Đại Bảo Pháp Vương Karmapa và 17 đời hóa thân

20 Tháng Mười 201503:27(Xem: 8569)

ĐẠI BẢO PHÁP VƯƠNG KARMAPA VÀ 17 ĐỜI HÓA THÂN
La Sơn Phúc Cường trích dịch

 

His Holiness the 17th Gyalwang Karmapa.
Ngài Gyalwang Karmapa 17

Lời người dịch: Karma Kagyu là một trong những dòng truyền thừa chính của nhánh Kagyu. Theo sử liệu trong các vị Đại sư tái sinh Tây Tạng (http://hoavouu.com/a30229/cac-vi-dai-su-tai-sinh-tay-tang), Cuộc đời siêu việt của 16 vị tổ Karmapa Tây Tạng (http://dieungu.org/p13296a27550/loi-noi-dau), Lịch sử Mật giáo và những sử liệu về cuộc đời vua Minh Thành Tổ,  năm 1406, ngài Karmapa đời thứ 5 đã tới Nam Kinh theo lời thỉnh mời của Minh Thành Tổ. Tại đây, sau khi nhiều nghi thức quán đỉnh, khẩu truyền, vũ điệu Hộ pháp Kim cương thừa được cử hành, Minh Thành Tổ đã thấy ngài Karmapa thị hiện trong hình tướng một vị Phật Thiền-na, đầu đội vương miện kim cương màu đen và nhiều pháp vị giải thoát lợi lạc chúng sinh, ông xin nhận ngài là bậc Kim Cương Thượng sư, thọ nhận giáo pháp và cúng dường ngài danh xưng Đại bảo Pháp Vương, có nghĩa là: Vạn hạnh cụ túc thập phương tối thắng viên giác diệu trí tuệ thiện phổ ứng hựu quốc diễn giáo Như Lai đại bảo pháp vương Tây thiên thiện tự tại Phật tính thiên hạ Thích giáo. Trên phương diện lịch sử, có rất nhiều các bậc Thượng sư trong hệ Kim Cương thừa được tôn xưng danh hiệu Pháp Vương như Đại từ Pháp Vương, Đại thừa Pháp Vương v.v…

 

Karmapa có nghĩa là "bậc thực hành Phật hạnh” hay "hiện thân tất thảy Phật hạnh”. Các đời Karmapa đã tái sinh trong hình tướng Hóa thân tới nay 17 đời, và tất cả đều đóng một sứ mệnh quan trọng nhất trong việc trì giữ và hoằng dương giáo pháp của đức Phật nơi vùng xứ Tuyết. Tuy nhiên, trước khi hóa thân trong 17 đời này, sự xuất hiện của bậc thượng sư Karmapa đã được huyền ký bởi chính đức Phật Shakyamuni và những Kim Cương Thượng sư Ấn Độ vĩ đại như đức Liên Hoa Sinh. Trong suốt nhiều thế kỷ, các đời Karmapa có vai trò trọng yếu trong việc trì giữ Phật giáo Kim Cương thừa nói riêng và truyền thừa Kagyu nói riêng, và các ngài đã đóng một sứ mệnh quan trọng trì giữ các truyền thừa tu học và thực hành của Phật giáo.

Bối cảnh lịch sử

Những lời huyền ký

Đức Phật Shakyamuni đã huyền ký về sự hóa thân của một số đạo sư vĩ đại, và Karmapa là một trong số đó.

Những lời huyền ký dưới đây đã được biên soạn lại bởi ngài Rinchen Palzang và xuất hiện trong trước tác Tấm gương phản chiếu: Một Mục lục của tự viện Tsurphu.

Kinh Samadhiraja (The King of Samadhi Sutra):

Hai ngàn năm sau khi ta nhập Niết bàn,

Những giáo pháp sẽ lan rộng nơi vùng đất của những người mặt đỏ,

Đệ tử của Avalokita.

[Vào thời điểm đó,] Bồ tát Simhanada, danh hiệu "Karmapa", sẽ hóa thân nơi đây..

Ngài làm chủ pháp thiền định, giúp thuần phục chúng sinh,

Và dẫn dắt họ trong niềm hỷ lạc qua ngắm nhìn, lắng nghe, suy tư và xúc chạm.

Từ Kinh Lankavatara (Descent Into Lanka Sutra):

Đắp trên mình y tu sĩ và vương miện màu đen,

Ngài thực hiện lợi ích không ngừng nghỉ thực hiện những lợi ích cho chúng sinh. cho con

Cho đến khi giáo pháp của một nghìn chư Phật biến mất.

Từ Mulamanjushri Tantra (Tantra Căn bản Văn Thù Sư Lợi):

Trang hoàng với danh hiệu bắt đầu bằng âm “ka” và kết thúc bằng âm “Ma”

Sẽ xuất hiện một bậc thầy làm rực sáng giáo pháp.

Sự xuất hiện của các đời hóa thân Karmapa cũng được huyền bởi các đại thành tựu giả Ấn Độ vĩ đại, Thượng sư Padmasambhava trong nhiều terma khác nhau.

Đức Phật Karmapa

Đứng trên quan điểm về bản chất tối thượng, Karmapa đã chứng đạt giác ngộ từ vô số kiếp trong quá khứ, ngài là vị Phật với danh hiệu Shenphen Namrol. Trong tương lai, ngài sẽ là vị Phật thứ sáu của kỷ hoàng kim này và được tôn kính với hồng danh Trukpa Senge; ngài bất khả phân bởi đức Phật Shakyamuni.

Theo quan kiến tương đối, ngài hóa hiện là một vị Bồ Tát thập địa và một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm (Chenrezik). Trước khi thiết lập dòng truyền thừa Karma, các đời Karmapa đã hóa hiện trong vô số hóa thân khác nhau qua nhiều thế kỷ. Một số trong những hóa thân phi thường nhất của các đời Karmapa là Đại Thành tựu giả Brahmin Saraha và Thượng sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) ở Ấn Độ, và nhiều hóa thân khác ở Tây Tạng, những bậc đã trì giữ và hoằng dương giáo pháp của Đức Phật và làm lợi lạc vô lượng chúng sinh. Tuy nhiên, tại một thời điểm, chỉ có một hóa thân trong đó đã xuất hiện là một bậc Thượng sư Phật giáo vĩ đại. Bậc hóa thân thứ nhất trong các đời Karmapa là Dusum Khyenpa đã kiến lập dòng truyền thừa hóa thân đầu tiên ở Tây Tạng, và từ thế kỷ thứ 11, ngài đã hóa thân liên tục 17 lần cho tới ngày nay.

Phật hạnh

Các đời hóa thân Karmapa đã không chỉ đóng vai trò quan trọng trong dòng truyền thừa Kagyu, mà còn trong các truyền thừa Phật giáo Kim Cương thừa khác của Tây Tạng. Ví dụ, Đức Karmapa Rangjung Dorje đời thứ ba có vai trò quan trọng trong việc trì giữ và hoằng dương truyền thống Nyingthik trong dòng truyền thừa Nyingma; Karmapa Rolpe Dorje đời thứ tư nhận ra những phẩm hạnh phi thường và tiềm năng của Thượng sư Je Tsongkhapa và ngài trở thành giáo thọ đầu tiên của Lama Tsongkhapa, bậc sáng lập truyền thừa Gelukpa; từ đời thứ Bảy tới đời thứ 9, các hóa thân Karmapa đã góp phần to lớn vào việc trì giữ kinh điển, Tantra, và truyền thừa Mahamudra của dòng Kagyu; đức Karmapa đời thứ 14 đã tham dự dòng truyền thừa Shangpa Kagyu, khi ấy đang có nguy cơ bị hủy diệt, và ngài cũng có quan kiến về phong trào bất bộ phái, điều mà ngài sách tấn đệ tử tâm truyền của mình là  Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, tiếp tục sứ mệnh này; ngài Karmapa Khakhyap Dorje đời thứ 15 đã góp phần lớn trì giữ những truyền thống Terma của dòng truyền thừa Nyingma; và đức Pháp vương Gyalwang Karmapa đời thứ 16, Rangjung Rigpe Dorje, là một trong những bậc Thượng sư Phật giáo vĩ đại nhất trong thế kỷ trước.

Đức Pháp Vương Gyalwang Karmapa đời thứ 17, Ogyen Trinley Dorje, đã trở thành một trong những lãnh tụ Phật giáo trẻ hàng đầu. Ngài là bậc Thượng sư đầu tiên và duy nhất được ấn chứng bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Trung Quốc. Kể từ khi  đảm nhận trọng trách nhiệm một hóa thân Karmapa, thậm chí khi còn nhỏ, ngài đã có một vai trò rất quan trọng.

Tháng 12 năm 1999, ngài bí mật rời Tsurphu và tới Dharamsala, Ấn Độ. Ngài dành phần lớn thời gian hoàn thành những nghiên cứu về triết học Phật giáo, thụ nhận những trao truyền và giáo pháp của dòng truyền thừa Kagyu, và triển khai nhiều dự án lợi tha. Hàng ngàn người Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Châu Á, và người phương Tây đến hàng năm tới đỉnh lễ, thỉnh cầu giáo pháp từ ngài.

 La Sơn Phúc Cường trích dịch

Nguồn: http://kagyuoffice.org/karmapa/the-17-karmapas/

 

Đại bảo Pháp Vương Karmapa đời thứ 17
tham gia Đối thoại liên tôn giáo và cầu nguyện hòa bình thế giới

 

Ngày 30 tháng 8, ngài Karmapa đời thứ 17 rời Bonn và trở về Viện Kamalashila ở Langenfeld. Tối ngày hôm sau, ngài tới một sự kiện đặc biệt tại nhà thờ giáo xứ St. Quirinus. Đây là chuyến thăm thứ hai của ngài tới nơi đay. Lần đầu tiên ngài viếng thăm vào năm 2014, và tại thời điểm đó ngài hứa với Cha xứ Monsignore Schrupp, là sẽ quay trở lại. Cha Monsignore Schrupp đã chia sẻ, "Tôi không hy vọng quý ngài trở lại sớm như vậy!" Sự kiện này được Viện Kamalashila, nhà thờ St. Quirinus và người dân vùng Langenfeld đồng phối hợp tổ chức, đã thu hút hơn 500 thính chúng. Không còn bất cứ khoảng trống nào trong những hàng ghế dài.

Nhà thờ uy nghiêm với trần vòm cao ngày hôm nay tràn đầy hơi ấm của lòng nhiệt thành cung đón quý ngài hiện diện. Ngài Karmapa và cha Monsignore Schrupp, cùng bước vào nhà thờ như những đạo hữu lâu năm, khi các thành viên cộng đoàn cúi chào trân trọng trước chính điện, thì Đức Karmapa cũng đồng thời bày tỏ niềm kính trọng sâu sắc tới truyền thống Công giáo.

 Buổi đối thoại về vai trò của tôn giáo trong thế kỷ 21 bắt đầu khi quý Cha Monsignore Schrupp chia sẻ ngắn về những khó khăn mà thế giới đang phải đối mặt tại thời điểm khi mà nhiều tội ác đã diễn ra nhân danh tôn giáo và xã hội phương Tây đã trở nên ngày càng vật chất hóa. Quý Cha đề nghị rằng trọng trách quan trọng đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo là giúp mọi người kết nối lại với con đường tâm linh chân chính.

Đáp lời, ngài Karmapa trước hết luận giải tầm quan trọng của tôn giáo trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Khi họ trốn khỏi Tây Tạng, mọi người đều phải để lại mọi tài sản phía sau. Họ đã đến Ấn Độ khi đã mất tất cả mọi thứ, không chỉ tài sản mà còn cả quê hương của họ. Khi đối mặt với những thảm kịch này, người dân vẫn giữ vừng được tâm chí thành với truyền thống tâm linh của họ. Mở rộng hơn, ngài cho rằng điều vô cùng quan trọng là tất cả các truyền thống tôn giáo cần cùng nhau trải thông điệp tích cực của mình để đối trị tác động tiêu cực của một số nhóm. Mặc dù có những khác biệt về mặt triết học, ngài tiếp tục, nhưng có rất nhiều điểm chung mà các tôn giáo cùng chia sẻ: "Thông điệp chính của tất cả tôn giáo theo tôi là: chúng ta đều là con người sống trên hành tinh này, đều mong muốn tránh khổ đau và mong muốn hạnh phúc." Tôn giáo chia sẻ thông điệp về sự hòa hợp và an bình. Vì vậy, điều quan trọng là tập trung vào “năng lực của trái tim” hơn là những khác biệt giáo điều, ngài kết luận.

Rất nhiều câu hỏi đã được đưa lên. Trước hết câu hỏi về những về chương trình mới đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma xây dựng một nền đạo đức thế tục có thể trải rộng khắp trên toàn thế giới. Quan điểm của ngài Karmapa về vấn đề này như thế nào? Đức Karmapa cho rằng việc sử dụng các thuật ngữ tôn giáo có thể là một rào cản đối với truyền thông. Do đó, đôi khi sẽ lợi ích hơn khi sử dụng những cách thức khác để biểu đạt những tư tưởng có giá trị và hữu ích trong các truyền thống tôn giáo. "Mỗi tôn giáo đều có một kho tàng các phẩm chất tốt đẹp mang lại cho thế giới, đó là sự hướng đạo rất thực tế; ví như phẩm hạnh từ tâm và nhẫn nại không bao giờ bị ảnh hưởng bởi sân giận, thù hận." Để có thể tức thời giúp đỡ những con người khổ đau “Chúng ta phải vượt qua các biên giới và các giới hạn trong những khái niệm tôn giáo của mình."

Câu hỏi thứ hai liên quan đến vai trò của người nữ trong Phật giáo và có bao giờ sẽ có người nữ là ngài Karmapa. Dường như ngày nay hầu hết các truyền thống tôn giáo đều dần củng cố địa vị của người nữ, Ngài đáp lại rằng, xã hội nói chung cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Tất nhiên, có thể có một Karmapa là người nữ, ngài chia sẻ nhưng cũng còn tùy thuộc vào địa vị của người nữ trong sự thay đổi xã hội. "Theo quan kiến của Phật pháp, không có bất kỳ chướng ngại nào để có một người nữ là Karmapa, mặc dù cho đến nay vẫn chưa từng có… nhưng có thể nếu có một sự thay đổi trong xã hội; tất cả phụ thuộc vào việc Karmapa có thể thực hành các công hạnh lợi tha một cách tốt nhất khi là nam hay nữ... những gì là lợi lạc cho chúng sinh trong xã hội và làm thế nào chúng ta có thể tạo ra những thay đổi."

Đối với câu hỏi thứ ba, liên quan đến một vấn đề quan trọng ở châu Âu ngày hôm nay. Làm thế nào có thể chạm tới, khơi dậy lòng từ trong trái tim của những kẻ khủng bố? "Quý ngài dạy rằng chạm tới, khơi dậy lòng từ trong tim mọi người rất quan trọng. Tuy nhiên dường như ta không thể chạm tới trái tim của những người đó được, ví như chiến binh của nhà nước IS chẳng hạn. Có một cơ hội nào để chạm tới trái tim, khơi dậy từ tâm trong những con người đó chăng?”

Đức Karmapa thừa nhận đương nhiên không thể chấp nhận thái độ và hành động của những người ví như tổ chức IS, nhưng chúng ta cần phải tư duy điều gì đã làm cho họ hành động theo cách đó. Mặc dù rất khó khai phát sự đồng cảm với những người dường như rất thích thú việc sát nhân tàn bạo, nhưng chúng ta cần nhớ rằng nhiều người trong số họ đã bị tẩy não từ khi còn nhỏ. "Nếu bây giờ họ hành động theo cách hận thù và bạo lực như thế chính là do kết quả họ lớn lên, bị nuôi dưỡng trong sự hận thù và bị đẩy vào sự thiếu hiểu biết", "Nếu chúng ta thấy họ là những con người bị mắc kẹt trong sự vô minh, chúng ta có thể phát khởi lòng từ bi và sự quan tâm tới họ." Nhưng sẽ khó hiểu hơn đối với những người đã lớn lên trong xã hội phương Tây, do các nguyên nhân và điều kiện khác nhau, đã đồi bại và ra nhập các phần tử khủng bố. "Chúng ta cần phải quan tâm tới nguồn gốc xuất thân và vấn đề giáo dục của họ," ngài chia sẻ. Tuy nhiên một lần nữa trở lại lời khuyên mà ngài đã ban khi truyền trao quán đỉnh đức Phật Akshobhya, Ngài đã dạy rằng, "Chúng ta phải cẩn trọng để mọi hành động không bị ảnh hưởng bởi các phản ứng theo bản năng của chính mình.”

Cha Monsignore Schrupp đã lắng nghe chăm chú. Cha đã ngắt lời với những tán thán, "Thật tuyệt vời ... chúng ta ở đây, cùng trong nhà thờ Langenfeld ... hai đại diện của hai truyền thống tôn giáo khác nhau ... nhưng, khi nghe những lời của quý ngài, tôi thấy đó cũng chính xác những gì tôi muốn chia sẻ ... "

Dường như buổi đối thoại đã trở thành một sự thể hiện ngoài đời thực kết nối từ tâm giữa các quan điểm của hai truyền thống tôn giáo khác nhau. Câu hỏi cuối cùng từ một người nữ sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo, nay bà trở thành một Phật tử. Câu hỏi được đặt lên cho cả Cha Monsignore Schrupp và ngài Karmapa. Câu hỏi của bà gần như một lời thỉnh cầu chân thành là các tôn giáo nên nỗ lực cùng nhau từ nền tảng tình yêu thương và lòng bi mẫn để hóa giải những khổ đau cho con người. Nhưng thực tế dường như không thể hòa hợp để hợp nhất các tiềm năng của các bên nhằm giảm thiểu những khổ đau trên thế giới?

Ngài Karmapa đáp lại rằng, trên lý thuyết, các tôn giáo có thể nỗ lực cùng nhau nhưng thực tế dường như có những khó khăn. Ngài dẫn chứng theo những kinh nghiệm bản thân về các buổi đối thoại giữa các tôn giáo ở Ấn Độ. Các thành viên đều tán thành tình đạo hữu trước công chúng, nhưng sau đó trở lại nhóm của riêng mình, khoảng cách giữa họ và những người khác lớn dần, rồi những tranh luận không cần thiết bắt đầu. Ngài cho rằng, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo tôn giáo gặp gỡ trong tình đạo vị, tương tự như buổi gặp của ngài với Cha Monsignore Schrupp.

Cha Monsignore Schrupp đồng ý rằng sự chung sức giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau là có thể, và cha đưa ra một dẫn dụ về dịch vụ chăm sóc y tế. "Khi một người bệnh được đưa tới bệnh viện, sẽ chẳng có ai quan tâm đến tôn giáo của họ là gì… bác sĩ sẽ chỉ cung cấp cho người bệnh các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết. Trên thực tế có nhiều điều tốt đẹp vẫn đang diễn ra nhưng tôi không có nhiều số liệu cụ thể ở đây.”

Theo hướng dẫn của cha, các thành viên cộng đoàn thắp hàng trăm ngọn nến và mọi người cùng ngồi tĩnh lặng trong khi cha Schrupp và ngài Karmapa đứng trước chính điện cầu nguyện cho lợi lạc của hết thảy hữu tình và hòa bình thế giới. Buổi gặp gỡ kết thúc với những phẩm vật gia trì theo truyền thống Công giáo và Phật giáo, thính chúng vô cùng hoan hỷ, vỗ tay nồng nhiệt và ấn tượng trước những lời dạy của ngài Karmapa, và sự kết nối từ tâm giữa một lãnh đạo tôn giáo nhiều tuổi và một lãnh đạo Phật giáo trẻ tuổi.

Ngài Karmapa bước tới nhà nguyện bên cạnh, cúng dường khăn kata, biểu thị sự tôn trọng lên đức Mẹ Maria. Ngài đặt nến phía trước điện thờ và thiền định trong giây lát. Một kết thúc hoàn hảo, thể hiện các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể chia sẻ tư tưởng, mong nguyện và cả những khó khăn trong một môi trường hòa hợp.

 

La Sơn Phúc Cường trích dịch

http://kagyuoffice.org/the-role-of-religion-in-the-21st-century-the-17th-karmapa-engages-in-inter-faith-dialogue-and-prayer-for-world-peace/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Giêng 2016(Xem: 6172)
Khi chúng ta có ước muốn theo đuổi con đường tâm linh, ta phải hiểu thấu vì sao lại chọn đi con đường này, động lực của ta là gì, con đường này sẽ dẫn ta tới đâu, bằng cách nào ta có thể đi tới đích. Mục đích và đích đến của con đường Phật Pháp là giải thoát khỏi tất cả khổ đau và đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn
18 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5730)
Sau khi an tọa trên bảo tòa, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy rằng, Tám Đại Luận Mật thừa không giành cho tất cả mọi người. “Đây là những Tantra tối thượng và chỉ giới hạn cho những ai phát nguyện thực hành nghiêm cẩn.
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5500)
Ngày nay, thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ về vật chất. Nhưng Tây Tạng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn. Phần lớn chúng ta đang phải sống ở nước ngoài, nhưng chúng ta không chỉ duy trì được đời sống mà vẫn có thể trì giữ truyền thống của mình.
03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5125)
Tác giả của bộ luận này là Tôn giả Zhamar Pandita, Gendun Tenzin Gyatso sinh năm 1852, tám tuổi xuất gia, học đạo với nhiều bậc Thầy lỗi lạc. Ở tuổi 20, Ngài tinh thông ngũ minh và được xưng tụng là Đại Pandita. Sau đó vâng lời Thầy, Ngài vân du đó đây giảng pháp. Ngài ẩn cư tu hành.
10 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5702)
Học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo là niềm khoắc khoải thiết tha của những Phật tử mong muốn tìm cầu sự an lạc giải thoát cho chính mình, và cho tất cả chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ.
02 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6236)
Truyền thừa Sakya là một trong bốn truyền thống tâm linh vĩ đại tại Tây Tạng. Truyền thống này đóng một vai trò quan trọng trong sự trì giữ và phát triển giai đoạn tân Tantra vào thế kỷ thứ 11.Truyền thống Sakya được trì giữ và hoằng dương rộng lớn, sản sinh nhiều bậc thánh tăng, Thành tựu giả và học giả vĩ đại.
25 Tháng Mười 2015(Xem: 5842)
Theo tư tưởng Mật Tông, trong năm vị Phật thiền, Đức Phật A-di-đà vị trí ở phía tây, bộ chủ bộ Liên hoa, biểu hiện phương tiện trí của Phật, nhân cách của trí diệu quán sát, trong năm đại là nhân cách của gió theo truyền thừa của Bất Không, hay của nước theo truyền thừa của Thiện Vô Úy.
20 Tháng Mười 2015(Xem: 6772)
Đức Dalai Lama từng nhiều lần dạy rằng, Phật giáo Kim cương thừa không phải là Lạt-ma giáo. Một trong những lý do chủ yếu Phật giáo Kim cương thừa phát triển ở miền đất Tuyết chính là người thực hành có tri kiến thanh tịnh đối với bậc Thầy. Kim cương thượng sư là Bậc Thầy trong Phật giáo Kim cương thừa
05 Tháng Mười 2015(Xem: 7258)
Một ngày nọ, khi Milarepa đang ở trong hang động một mình thì hai vị khách tìm đến hỏi han. - Ông ở một mình à? Ông không thấy cô đơn sao? - Tôi luôn luôn sống với một người nào đó, không bao giờ đơn độc. Ngài trả lời. - Nhưng ông sống với ai? Người trẻ tuổi hơn trong hai người hỏi ngài.