Chương 14: Các Loại Nghiệp Khác Nhau

10 Tháng Chín 201200:00(Xem: 14990)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 14: Các Loại Nghiệp Khác Nhau


b” Quán chiếu những đặc thù về sự phân hóa của nghiệp

1” Những giảng dạy chính về mười nghiệp đạo

2” Việc xác định các quả của hành động

(a) Các hành động bất thiện và quả của nó

(i) Những nghiệp đạo thật sự của các hành động bất thiện

(ii) Phân biệt độ nặng

(a’) Độ nặng của mười bất thiện đạo

(b’) Bàn qua về những tiêu chuẩn của các hành động mãnh liệt

(1’) Sức mạnh về phía người nhận

(2’) Sức mạnh về mặt yểm trợ

(3’) Sức mạnh về mặt đối tượng

(4’) Sức mạnh về mặt thái độ

(iii) Bàn về quả

(a’) Quả đã thành hình

(b’) Quả tương hợp với nhân

(c’) Quả gián tiếp/phương tiện quả

(b) Các hành động thiện và quả của nó

(i) Hành động thiện

(ii) Quả của hành động thiện

(c) Một trình bày về các cách phân loại khác của nghiệp

(i) Phân biệt giữa biểu nghiệp và bổ nghiệp.

(ii) Nghiệp mà quả của nó quý vị chắc chắn sẽ trải qua hoặc chỉ có triển vọng trải qua

2’ Suy ngẫm chi tiết về nghiệp và nghiệp quả

a” Những tính chất của quả thành hình

b” Những kết quả của quả

c” Những nguyên nhân của quả

 

–––––\–––––

 

b” Quán chiếu những đặc thù về sự phân hóa của nghiệp

Phần trình bày những đặc thù về sự phân hóa của nghiệp gồm có hai phần:

1. Giáo pháp nền tảng của mười đạo pháp về hành vi.

2. Việc xác định kết quả của các hành động

 

1” Giáo pháp nền tảng của mười đạo pháp về hành vi {nghiệp đạo}

Câu hỏi: [163] Cho rằng tôi đã hiểu biết chắc chắn về sự liên hệ nhân quả của hạnh phúc và khổ đau như được giải thích trước đây, đã hiểu rằng nghiệp tăng trưởng, rằng tôi sẽ không gặp phải những kết quả của những hành động mình không làm, và những hành động tôi làm sẽ không mất đi – khởi đầu tôi nên phát khởi niềm tin chắc thật về những loại nghiệp và quả nào? Tôi nên chấp nhận những gì và loại bỏ những gì?

Trả lời: Nói chung, quý vị có thể kểt luận rằng có ba cách để quý vị xử sự tốt hoặc xấu – qua thân, khẩu và ý. Mặc dù không phải tất cả những thiện hạnh và bất thiện hạnh của ba cửa ngõ này đều được bao gồm trong mười nghiệp đạo, tuy vậy Đức Phật, Đấng Thế Tôn, tóm lược những điểm chính yếu, dạy những điểm rõ nhất, hoặc thô sơ nhất, trong các thiện hạnh và bất thiện hạnh và đó là mười nghiệp đạo thiện và nghiệp đạo bất thiện[1]. Đức Phật dạy rằng những cơ sở cực kỳ lớn cho một hành vi sai trái là mười nghiệp đạo bất thiện. Ngài thấy rằng khi quý vị từ bỏ mười nghiệp đạo bất thiện này, quý vị sẽ làm theo các hành động thiện và những điểm quan trọng nhất của những hành động thiện này cũng có mười. Do đó Ngài dạy mười nghiệp đạo thiện. Trong Vi Diệu Pháp Báu Luận:[2]

 

Hệ thống hóa những điểm rõ ràng nhất về nghiệp,

Đức Phật nói các nghiệp đạo –

Thiện hoặc bất thiện - đều có mười.

 

Giới Luật Phân Biệt Luận nói rằng:[3]

 

Nếu ngươi thực hành ba con đường của hành vi –

Giữ gìn lời nói, thu nhiếp tâm ý,

Và không phạm những hạnh bất thiện về thân –

Ngươi sẽ thành tựu con đường bậc Mâu-ni giảng dạy.

 

Biết được mười nghiệp đạo bất thiện và các kết quả của nó, hãy giữ mình không để động lực nào thúc đẩy quý vị phạm các nghiệp đạo này. Kế đó tu tập mười nghiệp đạo thiện hạnh trong đó thân, khẩu, ý của quý vị không bị pha trộn một chút nào với các nghiệp đạo bất thiện. Tu tập này là cơ sở không thể thiếu được cho cả ba thừa cũng như cho việc thành tựu hai mục đích[4] của chúng sinh. Cho nên đấng Điều Ngự từ nhiều cách nhìn đã không ngớt lời ca ngợi cách tu tập này.

Hải Long Vương Vấn Kinh dạy:[5]

 

Điều ta gọi là thiện hạnh là các rễ cái cho mọi điều hoàn hảo của mọi giác thể và con người. Chúng là rễ cái cho sự giác ngộ của các bậc Thanh Văn và Bích-chi Phật. Chúng là rễ cái của giác ngộ toàn hảo, không gì hơn. Và những rễ cái này là gì? Chúng là mười hành động thiện. [164]

 

Và cũng nói:

 

Thí dụ như, này Long Vương, tất cả làng mạc, thành phố, thị xã, quận huyện, xứ sở, và cung điện của vua chúa; tất cả cỏ, lùm cây, dược thảo, và cây lớn; tất cả thành quả lao động, tất cả hột giống dự trữ, sự tăng trưởng của tất cả mùa màng, việc cày, bừa và sản xuất - mọi thứ đều nương nơi đất. Nguồn gốc của chúng là đất. Cũng vậy, này Long Vương, mười nghiệp đạo thiện này là nguồn gốc để được sinh ra ở chốn thiêng liêng hoặc ở cõi người, để đạt tới mục tiêu tu tập thiện pháp của bậc hữu học và bậc vô lậu học, của sự giác ngộ của Bích-Chi Phật, của mọi hành động của Bồ-tát, và của tất cả mọi phẩm hạnh của chư Phật.

 

Vì thế ngài Nguyệt Xứng, trong Nhập Trung Quán Luận Thích, tóm tắt tầm quan trọng của lời ca ngợi của Đức Phật trong Thập Địa Kinh (Daśa-bhūmika-sūtra) về giới luật theo đó quý vị loại trừ mười hạnh bất thiện:[6]

 

Đối với các phàm phu, những chúng sinh sinh ra từ Phật khẩu {từ miệng của Phật},

Với những chúng sinh mà bản chất chắc chắn là tự giác, hoặc những người con của đấng Điều Ngự,

Không có nguyên nhân nào sinh ra điều thiện lành chắc chắn

Hoặc thân phận cao cả nào, vượt ngoài khỏi giới đức.

 

Giữ gìn giới luật liên tục bằng cách duy trì một ý thức kiềm chế. Một số người không có được sự kiềm chế này ngay cả với chỉ một thực hành giới luật thôi, vậy mà vẫn nói: “Tôi là một hành giả Đại Thừa”. Điều này rất đáng hổ thẹn. Kinh Địa Tạng nói:[7]

 

Bằng mười con đường thiện hạnh này mà ngươi sẽ thành Phật. Tuy nhiên, có những người cả đời chẳng bao giờ giữ gìn tối thiểu chỉ một hành vi thiện, nhưng lại nói những điều như: “Tôi là hành giả Đại Thừa; tôi mong tìm sự giác ngộ toàn hảo, vô thượng”. Những người này là người đạo đức giả và những kẻ nói dối cỡ lớn. Họ lừa dối thế gian trước mặt tất cả Đức Phật Thế Tôn, và họ thuyết giảng chủ nghĩa hư vô. Khi họ chết, họ rối loạn và bị rơi rớt lại. [165]

 

Quý vị nên hiểu “rơi rớt lại” có nghĩa là hoàn toàn bị tái sinh vào cõi đau khổ

 

2” Việc xác định các quả của hành vi

Có ba phần trong việc xác định các quả của hành động:

1. Nghiệp bất thiện và quả của nó

2. Nghiệp thiện và quả của nó

3. Một trình bày về các cách phân loại khác của nghiệp

 

(a) Nghiệp bất thiện và quả của nó

Phần này được giải thích dưới ba tiêu đề:

1. Những nghiệp đạo thật sự của các nghiệp bất thiện

2. Phân biệt độ nặng

3. Một trình bày về các quả

 

(i) Những nghiệp đạo thật sự của các nghiệp bất thiện

Sau đây là mười nghiệp bất thiện:

 

1.Giết hại {sát sinh}

Giết hại là gì? Quyết Định Yếu Luận giảng nghiệp này qua năm yếu tố – cơ sở, nhận thức, thái độ, phiền não, và kết cuộc. Tuy nhiên, quý vị có thể cô đọng ba yếu tố giữa thành yếu tố thái độ và thêm vào yếu tố thực thi để đưa ra một trình bày cô đọng về các nghiệp dưới bốn yếu tố – cơ sở, thái độ, thực hiện, và tột điểm kết thúc.[8] Một trình bày như vậy sẽ dễ hiểu, và không có gì mâu thuẫn giữa cách trình bày này với chủ ý trong các lời giảng dạy của ngài Vô Trước.

Trong những yếu tố này, cơ sở của sự giết hại là một chúng sinh còn sống. Thêm vào đó, Du-già Sư Địa Luận[9] (skt. Yogā-caryā-bhūmi) đưa thêm vào điều kiện “khác”, như trong “một chúng sinh khác”. Làm như vậy là để xét các trường hợp tự tử, và khi có tội vi phạm nhưng thiếu tột điểm kết thúc.[10]

Xét về ba khía cạnh của thái độ – bao gồm nhận thức, động lực, và phiền não – nhận thức lại có bốn loại

 

(1) việc nhận thức một chúng sinh còn sống (cơ sở) là một chúng sinh còn sống;

(2) việc nhận thức một chúng sinh còn sống không phải là một chúng sinh còn sống;

(3) việc nhận thức cái không phải là một chúng sinh còn sống không phải là một chúng sinh còn sống;

(4) việc nhận thức cái không phải là một chúng sinh còn sống là một chúng sinh còn sống.

 

Nhận thức thứ nhất và thứ ba là nhận thức đúng, trong khi nhận thức hai và bốn sai lầm.

Trong một vài trường hợp, có thể có một động lực rõ rệt. Thí dụ, một người có thể trù tính chỉ giết một người tên là Devadatta[11], và rồi người này giết người. Tuy nhiên, nếu người này lầm Yajñadatta {Hiến Đạt} là Devadatta và giết Yajñadatta, người này không thật sự có tội.[12] Do đó, một hành động giết hại như thế đòi hỏi phải có một nhận thức chính xác. Nếu ở thời điểm thực hiện, kẻ giết người có phát khởi một động lực chung, nghĩ rằng dù chuyện gì xảy ra y cũng sẽ ra tay giết người thì một nhận thức chính xác không còn cần thiết nữa. Nên biết phải có điều kiện như vậy cho bất kỳ chín hành động bất thiện còn lại.

Phiền não là bất cứ món nào trong tam độc[13] và động lực là ý muốn giết hại. [166] Về việc thực hiện, không có khác biệt gì về việc người đó tự mình làm hoặc khiến người khác làm. Bản chất của việc thực hiện là giết hại là bằng khí giới, chất độc, bùa chú, hoặc những thứ tương tự.

Điểm cao kết thúc là cái chết của một chúng sinh khác vì hành động này, hoặc ở thời điểm đó hoặc ở thời điểm khác. Hơn nữa Vi Diệu Pháp Báu Luận nói:[14]

 

Nếu kẻ sát hại chết trước hoặc cùng một lúc với nạn nhân

Không thật sự có sự phạm tội ở đây bởi vì kẻ sát hại đã tiếp tới một đời sống khác.

 

Tôi đồng ý.

 

2. Trộm cướp

Cơ sở của hành động trộm cướp là bất cứ vật gì do người khác sở hữu.

Trong số ba khía cạnh thái độ, nhận thức và phiền não đều giống như trên. Động lực là ý muốn lấy vật đó từ người khác mặc dù người đó không cho.

Về yếu tố thực thi, người thực hiện cũng giống như trên. Bản chất của việc thực hiện trong hành động trộm cướp là cướp bằng võ lực hoặc lấy cắp bằng thủ đoạn gian trá – hai hành động này đều tương đương như nhau. Hơn nữa, nếu người ta sử dụng sự lừa đảo trong các món nợ và các thế chấp tài sản, hoặc lấy cái không được người khác cho bằng các phương tiện lừa dối khác, và nếu họ hành động vì lợi ích của chính bản thân họ hoặc của người khác, hoặc để làm hại người khác – tất cả những việc làm này đều bị coi là trộm cướp.

Về điểm cao kết thúc, Quyết Định Yếu Luận nói,[15] “chuyển vật đó đến một địa điểm khác”. Nhiều trường hợp sẽ không tương hợp với ý nghĩa của đoạn văn này, cho nên chuyển vật đó từ vị trí nguyên thủy tới một vị trí khác chỉ là một thí dụ minh họa. Trong trường hợp như ruộng đồng, không thể nào di chuyển ruộng đồng được, tuy nhiên quý vị vẫn có thể định được điểm cao kết thúc. Vì thế trong trường hợp như vậy, điểm cao kết thúc là khi quý vị nghĩ mình đã thủ đắc vật đó. Hơn nữa, nếu quý vị khiến người khác ăn cướp hoặc ăn trộm, chỉ cần người kia có ý nghĩ đó là cũng đủ rồi. Điều này cũng giống như trường hợp có người bị giết mà quý vị không hề hay biết, nhưng người này bị giết bởi một người do quý vị sai đi. Khi nạn nhân chết, người sai khiến kẻ sát nhân ra tay giết đã thực sự phạm tội.

 

3.Tà dâm

Có bốn cơ sở khả hữu cho tội tà dâm: người mà quý vị không được giao hợp, những chỗ không thích hợp trên thân thể, những nơi chốn không thích hợp, và những lúc không thích hợp. Đối với đàn ông, những người mà chúng ta không được giao hợp là tất cả đàn ông khác và những người bị thiến. Quyết Định Yếu Luận đề cập tới trường hợp thứ nhất:[16] [167]

 

Những người được nói tới trong kinh - chẳng hạn như mẹ của quý vị và những người được các bà mẹ bảo vệ – là “những người quý vị không được giao hợp”.

 

Ý nghĩa của câu này được học giả Mã Minh {skt. Aśvaghoṣa} giải thích: [17]

 

“Những người ngươi không được giao phối”

Là những người được người khác giữ gìn, người có mang biểu hiệu tôn giáo,

Những người được sự bảo vệ của gia đình hoặc nhà vua,

Một gái bán dâm đã được người khác trả tiền,

Và những người có quan hệ thân tộc –

Đây là những người ngươi không được giao phối.

 

“Những người được người khác giữ gìn” là vợ của người khác. “Những người có mang biểu hiệu tôn giáo” là những phụ nữ từ bỏ cuộc sống thế tục. “Những người được gia đình bảo vệ” là người chưa lấy chồng và được bảo vệ bởi người thân chẳng hạn như cha, người được cha chồng hoặc mẹ chồng bảo vệ, người được một người canh giữ bảo vệ, hoặc những người – trong trường hợp không có những người kể trên – tự bảo vệ mình. “Những người được nhà vua” hoặc người đại diện của nhà vua bảo vệ là những người bị luật pháp trừng phạt. Câu giải thích rằng giao hợp với một gái bán dâm mà người khác đã bỏ tiền là phạm tà dâm cho thấy không có sự phạm giới trong việc tự mình thuê gái bán dâm. Đại Trưởng Lão cũng dạy tương tự như vậy.

“Đàn ông”, mục thứ hai trong danh sách những người chúng ta không được giao hợp, chỉ chính bản thân mình và những người đàn ông khác.

Những chỗ không thích hợp trên thân thể là những chỗ trên thân thể không phải là âm đạo. Đạo sư Mã Minh nói:

 

Những gì là những chỗ không thích hợp trên thân thể?

Miệng, hậu môn, bụng chân hoặc

Đùi khép lại, và bàn tay hoạt động.

 

Điều này phù hợp với lời giảng của Đại Trưởng Lão:[18]

 

“Những chỗ không thích hợp trên thân thể” là miệng, hậu môn, lỗ trước hoặc lỗ sau của con trai hoặc con gái, và bàn tay của chính mình.

 

Những nơi chốn không thích hợp thí dụ như những chỗ ở gần vị thầy của mình; chỗ có bảo tháp; trước mặt nhiều người; và những chỗ không bằng phẳng hoặc thô cứng có hại cho người mà chúng ta giao hợp. Đạo sư Mã-Minh nói:[19]

 

Trong trường hợp này, những nơi chốn không thích hợp

Là những nơi giảng dạy giáo pháp siêu việt,

Bảo tháp, hình tượng, và những thứ tương tự, và các bậc Bồ-tát;

Và ở gần một vị phương trượng, giáo thọ, hoặc cha mẹ mình.

Đừng giao hợp ở những nơi chốn không thích hợp này. [168]

 

Đại Trưởng Lão cũng dạy như vậy.

 

Những lúc không thích hợp là khi người phụ nữ đang có kinh, đang ở cuối thai kỳ, khi có con nhỏ đang bú, khi đang giữ giới một ngày, và khi đang bị bệnh khiến cho việc giao hợp không thích hợp. Giao hợp cũng không thích hợp khi vượt quá số lần thích đáng. Số lần thích đáng là giao hợp cho tới tối đa là năm lần một đêm. Đạo sư Mã-Minh nói:[20]

 

Trong trường hợp đó, những lúc không thích hợp là khi

Người phụ nữ có kinh, mang thai,

Có con nhỏ, không muốn làm việc này,

Bị đau đớn hoặc không vui và những thứ tương tự,

Hoặc đang giữ giới bát quan trai một ngày.

 

Đại Trưởng Lão cũng giải thích tương tự như ngài Mã-Minh với điểm khác biệt là ban ngày cũng không phải là lúc thích hợp.

Cho rằng ba cơ sở – giao hợp ở chỗ không thích hợp trên thân thể, ở một nơi chốn không thích hợp, hoặc vào lúc không thích hợp – khiến thành phạm giới tà dâm ngay cả với vợ của mình, chắc chắn cũng phạm giới tà dâm khi vi phạm những điều này với người khác.

Về ba khía cạnh của các yếu tố thái độ – nhận thức, động lực, và phiền não – nhận thức được bàn tới trong Quyết Định Yếu Luận và các bản văn nói về giới luật. Quyết Định Yếu Luận[21] nói rằng “nhận thức cái này là điều nọ” cần phải chính xác. Tuy nhiên, đức Phật nói trong luật tạng rằng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thiếu trinh tiết trong sạch, cho dù nhận thức sai hoặc đúng vẫn bị coi là vi phạm.

 

Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích[22] giải thích nếu quý vị tới gần vợ người khác với nhận thức rằng người phụ nữ này là vợ của mình, khi đó việc này không trở thành một nghiệp đạo thật sự bất thiện. Ngài Thế Thân trình bày hai hệ thống liên quan đến việc giao hợp khi nhận thức vợ của người khác là vợ của một người thứ ba – có trường hợp trong đó giao hợp là nghiệp đạo bất thiện và có trường hợp không phải là nghiệp đạo bất thiện.

Phiền não là bất cứ món nào trong tam độc. Động lực là khát khao được giao hợp do tính dâm dật. Về mặt thực hiện, Quyết Định Yếu Luận[23] nói rằng ngay cả trong trường hợp khiến người khác phạm phải tà dâm, người xúi bẩy một hành động như thế cũng phạm tà dâm. Tuy nhiên, Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích[24] giải thích một sự xúi bẩy như vậy không thật sự tạo thành một nghiệp. Quý vị nên xét xem có phải lời giải thích của ngài Vô Trước có thể mang ý rằng một sự xúi bẩy như vậy là một lầm lỗi mà không phải thật sự là một nghiệp đạo.

Điểm cao kết thúc là sự kết hợp tình dục của hai bộ phận.

 

4.Nói dối [169]

Tám cơ sở của việc nói dối là nhìn thấy, nghe thấy, phân biệt, nhận thức, và bốn trái ngược của những điều này [cái không nhìn thấy, v.v...]. Nói dối xảy ra khi người khác – người nhận điều nói dối – hiểu ý nghĩa của lời nói dối.

Về ba khía cạnh của loại thái độ – nhận thức, phiền não và động lực – nhận thức bao gồm việc trình bày sai lạc một nhận thức, chẳng hạn như trình bày sai lạc rằng quý vị nhìn thấy một điều mà quý vị đã không nhìn thấy, hoặc trình bày sai lạc rằng quý vị không nhìn thấy một điều mà quý vị đã nhìn thấy. Phiền não là tam độc. Động lực là ý muốn trình bày sai lạc nhận thức của mình.

Thực hiện là cho biết điều gì qua lời nói, qua việc chọn không nói, hoặc qua động tác. Hơn nữa, về khía cạnh mục đích, người ta nói không có gì khác biệt giữa việc quý vị nói vì mục đích của mình hoặc vì mục đích của người khác. Trong trường hợp này, người ta cho rằng ngay cả khiến người khác phạm phải ba thứ khẩu nghiệp – nói dối, nói lời chia rẽ và nói lời xúc phạm – cũng giống y như quý vị tự mình nói những lời đó. Vi Diệu Pháp Tự Thích[25] của ngài Thế Thân giải thích rằng cả bốn loại bất thiện hạnh về lời nói đều tạo thành nghiệp đạo khi quý vị khiến người khác phạm phải. Luật tạng nói rằng chính quý vị phải nói những lời đó thì quý vị mới hoàn toàn bị phạm giới.

Điểm cao kết thúc của việc nói dối là khi người khác hiểu lời nói của mình. Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích giải thích rằng nếu không ai hiểu lời nói của mình, thì nói những lời này chỉ phạm phải nghiệp nói lời vô nghĩa. Về khía cạnh này, nói lời chia rẽ và nói lời xúc phạm cũng được giải thích tương tự như vậy.

 

5. Nói lời chia rẽ

Cơ sở của nói lời chia rẽ là các chúng sinh thuận hảo hoặc không thuận hảo. Trong ba khía cạnh của loại thái độ, nhận thức và phiền não giống như đã bàn ở trên. Động lực là ý muốn những chúng sinh thuận hảo phải xa lìa nhau hoặc ý muốn những chúng sinh không thuận hảo giữ nguyên tình trạng như vậy.

Thực hiện là việc diễn tả đề tài có thể vui thú hoặc không vui thú, và có thể đúng hoặc sai. Quý vị có thể vì mục đích của mình hoặc của người khác mà nói về những chuyện này.

Điểm cao kết thúc là khi người khác hiểu những lời chia rẽ đã được nói ra. Quyết Định Yếu Luận nói[26] “Kết cuộc của nghiệp đạo này là khi những người quý vị muốn chia rẽ hiểu những lời chia rẽ đó”.

 

6.Nói lời xúc phạm

Cơ sở của nói lời xúc phạm là một chúng sinh mà nơi người đó quý vị có thể gây ra sự thù địch. Trong ba khía cạnh của loại thái độ, nhận thức và phiền não giống như đã bàn ở trên. Động lực là ý muốn nói xúc phạm. [170]

Sự thực thi là khi nói một điều khó chịu, điều này có thể đúng hoặc sai, về những thiếu sót thuộc dòng giống gia đình, thân thể, đạo đức, hoặc cách cư xử của một người nào đó.

Về điểm cao kết thúc, Quyết Định Yếu Luận nói,[27] “Kết cuộc là nói xúc phạm tới người đó”. Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích giải thích ý nghĩa của điều này là người mà ta nói lời xúc phạm phải hiểu lời nói đó.

 

7.Nói lời vô nghĩa

Cơ sở của nói lời vô nghĩa là nói về một đề tài không có ý nghĩa gì. Trong ba khía cạnh của loại thái độ, nhận thức được trình bày như sau. Mặc dù ngài Vô Trước không nói gì hơn là “nhận thức điều đó là điều đó”, ở đây nói lời vô nghĩa có nghĩa là chính quý vị nhận thức được đề tài quý vị muốn nói và nói ra. Nó không bao gồm việc phải có một người khác hiểu điều đó.

Phiền não là bất cứ món nào trong tam độc. Động lực là ý muốn nói những lời tùy tiện, không liên quan gì với nhau. Thực hiện là nói ra những lời vô nghĩa. Điểm cao kết thúc là khi đã thốt ra xong lời nói vô nghĩa.

Hơn nữa, nói lời vô nghĩa có bảy cơ sở:

 

(1) nói về đánh nhau, bắt lỗi, tranh chấp, và chia rẽ;

(2) nói những điều chẳng hạn như truyền đạt và đọc tụng các văn bản với tâm ý vui thích nơi các luận giải của ngoại đạo hoặc chú thừa Bà-la-môn;

(3) những diễn tả đầy tính cách bất lực, chẳng hạn như than khóc;

(4) nói về sự cười đùa, vui chơi, giải trí, hoặc hưởng thụ;

(5) nói về các tin tức khích động, chẳng hạn những tin tức về vua quan, quốc gia và kẻ trộm;

(6) nói như người say rượu hoặc người điên;

(7) lời nói của người sinh sống bằng phương cách sai lầm.

 

Những lời nói rời rạc, không tôn trọng tín ngưỡng, vô nghĩa là những lời lộn xộn, biểu hiện tâm phiền não, hoặc được thốt ra trong khi cười đùa, ca hát, hoặc xem các diễn viên trình diễn và tương tự.

Có hai hệ thống giải thích ba lỗi lầm đầu tiên ở trên về lời nói – một hệ thống khẳng định chúng là lời nói vô nghĩa và hệ thống kia cho rằng chúng không phải là lời nói vô nghĩa. Những điều tôi nói ở đây ăn khớp với hệ thống giải thích thứ nhất.

 

8.Tham lam

Cơ sở của tham lam là của cải hoặc vật sở hữu của người khác. Trong ba khía cạnh của thái độ, nhận thức tức là việc nhận biết được cơ sở là gì. [171] Phiền não là bất cứ món nào trong tam độc. Động lực là ý muốn khiến cho của cải hoặc tài sản đó trở thành của mình. Thực hiện là nỗ lực để đạt tới mục đích dự tính. Điểm cao kết thúc là suy nghĩ “Xin cho vật đó trở thành của tôi”, về của cải và những thứ tương tự. Vô Trước mô tả điều này là “quyết tâm khiến vật đó trở thành của quý vị”. Để điều này trở thành tham lam toàn diện, năm tính chất cần phải có là:

 

(1) có tâm cực kỳ tham luyến các của cải của mình;

(2) có tâm tham luyến muốn tích lũy của cải;

(3) có tâm khao khát vì đã hiểu hoặc trải nghiệm những thứ tốt lành của người khác – của cải của họ, v.v...;

(4) có tâm ganh tị, nghĩ rằng bất cứ những gì của người khác phải là của mình;

(5) có tâm, vì tham lam, bị khống chế bởi tính không biết xấu hổ và tình trạng quên mất quyết tâm phải thoát khỏi những lỗi lầm của tham lam.

Nếu bất kỳ tâm nào trong năm tâm trên không hiện hữu, quý vị không thật sự phạm phải tham lam. Du-già Sư Địa Luận nói rằng cần áp dụng năm tâm này cho tất cả mười điều bất thiện.

Về cách thức để một hành động cấu thành đặc tính tham lam không toàn diện, đó là thứ tham lam khi quý vị khởi tâm đối với những ham muốn sau đây:

 

(1) nghĩ: “Ồ, thật là thú vị biết bao nếu người chủ của nhà này là người tôi tớ của ta và sự việc sẽ xảy ra như ý ta muốn”;

(2) cùng một ý nghĩ như trên về vợ con và v.v. của người khác cùng những món sở hữu vật chất của họ chẳng hạn như thức ăn, v.v...;

(3) nghĩ: “Ồ, thật là thú vị biết bao nếu những người khác biết mình có những phẩm hạnh tốt lành như tâm không say đắm, kín đáo, kiên nhẫn, thông thái, và rộng lượng”;

(4) nghĩ: “Thật là thú vị biết bao nếu như các vua quan và tứ chúng của đức Phật[28] kính trọng tôi và nếu như có được những thứ cần thiết như thức ăn và quần áo”;

(5) phát khởi ham muốn, nghĩ: “Ồ, xin cho tôi trong tương lai được tái sinh làm thần linh và hưởng thụ ngũ dục[29] của thần linh, và xin cho tôi được tái sinh từ thế giới của những hung thần và thần Visnu, để làm một vị thần trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại [cõi cao nhất trong sáu cõi trời của dục giới]”; [172]

(6) phát khởi ham muốn vật sở hữu của cha mẹ, con cái, tôi tớ và những người tương tự, hoặc vật sở hữu của người bạn cùng tu.

 

9. Ác ý

Cơ sở, nhận thức, và phiền não cũng giống như trường hợp nói lời xúc phạm. Động lực là ý muốn làm những việc như đánh người khác, nghĩ những điều như: “Thật là thích biết bao nếu những người này bị giết chết, bị buộc trói, hoặc của cải của họ bị tiêu ma vì biến cố tự nhiên hoặc do người khác gây ra”.

Thực hiện là suy nghĩ điều như vậy. Điểm cao kết thúc là quyết tâm hoặc quyết định làm những việc như đánh đập. Hơn nữa, nghiệp này sẽ trọn vẹn nếu có sự hiện diện của năm thái độ sau đây, và không trọn vẹn nếu chúng không hiện diện. Năm thái độ là:

 

(1) thái độ thù nghịch thúc đẩy bởi một hiểu biết cụ thể về đặc tính của các nguyên nhân gây hại và những sự kiện liên hệ vơi chúng;

(2) thái độ nôn nóng qua việc thiếu kiên nhẫn đối với người làm hại mình;

(3) thái độ bực tức do thường hay chú tâm không chính đáng tới các nguyên nhân của sự tức giận của mình và do tưởng nhớ tới các nguyên nhân này;

(4) thái độ ganh tị, nghĩ rằng: “Thật thú vị biết mấy nếu kẻ thù của ta bị đánh đập hoặc bị giết chết”;

(5) thái độ bị khống chế bởi tâm không biết xấu hổ về ác ý của mình và quên lãng mất quyết tâm muốn thoát khỏi những lỗi lầm của thái độ này.

 

Những thái độ của tâm ác ý đơn giản được trình bày như sau. Tới mức mà quý vị suy nghĩ: “Người này đã hoặc đang hại ta”, và nghĩ về cách để gây tổn thương cho bất kỳ ai đã hoặc đang hại mình – tất cả những điều này là ác ý. Những thí dụ khác về ác ý đơn giản là ước muốn sao cho họ hàng, tiền của, hoặc phước đức, v.v… của người nào đó bị suy tàn trong đời này và ước muốn người nào đó sẽ phải sinh trong một cảnh giới khổ não trong đời tương lai.

 

10. Tà kiến

Cơ sở của tà kiến là những đối tượng hiện hữu. Về ba khía cạnh của thái độ, sự nhận thức là việc nhìn nhận một phủ nhận vốn sai lầm về sự tồn tại của một đối tượng đang hiện hữu thì lại cho phủ nhận đó là đúng. Phiền não là bất kỳ món nào trong tam độc. Động lực là ý muốn phủ nhận sự tồn tại của một đối tượng đang hiện hữu.

Thực hiện là khởi phát ra thái độ đó. [173] Hơn nữa, thực hiện ở đây có bốn loại: phủ nhận sai lầm về nguyên nhân, hậu quả, hoạt động và các thực thể hiện hữu. Phủ nhận sai lầm về nguyên nhân là việc suy nghĩ rằng hành vi đúng hoặc sai không tồn tại, v.v... Phủ nhận sai lầm về hậu quả là suy nghĩ rằng không có kết quả thành hình của những cách xử sự đó.

Phủ nhận sai lầm về hoạt động gồm có ba loại:

 

(1) Phủ nhận sai lầm về hoạt động gieo trồng và duy trì hạt giống là suy nghĩ rằng không có những người cha và mẹ.

(2) Phủ nhận sai lầm về hoạt động đi và đến là suy nghĩ rằng không có các đời trước và đời sau.

(3) Phủ nhận sai lầm về hoạt động sinh sản là suy nghĩ rằng chúng sinh không thể có hóa sinh.[30]

 

Loại thứ tư về thực thi tà kiến, phủ nhận sai lầm về các thực thể hiện hữu, là suy nghĩ rằng các bậc A-la-hán và tương tự không hiện hữu.

Tột điểm kết thúc là sự tin chắc rằng quý vị đã phủ nhận một điều gì đó. Một tà kiến toàn diện có liên quan đến năm thái độ sau đây:

 

(1) một thái độ bấn loạn do không hiểu biết đúng các đối tượng tri thức;

(2) một thái độ thô bạo vì thích thú những điều tội lỗi;

(3) một thái độ liên tục vận hành trong chiều hướng sai lầm bởi vì suy gẫm những lời giảng dạy không chính đáng;

(4) một thái độ bị tổn hại do một phủ nhận sai lầm nghĩ rằng những thứ như quà tặng, các món cúng dường trong nghi lễ tôn giáo, các phẩm vật đốt để cúng dường, và hành vi đúng thì không hiện hữu;

(5) một thái độ bị khống chế, do những tà kiến này, bởi tâm không biết xấu hổ và quên lãng mất quyết tâm muốn thoát khỏi những lỗi lầm của thái độ này.

 

Nếu năm thái độ này không hiện hữu, tà kiến sẽ không toàn diện.

Mặc dù điều chắc chắn là còn có những tà kiến khác, chỉ có điều này được gọi là “tà kiến” bởi vì nó là tà kiến lớn nhất trong tất cả mọi tà kiến và chính qua nó mà quý vị cắt đứt tất cả các thiện căn của mình. Hơn nữa, chính tà kiến này dẫn tới việc quý vị làm mọi điều tội lỗi mà mình muốn.

Về mười điều bất thiện này, quý vị có thể giết hại, nói lời xúc phạm, và khởi ác ý với động lực là bất kỳ món nào trong tam độc, nhưng quý vị đạt tới điểm cao kết thúc với tâm thù nghịch. Quý vị có thể trộm cắp, tà dâm, và tham lam với động lực là bất kỳ món nào trong tam độc, nhưng quý vị đạt tới điểm cao kết thúc chỉ với tâm tham luyến mà thôi. Về nói dối, nói lời chia rẽ và nói lời vô nghĩa, quý vị có thể vừa phạm nghiệp vừa đạt tới điểm cao kết thúc với bất kỳ món nào trong tam độc. Quý vị có thể phạm phải tà kiến với bất kỳ món nào trong tam độc, nhưng quý vị đạt tới đỉnh cao kết thúc chỉ với mê lầm mà thôi. [174]

Trong số mười nghiệp bất thiện này, chủ ý là nghiệp (skt. Karma), tuy nhiên chúng chưa phải là nghiệp đạo (skt. Karma-patha). Bảy hành động bất thiện của thân và khẩu không những là hành động mà còn là nghiệp đạo bởi vì thân và khẩu là cơ sở của hoạt động tác ý. Ba điều bất thiện của ý – tham lam, v.v. – là các nghiệp đạo chứ không phải là hành động.

 

(ii) Phân biệt độ nặng nhẹ

Phân biệt độ nặng được giải thích dưới hai mục:

1. Các độ nặng của mười nghiệp đạo bất thiện

2. Các tiêu chuẩn cho hành động mãnh liệt

 

(a’) Các độ nặng của mười nghiệp đạo bất thiện

Có năm nguyên nhân khiến cho một hành động trở thành nặng. Hãy lấy hành động giết hại làm thí dụ thì năm nguyên nhân đó sẽ được trình bày như sau. Hành động giết hại trở thành nặng do thái độ là những hành động được thực hiện với tam độc ở dạng cao độ.

 

Giết hại trở thành nặng do thực hiện gồm có:

 

(1) giết với tâm hoan hỷ hoặc vui vẻ về việc đã giết một sinh mạng, đang giết một sinh mạng, hoặc sẽ giết một sinh mạng trong tương lai;

(2) tự mình thực hiện hành động, khiến người khác đảm nhận, và ca ngợi việc làm này;

(3) làm với tâm vui thích khi việc làm này được người khác nhìn thấy, và làm việc đó sau một thời gian dài suy tính và chuẩn bị;

(4) thường xuyên và cần mẫn thực hiện , và mỗi lần giết rất nhiều;

(5) giết nạn nhân bằng hành hạ tra tấn;

(6) giết sau khi khiến cho nạn nhân sợ hãi mà phải làm những hành động không chính đáng;

(7) giết trong khi nạn nhân yếu ớt, đau khổ, hoặc bị mất hết của cải, hoặc khi nạn nhân than khóc, hoặc thảm thương lặp lại những lời than van.

 

Giết hại trở thành nặng vì sự vắng mặt một thực hành đối trị với điều đã làm:

 

(1) khi không thọ giới hàng ngày;

(2) khi không làm những việc như giữ giới một ngày vào ngày mới có trăng, vào ngày mùng tám, mười bốn, hoặc ngày rằm trong tháng; khi không thỉnh thoảng bố thí, tích lũy công đức, nói về giáo pháp, cung kính đảnh lễ, đứng dậy khi một người đáng kính bước vào, chắp hai tay cung kính, hoặc có thái độ tôn kính;

(3) khi không biết thỉnh thoảng xấu hổ với người, thẹn với mình, hoặc không trỗi dậy tâm ăn năn hối hận;

(4) khi chưa đạt tới tình trạng thoát ly khỏi tham luyến thế gian hoặc một hiểu biết rõ rệt về giáo pháp.

 

Giết hại trở thành nặng vì chấp trước vào điều hư vọng là giết hại được thực hiện dựa vào bất kỳ tà kiến nào. [175] Thí dụ, có kẻ giết hại vì ham muốn có tính tôn giáo, dựa vào kiến chấp của những người sát hại sinh vật để tế tự. Họ nghĩ rằng không có lầm lỗi gì trong việc giết hại gia súc bởi vì đấng Chúa Tể Muôn Loài sinh chúng ra để cho quý vị sử dụng.

Giết hại trở thành nặng vì cơ sở của hành động giết là lấy sinh mạng của một con vật lớn, của người, một thai nhi, cha mẹ mình, cô cậu chú bác mình, một người như đạo sư, người bạn thân, một nhà thiện tri thức, một vị Bồ-tát, bậc A-la-hán, hoặc Bích-chi Phật. Cũng vậy, giết hại trở thành nặng vì cơ sở của việc giết là khi quý vị biết rằng không thể giết một đức Như-lai mà quý vị lại làm cho thân Phật chảy máu với chủ ý làm hại.

Giết hại được coi là nhẹ khi điều đó được tiến hành có những đối nghịch với năm nguyên nhân này. Quý vị nên hiểu rằng sự gia trọng của chín hành động bất thiện còn lại cũng tương tự như trường hợp giết hại, ngoại trừ các cơ sở của hành động được trình bày sau đây. Trộm cướp sẽ nặng thêm vì cơ sở của hành động này nếu nó liên quan đến việc lấy rất nhiều, hoặc lấy những vật tốt; hoặc trộm cướp sau khi đã lừa dối người tín nhiệm mình; hoặc lấy của người thấp kém, người nghèo khó, người từ bỏ thế gian, hoặc những người tu hành Phật giáo khác; hoặc can dự vào việc lấy cắp vật có giá trị cao; hoặc trộm cướp của cải của những thiện tri thức, bậc A-la-hán, Bích-chi Phật, tăng chúng, hoặc các bảo tháp.

Tà dâm sẽ nặng thêm vì cơ sở của hành động này là ngủ với những người mà quý vị không được giao hợp – mẹ mình, những người là bà con của mẹ mình, vợ của những người là bạn thân của mình; ni cô, ni cô tập sự, hoặc sa-di ni. Về những bộ phận không thích hợp trên thân thể, tà dâm bị nặng thêm vì cơ sở của hành động này là giao hợp bằng miệng. Về thời điểm không thích hợp, đó là giao hợp với người đang giữ giới một ngày, phụ nữ có thai ở cuối thai kỳ, hoặc người bị bệnh. Về nơi chốn không thích hợp, đó là giao hợp gần nơi có bảo tháp hoặc trong khuôn viên chỗ ở của tăng ni.

Nói dối sẽ nặng thêm khi cơ sở của hành động này là ý muốn đánh lừa và dối gạt, nói dối với nhiều mục đích; nói dối với người đã giúp mình – từ cha mẹ cho tới Đức Phật, người tốt và bạn bè; và nói dối dẫn tới một hoặc nhiều hành động trong số ba hành động nghiêm trọng – sát sinh, trộm cướp và tà dâm. Nói dối để chia rẽ tăng già là tội nặng nhất trong tất cả các tội nói dối. [176]

Nói lời chia rẽ sẽ nặng thêm vì cơ sở của hành động này là lời nói làm chia rẽ những người đã từng là bạn bè với nhau trong một thời gian lâu dài, thầy cô giáo, cha mẹ, cha mẹ và con cái, hoặc tăng chúng; và lời nói chia rẽ dẫn tới khởi lên các hành động nghiêm trọng – tức ba hành vi của thân {sát sinh, tà dâm, trộm cướp}.

Nói lời xúc phạm sẽ nặng thêm khi cơ sở của hành động này là nói những lời xúc phạm với cha mẹ hoặc những người cùng vai vế với cha mẹ, hoặc với những người như vị thầy dạy đạo; nói xúc phạm dùng những lời nói dối không đúng và không chính xác; hoặc trực tiếp la mắng, chỉ trích, hoặc khiển trách.

Nói lời vô nghĩa sẽ nặng thêm khi cơ sở của hành động này được trình bày như sau. Độ gia trọng của lời nói vô nghĩa của ba hành động bất thiện còn lại về miệng – nói dối, v.v. - giống như đã được trình bày ở trên. Những hành động khác của nói lời vô nghĩa sẽ nặng thêm khi cơ sở của hành động này gồm có nói lời vô nghĩa dựa vào việc đánh nhau, bắt lỗi, tranh chấp, và chia rẽ; những hành động như đọc kinh văn ngoại đạo với một thái độ chấp thủ; và chế nhạo, mắng nhiếc, hoặc nói một cách không thích đáng với cha mẹ, người thân, và với người như bậc đạo sư.

Tham lam sẽ nặng thêm khi cơ sở của tâm này gồm có ước muốn những vật cúng dường dâng lên tăng-già và bảo tháp; và kiêu ngạo về những phẩm chất tốt lành của chính mình, ước ao nhận được lợi lộc và những phục vụ cho sự hiểu biết của mình từ vua chúa hoặc những người quyền thế tương tự như vậy hoặc từ những người bạn đồng tu thiện tri thức.

Ác ý sẽ nặng thêm khi cơ sở của tâm này gồm có ác ý nhắm vào cha mẹ, người thân, thầy dạy đạo, những người không có lầm lỗi, người nghèo khó, người khổ sở, người đáng thương hại, và người đã làm điều sai trái với quý vị nhưng sâu xa từ trong tâm đã hối lỗi điều này với quý vị.

Tà kiến sẽ nặng thêm khi cơ sở của các kiến chấp này là sự bác bỏ tất cả mọi luận thuyết tôn giáo cơ bản (điều này còn nặng hơn các tà kiến khác) và kiến chấp cho rằng trên thế gian này chẳng có bậc A-la-hán, những người đã đạt tới chân thực tại, cũng chẳng có người đã thể nhập vào chân thực tại. Nên hiểu rằng những tà kiến trái ngược với những điều này là những tà kiến nhẹ.

Du-già Sư Địa Luận đề cập tới sáu cách theo đó các nghiệp sẽ trở thành nặng:[31]

 

(1) tính điều kiện – các hành động bị thúc đẩy bởi các dạng cao độ của tam độc hoặc không có các dạng này;

(2) huân tập – thường làm hoặc trở thành quen thuộc và dính líu sâu xa tới các hành động thiện hoặc bất thiện trong một thời gian lâu dài; [177]

(3) bản chất – trong số ba hành động về thân và bốn hành động về miệng, những hành động đi trước nặng hơn các hành động theo sau; và trong số ba hành động về ý, hành động đi sau thì nặng hơn các hành động đi trước;

(4) cơ sở – những hành động giúp ích hoặc làm hại những đối tượng như Đức Phật, giáo pháp, tăng-già, và đạo sư;

(5) Gắn bó chặt chẽ với các yếu tố không tương hợp – trong suốt cuộc đời mình chỉ đi theo những hành động bất thiện và không vun trồng một hành động thiện nào cho dù chỉ một lần;

(6) diệt trừ các yếu tố không thuận lợi – đã đoạn trừ nhóm bất thiện, quý vị đã thoát ly khỏi tham luyến và vun trồng các hành động thiện.

Bằng Hữu Thư nói:[32]

 

Năm loại hành động thiện và bất thiện

Phát khởi từ sự bền bỉ, ám ảnh và thiếu cách đối trị,

Và các nền tảng chính yếu của thiện hạnh

Thì đồ sộ; trong số đó, hãy nỗ lực vun trồng thiện đức.

 

Nghĩa là có năm loại bởi vì “những nền tảng chính yếu của thiện hạnh” được chia thành những nền tảng sở hữu thiện hạnh – chẳng hạn như Tam Bảo – và những nền tảng cung cấp sự giúp đỡ, chẳng hạn như cha mẹ mình.

 

(b’) Yếu lược về những tiêu chuẩn của các hành động mãnh liệt

Sức mạnh của hành động được giải thích dưới bốn khía cạnh: người nhận, yểm trợ, các đối tượng, và thái độ.

 

(1’) Sức mạnh về phía người nhận

Có sức mạnh trong các hành động hướng tới Tam Bảo, đạo sư, những người giống như các đạo sư, cha mẹ, và những người tương tự như vậy, bởi vì mặc dù quý vị hướng những ý nghĩ không mãnh liệt vào những đối tượng này và làm hại hoặc giúp ích ít thôi, hành động sai trái và công đức đi theo sẽ lớn lao. Hơn nữa, Diệu Pháp Chánh Niệm nói:[33]

 

Ngay cả ngươi lấy một vật nhỏ của Đức Phật, Giáo pháp, hoặc Tăng-già, lỗi lầm đó sẽ lớn lao. Tuy nhiên, nếu ngươi cúng một vật tương tự nhưng lớn tốt hơn vật ngươi đã lấy cắp của Đức Phật và Giáo pháp, ngươi sẽ giải được nghiệp ăn cắp từ Đức Phật và Giáo pháp. Tuy nhiên, không thể giải được nghiệp ăn cắp từ Tăng già mà không phải nhận lãnh quả báo, đó là bởi vì độ gia trọng của người nhận lãnh hành động.

Nếu ngươi đánh cắp vật gì là phương tiện sinh tồn của Tăng-già, ngươi sẽ tái sinh ở đại địa ngục. [178] Nếu ngươi ăn cắp vật không phải là phương tiện sinh tồn của Tăng-già, ngươi sẽ tái sinh trong phạm vi vùng đó, trong một địa ngục bao quanh Địa Ngục Vô Gián[34] chẳng hạn như Điạ Ngục Lớn Tối Đen.

 

Đặc biệt là những người chẳng màng gì đến giới luật mà lại dùng của cải của Tăng-già – dù chỉ một lá cây, bông hoa, hoặc một miếng trái cây – họ sẽ bị tái sinh xuống đại địa ngục. Sau một thời gian dài họ mới thoát khỏi địa ngục này, nhưng sẽ bị tái sinh làm con vật không chân không tay ở chốn hoang vu, khô khan và trơ trụi, hoặc làm loài ma đói mù mắt không chân không tay. Sau đó họ phải trải qua những khổ não này trong nhiều năm.

Hơn nữa, Đức Phật nói rằng quý vị không thể ngay cả dùng những thứ như một bông hoa đã được dâng lên tăng đoàn hoặc một vị tăng. Thêm vào đó, quý vị không được đem vật đó cho người cư sĩ, và người cư sĩ dùng vật đó cũng là điều không thích hợp. Cũng thế, hành động sai trái này là một hành động sai trái lớn. Nhật Tạng Kinh nói:[35]

 

Đừng đem cho người tại gia

Những thứ đã được dâng lên Tăng chúng –

Thà chặt đứt tay chân mình bằng dao cạo sắc bén

Còn tốt hơn là đem cho như vậy.

 

Những người bên ngoài Tăng đoàn

Không được dùng đồ vật lấy từ bên trong Tăng đoàn –

Thà ăn một cục sắt giống như một ngọn lửa rực cháy

Còn tốt hơn là làm như vậy.

 

Những người là cư sĩ

Không được dùng đồ vật của Tăng đoàn –

Thà ăn lửa lớn như núi Tu-di

Còn tốt hơn là làm như vậy.

 

Những người là cư sĩ

Không được dùng đồ vật của Tăng đoàn –

Thà bị mổ bụng và treo lên cọc nhọn

Còn tốt hơn là làm như vậy.

 

Người cư sĩ không được ngủ qua đêm

Tại chỗ ở của Tăng đoàn –

Thà vào trong nhà đầy những than cháy đỏ

Còn tốt hơn là làm như vậy.

 

Trong Tăng đoàn, các vị Bồ-tát là người nhận có năng lực mãnh liệt đối với những hành động thiện hoặc bất thiện. Tín Lực Tu Hành Thủ Ấn Kinh (Śraddhā-balādhānavatāra-mudrā-sūtra)[36] nói rằng người nào nổi giận quay lưng lại với bậc Bồ-tát, nói “Ta sẽ không thèm ngó mặt con người xấu ác này”, sẽ phạm phải một tội nặng hơn đến mức không thể đo lường được so với tội vì nổi giận mà đem giam cầm tất cả chúng sinh trong mười phương vào ngục tối. [179] Hơn nữa, kinh này cũng nói[37] nếu có chúng sinh nào khinh thường một vị Bồ-tát, người này phạm phải một tội nặng hơn đến mức không thể đo lường được so với tội ăn cắp tất cả vật sở hữu của tất cả chúng sinh trong Nam Thiệm Bộ Châu[38]. Lại nữa, kinh này nói nếu có người khởi ác ý hoặc nổi giận đối với một vị Bồ-tát, người này vui theo đại thừa mà nói lời khó chịu với vị Bồ-tát đó, tội này sẽ nặng hơn đến mức không thể đo lường được so với tội phá hủy hoặc đốt cháy số bảo tháp nhiều bằng số cát sông Hằng.

Hơn nữa, Nhập Định Bất Định Thủ Ấn Hành Kinh (Niyatāniyata-mudrāvatāra-sūtra) nói[39] về một người với niềm tin nhìn một vị Bồ-tát (người vui theo đại thừa) và người, muốn nhìn một vị Bồ-tát như thế với niềm tin trong sáng, nói lời tán thán vị Bồ-tát này. Người này sẽ tích lũy được công đức lớn hơn đến mức không thể đo lường được so với người vì nhân từ đem mắt bố thí cho tất cả chúng sinh trong mười phương sau khi các chúng sinh này đã bị mất mắt, và giải thoát họ khỏi tù ngục, đem họ an trú trong phúc lạc của vị Chuyển Luân Vương[40] hoặc của Trời Phạm-thiên.

Lại nữa, Tịch Chiếu Thần Biến Định Kinh (Praśānta-viniśaya-prātihārya-samādhi-sūtra)[41] nói về người chỉ làm một điều nhỏ nhặt như ngăn chặn hành động thiện lành của một Bồ-tát khi bố thí một nắm thức ăn cho một con vật thôi; người này phạm phải một tội lớn hơn tới mức không thể đo lường được so với người giết tất cả mọi chúng sinh ở Nam Thiêm Bộ Châu, hoặc lấy trộm tất cả các vật sở hữu của họ. Do đó, quý vị hãy coi đây là một vấn đề nghiêm trọng.

 

(2’) Sức mạnh về mặt yểm trợ

Ngay cả một cục sắt nhỏ cũng chìm xuống đáy nước, nhưng cùng một chất sắt này làm thành một chiếc tàu, ngay cả chiếc tàu lớn, sắt sẽ nổi trên mặt nước. Cũng như thế, đức Phật nói, các tội lỗi do người không có tri thức và người có trí phạm phải cũng nặng nhẹ khác nhau. Kinh Đại Bát-niết-bàn đưa ra lý do như sau: [42]

 

Giống như con ruồi bị dính vào cứt mũi không thể tự nó thoát đi, cũng vậy người ngu dốt không thể tự mình thoát ly khỏi ngay cả những khuyết điểm nhỏ. Hơn nữa, họ không thể làm những hành động thiện, bởi vì họ không biết hối hận. Cho dù họ đã từng làm các hành động thiện, họ làm dơ bẩn các hành động thiện này bằng các tội lỗi, bởi vì họ che giấu các lỗi lầm của họ. Do đó những nguyên nhân để phải chịu quả báo của một điều bất thiện trong đời này được chuyển thành các nguyên nhân dẫn tới khổ não lớn và trở thành các nguyên nhân để phải chịu khổ trong một địa ngục rất khắc nghiệt. [180]

Điều này cũng giống như khi chúng ta bỏ một nắm muối vào một chút nước, nước sẽ trở nên rất khó uống, hoặc như khi một người đi mượn một đồng tiền vàng nhưng không thể trả lại tiền đó, lún sâu vào nợ nần và phải chịu khổ.

Hơn nữa có năm cách theo đó những nhân nhỏ của quả trong hiện tại cũng sẽ chín ở địa ngục: vô minh [thiếu hiểu biết đúng đắn], có ít thiện căn, có các tội nặng, không ăn năn và làm lễ sám hối {hay phát lồ}, không tu tập công hạnh từ đầu.

 

Do đó, Đức Phật nói các điều bất thiện thì nhẹ đối với người có trí biết ăn năn về hành động bất thiện khi trước của mình, tự kiềm chế không phạm các hành động bất thiện trong tương lai, không che giấu tội lỗi của mình, và làm những hành động thiện để đối trị với những hành động bất thiện này. Tuy nhiên, các điều bất thiện lại nặng đối với những người làm bộ tịch như người có trí, không làm những hành động thiện mà lại còn coi thường chúng và có ý thức rõ ràng khi làm các hành động bất thiện.

Bảo Tạng Kinh[43] (ratna-rāśi-sūtra) nói về một vị Bồ-tát đã từ bỏ đời sống tại gia, cầm một bấc đèn được tẩm một chút bơ trước một bảo tháp. Công đức tích lũy được từ việc làm này được đem ra so sánh với tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đã bước vào Đại thừa đồng thời sở hữu quốc độ của bậc Chuyển Luân Vương, và mỗi chúng sinh đó cúng dường bảo tháp của đức Phật với các đèn bơ mà bình đựng có kích thước như đại dương và bấc đèn lớn như núi Tu-di. Kinh nói rằng ngay cả làm như vậy công đức cũng không bằng một phần trăm của vị Bồ-tát nói trên. Đây là trường hợp mà thái độ – tâm Bồ-đề – và nơi nhận – bảo tháp – không khác gì nhau, nhưng có một khác biệt nổi bật nơi vật được mang ra cúng dường. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một trường hợp làm thí dụ cho thấy sức mạnh của điều kiện yểm trợ [giới]. Theo lối suy luận trong đoạn văn này, hiển nhiên là, về việc tu tập của người không có sự yểm trợ của giới, của người có giới, và trong số những người có giới, sự yểm trợ của việc trì giữ một, hai hoặc ba giới, thì người sau sẽ tiến bộ nhanh hơn người trước. Quý vị cũng thấy rõ là khi những người tại gia thực hành những hạnh như bố thí, có thể có một sự khác biệt lớn về sức mạnh của thiện căn được sinh ra. Sở dĩ có sự khác biệt này là do họ hành động khi đang giữ giới chẳng hạn như giữ giới một ngày hoặc là họ hành động không giữ giới. [181]

Thất Giới Điều Phục Kinh (Duḥśīla-nigraha-sūtra) [44] nói về một nhà sư không giữ gìn giới luật nhưng ăn mặc trang phục của bậc hiền giả [tăng bào] [45]. Tội lỗi mà nhà sư đó mắc phải khi hưởng thụ chỉ trong một ngày những thứ mà người thí chủ với tín tâm đã dâng cúng cho ông còn lớn hơn rất nhiều những tội lỗi mà một người làm mười nghiệp bất thiện tích lũy liên tục trong một trăm năm. Đức Phật nói đây là trường hợp sức mạnh của tội lỗi nhìn từ quan điểm của điều kiện yểm trợ.

Lại nữa, Giới Luật Phân Biệt Luận nói về cả trường hợp lỗi lầm trong giới luật và chểng mảng trong giới luật: [46]

 

Với những ai giới luật có lỗi lầm

Hoặc những người không kiềm chế mình cho đúng

Thà ăn những cục sắt cháy rực lửa

Còn hơn ăn của cúng dường trong vùng của mình.

 

Một trong những phương ngôn của vị Đạo-Sư Trân-bảo Drom-dön-ba nói rằng khi đem so sánh với những tội liên hệ tới giáo pháp, các tội của mười điều bất thiện không có gì đáng kể. Dường như đây là trường hợp được bàn tới ở đây.

 

(3’) Sức mạnh về mặt đối tượng

Trong số các món bố thí cho chúng sinh, pháp thí {tib. ཆོས་ཀྱི་སྦྱིན་པ } siêu đẳng hơn tài thí {tib. ཟང་ཟིང་གི་སྦྱིན་པ } rất nhiều. Trong số các món cúng dường lên Đức Phật, cúng dường sự hành trì của mình siêu đẳng hơn cúng dường tài vật rất nhiều. Qua những thí dụ này, quý vị hiểu được các trường hợp khác.

 

(4’)Sức mạnh về mặt thái độ

Bảo Tạng Kinh[47] đề cập đến việc tất cả các chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, mỗi chúng sinh đó xây một bảo tháp lớn bằng núi Tu-di, và mỗi chúng sinh lại cung kính bảo tháp đó trong tất cả mọi hành động của mình trong mười triệu kiếp lượng. Kinh nói công đức này vẫn thua xa công đức của một Bồ-tát chỉ thảy lên bảo tháp một bông hoa với thái độ thấm nhuần ý nguyện đạt tới toàn trí. Cũng như vậy, nên hiểu rằng có những sai biệt trong số lượng công đức mà quý vị tạo được tùy theo thái độ muốn đạt tới các mục tiêu siêu việt hoặc thấp kém, hoặc tập trung vào lợi ích của mình hoặc của người khác. Số lượng công đức cũng khác biệt tùy theo thái độ này mạnh hoặc yếu, lâu dài hoặc ngắn ngủi, v.v. Về việc làm sai trái, những phiền não nào mạnh mẽ và kéo dài sẽ có sức mạnh lớn hơn và, trong số những phiền não này, sân hận có sức mạnh rất lớn. Trong Nhập Bồ-đề Hành Luận[48]

 

Tất cả các hành vi thiện lành –

Bố thí, cúng dường Như-lai và những việc làm tương tự -

Tích lũy trong một ngàn đại kiếp [182]

Bị tiêu hủy bởi chỉ một chốc lát sân hận.

 

Hơn nữa, tức giận đối với các thiện hữu và, còn hơn vậy nữa, đối với con cái của đấng Điều Ngự, thì rất nặng nề. Trong Định Vương Kinh[49]

 

Khi người ta có ác ý với nhau,

Học thức và giới luật không thể khiến họ tránh được nghiệp quả,

Định không thể bảo vệ họ, sống ở chỗ tịch tịnh cũng vậy;

Bố thí cũng không thể bảo vệ họ, cúng dường các đức Phật cũng vậy.

 

Trong Nhập Bồ-đề Hành Luận[50]

 

Nếu ngươi mang ý nghĩ hãm hại

Con của đấng Điều Ngự, người ơn ích,

Ngươi sẽ ở địa ngục trong số đại kiếp

Nhiều như những ý nghĩ đó – đó là lời dạy của đức Mâu-ni.

 

(iii) Một trình bày về quả

(a’) Quả kết trái

Mười nghiệp đạo đều tùy thuộc vào cơ sở tam độc ở ba cường độ: nhẹ, vừa, và mạnh. Do đó, có ba quả kết trái cho mỗi hành động. Du-già Sư Địa Luận[51] nói qua mỗi hình thức của mười điều bất thiện – giết hại v.v. – ở cường độ mạnh, quý vị sẽ bị tái sinh ở địa ngục; ở cường độ vừa phải, quý vị sẽ tái sinh làm ngạ quỉ; ở cường độ nhẹ, quý vị sẽ tái sinh làm súc sinh. Tuy nhiên, Kinh Thập Địa đổi ngược kết quả của các hành động ở cường độ nhẹ và vừa phải.

 

(b’) Quả tương hợp với nhân

Ngay cả sau khi từ các đường dữ được sinh trở lại làm người, [quý vị vẫn phải nhận lãnh quả của các nghiệp bất thiện] như sau:

 

[quả tương hợp với nhân giết hại,] thọ mạng ngắn ngủi;

[quả của trộm cướp,] thiếu tiền của;

[do tà dâm,] người chồng/vợ ngang bướng;

[do nói dối,] bị nhiều vu khống;

[do nói lời chia rẽ,] mất bạn bè;

[do nói lời xúc phạm,] phải nghe những lời khó chịu;

[do nói lời vô nghĩa,] người khác không nghe lời mình; và

[do tham lam, ác ý, và tà kiến] lần lượt là các mức độ trầm trọng của tham luyến, thù nghịch, và lẫn lộn.

 

Chương Người Thuyết Chân Lý[52] Kinh Thập Địa cả hai đều nói rằng mỗi hành động bất thiện có hai quả. Các kinh này nói, ngay cả được sinh làm người, vẫn phải:

 

[quả của giết hại] bị thọ mạng ngắn ngủi và nhiều bệnh tật;

[quả của trộm cướp] có ít tiền của và khi có thì cũng phải chung với người khác;

[quả của tà dâm] những người giúp ta không có tính gọn gàng hoặc không đáng tín nhiệm, và sẽ có một người chồng/vợ hay gây gổ;

[quả của nói dối] sẽ bị nhiều vu khống, và sẽ bị lừa dối;

[quả của nói lời chia rẽ] người giúp việc sẽ không hòa hợp và sẽ có hành vi sai trái;

[quả của nói lời xúc phạm] sẽ phải nghe những lời khó chịu và những tiếng cãi cọ; [183]

[quả của nói lời vô nghĩa] người khác sẽ không tôn trọng hoặc hiểu lời nói của ngươi, và ngươi sẽ không có lòng tự tin vững chắc;

[quả của tham lam] ngươi sẽ có lòng tham muốn lớn và không biết hài lòng;

[quả của ác ý] ngươi sẽ chỉ tìm những điều bất lợi hoặc sẽ không tìm những điều có lợi, và ngươi sẽ làm hại người khác hoặc người khác làm hại ngươi;

[quả của tà kiến] ngươi sẽ có những kiến giải xấu và là người hay lừa dối.

 

Những vị thầy xưa nói ưa giết hại, v.v. ngay cả khi được sinh làm người thì các hậu quả hành vi tương hợp một cách nhân quả; và những quả được đề cập ở trên là hậu quả trải nghiệm tương hợp một cách nhân quả.

 

(c’) Quả hoàn cảnh

Do hành động sát sinh bất thiện, những thứ ở hoàn cảnh bên ngoài như thức ăn, thức uống, thuốc men, và trái cây sẽ có ít năng lực, không hữu hiệu, có ít tác dụng và sức mạnh, hoặc, khó tiêu hóa, và sẽ gây ra bệnh. Do đó, hầu hết các chúng sinh sẽ chết trước khi sống hết thọ mạng trông chờ của mình. Quả hoàn cảnh của trộm cướp là quý vị sẽ ít có cây trái, cây trái sẽ không hoàn hảo, sẽ biến đổi, hoặc sẽ bị hư hại một phần. Sẽ có hạn hán khốc liệt hoặc mưa đổ xuống như thác lũ. Cây trái sẽ khô đi hoặc biến mất. Quả hoàn cảnh của tà dâm là sống ở nơi có phân và nước tiểu, bùn sình, những thứ bẩn thỉu, những vật không sạch, nhiều mùi hôi thối, khổ não, và khó chịu.

Quả hoàn cảnh của nói dối là bất cứ việc gì làm trên đồng ruộng hoặc trên thuyền bè sẽ không phát đạt; những người làm công cho mình sẽ không có sự hòa hợp, và hầu hết những người này là những người lừa dối; và quý vị sẽ lo sợ và có nhiều nguyên cớ để sợ hãi. Quả hoàn cảnh của nói lời chia rẽ là quý vị sẽ phải ở nơi gồ ghề, lởm chởm, không bằng phẳng, và khó đi qua; và quý vị sẽ lo sợ và có nhiều nguyên cớ để sợ hãi. Quả hoàn cảnh của nói lời xúc phạm là quý vị sẽ phải ở nơi đầy những thân cây, gai góc, đá tảng, đá nhọn, và nhiều gạch vỡ; nơi đó thiếu thác nước, hồ ao; nơi đó thô ráp, buồn tẻ, khô khan, mặn chát, trơ trụi, ghê tởm, và là nơi chốn có nhiều thú dữ; [184] và quý vị sẽ lo sợ và có nhiều nguyên cớ để sợ hãi. Quả hoàn cảnh của nói lời vô nghĩa là quý vị sẽ ở nơi cây không sinh trái, sinh trái không đúng thời, hoặc không sinh trái đúng thời; rễ cây không vững mạnh; cây không sống lâu; không có nhiều những thứ tiện nghi như công viên, lùm cây, hồ nước; và quý vị sẽ có nhiều lý do để sợ hãi.

Quả hoàn cảnh của tham lam là mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng và ngay cả mỗi ngày, mọi thứ tốt lành sẽ trở thành tệ hại và không tăng trưởng. Quả hoàn cảnh của ác ý là quý vị sẽ ở nơi có bệnh dịch, bị thương tích, có bệnh truyền nhiễm; cãi cọ, và có nhiều tranh chấp với quân đội của phe đối nghịch; nơi có sư tử, cọp và những thứ tương tự; có rắn độc, bọ cạp và nhiều đom đóm; có dạ-xoa {skt. yakṣa} gây hại, quân cướp và những thứ tương tự. Quả hoàn cảnh của tà kiến là quý vị sẽ ở vào tình huống trong đó những nguồn tài nguyên thiên nhiên chính và tốt nhất sẽ biến mất; nơi những thứ bất tịnh lại xuất hiện như là thứ thuần tịnh nhất, và khổ não lại xuất hiện thành phúc lạc; và nơi quý vị không có nhà cửa, người bảo vệ, hoặc nơi nương tựa.

 

(b) Hành động thiện và quả của nó

(i) Hành động thiện

Du-già Sư Địa Luận nói rằng những hành động thiện bao gồm những hành động thân thể của người quán chiếu về những lỗi lầm của việc giết hại, trộm cướp và tà dâm và lại có thái độ thiện lành. Họ cũng thực hiện việc kiềm chế mình một cách đúng đắn để không phạm các hành động bất thiện và đã có thể kiềm chế mình tới điểm cao kết thúc. Kinh cũng nói nguyên tắc này có thể áp dụng cho bốn hành động về miệng và ba hành động về ý, điểm khác biệt là quý vị thay thế “hành động về miệng” và “hành động về ý” cho “hành động thân thể”.

Do đó, với mỗi một trong mười hành động, hãy áp dụng bốn khía cạnh cơ sở, thái độ, thực hiện, và điểm cao kết thúc. Điều này được minh họa trong thí dụ sau đây về nghiệp đạo từ bỏ việc giết hại. [185] Cơ sở của việc từ bỏ sát sinh là một chúng sinh khác. Thái độ là thấy các lỗi lầm của việc sát sinh và muốn từ bỏ. Thực hiện là hành động kiềm chế mình một cách đúng đắn để không sát sinh. Điểm cao kết thúc là hành động thân thể để hoàn tất việc kiềm chế đúng. Cũng hiểu như vậy đối với các trường hợp khác.

 

(ii) Quả của hành động thiện

Có ba loại quả - kết trái, tương hợp với nhân, và hoàn cảnh. Quả kết trái là quý vị được sinh làm người, làm một vị trời ở cõi dục, hoặc một vị trời ở một trong hai cõi cao hơn qua các hành động thiện, theo thứ tự nhỏ, vừa phải và lớn. Quý vị sẽ thấy những quả tương hợp với nhân và quả hoàn cảnh trái ngược với các quả này của hành động bất thiện.

Kinh Thập Địa nói[53] những ai tu tập mười hành động thiện này vì sợ sinh tử luân hồi và không có [đại] bi tâm, nhưng vì theo lời người khác, sẽ đạt được quả của bậc Thanh-văn. Có những người không có [đại] bi tâm mà cũng không theo lời người khác, nhưng muốn thành Phật. Khi họ tu tập muời hành động thiện qua việc liễu ngộ lý duyên khởi, họ sẽ đạt quả vị Bích-chi-Phật. Khi những người có tâm rộng lớn tu tập mười điều này với [đại] bi tâm, phương tiện thiện xảo, đại nguyện, không hề bỏ bất cứ chúng sinh nào, tập trung vào trí tuệ siêu đẳng và cực kỳ rộng lớn của Phật, họ sẽ đạt được địa vị Bồ-tát và tất cả các ba-la-mật. Qua việc thực hành rất nhiều các hành động này vào mọi lúc, họ sẽ đạt được tất cả các phẩm hạnh của một đức Phật.

Như thế là tôi đã trình bày hai nhóm mười nghiệp đạo cùng với những quả của nó. Tôi đã giải thích tất cả những điều không được rõ ràng trong các văn bản khác theo đúng với chủ ý trong Du-già Sư Địa LuậnQuyết Định Yếu Luận.

 

(c) Một trình bày về các cách phân loại khác của nghiệp

Các cách phân loại khác về nghiệp được trình bày theo hai mục sau:

1. Sự phân biệt giữa biểu nghiệp (hay còn gọi là “dẫn nghiệp” hay “nghiệp biểu tả” tức là nghiệp biểu hiện rõ ràng quả tốt xấu và là nghiệp quyết định cho sự tái sinh) và phi biểu nghiệp (hay còn gọi là “bổ nghiệp” hay “nghiệp hoàn tất” tức là nghiệp không biểu rõ hệ quả tái sinh, chỉ có tính bổ sung hoàn tất cho nghiệp)[54]

2. Nghiệp mà kết quả của nó quý vị chắc chắn phải trải qua {định nghiệp (tib. མྱོང་བར་ངེས་བའི་ལས)} hoặc chỉ có xác suất trải nghiệm {bất định nghiệp (tib. མྱོང་བར་མ་ངེས་བའི་ལས)} mà thôi

 

(i) Sự phân biệt giữa biểu nghiệp và bổ nghiệp

Mặc dù nghiệp nào phóng hoạt {tức là nghiệp chín muồi và bắt đầu tác động quả của nó trong luân hồi} một sự tái sinh vào một cõi hạnh phúc là nghiệp thiện {phúc hành (tib. བསོད་ནམས)} và nghiệp nào phóng hoạt một sự tái sinh vào cõi khổ não là nghiệp bất thiện {nghiệp xấu}, nhưng đối với bổ nghiệp, quý vị không có tính chắc chắn này. [186] Các hành vi bất thiện tạo ra ngay cả ở trong các cõi hạnh phúc những quả như không có đầy đủ tứ chi, ngón tay, hoặc các cơ quan thụ cảm [các căn]; và có màu da khó coi, thọ mạng ngắn, nhiều bệnh tật và nghèo khó. Xa hơn, các hành vi thiện tạo ra của cải sung túc ngay cả cho các loài súc sinh và ngạ quỉ.

Như vậy, có bốn khía cạnh trong mối quan hệ giữa biểu tả và hoàn tất. Trong các kiếp sống vốn là kết quả của biểu nghiệp thiện thì sẽ có những kết quả của cả nghiệp hoàn tất tốt lẫn nghiệp hoàn tất xấu. Trong số các kiếp sống là kết quả của biểu nghiệp xấu có những kết quả của bổ nghiệp bất thiện và bổ nghiệp thiện. Vi Diệu Pháp Tập Luận (Abhidharma-samuccaya) của ngài Vô Trước nói:[55]

 

Hãy hiểu rằng các nghiệp hoàn tất thiện hay bất thiện phóng hoạt và làm hoàn tất một kiếp tái sinh trong một cõi hạnh phúc hoặc khổ đau. Biểu Nghiệp lại phóng hoạt một quả kết trái. Nghiệp hoàn tất là nghiệp mà từ đó, trong một kiếp tái sinh, ngươi sẽ trải qua những điều ngươi mong muốn và những điều không mong muốn.

 

 Vi Diệu Pháp giải thích rằng một hành vi đơn độc phóng hoạt vào một kiếp tái sinh đơn độc chứ không phóng hoạt vào nhiều kiếp tái sinh. Có nhiều bổ nghiệp có thể phóng hoạt cho một thân đơn độc nhưng nhiều biểu nghiệp thì lại không phóng hoạt vào một thân đơn độc được:[56]

 

Một {nghiệp} phóng hoạt một kiếp tái sinh;

Những {nghiệp} để hoàn tất {sự tái sinh đó} thì có nhiều.

 

Trong Vi Diệu Pháp Tập Luận: [57]

 

Có nghiệp mà nơi nghiệp này một hành động đơn độc phóng hoạt lên một thân. Có nghiệp mà nơi nghiệp này một hành động đơn độc phóng hoạt lên nhiều thân. Có nghiệp mà nơi nghiệp này nhiều hành động phóng hoạt lên một thân đơn độc. Có nghiệp mà nơi nghiệp này nhiều hành phóng hoạt ra nhiều thân.

 

Chú giải này giải thích bốn loại nghiệp của ngài Vô Trước theo thứ tự như sau: một khoảnh khắc duy nhất của một hành động sẽ nuôi dưỡng một hột giống sinh ra một quả kết trái của một kiếp duy nhất; hành động đó nuôi dưỡng một hột giống sinh ra nhiều quả kết trái của nhiều kiếp; nhiều khoảnh khắc của một hành động trong nhiều lúc nuôi dưỡng một hột giống của một thân duy nhất; và nhiều hành động tùy thuộc vào nhau để trong nhiều lúc nuôi dưỡng nhiều hột giống sinh ra nhiều thân của một chuỗi các kiếp sống.

 

(ii)Nghiệp mà kết quả của nó Quý vị chắc chắn sẽ phải trải qua hoặc chỉ có triển vọng trải qua.

Du-già Sư Địa Luận dạy: [58]

 

Nghiệp mà kết quả của nó ngươi chắc chắn sẽ nhận lãnh là nghiệp làm xong một cách có ý thức và đã tích lũy. Nghiệp mà kết quả của nó ngươi không chắc chắn sẽ nhận lãnh là nghiệp làm một cách có ý thức nhưng không tích lũy.

 

Luận này đưa ra sự phân biệt giữa nghiệp đã làm và một nghiệp đã tích lũy:[59]

Như thế nào là một nghiệp quý vị đã làm? Một hành vi quý vị đã nghĩ đến hoặc quý vị, với đầy đủ ý thức, đã phát động bằng thân hoặc bằng lời.

Luận văn này tiếp tục:

 

Nghiệp ngươi đã tích tụ là nghiệp không bao gồm trong mười hành động sau đây: (1) hành động thực hiện trong chiêm bao; (2) hành động làm mà không biết; (3) hành động làm mà không có ý thức; (4) hành động làm mà cường độ không mạnh hoặc không liên tục; (5) hành động làm nhầm; (6) hành động làm rồi quên; (7) hành động làm mà không muốn làm; (8) hành động vốn tự nhiên trung tính về mặt đạo đức; (9) hành động đã bị tiêu trừ vì ăn năn; và (10) hành động bị tiêu trừ vì biện pháp đối trị.

Nghiệp ngươi đã tích tụ là những hành vi còn lại, những hành động không bao gồm trong mười loại hành động kể trên. Nghiệp ngươi không tích tụ là mười loại hành động đã được trình bày ở trên.

 

Quyết Định Yếu Luận[60] trình bày bốn biến thể giữa nghiệp đã làm và nghiệp đã tích lũy. Giết hại là nghiệp đã làm nhưng không tích lũy trong các trường hợp sau đây: làm mà không biết, làm trong chiêm bao, không cố ý làm, do người khác bắt làm ngược lại ý muốn của mình, làm chỉ một lần và sau đó ăn năn, được giảm nhẹ rất nhiều do nhận giới từ bỏ giết hại sau khi vượt thắng ý muốn giết hại vì đã hiểu sâu xa các lỗi lầm của nghiệp này, việc làm mà quý vị đã làm suy yếu hạt giống {chủng tử} của nó trước khi kết quả bắt đầu bằng cách thoát ly khỏi tham muốn thế gian, và việc làm mà quý vị đã tiêu diệt chủng tử của nó bằng đạo pháp siêu việt về sự giải trừ.

Giết hại là nghiệp đã tích lũy nhưng không hoàn tất trong trường hợp sau đây: quý vị đã điều tra và phân tích trong một thời gian dài để giết một chúng sinh nhưng quý vị không giết chúng sinh đó. Giết hại là nghiệp đã làm và đã tích lũy là hành động giết hại không bao gồm trong hai biến thể vừa kể. Giết hại là nghiệp không làm mà cũng không tích lũy là bất cứ hành động nào không bao gồm trong ba trường hợp trên.

Hiểu cùng cách như vậy cũng thích hợp cho các hành động từ trộm cướp cho tới nói lời vô nghĩa. Ba hành động bất thiện thuộc về ý không có biến thể thứ hai. Trong biến thể thứ nhất, không hành động thuôc về ý nào mà lại không cố ý làm và cũng không có hành động thuộc về ý nào mà lại do người khác cưỡng bách quý vị phạm phải.

Nhìn từ góc cạnh thời gian mà quý vị phải nhận kết quả, có ba loại chắc chắn mà quý vị phải nhận lãnh quả của nghiệp: nhận ở đây và lúc này {quả báo nhãn tiền}; nhận sau khi tái sinh; và nhận ở một thời điểm khác.

Nghiệp mà ngươi nhận ở đây và vào lúc này là quả của những hành động chín mùi ngay trong chính kiếp sống quý vị làm hành động đó. Có tám loại nghiệp như vậy được đề cập trong Du-già Sư Địa Luận:

 

(1) những hành động bất thiện [quý vị làm] với thái độ [tham luyến] nổi bật nhằm chăm lo cho thân thể, của cải, và sự sinh tồn của mình;

(2) những hành động thiện [quý vị vun bồi] với thái độ nổi bật không chăm lo cho những thứ kể trên;

(3) cùng một cách như vậy, [những hành động bất thiện quý vị làm với thái độ] ác ý sâu đậm đối với chúng sinh;

(4) [những hành động thiện quý vị vun bồi với thái độ] bi mẫn sâu xa và giúp ích người khác

(5) [những hành động bất thiện quý vị làm với] tâm thù hận sâu xa đối với Tam Bảo, đạo sư, và những đối tượng tương tự;

(6) [những hành động thiện quý vị vun bồi] với đức tin và lòng tín nhiệm đối với những đối tượng kể trên;

(7) những hành động bất thiện [quý vị làm] với thái độ thù hằn đối với những người đã giúp mình như cha mẹ và đạo sư, và một thái độ không báo đáp những điều họ đã làm cho mình;

(8) những hành động thiện [quý vị vun bồi] với thái độ rất mong muốn báo đáp lại những người đã giúp mình.

 

Nghiệp ngươi nhận lãnh sau khi tái sinh là kết quả của các hành động mà quý vị nhận lãnh trong đời thứ nhì [kế tiếp]. Nghiệp ngươi nhận lãnh ở những thời điểm khác là kết quả của các hành động sẽ chín trong đời thứ ba hoặc đời sau đó.

Sau đây là cách thức các nghiệp thiện và bất thiện hiện hữu trong dòng tâm thức của quý vị sẽ chín như thế nào:

 

(1) Nghiệp nào nặng nhất sẽ chín trước hết;

(2) Nếu độ nặng ngang nhau, nghiệp nào xuất hiện vào lúc chết sẽ chín trước hết;

(3) Nếu lại cùng xuất hiện vào lúc chết, nghiệp nào quý vị quen thuộc hơn cả sẽ chín trước hết;

(4) Nếu điều này lại cũng như nhau, nghiệp nào quý vị làm trước hết sẽ chín trước hết.

 

Như được trích dẫn trong Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích: [61]

 

Với những hành động phát khởi ra sinh tử luân hồi,

Có những nghiệp nặng, nghiệp gần,

Nghiệp ngươi đã quen thuộc, và nghiệp ngươi đã làm trước tiên.

Trong số những nghiệp này, nghiệp đứng trước sẽ chín trước.

 

2’ Quán chiếu chi tiết về nghiệp và nghiệp quả

Điều chắc chắn là quý vị sẽ có được thân thể và tâm trí tốt lành qua việc từ bỏ mười nghiệp bất thiện. Tuy vậy, nếu quý vị có được thân tâm với đầy đủ các phẩm chất tốt lành, không có điều gì sẽ đẩy nhanh con đường tu tập hơn điều này. [189] Do đó, hãy làm sao để có một đời sống như vậy.

 

a” Những tính chất của các hậu quả

Có tám quả: thọ mạng hoàn thiện, sắc tướng hoàn hảo, dòng dõi hoàn thiện, quyền lực hoàn thiện, lời nói được tín nhiệm, nổi tiếng là người có quyền hành lớn, làm thân nam, và có sức mạnh. Thọ mạng hoàn thiện là khi một hóa nghiệp thiện từ một đời trước phóng hoạt một thọ mạng dài và quý vị sống lâu như đã được phóng hoạt như vậy. Sắc tướng hoàn hảo là có một thân thể tuyệt hảo vì màu sắc và hình thể tốt đẹp; người khác nhìn liền thấy vui thích bởi vì quý vị không có các căn bất toàn;[62] và đẹp đẽ bởi vì mọi thứ đều cân xứng. Dòng dõi hoàn hảo là sinh ra trong một dòng dõi tốt được yêu quí và nổi tiếng trên đời. Quyền lực hoàn hảo là các nguồn tài vật lớn, có rất nhiều người thân cận như họ hàng, và nhiều người giúp đỡ. Lời nói được tín nhiệm là những lời nói mà người khác sẽ chấp nhận bởi vì quý vị là người được tin là không đánh lừa người khác bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ, và là chứng nhân đáng được tin cậy trong mọi tranh chấp. Nổi tiếng là người có quyền năng lớn là được rất đông chúng sinh kính ngưỡng bởi vì có danh tiếng và được nhiều người ca ngợi do lòng rộng lượng và do có những phẩm hạnh như đức tính kiên trì. Làm thân nam là có nam căn. Có sức mạnh là, do nghiệp lực từ trước, tự nhiên ít có thương tích, không có bệnh, và có nhiều hăng hái bắt nguồn từ các hoàn cảnh của đời này.

Hơn nữa, điều đầu tiên, thọ mạng hoàn hảo, là sống trong một cảnh giới hạnh phúc. Điều thứ nhì, sắc hoàn hảo, là thân thể. Điều thứ ba, dòng dõi hoàn hảo, là sinh ra đời. Điều thứ tư, quyền lực hoàn hảo, là tài vật và người giúp đỡ. Điều thứ năm, lời nói được tín nhiệm, là người có thẩm quyền trên đời. Điều thứ sáu, nổi tiếng là người có quyền năng lớn, là nổi tiếng về quyền năng này. Điều thứ bảy, làm thân nam, là có khả năng để được mọi phẩm hạnh. Điều thứ tám, sức mạnh, là có năng lực trong các hành động của mình.

 

b” Hiệu quả của các quả

Có tám hiệu quả của quả:

1) Kết quả của thọ mạng hoàn hảo là quý vị tích lũy nhiều nghiệp thiện trong một thời gian lâu dài trong các việc làm đem lại phúc lạc cho bản thân và người khác.

2) Kết quả của sắc thân hoàn hảo là chỉ cần nhìn quý vị thôi, các đệ tử đã thấy hoan hỷ và tụ tập chung quanh. Rồi họ lắng nghe quý vị nói và muốn thực hiện các điều chỉ dạy của quý vị.

3) Kết quả của dòng dõi hoàn hảo là người khác thực hiện các lời huấn thị của quý vị mà không coi thường.

4) Kết quả của quyền lực hoàn hảo là qua hành động bố thí quý vị tụ tập được các chúng sinh và sau đó làm cho họ trưởng thành.

5) Kết quả của lời nói được tín nhiệm là qua lời nói từ ái, hành vi có mục đích, và là người mà các mục tiêu của mình giống như của các đệ tử, quý vị tụ tập được các chúng sinh và làm cho họ trưởng thành.

6) Kết quả của việc nổi tiếng là người có quyền năng lớn là, bởi vì quý vị đã giúp đỡ và trợ lực người khác trong mọi hoạt động, họ đền đáp lại lòng tốt này và tức thời lắng nghe các huấn thị của quý vị.

7) Kết quả của việc làm thân nam là sẽ có khả năng đạt được mọi phẩm hạnh, khả năng hành động thiện xảo qua phương tiện hạnh nguyện và tinh tấn, và khả năng đạt được trí tuệ rộng lớn, phân biệt các đối tượng kiến thức. Hơn nữa, quý vị sẽ không sợ hãi khi ở trong đại chúng và không bị trở mặt hoặc gặp các chướng ngại khi đi cùng với mọi chúng sinh, nói với họ, vui hưởng của cải với họ, hoặc khi ở riêng một mình.

8) Kết quả của sức mạnh là, bởi vì quý vị không bị mất niềm tin về phúc lạc của chính bản thân mình hoặc của những người khác và bền vững trong lòng hăng say cao độ đối với họ, quý vị sẽ đạt được năng lực phân biện, và mau chóng có các thần thông.[63]

 

c” Các nguyên nhân của các quả

Có tám nguyên nhân của các quả:

 

1) Nguyên nhân của thọ mạng hoàn hảo là không hại chúng sinh và thực hành thái độ bất bạo động. Hơn nữa, người ta cũng nói:

 

Bằng cách cứu giúp những ai đang tới gần nơi mà họ sẽ bị giết,

Và cũng như thế, cứu sinh mệnh cho các chúng sinh,

Và khiến các chúng sinh không bị phương hại,

Ngươi sẽ được thọ mạng lâu dài.

 

Qua việc chăm sóc người đau bệnh,

Qua việc thầy thuốc cho thuốc người bệnh,

Và qua việc không làm tổn thương chúng sinh bằng gậy gộc,

Tảng đất, và những thứ tương tự, ngươi sẽ không bị bệnh tật.

 

2) Nguyên nhân của sắc hoàn hảo là bố thí ánh sáng, chẳng hạn như đèn bơ, và quần áo mới. Hơn nữa, người ta cũng nói:

 

Bằng cách nương vào lòng từ

Và bố thí nữ trang, ngươi sẽ có một sắc thân tốt đẹp.

Người ta nói quả của tánh không ganh tị

Là sẽ được may mắn.

 

3) Nguyên nhân của dòng dõi hoàn hảo là trước hết vượt thắng được lòng kiêu ngạo và rồi kính lễ và làm những hành động tốt khác với các đạo sư và những bậc tương tự, và kính trọng người khác như thể quý vị là tôi tớ của họ. [191]

4) Nguyên nhân của quyền lực hoàn hảo là đem thức ăn, quần áo v.v. cho người hỏi xin; ngay cả khi không hỏi xin cũng giúp đỡ như vậy; cho người khốn khổ và người có phẩm hạnh cao quý nhưng không có tài sản.

5) Nguyên nhân của lời nói được tín nhiệm là thường huân tập việc từ bỏ bốn điều bất thiện về lời nói.

6) Nguyên nhân của việc được nổi tiếng là người có quyền năng lớn là cầu nguyện để có được các phẩm hạnh cao quý trong tương lai, cúng dường Tam Bảo, cúng dường cha mẹ, bậc Thanh Văn, Bích-chi Phật, phương trượng, các bậc thầy, và đạo sư.

7) Nguyên nhân của thân nam là vui thích với các phẩm chất của người nam, không vui thích với các thứ của người nữ và thấy các điểm bất lợi của các điều này, ngăn chặn lòng khao khát của những ai muốn tái sinh làm thân nữ, và cứu vớt những ai nam căn của họ sắp bị cắt bỏ.

8) Nguyên nhân của sức mạnh là hoàn thành những thứ mà người khác không cách nào làm được, hợp tác để giúp làm những thứ có thể làm được, và đem cho thức ăn, thức uống.

 

Nếu tám nguyên nhân này có được ba nhân – [thái độ thuần khiết, tác hành thuần khiết, và người nhận thuần khiết] – các quả thành hình sẽ hết sức tốt. Trong ba nhân này, có hai loại thái độ thuần khiết – phát xuất từ chính mình và phát xuất từ người khác. Hai thái độ thuần khiết phát xuất từ chính mình là:

(1) không mong quả, nghĩa là hồi hướng phước đức tạo được làm nguyên nhân để đạt quả giác ngộ vô thượng;

(2) năng lực mãnh liệt, nghĩa là đạt được các nguyên nhân từ sâu thẳm đáy lòng.

 

Hai thái độ tinh khiết phát xuất từ người khác:

 

(1) từ bỏ lòng ghen tị, ganh đua, và khinh thường khi quý vị thấy các bạn đạo giỏi hơn, ngang bằng, hoặc kém quý vị, đồng thời khâm phục họ;

(2) ngay cả khi quý vị không làm được điều kể trên, hằng ngày hãy ý thức rõ ràng nhiều lần rằng quý vị phải làm điều đó.

 

Có hai loại tác hành thuần khiết – phát xuất từ chính mình và phát xuất từ người khác. Tác hành thuần khiết phát xuất từ chính mình là chuyên tâm trau dồi đức hạnh trong một thời gian lâu dài, không gián đoạn, và với cường độ mãnh liệt. Tác hành thuần khiết phát xuất từ người khác là khiến cho những ai chưa nhận giới và các hứa nguyện sẽ làm được như vậy, ca ngợi người đã hứa nguyện để họ vui với các hứa nguyện của mình, khiến họ tiếp tục, và khiến họ không từ bỏ các hứa nguyện. Ruộng thuần khiết được gọi như vậy bởi vì hai thứ này – thái độ và tác hành – cũng tương tự như cánh đồng sẽ cho vô số quả tốt lành. [192]

Tôi đã giải thích ba điểm này theo một chú giải bổ túc cho những điều ngài Vô Trước nói trong Bồ-tát Địa.



[1]Xin tham khảo thêm về Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (chẳng hạn Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thích Trí Thủ. Trang Nhà Quảng Đức. Truy cập 27/06/2011.

 <http://www.quangduc.com/kinhdien/kinhthapthien.htm>.

[2]BA373 AK: 4.66b-d; P5990: 121.4.8.

[3]BA374 Vinaya-vibhaṅga (Lung mam ’oyed) P1032:149.3.3-4.

[4]Tức là Mục đích tạm thời và mục đích tối hậu. Xem chi tiết đã chú thích trong chương 3 quyển 1.

[5]BA375 Sāgara-nāga-rāja-paripṛcchā, P820:114.1.6-7,115.4.1-3.

[6]BA376 Madhyamakāvatāra: 2.7: P5262:100.5.1-2, tóm lược Daśa-bhūmika-sūtra, Vaidya 1960c: 15-16: P761: 250.5.4-251.3.4. Toàn bộ chương này thảo luận về giới đức.

[7]BA377 Kṣitigarbha-sūtra, Vaidya 1960c:11; P905:94.2.6-94.1.3.

[8]BA378 Yếu tố loại thứ nhất theo nghĩa đen là “cơ sở”, mặc dù ở đây rõ ràng muốn nói tới đối tượng của hành động – trong ý nghĩa là người hoặc vật mà hành động được hướng tới. Yếu tố thứ ba – thực hiện – để chỉ việc thật sự can phạm hành động.

[9]BA379 Yogā-caryā-bhūmi, P5536: 254.2.5.

[10]BA380 Để có tột điểm kết thúc, nạn nhân phải chết trước kẻ sát nhân, như Tsongkhapa đề cập dưới đây.

[11] Còn gọi là Đề-bà-đạt-đa, Thiên-đạt dịch nghĩa là Thánh Thí. Theo truyền thuyết thì đây là một vi tăng sĩ anh em họ với đức Phật Thích-ca và là anh em ruột của ngài A-nan. Vì ganh tỵ và muốn tranh giành ngôi vị thống trị tăng đoàn ông ta đã rời bỏ đức Phật cùng với 500 tăng sĩ. Truyền thuyết cũng có nói người này đã từng tìm cách giết hại đức Phật nhiều lần nhưng không thành.

[12]BA381 Khi Tsongkhapa nói “không thật sự có tội”, ngài muốn nói rằng không có sự vi phạm hoàn toàn với sự hoàn tất của tất cả các khía cạnh của sự vi phạm đó {bao gồm đủ năm hay bốn yếu tố đã mô tả trên}. Hành động này vẫn sinh ra những kết quả tiêu cực cho kẻ gây tội.

[13]Tam độc là tham lam, sân hận và si mê.

[14]BA382 AK: 4.72ab; P5590: 121.5.4.

[15]BA383 Yogā-caryā-bhūmi-nirṇayasaṃgraha, {Du-già Hạnh Địa Định Hợp Luận} P5539: 289.4.6.

[16]BA384 Ibid., P5539: 290.4.2.

[17]BA385 Daśakuśala-karma-pahta-nirdeśa ({Thập Thiện Đạo Hành Sở Thuyết} – nghĩa là Giải Thích về Mười Nghiệp Thiện), P5678: 232.3.8-232.4.1 (cùng nội dung như P5416:226.3.4—5).

[18]BA386 Những từ ngữ mà Tsongkhapa trích dẫn lời Đại Trưởng Lão (jo bo chen po), thường là Atiśa, được thấy trong chính Daśakuśala-karma-pahta-nirdeśa, P5678: 232.3.7-8.

[19]BA387 Daśakuśala-karma-patha-nirdeśa. P5678: 232.3.5-6.

[20]BA388 Ibid., P5678: 232.3.7.

[21]BA389 Yogā-caryā-bhūmi-nirṇaya-saṃgraha, P5539: 289.4.7.

[22]BA390 Đây là một cách nói khác của AKbh về AK: 4.74; 5591: 211.2.5-6.

[23]BA391 Yogā-caryā-bhūmi-nirṇaya-saṃgraha, P5539: 290.4-6.

[24]BA392 AKbh so với AK: 4.74; 5591: 209.1.4.

[25]BA393 Ibid. So với AK: 4.78; 5591: 209.1.2.

[26]BA394 Yogā-caryā-bhūmi-nirṇaya-saṃgraha, {tên dịch là Du-già Hạnh Địa Định Hợp Luận} P5539: 289.5.3.

[27]BA395 Ibid.; P5539: 289.5.4.

[28]Tứ chúng là tăng, ni, cư sĩ nam, và cư sĩ nữ.

[29]Hưởng thụ ngũ dục là hưởng thụ các đối tượng của năm giác quan, đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc.

[30]Hóa sinh (tự nhiên mà sinh ra, như sinh ra ở cõi trời hay địa ngục, v.v...) là một trong bốn cách sinh ra của chúng sinh. Ba cách còn lại là noãn sinh (sinh ra từ trứng), thai sinh (sinh ra từ bào thai) và thấp sinh (sinh ra từ chỗ ẩm ướt).

[31]BA396 Yoga-caryā-bhūmi (Sa’i dngos gzhi), P5536: 255.5.1-2.

[32]BA397 Suhṛl-lekha: 42; P5682,236: 2.7-8.

[33]BA398 Sad-dharmānusmṛty-upasthāna, P953: 123.1.7-123.2.1.

[34]Địa ngục Vô Gián (skt. Avīci – nghĩa là “không có sóng”) hay địa ngục A-tì là địa ngục rất khổ não ở đó sự đau đớn khổ sở xảy ra không gián đoạn do tội ngũ nghịch mà bị đọa. Đây là cõi địa ngục sâu nhất. Chúng sinh bị đày ở cõi này có thể lâu đến vô lượng kiếp. Avici. Wikipedia. Truy cập: 08/06/2011.

 <http://en.wikipedia.org/wiki/Avici>.

[35]BA399 Ārya-sῡrya-garbha-nāma-vaipulya-sūtra, {dịch: Nhật Tạng Phương Quảng Kinh} P923: 234.4.7-234.5.2.

[36]BA400 Ārya-raddhā-balādhānavatāra-mudrā-nāma-mahāyānā-sūtra, {Tín Lực Tu Hành Thủ Ấn Đại Thừa Kinh nghĩa là Kinh về thủ ấn của việc thực hành nuôi dưỡng lòng tin} được trích dẫn trong Vaidya 1960b: 51; P5336: 207.4.3-8.

[37]BA401 Ibid., Vaidya 1960b: 52; P5336: 207.4.8-208.2.7.

[38]Trong vũ trụ quan Phật giáo, Nam Thiệm Bộ Châu là một trong bốn châu lớn, nằm ở phía nam của núi Tu-di. Nam Thiêm Bộ Châu là châu chúng ta ở.

[39]BA402 theo F868; Niyatāniyata-gati-mudrāvatāra-nāma-mahāyānā-sūtra {Nhập Định Bất Định Mệnh Thủ Ấn Hành Đại Thừa Kinh nghĩa là Kinh về thủ ấn của sự chắc chắc và bất định về số mạng} theo Bendall và Rouse (1971:89). Đây là cách diễn tả khác của đoạn văn được trích dẫn trong Vaidya 1960b: 52; P5336: 208.1.4-6.

[40]Chuyển Luân Vương là một vị vua Bồ-tát hiện thân, cai trị thiên hạ bằng chánh pháp, dạy cho dân chúng thực hành thập thiện nghiệp. Nhà vua có nhiều người giúp việc tài giỏi, có nhiều vật báu (ngọc như ý, voi báu, ngựa báu, v.v.) và hưởng đầy đủ dục lạc của thế gian. Vị vua này cũng có 32 tướng tốt.

 Wheel Turning King. Soka Gakkai Dictionary of Buddhism. Truy cập: 06/09/2011.

 <http://www.sgilibrary.org>

[41]BA403 Ārya-praśānta-viniśaya-prātihārya-samādhi-sūtra-mahāyānā-sūtra {Tịch Chiếu Thần Biến Định Đại Thừa Kinh. Tức kinh Đại thừa về sự huyền diệu của định lực} P797: 45-4.6-7. Trích trong Vaidya 1960b:50.

[42]BA404 Điều này không tìm thấy trong Phags pa yongs su mya ngan las ‘das pa chen po’i mdo, P787.

[43]BA405 Ārya-ratna-rāśi-sūtra-mahāyānā-sūtra, {Bảo Tạng Đại Thừa Kinh} Vaidya 1960b: 165. Phần này không có trong đoạn 45 của bản Tạng ngữ Ratna-kūṭa {Bảo Tích Kinh}.

[44]BA406 Buddha-piṭaka-duḥśīla-nigraha-nāma-mahāyānā-sūtra {skt. Phật Tạng Thất Giới Điều Phục Kinh tức là kinh về tu sửa các phạm giới}, P886: 61.3.4-5.

[45]BA407 Tiếng Tây Tạng cho chữ “tăng bào” {áo tràng cho tăng sĩ} ở đây là drang srong gi rgyal mtshan, nghĩa đen là “tràng phan chiến thắng của bậc hiền giả”.

[46]BA408 Vinaya-vibhaṅga {Kinh về sự phân loại các điều giới} (Lung mam ‘byed), 1032: 1.4.4-5.

[47]BA409 Ratna-rāśi-sūtra, Vaidya 1960b: 165. Phần này không có trong đoạn 45 của bản Tạng ngữ Ratna-kūṭa.

[48]BA410 BCA: 6.1; P5272: 250.3.8-250.4.1.

[49]BA411 SR:35.52; P795:14.1.3-14.3.4.

[50]BA412 BCA: 1.34; P5272: 245.4.5-6.

[51]BA413 Trong suốt đoạn này, Tsongkhapa dùng từ sa'i d’ngos gzhi để chỉ đoạn mở đầu của Du-già Sư Địa Luận.

[52]BA414 Satyaka-parivarta, P813:252.4.6-252.5.8,253.1.1-6. Cách diễn tả ở đây không giống hệt như vậy.

[53]BA415 Daśa-bhūmika-sūtra, Vaidya 1960c: 21-28; P761: 251.3.1-251.4.2.

[54]Do tham chấp, dẫn nghiệp sẽ dẫn dắt cho một sự tái sinh chắc chắn vào một trong sáu dạng (lục đạo) của dục giới (skt. dhātu) – bao gồm trời (skt. deva còn gọi là thiên), người (skt. manuṣya còn gọi là nhân), thần (skt. asura còn gọi là a-tu-la), súc sinh (skt. tiryagyoni), ngạ quỉ (skt. preta), và địa ngục (skt. naraka). Trong khi đó, các bổ nghiệp không dẫn dắt cho các tái sinh nhưng lại làm gia giảm các hậu quả của nghiệp báo như kể trên.

 Xem thêm Karma in Buddhism. Wikipedia.org. Truy cập 06/28/2011.

 <http://en.wikipedia.org/wiki/Karma_in_Buddhism>.

[55]BA416 Abhidharma-samuccaya {còn gọi A-tì-đạt-ma Tập Luận}, P5550: 257.1.2.4-5.

[56]BA417 AK: 4.95ab; P5590:122.2.4-5.

[57]BA418 Abhidharma-samuccaya , P5550: 257.1.4-5.

[58]BA419 Yogā-caryā-bhūmi, P5536: 256.3.8-256.4.1.

[59]BA420 Ibid., P5536: 256.3.4-7.

[60]BA421 Vs, P5539: 292.3.8-292.4.8.

[61]BA422 Đoạn này là cách diễn tả khác của Akbh, 5591: 220.4.3-8. Đoạn này cũng được Atiśa trích dẫn trong Karma-vibhaṅga-sūtra, 5356: 56.2.3.

[62]BA423 Trong chương 7 ở trên, khi nói tới kiếp sống quí báu của con người với đầy đủ cơ hội và thuận duyên (Lamrim chenmo: 78.4), Tsongkhapa nói rằng có các căn không đầy đủ nghĩa là “có không đủ tay chân, tai, v.v.

[63]BA424 Sáu thần thông (tnngon shes, abhijna) là thần nhãn, thần nhĩ, biết được tâm ý chúng sinh khác, nhớ các đời trước, thần lực, và trí tuệ diệt trừ cấu nhiễm. Thần thông thứ sáu này chỉ đạt được khi giải thoát. Năm thần thông đầu cũng được các trường phái không phải Phật giáo chấp nhận {Còn được gọi lần lượt là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thân như ý thông và lậu tận thông}.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 10006)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19950)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12914)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16720)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.