Thành Lập Giáo Hội Bhikkhunī

06 Tháng Tám 201415:14(Xem: 5341)

MỘT CUỘC ĐỜI 
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT 
TẬP 2

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014


Thành Lập 
Giáo Hội Bhikkhunī


Đức Phật ở lại đại viên Nigrodhārāma để thuyết pháp cho mọi thành phần giai cấp đều được nghe. Ngày nào cũng hằng trăm người đến nghe pháp, trong đó có một số ít ngoại giáo thích tranh luận, khá nhiều người xin quy y và một số đông dòng tộc Sākya xin xuất gia nữa! Đức Phật chỉ thuyết pháp và giáo giới mấy hôm, sau đó bàn giao trách nhiệm ấy lại cho hai vị đại đệ tử.

Đến ngày thứ tư thì lệnh bà Gotamī đến quỳ xin Đức Phật để được xuất gia, bà nói:

- Thật là đại hạnh cho chúng tôi, nếu đức Thế Tôn cho phép nữ giới được sống đời xuất gia phạm hạnh thiêng liêng trong pháp và luật của đức Thế Tôn!

- Không được đâu, di mẫu! Đời sống xuất gia không thích hợp cho nữ giới đâu!

- Có lẽ đức Thế Tôn sợ sức vóc phụ nữ không chịu đựng được sương gió, nắng mưa hoặc không kham nổi đời sống trì bình khất thực xin ăn thiếu thốn, cơ cực?

- Đấy mới chỉ là một phần của lý do, thưa di mẫu!

- Hay đức Thế Tôn thấy bản chất người nữ thường ích kỷ, nhỏ nhen, nói nhiều, thích trang điểm, sống hời hợt bên ngoài, cố chấp và hay sĩ diện hão?

- Thêm một phần của lý do nữa là như vậy, di mẫu ạ!

- Hay đức Thế Tôn thấy nữ giới không có căn bản trí tuệ - để có thể lãnh hội giáo pháp cao siêu?

- Về lãnh vực ấy thì nữ nhi không hề thua nam giới đâu.

- Vậy thì trở ngại nó nằm ở đâu, bạch đức Thế Tôn?

Suốt ba ngày, ba lần xin xuất gia – mà đức Phật cũng không trả lời câu hỏi có vẻ tối hậu ấy, ngài chỉ im lặng, lệnh bà vô cùng sầu não. Đối với lệnh bà, hoàng cung bây giờ thật là hoang vu, vắng lạnh. Hạnh phúc của người đàn bà là lo cho chồng, cho con, cho cháu; nhưng Nanda, Rāhula đã ra đi, và bây giờ là đức vua Suddhodana nữa - thì bà còn biết sống để làm gì và sống cho ai?

Tuy nhiên, lệnh bà chưa bỏ cuộc, tìm gặp Ānanda, Kāḷudāyi để hỏi thăm tình hình đường đi nước bước; cách thức mặc y, mang bát, trì bình khất thực; cách đi đứng, nói năng, ngủ nghỉ và cả sự tu tập căn bản trong buổi đầu của một vị tỳ-khưu. Cả hai vị không hiểu chuyện gì, nhưng cũng trình bày rất cặn kẽ.

Khi đức Phật và tăng đoàn rời Kapilavatthu, trên đường trở lại Vesāli chỉ mới vài hôm - thì lệnh bà tìm gặp công nương Yasodharā bàn bạc, tính toán việc xuất gia; để kết luận, bà nói:

- Vậy, tôi sẽ đi trước với chừng một vài trăm người để xem tình hình như thế nào đã; lúc nào đâu ra đấy rồi, Mātārāhula và một số quý công nương khác hãy đi sau. 

Thế rồi, sáng hôm kia, cả hoàng cung và kinh thành Kapilavatthu náo động, ngạc nhiên, bàng hoàng... khi thấy lệnh bà Gotamī đầu cạo trọc, mặc y màu hoại sắc, mang bát gỗ màu lõi mít - dẫn đầu đoàn nữ sa-môn chừng khoảng mấy trăm nữ nhân - đi chân đất, theo con đường của khách thương buôn xuôi mãi về hướng đông nam. Họ gồm một số công nương quý tộc còn trẻ chưa lập gia đình, số khác là cung nga thể nữ, thị nữ trong cung; số còn lại là sương phụ của tướng lãnh, chiến sĩ, trai tráng hoàng tộc Sākya đã theo Phật xuất gia trước đây!

Ôi! Kể sao cho xiết sự gian lao, vất vả trên lộ trình gần ba mươi do-tuần xa xôi (hiện nay khoảng chừng 350 km) của những tấm thân cành vàng lá ngọc, liễu yếu đào tơ ấy! Trên đường, họ phải phân bố rải rác các xóm làng để xin ăn - rồi nắng, bụi, mồ hôi... cùng với những bàn chân nõn nà rớm máu trông thật thê lương. Nghỉ trưa dưới những vòm cây, nghỉ đêm tại những khu rừng vắng - họ mới cảm giác cụ thể đời sống sa-môn gối sương, nằm đất, không cửa, không nhà là thế nào! Lệnh bà Gotamī bây giờ mới hiểu thấm thía tại sao đức Thế Tôn lại từ chối không cho nữ giới xuất gia!

Với những khuôn mặt tiều tụy, hốc hác, y cà-sa dơ dáy, bụi bẩn và những đôi chân ngọc sưng phù, bê bết máu – sau hơn tháng trường họ cũng đến được Vesāli, rừng Mahāvana, trước Sảnh Đường Nóc Nhọn của đức Phật. Hôm ấy, đại đức Ānanda là người trông thấy trước tiên, lạ lùng quá, thốt lên:

- Tại sao quý bà, quý công nương lại là những nữ sa-môn như thế này? Lại tiều tụy, cơ khổ như thế này đã chứ?

- Chúng tôi lặn lội vất vả dặm bụi đường xa đến đây là chỉ để xin đức Phật được sống đời xuất gia phạm hạnh mà thôi! Lệnh bà Gotamī nói – Tôi đã ba lần quỳ bái, cầu xin ở đại viên Nigrodhārāma mà đức Thế Tôn không khứng chịu! Bà bật khóc - Vậy xin nhờ đại đức vào tâu trình với đức Thế Tôn một tiếng; và biết đâu nhờ lời ăn tiếng nói khôn khéo, tình lý phân minh của đại đức mà ngài vị nể cũng nên!

Đại đức Ānanda nhìn thoáng qua hình dong của bậc phu nhân cao quý, rồi nhìn mấy trăm vị công nương quý tộc, cung nga thể nữ cùng các sương phụ tỳ-khưu - đa phần là mỹ nhân trong thiên hạ - chợt cúi đầu bối rối, thốt lên:

- Trời đất ơi! Lệnh bà thì không nói làm gì – nhưng tất cả quý công nương trẻ tuổi này mà đi xuất gia thì phàm tăng tỳ-khưu trong giáo hội không còn có một ngày nào được yên ổn nữa rồi!

Câu nói thực tình mà dí dỏm ấy làm ai cũng phải phì cười! Tuy nhiên, thấy tình cảnh tiều tụy đáng thương của đoàn nữ sa-môn, ai ai chân cũng sưng phù, rướm máu - đại đức Ānanda không thể kềm chế xúc động, vào ngay chỗ đức Phật, hấp tấp nói:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Xin đức Thế Tôn mở lòng bi mẫn, cho lệnh bà Gotamī cùng mấy trăm nữ nhân Sākya tháp tùng được sống đời xuất gia!

Đức Phật biết tất cả mọi việc rồi, nhưng ngài im lặng. Ānanda với giọng đầy cảm xúc, thưa tiếp:

- Họ khóc lóc thảm thiết lắm, khổ sở lắm; y bát nhuốm đầy bụi đường tang thương lắm, bạch đức Thế Tôn! Nếu không được phép xuất gia, họ cũng không chịu về đâu!

Lần thứ hai, đức Phật cũng im lặng. Đại đức Ānanda chợt trầm tĩnh lại, đầu óc suy nghĩ cực nhanh, thay đổi chiến thuật tức khắc:

Đại đức Ānanda thưa hỏi:

- Nữ giới xuất gia, sống không gia đình trong pháp và luật của đức Thế Tôn, có khả năng chứng đắc quả vị cao thượng, thù thắng không, bạch đức Thế Tôn?

- Này Ānanda, có thể được!

Đại đức Ānanda liền khấu đầu lần thứ ba:

- Bởi nữ giới có khả năng chứng đạt đạo quả cao nhất, và vì lệnh bà là người đã có rất nhiều công lao nuôi dưỡng đức Thế Tôn từ tấm bé, yêu thương đức Thế Tôn còn hơn con đẻ của mình; vậy nên đức Thế Tôn hãy cho phép lệnh bà và quý mệnh phụ phu nhân, các công nương Sākya được xuất gia sống theo pháp và luật này!

Đức Phật biết là đã đúng thời, ngài bảo tỳ-khưu thị giả Upavāna:

- Ông hãy đi mời thỉnh hai vị đại đệ tử và các vị đại trưởng lão đến đây để Như Lai hội ý với họ.

Lát sau, các ngài Sāriputta, Mahā Moggallāna, Kimbila, Vappa, Yasa, Bhaddiya, Uruvelākassapa, Mahā Kassapa... đồng đến nơi. Đức Phật trình bày vấn đề. Họ thảo luận bàn bạc khá lâu...

Đức Phật trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Như Lai không những không kỳ thị nữ giới mà còn khuyến khích, nâng đỡ họ nữa. Tuy nhiên, chư vị có biết không - Đức Phật như tâm sự - Giáo pháp của Như Lai từ thuở bình minh của nó cho đến khi hoàng hôn, đêm tối xuống, sẽ có mặt trên thế gian này trải dài mười ngàn năm. Nhưng nếu cho nữ giới xuất gia thì nó chỉ còn tồn tại năm ngàn năm mà thôi! Đấy là sự thực mà Như Lai không tiện nói với lệnh bà Gotamī. Tuy nhiên, đã nhiều ngày suy nghĩ để quán căn duyên, đã nhiều lần hướng tâm đến thời gian tồn tại của chánh pháp từ chư tôn Chánh Đẳng Giác quá khứ - Như Lai khởi tâm quyết định phát triển giáo hội tỳ-khưu-ni... sau khi đã suy nghĩ đúng đắn...

Tôn giả Sāriputta chợt nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử nghĩ rằng, con người giác ngộ, giải thoát là quan trọng hơn, lợi ích tối thượng hơn trong thời gian chánh pháp tồn tại. Còn đa phần thời gian thuộc về hoàng hôn năm ngàn năm sau ấy - thời mạt pháp chỉ còn lắt liu như ngọn đèn mờ, chỉ còn gieo một chút duyên với chúng sanh giúp cho họ tạo nhân phước quả trời người mà thôi. Đệ tử thấy sự lựa chọn của đức Tôn Sư là minh triết...

Các vị trưởng lão cũng đồng tình với lời phát biểu của tôn giả Sāriputta.

Đức Phật nhè nhẹ gật đầu:

- Nhưng hiện tại, Như Lai chưa tìm ra biện pháp, cách thức, hình thức khả toàn để đưa họ vào đời sống xuất gia mà không tạo ra những trở ngại bên trong nội bộ cũng như bên ngoài xã hội...

Tôn giả Sāriputta góp ý trước:

- Trở ngại ở bên ngoài thì chúng ta không ngại - vả chăng, lúc thuyết những thời pháp về hạnh phúc gia đình, đức Thế Tôn thường hay nhắc nhở mọi người phải biết tôn trọng nữ giới. Vậy, gia dĩ, xã hội có lên án giáo hội của đức Tôn Sư đã đi ngược với luật Manu, xem nam nữ bình quyền – thì chúng ta sẵn sàng đương đầu để bảo vệ quyền con người với những giá trị cao đẹp của nó...

Mọi người hoan hỷ tán đồng ý kiến ấy.

- Thế còn trở ngại nội bộ? Đức Phật hỏi – Chư vị ai có thể tiên lường việc gì sẽ xẩy ra chăng?

- Có khá nhiều - Tôn giả Moggallāna góp ý – Lệnh bà là bậc cao quý trong hoàng tộc, có địa vị, quyền hành, uy tín rất lớn trong cung đình cũng như ngoài xã hội. Lệnh bà lại còn là di mẫu của đức Thế Tôn nữa – do vậy, ngại rằng, lúc xuất gia rồi, ngay các vị thượng thủ A-la-hán cũng chẳng ai dám góp ý với lệnh bà một lời, một tiếng nào. Còn quý công nương, mệnh phụ kia cứ nghĩ mình là cành vàng lá ngọc, ngại rằng họ xem những vị tỳ-khưu thuộc những thành phần khác trong xã hội không ra gì!

- Còn nữa - Đại đức Ānanda tiếp lời - Đệ tử rất muốn xin cho họ xuất gia, nhưng ngại rằng họ trẻ và đẹp quá - phải cần có pháp chế như thế nào để kềm giữ, thu thúc bớt... kẻo sinh loạn!

Nhiều vị nhè nhẹ gật đầu!

Trưởng lão Uruvelākassapa nói:

- Ở chung một tu viện, một khu rừng là không được rồi; nhưng ở tu viện riêng, khu rừng riêng xem ra cũng bất khả. Như trong một gia đình không có đàn ông thì kẻ trộm thường đến dòm ngó, lộng hành. Quý bà, quý cô ở riêng một nơi thì biết ai bảo vệ trước những kẻ có tà tâm, xấu ác lúc đêm hôm và cả những ngày quạnh vắng?

Tôn giả Mahā Kassapa chờ đợi giây phút này đã lâu lắm, vẫn mong cho giáo hội ni giới được thành lập vì ngài còn lời ước hẹn với người bạn đời! Thấy lý lẽ ai đưa ra cũng chính xác, tuy vậy, không phải là không có cách - Ngài nói:

- Vậy xin đức Thế Tôn ban cho quy chế hoặc là những điều luật – như là những điều kiện bắt buộc phải tuân hành mỗi khi nữ giới chấp nhận đời sống xuất gia. Người nông dân thường làm một con đập hay đắp một con đê để ngăn cho nước khỏi tràn; cũng vậy, chúng ta hãy xây dựng, phác thảo một pháp chế, một quy chế có công năng giới hạn bớt những tệ nạn có thể phát sanh! Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài hãy rộng tay mở cánh cửa thiên giới và cánh cửa Niết-bàn cho nữ giới thế gian bước vào thì thật là đại phúc cho họ cũng như cho nhân quần xã hội!

Đức Phật đồng ý bằng cách im lặng. Các vị trưởng lão sau một hồi thảo luận; tôn giả Sāriputta đúc kết rồi thưa trình lên đức Phật tám trọng pháp - bát kỉnh pháp - sau đây:

1- Tỳ-khưu-ni dầu một trăm tuổi hạ cũng phải chào hỏi, đứng dậy, đảnh lễ thầy tỳ-khưu tăng – dù vị này mới xuất gia trong ngày hôm ấy.

2- Tỳ-khưu-ni mỗi năm phải tìm về an cư ở gần một trung tâm có tỳ-khưu tăng để được bảo vệ và nương tựa.

3- Cứ mỗi tháng hai kỳ, sau khi làm lễ bố-tát (Uposatha), tỳ-khưu-ni phải tìm đến tỳ-khưu tăng để học hỏi, nghe lời giáo giới.

4- Sau khi hành lễ Tự Tứ (Pavārana) tại trú xứ của mình, tỳ-khưu-ni phải đến chỗ tỳ-khưu tăng để làm lễ ra hạ một lượt nữa - để kiểm thảo xem trong ba điều thấy, nghe và nghi mình có lầm lỗi điểm nào chăng.

5- Tỳ-khưu-ni phạm “tăng tàn” (1), đã xưng tội, đã chịu phạt cấm phòng tại trú xứ của mình – còn phải xưng tội trước tỳ-khưu tăng nữa.

6- Nữ giới tử trong thời gian tập sự, thọ trì sáu giới (Sikkhamānā) trong thời hạn hai năm - phải cầu xuất gia thọ đại giới trước cả hai chúng tăng ni.

7- Bất luận trong trường hợp nào, tỳ-khưu-ni cũng không có quyền nặng lời chê bai, thóa mạ hay chỉ trích tỳ-khưu tăng.

8- Tỳ-khưu-ni không được quyền giáo giới, giảng dạy tỳ-khưu tăng, nhưng sám hối với tỳ-khưu tăng thì được!

Tám điều ấy, sau khi đã được tuyên bố xong, đại đức Ānanda cười cười nói:

- Vậy là áp chế quá, không kỳ thị nữ giới là gì?

Tôn giả Mahā Moggallāna giải thích:

- Quả có vậy! Nhưng đấy là cánh cửa mở để nữ giới bước vào giáo đoàn! Cũng là bờ đê để ngăn chặn những tệ nạn có thể phát sanh như pháp huynh Mahā Kassapa đã nói. Tưởng là kỳ thị - nhưng thật ra đấy lại là phương cách tốt nhất cho nữ giới được xuất gia, pháp đệ không thấy như thế hay sao?

Tôn giả Sāriputta giải thích thêm:

- Tuy có 8 điều, nhưng hiện tại chỉ cần thọ trì 5, vì các điều 3,4,5 chỉ có hiệu lực lúc nào đức Tôn Sư chế định giới luật căn bản (Pāṭimokkha) một cách đầy đủ, toàn mãn.

Đức Phật nói:

- Này Ānanda! Nếu di mẫu chấp thuận và thọ trì “bát kỉnh pháp” mà chư vị trưởng lão đã chế định, được Như Lai chuẩn y – thì Như Lai đồng ý cho nữ giới xuất gia.

Hoan hỷ xiết bao, đại đức Ānanda hối hả ra ngoài khu rừng gặp lệnh bà và các công nương – lúc ấy do trời nắng nên họ ngồi lác đác trong các lùm cây. Sau khi nghe xong nội dung bát kỉnh pháp, lệnh bà Gotamī hớn hở nói:

- Như một cô gái trẻ trung và xinh đẹp, sau khi tắm gội bằng nước thơm, hong tóc khô ráo – có người mang tặng những đóa hoa tươi thắm thì cô gái kia sẽ thỏa thích đón nhận để cài lên đầu của mình; cũng thế ấy, nữ giới chúng tôi sẽ rất sung sướng chấp nhận bát kỉnh pháp để thọ trì suốt đời – nhất định không để cho đức Thế Tôn và chư vị trưởng lão phiền lòng đâu!

Đại đức Ānanda vào báo tin lại.

Lệnh bà Gotamī biết có một số công nương dòng dõi quý tộc cảm thấy khó chịu về tám điều ấy nên bà giải thích:

- Các em phải biết rằng, trong gia đình thì người đàn ông là chủ chốt; trong mái nhà giáo hội của đức Thế Tôn cũng phải là như thế. Lại nữa, chính thọ trì tám điều ấy thì chúng ta mới có cơ hội dập tắt tính tự tôn, ngã mạn do địa vị, dòng tộc để bước vào giáo pháp vô ngã, vô sản, bần hàn của đức Tôn Sư!

Thế rồi, chừng hai trăm nữ nhân quý phái được thọ giới tỳ-khưu-ni vào buổi chiều, có rất đông chư trưởng lão tham dự. Ai cũng hoan hỷ. Riêng tôn giả Mahā Kassapa là hoan hỷ nhất! Do cư trú ở nơi này lâu nên tôn giả biết là phải chọn lựa khu rừng nào thích hợp cho ni chúng, không gần mà cũng không xa trung tâm tu học của tỳ-khưu tăng.

Ngày hôm sau, các vị trưởng lão Nadīkassapa, Gayākassapa, Mahā Kassapa... chỉ đạo cho đồ chúng đệ tử mấy trăm người - tỳ-khưu trẻ và nam cư sĩ đến khu rừng - để làm cốc liêu, nhà giảng, đào giếng nước, các công trình và những tiện nghi phục vụ sinh hoạt, ăn ở. Vật liệu xây dựng thì các gia chủ hào phú dâng cúng; nhân công và thợ thầy thì đa phần là tỳ-khưu tăng... Những vị tỳ-khưu xuất thân dòng tộc Sākya, chiến sĩ, thanh niên... có người bạn đời trong số các công nương tỳ-khưu-ni – thì họ ra tay làm mọi việc sốt sắng nhất. Chỉ hơn nửa tháng sau là trung tâm tu học của ni giới trông đã tươm tất đâu ra đấy.

Tỳ-khưu-ni Gotamī đưa mắt một lượt nhìn ngắm cơ ngơi tu học tạm thời đã ổn định, nói với các tỳ-khưu-ni công nương:

- Các em thấy không? Cái tâm, cái trí như vậy và cái lực như vậy họ có xứng đáng để chúng ta nương tựa hay chăng?

- Rất xứng đáng! Một cô nói – Chúng ta là nữ giới, chân yếu tay mềm, dù là xuất gia nhưng cũng cần phải có chỗ để nương tựa chứ!

Mọi người cười vui, những nét mệt mỏi trên khuôn mặt thanh tú của các công nương dường như đã tiêu tan hết. Bây giờ thì họ đã có nơi ngủ nghỉ, chỗ tắm giặt – cái này quan trọng nhất - và chỗ hành thiền đâu đó đàng hoàng. Họ bắt đầu tập sự sống đời nữ sa-môn và tìm hạnh phúc không bởi nương tựa vật chất xa hoa, uống ăn sơn hào hải vị - mà chính là đời sống dị giản, vô sự, vô sở hữu và sự thanh bình, vắng lặng của tâm hồn!

Hôm ấy, nữ sa-môn Gotamī dẫn đầu đoàn ni chúng đến đảnh lễ đức Phật và chư vị trưởng lão.

Dịp này, đức Phật tuyên bố là chư tăng ni sẽ an cư kiết hạ ở đây để ni giới có cơ hội học hỏi giáo pháp cho vững chắc. Ngài cũng đặc biệt giới thiệu hai vị đại đệ tử là hai giáo thọ sư đảm trách việc giáo giới pháp học, pháp hành căn bản vào buổi đầu cho ni chúng; và thỉnh thoảng, đức Phật cũng có những thời pháp quan trọng dành cho họ. Còn nữa, lúc cần thiết, đức Phật sẽ triệu tập rộng rãi cả hai hội chúng để ban những chỉ thị nào đó liên hệ đến giới luật trong sinh hoạt chung.

Trước thời gian an cư tại Vesāli, đức Phật đề cử các trưởng lão Koṇḍañña, Vappa, Mahānāma, Assaji, Yasa... và chừng một ngàn tỳ-khưu về nhập hạ tại Trúc Lâm; ngài còn ân cần ủy thác Uruvelākassapa đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra hiến tặng một chỗ đất thích hợp để sau này phát triển ni giới tại Rājagaha. Nhân dịp này, tôn giả Mahā Kassapa xin đức Phật được dẫn theo một số đồ chúng theo hạnh đầu-đà về trú mưa tại Rājagaha, ngài nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Trước khi cất bước chân ra đi tầm đạo, đệ tử tạm gởi tiện nội ở giáo chúng Ni-kiền-tử, hẹn rằng lúc nào tìm ra giáo pháp chân chính, sẽ báo cho nàng sau. Bây giờ, quả thật là đại hạnh cho Bhaddākāpilāni, khi đức Thế Tôn đã cho phép thành lập ni chúng, lại còn được lệnh bà ni trưởng Gotamī đạo cao, đức trọng cầm tích trượng quản lý, điều hành. Vậy xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử về Trúc Lâm để thực hiện lời hứa của mình!

Đức Phật thấy điều ấy là chính đáng, ngài đồng ý nhưng dặn dò thêm:

- Một nhánh của Nigaṇṭha Nāṭaputta (Ni-kiền-tử) cũng xem trọng khổ hạnh cực đoan; biết đâu phẩm cách thanh tịnh và giáo pháp chơn chánh ở nơi ông sẽ cảm hóa được rất nhiều người ở đấy!

Từng cơn gió khô hanh thổi qua khu rừng, lá rụng xào xạc. Mùa mưa lại sắp đến rồi. Đấy là vào năm năm trăm tám mươi tư trước TL, đức Phật an cư hạ thứ năm tại Sảnh Đường Nóc Nhọn, rừng Mahāvara tại Vesāli, đa phần thì giờ ngài dành cho việc củng cố Ni chúng.

Dự liệu của đức Phật ở đây thế là đúng, vì chỉ thời gian rất ngắn sau, công nương Yasodharā cũng trong hình tướng nữ sa-môn dẫn đầu đoàn cung nga thể nữ hơn trăm vị đến rừng Mahāvana, Sảnh Đường Nóc Nhọn - để xin nhập chúng. Đức Phật và chư vị trưởng lão lại một lần nữa tổ chức lễ xuất gia tập thể cho họ; đồng thời, tìm kiếm, ổn định chỗ ăn ở cho hơn trăm vị tỳ-khưu-ni nữa. Có lẽ do phước báu sâu dày của họ mà các danh gia, đại phú gia kế cận các bang cộng hòa đã rộng tay bố thí, cúng dường tứ sự; lại đích thân cho chở cả nhân công và vật liệu đến tận khu rừng. Lại có cả hằng trăm vị tỳ-khưu trẻ ra công ra sức nữa nên cơ ngơi cũng sớm được tươm tất và tương đối tiện nghi.

Thế là ni viện bây giờ không những lớn rộng mà còn được kiến thiết, chỉnh trang, thêm một số các công trình phụ, tu bổ, sửa sang nơi này nơi kia nữa nên trông đã khá quy mô và bề thế.


(1) Tạm sử dụng từ của tăng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn