Ý Nghĩa Lễ Quán Đỉnh Changwa - Chuyển Di Tâm Thức Cầu Siêu Độ Cho Chư Hương Linh Theo Truyền Thống Kim Cương Thừa

25 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 13535)

Ý NGHĨA LỄ QUÁN ĐỈNH CHANGWA 
Chuyển di tâm thức cầu siêu độ 
cho chư hương linh theo truyền thống Kim Cương Thừa


Nhân sự kiện Đại đàn cầu siêu theo nghi lễ truyền thống Kim Cương thừa tại chùa Quang Ân, thành phố Hà Nội vào ngày 27 tháng 11 dương lịch được cử hành bởi Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche, Drukpa Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cho quý Phật tử gần xa về ý nghĩa nghi thức cầu siêu theo truyền thống này.

Nghi thức Quán đỉnh Changwa Chuyển di tâm thức (siêu độ cho chư hương linh) của Kim Cương Thừa không chú trọng đến việc đọc sớ hay đốt vàng mã cho hương linh, mà chú trọng đến sự khai ngộ của họ. Các bậc Thầy liên tục an trụ trong tâm từ bi, trí tuệ để hướng dẫn khai thị trợ giúp cho chư hương linh biết đường hướng mà đặt chân cất bước, chọn cho mình một kiếp sống tương lai tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Cầu siêu là nhu cầu tâm linh vô cùng cần thiết trong nền văn hoá tôn giáo các nước Á Đông, đặc biệt ở đất nước Việt Nam chúng ta – đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, máu của biết bao người đã đổ, vô số người đã ngã xuống, hy sinh bảo vệ nền hoà bình cho dân tộc. Bên cạnh đó cũng biết bao hương hồn của những kẻ tha hương đành bỏ thân nơi đất khách, lang thang mãi không biết nẻo về. Cổ nhân có câu “âm siêu dương thái”, chúng sinh cõi âm có siêu thoát thì mới hy vọng cõi dương được thịnh vượng an khang. Bởi thế lễ cầu siêu độ là nghi lễ tâm linh vô cùng ý nghĩa và quan trọng.

Trong truyền thống Kim Cương thừa, lễ Quán đỉnh Changwa Chuyển di tâm thức (cầu siêu) thường được các bậc Thầy Kim Cương Thượng sư thực hiện một cách vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng và cẩn thận. Ngoài các nghi lễ triệu linh tiếp linh, tắm vong thông thường, hương linh được triệu thỉnh đến trước đàn tràng, nhờ năng lực quán tưởng của thượng sư, chư hương linh được thực hành tịnh hoá, sám hối tất cả những tội chướng lầm mê từ vô thủy kiếp, bao tội chướng của hương linh được làm tượng trưng thành hình bò cạp bằng mè đen… và một phần được đốt trong lửa trí tuệ, một phần được bỏ trong nước từ bi. Sau khi đã tịnh hoá xong, bậc Thượng Sư thực hành nghi lễ triệu thỉnh và cúng dường đức Phật A Di Đà để cầu xin trao truyền tứ quán đỉnh cho chư hương linh, nhờ vậy chư hương linh sẽ được vãng sinh Tịnh Độ.

Trong một đại lễ Quán đỉnh Changwa chuyển di tâm thức, Kim Cương Thượng Sư cử hành nghi thức chuyển di tâm thức cho các chư Hương linh. Không chỉ kinh điển Đại thừa, Kim Cương thừa mà ngay cả trong Phật giáo Nguyên thủy đều nói về thân trung âm, ví dụ như kinh A Di Đà, đều chỉ dạy rằng những chúng phạm trọng nghiệp ngay khi dứt hơi thở sẽ phải đọa ngay ba đường ác, còn những ai tích lũy nghiệp công đức và thiện nghiệp vừa khi nhắm mắt qua đời sẽ lập tức vãng sinh Tịnh độ hoặc đạt thành giác ngộ. Tuy nhiên, đa số hữu tình khi lìa trần đều phải trải qua giai đoạn bardo (trung ấm). Giáo lý Kim Cương thừa dạy rằng, ở trạng thái trung ấm, trong vòng 49 ngày sau khi một người vừa qua đời, họ sẽ phải trải qua rất nhiều điều, rất nhiều trải nghiệm khác nhau, và tiếp xúc với rất nhiều bản tôn. Nhưng do thiếu tu tập thực hành quán tưởng chư Phật để nhận ra được chư Phật hay tự tính tâm thanh tịnh của mình, nên mặc dù có rất nhiều chư Phật An bình và Phẫn nộ xuất hiện trong trạng thái trung ấm để dẫn dắt giải thoát cho họ, vì quá sợ hãi họ lại thường chạy trốn, không nhận ra được đó là chư Phật thị hiện để cứu giúp mình. Do đó, hầu hết mọi người cho tới ngày thứ 49 đều tái sinh vào sáu đạo luân hồi, nhưng cũng có nhiều trường hợp họ bị kẹt ở lại trong trạng thái trung ấm không thể siêu thoát hàng vô lượng kiếp.

Trong Kim Cương thừa dạy rằng khi bị kẹt trong trạng thái trung ấm, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, buồn khổ, tham chấp, sân hận và hối tiếc về những kiếp sống đã trôi qua. Họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, uất hận và đau đớn khổ sở. Thông qua các pháp tu Bản tôn A Di Đà Phật, Bất Động Phật, Bản tôn Quán Âm trong Kim Cương thừa, nương nhờ hồng ân Tam Bảo, nương theo giáo pháp chân thực và năng lực quán tưởng chư Phật Bản tôn, một bậc Thượng sư đã thực chứng Đại định A Di Đà hoặc thành tựu bất kỳ pháp môn nào khác, trong khi nhập Đại định, Ngài có khả năng dẫn dắt thần thức của những vong linh đang phải gánh chịu khổ đau trong trạng thái trung ấm tới trước mặt mình và ban dạy giáo pháp về vô thường, khai thị cho họ biết chính tâm tham chấp của họ với kiếp sống trước đây khiến họ bị kẹt trong trung ấm không thể siêu thoát.

Kinh điển cũng dạy rằng, trong trạng thái trung ấm, vong linh trở nên vô cùng thông minh hơn chín lần khi họ còn sống, có rất nhiều năng lực thần thông như có thể đọc được tâm của người khác, có thể biết được gia đình quyến thuộc có thực sự yêu thương họ không hay lại vui sướng trước cái chết của họ. Vì thần thức quá linh thông, họ lại càng đau đớn khổ sở hơn khi biết rằng những người thân của họ không thực sự quan tâm đến cảnh khổ của họ. Ngay lúc này, nếu có bậc Thượng sư giác ngộ với tâm đại từ đại bi khai thị giáo pháp và gia trì thì sẽ lợi lạc vô và khiến các vong linh tức thời được siêu thoát.

Trong Đại lễ Quán đỉnh Changwa, khi thực phẩm cúng dường được hóa thì mặc dù lúc này vong linh không còn thân vật lý nữa nhưng mùi hương được gia trì chân ngôn của chư Phật, Bồ tát và công đức được đem hồi hướng cho vong linh sẽ giúp làm tan biến cơn đói khát của họ. Sau lễ quán đỉnh cho vong linh, bậc Kim cương Thượng sư sẽ khai thị giáo pháp và dẫn dắt thần thức vãng sinh miền Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

Trong đàn tràng còn sử dụng những biểu tượng của đất, nước, gió, lửa, để Kim Cương Thượng sư khai thị cho chư hương linh đừng bám chấp vào thân thể của kiếp sống vừa qua. Bởi vì nếu có sự bám chấp nặng nề vào bản ngã hay vào thân thể vật lý thì chư hương linh sẽ vô cùng khó khăn trong giai đoạn thân trung ấm, có những trường hợp vì quá bám chấp, chư hương linh có thể đoạ trong cảnh giới quỷ đói hàng ngàn năm chưa biết đến ngày nào ra khỏi. Điều quan trọng là vị Thượng Sư phải an trụ trong định để tiếp cận và khai thị giúp đỡ chư hương linh thoát khỏi sự bám chấp, lầm mê. Chính vì vậy phần cuối của nghi thức,tên và di ảnh của chư hương linh được hóa và sau đó được ban gia trì bằng nước cam lồ và chân ngôn Phật A Di Đà, điều này giúp chư hương linh nhận rõ bản chất vô thường của cuộc sống, sinh rồi tử, thân thể của họ, tên tuổi của họ đã thực sự tan biến trong ánh lửa tam muội giác ngộ, nhờ vậy chư hương linh nhẹ nhàng từ bỏ mọi sự bám luyến buộc ràng dễ dàng siêu thoát. Cuối cùng, bậc Kim cương Thượng sư cử hành pháp chuyển di tâm thức có công năng dẫn dắt, chuyển hóa thần thức của vong linh dung nhập vào tự tính tâm của Bản tôn A Di Đà. Kinh điển dạy rằng, trong số các cảnh giới Tịnh độ của chư Phật, nương nhờ đại nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, vãng sinh cõi Tịnh độ của Ngài là dễ dàng hơn cả với điều kiện nếu các hương linh không phạm năm tội vô gián.

Nghi thức Quán đỉnh Changwa chuyển di tâm thức cầu siêu độ chư hương linh của Kim Cương Thừa không chú trọng đến việc đọc sớ hay đốt vàng mã…cho hương linh, mà chú trọng đến sự khai ngộ của họ. Nên các bậc Thầy liên tục an trụ trong tâm từ bi, trí tuệ để hướng dẫn khai thị trợ giúp cho chư hương linh biết đường hướng mà đặt chân cất bước, chọn cho mình một kiếp sống tương lai tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Theo lời đức Phật dạy, mười pháp giới đều do tâm biến hiện. Tâm mê thì cảnh giới khổ đau hiện bày, tâm giác thì Niết Bàn an lạc hiện tiền. Chỉ vì từ vô thuỷ kiếp mê muội nên trôi lăn trong sáu đạo luân hồi, lúc sống thì bám chấp thân người, khi chết thì bám chấp vào ma cảnh, chính vì vậy luân lạc khổ đau không biết đâu là đầu mối. Nay may mắn nương nhờ ân đức gia trì, nhờ trí tuệ lực, từ bi lực và định lực của Kim Cương Thượng Sư khai mở tuệ giác giúp chư hương linh nhất thời khai ngộ trở về với Giác Tính của chính mình.

Trong một đại đàn lễ cầu siêu của Kim Cương Thừa còn có những nghi thức vũ điệu triệu thỉnh Tứ đại Kim Cương Hộ Pháp kết giới, gia trì cho đàn tràng thành cảnh giới Mandala Tịnh Độ, nhờ vậy chư hương linh được cảm ứng với những năng lượng linh thiêng, thanh cao mà dễ dàng siêu thoát.

Theo giáo pháp Kim Cương thừa, nếu một người được thọ nhận và trì giữ giới Bồ tát, rồi chuyên cần tu tập thực hành quán tưởng cõi Tịnh độ Phật A Di Đà, luôn trì niệm chân ngôn A Di Đà: Om Ami Dewa Shri hay Om Amitabha ít nhất một trăm biến mỗi ngày, thì khi người đó lâm chung nhất định Đức Phật A Di Đà sẽ thị hiện tiếp dẫn bạn về miền Tịnh thổ của Ngài. Nếu hành trì được như thế, hành giả không những được vãng sinh Tịnh độ mà thực chất là bạn trực nhận bản tâm và dung nhập trở thành bất nhị với Đức Phật A Di Đà. Giáo pháp này được trao dạy cho vong linh người đã mất. Và nếu họ được một bậc đại Thượng sư khai thị thì chắc chắn ít nhất là họ sẽ được vãng sinh Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà hoặc các miền Tịnh độ khác nếu đó là bậc A la hán hoặc Bồ tát ở ngôi thứ nhất. Bằng không, vong linh sẽ khó có thể vãng sinh Cực lạc.

Với lòng từ bi vô lượng thấu rõ hoàn cảnh từng kinh qua chiến tranh, thiên tai ở Việt Nam, Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đã nhận lời khai mở Đại đàn cầu siêu theo nghi lễ truyền thống Kim Cương thừa tại chùa Quang Ân, thành phố Hà Nội vào ngày 27 tháng 11 dương lịch. Quả thật là một thiện duyên hy hữu cho những Phật tử tham dự được Đại đàn cầu siêu dưới sự hướng đạo trực tiếp của Đức Nhiếp Chính Vương tại một địa điểm linh thiêng và trang nghiêm như chùa Quang Ân, để cùng cầu nguyện âm siêu dương thái pháp giới chúng sinh đồng an vui giải thoát, đồng thành Phật đạo, và đây cũng chính là cách báo hiếu lên cửu huyền thất tổ một cách thiết thực và sâu sắc nhất.

Tác giả: Vô Úy
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Năm 2019(Xem: 3225)
21 Tháng Mười 2015(Xem: 22510)
Trong số những bài góp ý liên quan đến bài "Về Tôn Xưng "Pháp Vương", chúng tôi nhận thấy cần post lên đây hai bài đáng quan tâm đến vấn đề: một bài gần như đồng quan điểm với những lời phát biểu của quý Hòa thượng lãnh đạo cấp cao Trung Ương Giáo Hội (bài của GSTS. Trần Kiêm Đoàn) và bài kia, dù được loan tải trên kênh chính thức của giáo hội nhưng lại có những quan điểm trái chiều (bài của Cư sĩ Giới Minh)
16 Tháng Chín 2015(Xem: 8624)
Được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo Hội Phật giáo, vào dịp kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới (21/9), Phật tử và người dân Việt Nam
14 Tháng Tư 2015(Xem: 9206)
Cuốn Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại có bản quyền thuộc về Nhà xuất bản Penguin. Tác phẩm này là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới ngay từ lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 2012, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng ở khoảng 20 quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Italy, Trung Quốc... Đây là lần đầu tiên sách phát hành tại Việt Nam
24 Tháng Chín 2013(Xem: 8634)
19 Tháng Tư 2013(Xem: 12513)