Trong Cung Vui Và Những Dự Thảo Phát Triển Đất Nước

02 Tháng Tám 201417:38(Xem: 6056)
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 1

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014

Trong Cung Vui Và Những Dự Thảo Phát Triển Đất Nước


Tìm được ngày lành tháng tốt, hai vị quốc vương cử hành hôn lễ cho con trai và con gái yêu quý của mình. Và đây cũng là dịp để đức vua Suddhodana bố cáo với muôn dân, trao quyền phụ tá vương quốc cho thái tử Siddhattha để chàng có trách nhiệm với sơn hà xã tắc.

Thật là những ngày tháng đáng ghi nhớ của muôn dân dòng tộc Sākya và Koliya. Cả hai vị vua đều ra lệnh ân xá tội tù và giảm thuế má cho dân. Các cuộc lễ hội, giải trí được mở ra khắp nơi. Dân chúng quanh năm lam lũ vì cái ăn, cái mặc, bây giờ được vui chơi, ăn uống, tiệc tùng, đàn ca, xướng hát để cùng chung vui với thái tử và công chúa yêu quý của mình.

Kinh đô Kapilavatthu được trần thiết huy hoàng, tráng lệ, xa hoa hết mực. Đèn kết, phướng bay, cờ treo như sao sa. Dân chúng lũ lượt chảy thành dòng trên các đường lớn. Màu sắc áo quần rực rỡ như dạ hội bướm trăm màu. Hoa và hương phô thắm và thơm ngào ngạt trên những tràng hoa trên cổ, kết trên mũ, đính trên áo của các vương tôn, công tử, mỹ nữ, giai nhân... Tại cung điện thì được trang hoàng mỹ lệ, cao sang như thiên đường hạ giới. Vua Suddhodana rộng tay mở kho tàng chi phí cho cuộc lễ không tiếc tiền, vì ngài nghĩ rằng phải mang đến một niềm vui lớn để xóa tan những nếp gợn ưu tư trên vầng trán của người con trai.

Ngày đón dâu đã đến. Từ cổng thành, đèn cờ và hoa vui mắt, hai hàng quân cấm vệ ngồi trên những chú ngựa sắc hung đỏ chuẩn bị xuất phát. Họ đội mũ sắt, áo giáp sắt, yên nhung đỏ lộng lẫy, cương mạ bạc lóng lánh... chậm rãi ra khỏi hoàng thành nhắm hướng Đông nam thẳng tiến. Theo sau họ là những cỗ xe hai ngựa, bốn ngựa kéo theo những kiệu hoa vương giả. Đức vua Suddhodana, hoàng hậu Gotamī, các đức thân vương, các trưởng lão dòng tộc Sākya, các vị lão thần, đại thần cùng cung nga thể nữ... đại diện cho nhà trai đi sang nước Koliya. Thái tử được ngồi riêng nơi cỗ xe hai ngựa màu trắng sang trọng và thanh lịch, khẽ vén rèm nhung nhìn sang vệ đường. Thấy dân chúng hớn hở mừng vui chào đón, chàng mỉm cười, nghe tâm hồn nhẹ lâng lâng... Từ khi gặp được công nương Yasodharā, thái tử thấy rõ rằng đây là mối duyên tiền kiếp, một tâm hồn đồng điệu, có thể trao gởi tâm sự cùng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trên cuộc đời này... Chàng chưa biết gì nhiều về bên ngoài cung điện, nên nhân dịp này đã cố ý quan sát tất cả, ghi nhận tất cả cái gì lọt vào tầm mắt... Càng ra xa thành phố, xóm làng càng thưa thớt, những đám đất xanh và vàng, những bóng người lom khom trên rẫy, dưới đồng. Đâu đâu cũng núi rừng xanh hút mắt... Sông và suối, những trâu và bò gặm cỏ, những đàn cò bay lượn nhởn nhơ...

Đến Devadaha, các trưởng lão hoàng gia, trọng thần, lão thần, binh lính... nghinh đón ở cổng thành. Họ đi giữa tiếng trống, tiếng kèn, cờ xí rợp trời... Đức vua Suppabuddha tiếp đón nhà trai rất mực trân trọng... Rồi những cuộc lễ, những cuộc lễ... theo phong tục tập quán... cứ trôi đi, cứ chảy đi... Cô dâu, chú rể mệt lả người. Những lời chúc tụng, mừng vui... luôn luôn đãi bôi, khách sáo... cũng phải nghe, phải cười, phải vâng, phải dạ, phải đứng lên, quỳ xuống...

Trở về nhà trai, lễ lượt lại tái diễn... Cuối buổi lễ, đức vua Suddhodana nắm tay thái tử đến cạnh ngai vàng, trịnh trọng tuyên bố trước đại diện hai nước cộng hòa:

- Siddhattha tuổi tuy còn trẻ nhưng có trí, có đức, có tài; từ nay, sẽ phụ tá vương vị, chính thức được nghị bàn quốc sự, thay mặt ta trách nhiệm trước hội đồng trưởng lão về mọi chính sách của nước cộng hòa dòng tộc Sākya...

Mọi cuộc lễ rồi cũng qua đi... Bây giờ, họ đang sống trong Cung điện mùa hè, được quyền vui chơi trong tổ ấm của mình trước khi tập sự việc nước. Thật ra, thái tử không còn cảm thấy thích thú những buổi yến tiệc linh đình, những cuộc rượu chè thâu đêm suốt sáng của bạn bè nữa. Có Yasodharā và một số ít ca nhi, vũ nữ, nhạc công là đã đầy đủ cho tháng ngày hạnh phúc, an lạc. Càng sống với Yasodharā, thái tử càng thấy nàng hiển lộ nhiều đức tính quý báu khác. Trong các buổi tiệc tùng, ca vũ... chàng vui vẻ chừng mực thì nàng cũng vậy. Khi thân hữu trong hoàng tộc như Mahānāma, Bhaddiya, Kāḷudāyi... ép chàng với những tách rượu say, chàng mỉm cười, cạn vài chung lấy lệ... thì nàng cũng thế. Ôi! Đóa hoa ấy sao mà e ấp và dịu dàng đến vậy. Thái tử nao nao lòng khi nàng nhìn chàng với đôi mắt trong xanh vời vợi, biểu hiện cả một trời thương yêu và tin cậy. Bên những chùm đèn cầy, chùm đèn dầu lạc thắp sáng mơ màng, huyền ảo; khi đã vắng lặng tiếng đàn hát vui cười, Cung Vui mùa hè chìm trong giấc ngủ thanh bình - họ trân trọng nhau, thương yêu nhau và cùng nhau tâm sự. Hương chiên-đàn, hương trăm hoa, hương xiêm y mỹ nữ như còn đọng giữa loan phòng... Thái tử thở dài rất nhẹ... đêm sâu cũng dường như xao xuyến theo:

- Gopā yêu quý! Nàng cảm nhận như thế nào về những cuộc vui này? Nhất là sau những tiệc vắng, canh tàn?

Yasodharā trầm ngâm giây lát:

- Có cái gì đó trông như một đóa hoa đã tàn. Có cái gì đó như mùa của lá vàng rụng rơi lả tả! Có cái gì đó như nhạt nhẽo, trống không, vô vị! Thiếp không thích lắm! Ở bên chàng, được nói chuyện với chàng, thiếp thấy bình yên và hạnh phúc hơn!

- Ta cũng thế đó, này Gopā! Ta chưa biết gì hết ở cuộc đời bên ngoài, nhưng ta cũng có thể suy luận một vài điều từ kinh điển hoặc từ lời giảng của các thầy phụ đạo. Rằng là mùa xuân rồi sẽ qua đi, mái tóc xanh của chúng ta sẽ không còn xanh nữa. Có cái gì đó không trọn vẹn trên thế gian hữu hạn này. Sự bất lực của số phận con người. Có lẽ nào tất cả đã được định đoạt bởi một đấng vô hình nào đó? Rồi còn những giới hạn của khoái lạc, của niềm vui? Và đâu là sự an bình thật sự của con người? Ôi! Ta có quá nhiều ưu tư và trăn trở. Nàng hãy thông cảm cho ta về điều đó nhé!

- Thiếp biết! Yasodharā cất giọng nhu thuận - Vả chăng thiếp cũng có một vài ưu tư và trăn trở! Rồi nàng đưa mắt nhìn ra xa - Bên kia, bên ngoài xa kia, thiếp đã một vài lần đi theo di mẫu để đến những xóm nhà nghèo khổ. Đám bần dân ở đấy họ có đời sống gần như súc vật. Họ không có được tấm vải che thân lành lặn, kể cả những ngày đông giá. Họ bệnh tật, ghẻ lở, hôi hám. Họ sống trong những ổ chuột với gián, với muỗi mòng, nơi những ao, những vũng bùn tù đọng. Trẻ con thì trần truồng, đen điu như củ súng. Những người già là những bộ xương khô nhích tới, bước lui... Siddhattha ạ! Thiếp đã chảy nước mắt. Di mẫu cũng chảy nước mắt. Chúng ta không làm được gì cho họ cả!

Yasodharā gục khóc. Thái tử khẽ ôm bờ vai của nàng, chia sẻ với trái tim quá mẫn cảm của nàng:

- Ta hiểu. Ta biết.

- Những cỗ xe chở đầy thực phẩm, áo quần, thuốc men... của di mẫu chỉ như xoa dịu những vết thương đã quá trầm trọng. Không ý nghĩa gì cả, không đủ thiếu vào đâu cả...

- Ta hiểu. Ta biết.

- Chỉ như muối bỏ biển mà thôi, Siddhattha!

- Ta hiểu. Ta biết.

Yasodharā ngạc nhiên:

- Thái tử làm sao hiểu được khi chàng ở trong ba tòa cung điện nguy nga, tráng lệ nầy?

Thái tử mỉm cười:

- Mặc dầu phụ hoàng muốn che giấu ta về mọi thứ, nhưng ta cũng biết được do đời sống của hoàng gia, của giới quý tộc quá xa xỉ. Lại nữa, kinh thành Kapilavatthu được trang hoàng, trần thiết có cái gì đó như kiểu cách và phô trương quá... Càng đi xa các thành phố, thị trấn thì thôn làng càng tiêu điều, xác xơ; nhà cửa với mái lá, vách đất nghiêng lệch, chỏng chơ... Rất ít ruộng xanh mà chỉ thấy những đám đất vàng với trâu bò lang thang giữa đồng cỏ hoang vu... Dường như dân chúng đói rách, nghèo khổ ở hai bên vệ đường, phụ hoàng cũng “an trí” họ ở một nơi nào đó! Do suy luận từ những điều ấy mà ta hiểu, mà ta biết, này Gopā!

Họ không nói gì với nhau nữa. Yasodharā nằm xuống, khẽ kéo tấm chăn lụa mỏng đắp cho thái tử, đưa cánh tay phải cho chàng gối đầu, còn tay trái của nàng thì đặt nhẹ vào trái tim chàng! Ôi! Cái đầu ấy sao mà sắc bén, tinh minh đến thể; còn trái tim này, dường như bao giờ cũng cùng một nhịp đập với nàng!

Đêm kinh thành Kapilavatthu và không gian bên ngoài Cung Vui trăng trong như dát bạc, vài cánh hoa rơi khẽ, vài ngọn gió xao xuyến rung nhẹ... rồi thì thào ở rất xa...

Thời gian trăng mật rồi cũng qua đi. Câu chuyện đêm khuya giữa chàng và Yasodharā về sự đói khổ của dân chúng cứ canh cánh mãi bên lòng. Hết dự hội nghị ở triều đình, thái tử lại đi thăm viếng các đức thân vương, các vị trọng thần. Cỗ xe hai ngựa màu trắng sang trọng với Channa cứ đi đi, về về, phía này, phía kia trong thành, chưa được phép ra khỏi thành, luôn luôn phủ đầy bụi...

Trời đã trưa, thái tử cũng chưa về. Cây kadamba với những chùm hoa màu vàng nghệ rực rỡ kia không biết khoe sắc với ai? Mùi hương nồng nàn dịu ngọt tỏa ra từ cây hoa campaka, cũng thế! Bên kia hồ, cây hoa hình lồng đèn màu xanh nhạt nằm chen giữa cây hoa san hô đỏ thắm, lấp lánh dưới hồ nước trong vắt... trông cũng vô duyên làm sao! Yasodharā chợt mỉm cười, nhủ thầm: Thái tử ở đâu là dường như có linh hồn và sự sống ở đấy!

Bóng hai chú ngựa trắng xuất hiện ở cổng xanh. Hai thị nữ cầm ô chạy ra. Thái tử khoác tay, chàng muốn đi một mình. Yasodharā đợi chàng ở bên hiên.

- Cây hoa saraca hình cầu đổi màu đã nở hoa chưa, Gopā! Chàng nói rồi ôm nhẹ bờ vai Yasodharā - Thôi vào đi, trời bắt đầu có nắng hanh...

Tiếng nhạc nhẹ trỗi lên theo bước chân của hai người. Mấy con chim trên lan can cất tiếng hót vang rân. Thái tử nói với Yasodharā:

- Trưa nay ta có khách đấy, Gopā! Buổi chiều và đêm nay, chúng ta sẽ vui chơi với mấy ông hoàng. Bhaddiya có mời được đám nhạc công và vũ nữ chuyên nghiệp từ Kosala sang giúp vui!

Yasodharā chợt nhíu cặp mày xinh xinh, quay lại nhìn Thái tử:

- Chàng có chuyện gì trọng đại phải không? Tiệc rượu và cuộc vui, chỉ là cái cớ, có phải thế không, Siddhattha?

Biết là không thể giấu được sự cảm nhận tinh tế của Yasodharā, đến bên cửa sổ, nhìn ngắm hoa cảnh một lát, chàng tâm sự:

- Ta đã nắm rõ và nắm vững toàn bộ tình hình đất nước về ngoại giao, chính trị, quân sự, kinh tế... Ta cũng đã phác thảo một chương trình cải cách khá quy mô, và theo đó, dường như mọi chính sách từ trước đến nay của triều đình, đều phải thay đổi hết... Nhưng qua nhiều lần đàm đạo, có tính thăm dò với các đức thân vương, các trọng thần, các quan tổng trấn, ta thấy họ trịch thượng, bảo thủ và kiêu căng quá! Nhiệt huyết của ta chợt như giọt nước trượt trên lá sen! Khó quá, Gopā! Sẽ không thay đổi được gì hết!...

- Thiếp hiểu! Yasodharā gật đầu - Và bây giờ chàng muốn liên minh với các ông hoàng trẻ tuổi, trí tài; họ sẽ nắm vận mệnh Sākya và Koliya trong mai hậu?

- Phải! Sau này họ đều là các trọng thần, các quan tổng trấn. Họ trẻ tuổi, thông thoáng, có đầu óc và có nhiệt huyết... Cũng như ta, đa phần, các ông hoàng đều không được phép đi ra khỏi thành, không được phép tiếp xúc với dân chúng; do vậy, cái biết của họ rất giới hạn. Tuy nhiên, ta sẽ thảo luận với họ từng điểm một, tìm cách bổ sung kiến thức cho họ từng điểm một...

Niềm vui của thái tử cũng chính là niềm vui của nàng, Yasodharā đứng dậy, sai bảo những chuyên gia bếp núc, thị nữ... chuẩn bị mấy bàn tiệc lớn. Nơi Cung Vui mùa hè có hầm lạnh dự trữ đủ loại thức ăn, đủ loại thực phẩm rau trái hạt củ tươi xanh, đủ loại rượu hảo hạng của những thương gia biếu tặng... Chén bát, ly tách được mang về từ Trung Hoa, Ba Tư, Ả Rập...

Lát sau, các rèm cửa sổ được kéo xuống, những chùm đèn cầy, dầu lạc tỏa ánh sáng mơ màng... Yasodharā không quên cho vận hành cỗ máy bơm nước, bánh xe gỗ, phun sương ở bên ngoài cho không gian được mát mẻ... Dẫu là mùa hè, nhưng ở đây lại như mùa xuân của thiên đường...

Xe ngựa xôn xao ở bên ngoài. Lần lượt trước sau các ông hoàng, các công tử hào hoa của Sākya và Koliya xuất hiện, theo sau họ là gánh hát chuyên nghiệp với các cô nàng lộng lẫy, cao sang hết mực. Bhaddiya cất giọng oang oang:

- Hôm nay chúng tôi đến quậy phá một trận cái tổ uyên ương của quý vị đây!

Thái tử mỉm cười vui vẻ. Họ đã đến đủ cả: Bhaddiya, Mahānāma, Kāḷudāyi, Anuruddha, Kimbila, Ānanda, Bhagu, Devadatta, Anudāma, Viruḷhāka... Và ngạc nhiên làm sao có cả lệnh bà Gotamī, cậu bé Nanda và cô bé Sundarī Nandā nữa!...

Buổi tiệc và các mục biểu diễn của nghệ nhân kéo dài cho đến chiều tối. Đêm, các ông hoàng bên cỗ tiệc nhẹ, họ sôi nổi thảo luận cho đến khuya... Yasodharā như chiếc bóng diễm kiều nhẹ nhàng lui tới, sai bảo chăm sóc trà bánh, khơi thêm lò trầm rồi sau đó đến vui chuyện, tâm sự với lệnh bà Gotamī và cô bé Sundarī Nandā...

Devadatta đã tâm phục khẩu phục thái tử sau lần thi tài võ nghệ nên đồng thuận liên minh với Sākya. Viruḷhāka và Anudāma cũng kính trọng và mến yêu thái tử không khác gì, góp ý là nên cải cách cả hai nước, làm thế nào cho hùng cường và giàu mạnh, thoát khỏi cái ách lệ thuộc Kosala. Đại hội kín này, trên nguyên tắc, họ đã nhất trí với nhau, nhưng các chi tiết đề cương còn cần nghiên cứu sâu rộng mới có biện pháp thích hợp. Cuối buổi họp, thái tử đề nghị Devadatta về Koliya tập hợp lực lượng trẻ tuổi, lấy nội dung cuộc họp hôm nay để thảo luận. Riêng tại Sākya, thái tử phân công từng người với những trách nhiệm cụ thể như sau:

- Về ngoại giao: Mahānāma nghiên cứu một chính sách đối ngoại ưu thắng đối với Kosala, tránh bớt sự lệ thuộc chính trị và giảm bớt số tiền thuế triều cống hằng năm. Giao hảo thân thiện với các nước cộng hòa Malla và Vajjī, lôi kéo họ về với mình, tạo thế mạnh liên minh mai hậu...

- Về đất đai, lãnh thổ: Ānanda điều tra, nghiên cứu trong diện tích một ngàn rưỡi dặm vuông của lãnh địa Sākya, có bao nhiêu đất đai đã được canh tác, bao nhiêu đất đai bị bỏ hoang, bao nhiêu rừng, bình nguyên, sông ngòi... bao nhiêu diện tích các cổ thành, thị trấn và các làng mạc...

- Về tài nguyên, môi trường: Kāḷudāyi nghiên cứu các sản vật rừng như các loại gỗ quý, trầm... có thể khai thác được. Các loại thảo dược có thể chế biến để phục vụ y dược. Trong lòng đất, ở đâu có thể khai thác các quặng mỏ để lấy vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, sắt... Tình trạng rừng nào cần bảo vệ, chăm sóc; rừng nào đã quá hoang hóa, cần trồng lại. Cũng nên nghiên cứu loại cây nông nghiệp nào hợp thổ nhưỡng, có năng suất cao để chống đói nghèo...

- Về quân sự, võ bị: Bhaddiya nghiên cứu xem trong mười ngàn chiến sĩ tại Kapilavatthu cùng chín cổ thành, thị trấn... có thể chia hai, thay phiên nhau, một nửa ở quân ngũ, một nửa về làm ruộng được chăng? Tình trạng khí giới, quân nhu, lương thực... mỗi năm tiêu tốn hết bao nhiêu? Quân, cốt yếu là phải tinh nhuệ, khổ luyện chứ không phải là số lượng. Cũng nên xem lại tình trạng các trại nuôi voi, ngựa; mã xa, mũ sắt, giáp sắt, đao kiếm, cung tên... đã hoàn bị chưa hay cần nên trang bị thêm cho được hùng mạnh và hiện đại...

- Về dân số và thành phần các giai cấp: Kimbila điều nghiên số dân hai trăm ngàn của chúng ta có chính xác không? Trong đó, bao nhiêu là hoàng gia, quý tộc? Bao nhiêu dân ở trong các thành phố, thị trấn, bao nhiêu dân ở các thôn làng? Còn nữa, có bao nhiêu nghiệp đoàn thương mãi, kinh tế; theo đó, giới thợ thuyền phụ trách các ngành nghề là bao nhiêu? Ngoại trừ người già lão, ốm đau, tật nguyền, trẻ em... thì cả nước có chừng bao nhiêu nông dân lao động chính, tạo ra của cải?

- Về tín ngưỡng, tôn giáo: Anuruddha nghiên cứu xem trong giới bà-la-môn, tu sĩ, đạo sĩ các giáo phái... chừng bao nhiêu người thật sự sống đời sa-môn, y bát khổ hạnh lang thang tầm cầu Phạm Thể? Bao nhiêu người trong họ, có gia đình, sống đời thế tục, tài giỏi, đang làm thầy giáo, y sĩ, thiên văn, toán học... Cũng phải tìm hiểu cho rõ, giới bà-la-môn phụ trách tư tế ở các đền miếu, các người phúng tụng, bùa chú... giữ độc quyền liên hệ với thần linh; họ đã bóc lột dân đen trong các buổi tế đàn, quan hôn tang tế, cầu phúc, cầu thọ... cụ thể là hiện vật hay tiền bạc như thế nào?

- Về y tế, từ thiện xã hội: Bhagu phụ trách, xem thử...

Thái tử nói ngang đây, lệnh bà Gotamī xen lời:

- Cái đó để phần ta, ta biết rất rõ con à!

Thái tử ngạc nhiên quay lại, hóa ra không những lệnh bà Gotamī, Yasodharā, Sundarī Nandā... mà còn rất nhiều người khác nữa cũng đang lặng lẽ ngồi đầy đặc ở xung quanh... Thái tử đâu có biết rằng, chương trình phác thảo, phân công công tác của thái tử không những làm cho các ông hoàng kinh sợ, thán phục cái tầm vĩ mô, toàn diện vấn đề của đại sự quốc gia - mà còn làm cho các nhạc công, thị nữ kính trọng, ngạc nhiên vô cùng. Từ lâu, họ cứ tưởng rằng, thái tử và các ông hoàng chỉ biết ăn chơi, tiệc tùng xa xỉ... làm gì biết đến đời sống của muôn dân, trong đó có thân phận của họ! Lệnh bà Gotamī và Yasodharā cũng thế, kế hoạch của thái tử đưa ra quả là cao xa và sâu rộng, tuy mới chỉ là điều tra và nghiên cứu nhưng đã vượt tầm hiểu biết của họ; chỉ riêng vấn đề y tế và từ thiện xã hội là họ hiểu và rất phù hợp với ước muốn của hai người mà thôi. Hóa ra ai cũng có tấm lòng, ai cũng dễ dàng đồng cảm nếu có người biết khơi gợi, biết quy tụ sức mạnh, “chung lưng đâu cật” với nhau... Thái tử đưa ánh mắt trìu mến nhìn các ông hoàng huynh đệ, cất giọng dè dặt:

- Các bạn phải thật khôn khéo khi tìm hiểu các số liệu nơi các trọng thần, nơi các hàng trưởng lão. Đừng để cho họ nghi ngờ chúng ta xen sâu vào công việc của triều đình... Ta tin là các bạn đủ thận trọng và đủ tế nhị khi làm công việc khó khăn này... Tương lai cả hai quốc độ, sau này ở trong tay chúng ta!

Đêm đã khuya mọi người mới từ giã ra về, họ ôm chặt vai nhau và hứa hẹn bắt tay hành động, từng bước một, sau khi đã nắm vững những con số cần thiết. Các ông hoàng, từ đây, đã bắt đầu từ bỏ đời sống hưởng thụ vị kỷ, hướng tâm và trí đến những công việc có ý nghĩa hơn.

Thái tử rất vui sướng, người nhẹ lâng lâng, nói với Yasodharā:

- Cái điều canh cánh bên lòng của chúng ta đã được các ông hoàng chia nhau gánh vác. Ôi, họ dễ thương làm sao!

- Cái chuyện đói khổ ấy à?

- Phải! Cái việc làm cao đẹp của nàng và mẫu hậu như kéo một tấm chăn mà đi đắp chỗ này và chỗ kia. Vấn đề là ai cũng phải có tấm chăn ấy, Yasodharā!

- Thiếp chưa hiểu rõ lắm!

- Tài sản, của cải xã hội có được rất hữu hạn, và là do các giới lao động nông dân, thợ thuyền làm ra... mà phi lý thay, họ lại nghèo đói! Còn chúng ta, giới hoàng gia, quý tộc không làm gì, thì lại giàu sang, sống đời hưởng thụ. Cũng ví như cái chăn này, ta kéo về phần mình nhiều thì bên nàng lại thiếu, có phải thế không? Xã hội phải được phân công trách nhiệm. Phải có một biện pháp toàn diện chứ không phải sớt chỗ này chia cho chỗ kia! Chúng ta phải giải quyết nhân chứ không phải chữa trị quả, Gopā!

Sáng nào họ cũng ngồi uống trà ở hiên sương. Khi những cây hoa vàng nghệ, đỏ rực đã tàn thì cây hoa hình cầu đổi màu lại nở. Nó chuyển từ màu cam sang màu đỏ, cho đến lúc nào hương sắc nhạt phai là báo hiệu sự thay tiết, đổi mùa..

Tiếp sau cảnh sắc rực rỡ là nắng nóng đến khô người, cây lá sẽ không còn sương đêm, mặt đất sẽ nứt nẻ, xám ngắt dưới bầu trời chói chang, không một gợn mây. Đôi nơi, khi khí nóng nở ra, cuộn lên, tạo thành luồng gió xoáy, hình dáng giống như cái phễu, la đà, quằn quại, nghễu nghện hút tất cả lá rác, bụi bặm tung thả lên không... Cuối mùa hè, tất cả cỏ hoa đều tàn tạ, những cành cây khẳng khiu rụng lá, như những bộ xương khô, chơ vơ giữa nền trời xanh ngắt. Khi có những dấu hiệu như vậy, thái tử lại chuyển qua cung điện mùa mưa; vì ít hôm nữa thôi, trên bầu trời, những đàn quạ, chim ưng lượn bay táo tác, tìm ẩn trốn nơi nào đó thích hợp; chúng biết những cơn bão lớn sắp bùng qua nơi đây... Rồi sau những cơn bão phá hại nhà cửa trốc nóc trốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang, ruộng vườn xơ xác... là mùa mưa sẽ bắt đầu...

Mấy lúc này, thái tử của chúng ta chăm chuyên đọc sách, những quyển cổ thư bụi bặm trong đền thiêng Simhābanu và trên bàn thờ của hoàng gia có thể là đã lâu lắm chưa ai sờ tới. Tất cả đều được khắc chạm trên những thẻ gỗ, thẻ đồng những hình tượng, những ký hiệu rất khó hiểu. Chàng triệu thỉnh các thầy phụ đạo cũ đến nghiên cứu giúp nhưng không ai đọc được. Bà-la-môn Svāmitta suy đoán, có thể là di huấn của các hoàng triều từ thuở lập quốc đến nay; mà cũng có thể là những kinh văn ngàn xưa thuộc nền văn minh Mohenjo-Daro cách đây trên dưới vài ngàn năm đã mất tích hẳn. Thái tử đã hỏi phụ hoàng cùng các trưởng lão trong dòng tộc, nhưng không ai biết, chỉ xem như vật thờ cúng kế thế các hoàng triều. Nhờ có kiến thức ngôn ngữ sâu rộng tiếp nối từ tiền kiếp, thái tử đã đọc được, nội dung ở đây là tập đại thành khôn ngoan nhiều ngàn năm trước của dòng giống Aryan lúc họ từ miền Tây bắc tràn xuống xâm lăng Ấn độ. Tổ tiên của thái tử, hóa ra là Aryan? Một dân tộc thông minh thượng đẳng? Tuy nhiên, chẳng ai hiểu rõ, nguồn gốc họ là nông dân, họ sử dụng vũ lực xâm lăng Ấn Độ vì họ cần ruộng đất để canh tác, cần bình nguyên để nuôi cho thật nhiều bò! Bồi hồi, vui sướng, thái tử nghiền ngẫm thấu đáo từng thẻ gỗ, từng thẻ đồng một. Ôi! Lại còn kinh Vệ-đà khởi từ nguyên thủy của Aryan nữa, nó mới hay, mới đẹp làm sao; bây giờ nó đã thoái hóa, mất gốc quá nhiều, pha trộn hình thức tế lễ, bùa chú... để ru ngủ tín đồ cũng quá nhiều! Còn nữa, Áo-nghĩa-thư với những luận giải bác học là sự ngụy tạo của các thời đi sau! Và đây nữa là các công nghệ, những môn học thiết thực, cụ thể để phát triển xã hội... Sau nhiều đêm, nhiều ngày tư duy, chiêm nghiệm, thái tử thấy rằng, ở trong đống thẻ này, có nhiều kiến thức đã lỗi thời, chúng chỉ giúp được cho thái tử cái phổ quát, còn để đáp ứng cụ thể cho nhu cầu xã hội hiện nay... thì cần phải... bổ sung và đổi mới nhiều hơn nữa!

Hôm kia, đang ở trong cung điện mùa mưa thì vài ông hoàng tìm đến, đó là Ānanda và Kāḷudāyi. Trông hình dong, biết họ khá vất vả trong công việc của mình, thái tử ân cần tiếp đón, sai thị nữ hầu khăn, nước, dọn tiệc rượu nhẹ để tẩy trần... Ānanda vẫn giữ nụ cười tươi đẹp như hoa, nhưng giọng nói đã nhuốm vẻ ưu tư:

- Đệ đã khôn khéo xin được đi thăm các quan tổng trấn, thế rồi đệ xuôi ngược đó đây như đi ngoạn du nên không ai để ý. Và đây là những con số đệ đã nghiên cứu cặn kẽ, ôi, những con số khá bi quan! Hóa ra, trong một ngàn rưỡi do-tuần vuông của Sākya: Năm phần mười là rừng, hai phần mười là sông ngòi, bình nguyên, thị trấn, làng mạc, hai phần mười bị bỏ hoang và chỉ có một phần mười là canh tác ruộng rẫy cùng các cây ăn trái... Ānanda thở dài - Tuy đệ không hiểu gì nhiều, ruộng lúa và nương rẫy làm ăn ra sao, nhưng dường như chúng ta còn bỏ hoang phế quá nhiều.

Thái tử mỉm cười, trấn an:

- Đệ nhận xét rất đúng. Chúng ta mới chỉ đang nghiên cứu những con số, chừng ấy thôi đã tốt lắm rồi.

Kāḷudāyi tiếp lời:

- Ở lãnh vực của đệ không những bi quan mà còn sinh ra lắm điều rắc rối. Các số liệu về tài nguyên đệ đã có, nhờ các lão thần và các quan tổng trấn cung cấp. Nhưng ta lại thiếu các người am tường công việc. Ai là người giỏi về rừng để nghiên cứu thấu đáo về lâm sản? Ai là người giỏi về y dược để biết các loại cây cỏ có công năng dược liệu? Ai là người giỏi về đất, nhìn ngắm trong đất để biết nơi nào có vàng, đồng, sắt...? Còn kiến thức về cây trồng trong nông, lâm... đất đai, thổ nhưỡng, năng suất, lợi ích... cũng cần có những người rất chuyên môn mới làm được! Nói tóm lại, Kāḷudāyi thở ra - Có biết đấy, nhưng biết cũng bằng không, phức tạp và nhiêu khê lắm!

Thái tử cười nhẹ, nắm chặt tay cả hai bạn, giải thích:

- Hoàn toàn đúng! Đây là vấn đề mới mẻ đối với tất cả chúng ta. Từ từ chúng ta sẽ học hỏi. Ví như người am tường công việc của mình thì gọi là người chuyên môn. Người chuyên môn ấy nghiên cứu về lãnh vực chuyên biệt ấy một cách cặn kẽ, thấu đáo, có số liệu cụ thể chứng minh thì họ được gọi là chuyên gia. Về rừng, về y dược, về đất đai, về nông nghiệp... tất thảy đều phải cần có chuyên gia cả. Các nền văn minh xưa và các đế quốc giàu mạnh họ đều có kế hoạch để đào tạo chuyên gia. Xa về phía tây bắc, cách nước ta chừng hơn trăm do-tuần, có nước Gandhāra có trường đại học bách khoa Takkasilā là đào tạo chuyên gia, nhân tài cho cả châu Diêm-phù-đề.

Thấy Ānanda và Kāḷudāyi chưa hiểu lắm, thái tử cặn kẽ tiếp lời:

- Chúng ta nắm số liệu chắc chắn mới có thể phác thảo đề cương về một chính sách toàn diện... Sau công trình của các bạn, chúng ta mới biết cụ thể rằng, chúng ta cần đào tạo chuyên gia về mọi lãnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, y học, dược thảo, khoáng sản, địa chất... cùng đầu tư về phương tiện, công cụ sản xuất... Nói ngắn gọn là chúng ta phải có một trường đại học bách khoa... tương tợ như trường đại học nổi tiếng ở Takkasilā, may ra mới nói đến sự phát triển đất nước, may ra mới nói đến manh áo chén cơm cho lê dân đói khổ...

Một tháng, hai tháng sau, lần lượt các ông hoàng khÁc Mang đến cho thái tử những kết quả của họ. Thái tử mừng vui, khuyến khích, sau đó, góp ý với từng trường hợp một.

- Này bạn Bhaddiya! Bạn hãy nói đi! Trường hợp bạn là một viên đại tướng, thống lãnh quân đội, bạn có kế hoạch nào để tự trang bị khí giới, quân nhu, lương hướng... mà không cần sự tài trợ của hoàng gia, tức là không dính vào thuế má của quốc dân?

- Được chứ! Bhaddiya tự tin nói - Như thái tử đã gợi ý, ta sẽ cho năm ngàn lính thay nhau lao động sản xuất. Họ không những làm ruộng, mà còn khai thác gỗ, làm thợ cưa xẻ, thợ mộc cùng các nghề khác thích hợp. Nếu quân đội chưa tự nuôi sống được mình thì cũng đỡ được một kinh phí khổng lồ. Từ lâu, họ là tập cấp chiến sĩ nên đã hưởng thụ quá nhiều ưu đãi...

- Cụ thể là thế nào hở Bhaddiya?

- Một người lính tiêu tốn bằng mười người nông dân, bằng ba thị dân trung lưu, bằng một người khá giả...

Kimbila tiếp lời:

- Thưa thái tử! Nhưng giới hoàng gia và quý tộc có ba ngàn người nhưng họ tiêu tốn sản phẩm còn gấp mấy lần quân đội. Nói là dân số cả nước có hai trăm ngàn, nhưng chúng ta chỉ thật sự có bốn mươi mốt ngàn nông dân và mười bảy ngàn thợ thuyền trực tiếp lao động, tạo ra của cải xã hội mà thôi!

Thái tử nhíu mày:

- Thế số còn lại?

- Bi quan lắm, thái tử! Chừng năm sáu mươi ngàn lao động gián tiếp ở các thị trấn, thành phố gồm các nghề nghiệp và những dịch vụ khác nhau trong các nghiệp đoàn kinh tế và thương mại. Chừng hai ba ngàn người là các ông chủ lớn, ông chủ nhỏ các tiệm vàng, bạc, bánh kẹo, vải vóc, lúa gạo, nhuộm, dao kéo, mỹ phẩm, ăn uống... Giới bà-la-môn tu sĩ và tại gia các loại cũng trên mười ngàn. Chừng ba bốn mươi ngàn không lao động được, gồm những người già lão, ốm đau, tật nguyền, trẻ em...

Anuruddha tiếp lời sau cái thở dài thườn thượt:

- Hiện có ba bốn giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ-đà đang sinh hoạt. Số bà-la-môn thật sự sống đời sa-môn, đạo sĩ xuất gia chưa tới một ngàn. Trong số chừng chín ngàn còn lại, có khoảng năm ngàn người làm ruộng cùng với gia đình của họ trong những điền trang lớn và nhỏ, giàu có, nghèo có. Khoảng một trăm bà-la-môn học thức, họ mở lớp dạy riêng, làm gia sư hoặc cố vấn cho các quan tổng trấn. Chừng hơn hai trăm bà-la-môn tư tế tại các đền miếu và lác đác trong các thôn làng. Dân chúng cần lễ lượt gì phải nhờ vả đến họ, phí tổn rất lớn...

Sau khi tiếp thu các công trình nghiên cứu tỉ mỉ của các ông hoàng, thái tử kết luận:

- Nước ta nghèo đói là phải, do người làm ít mà người ăn thì nhiều. Chúng ta sẽ có biện pháp chấn chỉnh...

- Còn điều này nữa! Kimbila xen lời - Ở kinh thành và các thị trấn các ông chủ cho vay quá nặng lãi. Vay bình thường là mười lăm đến mười tám phần trăm, nếu vay nợ lâu chừng một năm là sáu mươi phần trăm, vay buôn đường dài là một trăm hai mươi, vay buôn đường biển là hai trăm bốn mươi! Lợi tức của ông chủ nghiệp đoàn bằng một trăm lần người lao động. Lợi tức của ông thống đốc nghiệp đoàn còn thêm mấy lần nhiều hơn... Vậy thái tử làm thế nào ngăn bớt sự bóc lột ấy nữa!

- Cảm ơn, Kimbila! Ta sẽ cố gắng!

Mahānāma bây giờ mới trình bày công việc của mình:

- Đầu tiên nói về Kosala! Đức vua Pāsenadi hiện nay tuổi trẻ, tài cao và rất nhân hậu, chí ít trong thời gian ngài tại ngôi, chúng ta sẽ rất yên ổn, không ngại có chuyện hạch sách về vấn đề triều cống đâu. Ngài không cần lắm tiền bạc của chúng ta, cái ngài cần là sự thuần phục, tuân phục...

- Đúng! Đúng! Thái tử gật đầu - Bạn tiếp đi!

- Vậy ta nên giữ lễ, biết kính trọng và biết nghe lời đại vương Pāsenadi là yên. Hằng năm, chỉ nên dâng biếu những sản vật mà Kosala cần, khan hiếm; đó là sừng tê giác, trầm chiên đàn, mật ong và xạ chồn hương!

Thái tử lại gật đầu nữa:

- Thật là giỏi! Bạn sẽ là một vị vua giỏi, này Mahānāma quý mến! Vậy tình hình các nước cộng hòa ra sao?

- Cộng hòa Malla với đệ có chỗ thâm tình, dễ thuyết phục, không lo gì, nhưng các cộng hòa kia thì đang có sự cố... Nó như thế này: Cộng hòa Licchavī, thủ đô là Vesāli, cộng hòa Videha, thủ đô là Mithilā cùng một số bộ tộc khác, trước đây liên minh với nhau, trở thành liên bang Vajjī. Sau khi thống nhất một thời gian, họ muốn lấy tên một thủ đô chung cho liên bang; nhưng cả ba bên cùng kiêu ngạo như nhau, ai cũng muốn dành cái tên thủ đô về phần mình... Hiện họ đang xục xịch, chưa yên... Các nước cộng hòa này có luật pháp nghiêm minh, quân đội trật tự, kỷ cương... Hội đồng tướng lãnh ở đây, họ rất giỏi nhưng cứng đầu và kiêu ngạo. Thuyết phục được họ, thật không thể ngày một, ngày hai. Đệ sẽ tìm hiểu thêm để tìm ra biện pháp ngoại giao khả toàn. Đôi khi Sākya và Koliya của chúng ta liên minh thành một liên bang, may ra mới giữ được thế quân bình trong khu vực...

- Đệ rất có tầm nhìn, thật may mắn cho vương quốc chúng ta. Chuyện liên minh là một ý tưởng tốt, một thái độ chính trị khôn ngoan. Chúng ta sẽ học hỏi ở họ! Thái tử nói rồi quay qua nhìn Bhagu - Còn việc y tế và từ thiện xã hội thì thế nào rồi hở bạn?

- Cũng đa đoan lắm! Bhagu nói - Nhưng lệnh bà Gotamī bảo là sẽ nghiên cứu kỹ biện pháp khả thi rồi sẽ trình bày sau...

- Thế là tốt! Cảm ơn tất cả các bạn. Ai cũng đã vất vả quá nhiều... Chỉ với tâm huyết này thôi đã rất xứng đáng làm một thanh niên trí thức trên cuộc đời này rồi...

- Chúng ta sẽ đệ trình tất cả điều ấy lên đức vua và hội đồng trưởng lão chứ? Anuruddha nóng lòng hỏi.

- Khoan đã! Thái tử trả lời - Chỉ khi nào chúng ta tìm ra biện pháp chấn chỉnh hoặc cải cách từng điểm một, cụ thể, có tính thuyết phục cao... bằng không...

Thái tử chợt im lặng, đăm chiêu... Thấy mọi người chưa hiểu câu nói bỏ lửng ấy, Mahānāma và Kāḷudāyi như đồng nói lên một lúc:

- Đụng chạm quá nhiều đến quyền lợi của hoàng gia đấy, các bạn!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn