Gót Khất Sĩ Lang Thang

02 Tháng Tám 201418:02(Xem: 6798)
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 1

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014

Gót Khất Sĩ Lang Thang



Mặt trời đã lên cao, nắng vàng long lanh như ánh mật. Chim bay lượn nhởn nhơ giữa hư không thoáng rạng. Chim ca hót râm ran trên những tàn cây rậm. Gió mát thổi rì rào. Dòng sông xanh in bóng mây trời thênh thang, nhẹ hẫng. Thiên nhiên cây cỏ yên ổn, vắng lặng làm cho bao mối ưu tư, phiền não của Siddhattha chợt như tan biến mất cả.

Siddhattha quay lưng lại bờ sông, nhìn vào khu rừng già trước mặt. Từ đây, không cửa không nhà, không hành trang, tư lương, sở hữu... Hốc đá, cội cây, non cao, động vắng... là quê hương! Trăng sao khói mây, gió sương... là bạn lữ. Phải lấy nỗi khổ chung của sanh loại làm mục đích kiếm tìm. Phải đào bới tận nguyên nhân, gốc rễ của tử sanh và luân hồi vô tận. Từ đây, ta không còn thao thức, trăn trở... chuyện tế thế an bang; chuyện quốc gia chủng tộc; chuyện miếng cơm manh áo đời thường. Hãy để cho các ông vua làm việc ấy. Hãy để cho kẻ chạy theo danh lợi thế phàm quẩn quanh với đủ mọi danh nghĩa hay ho “sặc mùi chân lý” tha hồ cho họ dựng cờ múa kiếm. Ta đã chán mứa mọi thứ vinh quang mà bên sau ngầy ngật xú khí hão huyền, rỗng không và hạ liệt. Ta đi. Phải xé bức màn hư vô ngàn đời để tìm cho ra sự thật...

Một tiếng động. Hóa ra một chú nai tơ làm gãy cành khô đang đưa mắt trẻ con nhìn chàng. Siddhattha ngồi xuống. Ôi! Chú nai có đôi mắt tròn xanh, ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu vô cùng. Chàng nhìn quanh, có bẫy sập hoặc chú thợ săn nào độc ác ở đây chăng? Quạnh vắng. Chàng cảm giác như mình vừa được thoát nạn, được bình yên chứ không phải là chú nai con dại khờ này. Sột soạt. Hai chú sóc rượt đuổi nhau chạy lên vòm cây cổ thụ, cái đuôi xòe nở ra trông giống cái chổi lông! Ồ! Thiên nhiên bình yên quá. Sự sống yên bình đang diễn khắp mọi nơi! Ừ! Siddhattha ngẫm nghĩ, bạn bè ta còn nhiều lắm, còn biết bao nhiêu là động vật hiền lành...

Siddhattha đứng dậy, nhắm hướng Đông Nam, đi theo mé rừng cây cối thưa thớt. Hoa nở từng lùm, từng khóm đủ sắc màu rực rỡ. Hương rừng thơm quá, cái thơm tĩnh lặng, dịu dàng, lan tỏa... mà không phô trương, kiêu kì, gượng gạo... như tại chốn cung đình...

Đây là khu rừng Anupiyāvara, chàng biết, thế là đã đi vào địa phận của vương quốc Malla trù phú. Khu rừng này chạy dài nhiều dặm, sau đó là đồng bằng và thảo nguyên. Anupiyāvara không có nhiều lâm sản quý hiếm nhưng có nhiều voi, báo, sư tử, cọp, nai, hươu, linh dương, ngựa vằn... Có lẽ có ít người khai thác gỗ nên còn nét nguyên sinh, nhưng thợ săn thì chắc nhiều.

Vừa đi, vừa suy nghĩ miên man, lúc ngửng lên thì Siddhattha trông thấy một đạo sĩ! Ồ! đạo sĩ mà tay sao lại cầm cung và sau lưng đeo một bó tên sắt? Chàng dừng lại.

- Xin hỏi, ông là thợ săn, phải không?

Người đàn ông tóc râu xồm xoàm, gật đầu “phải phải”, rồi tò mò nhìn ngắm Siddhattha từ đầu đến chân.

- Đúng là một bậc vương giả, quý tộc! Mà sao lại đi lang thang nơi xó rừng hẻo lánh này? Ác thú nhiều lắm đó nghe!

Siddhattha lại chăm chú nhìn tấm áo màu vàng đất của người thợ săn, ngạc nhiên, nói:

- Ừ! Ta từ chốn kinh thành đến đây, muốn tập tành đời sống sa-môn, đạo sĩ. Nhưng còn ông, là thợ săn sao lại khoác chiếc áo của kẻ tu hành?

Người đàn ông cười ha hả, vô tư nói:

- Khu rừng này nhiều ông sa-môn, đạo sĩ mặc tấm áo như thế này; không biết sao mà họ không sợ thú rừng và thú rừng không hề sợ họ. Đôi khi lại có những chú hươu, chú nai, thỏ, linh dương... thản nhiên lui tới gần bên họ nữa mới kì chứ!

Siddhattha nhíu mày:

- Vậy là ông đã giả trang làm đạo sĩ để giết chúng?

- Ồ! Đúng vậy! Kiếm cái ăn thôi mà, công tử! Khổ quá, đói quá mà!

Siddhattha cởi chiếc hoàng bào có đính kim cương, có dệt những sợi chỉ vàng lóng lánh rồi trao cho người thợ săn:

- Thôi! Ông đổi cái áo ấy cho ta. Ta cần có nó hơn là ông. Còn chiếc hoàng bào này cũng khá đắt giá, cỡ mấy trăm đồng tiền vàng đấy. Ông có thể bán nó, lấy tiền để mở một cửa tiệm nhỏ hoặc làm vốn liếng mưu sinh. Hãy kiếm một nghề nghiệp chơn chánh, lương thiện. Là thợ săn, nghiệp sát đã nặng rồi mà ông còn cái nghiệp giả mạo làm đạo sĩ để giết vật nữa, tội càng lớn hơn, ông biết không?

Người đàn ông mừng quá, lắp bắp:

- Đổi thật à? Công tử có giỡn không đấy?

Siddhattha không nói gì, cúi xuống cởi luôn đôi giày vương giả, cũng đính trân châu, bảo ngọc rồi nói:

- Đôi giày này cũng vậy. Nó cũng là nửa gia tài của ông đấy. Ta đổi luôn đôi dép da trâu của ông. Nhớ nghe lời ta, hãy sống một đời hiền lương, vô hại!

Người đàn ông “dạ dạ” rối rít, cứ tưởng mình nằm mơ! Trong một lúc mà được đổi đời, sung sướng quá, ông hối hả bước đi như sợ chàng đổi ý.

Siddhattha nhìn lại mình. Ồ! Trông giống một sa-môn thật sự rồi! Chàng ngồi lại dưới bóng cây mát mẻ, lắng dứt mọi ý nghĩ, lắng nghe hơi thở để nghỉ ngơi... lần đầu tiên sống đời lang thang không cửa không nhà.

Lúc Siddhattha mở mắt ra, không biết thời gian trải qua bao lâu, chàng đã chìm sâu vào cảnh giới nào đó, thâm sâu lạ lùng, yên tĩnh lạ lùng. Siddhattha cảm nghe cả thân tâm đều khỏe khoắn, no đầy. Từng chân tơ kẽ tóc dường như cũng an lạc. Nửa cuộc đời vương giả, với ngũ dục tối thượng, chàng chưa bao giờ hưởng được cảm giác an lạc, thanh thoát, êm đềm như thế này. Sau các cuộc hưởng thụ ngũ dục là chán nản, mệt mỏi, ngao ngán. Nhưng sau sự phúc lạc, an bình của nội tâm thì nó còn lan tỏa năng lượng mát mẻ, vui tươi, dịu dàng và yên ổn.

Siddhattha đứng dậy, khẽ vươn vai rồi bước đi. Nắng chảy tràn trên thung lũng xanh, trên đọt cây, đầu lá. Đến một gốc cổ thụ, thấy trái chín rơi rụng đầy do chim chóc ăn rơi vãi, chàng cảm thấy đói bụng, bèn cúi xuống lượm ăn. Trái ngọt như mật ong. Cũng thú vị, chàng nghĩ. Từ đây, ta không còn sơn hào hải vị, chẳng còn thực phẩm cứng mềm thượng vị nữa. Các sa-môn, đạo sĩ ở Tuyết Sơn, lâu lâu về thành, họ chỉ cần dầu và muối; còn thức ăn có lẽ chỉ có lá, rễ, củ và trái cây. Bắt đầu từ nay, ta cũng phải sống như vậy. Ồ! Nhưng ta nào biết là rễ, củ, lá, trái nào ăn được và thứ nào không ăn được? Vậy phải học hỏi từ từ. Học hỏi trên con đường từ đây...

Đến một vũng nước nhỏ, trong như mắt mèo, Siddhattha đứng lại, nhìn mình trong vùng nước lặng.

Chàng nhìn không ra, đúng là dáng dấp, tướng mạo của một sa-môn nào! Chàng chăm chú nhìn kỹ, lại có một vị đạo sĩ lạ mặt đứng sau lưng chàng nữa. Siddhattha quay lại. Khuôn mặt vị đạo sĩ gầy gò, khắc khổ, da sạm đen phong trần, tấm áo vá nhiều mảnh, một bình bát nhỏ bên hông, một ấm nước, tay cầm chiếc gậy trúc.

- Hiền hữu! Vị đạo sĩ gọi chàng - Hiền hữu vừa mới xuất gia làm đạo sĩ phải chăng?

Siddhattha chấp tay xá chào rồi đáp:

- Phải, thế còn tôn huynh? Trông dáng dấp phong sương, y áo bạc màu thời gian; chắc xuất gia đã lâu lắm rồi nhỉ?

Đôi mắt vị đạo sĩ sâu hoắm, tóc râu xanh, đậm, thân thiện nói:

- Cũng chưa lâu lắm! Nhưng đời lang thang sương gió nó như vậy đấy!

Họ cùng ngồi xuống bên một tảng đá, đàm đạo.

- Tôn huynh tu học theo ai? Siddhattha hỏi - Và pháp môn tu đó ra sao?

- Trước đây, tôi ở đạo tràng của đạo sư Ālāra, dòng dõi Kālāma. Pháp môn tu là các tầng thiền định cổ truyền. Nhưng tôi tu hoài cũng không chứng đắc được gì cả, bèn tìm đến ngôi rừng vắng lặng này cùng mấy bạn đồng tu - Vị đạo sĩ chỉ tay ra phía sau góc rừng - Ở trong đó, trong đó có nhiều hang động mát mẻ và thanh tịnh.

Siddhattha nói:

- Trước đây, tôi có nghe danh đạo sư Ālāra Kālāma từ các phái đoàn khất sĩ. Họ coi vị ấy như một vị thánh sống. Tôi có thể đến đó để học hỏi được không, hả tôn huynh?

- Được thôi! Đạo sư Ālāra bây giờ đang ở trong một ngôi rừng phía bắc thành phố Vesāli, hiền hữu! Vượt qua khu rừng Anupiyāvara này, cứ nhắm hướng Đông nam mà tiến. Đi hết mấy cánh đồng, mấy thôn làng sẽ gặp một xa lộ của khách thương, khoảng chừng trên mười do-tuần (trên một trăm hai mươi km) là đến thành phố Vesāli trù phú và thạnh mậu. Nếu đi chậm, mất trên mươi ngày, tức là vừa đi vừa khất thực, nghỉ ngơi, tọa thiền... Có thể dừng chân ở thành phố ấy mấy ngày nếu hiền hữu thích. Tại đây có nhiều giáo phái trong và ngoài truyền thống. Một kinh thành nổi tiếng có thành phần giai cấp chiến sĩ phục sức và khí giới chói lòa, đẹp như thiên binh nhà trời. Sa-môn, đạo sĩ được tự do hành đạo. Quần chúng hoan hỉ cúng dường và khoái thích các cuộc luận tranh, đấu khẩu của các luận sư, lang thang sư, ngụy biện sư! Thật là hoạt náo, ồn ỉ và yên bình của tự do tư tưởng! Tuy nhiên, đấy là mặt nổi của hiện tượng, còn các nhóm tu hành chân chính đều rút vào rừng sâu cả. Từ Vesāli, đạp về hướng Đông nam, chừng hơn ba do-tuần sẽ gặp những quả đồi và những cánh rừng già. Đạo tràng của đạo sư Ālāra ở đấy. Là địa chỉ mà hiền hữu muốn tìm. Hỏi bất cứ ai, người ta đều biết và sẵn sàng chỉ đường! Ngài có năm trăm đệ tử ở lác đác các vùng đồi và những ngọn núi kế cận... Hiền hữu nên đi ngay, vì nghe nói đạo tràng của đạo sư Ālāra sắp dời về Māgadha, phía Tây ngoại thành Rājagaha!

Đạo sĩ say sưa nói, rõ ràng, phân minh từng chi tiết một. Tuy chỉ là bản phác thảo sơ lược nhưng đã giúp cho Siddhattha khái quát toàn bộ những điều cần biết. Vị này tiềm tàng học vấn thâm sâu, quảng bác chứ không đơn giản đâu, Siddhattha thầm nghĩ.

- Thật vô cùng cảm ơn tôn huynh! Siddhattha nói.

Vị đạo sĩ quan sát chàng một hồi rồi nói:

- Hiền hữu có nước da sáng như mạ vàng ròng, tướng mạo uy nghi như chúa sư tử. Đôi mắt của hiền hữu xanh trong như mặt nước hồ thu không gợn. Vừng trán của hiền hữu nhẵn bóng như vách đá cẩm thạch. Hiền hữu lại cao lớn, phương phi, cốt cách cao nhã như quý tộc của giống dòng Aryan thượng đẳng từ ngàn xưa còn lại. Tôi không dám hỏi gốc gác của hiền hữu, nhưng rõ ràng hiền hữu không phải kẻ tầm thường. Cả hiện tại cũng như tương lai, hiền hữu là bậc phi phàm không ai dám sánh. Nhưng mà nắng gió, tuyết sương, giường cây, gối đất... cỏ lá, rễ, củ, trái cây... lót dạ qua ngày... ngại rằng hiền hữu chịu đựng không nổi chăng?

Siddhattha thầm nghĩ rằng: “Anh chàng đạo sĩ này nhìn ta rất kỹ, nói năng giống y nhà nhân tướng học. Tuy nhiên, ngôn ngữ lưu loát, lời ý chí tình... thật đáng trân trọng vậy thay!” Bèn cung tay, lễ độ:

- Rất cảm ơn tôn huynh những lời chỉ dạy quý báu. Tôi sẽ chịu đựng được, thưa tôn huynh!

Vị đạo sĩ cười ha hả, gật đầu:

- Đúng vậy! Đôi mắt, vừng trán, cặp chân mày của hiền hữu đã nói lên điều ấy. Tôi đọc được. Có một cái gì đó bất khuất, kiên định và dũng cảm tột bực ở đấy.

Nói xong, đạo sĩ tháo dây buộc vai, trao cho Siddhattha chiếc bình bát:

- Áo nhuộm màu vàng đất kia là đôi cánh, còn chiếc bình bát tầm thường này là chiếc mỏ của con chim. Tôi tặng hiền hữu như một món quà tri ngộ. Cầu nguyện cho hiền hữu bay qua biển rộng, sông dài, bay qua muôn dặm trường gian lao, khổ ải trước mặt...

- Thế còn...?

- Không sao! Vị đạo sĩ cất tiếng cười hào sảng - Tôi có người bạn đồng tu, bị bệnh thương hàn chết tháng trước, sau khi hỏa thiêu, còn thừa một chiếc bát ở trong hang động.

Khi từ giã, vị đạo sĩ còn quay lại dặn dò thêm:

- Hãy kiếm thêm một cây gậy, hiền hữu, khi đi trong núi rừng hoặc qua miền cỏ rậm! Là sa-môn thì không đao, không gậy(1) nhưng qua suối thì ngại đá trơn, qua lau lách thì có nhiều rắn độc. Gót chân sa-môn thì vô hại nhưng da thịt thì mềm yếu lắm... phải tập qua lần lần, từ từ... rồi hiền hữu sẽ vượt qua tất cả.

- Một lần nữa tôi rất cảm ơn. Tôn huynh tên là gì, để tôi còn ghi khắc vào lòng.

- Thật không đáng gì! Tôi là Vappa, dòng dõi bà-la-môn, còn tôn huynh?

- Tôi là Siddhattha, dòng dõi sát-đế-lỵ!

Chợt Vappa reo lên:

- Ồ, đúng rồi, tôi đã ngờ ngợ. Đúng là vị thái tử tài đức, văn võ song toàn ở kinh thành cổ kính của dòng dõi Sākya anh hùng mà chúng tôi đã nghe danh thơm tràn qua tai, tràn qua cả trong những giấc ngủ! Ôi! Thật là nhiệm mầu! Nhưng mà thôi, hiền hữu nên đi theo con đường của mình. Chúng ta còn gặp lại, chắc chắn là vậy, bắt buộc, nhất định là vậy!

Siddhattha ngơ ngẩn một lúc. Tuy nhiên sau giây phút ngẫm ngợi, thái tử đã đoán ra. Chàng nhớ, lúc chàng vừa sinh được năm ngày, đạo sĩ Asita tiên đoán quả quyết, sau này, chàng sẽ đắc quả Phật. Trong tám thầy bà-la-môn thì có bảy người đưa lên hai ngón tay, ý nói, một, ở tại vương vị thì làm Chuyển luân Thánh vương, hai, nếu xuất gia thì đắc quả Phật. Riêng bà-la-môn Koṇḍañña, rất trẻ, chỉ đưa lên một ngón tay, khẳng định thái tử chỉ chọn một con đường và chắc chắn đắc quả Chánh Đẳng Giác. Mấy năm trước đây, trong giới bà-la-môn ở kinh thành, có tin đồn, Koṇḍañña đã rủ bốn người con của bảy vị bà-la-môn năm xưa đi xuất gia, tập sống đời phong sương khổ hạnh để sau này gặp lại thái tử. Như vậy, họ có cả thảy năm người. Koṇḍañña bây giờ có lẽ đã lớn tuổi, tối thiểu là đã gần sáu mươi, bốn vị còn lại có thể đều trên dưới năm mươi tuổi cả. Đạo sĩ Vappa là một trong bốn vị còn lại.

Đội sương, đội nắng, đạp núi, đạp rừng, dẫm qua suối khe, triền non, vực thẳm... lòng thái tử vô cùng thanh thản, cứ nhàn hạ bước đi, không nôn nóng, không vội vã. Lâu lâu, Siddhattha gặp một đạo sĩ. Có vài đạo sĩ mình gầy trơ xương ngồi dưới gốc cây hoặc cạnh một hang đá. Một vài vị khác đang kiếm trái cây rừng qua bữa. Siddhattha đến làm quen, học cách quan sát màu sắc thân, lá, trái... Loại này ăn được, loại kia thì không. Có đạo sĩ ân cần chỉ cho chàng các loại củ ăn vào sẽ tăng thêm sức lực. Loại lá này ăn vào sẽ nhuận trường, khí huyết mát mẻ. Lại còn có loại chống tháo dạ, giải độc hoặc tiêu trừ nhức đầu, cảm sốt. Đến đây thì kho tàng kiến thức y học cổ truyền mà Siddhattha đã học từ nhỏ, được dịp khai thông. Siddhattha vô cùng sung sướng. Có lẽ đây là bài học thú vị nhất trong cuộc đời chàng: Bài học tự mưu sinh để tồn tại!

Siddhattha cứ đi mãi. Chàng còn học được trên đường những loại cây có nước ngọt. Có những đọt cây có chất béo bổ. Có những thân cây, bẻ ra, nước nhỏ giọt, có tính năng giải khát, tăng năng lực. Có những dây leo bền chắc có thể kết thành võng nằm, làm dây buộc lều, dây đi qua vực thẳm. Các loại lá có thể kết lại, che mưa đỡ nắng nhiều tháng dài mà không hư mục! Ồ! Là cả một thế giới đang trùng trùng bí mật, với thời gian, chúng hé lộ dần dần. Dường như khởi nguyên của các bộ tộc, người ta sống như thế này đây, chẳng ai tranh chấp ai. Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho con người tất cả. Nhưng từ khi khám phá ra sắt và đá lửa thì đời sống đã khác đi. Có vũ khí, người ta làm tên, giáo mác... để săn bắn và cũng để giết nhau, tranh rừng, tranh đất. Có lửa để nấu chín thịt, để chống cơn lạnh giá mùa đông và cũng để tế thần! Các bộ lạc phát triển, sinh sôi các nhu cầu về tư hữu, của cải tài sản, đòi hỏi họ phân chia nhiệm vụ lao động, sản xuất. Nhu cầu vật chất cùng nhiều thứ tham muốn càng tăng... và thế là, càng văn minh, tiến bộ... thì nhu cầu thỏa mãn dục lạc càng là cái mục đích hướng đến của con người.Từ đấy mà sinh ra cướp bóc, giật giành, bạo lực, đàn áp, bóc lột, chiến tranh, đau khổ, phiền não! Sắc tộc Aryan, dòng dõi của Siddhattha đã không từ miền Tây Bắc xa xôi, xâm chiếm bình nguyên xứ này để chăn thả cừu, dê, bò đó sao? Chúng đẻ ra các giai cấp, ưu đãi giới cầm quyền có học, để áp bức đám tiện dân nô lệ cùng khổ đó sao?

Siddhattha trầm tư nhiều đêm vì lẽ công bằng trên trần thế, cũng không có lời giải. Có một đêm nọ, trời đổ cơn mưa rừng lạnh lẽo, Siddhattha tìm ẩn tại một hang động có một đạo sĩ tu khổ hạnh. Tấm áo của chàng mong manh, ướt át... cộng thêm khí đá khiến chàng lạnh quá, run cầm cập. Lại nữa, nhiều ngày ăn trái, lá, chưa quen... đã nhiều lần bị tháo dạ... nên sức khỏe sa sút rất nhanh. Vị đạo sĩ thấy vậy, bước đến vách đá, lấy hai viên đá lửa cọ xát vào một chất dẫn cháy. Góc động có sẵn củi, đạo sĩ lấy từng thanh dựng lên. Lát sau lửa tỏa bập bùng, ấm nóng, reo vui tí tách... Siddhattha học thêm cách lấy lửa.

Bên lửa ấm, chàng hỏi đạo sĩ cách tu. Đạo sĩ hỏi chàng lý do xuất gia, xuất thân, dòng dõi. Siddhattha kể thật, và rồi chàng nói ra luôn tình trạng sức khỏe sau mấy ngày ăn cây trái chưa quen của mình. Đạo sĩ mỉm cười, có vẻ thông cảm, sau đó chỉ chàng một số cách thức bấm huyệt trên cơ thể, nhất là xoa ấm vùng bụng dưới, xoa thật lâu, một trăm lẻ tám lần.

Siddhattha thấy người khỏe hẳn.

Đạo sĩ nói:

- Đi khất thực ở các thôn làng thì tương đối đủ chất nuôi cơ thể, nhưng ở rừng thì thường thiếu tinh bột, đường, chất béo, muối... Ta tu khổ hạnh, lại có thiền định nên dễ dàng vượt qua. Lại nữa, cái cơ thể chúng ta nó cũng sống bằng thói quen. Cái gì cũng tập cả. Từ từ mà tập. Lâu dần thì nó tự thích ứng lấy.

Đạo sĩ thò tay vào hốc đá, lấy ra một nắm củ, củ tròn, dài cỡ bằng ngón chân cái, khều một đống than, bỏ vào... Lát sau, củ chín, thơm lừng lựng. Đạo sĩ nói:

- Đây là củ thuốc (hoài sơn) có tính năng tăng lực và điều hòa khí huyết cơ thể. Hiền hữu bị tháo dạ, nên dùng chúng để mai có sức mà lên đường...

Khẽ tri tạ tấm lòng tốt của đạo sĩ, Siddhattha ăn từng củ một. Ngon, thơm, bùi béo quá! Còn hơn tất cả thượng vị trên đời... Siddhattha hỏi tên củ, đạo sĩ đáp:

- Ta không biết tên, mà cũng chẳng ai biết tên cả! Các đạo sĩ ở rừng đều gọi là “củ thuốc” vậy thôi!

Một đêm yên tĩnh trôi qua. Siddhattha cảm thấy cơ thể khỏe khoắn như vừa được uống một liều thần dược. Khi từ giã, đạo sĩ tặng chàng hai viên đá lửa, một ít chất dẫn cháy. Chàng cũng không khách sáo gì, thọ nhận bằng đôi mắt biết ơn, thầm lặng.

Đi thêm nhiều ngày qua những đồng ruộng những làng mạc đến biên địa Malla; lại thêm chín mười ngày đường nữa thì thành phố Vesāli đã hiện ra. Trên đường, đều thấy những đạo sĩ đi chân không, không có gậy nên Siddhattha cũng bắt chước y như thế. Chàng cũng tập sự đi khất thực khi đi qua những xóm nhà, nhận được cơm vắt, cơm sữa, xôi, ca-ri, khoai, chuối... vật thực đủ dùng. Lựa một gốc cây, một lùm cây hoặc một cái hang nào đó, bất kỳ, chàng ngồi xuống, quán tưởng rồi chánh niệm, bốc ăn ngon lành. Từ lúc rời vương cung đến nay, ngoại trừ mấy củ thuốc kỳ diệu thì những ngày qua xóm làng mới thật sự có được bữa ăn đúng nghĩa, của nhân gian. Đêm, chàng ngồi thiền chừng một canh, sau đó, nằm nghiêng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên có đêm ngủ được, có đêm thao thức, trằn trọc. Vì chưa quen nằm đất, gối sương... nên sức khỏe sa sút, đã thế, cơ thể rất nóng, tấm áo tẩm mồ hôi, nhớp nháp khó chịu. Vài ba hôm, Siddhattha trốn vào một góc suối, mương nào đó vắng người để tắm giặt, phơi khô rồi mặc lại. Chỉ với hai manh áo, tấm trong và tấm ngoài, cứ thế đắp đổi qua ngày... cũng là vấn đề lớn mà chàng tâm niệm phải vượt qua, phải chịu đựng. Và quả thật, “cơ thể cũng có thói quen thích ứng của nó”, gần một tháng sau, chàng mới thấy quen, mới thấy tạm thời dễ chịu!

Đúng như lời tả của Vappa, Vesāli đông đúc, thạnh mậu quá, nhưng tươm tất và sạch sẽ thì không bằng Kapilavatthu của chàng. Vài ngôi làng gần Vesāli, đời sống no đủ nhưng ở đâu cũng thấy dê, bò và nước tiểu, phân của chúng. Súc vật sống cùng người, ở luôn với người, tương tự các thôn xóm nghèo nàn của Sākya. Ở đâu cũng rác và xú khí. Tại thành phố thì khá hơn nhưng bụi rác dơ bẩn thì còn nhiều. Ở đâu, đường nào, góc nào, phố nào cũng gặp đạo sĩ... nhưng trông chẳng ra hồn, ra dạng. Chỉ thấy tóc râu và lếch thếch, dơ dáy... Nhìn họ, chàng chưa dám đi chung. Họ giống với kẻ lang thang, hành khất xin ăn hơn là một đạo sĩ chân chánh. Các vị đạo sĩ gặp ở các hang động thì có cốt cách, phong thái chững chạc, thanh cao hoàn toàn khác biệt nơi này.

Ở Vesāli chỉ hai hôm là Siddhattha lại lên đường. Buổi cuối cùng, chàng nhận được thực phẩm thượng vị của hai vị chiến sĩ xuống ngựa đặt bát. Đúng là như thiên binh, thiên tướng với quân bào, nai nịt, gươm giáo chói lòa. Họ tò mò, nhìn ngắm rồi cúng dường cho chàng. Họ thưa:

- Đạo sĩ có phải từ phương Bắc xuống?

- Vâng!

- Ngài đẹp quá! Ngài khác xa đạo sĩ ở xứ này! Chẳng hay đạo sĩ thường lưu trú ở đâu để chúng tôi còn có dịp cúng dường?

Siddhattha mỉm cười, từ tốn đáp:

- Tôi chỉ mới là kẻ sơ tu, đang lang thang tầm đạo; mai tôi đã xuôi về Đông nam, đến đạo tràng của đạo sư Ālāra. Xin cảm ơn lòng tốt của quý vị.

Hôm ấy, ngay lúc ấy, lại có thêm một kỹ nữ từ kiệu bước xuống, đẹp lộng lẫy, phục sức sang trọng, xa hoa, trang điểm sáng ngời châu báu... Cô ta cũng muốn đặt bát, nhìn Siddhattha rất lâu, thỏ thẻ nói:

- Tiện thiếp cũng muốn cúng dường!

Hai vị chiến sĩ sát-đế-lỵ bước lui, vòng tay mỉm cười.

Siddhattha lấy tay ngăn bình bát, đầu cúi xuống, nghiêm trang:

- Hôm nay vật thực tôi đã đủ dùng, xin cảm ơn thí chủ.

Người kỹ nữ nói tiếp:

- Thỉnh đạo sĩ một tháng đặt bát cúng dường tại biệt điện tư gia, xin ngài chấp nhận cho!

Siddhattha nghĩ là nên nói vài lời, không những với nàng kỹ nữ xinh đẹp mà còn với hai chiến sĩ sát-đế-lỵ:

- Tôi đã từ phú quý, vinh hoa mà từ bỏ. Tôi đã từ ngũ dục tối thượng mà từ bỏ... Vậy chẳng lẽ nào, hôm nay, ở đây, tôi lại loanh quanh, luẩn quẩn với những chuyện tương tợ như thế này. Xin cảm ơn sự chân tình của quý vị.

Nói xong, chàng chậm rãi bước đi. Mọi người tò mò trông theo. Chàng suy nghĩ suốt mấy hôm. Cạm bẫy, chông gai trên đường trường, trên từng bước chân thì dễ; nhưng cạm bẫy chông gai nơi sự cung kính, trọng vọng, mến thích... thì nguy hiểm hơn nhiều. Siddhattha hiểu thêm điều đó, và chàng biết mình chỉ cần tỉnh niệm, trực thức là có thể dễ dàng vượt qua được...

Siddhattha với gót chân khất sĩ còn phải lang thang nhiều giữa gió sương và cát bụi...


(1) Cây, gậy thuở đó được xem như khí giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn