1. Ý Nghĩa Của Việc Trở Thành Một Phật Tử - Pháp Vương Gyalwang Drukpa Đời Thứ Xii Khai Thị

21 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 8862)
Ý NGHĨA CỦA VIỆC TRỞ THÀNH MỘT PHẬT TỬ
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị

Có nhiều cách để diễn giải đạo Phật, như diễn giải dưới góc độ trí thức, góc độ thực tiễn và cả góc độ lý thuyết. Cũng có nhiều cách nghiên cứu đạo Phật. Song chúng ta thực sự cần tiếp cận đạo Phật theo cách thức thực tiễn. Đó là quan kiến của tôi!

Đạo Phật là Pháp, và Pháp cần được thực hành chính nơi bạn. Tất cả Phật tử đều ít nhiều có những hiểu biết về đạo Phật, nhưng hiểu biết của chúng ta lại thực sự rất mơ hồ, hời hợt, không tiếp cận được ý nghĩa căn bản và không chạm tới cốt lõi giáo pháp đạo Phật. Chúng ta thực sự không nhận thức được những ý nghĩa căn bản này. Chẳng hạn như, nếu bạn muốn xây nhà, một tòa nhà bằng bê tông hay chất liệu gì đó bền vững, trước tiên bạn cần đảm bảo nền móng tòa nhà đó phải thực sự vững chãi. Nếu không, bạn sẽ không thể dựng lên nổi tòa nhà bê tông hay cái gì đó bền vững. Tương tự, để trở thành một hành giả đạo Phật chân chính, bạn cần thực sự có được những nền tảng vững chắc, hoặc chí ít cần có ý tưởng rõ rang về những nền tảng này.

Khi nhắc tới đạo Phật, trong tâm trí chúng ta thường hiện lên hình ảnh một nhóm người khoác y màu đỏ, màu nâu sồng hay màu vàng đang yên lặng thiền định hoặc thực hành một vài nghi lễ tôn giáo nơi đền chùa, hoặc đôi khi là hình ảnh một bậc Thầy đang ban truyền quán đỉnh. Các hình ảnh này luôn hiện lên một cách tự động trong tâm trí chúng ta và chỉ có vậy! Chúng ta cũng chẳng nhọc công đào sâu tư duy để tìm những định nghĩa sâu sắc hơn. Điều này thật không hay! Và đây là thiếu khuyết lớn của Phật tử sống trong thời đại này.

Theo nghĩa đen, đạo Phật chính là Pháp. Pháp chính là đạo Phật và những ai thực hành Pháp đều là Phật tử. Điều này rất rõ ràng và chẳng có lí do gì phải nghi ngờ. Như tôi đã từng nói, Pháp cần được thực hành nơi Tâm bạn. Không có gì để tìm kiếm ở bên ngoài, cũng như bạn không nên trông chờ bất kỳ điều gì từ thế giới bên ngoài. Vì thế mà nền tảng Phật pháp cần phải được trưởng dưỡng nơi chính bạn. Nền tảng Phật pháp không thể nằm ngoài chúng ta!

Đạo Phật có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là giáo lý, và khía cạnh thứ hai là trí tuệ và sự thực hành. Cả hai điều trên tạo nên những nền tảng quan trọng nhất của Phật pháp. Truyền thống của đạo Phật không có gì khác hơn là chân lý vũ trụ Đạo Phật theo nghĩa đen là truyền thống của Đức Phật. Vậy cái gì là truyền thống của Đức Phật? Trước hết, bạn cần hiểu Phật là gì! Điều này vô cùng quan trọng vì nếu không biết Phật là gì, bạn sẽ không hiểu thế nào là truyền thống của Đức Phật. Truyền thống của Đức Phật không phải là truyền thống của người Tây Tạng, của Ấn Độ, của các nước Châu Âu hay của riêng một quốc gia nào trên thế giới này.

Đạo Phật là truyền thống của chân lý vũ trụ, vì chân lý vũ trụ được mô tả một cách toàn diện nhất qua truyền thống này. Đây không phải là điều gì bị bó hẹp trong khuôn khổ một quốc gia cụ thể nào đó. Chân lý vũ trụ hay chân lý cứu kính chính là Phật hay là sự Giác Ngộ. Theo cách khác, bạn có thể nói Giác Ngộ chính là Phật. Ở đây, danh từ “Phật” cũng chỉ là một cách diễn đạt khả năng giác ngộ và chân lý vũ trụ. Đây chỉ là một thuật ngữ, một cách dùng từ mà thôi. Chẳng hạn như, chúng ta có nhiều từ để chỉ cái bàn, song các từ này về tuyệt đối cũng chỉ để nói lên một vật là cái bàn. Tương tự như vậy, “Phật” chỉ đơn giản là một danh pháp, và điều đó không thực sự có nghĩa Phật phải là một người cụ thể hoặc thuộc về một quốc gia cụ thể. Đó chỉ là một tên gọi được lựa chọn! Như vậy, “Phật” đơn giản là chân lý vũ trụ. Truyền thống của Phật tử hay của Đạo Phật chính là Chân lý vũ trụ.

Theo lôgíc này, khi nói đến Đạo Phật, thực hành Phật Pháp, giảng Pháp hay làm bất kỳ điều gì liên quan khác đến Đạo Phật, trước hết ta phải hiểu được chân lý vũ trụ. Nếu bạn đã có những tri kiến cơ bản về chân lý vũ trụ thì đó chính là nền tảng của Đạo Phật. Đây là kinh nghiệm mà tôi có thể chia sẻ. Có thể điều này chẳng được giảng dạy trong kinh điển nào, nhưng theo quan kiến của tôi, nếu bạn có chút tri kiến nền tảng về chân lý vũ trụ, thì đó chính là tri kiến nền tảng về Đạo Phật. Nếu bạn không có tri kiến hay hiểu biết nền tảng về chân lý vũ trụ thì bạn sẽ không bao giờ có thể thực hành Phật Pháp một cách đúng đắn. Có chính kiến bạn sẽ thấy được chân lý vũ trụ. Con đường sống của đạo Phật chính là con đường sống của triết lý vũ trụ.

Tôi đang dùng thuật ngữ “đạo Phật” bởi vì chủ đề pháp đàm hôm nay là về “đạo Phật”. Nếu không, tôi cũng sẽ nói rằng điều này đúng với bất kỳ trường phái tôn giáo nào chứ không chỉ riêng đạo Phật. Vấn đề phân biệt dòng phái, thiếu hạnh từ bi, tình thương chân chính, cảm xúc, mối liên hệ với hữu tình, thiếu tâm chí thành, tất cả những xúc tình tiêu cực hay những yếu điểm này tồn tại do thiếu tri kiến về chân lý vũ trụ. Đó chính là nguồn gốc của rất nhiều sự yếu kém trong đời sống tâm linh của chúng ta.

Trên thực tế, có nhiều vấn đề nảy sinh với mọi tôn giáo trên thế giới. Ngày nay, chúng ta có thể đọc về những vấn đề này trên khắp các báo. Tôi cho rằng các chính trị gia đang lợi dụng các cảm xúc tôn giáo vì mục đích chính trị. Do vậy, có nhiều âm mưu chính trị đen tối bị thao túng nội trong các trường phái tôn giáo. May thay, trong đạo Phật, chúng ta không có nhiều quyền lực để thao túng. Nếu đạo Phật có quyền lực thế tục, tôi e rằng chính chúng ta cũng sẽ tạo ra một mớ hỗn độn trong chúng hội, bởi lẽ chúng ta đã không có đủ tri kiến về chân lý vũ trụ.

Giáo pháp, truyền thống và cách sống của đạo Phật là con đường sống của chân lí vũ trụ,. Điều này không phải chỉ áp dụng cho một quốc gia cụ thể nào. Chẳng hạn như Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ Tây Tạng, vì thế chúng ta gọi là Phật giáo Tây Tạng. Truyền thống Phật giáo này đã tiếp nhận những ảnh hưởng của nền văn hóa và truyền thống Tây Tạng, những yếu tố này hoàn toàn độc lập với đạo Phật. Có rất nhiều điều thực sự thuộc về văn hóa, truyền thống, phong tục của Tây Tạng, và những điều đó không phải thuộc về đạo Phật. Bởi vậy, khi tiếp cận Phật giáo Tây Tạng, bạn cần nhận thức được phần nào là đặc trưng văn hóa Tây Tạng và phần nào là đạo Phật. Tương tự, Phật giáo Ấn Độ cũng chịu những ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Thực chất, Phật giáo ở mỗi nơi đều mang rất nhiều sắc thái văn hóa địa phương. Như vậy, đạo Phật và văn hóa là hoàn toàn tách biệt. 

Đạo Phật là một triết học Bản thân đạo Phật vốn không gắn với một nền văn hóa. Tôi tin như vậy. Và tôi cũng không cho rằng đạo Phật là một tôn giáo. Đạo Phật là một triết học. Đó là lý do vì sao tôi nói nền tảng đạo Phật cần được tạo dựng bên trong bạn nhờ vào chính kiến. Đạo Phật luôn tôn trọng nền văn hóa quốc gia nơi Phật pháp được thực hành. Nhưng các nền văn hóa lại thường không tôn trọng đạo Phật. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, chư tăng vận y theo văn hóa Ấn Độ. Theo giới luật Vinaya (có nghĩa là “giới hạnh của tu sĩ”), chư tăng ni không được phép vận y màu trắng hoặc gần với màu trắng. Tại sao thế? Vì khí hậu ở Ấn Độ rất nóng, do vậy, đa số người dân Ấn Độ mặc đồ màu trắng. Bởi vậy, để phân biệt giữa tăng sĩ với người dân, chư tăng ở Ấn Độ được khuyến cáo vận y màu nâu sẫm, chỉ để nhận biết rằng đó là tu sĩ chứ không phải người thế tục. Chư tăng Ấn Độ được phép vận y màu nâu sẫm, màu cam hoặc màu xanh dương. Những màu sắc này được cho phép trong giới luật. 

Nhưng khi giáo lý về giới luật Vinaya truyền sang Tây Tạng thì lại có thêm một lần sửa đổi. Tại Tây Tạng, tăng sĩ không được phép vận y màu xanh dương vì tại vùng đất này đa số người dân mặc đồ màu xanh dương hoặc những gam màu sẫm để thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh giá. Vì thế, người ta sửa giới luật và quy định tăng sĩ không được vận y màu xanh dương. Vậy là chỉ còn hai màu được phép dùng cho tu sĩ - màu đỏ nâu và màu cam. Vậy bạn nên biết trên bình diện tương đối tất cả đều phụ thuộc vào văn hóa và những gì phù hợp với văn hóa. Chính Đức Phật Thích Ca cũng từng dạy rằng:

“Giáo pháp của ta phải được giảng dậy để phù hợp với chúng dân ở nơi giáo pháp được hoằng truyền”. Bạn biết đấy, đây cũng là chỉ dẫn hoặc dấu hiệu để nhận biết rằng giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp mang tính vũ trụ. Đôi lúc, có những người nhìn thấy một chiếc cặp da, một tấm đệm ghế hay một thứ gì khác có màu nâu hoặc vàng, họ nói: “Đây là màu của Phật và điều này thật cát tường”, do muốn tôi hoan hỉ bởi họ biết tôi là Phật tử. Tất nhiên, tôi mỉm cười và nói: “Cảm ơn bạn”. Song điều này khá buồn cười vì đạo Phật thực sự không có màu sắc nào, và đạo Phật không nên thiên vị bất kỳ màu sắc nào.

Vậy nếu bây giờ bạn nói rằng theo truyền thống đạo Phật bạn phải làm điều này hoặc điều nọ, thí dụ như bạn phải để vai trần thì mới giống một tu sĩ - ở Ấn độ, điều này là lẽ đương nhiên và bạn không cần vận y trên vì thời tiết quá nóng. Nhưng sang tới Tây Tạng, tất nhiên, chính giới luật Vinaya cũng có đôi chút sửa đổi và chư tăng phải vận rất nhiều y, không chỉ phần dưới mà cả phần thân trên. Điều này chỉ được phép ở Tây Tạng, không phải ở Ấn Độ, vì thời tiết Tây Tạng vô cùng lạnh giá. Điều tôi muốn nói ở đây là tất cả các quy tắc về màu sắc, y phục, luận đàm, thực hành nghi quỹ, cách đi đứng, đầu tóc... tất cả những điều phức tạp này đều không thực sự quan trọng. Những thứ đó không phải là đạo Phật. Đó chỉ là yếu tố văn hóa và không thực sự quan trọng, vì chúng không giúp ta tiếp cận tới nền tảng của đạo Phật.

Đạo Phật chân thật không phụ thuộc vào quốc gia, truyền thống và văn hóa Bất kể bạn mang quốc tịch nào hay mặc quần áo màu gì, nền tảng của đạo Phật cần phải được tạo dựng bên trong chính bạn. Điều này có nghĩa là Tâm bạn cần được chuyển hóa. Những chuyển hóa này là dấu hiệu tinh tấn của Tăng sĩ theo Phật. Những dấu hiệu khác nhau mang những ý nghĩa, những tượng trưng khác nhau. Tượng trưng gì vậy? Tượng trưng của Chân lý, tượng trưng cho nguyên lý căn bản của đạo Phật tức là Chân lý. Đó là điều bạn cần hiểu. Tôi nghĩ điều này vô cùng quan trọng để có thể thực hành Phật pháp một cách chân chính. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng dạy rằng Ngài chưa từng thuyết một câu, một từ Pháp nào. Đức Phật cũng dạy nếu ai đó chấp vào sắc cho là thấy Ngài, chấp âm thanh cho là nghe giáo pháp của Ngài thì người này không phải là chân Phật tử. Ngài cũng dạy tiếp rằng, đạo Phật hay triết lý Phật giáo không nên được coi là một văn hóa hay truyền thống cần thuyết giảng. Điều đó nghĩa là cần dẹp bỏ những rào cản giữa chúng ta với đạo Phật. Bạn biết đấy, đây thực sự là rào cản rất lớn. Chúng ta có rất nhiều điều không được làm và cũng có rất nhiều điều phải tuân theo. Và những mâu thuẫn do đó nảy sinh. Mâu thuẫn là do ảnh hưởng của văn hóa. Đạo Phật chân thật không có liên hệ gì với những điều này. Đạo Phật hoàn toàn tự do thoát khỏi tất cả những mâu thuẫn này. Mặc dù lý thuyết này rất đúng, song rất tiếc chúng ta vẫn cần tuân theo những giới luật phức tạp của đạo Phật. Những giới luật khác nhau của Phật tử giúp trưởng dưỡng trí tuệ và lòng bi mẫn. Tôi nói “rất tiếc” vì chúng ta luôn muốn được tự do. Chẳng hạn, chính tôi cũng muốn được thoát khỏi mọi ràng buộc. Tôi không muốn tuân theo kỷ luật. Tôi không muốn phải trì giữ nhiều giới nguyện và muốn được làm bất cứ gì mình thích làm. Nhưng tôi không thể làm như vậy vì khi đó tôi bị chi phối hoàn toàn bởi những xúc tình và phiền não... Vì thế chúng ta cần tạm thời tuân theo một đường lối cụ thể. Trong buổi tối qua, tôi đã dẫn pháp dụ với hình ảnh con thuyền. Để có thể qua sông, nhất thiết cần có thuyền hoặc tàu. Song khi qua sông rồi thì thuyền không còn quan trọng nữa; bạn cũng không còn cần tới thuyền. Bạn có thể đi bộ hoặc dùng xe. Tương tự như vậy, bạn cần hiểu rằng những giới luật phức tạp như “không sát sinh”, “không uống rượu”, “không hút thuốc”, “không làm hại người khác”, “không nói xấu”, “không tham lam”, “hãy từ bi”... cần được thực hành để trưởng dưỡng trí tuệ và lòng bi mẫn. Hai đức hạnh này giống như đôi cánh của loài chim. Nếu muốn bay, chim cần có đủ đôi cánh. Chúng ta chưa từng thấy con chim nào có thể bay chỉ với một cánh. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn là không thể. Tương tự, hành giả phải thực hành cả hai hạnh - trí tuệ và từ bi cùng một lúc.

Phật và đạo Phật cần được khám phá bên trong tâm của chính chúng ta Để kết lại, tôi muốn nói rằng Phật cần được tìm thấy trong tâm và đạo Phật cũng cần được tìm thấy trong tâm ta. Hành động cũng cần được tìm thấy ở trong tâm. Nền tảng của hành động - thiện hạnh - cần được tìm thấy trong tâm. Tất cả những điều này áp dụng cho tâm. Vì thế, tôi chỉ khuyến cáo các bạn trước hết hãy quán chiếu tự tâm xem mình đang thực hành pháp gì; mình đang suy nghĩ gì; mỗi ngày trong tâm mình đang tinh tấn như thế nào. Đây là sự quán chiếu mà bạn nhất thiết cần làm. Điều này rất quan trọng để tạo nên nền tảng của đạo Phật, quan trọng hơn cả việc bạn đã trì tụng được bao nhiêu thần chú hay ngồi kiết già được bao nhiêu giờ. Chẳng hạn như, tôi có thể tọa thiền trong nhiều tháng - bốn hoặc năm tháng - mà không cần duỗi chân, nếu không kể khi cần vệ sinh. Tôi có thể ngồi như vậy vài năm, chẳng có vấn đề gì cả. Lẽ dĩ nhiên, không chỉ tôi mà bất kỳ ai đã tập luyện đều có thể làm như vậy, song đó không có nghĩa là bạn đang thực hành Phật Pháp. Thế ngồi đó không phải đạo Phật.

Thực hành Phật Pháp có nghĩa sự tinh tấn của tâm bạn - bạn đã đạt được gì để trưởng dưỡng tâm từ bi, và hiểu biết của bạn về trí tuệ đã gia tăng như thế nào. Đó mới là những câu hỏi chính để đạt được nền tảng căn bản. Bạn có thể ngồi kiết già bao nhiêu giờ hay đã trì chú được bao nhiêu biến không phải câu hỏi chính. Trí tuệ là con đường và tâm từ bi là bánh xe hay cỗ xe. Hai đức tính này cần được trưởng dưỡng cùng nhau. Bạn cần phải có tâm từ bi và đồng thời cũng cần có trí tuệ, để đại trí tuệ có thể hướng cỗ xe chạy trên con đường. Đại Từ, Đại Bi và Đại Trí Tuệ - tôi cho rằng những điều này là một yếu tố rất quan trọng cho một người để thực tập xây dựng nền tảng của đạo Phật..

Trích từ: Những Hành Giả Yogi của Truyền Thừa Drukpa (sách)

Mục Lục Dòng Truyền Thừa Drukpa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Năm 2019(Xem: 3225)
21 Tháng Mười 2015(Xem: 22510)
Trong số những bài góp ý liên quan đến bài "Về Tôn Xưng "Pháp Vương", chúng tôi nhận thấy cần post lên đây hai bài đáng quan tâm đến vấn đề: một bài gần như đồng quan điểm với những lời phát biểu của quý Hòa thượng lãnh đạo cấp cao Trung Ương Giáo Hội (bài của GSTS. Trần Kiêm Đoàn) và bài kia, dù được loan tải trên kênh chính thức của giáo hội nhưng lại có những quan điểm trái chiều (bài của Cư sĩ Giới Minh)
16 Tháng Chín 2015(Xem: 8623)
Được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo Hội Phật giáo, vào dịp kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới (21/9), Phật tử và người dân Việt Nam
14 Tháng Tư 2015(Xem: 9206)
Cuốn Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại có bản quyền thuộc về Nhà xuất bản Penguin. Tác phẩm này là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới ngay từ lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 2012, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng ở khoảng 20 quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Italy, Trung Quốc... Đây là lần đầu tiên sách phát hành tại Việt Nam
24 Tháng Chín 2013(Xem: 8634)
19 Tháng Tư 2013(Xem: 12513)