ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 3: Tập Trung Tinh Thần
(2)) Cách tập trung tinh thần quý vị vào đối tượng thiền
(a’)) Phương thức không sai sót
(b’)) Loại bỏ các phương thức có sai sót
(c’)) Thời gian của các buổi tu tập
–––––––\––––––-
(2)) Cách tập trung tinh thần quý vị vào đối tượng thiền
Phần này có 3 điểm: (1) trình bày phương thức không sai sót, (2) loại bỏ các phương thức có sai sót và (3) thời gian của các buổi tọa thiền.
(a’)) Phương thức không sai sót
Sự tập trung mà quý vị sẽ hoàn tất ở đây có hai tính năng đặc biệt: cường độ sáng mạnh – là một sự rõ ràng mạnh mẽ về tinh thần – và sức bền vững không rời rạc, giữ nhất tâm vào đối tượng thiền. Một số tác giả thêm hỷ lạc vào các tính năng trên thành ba tính năng; một số khác lại thêm vào sự thấu suốt tạo thành bốn tính năng. Tuy vậy, sự thấu suốt được bao hàm trong tính năng thứ nhất, nên nó không cần được liệt kê như là một điểm riêng. Vui sướng và hỷ lạc vốn truyền đạt một ý nghĩa hoàn thiện xảy ra như là kết quả của sự tập trung mà quý vị sẽ hoàn tất ở đây, nhưng nó không xảy ra kèm một lượt với tất cả các sự tập trung tinh thần được bao gồm trong mức truy cập[1] trong cấp ổn định thiền thứ nhất. Cũng thế sự tập trung của cấp ổn định thiền thứ tư –được xem là cơ sở tốt nhất để thành tựu các phẩm chất diệu hảo của cả ba thừa – thì không liên hệ đến bất kỳ hỷ lạc tinh thần hay thể chất nào. Do đó, vui sướng và hỷ lạc không được tính như là các tính năng ở đây. [505] Trong khi một số sự tập trung trong mức độ vô sắc lại thiếu cường độ mạnh cao, thì không có gì sai khi trình bày sự mạnh mẽ như là một trong hai tính năng. Vì vậy Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận của Di-lặc gọi là “sự bình ổn thiền khác với vô sắc giới”. Điều này có nghĩa là các Bồ-tát – ngoại trừ một số Bồ-tát có năng lực mạnh[2] – đạt đến các phẩm chất tốt đẹp dựa trên các tập trung tinh thần trong vòng các mức độ của sự bình ổn thiền.
Vì sự phát triển của loại cường độ mạnh cao này sẽ bị ngăn chặn chừng nào còn có hôn trầm, trong khi sự nhất tâm không rời rạc lại sẽ bị ngăn chặn chừng nào vẫn còn trạo cử, hôn trầm và trạo cử là các ngăn trở chủ yếu của việc thành tựu chánh định. Vậy nên nếu quý vị không biết làm thế nào để nhận diện một cách chính xác các dạng thô và vi tế của hôn trầm và trạo cử, hay nếu quý vị không biết cách để bảo dưỡng sự tập trung tinh thần một cách phù hợp để ngưng chúng một khi quý vị đã nhận diện được chúng, thì quý vị sẽ không thể nào phát triển định lực được, đừng kể chi đến tuệ giác. Do vậy, những ai truy tầm sự tập trung một cách cần mẫn nên nắm bắt các kỹ năng này.
Hôn trầm và trạo cử là các duyên không thuận lợi cho việc thành tựu định. Về sau, ta sẽ bàn về cách thức để nhận diện các duyên không thuận lợi này và cách thức để ngừng chúng thật sự. Bây giờ ta sẽ giải thích cách để phát triển định trong một dạng thức dẫn xuất đến việc thành tựu định.
Ở đây, tập trung tinh thần là sự chú ý của quý vị lưu giữ một cách nhất tâm lên một đối tượng thiền; thêm vào đó nó phải ở lại trên đối tượng một cách liên tục. Có hai điều cần thiết cho việc này: (1) kỹ năng trong đó sự chú ý của quý vị không bị phân tán khỏi sự vật nào vốn nó có được như là đối tượng thiền ban đầu và (2) một sự nhận biết chính xác về việc khi nào quý vị bị phân tán và khi nào quý vị đang trở nên phân tâm. Vế trước là toàn tâm[3]; vế sau là tỉnh thức. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận Thích (Mahāyāna-sūtralaṃkāra-bhāṣya) của Thế Thân khẳng định[4]:
Toàn tâm và tỉnh thức đem lại sự tập trung tinh thần đóng kín bởi vì toàn tâm ngăn sự chú ý của ngươi không lạc ra khỏi đối tượng thiền và tỉnh thức nhận thấy rõ ràng khi sự chú ý của ngươi đang đi lạc.
Nếu có một sai sót về chánh niệm dẫn đến việc quên lửng đối tượng thiền, quý vị sẽ bị phân tán và sẽ lập tức lạc mất đối tượng mà quý vị đang thiền. Do đó, nền tảng của việc nuôi dưỡng tập trung tinh thần là toàn tâm không bỏ quên đối tượng.
Làm thế nào cho sự toàn tâm như thế tập trung tâm thức quý vị lên đúng đối tượng thiền? [506] Một khi quý vị đã ít nhất hình dung hóa được đối tượng trong một cách thức tối thiểu như đã giải thích bên trên, thì hãy tạo phát một sự nắm bắt mạnh mẽ về đối tượng giữ chặt nó bằng sự chú tâm của mình. Sau khi quý vị đã đặt sự chú tâm ở mức độ cao, hãy giữ ổn định điều đó lên đối tượng mà không có sự phân tích quán chiếu mới nào.
Về chánh niệm, Vô Trước có dạy trong Vi Diệu Pháp Tập Luận[5]:
Chánh niệm là gì? Về một đối tượng quen thuộc, thì tâm thức ngươi không quên và vận hành không phân tán.
Điều này cho thấy rằng toàn tâm có ba tính năng: Nó quan sát đối tượng là “một đối tượng quen thuộc”, bởi vì toàn tâm không xảy ra trong khuôn khổ một đối tượng chưa quen biết từ trước. Trong trường hợp này, hình ảnh của một đối tượng thiền đã xác định trước đó xuất hiện. (2) Phương diện hay cách thức chủ quan về nhận thức của chánh niệm là tâm thức không lãng quên đối tượng của quý vị, như biểu thị trong mệnh đề “tâm quý vị thì không lãng quên”. Trong trường hợp này, nó chính là tâm thức không quên về đối tượng thiền của quý vị.
Không quên nghĩa là gì? Ở đây không kể về việc ám chỉ đến khả năng nhớ được những điều đạo sư của quý vị đã dạy về đối tượng thiền, việc nghĩ hay nói rằng “đối tượng thiền là như thế này” khi quý vị gieo tâm mình lên nó hay khi ai đó hỏi quý vị về nó. Mà đúng hơn, nó là cách thức mà sự chú tâm của quý vị giữ nguyên lên đối tượng thiền và ghi khắc nó vào tâm một cách rõ ràng không có ngay cả một sự phân tán nhỏ nhất nào. Nếu bị phân tán, quý vị đánh mất chánh niệm của mình trong phạm vi mà quý vị bị phân tán. Do đó, sau khi đã đặt chú tâm lên đối tượng thiền trong kiểu cách đã giải thích bên trên, quý vị hãy nghĩ, “bằng cách này, tôi đã đang giữ nguyên sự chú tâm của mình lên đối tượng thiền". Sau đó, không có một sự tra xét mới nào, quý vị hãy duy trì áp lực của sự nhận biết đó liên tục không gián đoạn. Đây là điểm tối yếu trong kỹ năng về việc duy trì chánh niệm. (3) Chức năng của nó là nhằm giữ sự chú tâm của quý vị không đi lạc ra khỏi đối tượng thiền.
Việc giữ nguyên sự chú tâm của quý vị lên một đối tượng thiền theo cách này và việc điều khiển nó được sánh như là thuần hóa một con voi. Người huấn luyện trói một con voi hoang dã vào một cây hay một trụ vững chắc bằng nhiều dây thừng lớn. [507] Nếu nó làm theo người huấn luyện, thì tốt; bằng không, nó bị kiềm chế và điều khiển, bị đánh nhiều lần bởi một móc sắt bén nhọn. Tâm thức quý vị như là một con voi chưa thuần; quý vị hãy trói cột nó bằng sợi dây toàn tâm vào một cột vững chắc của một đối tượng thiền như là ta đã giảng bên trên. Nếu quý vị không thể giữ nó ở đó, quý vị phải từ từ đặt nó dưới sự khống chế bằng cách thúc bách nó bởi móc sắt của sự tỉnh thức. Trung Đạo Tâm Luận của Thanh Biện nêu[6]:
Chú voi lầm lỗi – tâm thức ngươi
Bị trói chặt bởi dây thừng chánh niệm
Vào cột vững chắc của đối tượng thiền
Và dần dà được kiểm soát bằng móc sắt của trí khôn
Phần thứ hai Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới cũng có dạy[7]:
Với các dây thừng của toàn tâm và tỉnh thức, trói chặt voi của tâm ngươi vào thân cây đối tượng thiền.
Không có gì mâu thuẫn khi bản luận đầu ví tỉnh thức như móc sắt trong khi luận sau lại so sánh nó với dây trói. Chánh niệm trực tiếp và liên tục buộc chặt sự chú tâm của quý vị vào đối tượng thiền. Dẫu thế, tỉnh thức cũng gián tiếp tập trung sự chú ý của quý vị lên đối tượng thiền, vì quý vị phụ thuộc vào việc nhận thức bị hôn trầm và trạo cữ đang thực sự xảy ra hay vừa chớm thành hình, và sau đó bình ổn sự chú tâm của quý vị lên đối tượng ban đầu mà không bị rơi vào vòng ảnh hưởng của hôn trầm và trạo cữ. Hơn nữa, như đã được trích dẫn trên, đại sư Thế Thân[8] dạy rằng cả toàn tâm lẫn tỉnh thức đều hướng tập trung tâm của quý vị lên đối tượng thiền.
Được bảo rằng quý vị thành tựu sự tập trung trên nền tảng của chánh niệm và chánh niệm đó giống như một dây thừng vốn thật sự trói chặt sự chú tâm của quý vị vào đối tượng thiền một cách liên tục, vì vậy chánh niệm là kỹ năng chính yếu để duy trì sự thành tựu tập trung.
Cũng thế, chánh niệm có cách nắm bắt đối tượng mang theo một ý nghĩa xác tín của nó. Nếu trong khi duy trì sự tập trung tinh thần, quý vị bình ổn tâm thức mình một cách ngẫu nhiên mà thiếu một ý nghĩa đậm nét của sự chắc chắn về đối tượng thì tâm thức quý vị có thể ở trạng thái sáng suốt, nhưng nó sẽ không có một cường độ cao của tri kiến chắc chắn, nên quý vị sẽ không phát triển được sự chánh niệm mạnh mẽ. [508] Do đó, hôn trầm vi tế sẽ không bị ngăn chặn và chỉ có sự tập trung sai sót sẽ xảy ra.
Đối với những ai chỉ nuôi dưỡng sự chú tâm không rời rạc mà thiếu vắng việc ổn định sự chú tâm của họ vào các đối tượng thiền khác, chẳng hạn như là một thánh thể, thì hãy mang lại cho tâm mình lời giáo huấn cá nhân, “Bình ổn tâm quý vị không nghĩ về bất kỳ đối tượng nào cả”. Sau đó, họ phải giữ sự chú tâm của mình khỏi phân tán và lạc hướng. Sự không phân tán này đồng nghĩa với chánh niệm không quên lửng đối tượng thiền. Cho nên, vì lối thiền này là một kỹ năng đơn thuần duy trì toàn tâm, những ai thiền theo cách này cũng phải dựa trên một sự chánh niệm kèm theo áp lực của hiểu biết chắc chắn.
(b’)) Loại bỏ các phương thức có sai sót
Có các nhận thức sai cần xua tan như sau:
Quan điểm sai: Nếu quý vị đặt ý thức mình vào mức cao như quý vị đã giải thích bên trên và sau đó ổn định nó một cách căng chặt không rời rạc thì dĩ nhiên sẽ không có ngay cả một sai sót nhỏ nhất về hôn trầm. Tuy nhiên, vì điều này tăng cường trạo cử, quý vị sẽ thấy rằng mình không thể kéo dài sự ổn định và ý thức được nâng cao của quý vị bị hạ xuống. Vì quý vị sẽ thấy rằng việc thả lỏng một tâm thức bị trói chặt sẽ nhanh chóng dẫn tới sự bình ổn, nên kỹ năng này là một biệt huấn tuyệt diệu.
Đáp: Với ý tưởng quả quyết, ngôn từ trên lớn tiếng cho rằng “sự thả lỏng [thoải mái] tốt là thiền tốt”. Nhưng họ thất bại trong việc phân biệt hôn trầm và thiền. Do thế, như ta đã giải thích bên trên[9] sự tập trung không sai sót phải có hai tính năng; sự ổn định vững chắc của việc chú tâm không rời rạc một mình thôi không đủ.
Quan điểm sai: Tại đó, hôn trầm là khi tâm quý vị tối tăm và trở nên mờ ảo; không có điều này, tâm quý vị có một sự rõ ràng sáng suốt, nên sự tập trung của quý vị là không có sai sót.
Đáp: Vì Mệnh đề trên không phân biệt thờ ơ trống rỗng và hôn trầm, tôi sẽ nói rõ chi tiết về chúng sau[10].
Vậy nên, nếu quý vị sử dụng nhận thức mạnh mẽ quá căng chặt, thì quý vị có thể có sự rõ ràng, nhưng trạo cử sẽ chiếm ưu thế cho nên sẽ khó để phát triển bình ổn. [509] Nếu quý vị duy trì thiền của mình sau khi trở nên thoải mái rất nhiều, thì quý vị có thể có bình ổn nhưng hôn trầm sẽ chiếm ưu thế cho nên không có cường độ mạnh cao. Rất khó để tìm được cân bằng về sức căng sao cho không quá căng và cũng không quá thả lỏng và vì lý do này, thật khó để phát triển một sức tập trung không bị hôn trầm và trạo cử. Với ý tưởng này, đại sư Candragomin[11] đã khẳng định trong tác phẩm Tuyên Nhập Tụng (deśanā-stava)[12]:
Nếu ta dùng nỗ lực, trạo cử khởi
Nếu ta bỏ nó đi, chểnh mảng đến;
Thật khó tìm sự cân bằng trong đó
Phải làm gì với tâm hỗn loạn này?
Ý nghĩa của điều này là như sau: “dùng nỗ lực” tức là tâm quý vị quá căng chặt; khi quý vị làm thế, trạo cử khởi sinh. Khi quý vị xả bỏ sự căng chặt và thả lỏng quá nhiều, quý vị tạo ra sự chểnh mảng cùng với sự chú tâm hướng nội của quý vị. Nên thật khó để tìm thấy sự cân bằng đúng đắn cho một trạng thái tâm bình thản, thoát khỏi hôn trầm và trạo cử. Thêm nữa, Buddhaśānti[13] dạy trong tác phẩm Tuyên Nhập Tụng Thích (Deśanā-stava-vṛtti)[14]:
“Nỗ lực” ở đây là sự tập trung tâm ngươi một cách căng chặt lên đối tượng với sự hăng hái rõ ràng.
Và[15]:
Sau khi thấy vấn đề trạo cử chớm xảy ra, quý vị loại đi sự nỗ lực của mình, đó là thôi không cố gắng nữa – theo đó, sự chú tâm của quý vị trở nên chểnh mảng.
Candragomin {Nguyệt Quan} có nêu trong Tuyên Nhập Tụng[16]:
Nếu ta căng thẳng tác hành lên đối tượng, trạo cử xảy ra;
Nếu ta thả lỏng, chểnh mảng phát triển.
Thật khó tìm thấy con đường tu tập trung dung giữa cả hai
Phải làm gì với tâm hỗn loạn này?
Phật Tịnh chú giải rõ ràng về việc này[17]:
Nếu ngươi căng thẳng để có một tập trung căng chặt lên đối tượng và tự nỗ lực, thì tâm ngươi trở nên trạo cử và phân tán và bởi thế ngươi hủy hoại sự tập trung tinh thần của mình. Do đó, ngươi không thể đạt được sự bình ổn thông qua nỗ lực. Điều này thật khó khăn, nên để tuần tự tránh nó, ngươi thả lỏng tâm mình, vốn đã căng chặt để tiến hành lên đối tượng và bỏ nỗ lực của mình xuống. [510] Sau đó các sai sót như là quên lửng đối tượng thiền dẫn đến chểnh mảng và hôn trầm.
Vậy nên Nguyệt Quan dạy rằng “thật khó tìm” một sự tập trung tinh thần cân bằng đúng hay là thực hành trung dung thoát khỏi cả hai thái cực về hôn trầm và trạo cử. Nếu có sự thả lỏng phù hợp, thì sẽ không có bất kỳ vấn đề nào cả. Vì bản luận bảo rằng điều này dẫn đến hôn trầm, nên hiển nhiên là không đúng nếu sử dụng phương pháp này để thành tựu định.
Thật không thỏa đáng để có được sự rõ ràng mà đơn thuần chỉ dùng phẩm chất rõ ràng của tâm thức rất thả lỏng; phải có thêm một mức độ của sự căng thẳng trong cách mà quý vị nắm bắt đối tượng. Thánh giả Vô Trước có bàn đến phương pháp sử dụng hai trạng thái đầu trong chín trạng thái tinh thần[18] như sau[19]:
Để bình ổn và bình ổn đúng tâm ngươi lên đối tượng này, thì có sự chú ý của sự tập trung chặt chẽ.
Trong phần thứ nhất của Giai Trình Thiền Liên Hoa Giới cũng có nêu[20]:
Sau khi ngươi xóa bỏ hôn trầm, hãy giữ chặt đối tượng thiền.
Và phần thứ hai Giai Trình Thiền của ngài Liên Hoa Giới dạy[21]:
Sau đó, khi đã dập tắt được hôn trầm, bằng mọi giá hãy làm sao cho tâm ngươi chỉ thấy thật rõ đối tượng thiền.
Khi Liên Hoa Giới nói “tâm ngươi thấy thật rõ”, ngài không những có ý rằng đối tượng là rõ ràng mà ngài còn muốn nói rằng cách thức nắm bắt đối tượng của tâm quý vị rõ ràng và vững chắc.
Cách thức đề cập trên về việc lưu giữ toàn tâm rất quan trọng. Không biết đến nó, việc thiền của quý vị sẽ cho thấy một số lớn các sai sót, như là việc trượt vào sự quên lửng to lớn tương ứng với số lượng thiền của quý vị, hay mù mờ về trí huệ phân biệt các pháp. Tuy vậy, quý vị lại giả định một cách sai lầm là mình có một sự tập trung rắn chắc.
Vấn: Trong khi chánh niệm cố định sự chú ý của mình lên đối tượng thiền như đã giải thích trên, thật phù hợp để theo dõi thiền của mình và suy nghĩ đến vấn đề phải chăng mình đang giữ đối tượng thiền thật tốt?
Đáp: Quý vị phải làm điều này, vì Liên Hoa Giới trong phần thứ hai Giai Trình Thiền có nêu[22]: [511]
Sau khi ngươi đặt sự chú tâm của mình lên đối tượng thiền nào mà ngươi đã chọn, hãy giữ nguyên ở đó một cách liên tục. Trong khi ngươi ở lại đúng với đối tượng, hãy phân tích và tra xét tâm ngươi bằng cách nghĩ: “Phải chăng tâm tôi nắm bắt đối tượng thiền một cách tốt đẹp? Hay nó hôn trầm? Hay nó bị phân tán bởi sự trình hiện của các đối tượng bên ngoài?”
Điều đó không có nghĩa là quý vị ngừng tập trung và nhìn vào tâm mình. Đúng hơn, trong khi bảo dưỡng trạng thái tập trung của mình, quý vị chỉ nhìn xem phải chăng sự chú ý của mình đang lưu lại ở chỗ mà nó được đặt đối tượng nguyên thủy của thiền trước đây và nếu không, phải chăng có sự hôn trầm hay trạo cử. Sau khi đã ổn định sự tập trung, quý vị quán kiểm lại điều này trong một khoảng thời gian vừa phải, không quá thường xuyên mà cũng không quá lâu. Nếu quý vị làm điều này trong khi cường độ và sức lực của lần thấy biết trước đó chưa thật sự chấm dứt, nó sẽ có hiệu lực nội trong viễn cảnh của sự thấy biết này. Điều này nhằm mục đích của cả việc cho phép sự bền lâu và ổn định mạnh, lẫn việc để cho quý vị nhanh chóng nhận ra hôn trầm và trạo cử.
Đây là cách để quý vị bảo dưỡng chánh niệm của mình, theo đó nguyên nhân cần thiết cho sự toàn tâm mạnh mẽ và liên tục là sự duy trì cho việc hành thiền của quý vị bằng cách tự nhắc nhớ một cách lập đi lặp lại, vào từng khoảng thời gian về đối tượng thiền đã dự liệu. Vô Trước có dạy trong Thanh Văn Địa[23]:
Về điều này, nhất tâm là gì? Mọi dòng tương tục của sự chú ý mà nhớ lập đi lập lại, tập trung một cách nhất quán lên một đối tượng tương tự và liên tục, không có hành vi sai sót và sở hữu một niềm vui sướng được gọi là “tập trung tinh thần”, cũng gọi là “sự nhất tâm thiện đức”
Nhớ lập đi lặp lại điều gì? Ngươi nhận thức đối tượng thiền – tức là các tính năng của một người trong sự cân bằng – từ quan điểm của giáo pháp nào đó mà ngươi nhớ hay nghe được và theo điều mà ngươi đã nhận các giáo huấn và các giải thích từ đạo sư của mình. Ngươi khởi tác và tập trung lên đối tượng này với sự chánh niệm liên tục. [512]
Trong Biện Trung Biên Luận Thích, ngài Sthiramati[24] nêu[25]:
Mệnh đề “Chánh niệm nghĩa là không bỏ quên đối tượng thiền” tức là ngươi biểu lộ một cách tinh thần các giáo huấn về bình ổn tâm mình.
Do đó, quý vị bảo dưỡng toàn tâm để ngừng sự lãng quên mà trong đó quý vị bị lạc khỏi đối tượng thiền. Cho nên, sự không lãng quên đối tượng thiền – tức là sự lãng quên bị ngừng – là khi quý vị “biểu lộ một cách tinh thần” đối tượng thiền; quý vị ghi khắc đối tượng thiền vào tâm lập đi lập lại. Chẳng hạn, khi quý vị lo ngại về việc quên lửng điều gì quý vị biết, thì nó sẽ khó quên nếu quý vị gợi nhớ nó lập đi lập lại.
Do đó, quý vị phải tự nhắc nhở mình về đối tượng thiền trong một thời hạn vừa phải để tuần tự phát triển chánh niệm mạnh mẽ. Cách để nâng cao tỉnh thức, vốn là để thông báo hôn trầm và trạo cử, là việc khóa chặt sự chú tâm của mình lên đối tượng thiền mà không có xao lãng và sau đó quán kiểm nó. Hãy nhận thức rằng nếu quý vị từ khước một thủ tục như thế bằng cách nghĩ rằng “đây là sự rời rạc”, thì sẽ vô cùng khó để phát triển chánh niệm và tỉnh thức mạnh mẽ.
(c’)) Thời gian của buổi tu tập
Vấn: Khi Ngài cố định sự chú tâm của mình lên đối tượng thiền với sự toàn tâm, có phải là chỉ trong một khoảng thời gian hạn hữu nào không, như là Ngài đã dạy: “Tôi sẽ bình ổn tâm mình lên đối tượng cho đến lúc đó”?
Đáp: Về vấn đề này, tất cả các thiện xảo sư trước giờ trong nhiều truyền thừa Tây Tạng khác nhau đều dạy rằng quý vị phải tu tập trong rất nhiều buổi thiền ngắn. Tại sao? Một số cho rằng nếu quý vị thiền trong các buổi cô đọng và ngừng lại khi nó đang diễn tiến tốt đẹp, thì quý vị sẽ vẫn thiết tha thiền vào cuối của mỗi buổi, trong khi nếu buổi tu tập dài, quý vị sẽ trở nên mệt nhọc. Một số khác giải thích rằng nếu buổi thiền lâu, thì sẽ dễ dàng rơi vào vòng khống chế của hôn trầm và trạo cử, nên sẽ khó để phát triển tập trung tinh thần không sai sót. Thanh Văn Địa của Vô Trước và các kinh văn cổ không nói rõ về thời lượng của các buổi tu tập. Mặc dù vậy, Liên Hoa Giới dạy trong phần thứ ba của Giai Trình Thiền[26]:
Trong giai đoạn này hãy khởi tác sự cân bằng thiền trong hai mươi bốn phút, một giờ rưỡi, ba giờ, hay giữ lâu như ngươi có thể giữ. [513]
Trong khi mệnh đề này có mặt trong một bối cảnh về độ lâu dài của buổi tu tập nhằm nuôi dưỡng tuệ giác sau khi quý vị đã thành tựu được định, hoàn toàn tương tự như khi quý vị thành tựu cấp độ định đầu tiên, thì hãy làm theo cách này.
Nếu quý vị tu tập các kỹ năng về toàn tâm và tỉnh thức đã được giải thích bên trên – hãy tự nhắc nhớ cho mình về đối tượng thiền và quán kiểm việc thiền của mình vào các thời hạn thích hợp – không có gì đáng ngại nếu buổi thiền hơi lâu. Tuy nhiên, thường có một hay hai sự việc sẽ xảy ra khi quý vị là người mới tu tập và có một buổi thiền lâu dài. Một mặt, quý vị có thể trở nên phân tán do quên lửng. Trong trường hợp này, quý vị sẽ không nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ hôn trầm hay trạo cử nào một cách nhanh chóng mà chỉ thấy được sau một khoảng thời gian dài. Mặt khác, tưởng chừng quý vị sẽ không thể lạc mất chánh niệm của mình, nhưng lại dễ dàng rơi vào vòng khống chế của hôn trầm và trạo cử và quý vị sẽ không nhanh chóng nhận thấy khi chúng xuất hiện. Hoàn cảnh trước {tức hôn trầm} gây trở ngại cho việc phát triển về chánh niệm mạnh; trường hợp sau {tức trạo cử} gây hại cho việc phát triển về sự tỉnh thức cao. Do đó, thật khó để ngưng hôn trầm và trạo cử.
Đặc biệt, việc thất bại trong việc nhận biết hôn trầm và trạo cử sau khi quý vị đã trở nên xao lãng do việc quên lửng đối tượng thiền thì tồi tệ hơn nhiều so với việc thất bại trong việc nhận biết nhanh chóng hôn trầm và trạo cử trong khi không quên đối tượng thiền. Vậy nên các kỹ năng để bảo dưỡng chánh niệm – đã được giải thích trước đây để điều trị giúp ngưng sự thất bại của toàn tâm nảy sinh từ việc phân tán – là rất quan trọng[27].
Nếu quý vị có bị quên lửng nhiều từ sự phân tán, cũng như là có sức tỉnh thức yếu đến nỗi không nhanh chóng nhận thấy hôn trầm và trạo cử, thì buổi tu tập của quý vị phải ngắn. Nếu quý vị khó quên đối tượng và lại có thể nhanh chóng nhận ra hôn trầm và trạo cử, thì không thành vấn đề cho buổi tu tập có lâu một chút. Đây là ý kiến hàm ý sau mệnh đề của Liên Hoa Giới bên trên về thời hạn không xác định của một buổi tu tập – như là hai mươi bốn phút và vân vân. Tóm lại, vì khoảng thời gian phải thích ứng với khả năng tinh thần của quý vị, nên Liên Hoa Giới dạy “lâu như ngươi có thể giữ”.
Nếu sự tổn hại nhất thời cho thân hay tâm quý vị không xảy ra, hãy đặt tâm mình cân bằng. [514] Nếu sự tổn hại như thế có xảy ra, thì đừng cố chấp trong việc thiền, mà hãy lập tức ngưng buổi tu tập và sau đó xóa sạch các chướng ngại trong các cấu thành tinh thần và thể chất quý vị. Rồi sau đó thiền. Đây là điều mà những người thông thạo dụng tâm, vậy nên hãy nhận thức rằng việc làm này là một phương diện của thời hạn bao lâu cho một buổi thiền nên có.
[1]Thuật ngữ truy cập ở đây được hiểu như là khả năng vừa đủ đạt đến một trạng thái nào đó nhưng có thể chưa ở mức thuần thục.
[2]BA92. Đó là các bồ-tát ở địa thứ 8 trở lên.
[3]Từ đây về sau hai thuật ngữ toàn tâm hay chánh niệm sẽ được hiểu cùng một nghĩa là khả năng giữ gìn không để quên đối tượng của ý.
[4]BA93. Mahāyānā-sūtralaṃkāra-bhāṣya MSA: 18.53; Levi 1907:143.2-3; D4026: Phi 227a2.
[5]BA94. AS, Pradhan 1975: 6.6, theo Wayman 1978; P5550: 238.3.8.
[6]BA95 Madhyamaka-hṛdaya-kārikā D3855: Dza 4a6.
[7]BA96 Bk2P5311: 33.2.5-6.
[8]BA97 LRCM: 505.
[9]BA98 LRCM: 504.8.
[10]BA99 LRCM: 515-516.
[11]Tên dịch nghĩa là Nguyệt Quan.
[12]BA100 Deśanā-stava (tựa Tạng Ngữ là bShags bstod) , D1159: Ka 205b5.
[13]Tên dịch nghĩa là Phật Tịnh.
[14]BA101 Deśanā-stava-vṛtti D1160: Ka 219b5.
[15]BA102 Ibid.,Ka220al.
[16]BA10. Deśanā-stava D1159: Ka 205b6-7.
[17]BA104 Deśanā-stava-vṛtti D1160: Ka 220b3-4.
[18]BA105 Về chín trạng thái tinh thần xem LRCM: 529-532 hay: việc chú tâm của sự tập trung chặt được sử dụng trong cả hai điều này, xem see LRCM: 535-536.
[19]BA106 Śbh. P5537:101.1.3.
[20]BA107 Bkl, Tucci 1986: 207; P5310: 25.3.6.
[21]BA108 Bk2, P5311: 33.2.2.
[22]BA109 Ibid., P5311: 33.2.2-3.
[23]BA110 Śbh P5537: 100.2.6-100.3.1.
[24]Tên dịch nghĩa là An Huệ.
[25]BA111 Madhyānta-vibhāga-ṭīkā Yamaguchi 1934:175.7-8; P5528:128.2.4.
[26]BA112 Bk3, Tucci 1971.11.18-20; D3917: Ki 51a3.
[27]BA113 LRCM: 506.