Lời Tựa

11 Tháng Năm 201200:00(Xem: 10279)

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN PHẬT QUẢ
Những Giáo lý về Pháp Bảo của sự Giải thoát của Gampopa
Ringu Tulku
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

LỜI TỰA

BẢN VĂN

 

Dagpo Tarjen1 hay Pháp Bảo của sự Giải Thoát2 của Gampopa là một trong những bản văn quan trọng nhất của Phật Giáo Tây Tạng. Trong truyền thống Kagyu,3 nó là bản văn chính yếu được sử dụng trong giáo huấn của các tu sĩ. Đôi khi nó được nhắc tới là “sự hợp nhất của hai dòng suối” bởi ở đây Gampopa kết hợp hai truyền thống hay dòng Giáo Pháp, đó là Giáo Pháp của truyền thống Kadampa4 Đại thừa và của truyền thống Mahamudra5 Mật thừa.

Giáo lý của Gampopa kết hợp hai truyền thống này trong một con đường khiến chúng có thể được cùng thực hành như một kinh nghiệm. Những giáo lý này nhanh chóng trở thành một trong những bản văn nền tảng quan trọng và hữu hiệu nhất được sử dụng trong việc giảng dạy Phật giáo ở Tây Tạng từ thế kỷ mười một trở đi. Toàn bộ truyền thống Kagyu được đặt nền chủ yếu trên giáo lý này.

 

 

TÁC GIẢ

 

Gampopa sinh năm 1079 và mất năm 1153. Mặc dù nổi danh là một y sĩ, ngài không thể cứu mạng vợ và hai con của ngài, họ chết trong một trận dịch tàn phá miền đất họ sinh sống. Tràn ngập nỗi tiếc thương, ngài nhận thức sâu xa về bản chất phù du của mọi sự (của vạn pháp) và nỗi khổ cố hữu tiềm tàng trong đó. Ngài đã từ bỏ thế gian và hoàn toàn hiến mình cho việc thực hành tâm linh, tìm kiếm một cách thức thoát khỏi khổ đau của sinh tử. Gampopa trở thành một tu sĩ và trong nhiều năm đã đi theo giáo lý của các geshe6 Kadampa trong thời đó. Một hôm ngài tình cờ nghe danh hiệu của Milarepa, thi sĩ du già nổi tiếng của Tây Tạng, và lòng kính ngưỡng mãnh liệt lập tức phát khởi trong ngài. Cảm hứng sâu xa, ngài bắt đầu kêu khóc và lập tức ra đi tìm kiếm Milarepa.

Sau nhiều gian khổ, Gampopa đến gần nơi vị hành giả du già trú ngụ. Sau chuyến du hành không ngừng nghỉ, giờ đây Gampopa đã lâm bệnh và kiệt sức. Những người dân làng đưa ngài về nhà và đối xử với ngài rất tôn kính và quý mến. Họ nói: “Hẳn ngài là người mà Milarepa đã nói đến.” “Ngài nói gì về tôi?” Gampopa hỏi. Những người dân làng đáp rằng Milarepa đã tiên đoán là Gampopa sẽ đến, và nói với họ” “Một tu sĩ từ tỉnh Ü7 đang đi tới đây. Ông ta là một đại Bồ Tát và sẽ là người hộ trì dòng truyền thừa của ta. Tất cả những ai biểu lộ lòng hiếu khách khi ông ta mới đến sẽ được giải thoát khỏi sinh tử và sẽ được hưởng điều may mắn tuyệt vời.”

Khi Gampopa nghe nói thế, ngài tự nhủ: “Mình hẳn là một người vô cùng đặc biệt.” Những cảm xúc kiêu ngạo và tự phụ phát khởi trong tâm ngài, và vì thế, khi ngài tới gặp Milarepa trong hang động, Milarepa đã từ chối không tiếp ngài. Milarepa để cho Gampopa chờ đợi trong một hang động gần đó trong mười lăm ngày. Cuối cùng, khi được phép gặp Milarepa, Gampopa thấy vị hành giả đang ngồi ở đó với một chén sọ người đầy rượu. Milarepa đưa chén sọ người cho Gampopa và mời ngài uống. Gampopa bối rối. Ngài là một Tỳ kheo và đã nguyện không uống rượu. Nhưng ở đây Milarepa ra lệnh ngài uống. Thật là không thể tưởng tượng nổi! Tuy nhiên, niềm tin và lòng kính ngưỡng của Gampopa đối với Đạo sư to lớn đến nỗi ngài nhận chén sọ người và uống cạn.

Hành động này có một ý nghĩa hết sức tốt lành, bởi nó cho thấy tâm thức Gampopa đã hoàn toàn trống trải và sẵn sàng thọ nhận toàn bộ giáo lý và sự chứng ngộ viên mãn của Milarepa. Ta được biết rằng một đệ tử có thể nhận được lợi lạc tới mức độ nào từ vị Thầy thì tùy thuộc vào việc tâm của người đó mở rộng ra sao. Mặc dù Gampopa là một tu sĩ hoàn hảo, ngài đã uống chén rượu không chút do dự hay ngại ngần, điều đó có nghĩa là ngài vô cùng khoáng đạt và không gợn chút nghi ngờ nào.

Sau đó Milarepa ban cho Gampopa toàn bộ giáo lý, và trong một thời gian rất ngắn Gampopa trở thành đệ tử8 tuyệt hảo và chứng ngộ nhất của Milarepa. Vì thế trong giáo lý của Gampopa ta nhận thấy sự uyên bác và kỷ luật của truyền thống tu sĩ của ngài được kết hợp với sự chứng ngộ tuyệt đối của một hành giả hoàn toàn chứng ngộ mà ngài nhận từ Milarepa.

Luận giảng này chủ yếu được dựa trên nguyên bản Tây Tạng nhưng cũng có tham khảo các bản dịch của Guenther và Holmes ở những chỗ cần thiết.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8763)
02 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8304)
Pháp luyện tâm nói về hành trì của các hành giả cao cả. Khi tu tập để phát bồ đề tâm, trước hết, ta phải phát khởi các thực chứng của một hành giả sơ căn và trung căn trong lamrim1, để thiền quán về tánh Không, về sự bình đẳng ngã tha và hoán chuyển ngã tha.
27 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7693)
Dù một số học giả cho rằng Mật điển của Phật giáo phát xuất từ Ấn giáo (Hinduism), điều này không đúng. Lý thuyết này thịnh hành trong số những người theo học thuyết Tiểu thừa, dựa trên sự tương đồng bề ngoài của các yếu tố trong hai hệ thống, chẳng hạn như sắc tướng của các Hộ Phật, pháp thiền quán về kinh mạch và khí, nghi lễ lửa, v.v...
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 9759)
1. Với quyết tâm thành tựu mục đích tột cùng cao cả/ Làm lợi lạc hết thảy chúng hữu tình,/ Tâm hạnh trân quý còn hơn cả viên bảo châu như ý,/ Nguyện luôn yêu thương giữ gìn tất cả mọi chúng sinh./ 2. Mỗi khi gặp gỡ tiếp xúc bất kỳ ai,/ Con nguyện coi mình là kẻ thấp kém nhất./ Sâu thẳm tận đáy lòng, con nguyện xin tôn trọng,/ Và kính quý người khác như những bậc tối cao./
25 Tháng Sáu 2014(Xem: 10578)
Đại học Shuchi có nguồn gốc là một Trường đào tạo Nghệ thuật và Khoa học, được Bậc Thầy Kobo Daishi, người sáng lập của truyền thống Phật giáo Shingon Nhật Bản, thành lập vào năm 828 trên nền của ngôi chùa Toji ở Kyoto. Đây là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Nhật Bản mở cửa cho tất cả mọi sinh viên không phân biệt địa vị xã hội hay kinh tế.