Chuyển hoá tâm qua thiền định

29 Tháng Tám 201416:19(Xem: 4591)
MẬT TÔNG TÂY TẠNG
Nguyên tác TANTRA IN TIBET của Tenzin Gyatso, Đạt-lại Lat-ma 14
Jeffrey Hopkins dịch sang Anh ngữ và biên tập
Thích Nhuận Châu dịch Việt ngữ
Nhà xuất bản Phương Đông 2014

Phần II
NHỮNG BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA 14
VỀ HÀNH TRÌ MẬT TÔNG


Chuyển hoá tâm qua thiền định

Bài nói chuyện tại Naropa Institute, BoulderColorado University, Denver

Thiền là sự thuần hoá tâm qua một đối tượng để quán chiếu. Về phương diện nào mà tâm được thuần hoá cùng với đối tượng, thì rất có nhiều dạng thiền định. Trong một loại, tâm phát huy thành một thể đặc biệt của nhận thức, như từ quán hoặc huệ quán. Trong dạng thiền định như vậy, hành giả phát triển tâm mình thành tâm từ bi hoặc tâm trí huệ–từ bi và trí huệ không phải là đối tượng mà mà bạn quán chiếu, mà đó là thực thể, qua đó các bạn mong có sự chuyển hoá tâm thức mình qua tiến trình thuần hoá.

Tuy nhiên, khi các bạn quán chiếu về vô thường hoặc vô ngã, thì vô thường và vô ngã được xem như đối tượng từ cách nhận biết của tâm, và các bạn đang quán chiếu về nó. Trong một loại thiền định khác, nếu các bạn quán chiếu về phẩm hạnh cao đẹp của Đức Phật và ước nguyện đạt được điều ấy, thì những phẩm hạnh cao quý nầy là đối tượng của ước nguyện; đây gọi là thiền định theo bản nguyện. Còn có một dạng thiền định khác là tự mình tu tập để hiện bày tâm mình đạt đến các tầng bậc thực chứng; đây gọi là thiền định quán chiếu.

Trong cách khác, thiền được phân thành hai loại: chỉ và quán. Nói chung, chỉ (calm abiding; s: samatha, zhi gnas) là pháp thiền phát triển định lực, và quán (special insight (vipaśyana, ihag mrhong) là pháp thiền nhằm phát huy trí huệ.

Về phương diện đối tượng của thiền định, đối tượng của chỉ và quán đều có thể hoặc là thực tại tối hậu của hiện tượng hoặc là bất kỳ điều gì trong vô số hiện tượng. Nói chung, tánh không (śūnyatā) là điều được nhận ra qua kết quả của sự phân tích bằng sự chiêm nghiệm nguyên do hiện hữu tối hậu của các đối tượng. Tuy nhiên, ngay khi thiền quán về tánh không, hành giả tập trung nhất tâm và ý nghĩa của cái không vốn đã được khẳng định và không cần phải phân tích. Như vậy, có cả chỉquán khi quán chiếu về Tánh không. Tương tự, cả chỉ và quán khi quán chiếu về vô số hiện tượng có thể diễn ra tuỳ thuộc vào tâm đang hướng về đối tượng.

Chỉ, chính là pháp thiền nhằm phát triển định lực, vốn thông dụng đối với cả Phật giáo lẫn không phải Phật giáo. Trong Phật giáo thì được thực hành chung trong cả Tiểu thừa và Đại thừa, trong Đại thừa thì thông dụng cho cả Kinh thừa và Man-tra thừa. Tôi sẽ giải thích vắn tắt làm thế nào để đạt được phương pháp thiền để đạt được định lực nầy.

Tâm chúng ta, như đang hiện tiền, là hoàn toàn bị tán loạn bởi ngoại cảnh, do vậy nên tâm không có định lực. Tâm tưởng của chúng ta giống như nước, chảy tràn qua mọi hướng. Nhưng cũng chính nước ấy, khi khơi thành dòng, thì nó trở nên rất mạnh, tâm mình cũng như vậy.

Làm cách nào để tạo thành luồng tư tưởng trong tâm? Trong Mật thừa nói chung và Vô thượng Du-già Tantra nói riêng, có nhiều cách được mô tả, nhưng trước hết, tôi sẽ nói về phương pháp chung cho các thừa.

Để an trú tâm vững chãi trên một đối tượng quán sát, trước tiên cần thiết phải nhận biết đối tượng quán sát. Đức Phật mô tả có bốn loại–đối tượng để thanh tịnh hành nghiệp, đối tượng để tịnh hoá phiền não, đối tượng linh lợi (skillful objects) và đối tượng rộng khắp. Chẳng hạn, về đối tượng để thanh tịnh hành nghiệp, bất luận phiền não nào mà ta đã mắc phải từ trước, đến nay năng lực của nó vẫn còn trong tâm mình, thế nên cần thiết phải chọn một đối tượng quán chiếu để nó sẽ đối đầu với năng lực của phiền não ấy. Có người chủ yếu bị vướng vào tham dục, thì đối tượng để quán chiếu là sự xấu xí. Trong Tứ niệm xứ, điều nầy được giải thích trong sự tương quan với mục quan thân trên thân (mindful establishment on the body).[1] Ở đây, ‘xấu xí’ không nhất thiết có nghĩa là chỉ cho hình dáng bất toàn; thể chất của thân được cấu thành bởi máu, thịt, xương... bề ngoài như thể rất đẹp với những màu sắc rực rỡ, nhưng khi được khám phá ra, các bạn thấy rằng thể chất của nó là cái gì đó giống như xương. Nếu tôi mang vào mắt kính bằng tia X, tôi sẽ thấy một căn phòng đầy những bộ xương cũng như một bộ xương đang đứng nói từ cái bục nầy. Như vậy, quán chiếu vào ‘xấu xí’ có nghĩa là chiêm nghiệm về thể chất cuả thân.

Với những ai chủ yếu bị vướng vào sân hận, đối tượng quán chiếu là tình thương. Những ai chủ yếu bị chìm trong sự si mê, thì đối tượng quán chiếu là chuỗi xích mười hai nhân duyên của sự luân hồi sinh tử. Đối với những ai chủ yếu vướng mắc vào phiền não là tính ngã mạn, thì đối tượng quán chiếu là là các thành phần của một cơ cấu, vì khi quán chiếu về các thành phần, các bạn sẽ đạt tới điểm là nhận ra có nhiều điều mình chưa biết, do vậy nên giảm trừ tính ngã mạn. Với những ai trội vượt về mặt khái niệm, pháp quán chiếu được đề nghị là quán sát về hơi thở vào ra. Đó là những đối tượng để thanh tịnh hành nghiệp.

Như đã đề cập trước đây, đối tượng để quán chiếu còn có thể là tánh không (śūnyatā). Cũng vậy, các bạn có thể chọn một bông hoa, hay vật gì đó, làm đối tượng quán chiếu. Còn có người chọn chính tâm mình làm đối tượng quán chiếu. Cũng vậy, một Phật tử có thể quán chiếu về thân Phật, người Thiên chúa giáo có thể quán chiếu về Jesus hay thánh giá.

Bất luận đối tượng là gì, đây không phải là trường hợp thiền định với việc xem xét một vật bên ngoài với con mắt của mình, chủ yếu là khiến cho hình tượng của đối tượng ấy hiện ra trong tâm mình. Hình tượng nầy được gọi là ‘phóng ảnh–reflection,’ và đó chính là đối tượng quán chiếu.

Đã nhận ra được đối tượng quán chiếu rồi, làm thế nào để an trú tâm mình trên đó? Trước hết, các bạn phải được một vị Đạo sư chỉ dạy về đối tượng quán chiếu ấy; qua đó, bạn sẽ có được sự xác quyết về đối tượng ấy bằng cách tập trung tâm ý nhiều lần về nó. Chẳng hạn, nếu các bạn quán chiếu về thân tướng Đức Phật, trước hết cần phải biết hình tướng ấy thông qua nghe người khác diễn tả hoặc nhìn vào tranh vẽ hay tượng để quen thuộc với hình tướng ấy để nó dễ dàng xuất hiện trong tâm mình.

Đến lúc ấy, các bạn hãy quán tưởng hình tượng ấy đang ở trước mặt mình khoảng chừng 4 feet, ngang tầm mắt mình. Hình tượng ấy sẽ được quán tưởng rõ ràng, với bản chất trong sáng nhẹ nhàng, điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự tấn công của giãi đãi.

Cũng vậy, khi quán tưởng hình tượng Phật to lớn, sẽ giúp ngăn ngừa sự trạo cử. Càng thu nhỏ kích thước của đối tượng quán chiếu, càng giúp nó rút vào trong tâm mình, xoáy sâu vào nó. Tư thế ngồi thiền cũng rất quan trọng.

Những đối tượng quán chiếu cũng có thể dùng mẫu tự hoặc những đốm sáng ở những vị trí quan trọng trên thân thể. Khi thiền định theo phương pháp nầy, đối tượng phải là rất nhỏ, càng nhỏ càng tốt. Một khi đối tượng ban đầu đã được xác định, thì không nên thay đổi kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn nữa. Các bạn phải lưu ý kích thước nó phải được cố định trong suốt thời gian thiền định.

Ban đầu khiến cho đối tượng xuất hiện trong tâm. Rồi thì duy trì ý thức rõ ràng về nó để không bỏ quên về nó. Không đánh mất đối tượng thông qua chánh niệm như một nguyên nhân phát huy nội quán.

Trong khi duy trì tâm quán chiếu trên đối tượng, tâm bạn phải có hai phẩm tính– (l) rất sáng suốt không chỉ đối với đối tượng mà còn với cả tâm thức, (2) nhất tâm an trụ trên đối tượng quán chiếu. Hai yếu tố tiêu cực ngăn cản hai phẩm tính nầy phát huy, đó là giải đãi và trạo cử. Giải đãi ngăn chặn sự phát huy tính sáng suốt, và trạo cử ngăn cản sự phát huy tính vững chãi an định trên đối tượng quán chiếu.

Giải đãi là trường hợp tâm trở nên quá thoải mái, quá buông lỏng, thiếu sự tinh tấn–sự nhiệt tâm trở nên yếu dần đi. Nguyên nhân nhân của giải đãi là hôn trầm (lethargy), giống như có cái mũ trên đầu, như một gánh nặng. Với thuốc giải là các bạn phải làm cho tâm mình càng trở nên tinh tấn hơn.

Khi cách nắm bắt tâm được chặt chẽ rồi, sẽ ít có trường hợp nguy hiểm bởi sự giải đãi nhưng càng nguy hiểm hơn với sự trạo cử. Tâm tán lọan do tham dục được gọi là trạo cử (excitement); như vậy, tán loạn có thể có trong bất kỳ dạng đối tượng nào, trong khi đó, trạo cử chỉ là sự tán loạn đối với đối tượng của tham dục.

Thuốc giải cho trạo cử và các dạng tán loạn là các bạn phải hạ bớt mức độ tinh nhạy của tâm, làm cho tâm trở nên ít căng thẳng hơn.

Trong khi duy trì đối tượng quán chiếu với tâm chánh niệm, hãy tỉnh giác với nội quán từng lúc để nhận biết tâm có bị ảnh hưởng của giải đãi hay trạo cử không.

Nếu qua nội quán các bạn thấy tâm có nguy cơ bị giãi đãi, cần phải tăng cường mức độ tinh tấn; nếu có nguy cơ trạo cử; thì giảm bớt mức độ tinh nhạy một chút. Qua kinh nghiệm, cảm nhận về mức độ trung bình về sự tinh nhạy của tâm sẽ được phát hiện.

Để nâng cao mức độ nhận biết của tâm, hãy quán chiếu những điều gì khiến mình hân hoan; để hạ bớt, hãy quán chiếu những điều gì khiến mình trầm tĩnh, như sự đau khổ. Khi bắt đầu tập luyện theo cách nầy, tốt nhất là nên có những thời khoá thiền định ngắn hạn và thường xuyên, vì ban đầu rất khó đạt được trạng thái thiền định sâu khi ta bị bận rộn, hoặc ở trong thành phố ồn ào. Các bạn cần có một nơi yên tĩnh và biệt lập, không có được sự yên tĩnh, hầu như khó đạt được phẩm chất tối ưu của trạng thái an định.

Khi các bạn thực hành phương pháp nầy, tâm dần dần phát triển càng vững chãi hơn, cao nhất trong trạng thái tĩnh chỉ. Thông qua năng lực đẳng trì, trong đó tâm an trú chuyên nhất trên đối tượng quán sát, tâm vi tế phát sinh, dẫn đến diệu lạc vi tế của thân. Theo đó, diệu lạc vi tế của tâm trở nên vững chãi, đạt đến trạng thái tịch tĩnh. Trong Tứ thiền và Tứ vô sắc định, trạng thái nầy gắn kiền với diệu lạc của thân và tâm–chính là cảnh giới thấp nhất mở đầu cho sơ thiền (first concentration).

Huệ quán (special insight) sẽ đạt được theo cách tương tự, khi đạt đến trạng thái diệu lạc vi tế của thân và tâm, đó không phải do năng lực của đẳng trì, mà do năng lực phân tích của huệ quán. Huệ quán có dạng thế gian và xuất thế gian. Huệ quán thế gian là cái nhìn ở mức độ thấp như những vật thô trọng, và ở mức độ cao là những điều thanh thản; trong khi Huệ quán xuất thế gian, nếu với phương thức thông thường, đã bao hàm Tứ diệu đế. Từ quan điểm chuyên biệt của hệ thống giáo lý Đại thừa, Huệ quán xuất thế gian đã bao gồm phạm trù pháp vô ngã.

Để giúp cho Định huệ đẳng trì đạt được nhanh hơn, hệ thống Man-tra thừa có những kỹ thuật đặc biệt nằm trong pháp Thiên thần du-già (deity yoga). Pháp thực hành Thiên thần du-già giúp đẩy nhanh tiến trình đạt Phật quả nhờ phát huy hợp nhất định và huệ, hai yếu tố sau cùng trong Lục độ ba-la-mật-đa–bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ–được mô tả nhiều trong các kinh luận nói về Bồ-tát đạo. Nếu các bạn không an định, để tâm đao động không vững chãi và trong sáng, thì năng lực trí huệ không thể nhận biết đối tượng của nó. Do vậy, cần thiết phải có tâm an định, nguyên do để đạt được trí huệ trực nhận bản chất không tồn tại trên cơ sở tự tính của các pháp là dù các bạn chỉ có định, cũng không tai hại đến mức hiểu lầm là các pháp tự tồn tại ở trong và chính nó. Sự kết hợp cuả định huệ là rất cần thiết.

Theo Vajrapañjara Tantra, một luận giải về Tantra của hệ thống Vô thượng Du-già Tantra, có bốn chi phái của Man-tra thừa–Tác Tantra, Hành Tantra, Du-già Tantra và Vô thượng Du-già Tantra. Trong bốn Du-già nầy, ba dạng Tantra thấp, Tác Tantra, Hành Tantra, Du-già Tantra–mô tả trạng thái tiến triển trong tu tập về các phương diện Du-già kết hợp với biểu tượng và không kết hợp với biểu tượng, những pháp nầy thuộc về pháp Du-già hiển mật bất nhị. Định huệ đẳng trì được thành tựu trong khi nhận–đối tượng quán sát của thiền định–sắc thân trong sáng của chính mình như là sắc thân của một thiên thần. Trong khi quán sát thân mình rõ ràng hay quán tưởng như là sắc thân của một thiên thần, các bạn xác định được chúng không tồn tại trên cơ sở tự tính, như thế đã tạo nên sự kết hợp cho sự thể hiện sắc thân trí huệ sâu mầu đã nhận ra được thực tại tối hậu của thân ấy. Trí huệ nhận thức sâu thẳm và thân tướng linh thiêng đồng thời ấy chính là Du-già hiển mật bất nhị.

Trong Tác Tantra, trong giai đoạn Du-già (Yoga) với sự phát huy những biểu tượng hoặc tự quán tưởng mình như là các thiên thần theo tiến trình sáu bậc gọi là sáu thiên thần. Thứ nhất là Vô thượng thiên thần (ultimate deity), quán chiếu về tính chất không tồn tại trên cơ sở tự tính đồng đẳng giữa chính mình và các thiên thần. Thứ hai là Thanh thiên thần (sound deity), quán chiếu một dạng tự nhiên từ hư không như là tiếng vang từ âm thanh thần chú của một thiên thần từ không trung.

Thứ ba là mẫu tự thiên thần (letter deity), trong đó âm thanh thần chú xuất hiện trong dạng của mẫu tự xung quanh cạnh của một cái dĩa tròn như mặt trăng. Thứ tư là Sắc thiên thần (form deity), là sự chuyển hoá của mặt trăng và sắc thân thành thân của thiên thần.

Thứ năm là Thủ ấn thiên thần (seal deity), phúc lạc từ những điểm quan trọng trên thân của thiên thần qua tư thế của bàn tay được gọi là ‘thủ ấn– seals’. Thế nên khi các bạn đặt chữ O màu trắng trên đỉnh đầu, chữ A màu đỏ trên cổ họng, chữ Hūṃ màu xanh nơi tim, biểu tượng thân khẩu ý thù thắng, và tập trụng vào sắc thân của vị thiên thần nầy, bầy giờ đã có mọi phẩm tính hoặc biểu tượng của một vị thần. Đây là bước cuối cùng, Biểu tượng thiên thần (sign deity).

Khi một vài thành tựu đạt được khi chính quán tưởng như một thiên thần, an trú tâm trên lửa và âm thanh được dùng để tăng trưởng nhanh chóng sự phát huy cho đẳng trì.[2] Sau đó các bạn tu tập pháp Du-già (Yoga) không cần biểu tượng, tập trung ban phát tự do vào cuối mỗi âm thanh. Đây là pháp tu tập huệ quan xuất thế gian về tính chất không tồn tại trên cơ sở tự tính của các pháp. Dù vẫn thực hành pháp Thiên thần du-già (deity yoga), điểm chính là nhấn mạnh vào yếu tố xác định bản chất tối hậu của các hiện tượng.

Sự giải thích về tiến trình tu đạo trong Hành tantra đại khái như trong Tác tantra, nhưng trong Du-già tantra thì có khác đôi chút. Đó là, nền tảng của sự tịnh hoá như đã được giảng giải là thân khẩu ý, và như phương tiện tịnh hoá của bốn thủ ấn được mô tả là để chuyển hoá những cái nầy thành thân khẩu ý thù thắng và những công hạnh như trong quả vị của chư Phật. Trong tiến trình nầy, sự thành tựu của thiền định được tăng thượng bởi thiền quán về những biểu tượng pháp khí, như chày Kim cang, ngay trên chót mũi, dần dần tăng trưởng thành vô số như cái đầu tiên trên thân mình và sau đó chung quanh đều tràn ngập các pháp khí. Điểm đặc biệt của pháp khí được xác định là tương ưng với Ngũ trí Như Lai, chư vị đã có những pháp khí như vậy trên tay. Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, chẳng hạn, cầm bánh xe, Đức Phật Bất Động (A-sơ Phật) cầm chày Kim cang. Quán tưởng về những biểu tượng pháp khí như vậy sẽ giúp cho sự phát triển thiền định nhờ vào kích thước của các đối tượng và giúp cho tăng trưởng quán chiếu về sự khéo léo thông qua thực hành sự phân tán hoặc tập hợp nhiều dạng của pháp khí.

Vô thượng Du-già Tantra chủ yếu giải thích về pháp Du-già (Yoga) bất khả phân ly giữa diệu lạc và Tánh không theo hai bậc Du-già (Yoga)–gia hạnh vị với pháp tưởng tượng (imaginary) và giả lập (fabricated); thành tựu vị bằng pháp phi tưởng tượng (non-imaginary) và phi giả lập (non-fabricated). Trong cả hai giai vị, gia hạnh vị và thành tựu vị trong Vô thượng Du-già Tantra, trạng thái thông thường như chết, thân trung ấm và tái sinh được chuyển sang pháp tu để chuyển thành Tam thân Phật– Pháp thân, Thụ dụng thân và Hoá thân.

Trong Vô thượng Du-già Tantra có kỹ thuật quán chiếu về các đạo quản, nội khí và tinh trích. Hành giả thiền quán về tinh trích, ánh sáng hay là mẫu tự trong những đạo quản trung tâm nầy. Nhờ vào những điểm đặc biệt được quán chiếu và nhờ vào năng lực ban đầu cũng như pháp thiền quán ban đầu được gọi là ‘tương ưng cảnh giới chư thần,’ chỉ có định huệ đẳng trì được dùng trong tu tập trí huệ trực nhận bản chất không tồn tại trên cơ sở tự tính của các pháp. Cũng vậy, có thể thành tựu được định và huệ đồng thời.

Cách thức tập trung quán chiếu mẫu tự hoặc ánh sáng tại những điểm trên thân được xem như phương tiện dừng chỉ các ý niệm một cách mạnh mẽ. Nguyên do để dừng chỉ các ý niệm là trong thức có rất nhiều tầng bậc, từ thô đến tế nhất, và trong Vô thượng Du-già Tantra, tầng bậc vi tế nhất của tâm thức sẽ chuyển hoá thức thành trí. Thông thường, khi chết, tầng bậc thô trọng hơn của thức sẽ đình chỉ, và mức độ vi tế hơn sẽ biểu hiện, lên đến cực điểm là biểu hiện tâm thức vi tế nhất, đó là cực quang tâm thức (mind of clear light) của cái chết. Người bình thường không có cái biết trong tiến trình nầy, lúc ấy họ như ngất đi. Tuy nhiên, nếu khi thân thể–chỗ y cứ của tâm–không thoái hoá, thì Du-già sư sẽ hoá giải mức độ thô trọng hơn của thức qua năng lực của thiền định, tâm thức vi tế hơn sẽ được trải qua sự nhận biết sáng suốt và toàn diện. Khi hoá giải mạnh mẽ mức độ thô trọng hơn của thức và mức độ vi tế hơn luồng nội khí của tâm, Du-già sư sẽ có được mức độ vi tế nhất của tâm, tức là cực quang tâm thức.

Vận dụng vào tiến trình tu đạo, mức độ của tâm thức nầy rất nhanh và mạnh. Để làm chín muồi tâm thức cho những tầng bậc tu đạo nầy được thực hiện, đầu tiên cần phải thực hành gia hạnh vị (stage of generation).

Đây chỉ là trình bày vắn tắt; sự hiểu biết về các trạng thái nầy và phương thức để thành tựu các pháp nầy qua Kinh thừa và Man-tra thừa rất là bổ ích.


[1] Quán thân bất tịnh.

[2]* Về mô tả các pháp tu tập nầy, xin xem tác phẩm The Yoga of Tibet (London: George Allen and Unwin, 1981) của Tông-khách-ba.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn