Phần 09

19 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 8501)

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

09

16/ 1

Đến đây, tôi ngưng một giai đoạn Phật giáo, bằng cách ghi thêm mấy việc linh tinh cần nói, mà không theo thứ tự nào cả.

1. Do hòa thượng Chơn trí mà Gia đình Phật tử tập họp đúng giờ, đúng chỗ, trước tòa tỉnh trưởng Thừa thiên, vào buổi chiều 14/ 4 - buổi chiều mà Pg khiếu nại cờ đèn bị phá bị giật, lễ đài Phật đản bị xúc phạm rất mất dạy. Tỉnh trưởng mời Pg họp để giải quyết.

2, Huynh trưởng Gái được bí mật giao cho cầm đầu đoàn GĐPT rước Phật từ Diệu
đế lên Từ đàm. Không có sự khôn khéo của anh, thì 5 biểu ngữ không lên thấu chùa,
kế hoạch bị thương tổn không nhỏ. Cũng chính huynh trưởng Gái đầu tiên đem tài
liệu vào Ấn quang mà, lúc đó, nếu thiếu can đảm và khôn ngoan, đã không thể chu
toàn nghĩa vụ.

3. Ba thanh niên hoạt động nổi tiếng sau khi thiết quân luật là Bôi, Nho, Doãn. Bôi
dã thành người thiên cổ, còn 2 người kia, tôi chưa có dịp liên lạc được,

4. Tôi đặc biệt nói đến 1 Phật tử mà là ân nhân của Pg, kể từ lúc Pg mới rục rịch có
vấn đề suốt đến khi chế độ ông Diệm sụp đổ. Người nầy là đệ tử hòa thượng Mật
nguyện, là người đồng hương với tôi - là ông Đẳng. Ngay từ đầu ông dã bỏ công bỏ
của ra không nhỏ, dầu ông khá nghèo. Ông đóng vai trò Tỉnh trưởng và Phật tử rất
vất vả, lao tâm khổ trí. Không có ông, tôi dã rất khó khăn trong việc tiếp xúc với các
cấp chính quyền. Người sắp đặt cho tôi lên máy bay đi Saigon là ông. Khi tôi viết
mấy dòng nầy, ông đã không còn nữa, từ lâu.

5. Bs Lê khắc Quyến, pháp danh Nhật thắng, đệ tử đại tổ đình Quốc ân, người Huế.
Tôi là bịnh nhân đến khám bịnh tại phòng mạch tư của ông ở cửa Thượng tứ. Bấy
giờ ông là Giám đốc Bịnh viện Trung ương Huế. Sau đó được biết bà cụ thân sinh
ông là em ruột cụ bà Lê văn Định. Mối liên hệ Phât giáo của ông là như vậy, chưa kể
thân sinh của ông cũng là đệ tử đại tổ đình Quốc ân, bổn sư là ngài Đắc quang, Tăng
cang quốc tự Linh mụ. Ông là Khoa trưởng Đại học đường Y khoa Huế, được gia
đình Tổng thống Diệm biết ơn vì chữa bịnh giỏi cho bà cụ thân sinh của họ. Ông có
nhà mới, lớn và đẹp, ở phía nam thành phố, nhưng chưa kịp ở. Ông tham gia cuộc
Vận động 1963 của Pg, mất hết chức và nhà, bị bắt ở tù. Khi tham gia, ông tự biết sẽ
phải như vậy.

Sau Phật đản năm ba ngày, một buổi sáng gặp tôi, ông cho biết ông Diệm mời ông
vào Saigon để nói về vấn đề Pg. Ông hỏi tôi muốn ông nói gì, tôi nói, xin nói rất thật
thâm tâm của tôi. Tôi không mưu đồ gì cả, chỉ phản ứng vì hết mức chịu đựng sự
xúc phạm quá đáng đến đức Phật và Pg của tôi, mà thôi. Vấn đề như vậy quá dễ giải
quyết cho Tổng thống chứ không thương tổn gì.

Hôm sau Bs Quyến về Huế, nói, ông mời vào để nghe ông nói, không phải để nói
cho ông nghe! Bs Quyến chẳng những tham gia hết lòng vào 1963, sau đó, đến nỗi
mất sách, bị bắt bị tù nữa, vẫn không chán bỏ đạo pháp – mà không mưu đồ gì cả,
cho đến hết đời.

6. Việc Phật tử Mai Tuyết An chặt tay phản đối bà Nhu, người Mỹ hỏi ý kiến tôi, tôi
nói phong trào chống đối ông Diệm đã và sẽ lan ra mạnh mẽ trong giới học sinh. Sự
việc quả như vậy, ngay sau đó.

7. Sau khi thiết quân luật, hoạt động hải ngoại là hòa thượng Nhất hạnh và bác sĩ W.

8. Bác học Bửu Hội gạp tôi khi về thăm mẹ. Tôi phàn nàn động thái gây ác cảm
nặng nề của ông. Ông ân hận và muốn đóng góp. Tôi nhờ chuyển đến Tổng thư ký
Liên họp quốc 5 va-ly đầy đủ tài liệu. Chuyển ra để ở khách sạn ông Lê văn Hiệp.
Ông Hội đến nhận ở đó, chuyển giao rất chu đáo, nhanh chóng. Bằng tình cảm cá
nhân, ông Hội lại tác động các Đại sứ Á Phi đến điều tra nhân quyền ở Nam Việt
nam. Hòa thượng Nhất hạnh và bác sĩ W. càng liên lạc và hướng dẫn cụ thể cho phái
đoàn nầy. Chỉ vì tôi chưa kịp nói nên đôi bên chưa hiểu nhau.

9. Khi ở Xá lợi, tất cả chi phí không nhỏ cho việc của Pg miền Trung mà tôi phải
liệu, thì người giúp tôi là ông Lê văn Hiệp. Nhân đây, tôi nói đến chi phí khi còn ở
Huế. Mọi chi phí ở dây và lúc ấy là do các khuôn hội Thừa thiên lạc cúng, do tỉnh
hội ấy thu và chi.

10. Tình báo một cách xuất sắc nhất là 1 Phật tử tự động. Chính ông Nhu cũng lao
đao về sự tình báo của người nầy. Người này thường viết báo cáo giao cho hòa
thượng Tâm châu mà không ra mặt. Nhưng sau nầy tôi cũng biết người đó là ai.

11. Hòa thượng Trí quảng, lúc ấy, khá có khả năng vận động phong trào học sinh.

12. Hòa thượng Thiện minh có sáng kiến tấn công bà Nhu. Sự tấn công này tác động
nhanh và mạnh đến bất ngờ đối với phong trào học sinh. Mưu đồ lừa đảo của chính
quyền trong việc thực thi Thông cáo chung cũng rã vì “đức bà lồng lộn, vung vít”.
Nhưng hòa thượng Hộ giác và thầy Giác đức thì tai họa không nhỏ, vì “mồm miệng
không ưa nổi” trong chiến dịch ấy. Nghe nói lúc bị bắt, 2 ngài được đức Bà hỏi thăm
khá ân cần.

13. Sau hết, mà thật ra là trước hết, tôi nói đến 1 người, một người bạn của tôi, Bs
W.

Ông thương tôi hết lòng. Việc tôi làm, mở đầu mà thế giới biết, là do ông. Giao thiệp
với Tổng thư ký LHQ đầu tiên là do ông. Sau thiết quân luật, Pg bị hốt rồi, cũng
chính ông hoạt động với hòa thượng Nhất hạnh, rất hiệu quả.

Ông, trước không nói gì, nhưng tôi biết và biết rõ. Ông muốn qua tôi, Pg phải thành
một lực lượng. Nhưng thực tế làm cho ước muốn ấy không phù hợp với chính Pg.
Dẫu vậy, ông không biến đổi tình cảm, vẫn một lòng một dạ thương tôi, thương Pg
của tôi.

Ở đây, tôi nói vắn tắt về ông - về cái tình ấy, cái tình tôi không thể quên, không bao
giờ quên.

17/ 1

Ở trong tòa Đại sứ Mỹ, khi đoán chắc sẽ có đảo chánh, tôi lại lo như tình trạng Hàn
quốc: Lý thừa Vãn đổ rồi, đảo chánh hoài. Như thế thì làm được cái gì. Ông Diêm bị
đảo chánh rồi, tôi cáo từ ra về, người Mỹ nói, nếu có thể, tôi nên góp ý kiến với chế
độ mới. tôi nói, nhưng không nên đảo chánh nữa. Người Mỹ không nói lại gì hết.
Tôi đoán trước những gì sẽ xảy ra. Nếu không vì thành lập Giáo hội Phật giáo Việt
nam (GHPGVN), tôi đã “công thành thân thoái” rồi. GHPGVN sẽ thành lập, là vì
phải thành lập nhưng đối nội đối ngoại sẽ đầy những sự khó vui. Dầu vậy, vẫn phải
thành lập, thay thế Tổng hội Phật giáo Việt nam hết nhiệm vụ rồi.

Dự thảo Hiến chương cho GHPGVN, tôi viết lời mở đầu, “Công bố lý tưởng hòa
bình, Phật giáo không đặt sự tồn tại của mình ngoài sự tồn tại của dân tộc”.
GHPGVN được cầm đầu bởi chức vụ Tăng thống, tước hiệu có từ thời đại Đinh Lê.
Tăng thống tương đồng với Tăng cang, tước hiệu vua Minh mạng đã đổi ra.
GHPGVN gồm 2 viện: Tăng thống và Hóa đạo, lãnh đạo tất cả tăng ni và tín đồ của
Pg VN. Khi chính thức thành lập, tôi tìm cách giữ chức vụ Chánh thư ký viện Tăng
thống, là thật sự muốn ẩn mình, hy vọng tiếp tục dịch giải kinh sách vốn là chí
hướng đích thực của tôi.

18/ 1

Nhưng rồi tôi chữa lửa mà bị cho là đốt nhà. Bao nhiêu chuyện xảy ra, ở Huế cũng
như ở Saigon, do các ông Tướng ai cũng thấy mình có thể làm nên chuyện. Quần
chúng Pg bị cuốn hút vì cái tính “giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha”, nên bị
lợi dụng có khi thật phiền. Sau hết, có ông tướng nghĩ mình dẹp “loạn” được thì
được vượt trội trong quyền chức. Không ngờ công thành tội, bị buộc phải khuất thân
đối với kẻ thật ra là ăn nhờ.

Bằng cái Quốc hội Lập hiến, tôi mong quần chúng có cơ cấu sinh hoạt chính trị, Pg
có thể rút mình ra.

Nhưng việc nầy là “ họa hổ bất thành phản loại cẩu”!

18/2

Trong khuôn khổ của sự “dẹp loạn” để làm cho Quốc hội lập hiến “hổ biến thành
cẩu”, có 1 màn có thể nói là khó nói.

Một đoàn chiến xa va thiết giáp khá hùng hậu, được điều động từ Quảng trị vào Huế.
Khi sắp qua cầu An hòa, viên sĩ quan chỉ huy ra lịnh ngừng lại để anh đi thám sát đã.
Anh đến chùa của khuôn hội Pg Phú thạnh, miệng hét tay làm, hối thúc Phật tử
khuôn hội, có anh phụ lực, khiêng bàn Phật ra giữa đường, lại hối thúc tư gia Phật tử
làm theo. Viên sĩ quan quay lại, báo cáo đường bị cản trở. Rồi đợi lịnh. Nhưng bàn
Phật được đưa ra càng nhiều. Khuôn hội Phú thạnh đã chạy vào Diệu đế thông báo
cho tôi và hỏi ý kiến. Tôi hỏi Ông Thiện siêu đang có mặt. Ông nói, “thụ động chứ
biết làm sao”. Thực tế tôi cũng không thể bảo ngưng được nữa. Bàn Phật đã có sâu
trong thành phố rồi. Chưa bao giờ, mà bây giờ, tôi phải xúc phạm sự tôn nghiêm đến
mức nầy!

Thế nhưng chưa hết. Đêm đó, trung tâm thành phố sáng lên, lung linh, huy hoàng,
với quá nhiều bàn thờ Phật. Đêm sau càng là như vậy. Trung tâm thành phố bãi công
bãi thị 100%. Trong khung cảnh nầy, tôi được cấp báo có 1 Phật tử tự thiêu.

Phật tử nầy là Nguyễn thị Vân, pháp danh Không gian, đệ tử ngài Tăng cang Qui
thiện, thuộc thiền phái gốc: Thiền phái Long trì. Vân 18 tuổi, học sinh năm thứ hai
của bán phần Tú tài, trường Bồ đề Thành nội. Nhà ở cửa Thượng tứ, đối diện nhà Bs
Quyến. Vân là thành viên GĐPT Thành nội, từ Anh vũ mà học và thi lên đến đoàn
phó, rồi đoàn trưởng năm 14 tuổi. Đã mặc áo dài, nhưng màu trắng cũng như màu
lam đều không chịu may eo. Thông minh, xuất sắc, ít nói, nhưng rất dễ mến. Việc tự
thiêu hoàn toàn do Vân lặng lẽ tự sắp đặt, với nhiều lắm là 3 lít xăng, thực hiện tại
chùa khuôn hội Pg Thành nội, lúc 4 giờ sáng. Khi ánh lửa bùng lên, người trong
chùa có cả em trai của Vân là Lam sơn, mới biết có người tự thiêu, nhưng chưa rõ là
ai, chỉ thấy một người ngồi trang nghiêm, chấp tay trong lửa. Lửa hạ mới biết là
Vân, do thư để lại. Nhưng non 3 lít xăng không giúp Vân giải thoát hình hài. Vân
bỏng mắt nhưng vẫn tỉnh, vẫn niệm Phật, không rên kêu gì, và được đưa ngay qua
bịnh viện Trung ương. Chính Bs Quyến chăm sóc cho Vân, với sự góp sức của các
giáo sư Y khoa người ngoại quốc. Vân vẫn tỉnh, vẫn nói được dầu khó khăn. Bs
Quyến khóc, các giáo sư ngoại quốc cũng khóc. Y khoa hết khả năng trong trường
hợp này. Vân muốn gặp tôi. Tôi quá nhiều việc, Ông Mật nguyện tình nguyện đóng
vai tôi. Nhưng Vân nói gì thì không thể nghe được. Chung quanh Vân, ngoài Bs
Quyến, Ông Mật nguyện, bấy giờ đã có em trai Lam sơn, có chị cả, có cha. Ai cũng
ngậm nước mắt, nhỏ tiếng niệm Phật cho Vân, theo tiếng của Ông Mật Nguyện và
Bs Quyến. Đến 7 giờ 30, Vân về với Phật. Linh cửu được quàn tại Diệu đế. Thiếu tá
Sãnh xông vào, cướp linh cữu của Vân, đem vùi tại chùa Viên thông. Sau nầy, Pg và
gia đình Vân cải táng, đem về chùa Qui thiện, nằm chung với tiên nhân.

Nỗi ân hận về bàn thờ Phật, cùng nỗi thán phục Vân, cho đến nay, không nguôi
trong tôi.

19/ 1

Tôi bị bắt từ Huế đem vào Saigon, giam tại 1 bịnh viện tư, sau khi họ bàn với nhau
gần nửa ngày. Tại đây, tôi tự ý tuyệt thực 100 ngày, tiếp theo thì gian đã làm 2 ngày
ở Huế.

Tôi tuyệt thực rất nghiêm túc. Trước hết tâm tư thanh thản và thanh lương, xả bỏ tất
cả. Kế đến chỉ uống nước trong, sau vì nhức đầu và nướu răng quá, phải dùng 2
muỗng canh mỗi ngày nước thuốc dextrose. Hòa thượng Trí thủ sắc nước lúa lâu
năm cho tôi 1 chén vài hớp, uống vào đi đại ra máu liền. Họ lịnh cho bác sĩ quản đốc
bịnh viện, và 1 bác sĩ nữa nay vẫn còn sống, phải bị trừng trị nếu để tôi chết. Tôi
nghe 2 bác sĩ ấy nói mà không nghĩ ngợi gì, dầu thừa biết tại sao. Tôi nghe đọc Tây
du. Đọc bản dịch người Nam nghe vui, về văn. Viết được 2 tiểu phẩm , 1, bình luận
Tây du theo Duy thức học của chính người gọi là “ông Tam tạng”; 2, khái luận về
khởi tính luận, viết nghiêm chỉnh, dầu lúc đó đâu có tài liệu, nhưng ký ức tôi lại khởi
sắc lên. Tôi vẫn trì niệm hồng danh đức bổn tôn A di đà, đúng thời khóa mà thêm
lên nhiều hơn. Có lúc ngẫm nghĩ về việc thánh Cam địa áp dụng phương pháp tuyệt
thực và bất bạo động. Đến ngày 70 thì thị lực kém sút khá nặng, 10 ngày sau đó nữa
thì phải ngưng hẳn nghĩ và viết, bỏ dở tiểu phẩm “Bài học từ văn Cảnh sách” mà tôi
rất vui về dự thảo trong trí. Gần đủ 100 trăm ngày thì nhức mỏi, nhất là 2 cổ tay,
đánh khá mạnh bằng dùi chuông gia trì lớn vẫn không đã. Cả 2 bác sĩ hội chẩn, thấy
tim mạch tôi đáng ngại, nói có lẽ họ phải làm nghĩa vụ thầy thuốc. Có vẻ họ nghĩ tôi
cũng mong như vậy. Rất mệt, nhưng tôi điềm đạm và nói rõ, “Xin các ông đừng
chộn rộn. Các ông không làm được gì tôi đâu. Xin các ông nghe rõ: tôi không muốn
chộn rộn”. Cả ngày 98 ấy tôi mệt kỳ lạ, rã rời nhưng cảm thấy vui tuyệt diệu nếu đi
khỏi cuộc đời trong cái vui nầy. Thế nhưng ngày 99, rồi ngày 100, đột nhiên khỏe
khoắn. Và tôi chấm dứt vào 0 giờ ngày 101, mừng vì thiện nguyện thành tựu. Từ đầu
hôm đến giờ nầy, ngồi với tôi là Trung hậu, và 2 phật tử bị bắt đi theo từ ngoài Huế;
lại có các thầy Nhật lệ và Đức trạm (vài tối tụng tán cho tôi nghe 1 thời kinh); có các
chú ở Ấn quang mà tích cực nhất đối với việc tôi làm. Tôi khởi sự ăn lại bằng nửa
miếng format, vì thấy muốn ăn muối. Buổi sáng ngày đó, các hòa thượng Trí thủ,
Thiện hoa, và Huyền quang cùng ngồi với tôi. Hòa thượng Trí thủ nói, bây giờ thì
cho thầy biết, người ta không muốn thầy sống lâu, vậy thầy chết là dại. Thôi, thiên
long hộ pháp thật thần kỳ, vậy tốt rồi.

Hòa thượng Trí thủ nói đúng, Thầy Thiện minh bị ám sát (mà thoát chết). Còn tôi,
người ta ra lệnh không để tôi chết lúc tuyệt thực, chỉ vì nhu cầu của họ lúc đó.
Nhưng thực sự có 3 bên không muốn tôi sống. Họ muốn Pg không còn là mối bận
tâm cho họ nữa. Việc đi Ý hay đi Nhật, là mưu đồ đi đày, không hơn không kém.
Đặc biệt nên nói vài việc trong khi tôi tuyệt thực. Thứ nhất, 1 nữ giáo sư Luật, trẻ,
người Âu, dạy viện trợ cho đại học đường Luật Ấn độ, nói với các vị thần linh Hy
mã lạp sơn bảo cô đến làm phép và săn sóc tôi. Nói việc nầy để thấy âm mưu rất tồi
cũng được dùng đến. Thứ hai, một ngày khác, 9 giờ sáng, 1 chiếc xe ngoại giao đoàn
của Ý, đến “mời thầy lên xe, chúng tôi đưa thẳng lên phi trường đến nước chúng
tôi”. Tôi nói tôi có ý đi tị nạn hay lưu vong gì đâu. Họ nghĩ ngợi khá lâu, rồi nhún
vai, chào tôi rất lịch thiệp, và ra về. Thứ ba, một đại biểu quốc hội Nhật gốc là 1 nhà
sư, gặp tôi, nói thủ tướng nước ông nhờ ông hỏi tôi có ý định viếng thăm nước Nhật,
hơn nữa, có ý định lưu trú ở đó bằng 1 ngôi chùa đủ tiện nghi, khuôn viên 3000 mét
vuông, và 1 số tiền mặt, 1 triệu Mỹ kim, hay không? Nếu thầy có ý định đến Nhật
như vậy thì thủ tướng tôi sẽ mời, và là khách của ông. Ông sẽ chiếu liệu tất cả.
Người thông dịch cho tôi, cuộc tiếp xúc nầy là hòa thượng Mãn giác. Tôi nói tôi
không biết gì, không có ý định gì cả.

Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi “không vẫn hoàn
không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay như sự tự truyện này, vì không thể
không có nên phải viết và phải in, mà thôi. “Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi
mới được như vậy.

24-4-2555 (2011)
Trí Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5752)
17 Tháng Năm 2015(Xem: 14595)
Đây là một quyển sách nhỏ "Tranh Chăn Trâu Ngẫu Hứng" do Sư Cô Thích Nữ Thuần Quán ghi lại từ những cảm xúc trong tu tập.
09 Tháng Năm 2015(Xem: 20433)
Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2014) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó. Hiện Thư Viện Huệ Quang (Việt Nam) đã