Vesāli Thiên Tai, Dịch Hoạ

06 Tháng Tám 201411:33(Xem: 4656)

MỘT CUỘC ĐỜI 
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT 
TẬP 2

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014


Vesāli Thiên Tai, Dịch Hoạ


Qua tháng thứ hai an cư, xảy ra một biến cố. Chuyện là, miền Nam sông Gaṅgā trời đổ mưa liên tục từ ngày này sang ngày khác; nhưng suốt bốn năm tháng nay, phía Bắc lại không có một giọt mưa. Thế là một thảm họa đổ xuống các tiểu bang ở đây, nhất là kinh thành Vesāli: Đất đai nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, lúa gạo dự trữ không đủ sức cầm hơi, rau cỏ không có mà ăn. Thế là đói khát trầm trọng (dubbhikkhan-tarakappa) xảy ra. Đó là nạn thứ nhất. Vì đói nên người chết rất nhiều, người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa hoặc hỏa thiêu; họ chỉ việc quăng xác ra ngoại thành, mùi hôi thối tỏa khắp mọi nơi. Ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng. Đó là nạn thứ hai. Vì xác chết, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn; nhất là bệnh đường ruột, bao tử (vì gặp cái gì ăn được là ăn), bệnh dịch tả (các nguồn nước cạn kiệt bị ô nhiễm) càng làm cho người chết nhiều thêm nữa. Đó là nạn thứ ba!

Các đức vua và hội đồng tướng lãnh các tiểu bang cộng hòa cấp tốc hội họp, đề cử một viên đại thần, tên là Mahāli - vốn là thân hữu của đức vua Seniya Bimbisāra – làm trưởng đoàn sứ giả, mang lễ phẩm trọng hậu đến Rājagaha, nhờ đức vua giúp đỡ, trình lên đức Phật, mong ngài đến tiểu bang Licchavī, kinh thành Vesāli để cứu khổ cho muôn dân. Đức vua không dám nhận hậu tình, bảo rằng đoàn sứ giả nên đến đảnh lễ đức Phật, dâng lễ phẩm và tường trình mọi sự lên ngài, hiện ngài đang an cư ở Trúc Lâm với đại chúng tỳ-khưu!

Tôn giả Mahā Moggallāna đứng một bên, sau khi nghe viên đại thần Mahāli trình bày ba thảm nạn tại Vesāli, rồi khẩn cầu đức Phật giải họa, tự nghĩ: “Trong con mắt của thế gian, đức Thế Tôn không những thuyết giáo con đường giác ngộ, giải thoát – mà bây giờ ngài còn là một bậc Đại Siêu Nhân (Mahāpurisa), có thể có khả năng điều động thiên nhiên, kêu gió gọi mưa như các bà-la-môn phù thủy! Tuy nhiên, không những đức Tôn Sư làm được, mà các vị thượng thủ A-la-hán cũng làm được. Đấy chỉ là sự vận hành tâm-sinh-vật lý tương quan, tương tác lẫn nhau! Trong trường hợp này, năng lực của tâm là tăng thượng – có thể dẫn dắt, điều động các năng lực khác!”

Đức Phật đã sớm biết chuyện này, ngài nói:

- Các ông hãy về đi! Như Lai và hội chúng năm trăm tỳ-khưu sẽ đến Vesāli trong mươi, mười mấy hôm nữa! Như Lai đã có duyên với hoàng tộc Licchavī và dân chúng Vesāli – thì Như Lai sẽ cố gắng trong khả năng của mình!

Lúc phái đoàn sứ giả ra về rồi, Đức Phật nói chuyện với vị đại đệ tử:

- Này Moggallāna! Ông nghĩ đúng đấy! Tuy nhiên, ba thảm nạn của Vesāli xảy ra là do ba nguyên nhân tương tác lẫn nhau: Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn, thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo, thứ ba là do chư thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi. Bây giờ, ông hãy gọi Ānanda đến đây!

Sau khi có mặt cả hai vị, đức Phật nói:

- Ānanda có trí nhớ rất tốt, vậy phải học bài kinh uy lực của Tam Bảo mà Như Lai sẽ đọc sau đây, nó có tên là Ratanasutta; sau khi thuộc rồi, ông hãy lựa chọn mấy trăm vị tỳ-khưu còn trẻ, trí nhớ tốt, tức tốc dạy cho họ học thuộc bài kinh ấy! Còn Moggallāna thì vào hoàng cung, gặp đức vua Seniya Bimbisāra, gợi ý là nên hỗ trợ cho Vesāli trong lúc đói kém, khoảng chừng một ngàn xe lương thực; và đức vua cũng nên cử quan đại thần và quân đội đích thân vận chuyển; chuẩn bị xong lúc nào là lên đường ngay lúc ấy; cứu đói như cứu lửa - phước báu sẽ rất lớn; và nhờ thế, tâm đức của đức vua sẽ sáng chói và lan rộng khắp cả châu Diêm-phù-đề! Cũng trình với đức vua là cho Jīvaka Komārabhacca, các trợ lý lương y, nhân viên cùng thuốc men để trị bệnh dịch tả cùng những biến chứng về bao tử, đường ruột...

Đại đức Ānanda làm trọn phận sự của mình, có năm trăm tỳ-khưu cùng học thuộc lòng. Còn đức vua Seniya Bimbisāra thì sẵn sàng hoan hỷ đáp ứng gợi ý thích đáng ấy; và còn hơn thế nữa - do mùa màng đất nước này bội thu - nên đã trợ cấp hào sảng hai ngàn xe lương thực để cứu đói. Lại còn rộng lượng cho vay thêm một ngàn tấn lương thực nữa, thời gian trả, không hạn định; lúc nào mùa màng bội thu, phú túc hẵng sẽ trả sau, không lấy lãi!

Thế rồi, đức Phật, mấy chục vị trưởng lão, năm trăm tỳ-khưu và phái đoàn cứu tế rầm rộ lên đường. Bảy ngày sau, đến sông Gaṅgā, tại thị trấn Pāṭaligama, đức vua đã cho chuẩn bị sẵn năm mươi chiếc thuyền lớn để chở phái đoàn và lương thực. Đang mùa mưa nên nước cuồn cuộn tràn bờ, nhờ thuyền lớn nên xuôi đông nhẹ nhàng; đến ngã ba sông, đoàn thuyền bỏ sông Gaṅgā, theo nhánh sông Gaṇdak(?) tiến lên phương bắc. Hai bên bờ, đồng khô cỏ cháy trông thật tang thương. Càng đến gần Vesāli chừng nào thì thuyền đi càng chậm vì sông cạn, lại lềnh bềnh tử thi và rác rưởi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ròng rã ba ngày, đoàn thuyền khá gian lao, vất vả mới đến được bến nước – giang khẩu vào kinh thành Vesāli!

Khi đức Phật vừa đặt chân lên bờ đông nước cộng hòa Licchavī - thì một trận mưa rất lớn, tối trời tối đất – như tự cổng trời mở ra, xối xả đổ xuống vùng đất đại hạn như đã chờ đợi đâu từ lâu lắm!(1) Trận mưa lớn kéo dài nửa ngày, bao nhiêu xú uế tan mất. Nhân dân khắp nơi tràn ra đường, vui mừng hò reo, hát ca, nhảy múa... Các đức vua, hội đồng tướng lãnh, quý tộc đến sụp lạy bên chân đức Phật - nghẹn ngào tri ân, chảy nước mắt, không nói được nên lời! Đức Phật, phái đoàn và ba ngàn xe lương thực vào thành. Dân chúng quỳ lạy hai bên đường...

Tôn giả Mahā Moggallāna nhanh trí, hướng dẫn quan đại thần của đức vua Seniya Bimbisāra đến bàn tính ngay với giới cấp lãnh đạo kinh thành Vesāli, làm gấp ba việc: Phân phối lương thực, bố trí ngay chừng hai mươi địa điểm, do chiến sĩ phụ trách để cứu đói rộng rãi cho dân chúng. Nhóm chiến sĩ khác cùng với thanh niên tình nguyện rải khắp các nơi, chôn lấp hoặc thiêu đốt tất cả tử thi còn lại. Bố trí một quảng trường và những dãy nhà có mái che, có sạp nằm để phái đoàn lương y do quan trưởng ngự y Jīvaka Komārabhacca dẫn đạo - chữa bệnh cho dân! Thanh niên Saccaka thấy đức Phật như một vị cứu tinh trên trời hiện xuống cứu giúp muôn dân nên huy động cả ngàn con em quý tộc tham gia hăng hái việc này việc kia chung với phái đoàn cứu tế.

Đêm xuống, dưới ánh đuốc chập chờn, đại đức Ānanda dẫn đầu năm trăm tỳ-khưu đi quanh thành Vesāli ba vòng, tụng bài kinh Ratanasutta suốt đêm không ngủ...

“- Yān’īdha bhūtāni samāgatāni

Bhummāni vā yāni’va antaḷikkhe

Sabbe’va bhūtā sumanā bhavantu

Atho’pi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ...

 ...

Phàm chúng thiên nhơn nào

Cư ngụ trên địa cầu

Hoặc hư không trú xứ

Đã vân tập về đây

Phát sanh lòng hoan hỷ

Chánh tâm và thành ý

Lắng nghe lời dạy này

 

Tất cả chúng thiên nhơn

Hãy bi mẫn đồng tâm

Lòng từ luôn rộng mở

Năng chuyên cần gia hộ

Đối với nữ nam nào

Ngày đêm thường bố thí

 

Phàm những tài sản gì

Đời này hoặc đời sau

Ngọc báu hay trân châu

Có cùng khắp thiên giới

Nhưng chẳng gì sánh nổi

Đức Thiện Thệ Như Lai

Chính Phật Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Ly dục, diệt phiền não

Pháp diệu thù bất tử

Phật Thích-ca Mâu-ni

Đắc Tịch tịnh, Vô vi

Trong Thiền, chứng ngộ Pháp

Chẳng pháp nào sánh nổi

Chính Pháp Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Bậc Vô thượng Chánh Giác

Hằng ca ngợi Pháp Thiền

Trong sạch, không gián đoạn

Chẳng Thiền nào sánh nổi

Chính Pháp Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Thánh bốn đôi, tám vị

Bậc thiện hằng tán dương

Đệ tử đấng Thiện Thệ

Xứng đáng được cúng dường

Bố thí các vị ấy

Được kết quả vô lượng

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Các ngài tâm kiên cố

Ly dục sống Thánh Đạo

Khéo chơn chánh thiện hành

Lời Phật Gotama

Chứng đạt được quả vị

Thể nhập đạo Bất Tử

Hưởng tịch tịnh dễ dàng

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Ví như cột trụ đá

Khéo y tựa lòng đất

Dầu gió bão bốn phương

Chẳng thể nào lay động

Ta nói bậc Chơn Nhơn

Liễu ngộ Tứ thánh đế

Cũng tự tại, bất động

Trước Tám pháp thế gian

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Bậc Thánh Tu-đà-hoàn

Thấy rõ lý Tứ đế

Mà đức Chuyển pháp vương

Có trí tuệ thậm thâm

Đã khéo giảng, khéo dạy

Các ngài dù phóng dật

Cũng chẳng thể tái sinh

Nhiều hơn trong bảy kiếp

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Nhờ vững chắc chánh kiến

Nhờ kiên cố chánh tri

Đoạn lìa ba trói buộc

Là Thân kiến, Hoài nghi

Luôn cả Giới cấm thủ

Ra khỏi bốn đọa xứ

Không tạo sáu trọng nghiệp

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Bậc Thánh Tu-đà-hoàn

Dẫu vô tâm phạm lỗi

Bằng ý, lời hay thân

Chẳng bao giờ khuất lấp

Bởi vì đức tánh này

Được gọi là “thấy Pháp”

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Ví như cây trong rừng

Đâm chồi đầu mùa hạ

Cũng vậy, đức Thế Tôn

Thuyết giảng pháp Siêu việt

Pháp đưa đến Niết-bàn

Tối thượng, vô năng thắng

Chính Phật Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Đức Phật - bậc Vô thượng

Liễu thông pháp Vô thượng

Ban bố pháp Vô thượng

Chuyển đạt pháp Vô thượng

Chính Phật Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Nghiệp cũ đã chấm dứt

Nghiệp mới không tạo nên

Nhàm chán kiếp lai sanh

Chủng tử, dục diệt tận

Ví như ngọn đèn tắt

Bậc trí chứng Niết-bàn

Chính Tăng Bảo như vậy

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Phàm chúng thiên nhơn nào

Cư ngụ trên địa cầu

Hoặc hư không trú xứ

Đã vân tập về đây

Xin đồng tâm hoan hỷ

Thành kính đảnh lễ Phật

Đã như thật xuất hiện

Mà chư thiên, loài người

Thường cúng dường, tôn trọng

Mong với hạnh lành này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Phàm chúng thiên nhơn nào

Cư ngụ trên địa cầu

Hoặc hư không trú xứ

Đã vân tập về đây

Xin đồng tâm hoan hỷ

Thành kính đảnh lễ Pháp

Đã như thật xuất hiện

Mà chư thiên, loài người

Thường cúng dường, tôn trọng

Mong với hạnh lành này

Được sống chơn hạnh phúc

 

Phàm chúng thiên nhơn nào

Cư ngụ trên địa cầu

Hoặc hư không trú xứ

Đã vân tập về đây

Xin đồng tâm hoan hỷ

Thành kính đảnh lễ Tăng

Đã như thật xuất hiện

Mà chư thiên, loài người

Thường cúng dường, tôn trọng

Mong với hạnh lành này

Được sống chơn hạnh phúc...

 

Ôi! Bài kinh với âm giọng của năm trăm vị tỳ-khưu đồng cất lên suốt đêm trường, thật là trầm hùng khôn tả. Cả không gian rung rinh, chao đảo. Cả đất trời Vesāli như chìm ngập giữa biển âm thanh thẳm sâu, cao diệu... Chư thiên vân tập đầy đặc cả không gian, thành kính lắng nghe kinh rồi cất lên lời đại nguyện hộ trì Tam Bảo và hộ trì quốc độ - nếu các đức vua và hội đồng tướng lãnh sống theo chánh pháp.

Ngày hôm sau, rất nhiều người không hiểu chư tăng đọc mật chú gì mà có uy lực kinh khiếp như vậy? Nó làm cho toàn bộ nhân dân kinh thành phải kính cẩn lắng nghe - tất thảy lo âu, sợ hãi đều tiêu tan – không những trong lòng người mà cả không gian xung quanh cũng cảm giác cả một bầu khí thanh bình và an lạc!

Các vị trưởng lão và các vị A-la-hán có trí, phải giải thích:

- Chẳng phải là huyền chú, mật chú gì đâu - đấy là bài kinh nói lên uy lực của Tam Bảo. Uy lực ấy lại còn được hội tụ bởi uy lực của năm trăm vị tỳ khưu đọc tụng - tạo thành năng lực của tăng thượng tâm, có thể tác động toàn bộ nội tâm và ngoại giới (tâm-sinh-vật lý) đem đến sự bình yên và mát mẻ cho quốc độ này.

Công việc cứu đói, trị bệnh và vệ sinh tẩy uế các nơi kéo dài hơn cả tuần lễ, đâu đó hoàn mãn. Trong thời gian ấy, khi chư tăng về nghỉ ở Mahāvana thì đức Phật thuyết pháp liên tục tại triều đình - hội chúng gồm các đức vua, tướng lãnh, quý tộc, các quan đại thần, trí thức, nhân sĩ, phú hộ, thương gia... tai mắt: Cộng hòa Licchavī, thủ đô là Vesāli; cộng hòa Videha, thủ đô là Mithilā; năm sáu bộ tộc nhỏ liên minh thành liên bang Vajjī... Đức Phật nhấn mạnh về trị quốc an dân, lực lượng võ bị tuy cần thiết nhưng vẫn là thứ yếu; sự thương yêu, đoàn kết để sống trong thiện pháp mới là yếu tố quyết định. Đức Phật triển khai một số thời pháp liên hệ đến chư thiên, phi nhơn ở trong thế giới xung quanh - phải sống làm sao để họ cùng hoan hỷ!

Thấm đẫm về hương vị của chánh pháp và thấy rõ oai lực của đức Phật, của hội chúng giáo đoàn - đã giải tan tức khắc ba thảm nạn; họ xin quy giáo rất nhiều và hứa cải cách việc bầu cử chọn lựa các đức vua đức độ, các quý tộc võ tướng hiền tài điều hành và lãnh đạo các nơi... Mấy ngày sau, hội đồng đại biểu nhân dân được triệu tập bằng ba hồi trống, một trong ba quốc vương được ủy nhiệm chủ tọa hội đồng và tổ chức cuộc bầu bán bằng cách đề cử công khai. Chương trình cải cách và những biện pháp thực thi dựa theo chánh pháp được đa phần đại biểu chấp thuận. Đề cương chính sách được thảo luận đã thuyết phục được nhiều người rồi được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng. Vậy là ngay tại Licchavī, mười bốn ngàn võ tướng được chọn lựa để điều hành chừng hai trăm năm mươi ngàn cư dân! Đạo đức của ba quốc vương được đề cao, tán dương; hội đồng tướng lãnh được khen ngợi về khả năng và ý thức trách nhiệm cải thiện đất nước... Từ đó về sau, các nước này bắt đầu thịnh cường, yên ổn trở lại. Các quý tộc Licchavī bắt đầu sống đời giản dị, khiêm tốn – thương dân như anh em! Các vị tướng trẻ không còn hống hách, ăn chơi, ngã mạn – đôi khi họ chỉ ngủ trên nệm cỏ, với võ khí sẵn sàng bên người, có thể vùng dậy bất cứ lúc nào để chăm lo an ninh cho nhân dân!

Đức Phật ở lại Vesāli nửa tháng thì dân chúng đã hùn góp, chung tay, chung lực làm xong một công trình lớn: Ngôi Nhà Nóc Nhọn tại Mahāvana để cúng dường lên thập phương Tăng. Hội đồng tướng lãnh, nhân dân và cư sĩ hai hàng thỉnh nguyện đức “Cứu-khổ-cứu-nạn” ở lại; thế nhưng, khi thấy tình hình đã trở nên sáng sủa, tốt đẹp - đức Phật và hội chúng từ giã, trở lại Rājagaha...

“Ôi! Cuộc chuyển hóa của đức Tôn Sư thật là vĩ đại” – Các vị trưởng lão đồng khởi lên một ý nghĩ giống nhau như thế!

 

Sau mùa an cư, hầu hết các vị trưởng lão các nơi tìm về Trúc Lâm đảnh lễ đức Phật và tường trình công việc hoằng hóa. Như vậy là giáo pháp đã được lan rộng sang một số tiểu quốc cộng hòa và các liên bang tự trị phía Bắc sông Gaṅgā – nơi nào cũng có cơ sở và có chư tăng thường trú. Riêng các tiểu quốc phía tây nam kinh thành Rājagaha như Kālāma, Kāsi, Vaṃsā... thì còn rất mỏng. Tôn giả Sāriputta và một số các vị trưởng lão ở Kỳ Viên về, cho biết là ở đấy có phát triển nhưng chưa được thuận lợi – do các lực lượng chống đối nổi lên công khai. Họ lại chưa có duyên tiếp cận để thu phục đức vua Pāsenadi và triều đình, có lẽ phải chờ đợi uy lực của đức Phật mà thôi.

Đức Phật phủ dụ, trấn an họ.

Do các tân tỳ-khưu các nơi khác về rất đông, con số đã lên đến trên dưới hai ngàn – nên các vị trưởng lão giáo thọ phải bộn bề công việc. Các ông hoàng dòng họ Sākya bây giờ đã được nghe nhiều, học nhiều nên nghiễm nhiên phải phụ tá công việc với các vị trưởng lão, làm những chúng trưởng mẫu mực, uy nghi để dẫn dắt cho các hàng môn đệ đi sau.


 (1) Tại nhân gian không biết, chứ lúc ấy, thiên chủ Sakka đã huy động Tứ đại thiên vương, thiên binh, thiên tướng, hội chúng rồng, hội chúng dạ-xoa cùng theo hầu đức Phật. Ác thần, ác dạ-xoa sợ hãi trốn đi nơi khác; các thiện thần, thiện dạ-xoa đồng loạt tìm về!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 2014(Xem: 8168)
...Điều cuối cùng đáng nói nữa, là chẳng có tư liệu nào là chính xác hoàn toàn, do các vị kết tập sư viết sau cả 500 năm, và cũng khó tránh khỏi sự hư cấu, thêm bớt của hàng sa-môn hậu học. Ta học Phật, tu Phật là học và tu theo giáo pháp. “Khi Như Lai diệt độ rồi thì Pháp và Luật là thầy của các ông”. Và, “Ai thấy Pháp là thấy Như Lai!” Vậy, Pháp mới là quan trọng!...
13 Tháng Mười 2014(Xem: 6554)
Phật giáo được truyền đi hai hướng: một hướng đi về phía Nam Ấn, truyền qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, và Campuchia. Phật giáo truyền theo hướng này bằng ngôn ngữ Pali và được gọi là Phật giáo Nam Truyền. Một hướng khác đi về phía Bắc Ấn qua A Phú Hãn (Afghanistan) đến Trung Hoa. Từ Trung Hoa, Phật giáo truyền đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
26 Tháng Chín 2014(Xem: 9083)
Đức Phật - The Story of Siddhartha Gautama là một phim tài liệu của PBS thực hiện bởi nhà làm phim từng đoạt giải thưởng David Grubin và lời thuyết minh của tài tử điện ảnh Richard Gere, kể câu chuyện về cuộc đời Đức Phật... Phim nói tiếng Anh
03 Tháng Chín 2014(Xem: 11893)
Năm 2010, tại Sài Gòn diễn ra đại hội “Con gái đức Phật” quy tụ hội chúng tỳ-khưu-ni và cận sự nữ Nam Bắc tông trên khắp thế giới về tham dự. Tôi không biết gì về nội dung cũng như hình thức đại hội ấy, nhưng cụm từ “Con gái đức Phật” tôi nghe sao nó dễ thương, bình dị và rất gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Từ đó, tôi khởi tâm biên soạn một cuốn sách để giới thiệu về những vị Thánh Ni và những cận sự nữ có hành trạng đặc biệt và thù thắng thời đức Phật và đặt tên đầu sách là “Con gái đức Phật”.
12 Tháng Tám 2014(Xem: 24206)
Đây là bộ sách nói về cuộc đời đức Phật Thích Ca từ khi ngài Đản sinh đến lúc ngài Nhập diệt, qua lối văn kể chuyện vừa “giàu tính văn chương nghệ thuật vừa đầy đủ những chi tiết khách quan và trung thực nhất về cuộc đời đức Phật”.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 6363)
Phật Tổ Đạo Ảnh, đúng theo danh xưng là một tác phẩm miêu họa pháp tướng cùng ghi chép đạo hạnh các lịch đại Tổ sư Ấn-độ và Trung Hoa, mong để lại cho kẻ tu hành đời sau những tấm gương soi, không ngoài ý nghĩa “kiến hiền tư tề”, tức nhằm mục đích khích lệ mọi người trông thấy gương các bậc thánh hiền mà khởi tâm nối gót theo .
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 5129)
Sau khi viết bài “Những chi tiết dị, đồng về đức Phật lịch sử”, BBT. Thư Viện Hoa Sen gợi ý tôi xem lại trang Wikipedia Tiếng Việt cùng một đề tài liên hệ. Xem xong, tôi nghĩ, mình không dám và cả không có khả năng thò tay vào đấy để sửa hay điều chỉnh được; vả lại đấy là công việc của các nhà nghiên cứu, họ có chuyên môn về cách làm hơn. Tôi thì xin chịu. Do vậy, tôi bèn copy lại, dựa theo trang Wikipedia ấy, rồi thêm chỗ này, bớt chỗ kia, dĩ nhiên là theo chủ quan kiến thức Phật học của mình.
16 Tháng Bảy 2014(Xem: 5901)
Sau khi bộ đại sử đức Phật Sakyā Gotama “Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt” 6 quyển, 3000 trang được in ấn và phổ biến trên các trang mạng Phật học, được đọc lại trên các trang Pháp Âm, và được độc giả đọc nhiều nhất là “thuvienhoasen.org” ở Mỹ và “quangduc.com” tức là Tu viện Quảng Đức ở Úc – tôi, tác giả, nhận được khá nhiều câu hỏi về những chi tiết lịch sử, có những dị biệt, mâu thuẫn nơi này và nơi khác.