6. Giáo Lý Của Đạo Sư

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 8525)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

VI

GIÁO LÝ CỦA ĐẠO SƯ

 

Rồi tôi hỏi Sư phụ Milarepa: “Bạch thầy, Thầy đã ra đi ngay vào hoang sơn để thiền định một mình về Chân lý mà Thầy đã thọ nhận phải không?” Sư phụ Milarepa tiếp tục:

 

* * *

 

Đạo sư của tôi bảo tôi an cư trong một cái cốc mà ông đã tích trữ lương thực cho tôi, cứ đúng kỳ hạn là ông lại đến đưa thức ăn cho tôi qua lỗ hổng. Ở đó tôi đã ngồi trên chiếc bồ đoàn liên tục mười một tháng để thiền định với thân mình thẳng đứng, trên đầu đặt một chiếc đèn thắp bằng bơ; trong khi đèn cháy tôi tiếp tục thiền định, chỉ nghỉ trong lúc đèn tắt, dù ngày hay đêm. Rồi mười một tháng trôi qua, Sư phụ và sư mẫu đến thăm tôi, nói rằng tôi đã tu tập tốt, nhưng bảo rằng bây giờ tôi phải ra khỏi cốc để nhập tiệc với hai người, và tôi phải kể lại cho Sư phụ tôi nghe về những kết quả nhận được trong các cuộc thiền định. Tôi phải làm việc này một cách miễn cưỡng, nhưng Sư phụ đã ra lệnh nên tôi phải vâng theo. Tôi không vội phá đổ bức tường của cái cốc để ra mà lại cố trì hoãn. Rồi sư mẫu đến hỏi: “Này con, con không ra đây sao?”

Tôi thưa: “Con cảm thấy không muốn phá tường.”

Bà bảo:

“Đừng để ý đến chuyện đó. Con biết các Điềm báo trước rất quan trọng, và chúng biểu thị rằng con nên ra. Vả lại, tính tình Sư phụ của con không tốt cho lắm, nếu sự trì hoãn của con khiến điềm xấu xuất hiện, ta không khổ vì con nữa đâu. Hãy ra đi, ta giúp con phá tường.” Rồi chúng tôi cùng nhau phá tường và chẳng mấy chốc tôi đã thấy ánh sáng mặt trời. Tôi bước vào một thế giới mà tôi cảm thấy đã bị mất hoàn toàn.

“Trong khi hai chúng tôi, cha và con, sẽ thảo luận về Thiền định thì Damema, bà hãy đi nấu một bữa ăn thật ngon nhé.”

Trong bữa ăn, Sư phụ tôi hỏi về những kinh nghiệm tôi đã trải qua trong lúc nhập thất và tôi đã đến cảnh giới nào trong cuộc nhập thất. Ông bảo: “Hãy từ từ kể lại cho ta nghe.” Như thế tôi không phải sợ mất đi cái phần nghệ thuật trong khi tôi ứng khẩu hát. Tôi bắt đầu hát một tán ca để ca ngợi Thầy tôi và vợ ông, trong cung cách kính ngưỡng đối với những người đã giúp đỡ cho tôi quá nhiều; và khi tôi chấm dứt bài tán ca, tôi nói cho ông nghe về Chân lý tôi đã thức ngộ trong thiền định:

“Kính bạch Đạo sư chí thượng, người là Phật, là Vajra Dhara [Kim Cương Thủ]; con mang ân người vô lượng, vô biên; con đã thức ngộ được một ít Chân lý, đó là để báo đáp ân người trong muôn một, và đây là những gì con đã thức ngộ được, nếu người đủ từ ái và kiên nhẫn lắng nghe:

 

Giáo lý mười hai nhân duyên con đã liễu ngộ;

nó bày tỏ sự tùy thuộc của mọi sự vật trong thế giới này

với mọi sự vật khác, và cùng cách thức này,

thân con và sự hiện hữu trong đời này tùy thuộc nơi Vô minh,

vì Vô minh là nguyên nhân căn bản của tái sinh.

Với những người có thể liễu ngộ điều này thì chính thân họ

 có thể là phương tiện để giải thoát họ ra khỏi tái sinh;

nhưng những người còn lại, chính thân họ

cũng là dây xích buộc chặt họ vào Vòng Sinh-tử.

Vì thế, cuộc đời của chúng ta chia hai giữa cao và thấp,

tùy theo chúng ta tiến lên cao hay rơi xuống thấp.

Mỗi người phải quyết định cho mình con đường mình đi,

vì cơ duyên mình có là kết quả mình đã được sinh ra làm người,

một cơ hội tốt không thể khinh thường vứt bỏ;

vì hậu quả lựa chọn đang chờ sẵn chúng ta nơi xa kìa.

Với người, Đạo sư của con, con xin hứa với người con sẽ vượt khỏi

vòng Sanh-tử không ngừng này, căn nguyên của mọi đau khổ;

nhưng để đạt được điều này con phải qui y Tam Bảo:

Phật, Pháp, và Tăng, và giữ Giới luật.

Và Đạo sư cũng là phương tiện thiết yếu để thành công và hạnh phúc.

Vì thế con ý thức rằng cần phải tuyệt đối vâng theo

những mệnh lệnh của Đạo sư

và trọn tin nơi Đạo sư hoàn toàn vô hại.

 Đây là bước đầu tiên con hiểu, từ đó con bước tiếp.

 

Con đã thiền định sâu xa, được sinh làm người là rất hy hữu,

Trong tất cả mọi hình thức của cuộc tồn sinh,

về sự bất định ôm choàng giây phút chết,

về hậu quả không thể tránh được của nghiệp hành,

về sự không nơi nào không có của đau khổ trong thế gian này.

Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ khiến người ta mong muốn

 một lần mãi mãi thoát khỏi cuộc tồn sinh như thế.

Nhưng để được giải thoát như thế,

người ta phải theo Bát Chánh Đạo

là phương tiện duy nhất đưa đến Giải thoát.

Và từ con Đường này

người ta phải tiến lên những con Đường Cao Hơn,

không giây phút nào ngừng tự mình tu tập và giữ Giới luật,

phải thi hành và đổi mới các hạnh nguyện của mình khi cần thiết.

Kẻ nào chỉ tìm tự do và hạnh phúc cho riêng mình,

kẻ ấy đi con Đường thấp;

nhưng kẻ nào cảm thấy thương yêu và từ ái với tất cả mọi người,

là muốn giúp họ hướng đến Giải thoát,

và chính y đã đặt chân lên con Đường Cao hơn,

và muốn từ bỏ Con Đường thấp để đến con Đường Cao hơn,

người ta phải biết con đường họ đang đi và mục đích của họ là gì.

 

Bước thứ ba con đã bước là phải ý thức rằng

Đạo sư rất cần thiết trong sự cố gắng như thế,

một Đạo sư chính mình đã được khai ngộ và hiểu biết cao siêu

là bậc Thầy của những phương pháp Điểm Đạo Truyền Pháp

và biết rõ những gì thích hợp nhất với đồ đệ,

thì chỉ một mình ông có thể giảng giải cho người đệ tử

hiểu Cứu cánh Tối hậu.

Lễ Điểm Đạo Truyền Pháp ban cho tâm

một uy lực để làm chủ Đạo lý sâu xa và,

trong lúc thiền định về Cứu cánh Tối hậu

người ta phải cố gắng với mọi nỗ lực,

vận dụng tri thức hàn lâm về ngữ pháp và luận lý học

cũng như tri thức về đạo đức và tinh thần, thực hành tự quán

để khám phá Chân lý, “Chẳng có cái gì là ta cả,”

và tất cả lý luận và học thức của chúng ta

 đặt căn bản trên sự giả lập của cái “ta” hư ngụy này.

 

Nhờ cần mẫn và tu tập tinh tấn,

người ta có thể đi đến giai đoạn mà tâm thức mình hoàn toàn tịch tĩnh,

tất cả tâm hành ngừng nghỉ, và chính thời gian dường như đứng lặng.

Khi đã đạt đến cảnh giới này, người ta có thể tận dụng khả năng

của ý thức để đạt đến cảnh giới xuất thần – sự xuất thần của ý thức

yên tĩnh.

Những cá nhân bình thường suy nghĩ theo những hạn từ

“tôi” và “những người còn lại” không bao giờ có thể

kinh nghiệm được điều đó,

 nhưng người ta phải ở trên con Đường đưa đến Phật tánh

 để đạt nó và như thế do Tư tưởng được kiểm soát

và sự nhiếp tâm quán tưởng, người ta bước chân trên đường Đạo,

những sự quán tưởng về các vị thần chỉ là những dấu hiệu

trên đường Đạo và chính chúng không có giá trị nội tại.

 

Như thế, những gì người ta thực sự cần là sự tĩnh lặng của tâm trí,

một năng lực vô biên, một cảm thức phân tích sắc bén,

một tâm thức trong sáng sinh động; những thứ này giống như

những nấc thang thấp nhất của một cái thang.

Tất cả nỗ lực phải được thúc đẩy bởi tâm đại bi và

sự quyết tâm mà những thành đạt riêng của một người

sẽ được dùng cho điều thiện chung.

Mục đích phải trong sáng và những hứng khởi, cầu nguyện,

tiến trình tâm thức của một người phải vượt qua tư tưởng.

Con hiểu đây là Con Đường Tối thượng trong tất vả mọi Con Đường. Không có gì được phép đứng trên con đường thành tựu,

và ngay chính thức ăn, không phải danh từ “thức ăn,”

mà là những gì làm thỏa mãn sự ngon miệng.

Như thế người ta phải thể nghiệm Chân lý,

không phải chỉ có một định nghĩa hàn lâm,

và người ta cũng không thể cho phép sự tiện nghi,

ngay cả những nhu cầu thể xác ở trên đường đi.

Người ta phải vượt qua mọi chướng ngại,

phải sẵn sàng hy sinh mọi sự, ngay cả mạng sống của chính mình.”

 

“Con không bao giờ có thể đền đáp được gì cho Sư phụ và sư mẫu,

cũng không thể nói một tiếng cảm ơn đối với những gì

Sư phụ và sư mẫu đã làm cho con,

Sư phụ và sư mẫu là những ân nhân muôn đời của con.

Cách duy nhất con có thể đền ơn Sư phụ và sư mẫu trong muôn một

là con sẽ hiến dâng đời con cho thiền định

 để ngộ nhập Niết-bàn rốt ráo.”

 

Những cảm xúc của tôi quá mãnh liệt đến nỗi một lần nữa tôi lại ứng khẩu hát ngay một bài khác để ca tụng những gì tôi đã thọ nhận từ Sư phụ tôi và để ca ngợi lòng tử tế, sự khuyến khích mà sư mẫu đã cho tôi trong những giờ phút đen tối nhất của đời tôi.

Điều này làm Sư phụ tôi hoan hỉ vô cùng và ông nói: 

“Ta hy vọng nơi con rất nhiều và con đã không làm ta thất vọng.”

Sư mẫu tôi nói: “Tôi biết con trai tôi có đủ ý chí và thông minh để thành công mà.”

Rồi tôi chào giã biệt hai người để trở lại cốc.

Sau đó không bao lâu Sư phụ tôi tổ chức một buổi lễ theo thị kiến của ông: các thiên nữ hiện đến nhắc ông về những ẩn ngữ mà sư ông Naropa đã một lần cho ông biết. Lúc đó ông không hiểu những ẩn ngữ đó nhưng bây giờ ông đã được minh giải rõ ràng. Kết quả khiến ông sang Thiên trúc để gặp Đạo sư của ông.

Vài ngày sau ông trở về, và chính tôi đã thấy một giấc mộng có một thiên nữ xuất hiện bảo tôi rằng tôi còn thiếu một Giáo lý đặc biệt gọi là Drong-jug, một luận thư Du già (Yoga). Khi thức dậy tôi suy nghĩ rất nhiều về việc này, vì đó là một giấc mộng rất rõ ràng và tôi tin rằng Thiên nữ ấy là sứ giả mang tin cho tôi, vì thế tôi nghĩ rằng cần phải phá tường ra khỏi cốc để tham hỏi ý kiến của Sư phụ về giấc mộng, vì chắc chắn ông biết rõ mọi sự kể cả Giáo lý này.

Vì thế tôi phá vỡ bức tường đất ra ngoài gặp ông. Thoạt thấy tôi ra khỏi cốc, ông tỏ vẻ chấn động, bảo rằng đó là việc nguy hiểm, nhưng khi tôi nói cho ông nghe giấc mộng của tôi và hỏi rằng đó là mật khải hay là một mê hoặc, ông ngồi im lặng một lúc rồi bảo:

“Ừ, đó là một mật khải của Thiên thần. Ngay trước khi ta từ giã Thiên trúc thì Đạo sư Naropa của ta cũng đã nói về Giáo lý Drong-jug này với ta, nhưng ta không nghĩ ra là ta đã có nó từ bao giờ. Ta sẽ lục tìm tất cả những thủ bản của ta xem có nó không.”

Như thế tôi và Sư phụ phí luôn cả phần ngày còn lại và gần suốt đêm hôm đó lục tìm trong chiếc rương chứa những thủ bản của ông nhưng không tìm thấy cuốn luận thư chúng tôi cần.

Ông nói: “Việc này xác định giấc mộng ta đã thấy trong chuyến đi gần đây, có nghĩa là ta phải đi Thiên trúc một lần nữa để tìm cho được Giáo lý này.” Và ông bất chấp mọi dấu hiệu cảnh cáo của tuổi già và hành trình khó khăn không làm ông nản lòng tí nào. Rồi ông ra đi với những phí dụng do các đệ tử đóng góp.

Lúc đó, đã biết sư ông Naropa dã biến mất tung tích, nhưng không có gì ngăn cản được Sư phụ tôi theo dấu vết truy tầm. Ông nghĩ thà rằng chết đi còn hơn công việc không thành. Bất ngờ, ông gặp sư ông ở một nơi trong rừng rậm và hai người cùng nhau trở về tự viện. Rồi ông hỏi sư ông về Giáo lý Drong-jug.

Sư ông hỏi:

“Chính anh đã nhớ lại Giáo ly này hay được mật khải?”

Ông đáp: “Bạch Thầy, không phải chính con nhớ, cũng không phải con được mật khải, mà con có một đệ tử tên là Thopaga, chính nó đã được mật khải và cũng vì nó mà con đến đây tìm Thầy.”

Sư ông Naropa nói: “Tuyệt vời! Ở cái đất Tây tạng tối tăm cũng còn những ngọn đèn cháy sáng chiếu rọi cả những đỉnh núi cao! Đáng mừng thay!”

Và Sư phụ hát một tán ca tôn vinh tôi.

Rồi sư ông Naropa cho sư phụ Giáo lý Khẩu truyền mà ông đã hỏi và sư ông còn giải thích mấy điềm báo tương lai để suy gẫm, chẳng hạn như cách thi lễ của sư phụ đối với sư ông có nghĩa là dòng dõi của ông sẽ chấm dứt nhưng chính ông sẽ được lưu truyền mãi mãi qua tôi. Và thực tế, chẳng bao lâu sau khi ông trở về thì người con trai duy nhất của ông qua đời.

Vào ngày kỷ niệm biến cố này, sau lễ truy niệm, tất cả các đệ tử xin ông hãy nhớ đến tuổi tác của mình đã cao và xin ông chỉ dạy cho họ theo sự cần cầu riêng biệt của mỗi người Giáo pháp và những Phương pháp Tu tập bằng cách dùng trí tuệ của ông để xem xét căn cơ của họ, vì thấy rằng ông sẽ không có người thừa kế vì bây giờ người con trai duy nhất của ông đã qua đời.

Vì thế, Sư phụ Marpa đáp: “Các con biết ta tin tưởng sự hướng dẫn của chư thiên qua các các báo điềm và những giấc mộng. Vậy, các con, những đệ tử của ta, hãy đi đi và chờ đến khi có mộng rồi đến đây kể cho ta nghe những gì các con đã thấy.”

Do đó, tất cả chúng tôi ra về và tập trung tâm ý mình sẵn sàng để đón mộng, nhưng dường như không một người nào, trừ tôi, được mật khải liên quan đến việc Trao truyền.

Giấc mộng tôi đã kể cho sư phụ tôi nghe như thế này:

“Đêm hôm qua con mộng thấy con đứng trên một đỉnh núi ở phía Bắc. Đỉnh núi cao vút trời xanh, mặt trời và mặt trăng chuyển động quanh đỉnh núi, rọi những tia sáng rực rỡ kắp mọi nơi. Chân núi bao phủ toàn thể mặt đất. Và chung quanh sườn núi có bốn con sông lớn, tất cả thú vật đến uống nước của bốn con sông này và rất lấy làm thỏa mãn. Những con sông này chảy vào một đại dương, và trên bờ đại dương có hoa đua nở. Mặt đông của núi, trên đầu một trụ cao là con sư tử với chòm lông bờm rậm trong tư thế sắp phóng mình nhảy tới; móng vuốt của nó đào sâu xuống sườn đồi, đầu nó ngẩng nhìn trời; và rồi nó bỏ trụ cao, phóng xuống sườn núi rong chơi. Trên đầu một cây trụ khác ở phương Nam là một con hổ đang đứng với bộ lông vằn rất đẹp, móng vuốt của nó ngập sâu trong rừng rậm và cũng ngước mặt nhìn trời. Rồi hổ cũng rong chơi tùy thích. Ở phương Tây, con chim ưng đậu trên trụ cao với đôi cánh vươn ra và ngước mắt nhìn trời, rồi cất cánh phóng thẳng vào bầu trời. Ở phương Bắc, trên một trụ cao khác là con linh thứu đang đậu, cánh xòe, và trên một tảng đá lớn là tổ chim con. Nó ngước mắt nhìn trời và quạt cánh phóng vào hư không. Bạch Thầy, đó là giác mộng của con. Bây giờ xin Thầy giải thích ý nghĩa của giấc mộng này cho chúng con nghe.”

Lạt-ma Marpa dường như vui sướng lắm và ông bảo sư mẫu làm một bữa tiệc đặc biệt dọn lên, rôi khi tất cả chúng tôi đã ngồi xuống, ông nói:

“Thế giới phương Bắc tức là xứ Tây tạng, nơi lòng tin Phật nẩy nở mạnh mẽ. Núi cao biểu tượng cho Tông phái mà ta, Dịch giả Marpa, sáng lập và các con là những người trực thuộc. Đỉnh núi cao vút trời xanh là Cứu cánh của chúng ta, mặt trời và mặt trăng luân chuyển chung quanh là Giác ngộ và Tình thương, ánh sáng của hai vầng nhật nguyệt là Ân điển rọi xuống Vô minh. Chân núi bao phủ mặt đất chứng tỏ việc làm của chung ta sẽ tràn khắp thế gian; bốn sông biểu tượng cho Nghi lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và Chân lý là nước trong dòng sông mà mọi sinh vật uống sẽ được giải thoát. Đại dương là sự Hòa hợp của Mật giáo và Chân lý nền tảng, Ánh sáng Bên trong và Bên ngoài; hoa trên bờ là Chân lý được giác ngộ. Hỡi các đệ tử của ta, đây là giấc mộng báo điềm lành.” 

“Trụ cao phương Đông với sư tử sắp phóng mình là Tsurton-Wangay xứ Dol, một người bản tánh sư tử với chồm lông bờm Chân lý Bí truyền; những móng vuốt của anh ta là móng vuốt của quả quyết, ngước mắt nhìn lên là vì anh ta đã được Giải thoát. Trụ cao phương Nam là Ngogdun Chudo giống như con hổ, với bộ lông vằn Chân lý Bí truyền, ngước mắt nhìn trời là đã giã từ những hư giả của thế gian hư ảo này; và dạo chơi tùy thích là đã giải thoát. Trụ cao phương Tây với chim ưng vút cánh là Meton-Tsonpo, đôi cánh vươn rộng là đôi cánh Chân lý Bí truyền, đã vượt qua những hố bẩy của trầm tư, đã nói lời vĩnh biệt với thế giới huyễn ảo này và tung cánh tự do. Trụ cao phương Bắc với linh thứu trên đầu, là Thopaga, đồng thời cũng mang danh là Milarepa của xứ Gung Thang với Chân lý Bí truyền nhuần thấm mà cuộc đời đã phải trường kỳ chịu đựng như tảng đá nơi linh thứu làm tổ và chim con là chỉ bậc nam nhi vô song; và anh ta cũng đã nói lời vĩnh biệt với cuộc sống thường tình và đạt đại Giải thoát. Hỡi các đệ tử, đây là một giấc mộng tuyệt diệu. Chiếc y của ta trao xuống các con và môn phái chúng ta sẽ thịnh phát.”

Khi nghe những lời này, tất cả chúng tôi đều vui mừng vô cùng. Rồi sư phụ chúng tôi mở tất cả những kinh sách tàng trữ ra cho chúng tôi xem. Ban ngày ông dạy chúng tôi từng người một và ban đêm trợ giúp chúng tôi trong việc thiền định, vì thế sự tiến bộ tinh thần của chúng tôi tiếp tục tiến nhanh.

Một hôm, trong một Nghi lễ Điểm Đạo Truyền Pháp, sư phụ chúng tôi đã tìm thấy bằng huệ nhãn những phương pháp tu tập thù thắng thích hợp nhất cho mỗi người trong bốn đại đệ tử là bốn trụ cao trong giấc mộng của tôi, vì thế ông ngồi xuống để nhiếp tâm quán tưởng. Và đến rạng đông hôm sau ông đã có thể nhận biết đã đến lượt mỗi người trong bốn chúng tôi bắt đầu dấn thân vào phương pháp tu tập nào; tôi thiền định về phép luyện Tum-mo [lửa Tam-muội], vì thế sau này tôi được tặng danh hiệu mà các anh là những người biết nhiều nhất, đó là danh hiệu Milarepa, bởi vì tất cả những người thành tựu được phép tu luyện này đều mang danh hiệu Repa, hay người mặc Áo vải.

Do đã khám được những căn cơ bẩm sinh của mỗi chúng tôi bằng những năng lực huyền bí của ông, rồi ông tặng chúng tôi tặng phẩm cuối cùng, những bản văn đặc biệt cho sự tu tập của chúng tôi và những lời giải thích bản văn đó. Rồi ông ra lệnh chúng tôi hãy vào những sơn cốc (hang núi) xa xôi hẻo lánh, ít người lui tới để tiếp tục thiền định.

Rồi trước mặt tất cả những đệ tử tụ hội, ông nói với bốn chúng tôi:

“Ta đã cho mỗi người trong các anh những bản văn hướng dẫn thích hợp nhất, và ta báo trước rằng những vật đó cũng sẽ được trao truyền lại cho những đệ tử của các anh, ta không còn con trai để nối nghiệp, vì thế ta ký thác tất cả những thủ bản và những bảo vật thiêng liêng đó cho các anh. Mong các anh hiến mình làm những người hộ trì Niềm Tin để nó có thể thịnh phát và lan xa.”

Sau đó ba sư huynh tôi mỗi người trở về quê họ, nhưng Thầy tôi bảo tôi hãy ở lại với ông vài năm nữa, vì ông còn nhiều Giáo lý khác cho tôi cũng như nhiều cuộc Điểm Đạo Truyền Pháp nữa để sự hiểu biết của tôi phát triển nhanh hơn, vì thế tôi ở lại với ông. Vâng lệnh ông, tôi tự giam mình trong cốc để thiền định. Sư phụ và sư mẫu tôi mang cho tôi một phần những thực phẩm dâng cúng trong các buổi lễ đạo. Như thế tôi được gần gũi Đạo sư của tôi mấy năm kế tiếp, trong thiền định an lành, cho đến khi những hạt giống Linh Trí ông đã gieo nẩy mầm trong tâm tôi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 10006)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19950)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12914)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16720)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.