- Lời Tựa Của Chủ Biên Cho Bản Dịch Anh Ngữ
- Dàn Ý Cho Quyển 2
- Chương 1: Giai Trình Dành Cho Những Cá Nhân Có Khả Năng Cao
- Chương 2: Từ Bi, Cánh Cửa Bước Vào Đại Thừa
- Chương 3: Bảy Phép Luyện Tâm
- Chương 4: Hoán Chuyển Ngã-tha
- Chương 5: Lễ Phát Tâm Bồ-đề
- Chương 6: Nuôi Dưỡng Bồ-đề Tâm
- Chương 7: Dẫn Nhập Về Lục-độ Ba-la-mật-đa
- Chương 8: Tu Tập Đại Thừa: Các Giới Luật Và Ba-la-mật-đa
- Chương 9: Bố Thí Ba-la-mật-đa
- Chương 10: Cách Thức Bố Thí
- Chương 11: Trì Giới Ba-la-mật-đa
- Chương 12: Nhẫn Nhục Ba-la-mật-đa
- Chương 13: Tinh Tấn
- Chương 14: Thiền Định Và Trí Huệ
- Chương 15: Giúp Người Phát Triển - Bốn Phương Tiện Thu Phục Đệ Tử
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 2
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Trung)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 7: Dẫn Nhập về Lục-độ Ba-la-mật-đa
c) Cách tu học Bồ-tát hạnh sau khi đã phát tâm giác ngộ {Bồ-đề tâm}[1]
i) Lý do vì sao phải tu tập sau khi đã phát tâm Bồ-đề
ii) Chứng minh rằng quý vị sẽ không thể nào trở thành Phật bằng cách tu học phương tiện hay trí huệ một cách riêng biệt
–––––––––\–––––––––
c) Cách tu học Bồ-tát hạnh sau khi đã phát tâm Bồ-đề
Mục này bao gồm ba phần:
1. Lý do phải tu tập sau khi đã phát tâm Bồ-đề
2. Chứng minh rằng quý vị sẽ không thể nào trở thành Phật bằng cách tu học phương tiện hay trí huệ một cách riêng biệt
3. Giải thích tiến trình học giới luật (Chương Tám và các chương sau)
i) Lý do vì sao phải tu tập sau khi đã phát tâm giác ngộ
Thật ra nó là trường hợp mà lợi lạc to tát đến từ tâm Bồ-đề mà không cần tu tập hạnh bố thí và vv... Về phương diện này, hãy đọc đoạn trích từ Di-lặc Giải Thoát đã đề cập trước đây[2]. Tuy nhiên, quý vị vẫn phải rèn luyện Bồ-tát hạnh. Nếu không chú trọng đến điều này, quý vị sẽ không bao giờ thành Phật. Do đó, hãy tu tập Bồ-tát hạnh. Cho nên, Gayā Sơn Đỉnh Kinh dạy rằng:[3]
Giác ngộ dành cho các đại Bồ-tát nhiếp tâm tu tập, chứ không dành cho những kẻ nhập tâm phương pháp tu tập sai.
Và Định Vương Kinh cũng dạy rằng: [4]
Do đó, hãy nhiếp tâm tu tập. Vì sao? Thưa Hoàng Tử, bởi vì khi ngài tận tâm tu tập thì sẽ không khó đạt giác ngộ toàn hảo.
“Tu tập” có nghĩa là thực hành phương tiện về việc thành tựu quả vị Phật, nghĩa là tu tập Bồ-tát hạnh. Phần thứ nhất Giai Trình Thiền cũng dạy rằng:[5]
Các bậc Bồ-tát, đã phát tâm Bồ-đề, hiểu rằng nếu không tự thuần dưỡng cho mình thì sẽ không thể thuần dưỡng người khác và do đó, tu tập hạnh bố thí và các hạnh khác; không tu tập thì các ngài không thể đạt giác ngộ.
Và Lượng Thích Luận của ngài Pháp Xứng cũng dạy rằng:[6]
Để loại bỏ khổ đau, các bậc đại bi
Thực hành phương tiện;[341]
Thật khó thuyết giảng về các phương tiện và kết quả của chúng
Khi mà chúng vẫn còn ẩn tàng với các ngài.
Những người có tâm đại bi đối với kẻ khác có ước nguyện giúp các chúng sinh khác thoát khổ. Để làm việc này, với thiện tâm: “Cầu cho chúng sinh thoát khỏi đau khổ” vẫn không đủ; họ phải xúc tiến các phương tiện để biến điều này thành hiện thực. Giờ đây, nếu họ không trước tiên tiến hành các phương tiện đó, thì họ sẽ không thể giải thoát cho tha nhân. Do đó, nếu quý vị muốn đem lại lợi lạc của người khác, trước hết quý vị phải tự thuần dưỡng. Về điểm này, Định Vương Kinh dạy rằng quý vị phải tận tâm tu tập. Tu tập là học và rèn luyện các giới luật liên quan đến Bồ-tát giới sau khi quý vị đã thọ lãnh. Do đó, thật là quan trọng khi các ngươi không lầm lẫn chút nào về những gì đưa đến việc tận tâm tu tập.
ii) Chứng minh rằng quý vị sẽ không thể trở thành Phật bằng cách tu học một cách riêng biệt phương tiện hay trí huệ
Ước muốn đạt quả vị Phật vẫn chưa đủ; quý vị phải thực hành phương tiện biến nó thành hiện thực. Phương tiện này không được sai lạc vì dù cho có nỗ lực đến đâu chăng nữa trên con đường sai lạc thì quý vị sẽ không thể nào gặt hái được kết quả; điều này cũng giống như là vắt một cái sừng với hy vọng lấy được sữa. Phương tiện, cho dù có đúng, nhưng nếu không hoàn thiện trong tất cả các đặc tính cụ thể, thì việc nỗ lực cũng chẳng thể mang lại kết quả cũng giống như thiếu giống, nước, đất hay các yếu tố tương tự sẽ ngăn không cho cây giá mọc lên. Do đó, phần thứ nhì của Giai Trình Thiền dạy rằng:[7]
Nếu các ngươi nghiêm túc nỗ lực lên một nguyên nhân sai lạc, thì dù với một khoảng thời gian rất lớn cũng sẽ cũng sẽ không mang lại kết quả mong muốn, cũng giống như vắt sữa một cái sừng vậy. Không thể có quả từ một phức hệ nguyên nhân không đầy đủ, cũng giống như cây giá không thể mọc nếu thiếu giống chẳng hạn. Do đó, người nào muốn đạt kết quả thì phải phụ thuộc vào các nhân và duyên đầy đủ và không sai sót.
Vậy thì bộ nhân duyên đầy đủ và đúng đắn đó là gi? Đại Nhật Chánh Giác Thuyết Danh Pháp Phương Tiện (Mahā-vairocanābhisaṃbodhi-nāma-dharma-paryāya) dạy rằng:[8]
Này các Mật Vương, trí tuệ siêu phàm của toàn giác {nhất thiết trí} đến từ lòng từ bi như nền tảng của nó. Điều đó đến từ tâm Bồ-đề như là nhân. Thành tựu viên mãn được nhờ phương tiện. [342]
Liên quan đến điều này, tôi đã thuyết giảng về tâm từ bi. Nhà tiên phong vĩ đại Liên Hoa Giới (skt. Kamalaśīla) đã giảng rằng ‘tâm Bồ-đề’ là cả Bồ-đề tâm tối hậu lẫn Bồ-đề tâm tương đối, cũng như “phương tiện” là tất cả các công hạnh như bố thí và vv....
Lập trường đối nghịch: Một số người như Ha-Shang (Hva-shang) {tên dịch nghĩa là Hoà Thượng}Trung Quốc đã có một ý niệm sai lầm về lộ trình của hai loại tâm Bồ-đề, nói rằng bất kỳ ý tưởng nào, dù là thiện hay ác, cũng đều trói buộc chúng ta vào luân hồi, như vậy, hậu quả của nó không vượt thoát khỏi luân hồi. Điều này cũng giống như bị cột trói bằng sợi dây vàng hoặc sợi dây bình thường, hay tựa như mây trắng hoặc mây đen che phủ bầu trời, hay như là nỗi đau do bị cắn bởi một con chó trắng hoặc chó đen. Do đó, hãy trụ tâm trong trạng thái thiếu vắng bất kỳ tư tưởng nào là con đường để đạt quả vị Phật tương lai. Các thiện hạnh như bố thí hay trì giới được dạy cho những người kém thông minh, không có khả năng thiền quán về sự tối hậu [tính Không]. Xúc tiến các tu tập này sau khi các ngươi đã tìm thấy điều tối hậu cũng giống như vua rời ngai vàng làm dân giả hay tìm con voi trước rồi tìm dấu chân nó sau. Ha-Shang đã cố gắng chứng minh lập thuyết này bằng cách trích dẫn tám mươi đoạn kinh tán dương trạng thái tâm thức thiếu vắng bất kỳ tư tưởng nào này.
Đáp: Câu nói của Ha-Shang: “Mọi thứ được tiến hành bằng phương tiện không phải đạo pháp thực thụ để thành Phật” là sự chối bỏ lớn về tục đế. Và bởi vì ông ta đã bác bỏ việc phân tích bằng trí huệ phân biệt thực tại vô ngã, vốn là giáo lý trung tâm của Đấng Chiến Thắng, nên ông ta đã xa rời hệ thống liễu nghĩa.[9] Đại Bồ-tát Liên Hoa Giới một cách xuất sắc đã trích dẫn rất nhiều kinh điển và biện luận chặt chẽ lược yếu về tà kiến cho rằng đạo pháp siêu phàm bao gồm việc bình ổn tâm trong một trạng thái thiếu vắng bất kỳ ý tưởng nào. Sự an trú tâm này chỉ là một thực hành được xếp loại một cách đúng đắn vào trong một lớp về định từ thiền, bất kể nó cao cấp đến thế nào đi chăng nữa. Sau đó, ngài viết rất chi tiết con đường tu chân chính làm đẹp dạ chư Phật. [343]
Tuy nhiên, vẫn còn có kẻ chỉ tiếp tục lặp lại những việc mà Ha-shang đã làm, bởi vì thời mạt pháp đã gần kề, bởi vì những bậc hiền giả, trước đây, thông qua các kinh điển liễu nghĩa[10] và sự suy luận chính xác, đã khẳng định chắc chắn các điểm then chốt của đường tu trong toàn thể là không còn thêm bớt, bởi vì phước đức của chúng sinh quá mỏng manh, và bởi vì có nhiều người thiếu niềm tin vào giáo pháp và thiếu thông tuệ. Một số người xem thường công hạnh, vốn là một phần của đường tu – bao gồm các giới luật và những thứ tương tự cần hành trì – loại bỏ chúng khi tu tập đạo pháp; một số người khác không chấp nhận tà kiến, bác bỏ yếu tố phương tiện của Ha-shang nhưng lại khẳng định rằng quan điểm triết học của ông này là tuyệt vời; và cũng có những người bỏ trí tuệ phân biệt sang một bên rồi cho rằng thiền không suy tư của Ha-shang là tốt nhất.
Đường tu của những người này thực ra không hề theo hướng hay tiếp cận với thiền lên tính Không. Nhưng ngay cả khi quý vị cho rằng đấy là thiền quán tính Không, thì quý vị không nên tiếp tục nói rằng những ai đã có tri kiến đến được từ việc nuôi dưỡng một phương pháp hành thiền không sai sót, sau khi họ đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của tính Không, thì {họ} hãy nên đơn thuần thiền lên tính Không và “đừng nuôi dưỡng các trạng thái thông lệ của tâm gắn liền với các công hạnh”, hay, “không cần phải nỗ lực trên những trạng thái tâm thức thông lệ ấy theo nhiều cách khác nhau và phát triển chúng như là thực hành cốt lõi”. Nói như vậy là mâu thuẫn với tất cả kinh điển và hoàn toàn phi lý bởi vì mục tiêu của hành giả Đại thừa là vô trụ xứ niết-bàn. Để làm được điều này, quý vị phải thành tựu vô trụ tâm trong cõi luân hồi bằng tuệ giác hiểu biết thực tại, các giai đoạn của đạo pháp dựa trên “đường tu thâm diệu” tối hậu, tập hợp tuệ giác siêu việt, điều được gọi là “yếu tố trí huệ”. Quý vị cũng phải thành tựu vô trụ an tịnh, tức niết-bàn thông qua tuệ giác hiểu biết tính phân hoá của pháp, các giai đoạn của đường tu dựa trên các chân lý ước lệ, dựa trên lộ trình tu quảng đại, sự tích lũy công đức, điều được gọi là “yếu tố phương tiện”.[344] Do đó, Như Lai Bất Khả Tư Nghì Mật Thuyết Kinh (Tathāgata-acintya-guhya-nirdeśa-sūtra) dạy rằng:[11]
Việc huân tập trí huệ siêu phàm đoạn diệt phiền não. Việc huân tập công đức nuôi dưỡng mọi chúng sinh. Bạch Thế Tôn, vì thế, các đại Bồ-tát phải tinh tấn huân tập cả trí huệ siêu phàm lẫn công đức.
Hư Không Bảo Vấn Kinh (Gagana-gañja-paripṛcchā-sūtra) dạy rằng:[12]
Với sự hiểu biết về trí huệ, ngươi đã hoàn toàn đoạn diệt mọi phiền não. Với sự hiểu biết về phương tiện, ngươi đã thu nhiếp toàn bộ chúng sinh.
Giải Thâm Mật Kinh (Saṃdhinirmocana Sūtra) dạy rằng:[13]
Hoàn toàn quay lưng với lợi ích của tất cả chúng sinh và bỏ tham gia các hành vi có động cơ {vào việc làm lợi ích cho chúng sinh} – Ta chẳng hề dạy đây là sự giác ngộ vô thượng và hoàn hảo.
Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh (Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra) dạy chi tiết:[14]
Cái gì là sự câu thúc cho các vị Bồ-tát và cái gì là sự giải thoát của họ? Sự bám chấp lang thang khắp cõi luân hồi mà không có phương tiện là sự câu thúc cho một vị Bồ-tát; đi trong cõi luân hồi mà có phương tiện là sự giải thoát. Sự tham luyến lang thang khắp cõi luân hồi mà thiếu trí huệ là sự câu thúc một vị Bồ-tát; đi trong cõi luân hồi mà có trí huệ là sự giải thoát. Trí huệ không được kết hợp với phương tiện là sự câu thúc; trí huệ kết hợp với phương tiện là giải thoát. Phương tiện không được kết hợp với Trí huệ là sự câu thúc; phương tiện kết hợp với trí huệ là giải thoát.
Do đó, khi quý vị đang đi trên lộ trình, ngay tại thời điểm mong cầu quả Phật, quý vị phải phụ thuộc vào cả phương tiện lẫn trí huệ; nếu chỉ có một trong hai thì quý vị sẽ không thể thành tựu được. Gayā Sơn Đỉnh Kinh dạy rằng:[15]
Nếu các ngươi tóm lược các đạo pháp của các Bồ-tát thì sẽ có hai. Hai lộ trình này là gì? Phương tiện và trí huệ. [345]
Cát Tường Tối Thắng Bản Sơ Vương Kinh (Śri-paramādya-kalpa-rāja) dạy rằng:[16]
Trí huệ Bát-nhã là mẹ. Thiện xảo trong phương tiện là cha.
Và Ca-diếp Phẩm cũng dạy rằng:[17]
Này Ca-diếp, như thế này. Giống như các vị Vương gia thực thi trách nhiệm cai quản của hoàng gia theo lời tấu trình của quần thần, thì trí huệ Bồ-tát kết hợp với phương tiện thiện xảo thực thi các hành động của một vị Phật.
Do đó, hãy hành thiền lên tính Không, vốn có ưu thế tuyệt đối đối với sự kết hợp toàn diện, nghĩa là tính Không được viên mãn trong tất cả các mặt của phương tiện – bao gồm bố thí và vv.... Nếu chỉ hành thiền lên tính Không một cách cô lập, quý vị sẽ không bao giờ đặt chân trên con đường Đại thừa được. Bảo Đỉnh Sở Vấn Kinh (Ratna-cῡḍā-sūtra) dạy về điều này rất chi tiết:[18]
Sau khi ngươi đã khoác lên mình áo giáp yêu thương và tự đặt mình trong trạng thái đại bi thì hãy ổn định tâm trong thiền lên tính Không hiện tiền, vốn có uy thế tối cao là trạng thái kết hợp được với tất cả các phương diện. Vậy tính Không vốn có uy thế tối cao là là trạng thái kết hợp được với mọi phương diện đó là gì? Đó là tính Không không xa lìa bố thí, không xa lìa trì giới, không xa lìa nhẫn nhục, không xa lìa tinh tấn, không xa lìa thiền định, không xa lìa trí huệ và không xa lìa phương tiện.
Tối Thượng Mật điển luận bình luận về đoạn chánh văn này như sau:[19]
Bố thí, trì giới, nhẫn nhục và vv... là họa sĩ; Tính Không tối thượng trong mọi phương diện được nói như chân dung.
Đoạn văn này so sánh sự tương tự về việc tập hợp một nhóm hoạ sĩ để vẽ chân dung vua. Một người biết vẽ cái đầu chứ không biết vẽ chi tiết khác, người kia biết vẽ cái tay chứ không biết vẽ cơ quan khác. Nếu vắng một hoạ sĩ thì sẽ không thể hoàn thành bức tranh. Chân dung nhà vua được ví như tính Không và các họa sĩ được ví như hạnh bố thí và vv.... Do đó, nếu phương tiện, tức hạnh bố thí và vv..., không đầy đủ thì như là chân dung bị cắt mất đầu hay tay chân. [346]
Xa hơn nữa, lấy tính Không cô lập làm đối tượng thiền và nói: ”Chẳng cần nuôi dưỡng điều chi khác” diễn tả một ý tưởng mà đức Thế Tôn cho là một quan điểm bị chống đối, và do đó, đã bác bỏ nó. Nếu lời phát biểu này đúng, thì sự hành trì trong nhiều kiếp lượng của một Bồ-tát về bố thí, giới luật, vv..., là sự hành trì trí huệ sai lạc, sẽ không hiểu biết được liễu nghĩa {ý nghĩa về thực tại tối hậu}, như đức Thế Tôn đã dạy trong Nhất Thiết Quảng Phá Tập Kinh (Sarva-vaidalya-saṃgraha-sūtra):[20]
Này Di-Lặc, những kẻ dại dột chủ định bác bỏ các hạnh Ba-la-mật-đa khác, do đó, sẽ nói về việc tu tập đúng đắn sáu hạnh Ba-la-mật-đa của các Bồ-tát nhằm đạt giác ngộ như: ”Các Bồ-tát chỉ cần tu trí huệ mà thôi, những hạnh còn lại đều vô dụng”. Vô Năng Thắng (skt. Ajita) [Di-Lặc], ngươi nghĩ sao? Thế thì vua xứ Kasi [một tiền kiếp của đức Thích-ca-mâu-ni] thực hành trí huệ sai lạc khi ông đem của thịt mình cho diều hâu ăn để cứu bồ câu?
Di-lặc đáp: “Bạch Thế Tôn, không phải vậy”. Đức Thế Tôn tiếp tục: “Này Vô Năng Thắng, khi ta tu tập Bồ-tát hạnh, phải chăng các gốc rễ của công hạnh mà ta đã huân tập – bao gồm các gốc rễ của công hạnh đi cùng với lục độ – có gây hại cho ta không?”
Di-lặc đáp: “Bạch Thế Tôn, không phải thế”. Thế Tôn tiếp: “Vô Năng Thắng, cho đến nay, ngươi đã tu tập hạnh bố thí hơn sáu mươi kiếp, ngươi đã tu tập hạnh trì giới hơn sáu mươi kiếp, ngươi đã tu tập hạnh nhẫn nhục hơn sáu mươi kiếp, ngươi đã tu tập hạnh tinh tấn hơn sáu mươi kiếp, ngươi đã tu tập thiền định hơn sáu mươi kiếp, ngươi đã tu tập trí huệ hơn sáu mươi kiếp, theo vậy, những kẻ dại dột kia lại nói rằng chỉ đạt giác ngộ bằng con đường duy nhất là con đường của tính Không. [347] Cách hành trì của họ hoàn toàn bất tịnh.
Do đó, nói rằng: “Thật không cần thiết cho người đã hiểu biết tính Không để nỗ lực chăm chỉ tu dưỡng phương tiện” là một ý kiến từ khước thật sai lầm, hậu quả {của điều khẳng định này} là: “Các thời tiền kiếp thánh thiện của đức Tôn Sư của chúng ta”, đã là những lúc mà ngài không hiểu biết về liễu nghĩa.
Lập trường đối nghịch: Việc trì hạnh bố thí, vv..., theo nhiều cách khác nhau chỉ là khi ngươi chưa thấu hiểu tính Không. Nếu ngươi đã có tri kiến về tính Không một cách vững chắc thì việc này không cần thiết.
Đáp: Đây là một tà kiến. Nếu nó đúng thì những đứa con của chư Phật {ám chỉ các Bồ-tát} nào đã chứng các quả vị cao thâm và ngộ được tuệ giác vô niệm[21] siêu việt có thể hiểu biết được chân lý tối hậu, và đặc biệt là các đệ bát địa Bồ-tát, vốn điều khiển được tuệ giác vô niệm, sẽ không cần tu tập Bồ-tát hạnh. Điều này là không đúng vì Thập Địa Kinh (Daśa-bhūmika-sūtra) dạy rằng tuy trên mỗi quả vị, có sự nhấn mạnh riêng cho từng hạnh, như bố thí chẳng hạn, nhưng điều này không có nghĩa là các ngài không tu tập các hạnh khác; nên, người ta nói rằng các ngài đều tu tập cả sáu hay mười hạnh Ba-la-mật-đa trên mỗi quả vị. Hơn nữa, bởi vì các ngài Vô Năng Thắng [Di-Lặc], Long Thọ, và Vô Trước đã giảng kinh theo cách này, thật không thể diễn dịch theo cách khác được.
Một cách cụ thể, các Bồ-tát đoạn diệt mọi phiền não ở quả vị thứ mười. Do đó, khi các ngài an định lên sự tối hậu, nơi mà các ngài đã đoạn diệt tất cả các diễn tưởng[22], chư Phật khích lệ và giải thích rằng các ngài phải tu tập Bồ-tát hạnh: “Duy chỉ với tri kiến về tính Không này thì các ngươi không thể trở nên giác ngộ bởi vì Thanh văn và Duyên giác cũng đã thành tựu vô phân biệt trí”. Hãy nhìn thân bất khả tư lường {không thể đo đạc được} của ta, trí huệ siêu việt bất khả tư lường của ta, cảnh giới bất khả tư lường của ta và vv.... Các ngươi cũng không có năng lực của ta và vv.... Hãy hoan hỷ nỗ lực để thành tựu những thuộc tính như vậy. Nhưng đừng buông bỏ sự kiên trì này [thiền quán tính Không] và vv.... [348] Tự hài lòng với một tầng thiền định thứ yếu nào đó và bỏ qua các pháp tu khác là điều bị các học giả chế nhạo. Thập Địa Kinh dạy rằng:[23]
Hãy lắng nghe! Có những đứa con của chư Phật, các Bồ-tát, những ai vốn đã an trú ở Bất động địa [địa thứ 8], vốn đã phát khởi năng lực nguyện cầu trước đó, và những ai đã an định trong “dòng nhập giáo pháp” [thiền lên tính Không]. Các Đấng Thế Tôn đã thành tựu những điều đó. Một trí huệ siêu việt Như Lai đã dạy: “Hỡi những đứa con của truyền thừa chính pháp, lành thay, lành thay! Mục tiêu này – bao gồm tri kiến về tất cả các phẩm chất Phật – là sự nhẫn nhục của liễu nghĩa. Tuy vậy, các ngươi chưa có được mười năng lực của ta[24], vô uý và vv..., các phẩm chất Phật trong toàn bộ sự phong phú của chúng. Hãy nhẫn nhục một cách hỷ lạc trong việc truy tầm các phẩm chất tối hảo {Ba-la-mật-đa} này. Đừng buông bỏ lối vào nhẫn nhục này [thiền quán tính Không]. Hỡi những đứa con của dòng chính pháp, mặc dù các ngươi đã thành tựu an tĩnh và giải thoát, hãy nghĩ đến các phàm phu, các kẻ non dạ, vốn không có được chút bình an trong tâm hồn và luôn bị các cảm xúc phiền não khác nhau chi phối. Hỡi những đệ tử của dòng chính pháp, hãy nhớ lại các cầu nguyện trước đây, điều mà các ngươi phải đạt đến vì lợi lạc của chúng sinh, và cửa ngỏ bất khả tư lường đến trí huệ siêu phàm. Lại nữa, hỡi những đứa con của dòng chính pháp, đây là thực tại của các pháp. Dù cho có Như Lai hay không, pháp giới của thực tại vẫn ở đấy; đó là tánh Không pháp, sự bất liễu tri mọi thứ. Như Lai không chỉ nổi bật chỉ vì điều này; tất cả các bậc Thanh văn và Duyên giác cũng đã thành tựu được bản chất thật vô niệm này. [349] Lại nữa, hỡi những đứa con của dòng chính pháp, hãy nhìn thân bất khả tư lường của ta, tuệ giác siêu phàm bất khả tư lường của ta, Phật giới bất khả tư lường của ta, sự giác ngộ về trí huệ bất khả tư lường của ta, hào quang bất khả tư lường của ta, và tịnh âm bất khả tư lường của ta – và hãy tạo ra các thứ tương tự cho chính ngươi.
Thập Địa Kinh cũng đưa ra một hình ảnh về một con tàu dong ruổi ra khơi dưới một luồng gió thuận lợi.[25] Hành trình mà nó đi được trong một ngày vượt xa ngay cả hành trình nó đi qua trong một trăm năm sau khi xuất phát từ một bến cảng đứng gió và phải nỗ lực để di chuyển nó. Tương tự vậy, kinh dạy rằng sau khi đã thành tựu đệ bát địa, chỉ trong thoáng chốc mà không cần nỗ lực vượt bực, các ngươi sẽ đi được một chặng đường đến nhất thiết trí, vốn không thể thành tựu trước khi đạt quả vị này, ngay cả khi các ngươi tinh tấn tu tập suốt một trăm ngàn kiếp. Do đó, các ngươi sẽ tự lừa dối mình khi nói rằng “Ta có con đường tắt” và sau đó không tu tập Bồ-tát hạnh.
Lập trường chống đối: Tôi không khẳng định rằng hạnh bố thí, vv..., là không cần thiết, đúng hơn là chúng hoàn toàn hiện diện trong trạng thái tâm thức không có ý tưởng, bởi vì sự thiếu vắng chấp thủ vào người cho, vật cho, và người nhận làm cho hạnh bố thí vô phân biệt hoàn toàn hiện diện. Và cũng như vậy, các hạnh còn lại cũng hoàn toàn hiện diện. Mặt khác, các kinh văn cũng dạy rằng ngươi phải tu tập tổng hợp tất cả sáu hạnh Ba-la-mật-đa trong từng hạnh một.
Đáp: Nếu chúng hoàn toàn hiện hữu trong một trạng thái tâm thức không có tư tưởng thì khi các thiền giả không theo Phật giáo ở trạng thái cân bằng thiền và ngay cả trạng thái nhất tâm của định, thì tất cả các Ba-la-mật-đa sẽ hiện diện đầy đủ bởi vì họ không chấp thủ vào người cho, vật cho, hay người nhận. Đặc biệt là các bậc Thanh văn và Duyên giác chứng ngộ bản chất chân thật, như đã trích dẫn trước đây từ Thập Địa Kinh, tất cả các hạnh Bồ-tát sẽ hoàn toàn hiện diện và như vậy, thật là vô lý vì họ lại trở thành các hành giả Đại thừa. Và nếu ngươi khẳng định chỉ tu tập một hạnh là đủ bởi vì các kinh văn thuyết rằng tất cả sáu hạnh Ba-la-mật-đa được thu nhiếp trong mỗi hạnh thì, bởi vì các kinh cũng thuyết rằng cả sáu hạnh đều hiện diện ngay cả khi cúng dường maṇḍala trong lúc tụng câu kệ đầu “Hòa phân bò vào với nước và vv...” nên chỉ cần thực hiện việc này thôi là đủ. [350]
Các {Bồ-tát} hạnh thấm nhuần quan điểm triết học và trí tuệ thấm nhuần phương tiện có thể được hiểu qua sự tương tự sau. Khi một người mẹ đau đớn vì cái chết của đứa con yêu quý của mình xúc tiến chuyện trò và hoạt động với người khác thì những tình cảm mà bà thổ lộ không loại trừ được sức mạnh của ưu phiền. Tuy nhiên, không phải mọi cảm xúc mà bà thổ lộ nhất thiết phải là ưu phiền. Cũng như vậy, nếu tuệ giác thấu hiểu tính Không rất mạnh mẽ, mặc dù các tâm trạng liên can với bố thí, tỏ lòng tôn kính, đi nhiễu hay tụng niệm không phải là tư tưởng về tính Không, thì điều này vẫn không loại trừ việc quý vị liên can đến chúng trong khi được phú cho tiềm năng hay năng lực về việc nhận biết của tính Không. Ví dụ như khi bắt đầu nhập thời thiền, nếu trước tiên, quý vị phát khởi tâm giác ngộ rất mạnh mẽ thì tâm Bồ-đề này sẽ không có một cách hiển lộ khi mà sau đó quý vị nhập vào cân bằng thiền trong một sự tập trung lên tính Không. Tuy nhiên, điều này không ngăn trở sự tập trung được thấm nhuần bởi thế năng của tâm giác ngộ đó.
Đây là thứ vốn được tham chiếu đến bởi thuật ngữ “bố thí không dính mắc”. Đây không phải là sự thiếu vắng hoàn toàn một thái độ rộng lượng, trong đó bố thí không thể thuận duyên. Hãy hiểu các hạnh còn lại theo cách tương tự. Hãy biết rằng đó là cách thức khiến phương tiện và trí huệ không thể tách rời nhau.
Hơn nữa, quý vị không nên hiểu nhầm các tuyên thuyết cho rằng các pháp trong cõi luân hồi như thân thể, các nguồn năng hay tài lực và tuổi thọ của quý vị là kết quả của việc tích lũy công đức; các pháp đó cũng thiếu vắng phương tiện thiện xảo và trí huệ. Khi sự tích lũy công đức đó hòa quyện với các thứ này thì thật hoàn toàn thích hợp để chúng làm các nguyên nhân của sự giải thoát và nhất thiết trí. Có vô số đoạn kinh văn nói như vậy, như các câu sau từ Bảo Hành Vương Chính Luận: [26]
Tóm lại, sắc thân
Tâu Đại vương, được sinh ra từ sự tích lũy công đức.
Xa hơn nữa, dường như quý vị đang nói rằng tất cả các hành vi bất thiện và phiền não, vốn là nhân cho những cảnh giới thấp đôi khi có khả năng trở thành nhân cho quả Phật, và các hạnh, như bố thí hay trì giới chẳng hạn, vốn dẫn đến tái sinh ở những cảnh giới cao, lại đưa đẩy vào cõi ta-bà, chứ không thể trở thành nhân cho quả Phật. Do đó, hãy tự trấn tỉnh trước khi phát ngôn. [351]
Xin đừng hiểu nhầm ý nghĩa của những lời sau đây từ kinh điển:[27]
Hành trì sáu Ba-la-mật-đa, như hạnh bố thí chẳng hạn, là hoạt động ma quỷ.
Từ Tam Uẩn Kinh (Tri-skandha-sūtra):[28]
Hãy sám hối các điều sau: Sa sút từ mức độ về sự tồn tại khách quan và việc bố thí các tặng phẩm vật, việc giữ giới luật bởi vì tin tưởng vào ưu thế của giới luật và vv...
Và từ Phạm Thiên Vấn Kinh (Brahma-pariprccha-sutra)[29]
Mọi phân tích đều là tư tưởng định danh; vô niệm là giác ngộ.
Ý nghĩa của đoạn kinh thứ nhất là các hạnh, như bố thí chẳng hạn, nếu có từ động cơ dính mắc vào hai loại ngã [nhân ngã và pháp ngã[30]] thì sẽ không thuần khiết và do đó được thuyết là “hoạt động ma quỷ”. Đoạn kinh này không dạy rằng các hạnh, như bố thí và vv..., là hoạt động ma quỷ; nếu không, vì đoạn kinh văn đó đề cập đến tất cả các hạnh Ba-la-mật-đa, các ngươi cũng có thể khẳng định rằng các hạnh định và tuệ từ thiền cũng là hoạt động ma quỷ.
Đoạn kinh thứ hai có nghĩa là các Ba-la-mật-đa không tinh khiết {không thanh tịnh} bởi vì chúng đang bị thúc đẩy bởi sự chấp thủ và dạy rằng quý vị phải sám hối là đã phạm các hành vi này. Kinh không dạy rằng quý vị không được thực hành hạnh bố thí, vv...; bằng không, việc đề cập đến một sự sa sút đến mức độ về sự tồn tại khách quan như trong đoạn “Sa sút từ mức độ về sự tồn tại khách quan và bố thí các tặng vật” sẽ trở nên không cần thiết, và thay vào đó, kinh văn này sẽ khẳng định là “hãy sám hối việc bố thí nói chung”, mà cụm từ này thật ra không hề được đề cập đến.
Phương pháp đối đáp này, được cấu trúc trong phần thứ ba {quyển hạ} của Giai Trình Thiền, nhấn mạnh một điểm cực kỳ quan trọng, bởi vì Ha-shang hiểu nhầm đoạn kinh này và khẳng định rằng toàn bộ các hành vi được đánh giá qua các biểu tướng, trong đó hành vi được tiến hành là sự nắm bắt {sự hiểu} lên các biểu tướng về một nhân ngã và pháp ngã. Nếu tất cả các tư tưởng định danh thiện đức – như thái độ rộng lượng khi nghĩ rằng, “Tôi sẽ cho cái này” và thái độ kiềm chế khi nghĩ rằng, “Tôi sẽ không làm điều bất thiện này” – đã đều là một sự nắm bắt lên một bản ngã của các đối tượng, {sự nắm bắt này} đang hiểu sai ba phạm trù [tác nhân, đối tượng, và người nhận], thì sẽ là đúng đắn và thích hợp rằng những ai tìm thấy quan điểm vô ngã của các đối tượng phải nên bác bỏ hoàn toàn các ý nghĩ định danh giống như là việc họ bác bỏ thù hận, cao ngạo, và vv..., và sẽ thật là sai lầm cho họ để nuôi dưỡng các thiện đức kia một cách có chủ đích. [352]
Giả sử mọi ý tưởng định danh, vốn nghĩ “Đây là cái này”, đã là các khái niệm về ngã của các đối tượng vốn hiểu sai về ba phạm trù này, thì cứu xét thế nào về việc quán chiếu các phẩm chất của một vị thầy, về việc quán chiếu sự an lạc và thuận duyên, cái chết và sự khổ đau của các giới đau khổ, về việc rèn luyện tu tập quy y; về việc suy nghĩ cách thức một hành vi khởi sinh một hậu quả chắc chắn; về việc luyện tập từ bi và Bồ-đề tâm; và việc thực hành giới luật của việc xúc tiến Bồ-đề tâm? Bởi vì tất cả các đạo pháp này chỉ yêu cầu quý vị đem lại thuyết phục về một số tri kiến bằng cách nghĩ “Đây là cái này”, “Cái này đến từ cái kia”, “Cái này có phẩm chất tốt hoặc cái kia sai sót” quý vị sẽ tăng cường quan điểm của mình về cái ngã của các đối tượng tương ứng với sự vững tin của quý vị lên với các đạo pháp này. Ngược lại, quý vị sẽ trở nên kém chắc chắn về các đạo pháp tương xứng với một số tri kiến của tính vô ngã của các đối tượng mà quý vị có thể duy trì trong thiền định. Như vậy, yếu tố hành vi và yếu tố tri kiến sẽ loại trừ lẫn nhau, giống như nóng và lạnh; và sau đó quý vị sẽ không bao giờ phát triển được một sự vững tin mạnh mẽ và vững bền về cả tri kiến lẫn hành vi.
Do đó, về phương diện mục đích, không hề có mâu thuẫn khi cả hai pháp thân và sắc thân Phật đều như là sự thể hiện các thành tựu, nên, trên đường tu, quý vị phải đem tới cho mình sự thuyết phục không một chút mâu thuẫn của (1) một tri kiến chắc chắn về sự tránh khỏi hoàn toàn mọi diễn tưởng bất kỳ nào bởi khái niệm của các biển tướng về sự tồn tại thật sự[31] trong hai loại ngã ngay cả trong một hạt tử {hay một phần nhỏ nhất} của một đối tượng tinh thần và (2) một tri kiến chắc chắn rằng “Điều này đến từ điều kia” và “cái này có phẩm chất tốt này hoặc khuyết điểm nọ”. Điều này, đến lược nó, lại phụ thuộc vào cách quý vị xác định Nhị Đế[32], quan điểm triết học về sự tồn tại. Quý vị sẽ được tính đến như “một người hiếu biết Nhị Đế và tìm ra ý chỉ của đức Phật” nếu quý vị tin rằng hai nhận thức hiệu quả[33] sau đây dĩ nhiên không chỉ chống lại nhau mà hỗ trợ nhau: (1) nhận thức hiệu quả xác lập được sự tối hậu {chân đế hay liễu nghĩa}, vốn được xác định thông qua kinh điển và lập luận, là trạng thái thiếu vắng dù là một hạt tử {một phần nhỏ nhất} về đặc tính bản chất trong cách thức về trạng thái hiện hữu hay trạng thái bản thể của pháp {hiện tượng} bất kỳ trong cả luân hồi hay niết-bàn; và (2) nhận thức hiệu quả quy ước {ước lệ hay tục đế} vốn xác lập các nhân và quả, trong các hoạt động phân hoá của chúng là chắc chắn mà không có bất kỳ một sự mơ hồ của nhân hay quả nhỏ nhất nào. [353] Tôi sẽ giải thích điều này trong phần tuệ giác {thuộc quyển ba của bộ đại pháp này}.[34]
Về đoạn kinh thứ ba, được trích dẫn từ Phạm thiên Vấn Kinh, vì ngữ cảnh của đoạn kinh là sự phân tích về việc sinh khởi và vv..., nhằm tuần tự dạy rằng bố thí, vv... không phải được sinh khởi một cách tuyệt đối, kinh văn dùng đến thuật ngữ “tư tưởng danh định” để chỉ ra rằng chúng {các hạnh Ba-la-mật} chỉ là các quy gán bởi tư tưởng định danh. Bài kinh không hề dạy rằng quý vị không nên tự mình tham gia vào các hạnh này và từ bỏ chúng
Như vậy, bởi vì chẳng có lúc nào mà chẳng cần thiết thực hành sáu hạnh Ba-la-mật-đa này, cho đến khi quý vị thành Phật nên bổn phận của quý vị là tu tập các hạnh này. Nếu ngay lúc này đây, quý vị hết sức tận tâm nỗ lực thì quý vị sẽ tinh tấn thành tựu những pháp có thể thành tựu được. Riêng đối với những pháp chưa thể thành tựu được ngay, hãy nguyện thực hành chúng như là các nguyên nhân cho khả năng thực hành chúng, hãy tích lũy công đức, xoá sạch các che chướng, và hãy cầu nguyện nhiều. Một khi quý vị làm điều này thì chẳng bao lâu, quý vị có thể thực hành được chúng. Ngoài ra, nếu quý vị đang ở vị thế cá nhân mình không thể hiểu các hạnh hay không thể thực hiện chúng, và sau đó quý vị nói với người khác là “Các anh không cần phải tu tập chúng”, thì không những quý vị tự phá huỷ mình mà còn đem huỷ hoại đến cho người khác nữa, thậm chí nó cũng trở thành một duyên xấu cho sự suy đồi của giáo pháp. Vậy đừng làm điều này. Như ngài Long Thọ đã dạy trong Kinh Điển Tập Luận (Sūtra-samuccaya):[35]
Việc phân biệt ngay cả các pháp vô vi {các hiện tượng phi cấu hợp} và vẫn không bị vỡ mộng với các công hạnh hữu vi là hoạt động tà ma. Việc hiểu biết ngay cả đạo giác ngộ và vẫn không truy tầm lộ trình các các Ba-la-mật-đa là hành động tà ma.
Và:
Một Bồ-tát thiếu phương tiện thiện xảo không nên nỗ lực để đạt trạng thái thực tại thâm sâu.
Và Như Lai Bất khả Tư nghì Mật thuyết Kinh dạy rằng:[36]
Hỡi các đệ tử của dòng chính pháp, [nó] cũng giống như thế này đây. Lửa, chẳng hạn, có nguyên nhân nên cháy và tắt đi khi nguyên nhân này không còn. Tương tự vậy, tâm thức được kích hoạt bởi một đối tượng được dõi theo; nếu không, nó sẽ ở trạng thái không hoạt động. Các Bồ-tát, cùng với phương tiện thiện xảo này, thông qua việc thanh tịnh về trí huệ Ba-la-mật-đa của mình, hiểu biết sự xoá bỏ một đối tượng thật sự tồn tại được dõi theo, và, cùng lúc, họ không loại bỏ sự theo dõi các cội rễ của thiện đức. [354] Các ngài không để cho sự dõi theo của các phiền não phát khởi tuy nhiên vẫn cài đặt sự chú tâm của mình lên các đối tượng được theo dõi của các Ba-la-mật-đa. Các ngài phân biệt rõ một sự duy trì về tính Không nhưng vẫn theo dõi và quan tâm đến mọi chúng sinh với tâm đại bi.
Quý vị phải phân biệt được những lời thuyết giảng về cách thức vì sao không hiện hữu một đối tượng được dõi theo và những lời thuyết giảng về cách thức hiện hữu của một đối tượng được theo dõi. Một cách tương ứng, trong lúc phải nới lỏng trói buộc của các phiền não và các quan niệm về các biểu tướng của sự tồn tại thật sự, quý vị phải bám chặt sợi dây tu tập giới hạnh, và trong lúc quý vị nhổ tận gốc rễ cả hai hành vi sai lầm [các hành vi sai về bản chất và các hành vi sai do cấm đoán], quý vị không được bứng rễ các hành động thiện lành. Việc trì giữ tu tập giới hạnh và việc bám chấp vào nhận thức các biểu tướng của sự tồn tại thật sự thì không giống nhau và việc buông lơi hành trì các giới nguyện và việc thả lỏng dây chuyền của quan niệm về ngã cũng không hề giống nhau.
Quý vị phải thành tựu nhất thiết trí từ các nguyên nhân chắc chắn, mỗi một nhân vẫn tự nó đầy đủ. Do đó, hãy nhận biết các hạng người sau là người thầy không đủ đạo hạnh và ngăn trở việc huân tập hai loại công đức: đó là những người tuyên bố “bắn hạ hàng trăm con chim bằng một viên đá từ giàn ná” và những người có được một cuộc sống sung sướng, thư nhàn và cho rằng họ phải tận hưởng cuộc sống theo nhiều cách khác nhau nhưng chỉ tu tập trong một lĩnh vực nào đó của đạo pháp.
Sự khác nhau giữa Tiểu thừa và Đại thừa được thể hiện ở chỗ các hành giả có tu tập vô lượng công đức khi thực hành giáo pháp bởi vì “Thừa khiêm tốn” và Tiểu thừa cũng đồng nghĩa với nhau và ý nghĩa của “khiêm tốn” là “một phần”. Quý vị phải đạt được ngay cả ít hơn các kết quả hiện tại – bao gồm đồ ăn thức uống, và tượng tự – thông qua nhiều nhân và duyên, nên thật là sai lầm để cho rằng một phần nào đó đủ để thành tựu mục tiêu cao nhất của một người, tức Phật quả, vì theo bản chất của duyên khởi, kết quả là tương hợp với các nhân của chúng. Với điều lưu tâm này, trong Đại Bi Liên Hoa Kinh (Karuṇā-puṇḍarīka-sūtra), đức Phật đã dạy rằng: “điều nào một phần đến từ một phần, và điều gì viên mãn đến được từ điều toàn thiện” [355] Việc này được thuyết giảng chi tiết trong Như Lai Sinh Khả Năng Tính Kinh (Tathāgatotpati-saṃbhava):[37]
Chẳng có Như Lai nào phát khởi từ một nhân duy nhất. Vì sao? Này những đứa con của Đấng Chiến Thắng! Các Như Lai được xác lập mười lần của một trăm ngàn các nguyên nhân xác lập bất khả tư lường. Số mười lần đó là gì? Chúng là: nguyên nhân chân thật của tình trạng không thoả mãn với vô lượng công đức tu tập và trí huệ siêu việt và vv....
Điều này cũng được thuyết giảng chi tiết trong Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh:[38]
Hỡi các đạo hữu! Thân Như Lai được hình thành từ hàng trăm thiện hành, từ mọi phẩm hạnh, từ thiện đạo bất khả tư nghì và vv....
Và hộ pháp Long Thọ đã nói trong Bảo Hành Vương Chính Luận:[39]
Khi các nhân của ngay cả sắc thân Phật
Không thể đo lường được cũng như thế giới
Thì làm sao có thể đo lường
Các nguyên nhân của pháp thân?
Như đã giải thích trước đây, cách tu tập phương tiện và trí huệ này, vốn bao gồm cả sáu Ba-la-mật-đa, là phổ biến trong cả Mật Chú thừa và Đại thừa. Trong rất nhiều Mật điển cổ, chúng ta thấy được đề cập thường xuyên về toàn bộ lộ trình Ba-la-mật-đa – bao gồm lục độ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo[40], mười sáu tánh Không[41] và vv... – trong ngữ cảnh các giải thích về toàn bộ thiên cung và các cõi trời trú ngụ của chư thiên là các phẩm tính nội tại của tâm thức. Do đó, hãy biết rằng toàn bộ những lời giải thích của kinh văn Bát-nhã Ba-la-mật-đa về những nội dung nào được tiếp nhận và nội dung nào bị loại bỏ được chỉ dạy trọn vẹn trong Mật Chú thừa, ngoại trừ trường hợp các giáo pháp Mật điển dành cho một số người ngoại lệ mà qua đó họ phải sử dụng trải nghiệm về các đối tượng cảm giác vào lộ trình tu tập và vv....
Hãy sử dụng các lời giải thích ở trên như hạt nhân và hãy quán tưởng về nó thật chu đáo. Nếu quý vị không chắc chắn về một lộ trình tu tập: không những không chỉ là một phần mà là toàn bộ về mọi phương diện, thì quý vị chưa hiểu nền tảng của lộ trình Đại thừa nói chung. Do đó, hỡi các thiện tri thức, hãy phát khởi một niềm tin vững chắc về đạo pháp phương tiện và trí huệ này, bằng nhiều cách thức, hãy liên tục nuôi dưỡng khả năng tự nhiên của quý vị đối với thừa tối cao.[356]
[1]Bồ-đề tâm (hay tâm giác ngộ) (skt. bodhicitta) là ước nguyện từ bi để đạt đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Bồ-đề tâm được phân chia làm hai loại: (1) Bồ-đề tâm tương đối dẫn đến ước nguyện từ bi để thành tựu giải thoát vì lợi ích tất cả chúng sinh và để tu tập các phương tiện nhằm đạt mục đích này; (2) Bồ-đề tâm tối hậu là trí tuệ trực chứng bản chất tối hậu của các hiện tượng. Riêng khái niệm Bồ-đề tâm tương đối còn được phân làm hai nhánh: (1) Bồ-đề tâm nguyện là ước nguyện đạt giác ngộ cho lợi ích các chúng sinh khác; và (2) Bồ-đề tâm hành bao gồm Bồ-đề tâm nguyện cùng với việc xúc tiến sáu hạnh Ba-la-mật-đa. Bodhichitta. Rigpa Shedra. Truy cập: 11/09/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Bodhichitta>.
[2]BA144 Ārya-maitreya-vimokṣa {Di-lặc Giải Thoát, bản Anh ngữ tựa là Cuộc Đời của Di-lặc} được trích dẫn trong LRCM: 284.10. Khangkar tham chiếu đến D44: A324a5-7.
[3]BA145 Gayā-śīrṣa {Gayā Sơn Đỉnh Kinh bản Anh ngữ tựa đề là Gayā Đệ Nhất (Nghĩa) Kinh} D109: Ca 291b3-4. Đoạn trích được tìm thấy trong Bk1, Tucci 1958: 502-503, D3915: Ki 25a6.
[4]BA146 Trích dẫn tìm thấy trong Bk1, Tucci 1958: 502-504; D3915: Ki 25a7-bl. Cf. Samādhi-rāja-sūtra. {Định Vương Kinh} Vaidya 1961a: 54; D127: Da 28b6-7.
[5]BA147 Bk1, Tucci 1958: 502-503; D3915: Ki 25a5-6.
[6]BA148 Pramāṇa-varttika-kārikā: 2.132; Miyasaka 1972: 20-21.
[7]BA149 Bk2, D3916: Ki 42a4-5.
[8]BA150 Mahā-vairocanāsaṃbodhi-vikurvitādhiṣṭhāna-vaipulya-sῡtrenda-rāja-nāma-dharma-paryāya, D494: Tha 153a5. Trích dẫn từ Bkl, Tucci 1958: 507; D3915: Ki 27b5-6.
[9]Liễu nghĩa là ý nghĩa tối hậu tuyệt đối không sai sót đó là chân lý tối hậu. Về phần kinh luận liễu nghĩa, các kinh luận được hiểu chính xác theo nghĩa đen không cần có thêm các diễn giải hay suy diễn được xem là kinh liễu nghĩa. Các kinh không liễu nghĩa thường được gọi là kinh diễn nghĩa vì cần có sự giảng giải và suy diễn thêm về nội dung của kinh cho phù hợp với tôn chỉ. Như vậy các kinh liễu nghĩa được hiểu là kinh văn nói về thực tại tối hậu mà không cần thêm các suy diễn. Tùy theo cách nhìn nhận chân lý tối hậu, có khi một kinh là liễu nghĩa đối với bộ phái này lại trở thành diễn nghĩa với bộ phái khác. Chẳng hạn bộ kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa là kinh liễu nghĩa của phái Trung Quán thì lại được xem là kinh cần có sự diễn nghĩa theo phái Duy Thức.
[10]BA151 Mahā-vairocanāsaṃbodhi-vikurvitādhiṣṭhāna-vaipulya-sῡtrenda-rāja-nāma-dharma-paryāya, {Đại Nhật Phật Thuyết Yếu Lược Niệm Tụng Kinh} D494: Tha 153a5. Trích dẫn từ Bkl, Tucci 1958: 507; D3915: Ki 27b5-6
[11]BA152 Trích dẫn từ Ārya-tathāgata-acintya-guhya-nirdeśa-nāma-mahāyānā-sūtra {Như-lai Bất Khả Tư Nghì Mật Thuyết Đại Thừa Kinh} D47, có từ phần thứ ba của Bhāvana-krama {Giai Trình Thiền – quyển hạ} (Bk3), Tucci 1971:12; D3917: Ki 61a2-3.
[12]BA153 Ārya-gagana-gañja-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra {Hư Không Bảo Vấn Đại Thừa Kinh} D148: Pa 253b6; Bk2, D3916: Ki 53bl-2.
[13]BA154 Ārya-saṃdhi-nirmocana-nāma-mahāyānā-sūtra {Định Giải Thoát Đại Thừa Kinh} D106: Ca 19b6-7; đã dẫn trong Bk2, D3916: Ki 53b2-3 và Bk3, Tucci 1971: 22; D3917: Ki 64b7-65al.
[14]BA155 Ārya-vimalakīrti-nirdeśa-nāma-mahāyānā-sūtra {Duy-ma-cật Sở Thuyết Đại Thừa Kinh – chữ Vimalakīrti, tức Duy-ma-cật còn được dịch nghĩa là Tịnh Xưng} D176: Ma 201a7-b2; đã trích dẫn trong Bkl, Tucci 1958: 504; D3915: Ki 25b3; Bk2, D3916: Ki 52b4-5; và Bk3, Tucci 1971: 22; D3917: Ki 65a2-4. Phần trước là một đoạn trích.
[15]BA156 Gayā-śīrṣa D109: Ca 288b7-289al; cited in Bkl, Tucci 1958: 505; D3915: Ki 25a6; Bk2, D3916: Ki 52b3-5.
[16]BA157 Śri-paramādya-nāma-mahāyānā-kalpa-rāja {Cát Tường Tối Thắng Đại Thừa Bản Sơ Vương } D487: Ta 2. Trích từ Bk2, D3916: Ki 52b3-4.
[17]BA158. Ārya-kāśyapa-parivarta-nāma-mahāyānā-sūtra {Ka-diếp Phẩm Đại Thừa Kinh} D87: Cha 129a6; đã dẫn trong Bk2, D3916: Ki 52a6; Bk3, Tucci 1971: 27; D3917: Ki 67b2-3.
[18]BA159 Ārya-ratna-cῡḍā-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra {Bảo Đỉnh Sở Vấn Đại Thừa Kinh} D91: Cha 120b2-4; đã trích trong Bk2, D3916: Ki 51bl and śikṣāsamuccaya {Bồ-tát Học Luận}, Vaidya 1961b: 145; D3940: Khi 150bl-2.
[19]BA160 RGV: 1.92; P5525:25.5.2-3. Ẩn dụ ban đầu nói đến bức tranh thân thể một phụ nữ. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, và vân vân là các nét phát hoạ {lekhakā} với với các sắc và Không vốn có uy quyền tối cao của trạng thái liên quan đến tất cả các phương diện của thân (pratimā) mà được tô điểm bằng màu sơn của thân thể.
[20]BA161 Ārya-arva-vaidalya-saṃgraha-nāma-mahāyānā-sūtra {Nhất Thiết Quảng Phá Tập Kinh}: Dza 183a3-7.
[21]BA156 Gayā-śīrṣa D109: Ca 288b7-289al; cited in Bkl, Tucci 1958: 505; D3915: Ki 25a6; Bk2, D3916: Ki 52b3-5.
[22]Nhắc lại, thuật ngữ Anh là elaboration. Đây là một loại tiến trình định danh của tâm nhằm thêm thắt, diễn giải và mở rộng một cảm nhận sau khi các thức thụ cảm nhận thông tin từ đối tượng bên ngoài vốn đang hoàn toàn khách quan không nhị nguyên.
[23]Vô niệm, phi định danh, hay vô phân biệt (eng. Nonconceptual, skt. avikalpa) là trạng thái mà tâm thức ngưng không còn các nỗ lực hay dụng công định danh (eng. conceptual) hay không còn có sự phân biệt nhị nguyên. Trạng thái định danh là trạng thái mà tâm đưa ra sự phân biệt, xác định, gán tên, khái niệm, so sánh ... lên các đối tượng mà tâm đang tương tác (hay đang nghĩ đến). Như vậy trạng thái định danh này chỉ hiện hữu khi có sự tham gia của ý thức. Đối với năm thức còn lại (bao gồm nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân thức) thì vì chúng không thể chủ động có quá trình định danh nên các thức này được xếp vào loại vô niệm. Do đó, chỉ có trong ý thức mới có sự phân chia làm hai loại phi định danh và định danh. Ví dụ kinh điển sau đây minh hoạ về hai loại định danh và phi định danh: Thức thụ cảm như người câm mà chỉ thấy – ý danh định như kẻ nói nhưng lại mù. Xem thêm Six consciousnesses. Rigpa Shedra. Truy cập 17/09/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Six_consciousnesses>
[24]Còn gọi là Thập Phật Lực theo cách định nghĩa của Kim Cang thừa bao gồm: (1) mệnh lực – khả năng từ bỏ hay duy trì sự sống tuỳ ý trong vô hạn kiếp lượng; (2) tâm lực – điều khiển được trạng thái thiền theo ý muốn; (3) pháp giới lực – có thể hiện thực hoá sự phong phú của chư thiên, Bồ-tát, hay người như ý. Đây là kết quả của hạnh bố thí; (4) hành lực – có năng lực hoàn tất những gì mình muốn; (5) sinh lực – có năng lưc thị hiện các loại ra đời khác nhau tuỳ ý ở bất kỳ đâu sắc tướng nào. Đây chủ yếu là kết quả của hạnh trì giới; (6) nguyện lực – có khả năng hoàn thành các ước nguyện của các đệ tử. Đây là kết quả của hạnh nhẫn nhục tương ứng với ước nguyện trong tu tập đạo pháp của đệ tử; (7) cầu lực – khả năng hoàn thành các cầu xin của người cầu nguyện. Đây là kết quả của hạnh tinh tấn; (8) Diệu lực – Có năng lực không bị trở ngại để hiển thị các điều kì diệu. Đây là kết quả của hạnh thiền định; (9) Tuệ lực – Sở hữu đại trí huệ thấy biết không bị ngăn trở, dính mắc và có thể thấy biết xuyên suốt quá khứ, hiện tại, vị lai; (10) Pháp lực – có năng lực không bị trở ngại để giáo huấn theo ước muốn của các đệ tử bao gồm tất cả các hình thức biệt truyền trong 12 loại kinh điển. Hai năng lực thứ 9 và thứ 10 là kết quả của trí huệ. Ten Powers. Rigpa Shedra. Truy cập: 11/09/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Ten_powers>.
So sánh thêm với khái niệm Thập Phật trí đề cập khả năng tri kiến của một vị Phật
bao gồm: (1)Tam thế trí (2) Phật Pháp trí (3) Pháp giới vô ngại trí; (4) Pháp
giới vô biên trí; (5) Sung mãn nhứt thiết thế giới trí; (6) Phổ chiếu nhứt thiết
thế giới trí; (7) Trụ trì nhứt thiết thế giới trí; (8) Tri nhứt thiết chúng
sanh trí; (9) Tri nhứt thiết pháp trí; (10) Tri vô biên chư Phật trí.
[25]BA163 Ibid.: 242al-5.
[26]BA164 Ra: 3.12; Hahn 1982: 74-75.
[27]BA165 Đã trích trong Sūtra-samuccaya, {Kinh Điển Tập Luận} D3934: Ki 163a6 and Bk3, Tucci 1971: 22-23; D3917: Ki 65a5-7.
[28]BA166. Ārya-tri-skandha-nāma-mahāyānā-sūtra, {Tam Uẩn Đại Thừa Kinh} D284: Ya 72M-2; cited in Bk3, Tucci 1971: 23; D3917: Ki 65b3-4.
[29]BA167 Ārya-brahmā-viśesa-cinti-paripṛcchā-sūtra {Phạm Thiên Đặc Thù Tư Khảo Vấn Kinh} D160: Ba 58b5; cited in Bk3, Tucci 1971: 23-24; D3917: Ki 65b5-7.
[30]Chấp vào nhân ngã có nghĩa là chấp vào sự tồn tại tự tính (hay nội tại, thiết yếu, nền tảng hay không phụ thuộc) của chúng sinh bao gồm thân-tâm hay các bộ phận của thân-tâm. Còn việc dính mắc vào pháp ngã tức là cho rằng có sự tự tính của các pháp (không dành cho tâm thức người) hay các bộ phận thuộc tính của chúng. Từ đây về sau chúng tôi sẽ dùng hai thuật ngữ này theo ý nghĩa như vừa giải thích.
[31]Ý chỉ ở đây về khái niệm “tồn tại thật sự” tức là sự tồn tại bản chất, không bị phụ thuộc vào các nguyên nhân sinh ra nó, hay tự tồn, bền vững không chịu ảnh hưởng tác động của môi trường bên ngoài.
[32]Nhị Đế (skt. dvasatya, tib. བདེན་པ་གཉིས) là khái niệm đặc thù trong Phật giáo phân biệt hai khía cạnh của thực tại một là khía cạnh tuyệt đối nói đến các đặc tính tối hậu của các pháp (Chân đế, tib. དོན་དམ་བདེན་པ) và khía cạnh kia là sự trình hiện các đặc tính tương đối của thế giới thường tục, ước lệ hay thông tục (Tục đế, tib. ཀུན་ རྫོབ་བདེན་པ) cả hai khía cạnh này đều là các đặc trưng của cùng một thế giới thực tại đơn nhất. Xem thêm The Two Truths. Guy Newland, Snow Lion Publications. 1992. ISNB: 0937938793. Dịch Việt của Lê Công Đa: Sắc Tướng Và Thật Tướng Đế. Truy cập 17/09/2011.
<http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8928_5-50_6-4_17-262_14-1_15-1/>.
[33]Ở đây thuật ngữ ”nhận thức” không phải để chỉ riêng các tiến trình cảm xúc thu nhận từ bên ngoài mà bao gồm tất cả các dạng tư tưởng ý nghĩ (có từ các đối tượng của các thức kể cả ý thức bên trong). Trong tập 3 sẽ có thêm các chi tiết bàn về nhận thức hiệu quả.
[34]BA168 Xem LRCM: 564-805; Đại Pháp 3: 107-359.
[35]BA169. Sūtra-samuccaya, D3934: Ki 164a2-4; cited in Bk3, Tucci 1971: 22; D3917: Ki 65a4-5.
[36]BA170 Trích dẫn trong Tathāgata-acintya-guhya-nirdeśa-sūtra {Như-lai Bất Khả Tư Nghì Mật Thuyết Đại thừa kinh} là từ Bk3, Tucci 1971: 27-28; D3917: Ki 67b4-6.
[37]BA171 Tathāgatotpati-saṃbhava, {Như Lai Sinh Khả Năng Tính Kinh – Khả năng Như Lai ra đời trong tương lai} là chương 43 của kinh Buddhavataṃsaka-sūtra, {Hoa Nghiêm Kinh} D44: Ga 80a4-bl; đã trích dẫn trong Bk3, Tucci 1971:12; D3917: Ki 61a3-5.
[38]BA172 Vimalakīrti-nirdeśa-nāma-mahāyānā-sūtra D176: Ma 183b3-184al; đã trích từ Bk3, Tucci 1971:13; D3917: Ki 61a5-6.
[39]BA173 Ra: 3.10; Hahn 1982: 73.
[40]Các phẩm tính này bao gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ Pháp như ý túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo tỏng cộng là 37 phương tiện tu tập. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P493. Wisdom. 2008.
[41]16 loại tánh Không (skt. ṣoḍaśaśūnyatā; tib. སྟོང་ཉིད་བཅུ་དྲུག་) được đề cập trong Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng bao gồm: (1) Không tánh của ngoại diện (tib. ཕྱི་སྟོང་པ་ཉིད), (2) Không tánh của nội tại (tib. ནང་སྟོང་པ་ཉིད), (3) Không tánh của ngoại diện và nội tại (tib. ཕྱི་ནང་སྟོང་པ་ཉིད), (4) Đại Không tánh (tib. ཆེན་པོ་སྟོང་པ་ཉིད), (5) Không tánh của Vô thủy và Vô Chung - hay Không tánh của sự không có khởi đầu và không có kết thúc (tib. ཐོག་མ་དང་མཐའ་མ་མེད་པའི་སྟོང་པ་ཉིད), (6) Không tánh của Duyên (tib. འདུས་བྱས་སྟོང་པ་ཉིད), (7) Không tánh của Phi Duyên (tib. འདུས་མ་བྱས་སྟོང་པ་ཉིད), (8) Không tánh của Không tánh (tib. སྟོང་པ་ཉིད་སྟོང་པ་ཉིད), (9) Không tánh vượt khỏi các cực đoan (tib. མཐའ་ལས་འདས་པའི་སྟོང་པ་ཉིད), (10) Không tánh bản chất (tib. རང་བཞིན་སྟོང་པ་ཉིད), (11) Không tánh của cái không thấy được (tib. མཚན་ཉིད་མེད་པའི་སྟོང་པ་ཉིད), (12) Không tánh tối hậu (tib. ངོ་བོ་ཉིད་སྟོང་པ་ཉིད), (13) Không tánh của sự bất khả khiếm thiếu (tib. ར་བ་མེད་པའི་སྟོང་པ་ཉིད), (14) Không tánh của bản chất cốt lõi của các phi thực thể (tib. དངོས་པོ་མེད་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་སྟོང་པ་ཉིད), (15) Không tánh của tất cả các hiện tượng (tib. ཆོས་ཐམས་ཅད་སྟོང་པ་ཉིད), (16) Không tánh của các đặc tính (tib. མཚན་ཉིད་སྟོང་པ་ཉིད). Sixteen kinds of emptiness. Rigpa Shedra. Truy cập 19/02/2012.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Sixteen_kinds_of_emptiness>.