộng lẫy, sang trọng. Tuy chưa thấy một vị thiên tử nào ngự ở đấy, nhưng hầu quanh có năm trăm thiên nữ mà cô nào cũng chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường trông xinh đẹp, mỹ miều mà thế gian thật không tưởng tượng nổi.

Tỳ-khưu Nanda bạo gan hỏi:

- Chiếc ngai bảy báu trân quý thế kia, sao chưa có vị thiên tử diễm phúc nào an ngự ở đấy, thưa quý tiên nương?

Một thiên nữ tủm tỉm cười đáp:

- Thưa tôn giả! Chúng thiếp chuẩn bị sẵn để chờ đợi đón tiếp một vị trong giáo hội của đức Thế Tôn!

Tò mò, Nanda hỏi:

- Vị nào vậy? Quý tiên nương có biết chăng?

- Thưa, nghe nói là tỳ-khưu Nanda! Vị ấy hiện đang hành trì, tu tập rất tinh tấn!

Ra khỏi toà lâu đài rồi mà trái tim Nanda còn nhảy loạn trong lồng ngực.

Trên đường trở về hạ giới, đức Phật hỏi:

- Này Nanda! Hằng muôn tiên nữ nơi cõi đệ nhị thiên đường, cụ thể là năm trăm tiên nữ nơi toà lâu đài bảo tháp kim cương, nếu đem so với công nương Janapāda Kaḷyāni của ông, ai xinh đẹp, mỹ miều, diễm lệ hơn?

Nanda đỏ mặt ra đến tận mang tai, cúi đầu đáp:

- So với họ thì công nương Janapāda Kalyāni chỉ giống như con khỉ cái bị cháy trụi lông, đen thui, sứt mũi, sứt tai, cụt đuôi tại khu rừng nọ.

Đức Phật mỉm nụ cười trong tâm, nói rằng:

- Này Nanda! Vậy hãy tinh tấn, nỗ lực! Như Lai hứa, nếu Nanda kiên trì tu tập giáo pháp thì một ngày kia, năm trăm bảo tháp kim cương, chiếc ngai vàng thất bảo cùng năm trăm tiên nữ ấy sẽ thuộc về của ông!

Từ đó, khi ở tịnh đường, lúc ở nơi liêu đơn, gốc cây, bãi trống, rừng vắng... Nanda thiền định rất mực chuyên cần, rất mực chịu khó và nhiệt tâm.

Mọi người biết chuyện ấy. Các bậc thánh vô học hoặc hữu học thì im lặng, bởi họ biết phương tiện trí rất thâm sâu của đức Thế Tôn. Các vị còn phàm phu, nhất là chư sư trẻ thì có dịp để họ nhạo báng, đùa bỡn hoặc tạo nên những nụ cười vui, vô hại, rất dí dỏm:

- Nè, tôn giả Nanda của chúng ta biết cách “đầu tư công phu” đó nghe!

- Ừa, chuyến buôn bán làm ăn này ông hoàng của chúng ta lãi to rồi!

- Đừng có xía phần! Ai ăn nấy no. Ai tu nấy được!

- Nhưng những năm trăm tiên nữ “nhín” bớt cho một, hai, không được sao?

Chuyện đến tai, Nanda cảm nghe xốn xang, khó chịu vô cùng. Ngẫm nghĩ lại, ông chợt thấy rõ mục đích của mình tỏ ra tầm thường và thấp kém quá. Họ chế giễu là đúng. Họ nhạo báng là họ muốn thức tỉnh mình đây!

Đức Phật xuất hiện rất đúng lúc:

- Này Nanda! Bỏ qua chuyện ấy đi! Hôm nay ông và Như Lai đi chơi một miền xa. Hãy đến một cảnh giới đau khổ!

Lần này, đức Phật lại sử dụng thần thông đưa Nanda xuống thăm một cảnh giới ở địa ngục. Dịp này, Nanda chứng kiến tận mắt những thảm cảnh hãi hùng. Đây là một cột trụ đồng đỏ lửa rừng rực, các tội nhân trần truồng phải bám siết để leo lên, da thịt cháy xèo xèo. Bên kia là những con quỷ mặt trâu, đầu ngựa, cầm những chiếc đinh ba nhọn hoắt, đâm suốt qua lưng tội nhân rồi cất những tiếng tru ghê rợn. Nọ là những con dạ-xoa, la-sát cầm những chiếc cưa sắt nung lửa đỏ lòm, cứ tuần tự cưa tội nhân ra từng khúc, từng đoạn, gan ruột đổ lòng thòng, máu me chảy tràn thành vũng. Và thôi, nào là bàn chông, máy chém, máy lóc xương... kể sao cho xiết! Tội nhân chỗ này, chỗ kia giãy đành đạch, la hét, kêu gào... lẫn tiếng cười ghê rợn của quỷ dữ. Những cái cối đồng vĩ đại, những chiếc chày to lớn, đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, bên trong là tội nhân với xương thịt bầy nhầy như cốt ý làm chả thịt người cho quỷ sứ ăn! 

Nanda rùng mình, ớn lạnh... bước sang một lò nấu người. Những chiếc vạc to lửa cháy xanh lè, bên trong dầu sôi sùng sục. Những con quỷ mặt xanh, mũi đỏ, thò tay quăng tội nhân vào từng chảo một. Nơi chảo khác, dầu sôi như sóng cuộn, lại không có tội nhân...

Ngạc nhiên, Nanda hỏi thì được một con quỷ có vẻ lịch sự, đáp:

- Thưa tôn giả! Cái này thì còn để dành...

- Sao? Để dành? Cho tội nhân nào?

- Nghe nói là một vị tỳ-khưu!

- Ai? Vị nào vậy?

- Cái ông không chịu tu hành; ăn cơm của đàn-na thí chủ mà đêm ngày cứ tơ tưởng đến con gái! Là ông hoàng Nanda đấy!

Từng chân tơ, kẽ tóc đều dựng ngược cả lên, da thịt nổi gai ốc, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng - Nanda quày quả theo đức Thế Tôn trở lại trần gian mà cả tâm thần còn bủn rủn, cả tứ chi còn bải hoải!

Nanda phủ phục bên chân đức Phật:

- Xin đức Tôn Sư hãy huỷ bỏ lời hứa về chuyện năm trăm cô tiên nữ, đệ tử sợ hãi lắm rồi!

Đức Phật lắc đầu:

- Chưa! Chưa thể! Chừng nào ông không còn bám víu vào những sự vật trần gian; chừng nào ông đã vĩnh viễn xuất ly dục lạc; nội tâm hoàn toàn thanh tịnh như viên bạch ngọc trong suốt không tỳ vết nhiễm ô thì lúc ấy, Như Lai huỷ bỏ lời hứa cũng không muộn gì!

Nói thế xong, đức Tôn Sư đọc một bài kệ:

“- Đau khổ và khoái lạc

Bùn nhơ đáy mặt hồ

Hương hoa sen toả ngát

Cho người diệt si mê!

Khoái lạc và đau khổ

Xúc động tâm phàm phu

Người vĩnh ly nhiễm ái

Hoa sen thắm mặt hồ!”

Trong lúc Nanda lắng nghe câu kệ có vẻ chú tâm thì đức Phật đã không còn ở đấy. Vì ngài biết, bắt đầu từ bây giờ, Nanda sẽ gạt bỏ được những tư tưởng ô nhiễm, xấu xa để dành thời gian cho sự kiên trì tu tập. Rồi sẽ có hiệu quả tốt và không còn lo ngại gì về ông hoàng si tình ấy nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tư 2016(Xem: 5165)
Giới Thiệu: Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, là người đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989, và là người cổ võ từ bi và hòa bình khắp thế giới. Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới và tham gia vào nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu. Xuất gia làm tu sĩ từ thơ ấu, Tỳ Kheo Tenzin Gyantso đã hoàn tất các chương trình học Phật theo truyền thống và tốt nghiệp bằng geshe, tương đương Tiến Sĩ Phật Học. Nổi tiếng với sự thông thái và tấm lòng độ lượng, chứng đắc thiền định, và khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản.”
11 Tháng Ba 2016(Xem: 5179)
Lời Ban Biên Tập: Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, đại gia đình Phật tử thế giới lại thành tâm tưởng niệm ngày Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật Nhập Niết bàn. Nhân ngày tưởng niệm này, chúng tôi xin lược trích giới thiệu nội dung cơ bản nửa sau bài Ba, khoá I “Phật học phổ thông” của cố HT Thích Thiện Hoa, về sự kiện Lịch sử Phật giáo quan trọng này.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 5368)
Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thỏa mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội, và thậm chí là thù hận sẽ khởi sanh.