12. Cố Ám Sát

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 8056)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

XII

 CỐ ÁM SÁT

 

Bấy giờ có một Lạt-ma tên là Tsaphuwa với danh hiệu Geshe, danh hiệu chứng tỏ nhiều thành đạt của hàng cao cấp; trước khi Milarepa đến Brin, ông đã giữ địa vị hàng đầu trong sự tôn kính và trọng vọng của người dân Brin. Ông ta giả vờ kính mến Milarepa rất nhiều, trong khi lòng ông ta thật sự ganh tị với Milarepa. Ông ta đã làm theo thói quen, đặt những câu hỏi hóc búa với Milarepa giữa nơi công cộng, giả vờ vì ham hiểu biết. Nhưng thật ra ông ta cố gắng bắt chẹt Milarepa làm như Milarepa là một người ngu. Dĩ nhiên, việc này ông ta không bao giờ thành công.

Bây giờ là mùa thu, Milarepa được mời dự một buổi lễ thành hôn quan trọng và ông cũng được mời ngồi ở chỗ trọng vọng hơn tất cả những người khác. Vị Geshe được mời ngồi kế chỗ của Milarepa, như thế vì lịch sự vị Geshe bước đến cúi đầu chào Milarepa, mong ông đứng dậy nhường chỗ cho mình. Nhưng Đạo sư của chúng tôi không bao giờ cúi đầu làm lễ với bất cứ người nào ngoại trừ Đạo sư của ông và bây giờ cũng không ngoại lệ. Vì thế vị Geshe tức giận vô cùng vì ông ta đã chấp nhận Milarepa ở bậc cao hơn ông ta giữa công chúng. Ông ta công kích sự thiếu kiến thức hàn lâm của địch thủ bằng tên tuổi và danh vọng của mình. Ông ta cương quyết chứng tỏ rằng ông ta ở bậc cao hơn ở trước mặt tất cả những người khách trong bữa tiệc.

Vì thế ông ta lấy một quyển sách từ trong chiếc áo cà sa ông đang mặc ra và nói: “Ồ Milarepa, xin ngài vui lòng cùng tôi thông qua tập sách này và giải nghĩa hộ tôi một vài điều tôi không hiểu được.”

Nhưng Thầy chúng tôi đã biết rõ những gì đang diễn ra trong tâm kẻ khác nên đáp:

“Sự chuyên môn của ngài đủ để hiểu ý nghĩa từng chữ trong cuốn sách đó nhưng không đủ hiểu nó trọn vẹn – vì rằng ngài phải nhổ được rễ của Tám Tham Vọng Thế Gian, phải chế ngự được niềm tin nơi cái ngã của ngài, và phải tự chinh phục chính ngài bằng thiền định trong cô tịch. Tôi không bao giờ nghiên cứu sự quỉ biện của lời nói hay học thuộc lòng những câu hỏi và những câu trả lời trong sách để xoa dịu đối thủ của tôi, vì nó chỉ đưa đến sự rối loạn tâm trí và không phải là con đường để đưa đến Chân lý. Bây giờ xin hãy nghe đây!” Và Milarepa hát một bài hát trình bày phương tiện đã đưa ông đến sự chứng ngộ Nhất thể của vạn hữu, hủy diệt ý nghĩ sai lầm mà chúng ta chấp giữ: “tôi” và “anh,” sự tương đãi chủ khách thực sự không hiện hữu. Ông hát:

 

 “Vì tâm ta tràn đầy chân lý

 nên không có phiền não.

Bởi chiêm nghiệm Từ Bi lâu,

ta quên sự phân biệt giữa ta và người;

Bởi suy nghĩ đến Đạo sư ta lâu,

ta quên uy lực thế gian,

Bởi thiền định về các Thần Thủ hộ lâu,

ta quên ta mang thân người;

Bởi thiền định các Chân lý Khẩu truyền lâu,

ta quên những gì thấy trong sách vở.

Bởi nghiên cứu Khoa học Chân lý lâu,

Ta đã quên tri thức xây trên Vô minh.

Bởi chiêm nghiệm Ba Thân lâu,

ta đã quên thế nào là hy vọng và sợ hãi,

Bởi quen nghiên cứu cô tịch lâu,

ta đã quên làm sao nhờ người hỏi xin lời khuyên của người khác;

Bởi quen áp dụng kinh nghiệm vào sự trưởng thành tâm linh từng bước,

ta đã quên tín điều và giáo điều;

Bởi thiền định về Tuyệt đối lâu,

ta đã quên các đối tượng kém hơn;

Tâm ta thong dong từ lâu,

ta đã quên ước lệ và tập tục;

Bởi quen với khiêm tốn của thân tâm lâu,

ta đã quên những lối kiêu căng, cường dũng;

Bỏi quen coi thân như am tu lâu,

ta đã quên sự dễ dãi và tiện nghi của đời sống chùa chiền;

Bởi quen với ý nghĩa Phi thế gian lâu,

Ta đã quên ngữ pháp và từ nguyên học.

Hỡi ngài, bậc học thức uyên bác, cầu mong ngài

Hãy theo đuổi điều này trong những việc làm tiêu chuẩn thông thường.”

 

Vị Geshe lạnh lùng nói:

“Đối với một hành giả Du già, điều đó rất hay, nhưng một đề tài tôn giáo như thế không chứng tỏ được kiến thức uyên thâm. Tôi cúi đầu lễ ngài vì tưởng ngài là bậc cao sĩ bác học, hỡi ôi, đâu ngờ không phải vậy.”

Tuy nhiên, việc này đã làm những người khách khác, nhất là những người theo ông ta, đứng dậy phản đối, họ trách mắng ông ta rằng:

“Này Geshe, dù ông học rộng đến đâu và dù cho toàn thể thế giới này có nhiều đến đâu những người như ông, tất cả góp lại cũng không bằng một sợi lông trên thân thể của Milarepa, và cũng không thể làm đầy lỗ chân lông ấy. Tốt hơn ông hãy thỏa mãn với chiếc ghế dành cho ông, chiếc ghế đó còn cao hơn tất cả chúng tôi, và hãy tiếp tục làm giàu bằng cách cho vay nặng lãi của ông đi. Về phần tôn giáo, hương thơm của nó sẽ không thấm tí nào vào người ông đâu.”

Lời nói thẳng thừng này làm cho vị Lạt-ma nổi giận nhiều hơn, nhưng mọi người hoàn toàn đồng ý chống lại ông ta, khiến ông ta phải ngậm hờn rút lui trong im lặng, và tự nghĩ: “Milarepa là một tên ngu dốt; hắn xử sự một cách quái gỡ, hắn phá mình nhiều chuyện, và hắn còn có khuynh hướng phá hoại Phật giáo nữa. Hắn lừa dối người ta bằng cách gạt họ để lấy tặng phẩm; còn ta là người giàu nhất và có thế lực nhất trong toàn vùng này, lại bị coi là còn kém hơn con chó, khinh khi những thành đạt của ta.Ta phải làm một cái gì để trả thù vụ này mới được!”

Vì thế ông ta chọn một trong những tình nhân của mình và hứa cho người người ấy một viên ngọc bích nếu bà ta cho Milarepa ăn một chút sữa đặc có tẩm độc. Bà ta tìm được Milarepa ẩn tu trong cốc của ông và dâng lên ông một đĩa sữa đặc. Nhưng Milarepa có tha tâm thông thông đọc được ý nghĩ của người khác một cách dễ dàng, và ông đã biết bà ta đang làm gì, ngay cả việc bà ta sẽ được hối lộ một viên ngọc bích khi nào ông ăn đĩa sữa đặc bà ta dâng. Hơn nữa, ông còn biết rằng chính mình, hầu như đã hoàn tất phận sự của mình và chẳng bao lâu nữa ông sẽ nhập diệt, dù có bị đầu độc hay không. Ông đã biết rõ như vậy nên nói với người tình nhân của vị Geshe rằng:

“Bần tăng không ăn ngay bây giờ được. Xin hôm sau hãy đem lại và bần tăng sẽ ăn cho.”

Người đàn bà sợ hãi, tin chắc rằng Milarepa có thể đọc được ý nghĩ của mình, vì thế bà ta trở về thuật lại những gì đã xảy ra chi vị Geshe nghe. Bà ta nói rằng Milarepa, bằng thiên nhãn thông, đã biết rõ âm mưu chống ông ta.

Tuy nhiên vị Geshe không tin địch thủ của mình có những năng lực như thế và nói với người tình nhân, thúc giục rằng, nếu ông ta biết như vậy, ông ta đã bắt bà ăn đĩa sữa để chứng minh bà ta [âm mưu], mà ông sẽ không bảo bà ta hôm sau mang lại. Rồi vị Geshe tặng viên ngọc bích để khuyến khích người tình nhân và yêu cầu bà ta mang thức ăn đến dang cho Milarepa một lần nữa.

Nhưng người đàn bà sợ hãi, biện bạch:

“Người ta nói Milarepa có phép thiên nhãn thông, tôi chắc rằng ông ta từ chối đồ ăn là chứng minh nó có độc. Chắc chắn ông ta sẽ từ chối lần thứ hai. Tôi không cần viên ngọc của ông đâu. Đi nữa tôi sợ lắm, tôi không đi đâu.”

Nhưng vị Geshe vẫn nhất định không lùi bước, ông ta nói một cách khinh thị:

“Những người tầm thường tin như thế, nhưng họ là những kẻ thất học và dễ bị hắn lừa. Hắn không giống như những người có thiên nhãn thông mà em thấy miểu ta trong Kinh điển đâu, anh quả quyết như vậy. Này, nếu em tìm cách nào đó cho hắn ăn, anh sẽ cưới em làm vợ riêng; rồi em không những chỉ được viên ngọc mà tất cả của cải của anh cũng thuộc về em. Chúng ta có nhiều ác cảm với hắn, như thế lần này em chắc thành công.”

Miếng mồi nhử này đủ cho người đàn bà đó mang đĩa sữa đặc có tẩm độc đến cho Thầy chúng tôi một lần nữa. Lần này, Milarepa cầm lấy đĩa sữa với nụ cười trên môi và nói một cách bất ngờ:

“Bà đã được viên ngọc bích để làm việc này rồi!”

Câu nói này làm người đàn bà khốn nạn khiếp sợ. Vì hối hận quá sức, bà ta ngã nhào xuống dưới chân ông khóc nức nở kể rõ đầu đuôi câu chuyện, xin ông đừng ăn đĩa sữa và hãy trả nó lại cho bà để bà ăn cho đáng tội lỗi quá lớn của bà.

Milarepa ôn tồn nói:

“Bần tăng không thể làm như vậy. Bần tăng rất thương xót cho nữ đàn việt; nếu bần tăng làm thế, sẽ trái với hạnh nguyện bồ-tát của bần tăng và bần tăng cũng sẽ thọ hại tinh thần. Cũng chẳng có gì kỳ lạ, vì thọ mạng của bần tăng đã mãn, dù sao cũng đã đến lúc bần tăng từ giã nơi đây để về thế giới khác. Không phải thuốc độc của nữ đàn việt tác hại gì cho bần tăng đâu. Bần tăng từ chối lần đầu chỉ để cho nữ đàn việt có cơ hội lấy được viên ngọc bích hối lộ mà thôi. Bây giờ bần tăng sẽ ăn đĩa sữa độc này để thỏa mãn vị Geshe và để ông ta khỏi lấy lại viên ngọc của nữ đàn việt. Nhưng về những lời hứa kia của ông ta, nữ đàn việt chớ tin, vì nếu tin nữ đàn việt sẽ thất vọng…Và cũng đừng tin bất cứ lời nào ông ta nói về bần tăng. Sẽ đến lúc cho ông ta và nữ đàn việt ăn năn hối hận cho ngày hôm nay. Đến lúc đó, nữ đàn việt hãy thành thật ăn năn và tu hành sùng mộ; dù cho nữ đàn việt không làm được như thế, ít nhất cũng nên tránh làm những chuyện tội ác như thế này, dù cho sinh mạng của nữ đàn việt ở trong tình trạng nguy hiểm. Hãy thành tín cầu nguyện cho bần tăng và các đệ tử của bần tăng, bởi vì vẫn còn nhiều nhiều kiếp nữa trước khi nữ đàn việt và ông chủ của nữ đàn việt được tái sinh nơi cõi hạnh phúc khác. Bần tăng sẽ biết làm gì để giúp đỡ nữ đàn việt. Nhưng khi bần tăng còn sống, nữ đàn việt hãy giữ kín chuyện này; dĩ nhiên sau này mọi người sẽ biết. Có thể nữ đàn việt không tin hết tất cả những gì bần tăng nói, nhưng về chuyện này nữ đàn việt sẽ biết rõ sự thật của những lời bần tăng nói với sự kính trọng đối với nữ đàn việt. Vì thế, nữ đàn việt hãy giữ kín trong lòng để chờ mọi việc xảy ra.”

Người đàn bà trở về kể tất cả mọi việc cho vị Geshe nghe, nhưng ông ta dửng dưng nói:

“Mọi việc nói ra không nhất thiết phải đúng. Hắn đã ăn độc dược, thế đủ rồi. Bây giờ chúng ta hãy xem. Và em hãy nhớ kín miệng đấy nhé.”

Milarepa biết rằng mình sắp phải từ giã thế giới này nên đã gửi thông điệp đến những người quen biết và tin ông để họ mang phẩm vật cúng dường đến thăm ông lần cuối. Và cũng mời một số rất đông những người, cả nam lẫn nữ, chưa bao giờ có dịp gặp ông. Tin này cũng truyền đến tất cả các đệ tử của ông vì thế đã có một cuộc hội họp hùng hậu của kẻ xa người gần, cả nam lẫn nữ, được khai thị hay chưa được khai thị, bạn bè và khách lạ. Và Milarepa giảng về Chân lý, Hiện tướng và Thực tướng, cho mọi người nghe.

Nhiều ngày như thế trôi qua, những người lợi căn đã hiểu được nhiều hiện tượng tâm linh. Cũng có một cuộc hội họp khác của chư thiên ở trên trời đang chăm chú lắng nghe, và niềm hân hoan của các bậc thiên thần này đã truyền xuống những người ở dưới lắng nghe. Và với tất cả những hiện tượng thứ yếu tạp đa như cầu vồng, những đám mây sặc sỡ với nhiều hình dạng khác nhau giống như những chiếc áo giáp, những cờ phướn, đều có thể thấy được; những bông hoa từ các cõi trời rơi xuống, âm nhạc thanh nhã, hương thơm ngạt nào nhuần thấm mọi nơi. Những người đã phát triển cao độ có thể nhìn thấy chư thiên hội họp tham hỏi bậc Đạo sư làm sao có sự cảm thông nhất thể như thế giữa chư thiên và những người ở trần gian, và tại sao những dấu hiệu nhỏ bé hơn mà tất cả có thể thấy được cũng đã hiện rõ.

Milarepa đáp:

“Có rất ít người linh tánh đã được khai mở hoặc nơi những người đã được bí truyền hoặc những người chưa được bí truyền và lại có những chúng sinh cõi trên nhiệt thành muốn nghe giảng Pháp và họ tràn ngập niềm vui bất cứ khi nào họ được nghe Pháp, họ đang dâng tặng vật chúc tụng tôi. Đó là niềm vui của họ rọi sáng xuống tất cả mọi người nên các ông có thể tiếp xúc và ý thức được.”

Một người hỏi:

“Bạch thầy, tại sao quá ít người trong chúng con có thể thấy được các Bậc này? ”

Milarepa đáp:

“Nếu các anh nuốn thấy những người đã đạt đến cảnh giới khai ngộ nhờ đó họ không còn tái sinh trên Trái đất này nữa thì chính các anh phải được ban cho một cái thấy hoàn hảo, và đây không chỉ có nghĩa là phải có nhiệt tâm sùng mộ mà còn phải thoát khỏi hai ngụy thuyết căn bản của những tư tưởng con người: tin vào Thực tại của những gì chỉ thuộc về Hiện tượng và tin vào sự hiện hữu của Bản ngã. Vì thế những hành vi thiện phải nhiều hơn ác nghiệp, và rồi các anh có thể thấy chính mình hòa vào Tâm Thanh Tịnh.” Và ông lại cất tiếng hát để làm sáng tỏ điểm này và giúp cho mọi người nhớ. Chủ đề của bài hát là con đường theo đó người ta phát triển năng lực để thấy được các Bậc Cõi Trên:

 

 Bởi vì ác nghiệp mà con người, hầu như từ lúc mới sinh ra,

 lại sa vào tội lỗi, và con tệ hơn nữa là họ vui vẻ trong đó,

 như thế họ mắc phải ác nghiệp nhiều hơn.

 Song ác nghiệp có thể tiêu trừ được phần nào

 do ước nguyện làm điều thiện.

 Nhưng những kẻ phạm tội một cách có suy tính

 bán quyền sinh ra làm người của họ

 Để mua một mớ cháo đặc hỗn độn của súc vật ăn.

 Những người không có ý nghĩ rõ ràng về Mục đích,

 Tự cho có đủ sức làm hướng đạo hay thầy hướng dẫn kẻ khác,

 Như thế không những họ hại đệ tử của họ mà còn hại chính họ nữa.

 Để tránh tự làm khổ chính mình, đừng làm hại kẻ khác.

 Sám hối và thú nhận tội lỗi dưới chân Đạo sư

 và quyết tâm không tái phạm là cách đền tội chắc chắn nhất.

 Tuy nhiên, những người phạm tội,

 tâm hay mục đích không ổn định

 vì phần đông đều khôn lanh,

 Họ bị khoái lạc thế gian trói buộc và không cần tôn giáo;

 Điều này chứng tỏ họ chìm đắm trong bùn lầy tội lỗi.

 Vì thế hãy để mỗi người trong các anh bắt đầu cuộc đền tội của mình,

 rồi các anh sẽ thấy chư Thiên bây giờ đang lũ lượt đến trên trời,

 Các anh cũng sẽ thấy chân tánh của tâm và sẽ giác ngộ

 Tánh Đồng nhất của Pháp giới, Thị kiến Vô biên,

 Vòng Sanh-tử và Cảnh giới Tự do.

 Rồi ác nghiệp của mình sẽ chấm dứt.”

 

Bài hát này đã gây ít nhiều ảnh hưởng đến những người có mặt tùy theo căn cơ của họ. Những người có căn cơ cao nhất hốt nhiên thức ngộ Chân lý nhanh như chớp và được Giải thoát ở đó và lúc ấy. Những người kém hơn cũng kinh nghiệm được An Lạc mà trước giờ họ chưa từng có. Không ai không cảm thấy ao ước được Giải thoát lần đầu tiên trong đời họ.

Rồi Milarepa lại nói:

“Tất cả mọi người ở đây hôm nay đều có thiện nghiệp tích lũy từ các đời trước và bây giờ được cùng nhau nơi đây vì có một mối duyên thanh tịnh thánh thiện giữa chúng ta. Bây giờ tôi đã già và không có gì bảo đảm rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau trong đời này. Vì thế tôi cầu mong các người hãy nhớ những bài thuyết giảng của tôi và hãy tận dụng khả năng của mình thực hành theo những lời dạy đó. Nếu các người làm được như thế, thì bất cứ ở cõi nào tôi cũng có thể viên thành Phật quả. Các người sẽ là những người đầu tiên được những Chân lý tôi sẽ giảng dạy. Hãy an ủi bằng ý nghĩ này.”

Bây giờ những người Nyanam nghe những lời đó, họ muốn cung thỉnh Milarepa đến xứ họ để nhập diệt, hay ít nhất là đến viếng thăm lần cuối. Những người Tingri cũng vậy. Nhưng Milarepa đáp rằng ông đã quá già yếu không thể đi đâu xa được và ông muốn nhập diệt nơi ông đang ở. Ông nói:

“Vì thế, các người hãy từ giả tôi mà trở về quê hương đi. Sau này chúng ta sẽ gặp lại nhau.”

Rồi họ xin Milarepa ban phước lành cho quê hương họ và nững nơi mà ông đã từng viếng để tạo ước vọng tốt nhất cho mọi người ông đã từng gặp và những người đã từng nghe ông giảng dạy; tóm lại, là cho tất cả chúng sinh.

Milarepa đáp:

“Tôi xin cảm tạ các người vì đã trọn tin nơi tôi, và cũng vì cách các người đã luôn cung cấp cho tôi những thứ cần thiết của sự sống. Về phần tôi, tôi đã bày tỏ những gì tôi cảm thấy về các người bằng cách giảng dạy và chúc lành cho các người, như vậy mối duyên giữa chúng ta được bền chắc. Và bây giờ thấy rằng tôi là một hành giả Du già đã đạt được Giác ngộ, bổn phận của tôi là ban phước và chúc lành cho các người được hạnh phúc, cả tinh thần lẫn vật chất.”

Rồi Milarepa hát một tán ca để tỏ lòng biết ơn và ban phước, diễn ta niềm hy vọng rằng tất cả những người có thể nghe hay đọc được về cuộc đời của ông sẽ xúc động và cùng nhau tu hành, và cuối cùng Giải thoát có thể đến với tất cả chúng sinh, đến cả với côn trùng nhỏ bé nhất!

Bây giờ đại hội đã được an ủi nhiều và giải tán, nhưng những người ở Brin cung thỉnh Milarepa giảng cho họ. Và ông đã giảng cho họ một thời gian. Một hôm ông nói:

“ Ai còn bất cứ câu hỏi nào hay vấn đề gì cần minh bạch, hãy trình bày ngay bây giờ vì tôi không còn sống được bao lâu nữa.”

Người ta đã sửa soạn ngay một buổi lễ puja đặc biệt, và tất cả những vấn đề khó khăn đã được Milarepa giải đáp rõ ràng. Sau đó, hai đệ tử thân cận nhất đến hỏi ông:

“Bạch thầy, nghe những lời thầy nói, chúng con sợ rằng thầy định nhập diệt. Chắc thọ mệnh của thầy chưa thể chấm dứt được phải không, thưa thầy?

Milarepa đáp:

“Cả thọ mệnh và năng lực chuyển hóa người khác của thầy đã hết. Vì thế bây giờ, vì thầy đã sinh nên phải chết.”

Vài ngay sau dường như ông bị bệnh và tức khắc một đệ tử trưởng tràng bắt đầu sửa soạn lễ cầu an nhân danh ông với những Năng lực Thần thông sẵn có và cầu xin ông uống thuốc cho lành bệnh. Nhưng Milarepa đáp rằng bệnh của một hành giả Du già sẽ là một thúc giục điều động hành giả và những lời cầu nguyện sẽ không đem lại sự bình phục nào cả. Hành giả sẽ dùng cơn bệnh để tiến hành về mặt tinh thần và bao giờ cũng sẵn sàng cho đau khổ và ngay cả cái chết nữa. Nhưng theo lời dạy của sư ông Marpa, chính hành giả Du giả biết tất cả những phương pháp chế ngự cơn bệnh của mình mà không cần người khác cầu xin gì cả. Ông nói:

“Đến lúc, khi thân mà nó có tâm tiến hóa chỉ phải hòa vào Cõi Ánh Sáng và điều này chẳng cần một nghi lễ nào cả. Những người thế gian đã chồng chất ác nghiệp cho chính họ bằng những hành động sai lầm, tự nhiên họ muốn trì hoãn ngày chết của họ bằng thuốc men, vật hiến tế, và những lời cầu nguyện. Song chẳng có phương tiện nào để người ta có thể trì hoãn được Ngày Chết tất nhiên của họ. Nếu có ai sợ hãi vì cái ngày này sự thực muốn đạt được sự an lạc vĩnh cửu mà thầy đã biết rõ bí mật của nó.”

Các đệ tử nghe nói thế, họ lập tức yêu cầu Milareap tiết lộ bí mật đó. Milarepa bảo họ:

“Tất cả mọi sự theo đuổi thế gian đều chỉ được một quả không thể tránh được là phiền não. Được kết thúc trong mất; xây dựng kết thúc trong đổ vỡ; gặp gỡ kết thúc trong chia ly; sinh kết thúc trong tử. Biết được điều này, ngay từ đầu người ta phải xa rời tất cả nhũng ý tưởng về góp nhặt sự vật, xây cất, gặp gỡ. Hãy tìm một Đạo sư và tuyệt đối vâng lời vị Đạo sư ấy, quyết tâm giác ngộ Chân lý siêu việt sanh tử.”

Hai đệ tử thân cận gợi ý rằng ông có thể bình phục và sống thêm ít lâu, ông sẽ độ được nhiều chúng sinh nữa, vì thế họ xin ông cho phép tổ chức một buổi lễ theo Nghi thức Mật giáo để kéo dài thọ mệnh của ông, và cũng xin ít thuốc để chữa bệnh cho ông.

Đạo sư đáp:

“Đại hạn của thầy đã đến, vả lại thầy cũng có thể làm được như vậy. Nhưng các con hãy nhớ rằng bất cứ người nào tổ chức Nghi lễ Mật giáo để kéo dài thọ mệnh ngoại trừ mục đích phục vụ người khác, sẽ là cách hành xử hoàn toàn không đúng đối với chư thiên và cũng sẽ bị nghiệp phản ứng. Đừng bao giờ tổ chúc Nghi lễ Mật giáo vì mục đích cá nhân hay những mục đích thế gian. Hầu hết đời thầy đã thực hành những nghi thức Mật giáo Thượng thừa và bây giờ những nghi thức đó đang giữ vững cho thầy đây. Hơn nữa, những phương thuốc của sư ông Marpa để tẩy rễ Năm Độc: tham, sân, si, vị kỷ, và ganh ghét là thuốc chữa bệnh của thầy. Nhưng các con ạ, bây giờ không đủ cho các con chỉ là những người sùng mộ hay chấp nhận đời sống tôn giáo, các con cũng phải dùng buồn phiền và nghịch cảnh làm trợ duyên trên đường Đạo. Nếu đại hạn của một người chưa đến, không có gì hại cả trong việc đến nhờ một y sĩ trị bệnh – ngay cả đức Phật cũng cho phép y sĩ của ngài, Jivaka Kumara, thăm mạch và bốc thuốc cho ngài. Nhưng khi đại hạn đến, ngài không dùng bất cứ thứ gì để trốn tránh mà nhập ngay vào Vô dư Niết-bàn. Vì thế, đại hạn của thầy đã đến và thầy sẽ không làm gì để ngăn chận nó.”

Rồi cuối cùng phải chấp nhận điều không thể tránh được, các đệ tử xin ông chỉ dẫn các nghi thức an táng, những thánh tích của hài cốt, những đồ tang chế, và những nghi thức để dựng tháp miếu (stupa); ai là người thừa kế y bát và những nghi thức dùng để kỷ niệm ngày nhập diệt của ông, phương pháp thiền định nào thích hợp nhất cho mỗi đệ tử.

Milarepa đáp:

“Nhờ sư ông Marpa, thầy đã đạt được Giải thoát khỏi thế gian huyễn ảo. Không có gì bảo đảm thân xác thầy sẽ tồn tại sau khi thầy nhập diệt. Vì vậy, chẳng cần tháp miếu hay đền kỷ niệm gì hết. Vì thầy không có tự viện nên thầy không chọn người thừa kế. Bất cứ người nào cũng có thể sở hữu và ở những sơn cốc mà thầy đã ở, hay những đỉnh núi và am tu thanh vắng khác. Thay vì dựng tháp miếu, hãy vun trồng lòng sùng mộ mến yêu tất cả mọi phần Phật Pháp và hãy dựng ngọn cờ Tình thương; thay vì dựng đài kỷ niệm, hãy để chỗ cho lời cầu nguyện hàng ngày. Để làm lễ kỷ niệm hằng năm, hãy tạo thêm những lễ cầu nguyện. Vì sự tu tập riêng của các con, nếu các con tìm được một thói quen lợi ích nào đó, hãy trau dồi thói quen đó, dù nó trái ngược với ước lệ thông thường, miễn là thói quen đó có khuynh hướng trái nghịch với Năm Phiền não Ác độc. Nếu có gì tai hại hay phiền quấy, các con hãy xa rời nó dù nó thường làm cho các con hài lòng. Bất cứ người nào không nghe lời thầy khuyên, dù cho có học đến đâu, cũng sẽ chìm sâu vào Địa ngục. Đời ngắn ngủi, giờ chết không biết sẽ đến lúc nào. Vì thế các con hãy tinh tấn thiền định. Hãy tránh làm điều ác dù cho việc đó phải trả bằng sinh mạng các con. Hãy luôn luôn theo đúng qui tắc này: ‘Hãy hành động vì như thế anh sẽ không có lý do gì để hổ thẹn.’ Rồi các con có thể chắc chắn rằng các con theo đúng tất cả những lời chư Phật răn dạy. Và rồi chính thầy cũng sẽ hài lòng, không có gì khác có thể làm thỏa mãn trái tim già của thầy.”

Rồi Milarepa hát một tán ca để nhấn mạnh những điểm thiết yếu mà ông đã dạy:

 

 Nếu các con làm theo lời ta dạy,

 Không chỉ ta mà cả chư Phật cũng hài lòng.

Điểm Đạo Truyền Pháp có nghĩa gì,

Nếu Đạo sư của mình không thuộc dòng truyền thừa liên tục?

Trừ phi hòa hợp Pháp với bản tánh của mình,

Thì tụng làu làu những Mật điển để làm gì?

Trừ phi khước từ mọi sự vật thế gian,

Thì thiền định để làm gì?

Trừ phi mình tu tập Giáo Pháp suốt đời,

Thì tổ chức nghi thức và nghi lễ tôn giáo để làm gì?

Trừ phi chế phục được tánh sân bằng tình thương,

Thì thiền định về nhẫn nhục có gì là tốt?

Trừ phi thoát khỏi ưa và ghét,

Thì yếu điểm của thờ phụng là gì?

Trừ phi chế ngự được tất cả lòng vị kỷ,

Thì bố thí của cải có ích gì?

Trừ phi tràn đầy tình thương và tôn kính thuần khiết,

Thì xây tháp miếu để làm gì?

Trừ phi lời cầu nguyện đến từ đáy lòng sâu thẳm,

Thì cung hành những ngày kỷ niệm để làm gì?

Trừ phi trong lòng chứa giữ Giáo lý Bí mật,

Thì lợi ích gì đến từ đau khổ?

Trừ phi yêu thương và tin tưởng tuyệt đối một vị Thánh khi còn sống,

Thì chiêm nghiệm những thánh tích của ngài để làm gì?

Trừ phi tự mình cảm thấy ăn năn,

Thì bảo rằng,“Hãy sám hối!” để làm gì?

Trừ phi thiền định về tình thương người khác hơn chính mình,

Thì than van thương xót có ích chi?

Trừ phi đã thoát khỏi những ràng buộc,

Thì phục vụ chỉ khi nào thấy thích có ích chi?

Trừ phi luôn luôn tuân giữ lời dạy của Đạo sư,

Thì có nhiều đệ tử để làm gì?

Bất cứ lời dạy nào không có chân giá trị và chỉ làm hại,

Thì hãy nhẫn nhục mà xa rời.

Hành giả Du già thực hiện sứ mệnh của mình,

Không cần phải gánh vác những trách nhiệm khác.”

 

Milarepa đã hát như thế để ghi sâu trí tuệ của ông vào lòng người nghe.

Bấy giờ bệnh tình của Milarepa đã trở thành hiển nhiên. Nghe thế, vị Geshe vội vàng mang theo một miếng thịt nhỏ và một ít bia làm lễ vật viếng ông. Ông ta nói với Milarepa bằng một giọng giảo hoạt nhất:

“Ồ, Jetsun Milarepa thật là một người thánh thiện,” ông ta ôn tồn nói, “thật sự ngài bị bệnh không trầm trọng lắm. Nhưng hiển nhiên, bệnh của ngài đã chia rẽ các đệ tử của ngài. Hay là, nếu bệnh của ngài có thể chuyển được, xin ngài hãy chuyển nó sang một người như tôi đây, chẳng hạn. Nhưng dĩ nhiên, ngài không thể làm được, như thế làm thế nào?”

Milarepa mỉm cười và nhẹ nhàng đáp:

“Thực ra tôi không cần phải mang bệnh này, nhưng tôi đã chọn làm như thế này có lẽ ngài đã biết. Thông thường bệnh của một hành giả Du già khác hẳn bệnh của một thường nhân, mặc dù nó vẫn có vẻ là một tai họa. Nhưng trong trường hợp của tôi, nó là một ân huệ. Tôi có thể chuyển được nếu cần thiết phải làm thế, nhưng giờ đây chẳng có gì cần thiết cả.”

Vị Geshe nghĩ rằng Milarepa đã nghi ngờ ông ta đầu độc, nhưng không có bằng chứng để chứng minh. Chắc chắn ông ta không tin Milarepa có phép thần thông chuyển được bệnh. Vì thế ông ta quyết khích thêm Milarepa:

“Ôi, Jetsun, tôi muốn biết nguyên nhân bệnh của ngài. Nếu là do ma quỉ giảo quyệt gây ra thì phải trừ tà ma mới được. Nếu chỉ là do dạ dày ngài bị đảo lộn thì phải đặt nó lại nguyên vị. Nhưng tôi không biết làm sao giúp ngài. Nếu ngài có thể chuyển nó được, xin cứ chuyển nó sang tôi.”

Milarepa đáp:

“Nếu một người nào đó bị ác quỉ ám ảnh, thì ác quỉ đó là Vị kỷ. Con quỉ này là nguyên nhân gây bệnh cho tôi. Con quỉ này không thể đuổi trừ bằng bùa phép và bệnh này cũng không thể chữa được. Nếu tôi chuyển nó sang ngài thì ngài sẽ không chịu đựng nổi, dù chỉ một phút thôi. Vì thế tôi sẽ không chuyển đâu.”

Vị Geshe tự nghĩ thầm: “Ha! Hắn không chịu chuyển sang cho ta vì hắn không có năng lực đó. Hắn giả vờ bảo rằng hắn không muốn.” Vì thế, ông ta nói:

“Xin ngài cứ chuyển bệnh sang tôi đi!”

Milarepa đáp:

“Hay lắm! Tôi sẽ chuyển nhưng không phải sang ngài mà sang cánh cửa kia, và ngài sẽ thấy sức mạnh của nó.”

Lập tức cánh cửa kêu răn rắc như rên rỉ than van. Nó rúng động, rung chuyển dường như gỗ cửa muốn vỡ đôi, trong lúc đó Milarepa dường như hết đau đớn.

“Đây chỉ là ảo ảnh, một hình thức của thuật thôi miên,” vị Geshe nghĩ, vì thế ông ta nói:

“Kỳ diệu quá! Bây giờ xin ngài hãy chuyển nó sang tôi.”

Milarepa đáp:

“Được, vì ngài quá cố chấp, tôi phải cho ngài biết một chút đau đớn xem sao.” Rồi ông thu hồi sức mạnh làm vỡ cửa, chỉ chuyển một nửa sức mạnh ấy vào người vị Geshe và hỏi ông ta có đau lắm không.

Vị Geshe trong cơn đau đớn hãi hùng như thế khiến ông ta hầu như hoàn toàn suy nhược, và đó chỉ là một nửa sự đau đớn mà Milarepa đã chịu đựng. Ông ta tràn ngập hối hận trong lòng và cúi đầu xống dưới chân Milarepa kêu khóc: “Ôi Bậc Thiên sư, ngài bảo bệnh này do một kẻ ganh tị, ích kỷ và không xứng đáng gây ra; tôi xin ngài hãy nhận những của cải và sự nghiệp thế gian của tôi, xin ngài tha thứ tội lỗi cho tôi để tôi khỏi bị ác nghiệp kéo xuống bùn lầy.”

Milarepa thấy ông ta thành thật ăn năn nên sẵn sàng hỉ xả. Ông thu hồi tất cả sự đau đớn trong người vị Geshe lại, và nói:

“Suốt đời tôi, tôi không bao giờ có nhà cửa hay của cải gì cả, bây giờ tôi đang nằm trên giường chết, tôi cần những thứ ấy để làm gì? Ngài hãy giữ lấy và sau này đừng phạm tội trái nghịch với Giới luật Phật Pháp nữa. Tôi sẽ làm những gì tôi có thể làm để giúp ngài. Vì địa vị hiện tại của ngài, ngài không thể chịu thiệt hại nhiều vì việc làm sai lầm này.”

Và ông hát một tán ca biểu lộ tâm Đại Bi đối với loài người khiến vị Geshe cảm thấy dễ chịu ở mức độ nào đó.

Ngay lúc đó với nhiệt tâm vì đạo, vị Geshe đã nguyện hiến mình cho cuộc sống tốt đẹp và tránh xa tất cả mọi hành vi xấu xa, ông ta nói với Jetsun, những hành vi phát xuất từ lòng yêu mến của cải và tài sản thế gian. Ông ta quyết định:

“Từ đây tôi không cần ruộng đất hay nhà cửa gì hết, như thế dù cho ngài không cần sản nghiệp của tôi nhưng có lẽ nó cũng có thể giúp được chút ít trong sự duy trì sự sống cho các đệ tử và tín đồ của ngài. Xin ngài hãy nhận cho.”

Mặc dù ông ta chân thành hăng hái, tuy nhiên Milarepa vẫn một mực khước từ. Nhưng sau khi Milarepa nhập diệt, các đệ tử đã nhận những của cải đó để trả các khoản phí tổn trong tang chế và lệ phí cho cuộc truy niệm ngày ông nhập diệt. Và cuối cùng vị Geshe đã trở thành một người sùng mộ. Thầy chúng tôi bình giảng:

“Một người tội lỗi sâu dày đã được chuyển hóa, đó là phần thưởng cho thầy ở đây. Bây giờ không còn gì giữ một hành giả Du già ở lại nơi ngục tù thế gian này nữa.

Song một hành giả Du già sẽ không chết trong ngôi làng nhỏ bé như thế này. Ta sẽ đến một thị trấn lớn. Ta sẽ đến Chubar. Seban Repa, một trong những đệ tử, nói:

“Thưa thầy, tình trạng sức khỏe của thầy thật đáng ngại nếu thầy phải đi bộ. Chúng con sẽ làm kiệu đưa thầy đi.”

Milarepa đáp:

“Khỏe mạnh hay đau yếu đều chẳng thật. Ở đây, thầy đã hóa hiện một hiện tượng của đau yếu. Đến Chubar, thầy sẽ hóa hiện một hiên tượng của sự chết. Hãy bảo vài sư đệ của con đến Chubar trước để chuẩn bị sẵn mọi việc.”

Và bây giờ, việc xảy ra như phép lạ, vì không những chỉ một Milarepa mà rất nhiều Milarepa đến Chubar, cùng đi với những nhóm người khác nhau và đến Chubar bằng những con đường khác nhau. Khi các đệ tử trẻ đã được phái đi trước đến địa điểm họ phải đến, họ thấy Thầy của họ đã ở đó rồi, song ông cũng đang cùng đi với những người khác trên đường đến Chubar và đồng thời ông cũng nằm bệnh ở một nơi khác. Và một hóa thân khác của ông đang thuyết giảng ở núi Đá Đỏ, và ông cũng có mặt với tất cả những người còn ở tại nhà của họ và họ đang dâng lễ vật nhân danh ông, và chính ông cũng đã hiện thân. Như thế độc giả có thể tưởng tượng được cuộc tranh luận sôi nổi giữa các đệ tử như thế nào. Tất cả mọi người gặp nhau ở Chubar. Mỗi người bảo rằng Sư phụ yêu quí của mình đã ở bên mình và như thế không thể ở bên người khác được như họ tuyên bố.

Thực tế cuộc tranh luận trở nên sôi nỏi vô cùng. Sau cùng, họ đến yêu cầu Milarepa cho biết sự thật về tình trạng của sự kiện phi thường này.

Thầy chúng tôi đáp một cách bất ngờ:

“Tất cả các con đều đúng. Ta vừa đùa với các con một chút đó.” Nghe nói thế, mọi người đều thỏa mãn.

Bây giờ Milarepa chiếm cứ một ngôi nhà ở Chubar và bệnh của ông gia tăng. Các hiện tượng thiên nhiên cũng phù hợp với những bài thuyết pháp của ông và một vầng hào quang siêu nhiên đã bao phủ tất cả vùng đồng quê xứ đó. Rồi hai đệ tử trưởng tràng hỏi Milarepa sẽ đến cõi nào và họ sẽ dâng lời cầu nguyện lên nơi nào để đến ông. Họ còn hỏi ông còn Giáo lý Tối hậu nào cho họ không, và xin ông ban cho họ mỗi người lời chỉ dạy đặc biệt như là phương pháp tốt nhất cho sự tu tập sùng mộ của họ.

Milarepa đáp:

 “Hãy hướng lời cầu nguyện của các con đến nơi nào các con thấy tốt lành nhất; các con cầu nguyện bất cứ nơi nào, miễn là các con chí thành, ta sẽ ở bên cạnh các con. Vì thế, các con hãy cầu nguyện một cách nhiệt thành, không do dự. Trước tiên, Thầy sẽ đến Cõi Phúc. Bây giờ, sau đây là phó chúc và lời hứa của thầy:

“Với Rechung, chẳng bao lâu anh ta sẽ đến đây (như tôi đã nói trước, tôi rất hối tiếc vì tôi đã vắng mặt trong suốt thời gian này), ta sẽ cho anh ta cây trúc trượng và chiếc áo vải này mà các con đều biết đó là những vật sở hữu cá nhân duy nhất của ta. Hai vật đó sẽ là bùa hộ mệnh giúp đỡ Rechung trong phép Điều hòa các luồng Sinh Khí trong người (tức phép luyện lửa Tam-muội). Trước khi Rechung đến đây, không ai được chạm đến thân thể ta. Upa-Tonpa được chiếc mũ của Đạo sư Maitri và cây trượng đen này; mang hai vật này sẽ thành công trong việc nhập định sâu xa và ước vọng cao cả nâng đỡ Niềm Tin. Shiwa-Wod được cái bát gỗ. Chiếc sọ người ta cho anh Ngan. Còn anh, Seban-Repa, ta để lại cho anh viên đá lửa và miếng thép mài này. Chiếc muỗng bằng xương thuộc về BriGom. Chiếc y vải này có thể chia ra từng mảnh nhỏ cho tất cả những người còn lại. Về mặt vật chất, những vật này chẳng có giá trị gì, nhưng tất cả những vật đó mang theo phúc lành của ta.”

Rồi Milarepa nói đến một điều khiến mọi người ngạc nhiên vô cùng:

“Bây giờ về phần chính của di chúc, ta chỉ nói với các đệ tử chính và các đệ tử tại gia của ta thôi: Tất cả số vàng mà ta, Milarepa, đã góp nhặt được trong suốt đời, được chôn dấu dưới lò sưởi này, cùng với số vàng đó là những chỉ dẫn của ta về việc phân chia như thế nào giữa tất cả các con. Khi ta đi rồi, chớ bỏ mà không tìm hay không vâng lời chỉ dẫn mà làm.”

“Về việc thực hiện các giáo lý của ta trong đời sống hàng ngày của các con, hãy nhớ điều này: Có vài người trong các con tự kiêu bằng cách phô trương thánh vật bên ngoài nhưng bên trong chỉ quan tâm đến tên tuổi và danh vọng mà họ chỉ có thể đạt được bằng cách đó. Chưa kể đến chuyện nó không những chẳng có giá trị gì mà còn có nhiều tai hại nữa là khác. Họ kiên gan theo đuổi nó hoàn toàn vì ích kỷ. Sự đạo đức giả như thế, sự bám víu vào khoái lạc thế gian trong khi có vẻ sốt sắng tu hành, giống như ăn những thức ăn có mùi vị ngon lành và sang trọng nhất nhưng đã bị tẩm độc. Vì thế, các con chớ uống thuốc độc của lòng ham danh vọng thế gian, nhưng hãy cởi bỏ những chiếc còng làm ‘việc thiện’ mà chúng chỉ đưa các con đến sự ham muốn nhiều hơn danh tiếng là một người làm ‘việc thiện,’ và hãy nhiệt tâm và chân thành tu tập sùng mộ.”

Có người hỏi rằng có được phép thực hiện các bổn phận thế gian trong phạm vi nhỏ để giúp đỡ kẻ khác không?

Milarepa đáp:

“Được, miễn là tuyệt đối không có dấu vết tư lợi trong các việc làm như thế. Nhưng hãy nhớ rằng sự dứt bỏ tư lợi vì lòng vị tha chân thật rất hiếm và những ‘việc thiện’ ít khi có kết quả chân chánh trừ phi người ta hoàn toàn vị tha. Điều này giống như một người đang chết đuối cố gắng cứu một người khác cũng đang chết đuối. Đừng quá vội vàng ra tay giúp đỡ người khác trước khi chứng ngộ Chân lý. Nếu kẻ nào làm thế, thì đó cũng giống như một người mù dẫn đường cho đám người mù. Bao lâu bầu trời còn trên đầu các con, chừng đó vẫn còn chúng sinh cần sự giúp đỡ của các con.

“Như thế, mọi người đều có cơ hội để phụng sự khi họ đã sẵn sàng. Cho đến khi cơ duyên hội đủ, tuy nhiên ta nhấn mạnh với các con rằng cần phải bám chặt vấn đề duy nhất phải giải quyết là: ‘Thành Phật vì điều tốt của tất cả chúng sinh.’ Hãy ôn nhu và đừng giả dối. Hãy mặc bằng những miếng vải rách. Hãy từ bỏ tất cả mọi ý nghĩ về danh vọng thế gian. Hãy dùng những nghịch cảnh của tâm và thân như những hình phạt đền bù tội lỗi và vì thế hãy học từ những điều đó đó. Hãy ghi nhớ những lời dạy của ta để việc nghiên cứu và thực hành của các con trong nghịch cảnh theo đúng Chánh Đạo.”

Vì cần đưa điểm trọng yếu vào tận đáy lòng người nghe lần cuối cùng, Milarepa cất tiếng hát cho hai đệ tử nghe để họ có thể nhớ những lời ông đã nói một cách dễ dàng hơn:

 

Nếu các con là những người hiến mình chân thật,

Chớ tìm danh vọng thế gian nơi Đạo sư của mình,

Vì cơ duyên hội ngộ chẳng có ích gì mấy.

Nếu các con không được Điểm Đạo Truyền Pháp,

Thì những câu Chân ngôn sẽ chỉ là thêm xiềng xích mà thôi.

Nếu các con không sống theo lời dạy của Mật điển,

Tất cả sự thực hành nghi lễ chỉ là bẩy sập làm các con chìm ngập sâu hơn.

Nếu các con không thiền định các Giáo lý,

Thì sự từ bỏ thế gian chẳng đem lại ích lợi gì.

Nếu các con không chế ngự được dục vong xấu xa bằng Tình thương,

Thì lời rao giảng chỉ là những âm thanh trống rỗng.

Nếu các con không theo các Pháp môn vi diệu,

Thì sẽ mất nhiều kiên tâm nhưng chỉ đạt được ít oi.

Nếu các con không biết Bí Pháp,

Thì Con Đường nhiệt tâm các con theo thực sự sẽ dài.

Nếu các con không tu hành để đạt Giải thoát,

Thì các con vẫn còn bị buộc vào Bánh xe Sinh-tử.

Nếu không chuẩn bị từ bỏ tất cả sở hữu thế gian để cầu Chân lý,

Thiền định nhiều nhưng lợi ích chẳng bao nhiêu.

Nếu các con không bằng lòng với chính mình,

Dù các con có bất cứ thứ gì, cũng chỉ là lợi ích cho kẻ khác.

Nếu các con không có sự Bình An bên trong,

Thì những khoái lạc và tiện nghi vật chất sẽ trở thành nguồn đau khổ.

Nếu các con không ngăn chận Tham vọng,

Lòng ham danh vọng sẽ đưa đến điêu tàn và kiện tụng.

Sự ton hót kích thích những bản năng thấp kém của con người,

Lòng tham lợi sẽ chêm nêm chia rẽ bè bạn.

Nếu các con không tranh biện thì đâu thấy mình đứng giữa pháp đình,

Hãy giữ bình tĩnh hoàn toàn rồi tâm các con sẽ được nhiếp giữ.

Hãy ở một mình rồi các con sẽ thấy bạn bè.

Hãy ngồi ghế thấp nhất

Rồi các con sẽ được nâng lên ghế cao hơn.

Hãy bước từ từ rồi các con sẽ đến sớm hơn.

Hãy từ bỏ tất cả mục đích thế gian,

Rồi các con sẽ được Mục đích Tối thượng.

Nếu các con bước đi trên Mật Đạo,

Thì các con sẽ thấy con đường ngắn nhất.

Nếu các con liễu ngộ Tánh Không,

Các con sẽ thấy chính mình phát triển Tâm Bi.

Nếu các con từ bỏ ý tưởng về ‘ta’đối lập với tất cả thế gian,

Thì các con sẽ xứng đáng phục vụ mọi người.

Và khi các con thành công trong phục vụ kẻ khác,

Thì các con và ta sẽ gặp lại nhau.

Và khi thấy ta, các con sẽ thành Phật.

Hãy cầu nguyện với ta, với Phật và Tăng già mà không phân biệt.

 

Đó là chủ đề bài hát của Milarepa. Rồi ông nói thêm rằng:

“Vì ta không thể sống lâu hơn nữa, các con hãy chú ý đến Giáo lý của ta và hãy theo ta.” Đến đây dường như ông chìm sâu trong cơn nhập định xuất thần, và không bao giờ tỉnh lại nữa. Như thế, ông đã nhập diệt vào năm tám mươi bốn tuổi, tháng cuối cùng của năm con Thỏ (tức tháng giêng, năm 1135 D.L.).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 10006)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19950)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12914)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16720)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.