Milarepa Hướng Dẫn Một Thanh Niên Giác Ngộ Chân Tâm

05 Tháng Mười 201514:37(Xem: 7303)

MILAREPA HƯỚNG DẪN MỘT THANH NIÊN GIÁC NGỘ CHÂN TÂM
Geshe Ngawang Dhargyey dựa vào bài ghi chép của Alexander Berzin
Pauline Yeats hiệu đính tháng Sáu, 2008 từ bài thông dịch của Sharpa Rinpoche
Dharamsala, Ấn Độ, 1974  
Lozang Ngodrub dịch; Mai Tuyết Ánh hiệu đính 
www.berzinarchives.com

 

mastmilarepaMột ngày nọ, khi Milarepa đang ở trong hang động một mình thì hai vị khách tìm đến hỏi han.

- Ông ở một mình à? Ông không thấy cô đơn sao?

- Tôi luôn luôn sống với một người nào đó, không bao giờ đơn độc. Ngài trả lời.

- Nhưng ông sống với ai? Người trẻ tuổi hơn trong hai người hỏi ngài.

- Với bồ đề tâm.

-  Hắn đang ở đâu?

- Trong căn nhà ý thức của tôi.

- Đó là loại nhà gì vậy? Người khách lớn tuổi hơn thắc mắc.

- Đó là thân thể của tôi.

Người đàn ông tưởng Milarepa đang chế nhạo mình. Ông ta nói với người bạn trẻ rằng, “Chúng ta hãy rời khỏi nơi này, ở đây chỉ tốn thì giờ, vì ông ta chỉ nói mỉa mai.”. Người đàn ông trẻ bảo rằng, “Không đâu, có lẽ chúng ta có thể học hỏi được điều gì ở đây.”. Rồi anh ta lại quay về phía Milarepa.

- Có phải ông muốn nói ý thức là tâm và thân thể là nhà không?

- Đúng, đó chính là điều tôi muốn nói. Milarepa trả lời.

- Trong một căn nhà bình thường thì nhiều người có thể sống ở trong đó, nhưng có bao nhiêu tâm thức có thể trú ngụ trong một thân thể?

- Thông thường thì chỉ có một tâm thức thôi, nhưng tối nay, trong thời thiền, các ông hãy tìm kiếm nhiều tâm thức hơn trong thân thể của mình.

Milarepa nói như thế và các vị khách đồng ý, trở về nhà của họ. Tối hôm đó, người đàn ông trẻ hơn trong số hai người đã hành thiền và sáng sớm ngày hôm sau trở lại tìm Milarepa.

- Bổn sư (guru) ơi! Tối qua, con đã hành thiền và như ngài nói, chỉ có một tâm thức thôi, nhưng có điều kỳ lạ là.... con không thể mô tả hình thù, màu sắc hay bất cứ điều gì về tâm thức này. Nếu con chạy theo nó thì không thể bắt được nó. Nếu con muốn giết nó thì nó không chết. Con càng chạy nhanh thì nó càng chạy nhanh hơn con. Không thể nào tìm ra nó được. Khi tưởng tượng là mình đã bắt được nó thì con không thể dẫm lên nó. Nếu con cố giữ nó ở một chỗ thì nó không chịu ở yên. Nếu con buông xả thì nó không di chuyển. Nếu con cố gom tụ nó lại thì nó không chịu tụ họp. Nếu cố nhận ra bản tánh của nó thì nó không chịu cho con thấy. Vì vậy nên con rất bối rối, không hiểu nó là gì. Con không biết bản tánh của nó, nhưng không thể chối bỏ sự có mặt của nó. Xin hãy ban cho con sự chỉ dẫn về tâm.
- Đừng mong ta nếm vị ngọt của đường giùm con! Milarepa nói. Hương vị của đường nâu không thể thấy bằng mắt, cũng không thể nghe bằng tai. Con phải hành thiền và tự mình tìm ra nó. Hãy nhớ rằng tâm không phải như ai đó mô tả. Đó chỉ là những manh mối thiển cận. Không thể nào mô tả được tâm. Với những manh mối con có được từ người khác, hãy tự mình quán sát nó. Con chỉ có thể thấy nó bằng nhận thức của riêng mình.                                                                                         Người thanh niên khẩn cầu thêm chỉ giáo.

- Điều này vô dụng. Milarepa nói. Hãy về nhà rồi ngày mai trở lại đây, nói cho ta biết màu sắc và hình dáng của tâm con, và nó ở trong đầu hay trong đầu ngón chân của con.

Vào rạng sáng ngày hôm sau, người thanh niên quay trở lại.

- Con đã quán xét tâm mình chưa? Milarepa hỏi.

- Dạ có. Người thanh niên trầm tư. Tâm là một sự chuyển động, bản tánh của nó là sự di động. Thực thể cơ bản của nó là sự trong sáng và trong suốt. Màu sắc và hình thù không thể mô tả nó, nhận thức tâm bằng màu sắc và hình thù là điều bất khả dĩ. Tâm thấy được sắc tướng bằng cách dùng các cửa giác quan, chẳng hạn như mắt. Bằng các cửa giác quan, chẳng hạn như tai, tâm nghe được âm thanh. Bằng các cửa giác quan, chẳng hạn như mũi, tâm ngửi được mùi hương. Tâm nếm được vị bằng lưỡi. Tâm đi lại bằng cách sử dụng đôi chân. Chính tâm là điều khuấy động tất cả mọi thứ. Chính tâm nói nhảm nhí. Chính tâm tạo ra sự bất đồng ý kiến. Chính tâm đem lại kết quả.

- Con đã có thể quán sát khía cạnh thông thường của tâm. Milarepa nói với người thanh niên. Dựa vào tâm thông thường này mà chúng ta tích lũy nghiệp lực tiêu cực và trôi lăn trong luân hồi. Con đã hiểu tâm thông thường một cách đầy đủ. Bây giờ, với chứng ngộ này, nếu con muốn ta dẫn con vào Thành Thị Giải Thoát thì ta sẽ giúp con.

Thế là người đệ tử nhận Milarepa làm Thầy. Nhiều ngày sau đó, Milarepa hỏi tên của người thanh niên này. Tên của anh là Upasaka Sanggyay-kyab, chỉ mới mười sáu tuổi. Rồi Milarepa ban cho vị đệ tử mới giáo huấn đầu tiên về quy y.

- Bắt đầu từ tối hôm nay trở đi, đừng bao giờ phá vỡ mối liên hệ chặt chẽ của việc quy y Tam Bảo. Tối nay, con hãy thiền quán xem có phải là tâm bảo hộ và giúp ích cho con, hay thân thể làm việc này.

Ngày hôm sau, người đệ tử trình với Thầy rằng có lẽ thân không làm điều này.

Milarepa đã khéo léo hướng dẫn đệ tử thiền quán về Không tướng và vô ngã, nhưng không hề đề cập đến Không tướng, hay thổi phồng điều đó. Chỉ sau khi người đệ tử đã hành thiền và có được kinh nghiệm rồi thì ngài mới nói đó là Không tướng, và việc không cho biết trước là một phương tiện hữu hiệu. Khi bị chất vấn rằng thân hay tâm bảo hộ mình, người ta bắt buộc sẽ phải quán sát một cách sâu xa. Một người có thể khỏe mạnh về mặt thể chất, nhưng có thể bối rối và phiền não về mặt tinh thần. Chính tâm bảo hộ ta trong đời này và những đời sau.

Đây là cách mà Milarepa đã giảng dạy và dẫn dắt người khác đến chân tâm, bằng cách thiền quán về vô ngã.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Sáu 2016(Xem: 5113)
Ba loại giới hạnh giống như thanh kiếm của một chiến sĩ. Nó chặt đứt xiềng xích của những cảm xúc tối ám. Bạn nên có sự hồi tưởng, đúng đắn, tỉnh giác, và suy xét. Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.
13 Tháng Sáu 2016(Xem: 4260)
Kyabje Kangyur Rinpoche, Longchen Yeshe Dorje, sinh tại miền Đông Tây Tạng năm Thổ Cẩu (1898), và bắt đầu nghiên cứu Phật pháp và thực hành từ thời thơ ấu. Vị Thầy gốc của ngài là Jedrung Rinpoche, Trinle Jampa Jungne, của tu viện Riwoche, lừng danh về cách tiếp cận bất bộ phái, cũng như những buổi lễ và lễ hội hàng năm trong đó ba học viện chính của nó, thuộc các truyền thống Nyingma, Sarma và Taklung Kagyü dra-tsang, thường thực hành cùng nhau. Ngài được coi là một hiện thân của Namkhai Nyingpo, một trong hai mươi lăm đệ tử thân thiết nhất của Guru Padmasambhava (Liên Hoa Sanh), và những giáo lý ngài đã thọ nhân trong đời trước thì bây giờ, khi còn nhỏ tuổi, ngài bắt đầu tái khám phá như những kho tàng (terma).
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5216)
Pho tượng tuyệt đẹp của Tertön (gter ston) Orgyen Kusum Lingpa tại Lung Ngön Gön (rlung ngon dgon pa), Bhutan. Orgyen Kusum Lingpa là một vị terton (Khai Mật tạng) và hộ trì dòng truyền thừa trong Phật giáo Tây Tạng. Tên ngài có nghĩa là “Vị Hộ trì Điện thờ Tam thân của Đức Oddiyana Liên Hoa Sanh.”
29 Tháng Ba 2016(Xem: 4644)
Một đệ tử đã thỉnh cầu Lama Zopa Rinpoche ban lời chỉ dạy sau khi bản thân phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và thân thể đang rất đau đớn khi xạ trị. Người đệ tử thân thương, trân quý, bi mẫn và ngọc như ý của thầy, Hãy tụng kinh Kim cương nhiều lần. Thầy cũng sẽ cầu nguyện, trì tụng và hồi hướng cho con ngay bây giờ.
07 Tháng Ba 2016(Xem: 7159)
Loài người chúng ta rất thích tổ chức các buổi lễ mừng: Tết nhất, tiệc cưới, kỷ niệm ngày cưới, ngày của Mẹ, ngày của Bố, ngày Valentine và nhiều dịp lễ khác. Nếu quán chiếu kỹ, ta sẽ thấy hầu hết những lễ ăn mừng này gây hại cho những chúng sinh quanh mình. Số lượng loài vật bị giết hại để phục vụ cho những buổi lễ này là không tưởng nổi. Nếu những chúng sinh tội nghiệp này có khả năng giao tiếp như con người, tôi khẳng định rằng chúng sẽ van xin ta không tổ chức ăn mừng, bởi niềm vui và hạnh phúc của chúng ta trực tiếp gây nên khổ đau tột cùng cho chúng. Bên cạnh đó, ta cũng biết rằng trong những ngày lễ hội, các tỉ lệ tai nạn, bạo lực, tội phạm và các bất thiện hạnh đều tăng vọt do việc tiêu thụ rượu quá đà và do những hành xử không kiểm soát.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 5873)
Việc thị tịch của Chatral Sangye Rinpoche đánh dấu sự chấm dứt của một kỷ nguyên. Bỗng nhiên chúng ta mất đi một lính gác nhiệt tâm canh giữ Phật pháp nói chung, Kim cương thừa nói riêng, và đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng và dòng truyền thừa Nyingma