- Vương Quốc Cổ Xưa
- Tại Cung Trời Tusita
- Đại Bồ-Tát Đản Sanh
- Lời Tiên Tri Của Đạo Sĩ Asita
- Lễ Quán Đính
- Lễ Hạ Điền
- Con Đường Học Vấn
- Tuổi Thơ Và Tình Thương Của Thái Tử
- Ngục Vàng
- Thi Tài Võ Nghệ
- Trong Cung Vui Và Những Dự Thảo Phát Triển Đất Nước
- Đêm Khuya Nghe Gió Thở Dài
- Tấm Lòng Với Cuộc Đời
- Ba Giấc Mộng Của Nàng Yasodharā
- Ý Nghĩa Và Giá Trị Cuộc Sống
- Bốn Vị Sứ Giả
- Giấc Mộng Của Đức Vua Suddhodāna
- Ra Đi Lúc Hoàng Thành Say Ngủ
- Gót Khất Sĩ Lang Thang
- Vị Đạo Sư Đầu Tiên
- Gặp Gỡ Đức Vua Seniya Bimbisāra
- Vị Đạo Sư Thứ Hai
- Rừng Khổ Hạnh
- Tấm Nệm Cỏ Kusa
- Một Vầng Nhật Nguyệt
- Bốn Mươi Chín Ngày Sau Khi Thành Đạo
- Gióng Trống Pháp Bất Tử
- Giáo Hoá Năm Người Bạn Đồng Tu
- Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappa-Vattana Sutta)
- Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta)
- MÙA AN CƯ ĐẦU TIÊN (Năm 587 trước TL)
- Hoá Độ Công Tử Yasa Cùng Với Bạn Hữu
- Những Bài Pháp Quan Trọng Tại Lộc Uyển Dành Cho Thành Phần Ưu Tú
- Hãy Ra Đi Như Những Cánh Chim Trời Tự Do
- Hóa Độ Nhóm Vương Tử Ham Chơi
- Về Thăm Lại Cội Cây Giác Ngộ Và Dòng Sông Linh Thiêng
- Nhiếp Hóa Anh Em Đạo Sĩ Kassapa
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 1
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014
Gặp Gỡ Đức Vua Seniya Bimbisāra
Mờ sáng hôm sau, Siddhattha lên đường. Các đạo sĩ đã đứng lố nhố nơi này, nơi khác. Một vài vị đứng xa, lặng lẽ nhìn. Những đôi mắt thân thiện. Vài đạo sĩ khác quyến luyến đến gần, ôm vai, buồn bã. Đạo sĩ Pukkusa cụ bị y bát muốn đi theo nhưng Siddhattha bảo là không nên, hẹn lúc nào tìm ra được đạo lớn, giải thoát trọn vẹn sinh tử khổ đau, lúc ấy hãy hay.
Len lỏi giữa mấy khu rừng, Siddhattha nhắm hướng đông nam. Sương mai lành lạnh bờ vai. Nắng nhẹ, mỏng đã hừng lên từ phương đông. Lâu sau, Siddhattha đã bước vào xa lộ, bỏ bắc Vesāli đạp xuống sông Gaṅgā. Nhìn xóm làng, sinh hoạt, người và cảnh, Siddhattha thấy đây đúng là một quốc độ giàu mạnh. Chốc chốc, Siddhattha bắt gặp một vài đoàn thương buôn, hoặc xe ngựa, xe bò hoặc lạc đà... chất đầy hàng hóa đổ xuống Māgadha. Chốc chốc có vài toán kỵ mã lướt qua, phục sức giáp bào, đai hia, mũ miện, vũ khí chói ngời, Siddhattha biết rằng đấy là giai cấp chiến sĩ oai hùng của dòng dõi Licchavī. Họ có từng toán mặc toàn xanh, toàn đỏ, toàn vàng... trông đẹp đẽ, quy củ... và nghe đâu quân đội của họ rất nghiêm minh, kỷ cương.
Trưa, Siddhattha đi bát ven một xóm chợ. Dân chúng đặt bát rất tôn kính và thân thiện. Một, có lẽ là nhờ đức cảm hóa của đạo sư Ālāra, hai là nhờ truyền thống giáo dục tâm linh của vương triều. Lúc dừng chân độ thực hoặc nghỉ ngơi tại các lùm cây mát mẻ bên vệ đường, Siddhattha gặp các đạo sĩ khổ hạnh. Họ vẫn có bát xin ăn nhưng chỉ cần một vá, một muỗng... mà thôi! Với hình hài khô gầy, đôi mắt sâu hoắm, râu ria xồm xoàm, tóc tai như tổ quạ, với tấm y dơ dáy, rách nát, họ dường như chỉ chú trọng vào việc làm cho khô kiệt nhu cầu thân xác. Một vài góc rừng, Siddhattha gặp mấy đạo sĩ lõa thể, họ cố tránh nơi làng xóm hoặc có người qua lại, chỉ dùng củ, trái, lá cây qua ngày... để tu hành ép xác, hành thân hoại thể.
Một vài lần đàm đạo xảy ra trên đường. Siddhattha biết rằng, dân chúng các nơi rất kính trọng các bậc tu khổ hạnh. Và quan điểm chung chung của các đạo sĩ này tương tợ nhau. Thân xác nhiều tham muốn quá cho nên khổ. Vậy muốn chấm dứt khổ thì phải triệt tiêu nhu cầu của thân xác, làm cho mọi cảm giác đều phải trơ lì, yên ngủ. Khi mà tinh thần con người không còn nô lệ thân xác nữa, nó sẽ thăng hoa, nó sẽ giải thoát, nó sẽ thể nhập làm một với đấng Tuyệt đối, với Phạm Thể vô biên! Siddhattha không góp ý, không tranh luận, chàng chỉ lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm. Có rất nhiều pháp môn lạ lùng, Siddhattha đã gặp gỡ trên đường, nói không hết, kể không hết; chàng tự nghĩ, chưa vội tin mà cũng chưa vội bỏ, phải nghiên cứu toàn bộ, sau này.
Do chẳng có gì phải vội vã nên chỉ sáu do-tuần mà Siddhattha đi mất mười hôm mới đến được bên này sông Gaṅgā. Tại một bến thuyền, Siddhattha chứng kiến một cảnh tượng huyên náo, lạ lùng chưa hề thấy ở trong đời. Không biết bao nhiêu là đạo sĩ, tu sĩ phục sức, y áo khác nhau, với những sinh hoạt khác nhau. Có nhóm đứng bên sông lầm thầm chắp tay cầu nguyện. Có nhóm xuống tắm nước sông thiêng để rửa sạch cho kỳ hết bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng tiền khiên. Có nhóm người nhập định, phơi xác trần dưới sự nung nấu của mặt trời. Siddhattha thanh thản dạo gót ven bờ nước đục đỏ ngầu, trên bãi cát vàng mênh mông, vô tận... Đâu cũng là người, đủ mọi màu da, mọi giai cấp, mọi tuổi tác. Tất cả là đàn ông. Đàn bà chỉ lác đác một vài. Ai nấy đều thản nhiên. Dường như chẳng ai chú ý đến ai. Ai có công việc nấy. Một số đàn ông đang sắp xếp một giàn hỏa thiêu. Vài ba đám ma đang đặt xác tử thi trên một bãi đất trống. Từng đàn bò, ngựa, lạc đà xuống sông uống nước. Những sạp hàng lớn, nghễu nghện hàng hóa đang rục rịch chuẩn bị xuống thuyền sang sông. Có năm, bảy người đàn ông phục sức y áo lòe loẹt, diện mạo lạ hoắc... đang cân đo đong đếm bên những kiện hàng. Họ có thể là từ các xứ Ba Tư, Ả Rập sang đây giao thương, buôn bán làm ăn.
Đây đúng là một xứ sở năng động, phồn vinh với những sinh hoạt phong phú, đa diện, còn Kapilavatthu chỉ như là một quận huyện nhỏ bé. Siddhattha nhờ một thuyền buôn sang sông. Ôi, sông rộng mênh mông, lềnh bềnh xác tử thi và rác rưởi. Thuyền qua, thuyền về tấp nập. Có những chiếc thuyền lớn chở luôn cả cừu, dê, bò, ngựa, lạc đà... cùng với hàng hóa nặng trĩu...
Phía Nam sông Gaṅgā trông nhộn nhịp, tấp nập hơn cả bờ Bắc. Siddhattha dừng chân giây lát nơi bến sông để chứng kiến một cảnh hỏa thiêu, chứng kiến một xác người chưa cháy hết được thả trôi. Cũng giống như ở Kapilavatthu, chẳng ai khóc lóc, tiếc thương những người thân thuộc. Ai cũng quen với sự sống, sự chết. Là lẽ thường. Thần Agni sẽ đưa linh hồn lên mây xanh. Thần Rāma sẽ cho hóa sanh một kiếp khác hay cho về ở với người. Niềm tin ấy cho họ sự bình thản, an nhiên. Chết đi, nghĩa là từ bỏ thân xác bệnh tật, già nua, hủy hoại, tan rã... để mượn lại một thân xác mới trẻ trung hơn, tràn trề sinh lực và sự sống hơn. Quan niệm chung của tôn giáo ngàn đời hóa ra cũng giải tỏa được nỗi khổ trước lưỡi hái của tử thần.
Dừng chân tại thị trấn Pāṭaligāma thương mãi phồn vinh vài hôm, Siddhattha quan sát, ngắm nhìn, lắng nghe mọi sự. Nhất là dân tình, quan niệm sống của họ cùng sinh hoạt các tôn giáo. Qua tiếp xúc với một số đạo sĩ, Siddhattha biết rằng, tại quốc độ Māgadha tồn tại nhiều giáo phái, cả trong và ngoài truyền thống. Hóa ra đạo sư Ālāra thuộc một phái nhỏ, Saṅkhya, một trong sáu phái bà-la-môn hưng thịnh ở đây. Có một số giáo phái không chấp nhận quyền uy của thánh kinh Vệ-đà, của Áo-nghĩa-thư, họ tự lập ra từng nhóm riêng, có quan niệm và cách thức tu tập riêng. Tuy nhiên, bất kể sa-môn, bà-la-môn, đạo sĩ nào thì dân chúng đều ủng hộ, đều đặt bát cúng dường. Đây là xứ sở tự do tôn giáo, tín ngưỡng đúng nghĩa; nhờ mưa thuận gió hòa dân chúng an cư lạc nghiệp, theo đó, các giáo phái phát triển khắp mọi nơi.
Vật thực của cư dân mộ đạo xứ này còn phong phú hơn cả Vesāli. Cứ vừa khất thực vừa nghỉ ngơi, Siddhattha lại xuôi theo xa lộ thương mãi về thủ đô Rājagaha (Vương Xá). Chàng nghe đồn phương nam Rājagaha có đạo tràng của đạo sư Uddaka Rāmaputta nổi danh nhiều phương. Ông ta có bảy trăm đồ chúng đoanh vây tu học. Chàng phải đến đấy để chiêm bái và học hỏi.
Bảy, tám hôm sau, Siddhattha đã đi vào thủ đô của nước Māgadha (Ma-kiệt-đà), một kinh đô hoa lệ, giàu sang, cực thịnh nhất thời bấy giờ. Dù kiến thức địa lý của Siddhattha có sâu rộng cũng không hình dung được thế núi, thế sông hùng vĩ như thế này. Hóa ra kinh thành Rājagaha nằm giữa một thung lũng mênh mông được bao quanh bởi nhiều dãy núi. Kéo chênh từ hướng tây nam lên hướng đông bắc là hai dãy núi Vaibhāra và Virgāla như một bức tường thành. Phía cuối của núi Virgāla lại mọc ra dãy núi Rāma đâm thẳng góc xuống hướng nam. Sau đó, dãy núi Chattha lại đâm thẳng góc với Rāma rồi đổ về hướng đông. Xa về phía nam là dãy núi Udāya, đổ xuôi về tây nam lại bắt gặp núi Sona hùng vĩ. Cả hai dãy núi này dường như song song với hai dãy núi Vaibhāra và Virgāla - nghĩa là kéo dài từ đông bắc xuống tây nam.
Vậy là kinh thành Rājagaha nằm trong một thung lũng hình chữ Z, được bao bọc bởi hai bức tường thành. Bức tường ngoại thành là vành đai khổng lồ, đá dựng lô nhô cùng với rừng xanh mát mẻ. Với sức người, sức của, thời gian, công phu xây dựng bức tường đá vĩ đại như thế quả thật chỉ có ý chí của một đế quốc mới làm nổi. Nó bạo liệt cắt ngang núi Sona, chạy dài qua sông suối, bình nguyên, vượt lên núi Vaibhāra, chạy theo đường “dông” của núi này, đến hết núi Virgāla. Từ đây, đổ về nam, nó xuôi mãi, trượt lên núi Udāya, rồi theo đường “dông” của núi này xuôi về tây nam. Chu vi bức tường ngoại thành nghe đâu không lớn lắm, chỉ độ chừng ba bốn do-tuần nhưng có lẽ là công trình vĩ đại thời bấy giờ.
Bức tường nội thành bao quanh cổ thành Giribbāya, là nơi biệt lập của hoàng cung, kế đó là dinh cơ của hoàng gia, quý tộc, các đại thần, quan lại, võ tướng... Từ đó, các con đường lát đá, xa rộng ra là phố phường sầm uất của giai cấp Vệ-xá, quý tộc làm thương mãi, thị dân giàu có với hàng trăm, hàng ngàn tiệm tạp hóa. Rồi còn xưởng rèn đúc vũ khí, dinh xưởng quân trang, quân dụng của hoàng gia, chiến sĩ. Cung vua được xây dựng bằng nền đá, tường đá; nhưng kết cấu các tòa nhà, dinh thự, lâu đài lại bằng gỗ quý.
Vùng thung lũng trải rộng giữa nội ngoại thành là làng xóm, nhà cửa của giới trung lưu, gồm tất cả mọi ngành nghề khác. Đây là vựa lúa, vựa trái cây, rau cải... cũng là nơi chăn thả gia súc như dê, bò, cừu... Có cả những trại nuôi ngựa, voi cho hoàng gia và chiến sĩ. Điểm xuyết giữa thung lũng này là trang trại lớn của một số đại thần, quý tộc, kỹ nữ, võ tướng... Nhiều nhất là những vườn xoài, vườn cây thuốc, vườn đinh hương, hồi hương, chà là, các loại đậu, củ... Riêng cây thốt nốt làm đường, mật thì ở đâu cũng có, hàng hàng lớp lớp bao quanh xóm nhà, quanh công viên, dọc theo xa lộ thương mại...
Giữa khoảng hở của các ngọn núi là những cổng thành cao lớn, kiên cố. Cổng đi lên phía bắc được gọi là Cổng Bắc. Tương tợ thế, Cổng Đông, Cổng Nam...
Như vậy, địa thế của Rājagaha được phòng thủ một cách kiên cố và vững mạnh, không có quân đội nước nào xâm nhập nổi nên tạo được thế hùng cường và giàu mạnh dài lâu(1).
Nhờ giàu sang và thịnh vượng như vậy nên đất nước này là nơi hội tụ nhiều sắc màu của các giáo phái khác nhau. Cứ hễ nghe đâu có các nhóm tu tập là Siddhattha tìm đến. Quả thật là nơi này quyền uy của thánh kinh Vệ-đà và Áo-nghĩa-thư đã bị lung lay. Có những phong trào muốn đi tìm những giá trị tâm linh mới, con đường mới. Một số đã đi quá đà, rơi vào duy vật luận thô thiển, ngụy biện, hý luận, đoạn diệt kiến trở thành tà đạo nhưng vẫn tồn tại, vẫn được rao giảng đó đây. Ai nghe thì nghe. Ai tin thì tin. Ai không nghe, không tin thì thôi, chẳng đụng chạm đến ai cả. Đúng là trăm hoa đua nở, nên kinh thành này, thời này được xem là đỉnh cao của triết đạo học.
Siddhattha đã đến nhiều nơi để nghe các đạo sĩ trong truyền thống rao giảng. Gọi là truyền thống nhưng họ đã giảng giải lại Vệ-đà nên được gọi là Vedantā cho phù hợp với thời đại mới. Một số trong các vị này muốn giữ lại một ít “mật truyền” có lợi cho các tế sư để họ độc quyền liên hệ với thần linh. Nói chung, họ cũng tìm về nhất thể nhưng do lý luận dài dòng, úp mở, mâu thuẫn, nhiều kẽ hở... nên chẳng giúp gì thêm cho kiến thức của chàng cả. Vả lại, kể cả Vệ-đà, kể cả những quyển kinh cổ xưa của dòng dõi Aryan, Siddhattha đã thông thuộc nên chàng thấy kiến thức của bọn họ chắp vá, đứt nối, nghèo nàn... chẳng có giá trị gì. Nếu nghe ai nói đến Brāhman, Ātman... những cái ngã thường tại, bất tử... đồng với hư không, đồng một với hạt cải, hạt sung, hạt mè gì gì đó thì chàng không muốn nghe nữa. Siddhattha đã đầy mứa, no ứ loại kiến thức cũ xưa ấy. Một vài nơi nói về nghiệp, tham dục, vô minh... là công của các nhà luận giải đi sau Vệ-đà, thì nghe được, nhưng vẫn còn nông cạn, mù mờ.
Siddhattha chán nản nhất là miệng lưỡi của một số đạo sĩ duy vật luận, đoạn kiến, hư vô chủ nghĩa... Họ phủ nhận sự hiện hữu của thượng đế, linh hồn, chủ trương không có thiện ác, khi thân xác thiêu rồi thì chẳng còn gì nữa. Vậy hãy hưởng thụ dục lạc cho sung sướng. Họ chỉ trích các đạo sĩ khổ hạnh diệt dục: “Này bạn! Bạn muốn quăng bỏ cả hạt thóc vì bên ngoài bao bọc vỏ trấu chăng? Hành hạ thân xác quả là đồ khùng, đồ điên!” Lạ lùng làm sao, là với chủ trương như vậy họ vẫn không được mọi người xem là đối kháng xã hội, hoặc “phi đạo đức”, có hại cho nhân sinh. Một số khác tuyên bố xanh rờn về học thuyết “hoài nghi chủ nghĩa”. Họ hoài nghi linh hồn, thượng đế, thánh thần, thiện ác, các giá trị đức lý, định mạng... Họ hoài nghi tất tần tật. Chúng nhung nhúc, nhan nhản, mọc lên tươi tốt như nấm sau vài trận mưa cuối mùa hè. Họ đi từng đoàn, từng lũ, đả phá giáo phái truyền thống, đền miếu, tập cấp bà-la-môn và các tế sư. Nhưng quả lạ lùng làm sao, dân chúng lại thích nghe họ nói, khoái chí cúng dường, cung cấp tứ sự đầy đủ. Có lẽ đây là phản ứng nghịch để tạo sự quân bình cho xã hội. Các ông bà-la-môn trịnh trọng, đạo mạo, nghiêm trang từ lâu đã bóc lột họ quá nhiều trong các cuộc tế lễ, ma chay; chủ ruộng đất, chủ các trang trại của các bà-la-môn lại sử dụng sức lao động của nông nô với giá chết đói, cũng tương tự thế.
Còn ta-bà khổ hạnh sư thì quá nhiều, từ khổ hạnh thô tháo đến khổ hạnh cực đoan nhất. Và nói chung, mọi hình thức khổ hạnh đều được dân chúng trọng vọng, sùng mộ. Dấu hiệu chung của các đạo sĩ khổ hạnh là từ bỏ gia đình, vợ con, tài sản, tự do để râu tóc, tự do mặc nhiều kiểu y áo khác nhau, hoặc tự do chỉ che chút ít cho có lệ! Tùy. Riêng có nhóm cứ để trần truồng, lõa thể, thì họ thường ẩn dật trong rừng rậm hoặc nơi xa xóm làng để khỏi quấy rầy mọi người, nhất là đàn bà, con gái. Vị nào khổ hạnh kỳ quái nhất, dị hợm nhất thì được mọi người nể trọng nhất. Làng xóm sẽ tự hào về họ, xem họ như bậc thánh.
Có vị tu khổ hạnh với mục đích chẳng tốt đẹp gì: Chỉ để cho oai, cho ghê gớm một cách hiếu danh, một cách phô trương bản ngã.
Có vị tu khổ hạnh với mục đích mong cầu đánh đổi phúc lạc ở đời sau, sung sướng gấp trăm ngàn lần bây giờ.
Có vị tu khổ hạnh thiền định để sau này bay được như chim, qua sông không cần đò, thuyền. Hoặc đi xuyên tường, độn thổ, biết rõ chuyện quá khứ, vị lai.
Có những vị cao thượng hơn, là khổ hạnh để diệt dục, để giải thoát kiếp người, mong sau này cộng trú với chư thiên, phạm thiên hay thể nhập với Thượng Đế.
Tất cả họ có nhiều cách hành hạ thân xác thật khủng khiếp. Khổ hạnh như bò thì làm hai cái sừng bò trên đầu, cột đuôi bò phía sau, sống giữa bầy bò, ăn như bò, đi như bò, ngủ như bò. Khổ hạnh như chó thì sống như chó, đi như chó, ăn dưới đất, sủa hâu hâu và nằm ngủ cũng cuộn mình như chó. Khổ hạnh kiểu nhịn ăn thì nhịn ăn cho tới chết. Có vị nửa tuần trăng mới ăn một lần. Có vị chỉ ăn một lần vào cuối mùa trăng. Có vị ngâm dưới nước suốt ngày. Có vị tự treo chân, treo tay lên trên cây cho đến khi teo chân, teo tay luôn! Có người cột mình lên cây bằng một sợi dây, mỗi ngày vài khắc như thế. Có vị luôn luôn ngồi chồm hổm và chỉ ăn cái gì rơi vãi xung quanh. Có kẻ đứng một chân, đứng mãi đứng hoài mặc cho cây leo mọc xung quanh, chim làm tổ trên đầu. Có kẻ suốt đời không ngủ. Có người nằm trên giường đinh hoặc nằm trên đống gai tua tủa. Có vị tự cắt bớt một tay, cắt bớt một chân. Có kẻ bẻ gãy nó rồi lấy dây cột lại mặc cho nó thối rửa với dòi bọ đục khoét... Tuy nhiên, đa phần các khổ hạnh sư này có tu tập thiền định, họ có tự chủ - nên sự đau đớn về thể xác họ chịu đựng được. Người ta nể sợ họ về khả năng đó.
Khắp xứ Māgadha, các đạo sĩ lang thang với cái bát xin ăn đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Thỉnh thoảng, vì tranh danh, đoạt lợi lại có vài ba cuộc đụng độ. Hãy lắng nghe họ nói, họ ngụy biện, họ bài bác, xách mé người khác mà chẳng đưa ra một ý tưởng khả dĩ là có kiến thức. Có kẻ say sưa nói về định mệnh thuyết. Theo đó, cái ăn, cái mặc, ngủ nghỉ, tư duy, vui khổ... không thể cải biến, không thể thay đổi được. Tuy nhiên, chẳng ai trung thành với ai cả. Họ tùy nghi gia nhập nhóm này, một thời gian lại chạy sang nhóm khác. Họ thay đổi “guru” (bậc thầy) như thay đổi món ăn. Tại kinh thành Rājagaha và các thị trấn thường có những căn nhà hội, là tụ điểm để cho muôn phương du sĩ, khất sĩ lang thang trú mưa nắng. Và thường là nơi xảy ra các cuộc tranh luận. Ai nói hay, thắng cuộc thì được vua chúa, các triệu phú gia, chủ ngân hàng, đại thương gia tặng nhiều vàng bạc, gia súc...
Siddhattha lắc đầu, vừa ngao ngán vừa mỉm cười. Quả là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chỉ mới non nửa tháng ở đây, kinh thành tâm linh này mà Siddhattha đã có thể khái quát, hình dung toàn bộ sinh hoạt tôn giáo, chí hướng, mục đích, con đường của giới xuất gia đạo sĩ.
Hôm kia, nghỉ ngơi trên núi Paṇḍavā, không xa kinh thành Rājagaha bao nhiêu, Siddhattha ngồi thiền nhưng tâm không an trú. Do kinh thành Rājagaha với những sinh hoạt của nó nên hình ảnh Kapilavatthu hiện ra. Rồi hình sương bóng khói quê nhà, phụ vương, di mẫu, Yasodharā, Rāhula... từ chập chờn đi đến rõ nét. Một dòng xúc cảm khởi sanh làm cho Siddhattha lao chao, không yên lắng được... Đã suốt đêm như thế.
Nắng sớm đã lên. Siddhattha ôm bát, thong thả đi theo con đường ruột dê xuống chân núi. Vừa đi chàng vừa trú niệm hơi thở để tìm lại sự thanh thản tâm hồn. Phải đi con đường mới, tức là con đường dẫn đến cổ thành Giribbāja có hoàng thành, cung điện của đức vua Seniya Bimbisāra nổi danh. Ở đây, dinh thự tiếp dinh thự, lâu đài tiếp lâu đài. Hình ảnh mấy tòa Cung Vui lại hiện ra nhưng Siddhattha an trú niệm được ngay.
Dáng dấp Siddhattha cao to, sang trọng, nước da như mạ vàng ròng, lại với bước đi trầm tĩnh, uy nghi... làm cho ai cũng phải chú ý, ngước đầu lên nhìn. Ở kinh thành này chưa có bóng dáng vị đạo sĩ nào khả dĩ thu hút mọi người đến thế! Là một vị xuất gia với giống dòng thượng đẳng, với bước đi khoan thai, ổn định, kiêu hùng như chúa sơn lâm... thế kia thì mọi người mới thấy lần đầu.
Siddhattha dừng lại, tầm mắt nhìn xuống, nghiêng người, đứng trước một ngôi nhà, không phân biệt họ giàu nghèo ra sao. Chàng trú niệm, không gian xung quanh bỗng yên lặng. Dường như những giọng nói, tiếng cười từ đâu đó cũng ngưng dứt. Một người, hai người, ba người rồi bốn người lặng lẽ ra đặt bát. Có lẽ là những món thượng vị đầy trân trọng. Thấy đã vừa đủ, Siddhattha lấy tay ngăn lại, thầm đọc vài ba lời quán tưởng và chú nguyện rồi quay lưng, bước đi, trở về bằng lối khác.
Siddhattha thoáng nghe từ sau gáy, từ bên tai... những cái nhìn, những lời bàn tán, xầm xì nho nhỏ: “Vị sa-môn này có lẽ không phải người mà là thiên thần.”
Đúng vậy! Cỗ xe bốn ngựa trắng đang chậm rãi đi ngang, đức vua Seniya Bimbisāra vén rèm, chăm chú nhìn tướng mạo, phong thái, bước đi của Siddhattha cũng tưởng là vị thiên thần nào. Ông ngẩn ngơ. Sao trên đời lại có vị đạo sĩ đẹp đến thế! Như sực tỉnh, đức vua Seniya Bimbisāra sai một tên quân hầu bí mật theo dõi Siddhattha xem chàng về đâu, nghỉ ở đền miếu, quán xá nào... rồi về tâu lại cho đức vua hay.
Xế chiều hôm đó, đức vua Seniya Bimbisāra thắng cỗ xe bốn ngựa trắng, dừng lại dưới chân đồi Paṇḍavā. Đức vua chậm rãi leo lên núi cùng với một tên thị vệ.
Siddhattha đang ngồi thiền trong bóng râm, hào quang như tỏa sáng từ khuôn mặt. Có một cái gì tôn nghiêm, tĩnh lặng tỏa ra xung quanh làm cho đức vua không dám cất tiếng. Ông đứng vòng tay tỏ vẻ kính cẩn. Lát sau, như có con mắt thứ ba, Siddhattha biết có khách nên chàng xả thiền. Nhìn vóc dáng bệ vệ, oai nghiêm, trang phục sáng ngời châu báu như... mình thuở nào, Siddhattha biết đấy là đức vua Seniya Bimbisāra nổi tiếng châu Diêm-phù-đề.
Rất tự nhiên, Siddhattha gật đầu chào, mỉm cười, chỉ cho đức vua chỗ ngồi trên phiến đá phẳng, còn chàng thì tìm chỗ ngồi đối diện.
Siddhattha điềm đạm nói:
- Phải chăng điện hạ là quốc vương Māgadha nổi danh đương đại? Xin ngài bỏ lỗi, là sa-môn nên tôi không thể làm lễ ra mắt như kiểu quần thần.
Đức vua gật đầu:
- Phải vậy. Trẫm là Seniya Bimbisāra, hôm nay đến đây rất lấy làm vinh hạnh được thăm viếng ngài sa-môn. Chẳng hay, ngài là ai? Là thọ thần? Là chư thiên? Là phạm thiên? Tướng mạo của ngài rất phi phàm, rất khác tục vậy.
Siddhattha cười nhẹ:
- Tôi là người phàm tục, tâu đại vương. Lại nữa, lộ trình tầm đạo còn nhiêu khê, tối tăm, đâu xứng đáng để đức vua oai hùng coi trọng đến thế!
Thấy lời lẽ thanh cao, ngôn ngữ lưu loát, lịch thiệp, đức vua đoán đây không phải là kẻ tầm thường, bèn tâm sự:
- Ôi! Trẫm lên ngôi từ tấm bé, lúc phụ hoàng của trẫm mất. Mới mười bốn tuổi mà phải làm người lớn, phải chính đính, trang nghiêm, mẫu mực để cầm quyền trị nước. Năm nay trẫm hai mươi bốn tuổi. Vậy là đã suốt mười năm, trẫm không có tuổi thơ, không có sự hồn nhiên; lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toan trăm việc, không có niềm vui, không có nụ cười! Bao nhiêu năm qua, trẫm không hề có một người bạn để hàn huyên tâm sự. Xung quanh hàng trăm người, lúc nào cũng khúm núm, chào thưa, tuân phục, bách tuế, vạn tuế... Cũng chẳng trách họ được vì đó là luật lệ của triều đình, vì quyền uy của trẫm là tuyệt đối. Nhưng mà kỳ lạ làm sao, sáng nay, vừa thoáng thấy sa-môn, trẫm liền có cảm giác như là một người bạn thân lưu lạc từ kiếp nào. Trẫm ước ao rằng, sa-môn hãy cùng về với trẫm, làm bạn với trẫm. Với vừng trán, đôi mắt, ngôn ngữ, nụ cười... ở nơi sa-môn - trẫm biết chắc sa-môn là người ưu việt, thông tuệ, trí tài, đức hạnh đều vượt bậc, vượt xa con người. Nếu có sa-môn bên cạnh tham mưu, cố vấn, trẫm biết chắc nước nhà sẽ hùng cường và muôn dân sẽ ấm no, hạnh phúc hơn nữa.
Siddhattha quan sát đức vua, thấy ông ta có vẻ chí tình, lại có phong độ của bậc minh quân, chàng dịu dàng nói:
- Cảm ơn những lời vàng ngọc của đại vương! Nhưng tôi đã quen đời sống độc cư, thích chỗ hoang vu, u tĩnh của núi rừng mất rồi. Chốn hoàng thành hoa lệ không còn thích hợp với tôi nữa đâu.
- Đời sống sa-môn không cửa, không nhà cực khổ quá. Vật thực xin ăn tùy thí chủ, đâu có đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Mặc thì chỉ có một manh áo mỏng. Nằm ngủ thì chẳng có giường chiếu, chăn màn. Thôi, hãy về thành với trẫm đi, trẫm sẽ tặng một cung điện cao sang và tiện nghi nhất. Trẫm lại còn lựa chọn cho vài chục mỹ nữ xinh đẹp nhất thành Rājagaha làm kẻ hầu người hạ xung quanh. Họ sẽ nâng khăn, sửa túi, xếp gối, giăng màn...
Siddhattha cúi đầu, nhũn nhặn:
- Xin trân trọng tấm lòng và thiện ý của đại vương. Quả thật đấy là đặc ân tối thượng của đại vương. Nhưng tôi không quen với đời sống ấy. Tôi đang đi tìm ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng của đời sống con người. Tôi sẽ tìm cho ra đạo lộ bất tử để cứu khổ cho muôn sinh. Đấy mới là mục đích của tôi, tâu đại vương!
Đức vua Seniya Bimbisāra vẫn chưa chịu thua, muốn thuyết phục nữa, nhưng chậm rãi hỏi:
- Sa-môn năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Thưa, hai mươi chín tuổi.
- Ồ, vậy là còn trẻ quá. Chỉ lớn hơn trẫm có năm tuổi. Thôi, thế này vậy. Cùng về với trẫm đi, trẫm sẽ chia cho sa-môn một nửa giang sơn, cả hai ta sẽ cùng nhau cai trị và hưởng phúc. Ít chục năm sau, khi tuổi già, sức yếu, mọi lạc thú trên đời đều đã nhàm chán thì cứ giao lại hết cho trẫm, rồi đi xuất gia cũng chưa muộn gì.
Siddhattha mỉm cười nụ, phê bình nhẹ nhàng:
- Đại vương nói không được đúng rồi! Con đường tu tập không đơn giản. Là lộ trình của chông gai, khổ luyện. Cần phải có sức vóc, ý chí, nghị lực... mới đi được tới nơi, tới chốn. Vậy đi xuất gia phải cần có nhiệt huyết và sức thanh xuân của tuổi trẻ. Nếu để già mới đi xuất gia, sẽ không thành tựu được gì, chỉ tìm được chút nhàn cư và bình an, tĩnh tại bên ngoài mà thôi. Còn khó khăn hơn nữa là hiện nay, sự tìm kiếm của tôi: Mục đích, con đường chưa hề có trên thế gian này, nên hành trang, tư lương lên đường cần có ý chí và nghị lực bất thối. Còn khó khăn vạn trùng. Và chỉ có tuổi trẻ mới làm được. Xin bệ hạ hãy tha thứ cho tôi, hãy cho tôi đi theo con đường mà mình đã chọn.
Đức vua Seniya Bimbisāra gật gù:
- Quả là hùng biện! Quả là hay! Thật là ngôn lời kiên định như đá tảng! Trẫm mới nghe lần thứ nhất trong đời. Và cũng là lần thứ nhất trong đời, có người được chia cho nửa giang sơn, cung điện, mỹ nữ, quyền uy mà không hề động tâm.
Nghĩ ngợi một lát, đức vua tiếp:
- Với con người như sa-môn, lập luận đanh thép, ý chí đanh thép, vừng trán cao phẳng, đôi mắt xanh trong thế kia thì chẳng có khó khăn nào mà sa-môn không thành tựu được kể cả là làm Chuyển luân Thánh vương toàn cõi châu Diêm-phù-đề này. Trẫm không bắt lỗi đâu, trẫm kính trọng và sự ngưỡng mộ được nhân lên nhiều lần nữa là khác.
Nhìn thần sắc an nhiên, trầm tĩnh của Siddhattha, đức vua chợt hỏi:
- Trẫm hơi tò mò, vậy chẳng hay sa-môn là người xứ nào, xuất thân, dòng dõi như thế nào, có thể cho trẫm biết với chăng?
- Dạ được, không sao! Siddhattha nói - Xa về hướng tây bắc, dưới chân Himalaya hùng vĩ, có một gia tộc Sākya cổ kính, dòng dõi Thái Dương anh hùng, kinh thành Kapilavatthu nhỏ bé, hiền hòa, là quê hương của tôi đấy!
- Ồ!
- Tên tôi là Siddhattha, họ Gotama, là thái tử con vua Suddhodana còn tại tiền, mẹ là hoàng hậu Mahāmāyā đã mất sớm. Tôi lập gia đình lúc mười sáu tuổi, có được một con trai nối dõi...
- Cứ kể tiếp đi, sa-môn, trẫm muốn nghe!
- Từ lâu, tôi đã chán nản xa hoa ngũ dục ở ba tòa Cung Vui; lại còn sợ buộc ràng lúc phụ hoàng chọn ngày đăng quang vương vị nên đã trốn mọi người, rời khỏi kinh thành, xuất gia tầm đạo lúc nửa đêm, cách đây non vài tháng thôi, tâu đại vương!
Vua ngạc nhiên quá, thốt lên:
- Hóa ra sa-môn là một vị vua! Một vị vua đã khẳng khái phất tay từ bỏ vương vị, vợ đẹp, con xinh! Vậy là trẫm đã thất lễ. Trẫm đã lấy lợi danh, quyền uy, ngũ dục để quyến rũ người đã từ bỏ ngũ dục, danh lợi và quyền uy.
Đức vua lại xuống giọng, thân thiện:
- Vương quốc Sākya hiền hòa với Māgadha của trẫm là chỗ thân quen từ nhiều đời. Từ đây đến đó chừng sáu bảy mươi do-tuần, không xa lắm. Vị đại vương Kosala oai hùng kế cạnh, đức vua Pāsenadi, cũng là chỗ thâm giao. Không giấu gì sa-môn, hoàng hậu của trẫm là em ruột của đức vua Pāsenadi. Lại nữa, trẫm sẽ có một chính sách ngoại giao với Kosala để cho Kapilavatthu được yên bình. Sa-môn đừng ngại gì cả. Hãy đi theo con đường của mình. Nhưng trẫm mong rằng, sa-môn hãy xem trẫm là bạn. Sau này, lúc nào tìm ra đạo lớn, sa-môn hãy ghé thăm quốc độ của trẫm, thăm trẫm và để cho trẫm được cúng dường tứ sự. Trẫm sẵn sàng cất lời hứa thiêng liêng, là sẽ ở bên cạnh, làm cánh tay phải, hộ trì “cái đạo bất tử” của sa-môn, được phát triển mạnh mẽ trong quốc độ này.
Siddhattha thấy vị vua trẻ tuổi, đầy quyền uy hiển hách mà hạ mình như vậy, bèn vô cùng trân trọng hứa khả, sau này đắc đạo sẽ trở lại xứ sở phồn vinh này.
Đức vua Seniya Bimbisāra cúi chào, từ giã, xuống núi. Siddhattha cũng chuẩn bị rời chỗ, chàng không muốn nhận thêm một ân sủng nào nữa của đức vua cũng như hoàng gia của xứ sở này. Biết chỗ, họ sẽ thăm viếng, tới lui. Rồi phải nói chuyện, chào hỏi, lắng nghe... làm mất của chàng biết bao thì giờ quý báu.
Chàng bước đi, lại theo đường mòn ruột dê, đến cổng thành phía đông nam, từ giã Rājagaha, đến núi khác: Có một đạo sư ở không xa đây lắm, chàng phải tìm đến.(1) Chừng 168 - 180 năm sau Phật nhập diệt, quân đội A-lịch-sơn đại đế ba lần tấn công ba lần bị đẩy lui, thất bại, phải rút về.