- Lời Nói Đầu Của Bản Dịch Việt Ngữ
- Kính Lễ & Lời Cảm Tạ
- Lời Tựa Từ Chủ Biên Của Bản Dịch Anh Ngữ
- Lời Nói Đầu Cho Bản Dịch Anh Ngữ
- Lamrim Lotsawas & Bảng Chữ Viết Tắt
- Dàn Ý Tập I
- Khai Luận
- Chương 1: Atiśa
- Chương 2: Giá Trị Cao Quý Của Phật Pháp
- Chương 3: Phương Cách Lắng Nghe Và Lý Giải Về Giáo Pháp Của Đức Phật
- Chương 4: Nương Tựa Vào Thầy
- Chương 5: Thời Thiền
- Chương 6: Bác Bỏ Quan Niệm Sai Lầm Về Thiền
- Chương 7: Một Kiếp Người An Lạc Và Thuận Duyên
- Chương 8: Ba Loại Người
- Chương 9: Chánh Niệm Về Cái Chết
- Chương 10: Quán Tưởng Về Kiếp Sống Tương Lai Của Quý Vị
- Chương 11: Quy Y Tam Bảo
- Chương 12: Giới Quy Y
- Chương 13: Các Tính Chất Tổng Quát Của Nghiệp
- Chương 14: Các Loại Nghiệp Khác Nhau
- Chương 15: Trau Dồi Giới Hạnh
- Chương 16: Thái Độ Của Người Có Ít Khả Năng
- Chương 17: Tám Loại Khổ
- Chương 18: Sáu Loại Khổ
- Chương 19: Thiền Quán Thêm Về Khổ
- Chương 20: Nguồn Gốc Của Sự Khổ
- Chương 21: Mười Hai Yếu Tố Duyên Khởi
- Chương 22: Thái Độ Của Một Người Có Khả Năng Trung Bình
- Chương 23: Nắm Chắc Bản Chất Của Con Đường Dẫn Tới Giải Thoát
- Chương 24: Tính Chất Của Tam Vô Lậu Học
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 6: Bác Bỏ Quan Niệm Sai Lầm về Thiền
b. Bác Bỏ Quan Niệm Sai Lầm Về Thiền
Có một số người chưa nhận thức được kinh điển và các luận giảng cổ là các yếu tố cấu thành các giảng huấn cá nhân, thế nên có thể có những hoài nghi sau:
Hoài nghi: Khi thiền định trên con đường tu tập, các vị chỉ nên thực hành pháp thiền định hơn là lặp đi lặp lại việc phân tích đối tượng thiền, bởi vì sự phân tích lặp lại với trí tuệ thấu suốt chỉ dành cho những lúc nghiên cứu và suy nghiệm. Thêm vào đó, phân tích lặp lại sẽ ngăn chận việc nhận ra Phật tánh của quý vị trong tương lai bởi vì tư tưởng có ý niệm sẽ nắm bám vào những biểu hiệu {biểu tướng} của hiện hữu thực sự.
Giải đáp: Đây là hý luận {lập luận sai lạc} không có nghĩa lý gì của người hoàn toàn không hiểu biết về những điểm quan trọng của hành trì, bởi vì theo Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm của ngài Di-lặc:[1]
Sự chú tâm đúng đắn đặt căn cứ trên những nghiên cứu trước đó. Trí tuệ siêu phàm, vốn lấy thấy thực tại làm đối tượng, khởi lên từ sự tu tập của các ngươi để có được một chú tâm đúng đắn.
Ở đây đức Di-lặc dạy là quý vị nên dùng trí tuệ có được từ sự quán chiếu để đạt đến một cách đúng đắn ý nghĩa của những gì đã học được. Từ đây trí tuệ sẽ khởi sinh bằng thiền và nhận ra được thực tại.
Vì thế, việc trước tiên là hãy tu học với những ai về điều mà quý vị sẽ chủ định để tu hành, và hãy biết đến điều này như là quan hệ gián tiếp. Kế đến, hãy sử dụng kinh điển và lý luận để suy tưởng về ý nghĩa của những gì đã, đang học, và biết đến điều này là quan hệ trực diện. Một khi các vị đã xác quyết ý nghĩa của những gì mà vốn quý vị đã chủ tâm từ đầu nhằm tu tập theo loại hành trì và suy tưởng này, và một khi không còn nghi ngờ nữa, hãy lặp đi lặp lại cho đến khi thành thạo. Quý vị có thể gọi sự thành thạo lặp lại này là “thiền”. Vì thế, các vị cần thực hành cả thiền phân tích {thiền quán} và thiền định không phân tích {thiền chỉ} nhiều lần, bởi vì thiền bao gồm cả định lực bình ổn không phân tích về ý nghĩa của những gì mình chủ định tu tập từ ban đầu vốn được xác quyết thông qua học hỏi và quán chiếu lẫn sử dụng trí tuệ thấu suốt để phân tích ý nghĩa này. Do đó, cho rằng tất cả các loại thiền là thiền chỉ thì chẳng khác chi khi lấy chỉ một hạt lúa mạch và nói rằng “Đây là tất cả các hạt lúa mạch”. [70]
Hơn nữa, bởi vì sự học hỏi phải có trước trí tuệ phát sinh từ sự học hỏi, và sự quán chiếu phải có trước trí tuệ phát sinh từ quán tưởng, tương tự như thế thiền phải có trước trí huệ phát sinh từ thiền. Như thế, thiền nghĩa là trở nên quen thuộc với những gì mà mình xác minh được do việc dùng trí tuệ có được từ quán chiếu. Vì thế, người ta nói là trí tuệ đến từ thiền là sản phẩm của trí tuệ phát sinh từ sự quán chiếu.
Do đó, độ sâu xa của trí tuệ phát sinh từ sự học hỏi là tương xứng với sự học hỏi của các vị. Bề rộng của sự quán chiếu này tương xứng với trí tuệ có được, trong khi độ sâu của trí tuệ phát sinh từ các quán chiếu thì tỉ lệ thuận với sự quán chiếu của các vị. Mức độ của thực hành thiền tương ứng với độ sâu của trí tuệ có từ quán chiếu, trong khi đó khả năng dừng các sai lạc và thành tựu các thiện đức là tương xứng với việc hành thiền của quý vị. Vì thế, các kinh luận đều cho rằng học hỏi và quán chiếu là rất quan trọng cho việc thực hành thiền.
Phản biện: Những gì được xác định qua học hỏi và quán chiếu là không chủ ý cho việc thiền, mà chỉ là để đề cao kiến thức bề ngoài và xóa đi hiểu biết sai lầm của người khác. Vì thế, khi thiền, các vị phải thiền về những gì không liên hệ đến điều mình học hỏi và quán chiếu.
Đáp: Điều này không dính dáng nhau, giống như chỉ đến một con ngựa trường đua này và rồi chạy thi ở một trường đua khác. Điều này hoàn toàn hủy diệt tiến trình phát triển ba loại trí tuệ[2] theo thứ tự, mà vốn theo kinh điển, như là một tổng thể, hiện hữu. Điều này cũng tiềm ẩn lời tuyên bố vô nghĩa “Học hỏi nhiều là không cần thiết khi du hành trên đạo lý chân thật”.
Một chỉ dấu của việc không nhận ra các điểm trọng yếu này nằm trong việc không phân biệt được ngay từ đầu giữa những ai được rèn luyện kỹ lưỡng về kinh tạng hay mật tạng và những người không hề được huấn tập chi cả; và sau đó, lại không được chỉ định thời gian thích hợp cho việc tu tập. Một chỉ dấu khác là các thiền giả bị chỉ trích nếu họ học hỏi hay nghiên cứu. Thói quen lầm lỗi này vẫn còn cố hữu ở Tây Tạng. [71]
Nếu sự thành thục hóa đơn thuần về kiến thức có được từ trí tuệ của việc học hỏi và quán chiếu lại không thật sự có một phẩm chất tốt vốn là kết quả của thiền, thì làm thế nào điều này có thể mâu thuẫn với sự thành thục hóa một cách đơn giản chỉ qua thiền? Nếu vậy, thì có nghĩa là thiền sẽ chẳng bao giờ khả dĩ đối với một người bình thường vốn chưa từng truy cập được mức an định đầu tiên của thiền.[3] Vì, các văn bản về tri kiến thường giải thích rằng tiến trình của việc bước vào một mức thiền cao hơn từ mức thiền dục giới sẽ tạo ra các phẩm hạnh cao đẹp vốn là kết quả của việc thiền, nhưng lại không có kết quả nào như thế của việc thiền [sự tạo thành của một phẩm hạnh cao đẹp] vốn tự nó liên quan tới cõi dục giới.[4]
Vì vậy, hãy hiểu “thiền” như đã được giải thích trong Minh Cú Luận Thích {skt. Prasphuṭapadā} của Dharmamitra {tên dịch nghĩa Pháp Tú}:[5]
“Thiền” là đưa tâm ta vào trạng thái hay điều kiện của đối tượng thiền.
Thí dụ, “thiền về từ bi” và “thiền về tín tâm” có nghĩa là tâm thức phải chuyển hóa để phát triển những phẩm chất này. Bởi vì việc này, ngay cả các đại dịch giả đôi khi dùng thuật ngữ “lộ trình thiền”, và đôi khi khác lại dùng từ “tạo duyên” {tạo điều kiện} như các câu của Phật Di-lặc trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận[6] “lộ trình tri kiến và lộ trình tạo điều kiện {tạo duyên}”. Tạo duyên và thiền là đồng nghĩa.
Vả lại, tôn giả Di-Lặc còn đề cập:[7]
Như để phân nhánh khác biệt chắc chắn,[8]
Lộ trình tri kiến {kiến đạo} và lộ trình thiền {thiền đạo}[9]
Đó là quán chiếu, hiểu sâu, và khả năng suy xét thấu suốt nhiều lần.
Điều đó tạo nên lộ trình thiền.
Đức Di-lặc còn dạy rằng quán chiếu, hiểu sâu và suy xét rõ ràng nhiều lần cấu thành con đường thiền của một tôn giả Đại Thừa. Dưới sự soi sáng của điều này, thì thật là buồn cười khi cho rằng thiền và phân tích liên tục là chống trái nhau.
Thêm vào đó, không bao giờ có sự chấm dứt về các thuyết giảng rằng mục đích của sự phân tích liên tục và lặp lại là thiền. Chẳng hạn, có những nguồn tham khảo về “ thiền về niềm tin” “ thiền về tứ vô lượng tâm và tâm giác ngộ” [10] và “ thiền về vô thường và khổ”. Ngài Tịch Thiên trong cuốn Nhập Bồ-đề Hành Luận và Bồ-tát Học Luận có đề cập[11] “Tôi sáng tác thi kệ này để tạo duyên cho tâm thức) tôi”. Theo cách này, ngài nói tất cả giai trình của đạo pháp mà ngài giải thích trong hai bản luận này đều là thiền. [72] Ngoài ra, Bồ-tát Học Luận còn cho biết[12] “Do đó, hãy thiền liên tục ở bất cứ bộ phái nào, bảo vệ, thanh tịnh hóa, hay nâng cao cơ thể, tài sản hay phước báu”. Với tâm như vậy, hãy đừng nhìn “thiền” như bị giới hạn như vậy.
Ngoài ra, bảo rằng tất cả ý tưởng định danh {sự dưa ra khái niệm hay cách đặt tên} đều liên hệ đến sự nắm bắt các biểu tướng của sự tồn tại thực sự và do đó ngăn chận giác ngộ, có thể là điều lầm lẫn tệ hại nhất bởi vì điều đó có nghĩa là không xem trọng tất cả thiền tập phân biệt. Đây là hệ thống của Ha-shang[13] một vị trụ trì Trung Hoa. Tôi sẽ giải thích sự bác bỏ điều đó trong chương nói về định và tuệ. Sự hiểu lầm này cũng gây trở ngại cho việc phát triển lòng kính trọng sâu xa đến các kinh luận cổ điển, bởi vì những kinh văn này phần lớn chỉ quan tâm đến nhu cầu của việc sử dụng phân tích phân biệt, trong khi hệ thống của Ha-shang cho rằng tất cả sự phân tích là điều không cần thiết trong lúc hành trì. Đây cũng là lý do chính của suy thoái về giáo pháp, bởi vì những ai có sự lầm lẫn này đã không nhận ra các kinh điển cổ điển và những luận giảng của chúng là những lời hướng dẫn và vì thế đã làm giảm đi giá trị của các kinh điển đó.
Vấn: Như ngài đã nói, nếu có hai loại thiền: thiền quán và thiền chỉ, như vậy thì thiền quán cần có những thực hành nào và thiền chỉ cần có những phương cách thực hành nào?
Đáp: Tôi sẽ giải thích điều này. Thiền quán là cần thiết cho các thiền tập chẳng hạn những ai có lòng tin: vào đạo sư; thấy tầm quan trọng và khó khăn lớn lao trong việc thấm nhập sự an lạc và cơ duyên; vào sự chết và vô thường; vào nghiệp và nghiệp quả; vào sự khiếm khuyết của luân hồi; và vào Bồ-đề tâm. Phải có những điều này bởi vì thiền đòi hỏi sự tỉnh thức vốn bền bỉ, rất mạnh mẽ, và có khả năng chuyển hóa tâm thức. Không có những điều này, quý vị sẽ không thể ngăn được những lực đối nghịch lại thiền, ví dụ như bất kính.
Thêm vào đó, sự phát triển một tỉnh giác mạnh mẽ như thế chỉ tùy thuộc vào việc thiền tập nhiều lần với sự phân tích phân biệt. [73] Chẳng hạn, khi quý vị một cách lầm lạc chồng chất nhiều đặc tính hấp dẫn lên trên đối tượng tham luyến của mình, thì chính quý vị đã tạo ra một sự tham luyến mãnh liệt. Tương tự như vậy, khi quý vị thường nghĩ về những điểm xấu của kẻ thù thì lại càng tạo nên một sự thù hận kinh khủng. Điều đó hoàn toàn giống như trường hợp của bất cứ loại thiền nào trong các loại thực hành bất kỳ [sự chết và vô thường, nghiệp và nghiệp quả, .v..v..] bất kể rằng hình ảnh của đối tượng thiền đó có rõ ràng hay không. Vì thế, hãy thực hành thiền quán bởi vì tâm thức của quý vị đòi hỏi một phương cách bền bỉ và mạnh mẽ để nắm bắt các đối tượng thiền của tâm.
Khi các vị đạt được các thiền bình ổn, ví dụ như định từ thiền, thì quý vị tạo được sự hoạt dụng cho phép các vị trụ tâm mình vào đối tượng thiền như mình mong muốn. Đối với người mà tâm không thể giữ được trên một đối tượng của thiền quán một cách lặp đi lặp lại trong khi cố gắng đạt đến một sự an định thiền, thì họ sẽ không thể tạo ra được một tâm bình ổn. Do đó, trong trường hợp này họ nên thực tập thiền chỉ {bình ổn thiền}. Tôi sẽ giải thích về điều này sau, trong phần về định và tuệ.
Không biết gì về hệ thống này, có một số người còn dám cổ súy “Nếu ngươi là một học giả, thì ngươi chỉ thực hành thiền phân tích. Các thiện giả thì chỉ thực hành thiền an định”. Điều này không đúng, bởi vì mỗi người phải thực hành cả hai. Học giả phải đạt được thiền an định thí dụ như là thiền đạt được sự thanh thản, trong khi thiện giả phải bảo đảm những thực hành như là niềm tín tâm mãnh liệt vào đạo sư. Thêm vào đó, trong cả hai kinh điển của Hiển giáo và Mật giáo đều thường dạy rằng các vị phải có suy xét thấu suốt về cả hai phương pháp thiền. Nếu các vị thiếu hay không hiểu rõ thiền quán, thì sẽ không phát triển được trí huệ không ô nhiễm, mà đó chính là cuộc đời quý giá trên con đường tu tập. Ngay cả khi các vị chỉ phát triển được một chút ít trí huệ, thì rồi trí huệ đó gia tăng không đáng kể. Vì thế, các vị sẽ không tiến bộ nhanh trên con đường tu tập, bởỉ vì đối tượng tối hậu mà các vị sẽ đạt tới trên đường tu chính là trí huệ phân biệt, một cách toàn diện và không mơ hồ bản chất thật và sự phân hóa của các hiện tượng {các pháp}. Như đạo sư Mātṛceṭa[14] đã khẳng định “nhất thiết trí[15] là điều tốt nhất trong các trí huệ”. Kết quả là, hãy hiểu điều đó như là một chỉ dấu xác định của việc đi sai đường tu, nên cho dù có phát triển trên lộ trình đó bao nhiêu đi nữa, sự tỉnh thức của các vị cũng bị che mờ đi vì sự lãng quên và các vị sẽ chậm đi trong việc loại bỏ hay nhận thêm điều mới.
Hơn nữa, bằng cách sử dụng trí huệ sáng suốt để hành trì thiền quán về ý nghĩa của kinh điển, các vị sẽ hiểu rõ các thuộc tính phẩm chất thiện đức củaTam Bảo và tương tự, và rồi lòng tin của các vị sẽ gia tăng mạnh mẽ với các thuộc tính này ..v.v… [74]. Cũng như vậy, khi đã dùng thiền phân tích để nắm bắt về nhiều sai lạc của luân hồi, các vị sẽ phát triển sự chán ghét lớn lao và ảo mộng cuộc đời tan biến đi với luân hồi, và rồi các vị nhận ra được lợi lạc của việc giải thoát từ nhiều khía cạnh. Vì thế các vị sẽ tinh tấn tầm cầu giải thoát. Dùng loại thiền này, các vị sẽ thấu hiểu được Bồ-đề tâm và nhiều hoạt động kỳ diệu của lục độ ba-la-mật-đa và ..v..v… Điều này sẽ làm gia tăng tín tâm không thể lay chuyển một cách lớn lao, tâm nguyện và tinh tấn một cách hoan hỷ. Bởi vì tất cả những điều này đặt căn bản một cách đặc thù trên trí huệ thấu suốt để thực hiện thiền phân tích lên ý nghĩa của kinh điển, người thông minh {thiện tri thức} phải dùng phương cách này để đem lại điều xác quyết như thế mà vốn những thứ khác không làm chao đảo rời xa đường tu tập được.
Đối với những người hiểu biết rất ít về phương cách để thiền có thể nói như sau:
Vấn: Nếu các vị phân tích nhiều quá với sự thấu suốt, và bền bỉ đó trong thiền, thì các vị sẽ ngăn trở khả năng tập trung của mình, vốn là sự nhất tâm lên một đối tượng thiền duy nhất. Như vậy quý vị sẽ không đạt được sự tập trung vững chắc.
Đáp: Tôi sẽ giải thích về điều này. Sự tập trung cho phép các vị đặt sự chú tâm cố định của mình một cách mong muốn vào bất cứ đối tượng thiền nào. Nếu các vị chưa đạt được sự tập trung như thế, thì sự tập trung này sẽ không phát triển nếu quý vị toan thử để đạt nó lần đầu tiên trong khi cố phân tích nhiều đối tượng. Vì thế, đơn giản thực hành thiền chỉ nhằm tạo được sự tập trung cho đến khi thành tựu. Nếu đây chính là ý nghĩa câu hỏi của quý vị, thì tôi đồng ý.
Tuy nhiên, các vị có thể khẳng định rằng nếu thực hành thiền quán quá nhiều trước khi đạt được sự tập trung, thì các vị cản trở sự tập trung của mình. Nếu trường hợp này là đúng, thì rõ ràng là các vị không thông hiểu phương cách để thành tựu tập trung như đã giải thích trong các luận giảng của các đại sư tiên phong. Ví dụ, khi một người thợ vàng đốt đi đốt lại vàng và bạc trong lửa rồi rửa bằng nước, thì họ đã thanh lọc các vết dơ và cặn thừa. Vàng và bạc như thế trở nên mềm và dễ uốn nắn. Từ đó, chúng sẵn sàng được biến đổi thành bất cứ loại trang sức nào mình muốn, ví dụ như là bông tai. [75]
Tương tự như thế, các vị khởi đầu dùng trí huệ thấu suốt để thiền nhiều lần về những sai sót, ví dụ như các phiền não, phiền não khởi sanh từ phiền não {phiền não thứ cấp}, các nghiệp quả khi làm việc xấu, và những khiếm khuyết của luân hồi tùy theo thứ tự trong kinh điển. Điều này làm các vị hoàn toàn không hài lòng hay làm tan ảo mộng. Mang những điều này vào tâm thức chính là các vị quay lưng đi với những loại sự việc xấu và xóa tan đi các phiền não này, giống như đốt vàng trong lửa. Kế đến, các vị hãy dùng trí huệ thấu suốt để thiền nhiều lần lên các phẩm hạnh tốt, ví dụ như là các phẩm hạnh của vị thầy, tầm quan trọng lớn lao của an lạc và cơ duyên, các phẩm hạnh cao đẹp của Tam Bảo, thiện nghiệp và hậu quả của nó, và lợi lạc của tâm giác ngộ, một lần nữa theo thứ tự trong kinh điển. Điều này khiến cho tâm thức trở nên “thấm đẫm” hay trong sáng[16]. Tương tự như khi rửa vàng trong nước. mang điều này vào tâm trực tiếp hướng tâm đến phía những nhóm hiện tượng thiện đức, tạo nên niềm hỷ lạc, và sau đó làm tâm thức thấm đẫm đầy thiện đức. Một khi điều này xảy ra, hãy tập trung tâm vào điều mình muốn đạt được - như định hay tuệ từ thiền – và các vị sẽ đạt được nó không khó khăn. Vì thế, thiền phân tích là phương pháp siêu việt để thành tựu sự tập trung không phân tán.
Với cách tương tự, tôn giả Vô Trước giảng rằng:[17]
Thí dụ, để người thợ bạc hay những người học các kỹ năng của họ để làm tinh khiết bạc hay vàng lấy hết cả vết dơ và cặn thừa, họ nung chúng trong lửa và rửa bằng nước. Bằng cách làm như thế, họ hiểu rằng họ có thể làm chúng thành những vật trang sức thế này hay thế kia bằng các khả năng hữu dụng và khả năng dễ uốn nắn của nó. Rồi thì, những người khéo tay đó trong mỹ nghệ – thợ và những người học nghề khéo léo – với dụng cụ thích hợp biến đổi kim loại thành loại nữ trang nào đó theo ý muốn. Tương tự như thế, những nam và nữ thiền giả sẽ trở nên tỉnh ngộ đơn thuần qua việc không chuyển tâm mình về phía ô nhiễm hay phiền não như là tham đắm. Các vị đó tạo nên niềm hoan hỷ đơn thuần qua việc không chuyển hướng về phía bất hạnh của tâm phiền não và qua việc có xu hướng nghiêng về phía hỷ lạc trong nhóm các điều thiện đức. [76] Khi làm như vậy, các tâm thức của họ, một cách không chao động hay không dịch chuyển, trở nên liên kết và an trụ lên bất kỳ đối tượng nào mà họ áp dụng đến trong vòng nội hàm của định hay tuệ. Thế nên họ có thể dụng tâm mình đạt được bất cứ đối tượng nào mà họ nhắm đến.
Hôn trầm và trạo cữ[18] là hai bất thuận duyên cơ bản cho việc đạt đến sự tập trung ở vị thế mà tâm một cách vững chãi lưu lại trên một đối tượng của thiền. Về vấn đề này, nếu quý vị có sự tỉnh thức rất mạnh mẽ và dài lâu về những phẩm hạnh cao đẹp của Tam Bảo và những điều tương tự, các vị sẽ dễ dàng loại trừ được hôn trầm. Nhiều thiền giả có uy tín khẳng định rằng phương cách trị liệu cho hôn trầm chính là nâng cao tâm thức bằng cách cảm nhận các phẩm hạnh thiện đức. Tương tự như thế, nếu có sự tỉnh thức mạnh mẽ và dài lâu về những sai sót của vô thường, khổ và những điều giống như thế, các vị sẽ dễ dàng loại bỏ được trạo cữ. Nhiều kinh điển dạy rằng sự thất vọng được ca tụng là một phương cách trị liệu cho trạo cữ bởi vì trạo cữ chính là sự xao lãng tâm thức liên can đến tham chấp.
Vì vậy, các vị sẽ dễ dàng đạt được sự trụ tâm vững chắc vốn làm vừa ý các thiện tri thức đến một mức độ tương đương với các tu tập - bắt đầu từ tín tâm vào thầy và kết thúc ở việc tiến hành Bồ-đề tâm. Quý vị không những phải duy trì được thiền định sau khi hoàn toàn không còn hôn trầm và trạo cữ, mà các vị còn phải duy trì được thiền quán. Do vậy, các đạo sự uyên bác của dòng truyền thừa đã trao xuống những giáo huấn cá nhân {giáo huấn biệt truyền} chuyên chở một tri kiến rõ ràng về đối tượng thiền nào mà họ truyền thụ. Để làm được việc này, trước tiên các vị thầy đã phải suy ngẫm về ý nghĩa của những đoạn kinh và luận phù hợp dưới ánh sáng soi rọi từ các giáo huấn biệt truyền của các đạo sư tiên phong của chính mình. Với việc phong phú hóa giảng giải của mình cùng với việc kể lại về các truyền nhân đạo sư đời trước, các thầy đã giảng giải một cách toàn diện về chủ đề thiền tập. Các ngài còn dạy rằng sự thành công sẽ khó khăn hơn đối với những người thiền một mình so với người chuyển hóa tâm trong một lớp hướng dẫn, nơi những người biết cách thức giảng giải chỉ giáo cho người biết cách lắng nghe. Lời xác quyết này là tuyệt diệu và xác thật. [77] Vì thế, thật là không đúng khi nói “Bây giờ là lúc để thiền”, và rồi thì chỉ thiền một thời gian ngắn thôi, vì câu nói “một thời gian để tu tập và quán chiếu và một thời gian để thực hành”, chứng tỏ một sự hiểu lầm rằng việc giải thích sâu rộng về giáo pháp là không tương hợp với nội dung thực hành.
Tuy nhiên, những người biết cách mang tất cả những giảng giải này áp dụng vào hành trì thì thật là hiếm có. Vì vậy, các vị phải tự mình sáng tạo được một sự trình bày chính xác về những gì cần duy trì trong thiền tập.
Việc mà quý vị hiểu rằng tất cả kinh điển là giáo huấn biệt truyền chỉ được hành trì hay không là tùy theo việc liệu các vị có hiểu biết về tiến trình thiền này không. Khi hành trì trên thiền đạo này, ngay cả những người đã được huấn luyện trong thời gian dài về các kinh điển cổ của cả kinh thừa lẫn mật chú thừa cũng có thể diễn dịch các văn bản mà vốn họ hành trì theo những cách hiểu sai lạc như đã đề cập ở phần trên. Huống hồ chi cần phải đề cập người chưa được học về các kinh tạng? Vì thế cho nên, thật sự là cần thiết để khẳng định điều này một cách thật nhiều chi tiết hơn. Tuy nhiên, vì sợ dài dòng, tôi đã không viết nhiều hơn. Đến đây là chấm dứt phần giải thích về sự bác bỏ những hiểu lầm liên quan đến phương pháp duy trì thiền.
[1]BA175 MSA; P5521:3.3.2.
[2]BA176 Ba loại trí tuệ đó là trí tuệ phát sinh (1) từ học hỏi, (2) từ quán chiếu và (3) từ thiền {còn gọi là văn, tư và tu}.
[3]BA177 “truy cập được” mức thiền gọi là “mức an định {bình ổn} thiền đầu tiên” là đạt đến thông qua một loại chú tâm chuyên biệt, chẳng hạn như là việc định từ thiền.
[4]BA178 Thuật ngữ được dịch ở đây “phẩm hạnh cao đẹp do thiền” bsgoms byung , có một ý nghĩa riêng biệt. Những Phẩm hạnh cao đẹp như thế chỉ liên quan đến cõi sắc giới và vô sắc giới. Tuy nhiên, quý vị có thể đạt được các phẩm hạnh diệu hảo trong cõi dục giới; chỉ là không có những phẩm hạnh diệu hảo do kết quả từ thiền mà vốn tự nó đã liên quan đến cõi dục giới.
[5]BA179 Abhisamayā-laṅkāra-prajñāpāramitopadeśa-śāstra-ṭīkā-prasphuṭa-padā-nāma, {Hiện Quán Trang nghiêm Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận Thích} P5194:104.1.1-2.
[6](180) AA: 4; P5184: 6.3.1.
[7](181) Ibid: 4.53; P5184: 6.3.1.
[8]BA182 Nirveda-bhagiya (còn được gọi là “ trợ giúp để thẩm thấu”) là tên của con đường chuẩn bị)
[9]Nhắc lại: Lộ trình tri kiến và lộ trình thiền là hai trong năm nhánh của Bồ-tát đạo. Theo một cách phân nhánh, các lộ trình Bồ-tát đạo được chia làm năm cấp tu tập tương ứng với câu chú trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh bao gồm: (1) gate – Lộ trình tích lũy hay tích lũy đạo; (2) gate – Lộ trình chuẩn bị hay gia hành đạo; (3) pàragate – Lộ trình tri kiến hay kiến đạo; (4) pàrasaṃgate – Lộ trình thiền hay tu tập đạo; và (5) bodhi – Lộ trình vô lậu học hay vô lậu học đạo. Câu chú Pàragate Pàrasaṃgate Bodhi svàhà thường được phiên âm trong các bản dịch Tâm Kinh là: Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, Bồ-đê-tát bà-ha. Xem thêm: How to Practice. P202-3. C6. Dalai Lama. Jeffrey Hopkins trans. Pocket Books. 2002.
[10]Tứ vô lượng tâm là các tâm từ, bi, hỷ, xả. Tâm giác ngộ còn gọi là Bồ-đê tâm.
[11]BA183 BCA: 1.2d; and Ss,P5336: 183.4.8.
[12]BA184 Śs: 4; P5336: 188.4.8-188.5.1.
[13]Đây là tên phiên âm của chữ Hòa Thượng.
[14]Tên dịch nghĩa là Mẫu Hầu có tài liệu phiên âm thành Ma-hý-lý-chế-tra.
[15]Hay Toàn trí là trí huệ thấu suốt được sự thật của tất cả các pháp trong cùng một lúc.
[16]BA185 Lochö Rimpochey chú giảng rằng điều này có nghĩa là tâm trở nên khả dụng (“serviceable” – tức là tâm được thuần hoá theo ý) và hoạt dụng (“pliant” – là trạng thái tâm trở nên mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, nhẹ nhàng – trong một số tài liệu Phật giáo, thuật ngữ này được dịch là khinh an). Xem quyển 3 sẽ có các mô tả chi tiết.
[17]BA186 Śbh, P5537: 108.5.7-109.1.5.
[18]Hôn trầm là trạng thái mà tâm thiền giả trở nên xao lãng, lỏng lẻo không còn sức lực tập trung, chủ đề hay đối tượng thiền trở nên mờ nhạt tối tăm không sinh động. Trạo cữ là trạng thái ngược lại ở đây tâm thiền giả trở nên khích động hay quá căng chặt, bị lạc hướng vào các đối tượng thu hút khác. Các phương tiện trị liệu sẽ được ngài Tsongkhapa đề cập chi tiết trong quyển 3.