- Lời Tựa Của Chủ Biên Cho Bản Dịch Anh Ngữ
- Dàn Ý Cho Quyển 2
- Chương 1: Giai Trình Dành Cho Những Cá Nhân Có Khả Năng Cao
- Chương 2: Từ Bi, Cánh Cửa Bước Vào Đại Thừa
- Chương 3: Bảy Phép Luyện Tâm
- Chương 4: Hoán Chuyển Ngã-tha
- Chương 5: Lễ Phát Tâm Bồ-đề
- Chương 6: Nuôi Dưỡng Bồ-đề Tâm
- Chương 7: Dẫn Nhập Về Lục-độ Ba-la-mật-đa
- Chương 8: Tu Tập Đại Thừa: Các Giới Luật Và Ba-la-mật-đa
- Chương 9: Bố Thí Ba-la-mật-đa
- Chương 10: Cách Thức Bố Thí
- Chương 11: Trì Giới Ba-la-mật-đa
- Chương 12: Nhẫn Nhục Ba-la-mật-đa
- Chương 13: Tinh Tấn
- Chương 14: Thiền Định Và Trí Huệ
- Chương 15: Giúp Người Phát Triển - Bốn Phương Tiện Thu Phục Đệ Tử
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 2
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Trung)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 13: Tinh Tấn
(iv) Cách thức tu tập tinh tấn Ba-la-mật-đa
(a’) Tinh tấn là gì?
(b’) Cách bắt đầu tu tập tinh tấn
(c’) Phân loại tinh tấn
(1’) Các Phân loại thực tế
(a”) Tinh tấn như áo giáp
(b”) Tinh tấn huân tập công đức
(c”) Tinh tấn của hành vi vì lợi lạc của chúng sinh
(2’) Phương pháp phát triển tinh tấn
(a”) Loại trừ các duyên {điều kiện} không thuận lợi ngăn trở tinh tấn
(1”) Nhận diện những yếu tố không tương thích với tinh tấn
(2”) Vận dụng phương pháp để loại bỏ những yếu tố không tương thích
(a)) Ngưng thói lười biếng trì hoãn
(b)) Ngưng tham luyến vào những hoạt động thấp kém
(c)) Ngưng chán nản hay tự khinh miệt
(1)) Ngưng chán nản về mục tiêu
(2)) Ngưng chán nản về các phương tiện để đạt mục đích
(3)) Ngưng chán nản bởi vì bất kể ngươi ở đâu đều là nơi để tu tập
(b”) Thu thập các năng lực của sự thuận duyên
(1”) Phát triển năng lực của ước nguyện
(2”) Phát triển năng lực của kiên định
(3”) Phát triển năng lực của hoan hỷ
(4”) Phát triển năng lực của ngừng nghỉ
(c”) Căn cứ vào việc loại bỏ những duyên không thuận lợi và huân tập thuận duyên, hãy chuyên chú tinh tấn
(d”) Cách thức vận dụng tinh tấn để đưa thân và tâm vào trạng thái hoạt dụng {trạng thái hoạt động tốt}
(d’) Cách tu tập
(e’) Tổng kết
–––––––––\–––––––––
(iv) Cách thức tu tập tinh tấn Ba-la-mật-đa
Phần này có năm nội dung:
1. Tinh tấn là gì?
2. Cách thức bắt đầu tu tập tinh tấn
3. Phân loại tinh tấn
4. Cách thức tu tập
5. Tổng kết
(a’) Tinh tấn là gì?
Khi quý vị chú tâm vào một điều thiện đức {công đức} thì tinh tấn là sự hứng khởi dành cho thiện đức này. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[1]
Tinh tấn là gì? Đó là sự hỷ lạc trong thiện đức,
Bồ-tát Địa giải thích rằng đó là một trạng thái tâm thức không sai sót vốn hứng khởi trong việc tích lũy thiện đức và làm việc vì lợi lạc của chúng sinh cùng với hoạt động về thân, khẩu, ý mà trạng thái tâm thức này thúc đẩy.
(b’) Cách bắt đầu tu tập tinh tấn
Hãy thường xuyên quán chiếu về các lợi ích của tinh tấn và những khuyết điểm của việc không làm thế, vì quý vị sẽ phát triển tinh tấn nếu quý vị tự tập cho quen thuộc với sự quán chiếu này. Về các lợi ích của nó, Thâm Tâm Tỉnh Giác Đại thừa Kinh dạy rằng:[2]
Hãy luôn dựa vào tinh tấn tôn nghiêm,
Vốn xua tan mọi đau khổ, tối tăm,
Vốn là nền tảng của giải thoát khỏi các giới khốn cùng,
Và vốn được mọi Phật-đà tán thán.
Những ai thường tinh tấn
Không khó khăn hoàn tất mọi công trình
Cho dẫu là điều thế tục hay siêu thế.
Ai thiện tri lại nản lòng do tinh tấn?
Ai nêu cao giác ngộ của Phật-đà,
Biết sai sót của thờ ơ và mê ngủ,
Và liên tục kiên gan cùng hứng khởi.
Vậy cho nên ta đã dẫn dắt họ.
Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận cũng dạy rằng:[3]
Tinh tấn là thiện đức tối cao
Dựa vào đó, ngươi có phần còn lại.
Qua đó ngươi đạt đại hỷ lạc
Cả thành tựu thế tục và siêu thế.
Với tinh tấn, ngươi đạt các thú vị mong ước trong đời
Thủ đắc được thanh tịnh tối hậu
Được giải thoát, vượt xa tầm nhìn về các hoại uẩn
Và đạt Phật quả, sự giác ngộ tối cao. [425]
Và nữa:
Người nào có tinh tấn
Thì không bị giáng hạ
Bởi thịnh vượng, phiền não
Nản chí hay thành đạt nhỏ.
Bồ-tát Địa cũng dạy rằng:[4]
Bởi vì chính tinh tấn, chứ không phải điều chi khác, là nguyên nhân nền tảng và tối cao cho sự thành tựu đúng đắn của các phẩm tính thiện đức của một vị Bồ-tát nên các Như Lai đã chỉ ra và tuyên thuyết rằng: “Tinh tấn là điều dẫn đến việc chứng đắc giác ngộ toàn hảo, vô thượng”
Tập Bồ-tát Học Luận cũng dạy rằng:[5]
Nếu ngươi hoàn toàn không mỏi mệt và có tinh tấn Ba-la-mật-đa thì chẳng có gì mà ngươi không đạt hay thành tựu được.
Và:
Chí đến cả phi nhân cũng hoan hỷ giúp
Ngươi thành tựu tất cả các loại thiền định
Và tận dụng đêm ngày một cách hiệu quả.
Các công đức huân tập không bị sa sút
Và các mục đích của ngươi vượt trên việc của loài người
Sẽ nở rộ như liên hoa xanh lam[6].
Về những khuyết điểm do không có tinh tấn Ba-la-mật-đa, Hải Long Vương Vấn Kinh dạy rằng:[7]
Việc giác ngộ của những kẻ lười biếng là vô cùng xa xôi và cách biệt. Kẻ lười biếng thiếu tất cả các Ba-la-mật-đa, từ bố thí đến trí huệ. Kẻ lười biếng không hành động vì lợi lạc của người khác.
Và Diệu Pháp Chánh Niệm Hiện Tại cũng dạy rằng:[8]
Những ai có thói biếng nhác
Nền tảng duy nhất của khổ đau
Kẻ nào cảm thấy chây lười
Thiếu thốn tất cả các thiện tánh.
Cho nên, nếu quý vị thiếu tinh tấn thì quý vị sẽ bị lười biếng chi phối và sẽ thiếu hụt tất cả các phẩm tính thiện đức; do đó, quý vị sẽ đánh mất mọi mục đích tạm thời và tối hậu của con người[9].
(c’) Phân loại tinh tấn
Phần này có hai nội dung:
1. Phân loại thực tế
2. Phương pháp phát triển tinh tấn [426]
(1’) Phân loại thực tế
1. Tinh tấn như áo giáp
2. Tinh tấn trong tích lũy công đức
3. Tinh tấn trong hành động vì lợi lạc của chúng sinh
(a”) Tinh tấn như áo giáp
Khi chư Bồ-tát tinh tấn, trước khi tự mình chủ động hành sự, các ngài mặc áo giáp với một tư tưởng hứng khởi ban đầu như là: “cho đến tập hợp của một ngàn tỷ của ba bất khả tư lường đại kiếp lượng mà mỗi thời kỳ này bao gồm số ngày dài như một ngàn đại kiếp[10], ta sẽ không buông lơi việc thực hành tinh tấn. Vì mục đích giảm thiểu khổ đau của mỗi một chúng sinh, ta sẽ hoan hỷ trụ lại chỉ như một chúng sinh ở địa ngục cho đến ngày ta đạt được Phật quả. Bởi vì ta nỗ lực trong phương cách này cho mục đích toàn giác, nên có gì cần thiết để bàn sự tinh tấn của ta qua một thời lượng ngắn hơn hay lúc đối diện với khổ đau nhỏ hơn?”.
Đó là sự tinh tấn tựa như áo giáp. Một vị Bồ-tát dẫu ngay cả ước nguyện hay chỉ có tín tâm vào sự tinh tấn cũng sẽ tiến tu vững chãi; cần thêm bao nhiêu nữa để cho một người vốn được trang bị sự tinh tấn này, cho rằng vị Bồ-tát đó đang nuôi dưỡng vô lượng các nguyên nhân cho việc tinh tấn vi mục tiêu giác ngộ vô thượng. Bồ-tát Địa dạy rằng đối với một người như vậy thì tuyệt nhiên không có hành động nào vì người khác hay vì sự giác ngộ lại có thể gây nản chí hay gian khó. Khi quý vị đã trở nên đủ duyên với một tâm thức như vậy, dứt khoát là nó sẽ trở thành nhân khai mở tiềm năng của quý vị đối với Đại Thừa; do đó, hãy tu tập điều đó.
Về sự tinh tấn như áo giáp. Tập Bồ-tát Học Luận dạy rằng:[11]
Trong nhiều kiếp lượng như số giọt nước của biển,
Kiếp lượng trong đó các năm được tạo thành
Từ những ngày dài, đêm thâu ngang bằng nhau
Thậm chí bằng cả khoảng thời gian của luân hồi,
Ngươi một lần phát khởi tâm Bồ-đề tối thượng.
Dẫu ngươi phải hoàn tất mọi huân tập khác
Ngươi không thối chí nhờ lòng bi mẫn của mình,
Và đạt giác ngộ siêu phàm mà chẳng hề chùn bước.[427]
Để tạo ra áo giáp vô cùng kiên định này
Trong khi việc xem nhẹ khổ đau luân hồi của ngươi
Được tuyên hứa thi hành đúng đắn trước tiên
Cho kẻ hùng anh trì giữ lòng bi mẫn
Hơn nữa, ngay cả nếu quý vị mất một trăm ngàn năm để một lần phát khởi tâm Bồ-đề và để diện kiến một vị Phật, nơi mà một năm ở đây bao gồm mười hai tháng, mỗi tháng có ba mươi ngày và mỗi ngày dài như khoảng thời gian từ vô thủy luân hồi đến nay; và ngay cả khi quý vị tiêu tốn khoảng thời gian này nhân với số lượng cát sông Hằng để hiểu biết về tâm thức và ứng xử của một chúng sinh; thì một cách tương tự, quý vị phải đến được chỗ thấy biết tâm thức và ứng xử của tất cả chúng sinh. Vô Tận Ý Đại thừa Kinh {skt. Ārya-akṣayamati-nirdeśa-nāma-mahāyānā-sūtra} dạy rằng chiếc áo giáp ngoan cường là chiếc áo giáp không mệt mỏi; đây là tinh tấn Ba-la-mật-đa tựa áo giáp có phẩm chất cao nhất.
Tóm lại, nếu quý vị có thể phát khởi một thái độ duy nhất như vậy, quý vị sẽ có thể dễ dàng hoàn tất các tích lũy vô lượng và tịnh hóa được vô số vô minh. Việc này trở thành nguyên nhân tối thắng cho sự bất thoái chuyển; chỉ bởi tâm hỷ lạc bất kể mất bao lâu thời gian, quý vị sẽ nhanh chóng thành Phật. Những ai muốn thành Phật trong một thời gian ngắn nhưng lại chẳng hoan hỷ chút nào trong những vô hạn hành vi và trong khoảng thời gian rất dài cần thiết sẽ mất thời gian rất dài để đạt Phật quả vì họ thất bại để làm sinh khởi được dũng khí tuyệt vời của chư Bồ-tát.
Sau khi đã khoác áo giáp như thế, quý vị tinh tấn đối vì hai mục đích: huân tập công đức {thiện hạnh} và hành động vì lợi ích của các chúng sinh.
(b”) Tinh tấn trong tích lũy công đức
Tinh tấn trong huân tập công đức là tự mình áp dụng tu tập sáu Ba-la-mật-đa để hoàn tất chúng một cách phù hợp.
(c”) Tinh tấn hành động vì lợi ích của chúng sinh
Tinh tấn trong hành vi vì lợi ích của chúng sinh là việc tự mình áp dụng đúng đắn tu tập về mười một hoạt động vì lợi ích của tha nhân.[12]
(2’) Phương pháp phát triển tinh tấn
Như đã giảng giải bên trên, bởi vì quý vị tạo lập, duy trì và tăng trưởng tất cả thiện hạnh của hai bồ tư lương trong sự phụ thuộc vào tinh tấn, nên tu tập phát triển nó vô cùng quan trọng. Ta sẽ bàn luận về bản văn Nhập Bồ-đề Hành Luận của đại học giả và đại thiện tri thức Tịch Thiên; lưu ý rằng nó thật là đầy đủ và dễ dàng để tìm hiểu cũng như để duy trì tu tập. [428] Phương pháp phát triển tinh tấn này có bốn nội dung:
1. Loại bỏ những điều kiện không thuận lợi ngăn trở tinh tấn
2. Thu thập các năng lực của sự thuận duyên
3. Căn cứ vào việc loại bỏ những duyên không thuận lợi và huân tập thuận duyên, hãy chuyên chú tinh tấn.
4. Cách thức vận dụng tinh tấn để đưa thân và tâm vào trạng thái hoạt dụng.
(a”) Loại bỏ những duyên không thuận lợi ngăn trở tinh tấn
Bao gồm hai nội dung:
1. Nhận diện những yếu tố không tương thích với tinh tấn
2. Vận dụng phương pháp để loại bỏ những yếu tố không tương thích
(1”) Nhận diện những yếu tố không tương thích với tinh tấn
Có hai yếu tố không tương thích với việc bước vào đạo pháp: (1) Không bước vào đạo pháp mặc dù quý vị thấy rằng mình có thể tu tập được và (2) Không bước vào lộ trình tu tập bởi vì quý vị trở nên nản chí với ý nghĩ: “Làm sao ta có thể thực hành pháp như thế được?”. Thực ra thì còn có một lý do khác để không bước vào đạo pháp là bởi vì quý vị không quan tâm đến việc liệu quý vị có khả năng hay không nhưng điều này là không phù hợp ở đây vì lời giảng giải này chỉ dành cho những người đi tìm giải thoát.
Trong yếu tố thứ nhất, có hai khả năng: (1) Quý vị có tật lười biếng trì hoãn với ý nghĩ: “vẫn còn thời gian” và (2) Quý vị không chần chừ trì hoãn, nhưng lại bị choáng ngợp bởi sự tham luyến vào các hoạt động thông thường và thấp kém. Về ý này, Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[13]
Các yếu tố không hợp cho tinh tấn
Là lười nhác, tham luyến với những thấp hèn
Và tự khinh bởi do nhụt chí.
Các nguyên nhân khiến sinh lười biếng là không ưa thích, tham luyến vào các thú vui thấp kém, tham muốn ngủ nghê và thiếu tâm chán ghét luân hồi. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[14]
Lười biếng có, do tham dục
Từ thiếu hứng thú, ham chơi, ham ngủ;
Và do từ sự thiếu vắng
Lòng chán ghét sinh tử luân hồi.
Một số người cho rằng hai dòng đầu là hình thức biểu thị của lười biếng hơn là nguyên nhân của nó.
(2”) Vận dụng phương pháp để loại bỏ những yếu tố không tương thích
Có ba nội dung:
1. Ngưng thói lười biếng trì hoãn
2. Ngưng tham luyến vào những hoạt động thấp kém
3. Ngưng chán nản hay tự khinh miệt
(a)) Ngưng thói lười biếng trì hoãn
Điều này liên can đến ba sự quán chiếu về: quý vị suy tưởng rằng thân thể hiện nay của mình đang phân rã nhanh chóng, rằng sau khi chết quý vị sẽ bị đọa sinh xuống các cõi khổ đau và rằng sẽ rất khó khăn để tìm lại một đời sống tốt đẹp như thế này. Hãy quán chiếu các chủ đề này ngăn chận biếng nhác vốn cho là còn nhiều thời gian; do đó, phát khởi sự xác tín trong tâm thức quý vị rằng chẳng có thời gian để dự trữ. [429] Ba chủ đề quán chiếu này được giảng giải trước đây trong phần nói về loại người có căn cơ thấp[15].
(b)) Ngưng bám luyến vào những hoạt động thấp kém
Quý vị thấy rằng giáo pháp tối thượng là nguồn cội của niềm hỷ lạc vô tận cho kiếp này và những kiếp sau, cũng như thấy rằng mình làm mất đi ý nghĩa lớn lao của nó khi quý vị phân tâm vào các chuyện phiếm và trò vui, vốn là nguồn gốc của nhiều khổ đau vô nghĩa sau này. Hãy quán chiếu điều này và ngưng bám luyến vào đó. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[16]
Sao ngươi có thể từ bỏ nguồn gốc của niềm vui bất tận
Của niềm hỷ lạc lớn lao, của giáo pháp siêu phàm,
Để tìm vui trong các thú tiêu khiển, và phân tâm
Vốn là nguyên nhân của nhiều đau khổ?
(c)) Ngưng chán nản hay tự xem thường
Tìm hỷ lạc trong giáo pháp siêu phàm sau khi quý vị không còn lười biếng trì hoãn và ngưng các hoạt động thấp kém thật vẫn chưa đủ; quý vị phải tu tập như một hành giả Đại Thừa. Do đó, nếu quý vị trở nên nản chí với ý nghĩ: “Một người như tôi không đủ sức thực hành được pháp đó” thì quý vị phải loại bỏ sự nản chí này. Ngưng nản lòng hay tự xem nhẹ mình có ba phần:
1. Ngưng chán nản với mục tiêu
2. Ngưng chán nản với phương tiện để đạt mục đích
3. Ngưng chán nản bởi vì bất kể ngươi ở đâu đều là nơi để tu tập
(1)) Ngưng chán nản về mục tiêu
Vấn: Nếu mục đích là Phật quả – tức sự đoạn diệt hoàn toàn các sai sót và viên mãn hoàn toàn tất cả các phẩm tính tốt, thật vô cùng khó cho tôi để hoàn tất ngay cả một vài phẩm tính tốt hay loại trừ một ít sai sót, làm thế nào một người như tôi có khả năng đạt đến một thành quả như thế?
Đáp: Nếu một ý tưởng nản chí như vậy khởi lên thì đây là một khuyết điểm rất lớn bởi vì nó cấu thành việc từ bỏ tâm giác ngộ. Ngay cả khi tư tưởng đó chưa hoàn toàn hiển lộ thì quý vị phải kết liễu nó khi nó mới trong giai đoạn khởi sinh.
Làm thế nào để ngăn chặn nó? Hãy tự động viên mình với ý nghĩ: “Đức Thế Tôn – đấng quyền năng thuyết điều chân thật và đúng đắn, không bao giờ sai trái và lỗi lầm – đã dạy rằng ngay cả loài ruồi vv... cũng sẽ có thể đạt giác ngộ. Thế nên, vì sao tôi lại không thể đạt giác ngộ khi mà tôi vẫn không từ bỏ sự kiên trì – trong vị trí sinh ra làm người cho tôi một cơ sở thù thắng và tôi có năng lực tinh thần để phân tích, điều nên theo và điều nên bỏ?’ [430] Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[17]
”Làm sao tôi có thể đạt giác ngộ?”
Tôi sẽ không nản chí như thế
Vì Như Lai tuyên thuyết chân lý
Đã dạy về điều ấy như sau:
“Ngay cho đến các loài ruồi, muỗi
Ong và sâu bọ sẽ cùng viên mãn
Giác ngộ vô song, việc rất khó đạt,
Một khi chúng phát năng lực tinh tấn”.
Vậy tại sao một kẻ như ta
Sanh làm người, biết lợi biết tai ương,
Lại không thể đạt thành giác ngộ
Chừng nào ta không ngưng hành Bồ-tát?
Hơn nữa, hãy ngăn chận chán nản nhụt chí với ý nghĩ: “Trong quá khứ thì có chư Phật quá khứ, hiện tại thì có những vị Hoạt Phật và trong tương lai sẽ có những người sẽ thành Phật. Ở đây không phải là trường hợp chỉ một người vốn đã thành Phật hoàn tất được lộ trình tu tập. Đúng hơn là, những người chỉ như là ta đây, tiến hóa dần, đã và sẽ trở thành các vị Phật. Bảo Vân Kinh dạy rằng:[18]
Bồ-tát nghĩ như sau: “Tất cả các Như Lai, A-la-hán, chư Phật toàn hảo vốn là những người đã thành tựu, là những người đang thành tựu và là những người sẽ thành tựu giác ngộ hoàn, đã, đang và sẽ đạt đến giác ngộ hoàn toàn qua phương tiện này, qua loại lộ trình này, qua cách tinh tấn này”. Do đó, đây không phải là trường hợp tất cả các Như Lai kia chỉ là một người, vốn đã trở thành một vị Như Lai đạt giác ngộ hoàn toàn. Đúng hơn là tôi đây cũng sẽ đạt đến tất cả sự toàn thiện trong sự giác ngộ viên mãn, toàn hảo và vô thượng một cách tối hậu. Với sự tinh tấn chung cùng với toàn bộ chúng sinh và với sự tinh tấn hướng đến tất cả chúng sinh, ta cũng sẽ cầu tìm và nỗ lực để giác ngộ. [431]
Tán Dương Công Đức Vô Lượng cũng dạy rằng:[19]
Ngay cả một số người thời trước đã đạt trạng thái thiện thệ cũng đã từng bị giáng xuống những trạng thái thấp hơn trạng thái này nhiều trước khi đắc quả thiện thệ này. Nghĩ như thế và để động viên chúng ta, ngài [đức Thế Tôn] không tự hạ thấp uy tín mình ngay cả khi ngài lâm vào một điều kiện khủng khiếp. Tự hạ thấp mình là sai, làm cho những ai có căn cơ phát triển trở nên nản chí.
Về sự thoái chí này, vì phẩm tính tốt đẹp của một vị Phật là vô hạn và các thành quả ứng theo các nguyên nhân, nên quý vị phải thành tựu các phẩm tính tốt đẹp và loại bỏ các sai sót thông qua vô số ngả đường trong khi dấn bước trên đạo pháp. Sau khi quý vị đã hiểu được điều này một cách tường minh, quý vị có thể trở nên thoái chí khi tự nhìn chính mình.[20]
Tuy nhiên, sự nản chí cụ thể này sẽ không bao giờ khởi sinh tại một thời điểm như hiện tại khi một hiểu biết thiếu sót về lộ trình tu tập đang trong sự hoạt dụng. Giờ đây, khi tu tập để thành tựu các phẩm tính Phật vô lượng, quý vị giả định rằng chúng được thành tựu một phương diện qua việc theo đuổi thực hiện chỉ một hay một phần của một phẩm tính và làm việc cật lực với nó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc quý vị không chán nản không phải là một dấu hiệu tốt. Đúng hơn đó là hậu quả của việc quý vị không biết chắc chắn về cách thức để xúc tiến trên lộ trình tu tập – hoặc chỉ hiểu biết sơ lược nhưng không đặt vào sự thực hành – cho nên, quý vị bị lơ mơ bởi sự vì sự dễ dàng ở bề ngoài của pháp tu. Cho đến khi quý vị tìm đến tu rèn và nhận được sự giải thích tương đối đầy đủ về giai trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, quý vị lại thốt lên: “Nếu cần nhiều đến như vậy thì ai có thể thực hành nổi?” và sẽ bỏ cuộc hoàn toàn.[21] Ngài Sha-ra-wa cũng dạy rằng:
Đối với các Bồ-tát chưa có dịp xúc tiến thực hành thì tất cả các hành vi Bồ-tát dường như dễ dàng, như một cái đích để bắn tên, và thậm chí không hề nản chí. Hiện tại, chúng ta ngay cả chưa đạt đến mức độ mà ở đó chúng ta sẽ chán nản hay tự xem thường mình. Đến khi chúng ta hoàn toàn tiếp cận giáo pháp, thì có một mối nguy lớn về sự nhụt chí và tự xem thường mình.
Điều này khá đúng.
(2)) Ngưng chán nản về các phương tiện để đạt mục đích
Vấn: Để đạt Phật quả, người ta phải bố thí tay, chân mình vv... nhưng tôi không có khả năng cho những kỳ tích như vậy. [432]
Đáp: Quý vị phải chịu khổ đau đến mức độ như vậy bởi vì ngay cả những kẻ sống thoải mái, không xúc tiến trải nghiệm các thực hành Bồ-tát, như khi họ đi qua luân hồi, sẽ chịu nhiều khổ đau không thể diễn tả được như chặt chém, phân thây, đâm, thiêu đốt chẳng hạn mà vẫn không hoàn tất được lợi ích của chính mình. Khổ đau sinh ra bởi các gian khổ diễn ra vì mục tiêu giác ngộ thì không bằng được phần nhỏ của đau khổ {do luân hồi} này, và nó còn có mục tiêu vĩ đại về việc thành tựu cho cả lợi ích của chính quý vị và của tha nhân. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[22]
“Nhưng thật đáng sợ là ta phải
Bố thí tay, chân và tương tự”.
Không phân khổ đau lớn hay nhỏ
Sự hoang mang làm ta sợ hãi.
Trong vô lượng chục triệu kiếp
Ta sẽ bị đâm chém
Thiêu đốt, phân thây nhiều lần
Bởi đó vẫn không đạt giác ngộ.
Khổ đau nào đưa ta đến bờ giác
Đều mang theo một giới giới hạn rõ ràng.
Thật giống như cơn đau trong vết mổ
Để cắt đi một vết nội thương.
Các lương y chữa lành bệnh tật
Qua dạng điều trị không dễ ưa
Cho nên ta gánh thêm chút khó
Để diệt trừ đi bao khổ đau.
Về việc bố thí thân thể {thân thí}, quý vị sẽ không bố thí ngay từ lúc ban đầu khi quý vị còn lo sợ. Nhưng thông qua việc từng bước tu tập bố thí, quý vị sẽ hết bám luyến thân thể mình. Một khi sức mạnh về lòng bi mẫn của quý vị đã tăng trưởng, quý vị sẽ không còn khó khăn để cho chúng đi sử dụng thân đó vì một mục đích vĩ đại. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[23]
Lương y thượng thặng không sử dụng
Liều thuốc thông thường như thế đâu
Ông chữa vô vàn kinh niên chứng
Bằng những chăm lo thật dịu dàng
Thoạt đầu, hướng dẫn chỉ thị ngươi
Bố thí rau quả và vv...
Sau đó, khi ngươi đà thuần thục
Ngươi dần bố thí cả thịt mình.
Một khi ta hiểu thân thể mình
Vai trò cũng tựa như rau quả
Thì khó khăn chi việc cho ra
Các thứ như là thịt da ta.
Một số người cho rằng bởi vì các hành giả của Ba-la-mật-đa thừa {tức Đại thừa} phải bố thí cả thân thể và mạng sống nên họ rất đau đớn và tu tập trên một lộ trình rất khó theo. Rõ ràng là bản văn trên đây bác bỏ điều vừa phát biểu bởi vì quý vị không thực hành chừng nào mà quý vị còn nhận thức rằng đó là một hành động khó khăn, nhưng đáng ra là làm việc đó khi mà nó trở nên dễ dàng, tựa như cho đi rau quả. [433]
(3)) Ngưng chán nản bởi vì bất kể ngươi ở đâu đều là nơi để tu tập
Vấn: Việc đạt đến Phật quả đòi hỏi tái sinh vô số lần trong luân hồi, cho nên, tôi sẽ bị hại bởi khổ đau nơi đó. Tôi không đủ khả năng là thế.
Đáp: Hãy quán chiếu như sau. Chư Bồ-tát đã xóa sạch mọi tội lỗi; do đó, hậu quả của lỗi lầm – tức cảm thọ về khổ đau – sẽ không khởi sinh bởi vì họ đã ngăn chận được nguyên nhân {của phiền não}. Qua tri kiến vững chắc rằng luân hồi thiếu vắng một tự tánh, tựa như các trò ảo thuật, các ngài cũng không có khổ đau về tinh thần. Với giả sử là hỷ lạc về thể chất và tinh thần của các Bồ-tát tăng trưởng, thì họ không có lý do gì để ngã lòng dù rằng họ vẫn ở trong cõi luân hồi. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[24]
Vì tội bị xóa sạch, nên chẳng có khổ đau
Thông qua trí hiểu biết, chẳng thiếu niềm hỷ lạc
Tà kiến và lỗi lầm
Làm hại thân và tâm.
Qua công đức, nên thân hỷ lạc;
Qua trí huệ, tâm cũng được an.
Chịu luân hồi vì lợi lạc tha nhân,
Kẻ từ bi tại sao phải ngã lòng?
Và:
Cho nên, sau khi cưỡi chiến mã của tâm Bồ-đề
Vốn xua tan mọi chán nhàm và mỏi mệt,
Ngươi tiếp diễn từ hỷ lạc này đến diệu lạc nọ.
Dẫu có mẫn cảm nào ai cam ngã lòng?
Tương tự vậy, đừng nản chí ngay cả qua việc bị trì hoãn trong luân hồi trong một thời gian dài không đo đếm được, bởi vì thời gian dài lâu tự nó không phải là nguyên do việc nản lòng. Nếu khổ đau là cực kỳ mãnh liệt, thì ngay cả một thoáng chốc trong đau khổ cũng gây nản chí. Nếu không có khổ đau và quý vị được hạnh phúc thì ngay cả một thời gian dài cũng không gây nản chí. Bảo Hành Vương Chính Luận của ngài Long Thọ dạy rằng:[25]
Khi đau khổ, dù thoáng qua cũng khó gánh
Có cần đâu kể đến khoảng dài lâu?
Nếu không khổ và an trong hỷ lạc,
Thì ngại chi khoảng vô tận thời gian?
Chư Bồ-tát thân không hề thọ khổ;
Thì làm sao tâm lại phải ưu phiền?
Do bi mẫn, âu lo vì cõi thế;
Nên các ngài chịu ở lại dài lâu.
Theo gương đó, hãy đừng nên thất chí
Bằng ý suy: “Phật quả quá xa vời”.
Luôn nỗ lực, hãy huân tập tư lương
Dứt lỗi lầm và nhận về phẩm hạnh.[434]
Lại nữa, bởi vì việc viên thành các tư lương vô lượng không phải là khó khăn, hãy đừng tự làm mình nản chí với ý nghĩ: “Việc trở thành một vị Phật đòi hỏi hoàn tất các tích lũy vô lượng về công đức và trí huệ. Việc này thật khó khăn nên có thể tôi không thể nào làm nổi”. Trước hết, hãy tự động viên mình với ước nguyện thành tựu vô lượng các phẩm tính Phật vì lợi lạc của vô lượng chúng sinh mà quý vị muốn cứu giúp. Kế đến, hãy tập trung vào việc lưu lại luân hồi trong một khoảng thời gian không đo được và thọ Bồ-tát giới với ý nghĩ: ”Tôi sẽ viên thành hai bồ tư lương vô lượng!” Sau đó, chừng nào quý vị vẫn trì giới, dù quý vị có bị phân tâm hay không, dù thức hay ngủ, quý vị sẽ liên tục tích lũy công đức vô lượng như hư không. Bảo Hành Vương Chính Luận dạy rằng:[26]
Chỉ như tất cả mười phương
Hư không, đất, nước, lửa và gió
Là vô lượng, nên chúng ta khẳng định
Các chúng sinh khổ đau cũng vô lường.
Với lòng bi mẫn, chư Bồ-tát
Cứu độ chúng sinh vô lượng này
Thoát khỏi khổ đau và quyết ý
Đưa họ sang bến cõi Phật-đà.
Ai gìn giữ kiên trinh bằng cách ấy
Thật đúng ngay khởi phát ước nguyện này
Rồi sau đó, dù ngủ mê hay tỉnh giác
Và cả khi vô ý chẳng nghĩ chi
Họ không ngưng tích phước đức vô lường
Như con số chúng sinh là vô lượng
Hãy nên biết, do điều vô số ấy
Phật quả kia, chẳng khó dẫu vô biên.
Ai trụ lại trong thời gian vô hạn
Để truy tầm giác ngộ vô biên
Vì lợi ích vô vàn sinh chúng
Và thực hành công đức vô lượng
Thế cho nên, dẫu giác ngộ khôn lường
Sao có thể, họ không thành đạt được
Trong thời gian không mấy dài lâu
Do kết hợp bốn vô số[27] này?
Không gì tuyệt vời hơn khi nghĩ rằng: “Giá như ta có thể đạt Phật quả trong một thời gian ngắn vì lợi lạc của chúng sinh”, bởi vì quý vị bị xúc động bởi sức mạnh mãnh liệt của tình yêu thương, lòng bi mẫn và tâm giác ngộ của chính quý vị. [435] Tuy nhiên, khi quý vị không thuộc vào bầu không gian tác động của những động cơ này, cũng như là quý vị thấy sự cần thiết của một thời dài gian tu tập qua những hành động vô tận và đòi hỏi nhiều công việc khó khăn thì quý vị có thể nghĩ rằng: “Nếu vậy thì ai có thể làm được điều đó?”. Nếu sau đó quý vị cho rằng quý vị đang tìm một lộ trình nhanh chóng thì quý vị sẽ trực tiếp làm tổn hại đến tâm Bồ-đề đã hành và gián tiếp làm tổn hại đến Bồ-đề tâm nguyện. Căn cơ của quý vị đối với Đại thừa sẽ suy yếu nhanh chóng và sự giác ngộ của quý vị trở nên xa vời vì quý vị đã một cách tối hậu mâu thuẫn với những gì mà các ngài Long Thọ và Vô Trước cho là ý nghĩ của đấng Chiến Thắng về cách thức tăng cường sức mạnh của Bồ-đề tâm.
Do đó, bởi vì việc trở nên thoái chí và duy trì tình trạng đó chẳng hề mang lại lợi ích gì và chỉ dẫn đến thêm chán nản mà thôi, nên hãy thấu hiểu kỹ càng các phương pháp thành tựu giác ngộ và tự nâng cao tinh thần của mình. Khi quý vị làm được điều này, việc hoàn thành các mục tiêu kể như đang nằm trong lòng bàn tay của quý vị. Bổn Sanh Kinh dạy rằng:[28]
Thoái chí không giúp ngươi thoát khỏi nghịch duyên,
Nên, thay vì tự giày vò trong ưu phiền
Hãy phát triển năng lực kiên định cho mục tiêu cần đạt.
Rồi ngay cả việc rất khó cũng trở nên dễ dàng, đem đến giải thoát.
Vậy, hãy đạt đến điều phải xong bằng phương tiện đã chỉ bày
Mà không tự làm mình sợ hãi hay bất hạnh.
Hãy tự giúp mình với sự ổn định của tài năng sáng chói
Rồi việc thành tựu tất cả các mục tiêu đều ở trong bàn tay ngươi.
Thánh giả Vô Trước liên tục dạy rằng quý vị phải hiểu biết rõ ràng cả các phương tiện tu tập bao quát mà không bị nản chí lẫn việc không tự thỏa mãn với các phẩm tính nhỏ bé. Hiện tại, quý vị nghĩ rằng: ”Ta đã đạt được trình độ cao trong đạo pháp tu tập”, khi quý vị đã tạo được một phẩm tính tốt duy nhất; cho dù đó là một phẩm tính tốt thực sự, đó cũng chỉ là một khía cạnh của lộ trình. Quý vị hài lòng khi quán chiếu đơn thuần về điều này. Nhưng sau đó, các thiện tri thức, từ trong các điểm mấu chốt của đạo pháp, giải thích theo sự hướng dẫn của kinh điển và lập luận rằng đó thật là một phần của thiện hạnh; nhưng nếu chỉ điều đó thôi thì quý vị chưa đạt đến đâu hết. Khi quý vị hiểu ra được những gì họ nói thì quý vị trở nên vô cùng chán nản. [436] Do đó, những người không thỏa mãn với một phần công đức đã thành tựu được, tìm cách vươn cao thêm và không nản chí ngay cả với sự cần thiết để tu học vô hạn trui rèn là cực kỳ hiếm hoi.
(b”) Thu thập các năng lực của sự thuận duyên
Phần này có bốn nội dung:
1. Phát triển năng lực của ước nguyện
2. Phát triển năng lực của sự kiên định
3. Phát triển năng lực của sự hoan hỷ
4. Phát triển năng lực của xả bỏ
(1”) Phát triển năng lực của ước nguyện
Chúng ta biết rằng các hành vi do mong ước đóng vai trò nền tảng cho tinh tấn, ước nguyện nói đến ở đây là việc mong ước. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[29]
Cảnh cơ hàn hiện tại của ta đã khởi
Từ việc không ước nguyện giáo pháp của ta
Cả trong hiện tại và quá khứ xa xăm.
Ai sẽ rời bỏ ước nguyện đến giáo pháp?
Thánh hiền đã tuyên thuyết về ước nguyện này
Là cội nguồn của mọi khía cạnh công đức.
Sau đó, bản luận thuyết về cách thức để phát triển nguyện ước[30]
Cội rễ đó, đến lượt, là thiền quán thường hằng
Về thành quả tạo ra vốn từ nghiệp
Điều này có nghĩa rằng cách thức để phát triển nguyện ước là quán chiếu xem làm thế nào các hậu quả dễ ưa và khó chịu khởi sinh tương ứng từ các nghiệp thiện và bất thiện ra sao. Đó là vì tín tâm vốn được giảng dạy như là đóng vai trò nền tảng cho sự nguyện ước, cho nên lòng tin vào hai loại gồm nghiệp và các hậu quả của nghiệp sẽ phát khởi thành hai loại nguyện ước: loại nhằm giải trừ bất thiện nghiệp và loại nhằm tiếp thụ thiện nghiệp. Hơn nữa, quý vị xem xét nghiệp và các nghiệp báo của nó nói chung, cụ thể là quan hệ nhân quả đằng sau các lợi ích của các hành vi Bồ-tát và những sai sót của việc phạm Bồ-tát giới. Hãy thấu hiểu những điều ở đây từ những đoạn liên quan của chánh văn này.[31]
Một khi quý vị khát khao đến Đại thừa thì quý vị nhập môn với thệ nguyện rửa sạch tất cả các lỗi lầm và thành tựu tất cả phẩm tính tốt cho quý vị và cho người khác. Quý vị phải tự khích lệ mình với ý nghĩ: “Tôi sẽ phải thiền trong nhiều kiếp để tịnh hóa từng lỗi lầm cùng tập khí của nó và phát triển từng phẩm tính tốt đến mức độ viên mãn nhất. Tuy nhiên, bởi vì tôi chẳng mảy may có một chút tinh tấn cần thiết để rửa sạch những lỗi lầm hay thành tựu những phẩm tính tốt, tôi đã phí phạm thời gian rỗi rảnh của mình một cách vô nghĩa”. [437] Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[32]
Ta sẽ hủy bất khả tư lường
Lỗi lầm của ta và của người khác.
Để dẹp tan từng lầm lỗi một
Sẽ mất một đại dương kiếp lượng.
Nhưng ta chẳng thấy ngay cả một chút
Nỗ lực cần để tiêu hủy một lỗi lầm
Ta là nguồn cội của khổ đau vô lượng.
Thế tại sao tim ta không vỡ tan?
Ta sẽ thành tựu vô số
Hảo phẩm tính cho ta và người.
Để nuôi dưỡng một phẩm tính tốt.
Cần cả đại dương các kiếp lượng này,
Nhưng ta chưa bao giờ tự tạo duyên
Ngay cả một phần cho phẩm tính tốt.
Bằng cách nào đó, ta được kiếp sống này—
Thật đáng nhục khi ta phung phí nó.
(2”) Phát triển năng lực của sự kiên định
Phát triển năng lực của sự kiên định có nghĩ là quý vị đem lại kết thúc, không có thoái chuyển về bất kỳ điều gì mà quý vị tinh tấn. Thứ nhất, hãy đừng cố gắng làm mọi thứ; hãy xem xét tình thế một cách cẩn thận. Nếu quý vị thấy rằng quý vị có thể làm được thì hãy xúc tiến; nếu quý vị không thể làm được thì đừng dấn bước. Ngay cả quý vị cũng không nên bắt tay làm ngay những gì mà quý vị sẽ làm một thời gian rồi lại bỏ. Lý do là khi quý vị đã quen thói bỏ dang dở nửa chừng điều mà quý vị nguyện làm thì, qua tập khí này, trong những kiếp khác, quý vị sẽ bỏ dở sở nguyện tu tập và vv.... Hậu quả là tội lỗi của quý vị sẽ tăng trưởng trong kiếp đó, và trong những kiếp tiếp theo, đau khổ vốn là hậu quả của tội lỗi này sẽ tăng thêm. Hơn nữa, quý vị sẽ không thành tựu các thiện hạnh khác được bởi vì quý vị sẽ nghĩ tưởng đến việc thực thi ước nguyện trước đó; sẽ có một kết quả thấp kém vì quý vị đã quay lưng với lời nguyện trước đó; và ước nguyện trước đó tự nó sẽ không được thỏa mãn vì quý vị đã không theo rốt ráo. Tóm lại, hứa nguyện làm một việc gì nhưng lại để nó dở dang là một chướng ngại để quý vị thành tựu các kế hoạch khác và việc tạo duyên này cũng sẽ làm mất ổn định giới nguyện mà quý vị đã thọ. Liên quan đến ý này, Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[33]
Trước tiên ta khảo sát công việc
Rồi mới quyết tiến hành hay không.
Nếu không đủ sức thì đừng nhận
Đã bắt đầu làm chớ có quay lưng.
Nếu không, ta quen thói bỏ việc trong các kiếp
Và tội lỗi cùng khổ đau của ta sẽ tăng nhanh.
Cũng thế, các nghiệp khác cùng quả báo
Sẽ làm ta nghèo nàn và dở dang. [438]
Do đó, nếu quý vị muốn hoàn tất những gì mình đã cam kết thực hiện thì hãy nuôi dưỡng ba niềm tôn nghiêm.[34] Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[35]
Ngươi phải tôn nghiêm trong ba lĩnh vực:
Hành động, khả năng và các phiền não.
Niềm tôn nghiêm về mặt hành động có nghĩa là, cho dù có bạn đồng hành nào đi chăng nữa trên đường tu, quý vị không dựa vào họ mà tự tay hoàn thành công việc. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[36]
“Một mình ta sẽ làm điều đó”.
Đấy là tôn nghiêm trong hành vi.
Bằng Hữu Thư (Suhṛl-lekha) của ngài Long Thọ cũng dạy rằng:[37]
Việc giải thoát phụ thuộc vào chính mình
Không xảy ra qua trợ giúp của người.
Ý nghĩ: “Chỉ mình ta sẽ hoàn tất việc này mà không kỳ vọng vào người khác” cũng có nghĩa như niềm tôn nghiêm nên được đặt tên là “Niềm tôn nghiêm trong hành vi”.
Niềm tôn nghiêm trong khả năng có nghĩa là quý vị thành tựu lợi lạc của chính mình và những người khác với ý nghĩ: “bởi vì chúng sinh chịu dưới áp lực của phiền não chi phối, nên họ không thể thành tựu ngay cả lợi lạc của chính mình, huống hồ là của người khác. Ta lại có khả năng thành tựu lợi lạc của cả chính mình lẫn của những người khác. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[38]
Chúng sinh trong cõi đời, là đối tượng của phiền não,
Chẳng thể thành tựu lợi lạc cho chính mình.
Họ không có đủ khả năng làm được việc như ta
Cho nên ta sẽ có các hành vi vì họ.
Hơn nữa, hãy tu tập với ý nghĩ “Nếu những chúng sinh này không ngừng cố gắng thực hiện những hành động thấp nhỏ, thì sao ta lại không tiến hành các hành vi sẽ hoàn tất kết quả toàn hảo nhất?”. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[39]
Nếu kẻ khác thực hiện những hành vi nhỏ mọn
Thì làm sao ta có thể lặng yên?
Tuy nhiên, khi quý vị có được hai niềm tôn nghiêm [trong mặt hành động và trong khả năng] này thì quý vị không nên làm điều đó với sự kiêu mạn, từ sự khinh thường những người khác. Trái lại, phải có lòng bi mẫn đối với những người khác và đừng để kiêu mạn trộn lẫn vào. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[40]
Ta không làm điều này từ kiêu ngạo
Ta không nên có ngã mạn kia.
Ý tưởng: ”những người khác không có khả năng nhưng tôi có" tựa như kiêu hãnh, nên, nó được gán tên là “tôn nghiêm”.
Niềm tôn nghiêm trong phiền não có nghĩa là với sự xem thường các phiền não vào mọi dịp, quý vị nghĩ rằng: “Tôi sẽ chiến thắng các phiền não này; chúng không thể đánh bại được tôi”.[439] Điều này có nghĩa là quý vị phải kiên định sau khi đã phát tâm dũng mãnh đoạn diệt các yếu tố không thuận lợi. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[41]
Ta sẽ chiến thắng tất cả;
Không gì đánh bại ta.
Ta, đứa con của Thắng Sư Tử,
Sẽ tiếp tục gìn giữ sự tôn nghiêm này.
Nếu không, khi quý vị đánh mất can đảm, thì ngay cả một yếu tố nhỏ, không thuận lợi cũng có thể làm hại quý vị. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[42]
Ngay đến quạ cũng hành động tựa chim thần
Khi tìm được một con rắn chết.
Nếu ta đây thật là nhu nhược
Thì lỗi nhỏ cũng hại được ta.
Sao cho đặng kẻ bỏ cuộc, nản chí
Lại tìm thấy tự do trong yếu hèn?
Ngài Sha-ra-wa đã dạy rằng:
Hạnh phúc của những kẻ bỏ bê giáo pháp chẳng vượt khỏi hạnh phúc của họ trước khi làm vậy. Hãy xem xét một thực tế rằng nếu ngươi bỏ bê giáo pháp trong đời này, thì sau đó ngươi sẽ phải chịu vô tận khổ đau. Nếu ngươi không nỗ lực thì các phiền não sẽ không nhìn ngươi với sự bi mẫn. Và pháp đối trị cũng không nói rằng: “Nếu ngươi không nuôi dưỡng ta, thì ta sẽ hoàn tất nhiệm vụ cho ngươi”. Ngay cả chư Phật và chư Bồ-tát cũng sẽ không thể che chở cho ngươi.
Nếu quý vị vận dụng ba niềm tôn nghiêm nói trên thì ngay cả những yếu tố không thuận lợi lớn cũng không thể gây chướng ngại cho quý vị, do đó, quý vị phải khởi phát ba niềm tôn nghiêm này. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[43]
Đối với những người nỗ lực với lòng tôn nghiêm
Ngay đến các chướng ngại lớn cũng không bị quấy rầy.
Do đó, với tâm thức kiên định
Ta sẽ vượt qua những khuyết điểm của mình.
Nếu không, ước nguyện chế ngự các phiền não trong ba cõi của các hành giả sẽ trở thành sự xấu hổ cho người tu học nếu họ bị đánh bại bởi các phiền não của mình. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[44]
Nếu ta bị các khuyết điểm đánh bại
Thì ước nguyện chế ngự ba cõi của ta trở thành trò cười.
Đây được gọi là “Niềm tôn nghiêm trong phiền não” bởi vì quý vị xem nhẹ phiền não và do đó, muốn tiêu hủy chúng.
Một số người bình luận Nhập Bồ-đề Hành Luận đã giải thích niềm tôn nghiêm về mặt chế ngự phiền não này theo một cách khác nhưng ta nghĩ lời giải thích trên đây là phù hợp với chánh văn. [440]
Do đó, hãy ngưng trông chờ vào người khác và hãy khoác áo giáp tự làm việc đó một mình. Tức là tự tin và nghĩ: “Không giống như tôi, những người khác không làm được điều này nhưng tôi lại có thể”. Nếu quý vị tu tập theo cách nhìn này thì chắc chắn là quý vị sẽ đánh bại được các phiền não – chúng sẽ không thể nào đánh bại được quý vị – và quý vị xem xét rằng thật là một lỗi lầm khi từ bỏ nguyện ước sau một thời gian. Hãy tự rèn luyện mình cho đến khi tâm quý vị trở nên kiên định với ước muốn hoàn tất mọi thứ đã phát nguyện sau khi đã cẩn thận xem xét mình có thể làm được việc ấy hay không.
(3”) Phát triển năng lực của sự hoan hỷ
Quý vị phát triển năng lực của sự hoan hỷ sau năng lực của ước nguyện, một sự nguyện ước mãnh liệt, tạo nên sự tinh tấn chưa từng hiện diện trước đây và quý vị đã thành tựu năng lực của sự kiên định (còn được gọi là năng lực của lòng tôn nghiêm) điều này khiến cho tinh tấn vốn đã phát triển trở nên bất thoái chuyển. Năng lực của sự hoan hỷ có nghĩa là khi quý vị trước tiên xúc tiến một hoạt động nào đó thì quý vị thực hiện một cách hoan hỷ và một khi quý vị đã dấn bước, quý vị có một ý thức đam mê thể hiện ở chỗ quý vị không muốn cho hoạt động này bị gián đoạn. Liên quan đến cách thức phát triển ý thức đam mê này, Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[45]
Như những kẻ muốn vui từ chơi đùa
Chư Bồ-tát rất nhiệt thành
Trong bất kỳ hoạt động nào họ phải làm.
Một cách đam mê, họ tìm vui trong công việc.
Nên, hãy nỗ lực với một thái độ như những đứa trẻ mà quý vị đang tiến hành chơi đùa không biết nhàm chán. Điều này có nghĩa là quý vị phải đam mê về điều tạo ra các hậu quả vui sướng cũng như là đam mê các hậu quả tự chúng. Bởi vì nếu phàm phu nỗ lực ngay cả khi họ không chắc là liệu họ có một kết quả tốt lành thì cần gì phải đề cập đến các hoạt động chắc chắn sẽ mang lại các kết quả tốt lành. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[46]
Mặc dù họ hành động vì mục đích hạnh phúc
Vẫn không chắc là hạnh phúc sẽ đến hay không.
Nhưng đối với những người mà chính công việc là hạnh phúc
Thì làm sao họ có thể hạnh phúc trừ phi họ làm việc?
Đây cũng là lý do vì sao thái độ thỏa mãn là sai. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[47] [441]
Nếu ta không bao giờ thỏa mãn với nhục dục
Vốn giống như liếm mật trên lưỡi dao
Thì làm sao lại thỏa mãn với công đức
Vốn kết quả là hạnh phúc và an lạc.
Hãy phát triển một thái độ không thỏa mãn với ý nghĩ: “việc say mê với nhục dục tựa như liếm mật trên cạnh sắc bén của lưỡi dao; nguồn vị ngọt chẳng đáng là bao nhưng lưỡi sẽ bị cắt đứt. Nếu tôi không thể hài lòng về việc trải nghiệm này, điều vốn mang lại cho tôi đau khổ to tát chỉ vì một chút vui sướng tạm thời, thì có nghĩa gì đâu để được trong cảm xúc thỏa mãn về các tích lũy công đức và trí huệ, vốn đem lại hạnh phúc không sai sót và vô hạn trong cả tức thời và về lâu về dài?”.
Do đó, để hoàn thành các hành vi công đức mà quý vị đã xúc tiến, hãy dấn bước như một con voi mà da bị cháy nắng bước xuống ao sen tươi mát lúc giữa trưa. Hãy rèn luyện cho đến khi tạo được thái độ này. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[48]
Vậy, để hoàn thành công việc
Ta sẽ dấn bước y như
Con voi, bị nắng trưa thiêu đốt
Đến một cái ao để ngâm mình.
(4”) Phát triển năng lực của dừng nghỉ
Nếu quý vị trở nên mỏi mệt về thể xác hay tinh thần do tinh tấn quá mức thì quý vị phải nghỉ ngơi một chút. Nếu không, quý vị sẽ kiệt sức và trở nên rất nản chí, bởi đó, sau này sẽ gây chướng ngại cho tinh tấn của mình. Ngay sau khi đã dừng nghỉ, hãy tiếp tục tinh tấn trở lại và sau khi đã hoàn thành hoạt động trước đây của quý vị, đừng thỏa mãn với việc này. Quý vị phải tinh tấn với các hoạt động khác cao hơn. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[49]
Khi sức lực của ta đã suy giảm
Ta sẽ để việc sang bên và làm lại sau đó
Khi nó đã hoàn thành thì ta để nó một bên
Rồi truy tầm việc kế và kế nữa.
Việc kế tiếp là quan trọng bởi vì nếu quý vị xem xét mỗi phẩm chất tốt đẹp trước đây là đủ rồi thì đây sẽ là một chướng ngại lớn cho việc thành tựu nhiều phẩm tính cao hơn.
Trình bày trên đây cho thấy cách thức tu tập tinh tấn. Đừng bắt mình làm việc quá sức. Quý vị phải tránh cả việc gắng sức quá mức lẫn việc thư giãn quá mức và hãy giữ gìn cho sự nỗ lực được liên tục như một dòng sông. [442]. Nhất Bách Ngũ Thập kệ Tụng của Mẫu hầu dạy rằng:[50]
Để làm cho mình được hưng phấn hơn
Ngươi đừng bao giờ cố gắng hay thư giãn quá.
Như vậy, các thiện đức của ngươi là bất khả phân
Bởi thiện đức trước và thiện đức đến sau.
Ngài Bo-do-wa cũng dạy rằng:
Những trinh sát của Se-mo-dru-wa (Se-mo-dru-ba) chẳng hạn, không bao giờ đến được nơi đó. Nhưng những trinh sát của Chang-wa (Byang-ba) thì không vội vã ngay từ lúc đầu và truy lùng những kẻ cướp cho đến khi họ bắt được chúng. Cũng như vậy, hãy tu tập theo một nhịp độ điều hòa mà quý vị có thể duy trì được. Một con rận, chẳng hạn, bò với một tốc độ nhỏ nhưng không bao giờ ngừng nên sớm đến đích trong khi một con bọ chét lại nhảy từng bước dài liên tiếp và ngừng lại nên không bao giời đến đích được.
(c”) Căn cứ vào việc loại bỏ những duyên không thuận lợi và huân tập thuận duyên, hãy chuyên chú tinh tấn[51]
Sau khi quý vị đã nhận diện ba điều kiện không thuận lợi cho tinh tấn thì quý vị sẽ chú trọng đến các pháp đối trị. Quý vị khởi phát ba năng lực: năng lực của ước nguyện vốn là điều kiện thuận lợi cho việc làm suy giảm các chướng duyên chưa bị làm yếu, năng lực của sự kiên định vốn là nguyên nhân cho sự bất thoái chuyển một khi quý vị đã bắt tay vào việc và năng lực của sự hoan hỷ vốn không bao giờ muốn làm gián đoạn một hoạt động một khi quý vị đã tham gia. Qua năng lực của sự tạm ngưng, quý vị đã trở nên thiện xảo trong phương cách để tinh tấn. Tại điểm này, quý vị phải phát triển năng lực chuyên chú vào tinh tấn, cho nên, tôi sẽ giải thích điều này.
Về cách thức hành động khi quý vị tinh tấn loại trừ những thứ cần được loại trừ, Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[52]
Như một chiến binh dày dạn tiến công
Một thanh gươm lâm chiến với kẻ thù
Ta sẽ gạt đi những đòn đánh của phiền não
Và mạnh mẽ tấn công chúng, kẻ thù của ta.
Chẳng hạn như khi các chiến binh dày dạn – những người lão luyện quen việc chiến đấu – bước vào một trận đọ gươm và vv... với kẻ thù, họ không chỉ chú trọng đến việc tiêu diệt kẻ thù của mình. Đúng hơn họ phải hoàn thành hai việc: khéo léo tránh những nhát gươm đâm chém về phía mình và tiêu diệt kẻ thù. Cũng như vậy, khi hành giả chiến đấu với các phiền não của mình, họ phải nỗ lực bền gan để tinh thông hai điều: chú ý giữ sự phòng thủ và như vậy, tránh cho tâm thức không bị thương tích và tấn công tiêu diệt phiền não bằng cách dùng các pháp đối trị. [443] Bởi vì, nếu không thì trong lúc họ khả dĩ dùng pháp đối trị để ngăn chặn hoạt động của một phần các phiền não, thì hoặc họ bị tước đi một số phương diện nào đó của công đức bởi các phiền não khác, hoặc là họ sẽ phát triển ra một lỗi lầm lớn trong tâm thức khiến cho sự tai hại của các phiền não bằng với sự tạo thành của công đức, theo đó việc đạt được tiến bộ xa hơn trong tu tập thiện hạnh dùng pháp đối trị sẽ là điều khó khăn.
Minh họa dẫn ra là một số người có thể nghĩ rằng kiến thức là quan trọng nhất để thực hành giáo pháp và chỉ chú trọng đến tri kiến. Sau đó, khi họ thẩm tra các giáo pháp, họ xua tan mơ hồ về vô minh qua phương tiện tu học, nhưng đồng thời, do không cảnh giác đối với các phiền não khác, dòng tâm thức của họ một cách rốt ráo bị ô nhiễm nặng nề bởi vết hoen ố của hành xử sai lạc. Một số người khác thì có thể cho rằng giữ giới cho tâm thức là quan trọng hơn tri kiến nhiều và do đó, nhấn mạnh mặt thiền. Bỏ qua cảnh giác đối với kẻ thù là sự mơ hồ, họ sẽ chẳng thể nào nghiên cứu hay tu học giáo pháp, do đó, họ trở nên rất mơ hồ về việc xúc tiến những điều để được thu nhận và loại bỏ những thứ để kiêng tránh theo giới luật đã thọ lãnh và do đó, họ thường xuyên phạm giới.
Nếu, trong trận chiến, thanh gươm rớt khỏi tay mình, quý vị sẽ nhặt nó lên không chút ngập ngừng vì sợ mất mạng. Tương tự vậy, khi quý vị chiến đấu với phiền não và đánh mất vũ khí chánh niệm (vốn không quên các khía cạnh khách quan và chủ quan của việc xúc tiến những điều để tiếp nhận và loại trừ những thứ để kiêng tránh), quý vị phải lập tức tái áp dụng chánh niệm vì sợ sẽ bị đọa sinh vào các cõi thấp. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[53]
Nếu lỡ rớt thanh gươm trong trận chiến
Ngươi nhanh lẹ nhặt lên vì sợ.
Tương tự thế, nếu ta đánh mất vũ khí chánh niệm
Ta nhanh chóng phục hồi vì sợ lo địa ngục.
Trong Bằng Hữu Thư, hộ pháp Long Thọ cũng dạy về vai trò vô cùng quan trọng của chánh niệm:[54]
Thưa ngài, đấng Thiện Thệ đã tuyên thuyết chánh niệm về thân
Là một đạo pháp cần hành trì .
Hãy bám chắc và gìn giữ nó
Khi chánh niệm suy yếu, mọi công đức tiêu tan.
Hơn nữa, về đối tượng mà chánh niệm hướng đến, chánh niệm nắm bắt một đối tượng mà trí tuệ đã hoàn toàn phân biệt được; chánh niệm không tự nhận biết đối tượng. [444]
Vấn: Trí tuệ phân biệt đóng vai trò gì?
Đáp: Nói chung, trí tuệ phân biệt tất cả các thứ để được thu nhận và để được kiêng tránh như được giảng giải trong kinh; cụ thể, nó phân biệt điều để được thu giữ và điều để được kiêng tránh theo các giới mà quý vị đã thọ lãnh. Do đó, một khi quý vị giữ chánh niệm và cảnh tỉnh {tỉnh giác, tỉnh thức} đối với những điều này thì quý vị sẽ thành tựu việc tu tập; quý vị sẽ không thành tựu nếu chỉ áp dụng chánh niệm và tỉnh thức trong phạm vi nhỏ hẹp của sự chú ý đến một đối tượng thiền.
Hơn nữa, khi lâm trận, các chiến binh cố gắng không để rơi gươm; khi họ vô tình làm rớt gươm thì họ nhặt nó lên lập tức. Hai hành động này dựa trên nỗi sợ hãi bị giết, chứ không phải là những lời nói suông. Tương tự vậy, những hành giả tu tập cũng sợ đánh mất chánh niệm vốn không quên điều để được thu giữ và điều để kiêng tránh; ngay cả khi họ đánh mất chánh niệm, họ nhanh chóng tái áp dụng nó ngay. Hai hành động này được dựa trên nỗi sợ hãi đang phát triển trong tâm họ về một sự đọa sinh thực sự vào các cõi thấp do phạm giới và phạm lỗi xảy ra khi bị thất niệm. Điều này đến lượt, lại phụ thuộc vào việc tạo nghiệp và các nghiệp quả của nó trở thành trung tâm của sự tu tập của họ và trì giữ cách tiếp cận này. Những ai không nuôi dưỡng được nhận thức rằng các điểm này là những giáo huấn thâm diệu chặt đứt gốc rễ của các phẩm tính thiện lành khởi sinh từ sự tu tập làm hoan hỷ các thiện tri thức, nền tảng thiêng liêng của đường tu.
Vấn: Vậy thì vì sao cần thiết để trông chừng với một sự sợ hãi cả những hành vi sai trái nhỏ bé và không để nó tiếp diễn mà phải ngăn chặn nó tức thời?
Đáp: Hãy lấy ví dụ về mũi tên độc gây ra một vết thương nhỏ trên bề mặt thân thể. Chẳng bao lâu chất độc từ vết thương này sẽ lan rộng khắp cơ thể. Quý vị sẽ phải mổ xẻ vết thương và hút chất độc ra. Tương tự vậy, ngay cả khi một ứng xử sai trái không gây ra điều chi nghiêm trọng hơn một vết thương nhỏ trong tâm thức, nhưng nếu quý vị bỏ qua, thì nó sẽ nhanh chóng lan tỏa khắp tâm thức quý vị và trở thành vết thương lớn. Do đó, ngay từ lúc đầu quý vị phải ngăn ngừa không để hành vi sai trái xảy ra và nếu nó xảy ra thì quý vị phải kết thúc nó ngay lập tức. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[55]
Cũng như chất độc ngấm khắp người
Vận chuyển theo dòng máu
Một lỗi lầm lan ra trong tâm thức
Nếu nó tìm thấy một cơ hội bất kỳ. [445]
Vấn: Vậy thì những người muốn chiến thắng phiền não phải giữ chánh niệm và tỉnh thức ra sao?
Đáp: Quý vị phải nhiếp tâm như Nhập Bồ-đề Hành Luận đã dạy:[56]
Một hành giả phải nhiếp tâm
Như kẻ đang mang bình đầy dầu mù tạt
Đang lo sợ khi một kiếm sĩ trước mặt
Dọa sẽ giết nếu rơi vãi một giọt dầu.
Hãy thấu hiểu điều này qua câu kinh liên quan đến vùng biên giới trong câu chuyện của Ka-chiên-diên.[57] Trong lúc quý vị đang tập trung nếu nói chung là quý vị hành động sai trái hay nói riêng là quý vị trải nghiệm các nguyên nhân của sự lười biếng, như sự buồn ngủ chẳng hạn, thì quý vị không được ưng thuận theo chúng mà phải đối đầu và đẩy lui chúng. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[58]
Như vậy khi rắn bò vào chân ngươi
Ngươi sẽ liền đứng bật dậy thật nhanh.
Cũng thế khi buồn ngủ và biếng lười
Hãy nhanh chóng mà đẩy lùi chúng đi.
Hơn nữa, chẳng những không tái phạm lỗi mà còn chủ động tự cảm thấy không hài lòng khi chúng xảy ra. Hãy quán chiếu như sau: “Bởi vì trong quá khứ ta cũng đã tiếp tục như thế này nên ta đã trôi lăn trong luân hồi đến tận lúc này. Đặc biệt, đáng trách là ta đã thọ Bồ-tát giới nhưng lại tiếp tục có những hành động không phù hợp với giới luật”. Hãy tự truyền cảm hứng để tự kiềm chế từ nay về sau với ý nghĩ “Từ nay, ta sẽ không để lỗi lầm này xảy ra nữa”. Hãy thường xuyên vận dụng cả hai thái độ này. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[59]
Mỗi khi một sai sót xảy ra
Ta sẽ tự trách và suy ngẫm thật lâu
“Ta sẽ làm mọi điều có thể
Để lỗi lầm này sẽ không thể xảy ra”.
Hãy cố gắng nỗ lực với những nguyên nhân sâu xa làm khởi sinh chánh niệm mạnh mẽ và liên tục, vốn là nền tảng của pháp tu này. Hãy theo đuổi các hoạt động như ở gần đạo sư giỏi, đạo hữu xuất chúng và tu học uyên bác, vốn là nhân cho chánh niệm mạnh mẽ này. Liên quan đến ý đó, Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[60]
“Trong mọi tình cảnh thế này
Ta sẽ thực hành ngay chánh niệm”,
Mong gặp thầy bằng động cơ đó
Và tham gia các hành động hợp thời. [446]
Tóm lại, quý vị phải tu học và phân định kỹ điều nào mà việc tu tập Bồ-tát đòi hỏi quý vị tiếp thu và điều nào loại bỏ, rồi kiên trì giữ chánh niệm liên tục trong việc thực hành tất cả các hạnh kiểm về điều mà quý đã hiểu việc được tiếp thu và việc loại bỏ. Do đó, không phạm sai lầm về đối tượng quý vị cần trì giữ đến là cực kỳ quan trọng.
(d”) Cách thức vận dụng tinh tấn để đưa thân và tâm vào trạng thái hoạt dụng {trạng thái hoạt động tốt và hiệu quả}
Phương pháp vận dụng tinh tấn để chuyển hóa thân tâm vào trạng thái hoạt dụng là năng lực của sự thành thạo. Trong chương “Cẩn Trọng”[61] trong Nhập Bồ-đề Hành Luận, ngài Tịch Thiên đã đề cập đến sự cần thiết phải tu học Bồ-tát; những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu quý vị không tu tập các pháp này sau khi quý vị đã phát nguyện sẽ thực hành; cách thức xem các phiền não như kẻ thù và những phương cách phát khởi dũng khí xem gian khổ của việc chiến đấu với phiền não như một món trang sức hơn là một gánh nặng. Hãy quán chiếu những điều này trước khi nhận trách nhiệm tu tập các hành vi Bồ-tát. Do đó, ngưng tất cả những trở ngại ngăn chận quý vị dùng thân và tâm vào các hoạt động thiện đức, hoan hỷ vươn lên để đảm đương trách nhiệm này. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[62]
Để có được sức mạnh
Cho mọi việc trên đời
Trước khi xúc tiến nó
Ta sẽ nhớ lời khuyên
Về giữ gìn tâm ý
Và hoan hỷ khởi hoạt
Vấn: Sự tinh tấn do những nỗ lực như vậy sẽ tạo ra sắc thái như thế nào?
Đáp: Cũng như ngọn gió thổi mảnh hoa gòn qua lại, thì một năng lực hoan hỷ vốn đã gây hưng phấn cho thiện đức kiểm soát thân và tâm quý vị. Khi quý vị hành động với năng lực này thì tinh tấn được thiết lập vững chắc. Một khi quý vị đã làm được việc này, quý vị sẽ dễ dàng thành tựu các tích lũy {hai tư lương}. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[63]
Chỉ như các hoa gòn
Dưới sức mạnh của gió
Đưa đẩy đến và đi
Nên ta sẽ hăng hái
Theo cách như thế này
Ta hoàn thành tất cả
Mặc dù những công việc này là khó khăn, thì bỏ cuộc là điều sai trái. Đúng hơn, như đã đề cập Nhất Bách Ngũ Thập kệ Tụng của ngài tôn giả Mẫu Hầu, quý vị phải nỗ lực:[64]
“Trạng thái tối thượng, vốn khó đạt
Không thể thành công không có khó”.
Biết thế, ngươi tinh tấn dõng mãnh
Không để tâm mình đến bản thân. [447]
(d’) Cách tu tập
Quý vị phải tu tập mọi loại tinh tấn bất kỳ kết hợp với sáu phạm trù tối thượng và tất cả sáu Ba-la-mật-đa. Sự rộng lượng về tinh tấn đang là việc xác lập cho tha nhân trong tinh tấn sau khi quý vị đã ổn định được chính mình. Các Ba-la-mật-đa còn lại cũng tương hợp với phần giảng giải trước đây.[65]
(e’) Tóm tắt
Việc ghi nhớ và nuôi dưỡng tâm giác ngộ – nền tảng của các Bồ-tát hành – gây cảm hứng cho quý vị tu tập để đặt tất cả chúng sinh vào trong tinh tấn. Do đó, hãy vững vàng phát triển Bồ-đề tâm {tâm giác ngộ} này, rồi khởi ước nguyện và tu tập theo những phương tiện về tinh tấn dành cho người có trình độ cao. Lại nữa, hãy nỗ lực tối đa như là quý vị có thể làm được trong các phương pháp tu tập tinh tấn của một Bồ-tát mới bắt đầu. Cụ thể là hãy ngăn chặn có hiệu quả các hình thức nản chí khác nhau, chúng có thể chỉ bị loại trừ một cách độc nhất bởi tinh tấn. Trong ý nghĩ, hãy mặc áo giáp tinh tấn, đó là sự hăng hái về các điều sau: mục đích của giác ngộ, mục tiêu viên mãn hạnh phúc và loại bỏ khổ đau cho mọi chúng sinh, giai đoạn tu tập rất lâu dài, tích lũy vô lượng và các gian khó bất khả tư lường. Hãy nỗ lực cho thái độ này bởi vì, như Đồng Tử Vấn Kinh đã dạy, chỉ qua việc khởi phát mạnh mẽ dấy lên một quyết tâm như thế, thì quý vị có thể tích lũy được một đợt sóng công đức to tát. Nếu quý vị không làm điều này thì quý vị thất bại trong việc bảo lưu truyền thống Đại thừa của mình và cũng sẽ thường xuyên bị ô nhiễm bởi nhiều hành động sai trái. Rồi cũng như trong các kiếp khác, quý vị sẽ thấy rằng việc tu học Bồ-tát hành là rất khó. Lại nữa, sau khi quý vị đã nhận biết được những điều như vậy, ngay cả nếu quý vị không tu tập toàn hảo, hãy tự thúc đẩy mình theo hướng đó. Sau đó, nếu quý vị tinh tấn theo hết khả năng của mình, thì như Đồng Tử Vấn Kinh đã dạy, quý vị sẽ nhanh chóng thành tựu tinh tấn trong những đời sau với ít khó khăn và không khổ đau.[1]BA288 BCA: 7.2a.
[2]BA289 Ārya-adhyāśaya-saṃcodana-nāma-mahāyānā-sūtra, {Thâm Tâm Tỉnh Giác Đại Thừa Kinh} D69: Ca 147b5-7.
[3]BA290 MSA: 16.65-66,70.
[4]BA291 Bbh, Wogihara 1971:201; D4037: Wi 108a4-5.
[5]BA292 PS: 4.2cd, 4.41cd-42; D3944: Khi 226b4-5, 228b3-4.
[6]Tên Phạn (được trình bày trong nguyên bản Anh ngữ) của loại hoa sen xanh lam này là Utpala. Nó biểu tượng cho sự thuần tịnh. Hoa sen này thường thấy trình bày trong các thangka (tranh Phật giáo Tây Tạng dùng trong tu tập và thờ phụng), trên tay của các vị Tārā chẳng hạn.
[7]BA293 Ārya-sāgaramati-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra, {Hải Long Vương Vấn Kinh} D152: Pha 40a5-7.
[8]BA294 Sad-dharmānusmṛty-upasthāna, {Diệu Pháp Chánh Niệm Hiện Tại} D287: Ya 128a6.
[9]Xin nhắc lại mục đích tạm thời là có đủ thiện nghiệp để không bị đọa sinh vào các cõi thấp (bao gồm súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục) và để có đủ duyên tiếp tục tu tập và mục đích tối hậu là đạt giác ngộ.
[10]Mỗi đại kiếp sẽ tương đương với một chu kỳ thành, trụ, hoại, diệt cùa vũ trụ. Mỗi chu kỳ thành hay trụ hay hoại hay diệt của vũ trụ bằng một trung kiếp (tức một đại kiếp bằng 4 trung kiếp); và mỗi trung kiếp bao gồm 20 tiểu kiếp. Vậy, lượng thời gian ghi bên trên tương ứng với 3 A-tăng-kỳ kiếp. Tuy nhiên, về thời lượng chính xác và cách đặt tên của chúng còn tùy theo sự định danh của kinh luận cụ thể nên có thể có khác nhau. Theo như giải thích của Geshe Sopa thì chu kỳ bất khả tư lường kiếp lượng (hay một A-tăng-kỳ kiếp) này tương ứng với 10 lũy thừa 60 của một kiếp lượng. Steps on the Path to Enlightenment. Vol 3. P426. Lhundub Sopa. Wisdom. 2008.
[11]BA295 PS: 4.5-7; D3944: Khi 226b6-227al.
[12]Mười một hoạt động vì lợi ích của tha nhân là các hành vi Bồ-tát nhằm thỏa mãn mười một nhu cầu của chúng sinh trên cơ sở tạm thời và tối hậu. Mười một nhu cầu này chính là mười một loại chúng sinh đã được nêu trong chương 11. Phần phân loại giới luật. Steps on the Path to Enlightenment. Vol 3. P 548. Lhundub Sopa. Wisdom. 2008.
[13]BA296 BCA: 7.2b-d.
[14]BA297 BCA: 7.3.
[15]BA298 LRCM: 83,98-132; Great Treatise 1:124-125,145-175.
[16]BA299 BCA: 7.15.
[17]BA300 BCA: 7.17-19.
[18]BA301 Ratna-megha-sūtra {Bảo Vân Kinh} D231: Wa 21a3-6.
[19]BA302 Guṇāparyanta-stotra {Tán Dương Công Đức Vô Lượng} D1155: Ka 196b7-197al.
[20]Ở đây sự nản chí có thể xảy đến sau khi hành giả hiểu ra được bản chất của giác ngộ và mức khó khăn đến thế nào để thành tựu giác ngộ. Steps on the Path to Enlightenment. Vol 3. P 440. Lhundub Sopa. Wisdom. 2008.
[21]Theo cách diễn giảng của ngài Sopa thì tình trạng hành giả tương tự như khi thấy quả núi từ xa hiện ra nhỏ bé, chúng ta có thể nghĩ rằng: “thật là dễ dàng và thích thú để lên đến đỉnh núi”. Khi ta đến gần hơn thì quả núi trông thật lớn. Khi đặt bước đến chân núi chúng ta lại nghĩ: “Chả biết bao giờ tôi mới lên nổi đến đỉnh”. Steps on the Path to Enlightenment. Vol 3. P 440. Lhundub Sopa. Wisdom. 2008.
[22]BA303 BCA: 7.20-23.
[23]BA304 BCA: 7.24-26.
[24]BA305 BCA: 7.27-28, 7:30.
[25]BA306 Ra; 3.25-27; Hahn 1982: 76-77.
[26]BA307 Ra: 3.15-20; Hahn 1982: 74-75.
[27]Tức là Chúng sinh vô số, phật đạo vô biên, công đức vô lượng và thời gian vô hạn.
[28]BA308 Jātaka-mālā, {Bổn Sanh Kinh – Truyện về các tiền kiếp của đức Phật} D4150: Hu 52b3.
[29]BA309 BCA: 7.39-40ab.
[30]BA310 BCA: 7.40cd.
[31]BA311 Về nghiệp và các hậu quả của nó nói chung, xem Đại Pháp V. 209-242. Về các lợi ích của các hành vi Bồ-tát và các hậu quả vi phạm xem về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn xem quyển 2 LRCM. Về bình ổn thiền và định từ thiền cũng như là trí huệ và tuệ giác xem quyển 3 LRCM.
[32]BA312 BCA: 7.33-36.
[33]BA313 BCA: 7.47-48.
[34]Tôn nghiêm (hay hãnh tiến) phân biệt với kiêu mạn hay tự hào một cách tổng quát được xem là một phiền não tinh thần và chắc chắn kiêu ngạo tự mãn là điều cần bị loại bỏ. Tuy nhiên, trong một số tu tập tôn giáo, có các trạng thái tâm thức được gọi là tôn nghiêm vì trong một số khía cạnh nào đó trạng thái này trông giống như trạng thái tự hào. Nhưng tôn nghiêm là trạng thái tích cực, thiện đức và là điều nên được nuôi dưỡng. Steps on the Path to Enlightenment. Vol 3. P 456. Lhundub Sopa. Wisdom. 2008.
[35]BA314 BCA: 7.49ab.
[36]BA315 BCA: 7.49cd.
[37]BA316 Suhṛl-lekha {Bằng Hữu Thư – Các lá thư ngài Long Thọ Gửi cho bạn} 52ab; D4182: Me 43a4.
[38]BA317 BCA: 7.50.
[39]BA318 BCA: 7.51ab.
[40]BA319 BCA: 7.51cd
[41]BA320 BCA: 7.55.
[42]BA321 BCA: 7.52-53ab.
[43]BA322 BCA: 7.53cd-54ab.
[44]BA323 BCA: 7.54cd.
[45]BA324 BCA: 7.62.
[46]BA325 BCA: 7.63.
[47]BA326 BCA: 7.64.
[48]BA327 BCA: 7.65.
[49]BA328 BCA: 7.66.
[50]BA329 Śata-pañcāśataka-nāma-stotra {Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng – Một trăm năm chục câu kệ tán dương} 2.21; Bailey 1951:49.
[51]BA330 Ở điểm này trong bộ luận (LRCM 442.7) có trình bày đầu đề từ LRCM 328.3 và lời chú: (de gnyis la brten nas brtson 'grus brtson pa lhur blang ba ni) 'di ni par gzhan du chad “(Dựa trên hai đoạn trước, chủ ý là về tinh tấn). Điều này bị thiếu trong các ấn bản khác”. Đầu đề này không được bao gồm trong Ganden Bar Nying (220b.4).
[52]BA331 BCA: 7.67.
[53]BA332 BCA: 7.68.
[54]BA333 Suhṛl-lekha , 54; D4182: Ne 43a5.
[55]BA334 BCA: 7.69.
[56]BA335 BCA: 7.70.
[57]BA336 Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan (mChan: 587.6) liên hệ đến câu chuyện của tôn giả Ca-chiên-diên (skt. Kātyāyana) được mời thuyết pháp bởi vị vua thuộc biên cương. Khi ngài Ca-chiên-diên và các môn đệ đến đó, vị vua chào đón họ với một màn trình diễn lớn rất ấn tượng. Sau đó nhà vua bèn hỏi Ca-chiên-diên và môn đệ nghĩ gì về các màn trình diễn, ngài tôn giả đã trả lời rằng họ không hề để ý đến chúng, vì ngài và các đệ tử đang tu tập kiềm chế các giác quan (Xem Đại Pháp 1:101-102). Vị vua đã không tin vào điều này nên ngài Ca-chiên-diên đã yêu cầu một người vác một cái hủ chứa đầy đến miệng dầu mù-tạt đi vòng quanh cung điện; và đe dọa nếu ông ta làm đổ dù chỉ một giọt dầu thì sẽ bị giết. Ngài cũng yêu cầu cho tái diễn cùng một màn trình diễn ấn tượng kia trong lúc người đàn ông tiến hành công việc. Sau khi người này thành công, vị vua đã hỏi ông ta có cảm tưởng gì về màn trình diễn. Người này đã trả lời là không hề để ý đến một chút nào, thì vị vua đã tin ngài Ca-chiên-diên và các môn đệ.
[58]BA337 BCA: 7.71
[59]BA338 BCA: 7.72.
[60]BA339 BCA: 7.73.
[61]Tức là chương 5. Tác phẩm này đã được dịch Việt bởi nhiều tác giả. Theo bản dịch của Thích Trí Siêu thì chương này được đặt tên là “Giữ Gìn Tâm Ý”. Bồ-tát Hạnh. Chương 5. Thích Trí Siêu dịch Việt. Truy cập 12/04/2011.
<http://www.bodetam.org/Vietnamese/BoDeTamLuan/BoTatHanh-TriSieu/BoTatHanh00.htm>.
[62]BA340 BCA: 7.74.
[63]BA341 BCA: 7.75
[64]BA342 Śata-pañcāśataka-nāma-stotra: 2.20; D1147; Bailey 1951: 49.
[65]BA343 LRCM: 371.13.