Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ Tát

21 Tháng Bảy 201411:35(Xem: 5544)
CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG
Shōbōgenzō
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen)
Việt dịch : Thiện Tri Thức
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức

Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ Tát
(Bodaisatta shishōhō)

Những Bồ tát là con người cam kết hoạt động cho hạnh phúc, giải thoát và giác ngộ của tất cả chúng sanh ; trụ trong xa lìa và niết bàn làm trở ngại cho sự cam kết này, thế nên các vị mang sự siêu thoát đến một bước nữa. Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ tát thiết lập lại một diễn đạt truyền thống của Phật giáo tiêu biểu những cách sống trong thế giới. Đối với những bồ tát, nhập vào sự cam kết, thệ nguyện của tất cả chư bồ tát, trở nên ý thức rõ ràng mối liên kết với tất cả chúng sanh và công việc vĩnh cửu làm cho giác ngộ, chính nó là một cánh cửa của giải thoát khỏi những quan tâm ích kỷ chật hẹp.
Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ tát
Bốn phương pháp hòa nhập của những bồ tát (bốn nhiếp pháp) là cho, lời nói êm dịu tử tế, hành động lợi lạc và hợp tác.
Việc cho (bố thí) này nghĩa là không ham muốn chiếm hữu. Không ham muốn chiếm hữu là không tham lam. Trong ngôn ngữ thế gian có nói rằng không tham lam nghĩa là không nịnh hót. Dù nếu người ta cai quản bốn châu lục, cung cấp cho giáo dục và văn minh theo đường lối đúng đắn thì đúng là một việc không ham muốn chiếm hữu. Chẳng hạn, giống như những kho tàng người ta từ bỏ để cho những người lạ. Dâng cúng hoa từ những núi xa xôi cho một vị Phật, bố thí những kho tàng (công đức) từ đời quá khứ cho chúng sanh – theo giáo lý cũng như theo thực tế cụ thể, trong mỗi cái đều bao hàm công đức nằm trong việc cho.
Có một nguyên lý là dù nếu đó không phải là vật của riêng mình, điều đó cũng không ngăn cản sự cho. Bất kể sự vật tầm thường thế nào – nguyên lý là nỗ lực phải thành thật. Khi người ta giao phó Đạo cho Đạo, người ta đạt Đạo. Khi đạt Đạo, Đạo hẳn là được giao phó cho Đạo. Khi tài sản được giao phó cho tài sản, tài sản chắc hẳn trở thành sự cho. Cái tự mình cho cái tự mình, cái khác cho cái khác. Thần lực khởi nhân của sự cho này đi xa, suốt những cõi trời và cõi người, thậm chí đến hàng hiền thánh chứng ngộ. Lý do để nói như vậy là, đã thành người nhận sự bố thí và đã tạo ra một quan hệ, đức Phật nói rằng, “Khi một người bố thí đi vào một đám đông, người ta trước tiên nhìn người đó. Hãy biết rằng tấm lòng âm thầm gây ấn tượng.”
Thế nên người ta cần bố thí dù chỉ một câu hay một câu kệ của giáo pháp. Nó trở thành một hạt giống tốt trong đời này và những đời khác. Người ta cần cho thậm chí một đồng xu lẻ hoặc một cọng cỏ của tài sản họ – nó tạo ra những thiện căn trong đời này và những đời sau. Giáo pháp cũng là kho tàng, tài sản vật chất cũng là giáo pháp. Nó phải tùy theo ý chí và nguyện vọng.
Thật vậy, có những trường hợp một người tạo ra phúc lợi cho người khác bằng cách cho bộ râu của mình, và có người được ngôi vua sau khi đã trao tặng cát cho một vị Phật. Họ không khao khát sự cám ơn của những người khác, họ chỉ làm điều gì họ có thể. Làm ra một chiếc phà hay xây một cái cầu cũng là sự rộng lượng bố thí siêu việt (ba la mật).
Khi người ta học tốt sự cho, sinh ra và chết đều là bố thí. Mọi lao động sản xuất vốn là bố thí. Gởi gắm hoa cho gió, chim chóc cho mùa, cũng phải là những hành động bố thí đầy công đức. Nguyên lý chứng nhận cho việc dâng cúng nửa trái xoài của vua Ashoka (A Dục) cho một nhóm một trăm nhà sư là sự bố thí vĩ đại cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó không chỉ là một vấn đề nỗ lực trong hành động thân xác ; người ta không nên mất cơ hội đúng.
Thật ra chính vì những công đức của bố thí là vốn sẵn trong chính mình mà bây giờ người ta chính mình đạt được. Đức Phật nói, “Thậm chí nó được để cho mình dùng – người ta có thể đem nó cho cha mẹ, vợ con người ta nhiều hơn biết bao nhiêu.” Thế nên chúng ta biết rằng thậm chí cái gì để cho mình dùng là một phần của bố thí ; bố thí cho cha mẹ, vợ con mình cũng phải là sự bố thí. Nếu người ta có thể cho đi dù chỉ một hạt bụi lòng từ thiện, dù đó là việc riêng của người ta, họ sẽ lặng lẽ thích thú hưởng nó, bởi vì người ta đã bước đúng đắn vào một trong những công đức của chư Phật, bởi vì người ta đã bắt đầu thực hành một trong những nguyên lý của bồ tát.
Cái khó chuyển hóa là tâm của chúng sanh : sự bố thí này, từ việc cho đi chỉ một vật dụng và như thế bắt đầu chuyển hóa tâm của chúng sanh, là để chuyển hóa nó thậm chí cho tận đến sự chứng đắc giác ngộ. Trong lúc bắt đầu, nó phải được làm bằng bố thí. Vì lý do này bố thí ba la mật là sự bắt đầu của sáu ba la mật. Người ta không nên tính toán sự lớn hay nhỏ của tâm, cũng không sự lớn hay nhỏ của vật. Tuy nhiên, có một thời tâm chuyển hóa những sự vật, và có sự bố thí trong đó những sự vật chuyển hóa tâm.
Lời nói tử tế nghĩa là khi nhìn chúng sanh người ta trước tiên phải khởi lên lòng tốt và tình thương và phải thốt lên lời chăm sóc, êm dịu. Đó là sự vắng mặt lời nói thô cứng. Trong quy ước xã hội bình thường có phép xã giao hỏi ai đó có khỏe hay không ; trong Phật giáo có thành ngữ “chăm sóc” và cách cư xử đạo đức hỏi tình trạng người khác thế nào. Nói với tấm lòng tử tế chăm sóc chúng sanh như người ta là một em bé thì gọi là lời nói tử tế.
Người có đức hạnh người ta cần ca ngợi ; người không có đức hạnh người ta cần thương xót. Một khi người ta đã yêu thích lời tử tế, người ta sẽ dần dần tăng trưởng lời tử tế và chúng sẽ thành tự nhiên không cần ý thức. Bao giờ người ta còn sống, người ta cần nói tử tế và vui vẻ ; rồi người ta không thối lui nữa từ đời này qua đời khác. Sự thu phục những kẻ thù và sự làm hòa hợp của những người cầm quyền được đặt nền trên lời nói tử tế êm dịu. Nghe lời nói tử tế làm nét mặt vui vẻ và vừa lòng ; nghe lời nói tử tế tạo ra một cách gián tiếp một ấn tượng trong tâm. Các bạn cần biết rằng lời nói tử tế đến từ một tấm lòng tử tế, và một tấm lòng tử tế có hạt giống là thiện ý. Người ta cần biết rằng lời nói tử tế có thần lực chuyển hóa những cõi trời.
Hành động lợi lạc nghĩa là dùng những phương tiện làm lợi lạc cho chúng sanh, cao cũng như thấp. Chẳng hạn người ta trông nom đường đi, tìm phương cách làm ra lợi lạc cho những người khác. Người ta nhân từ thậm chí với một con rùa kiệt sức hay chăm sóc một con chim sẻ đau ốm. Khi người ta thấy một con rùa kiệt sức hay một con chim sẻ đau ốm, người ta không muốn chúng cám ơn – người ta chỉ làm việc giúp đỡ.
Người kém trí nghĩ rằng khi sự làm lợi lạc cho những người khác được đặt lên trước hết, thì lợi lạc của mình sẽ giảm sút. Không phải như vậy. Hành động lợi lạc là một nguyên lý ; nó làm lợi lạc một cách phổ quát cho chính mình và những người khác. Một nhà vua ngày xưa ra khỏi buồng tắm ba lần và nhổ thức ăn ra ba lần để giúp đỡ những người khác. Ông tích cực giáo dục dân chúng của nước khác. Thế nên người ta nên giúp đỡ bình đẳng những người không thân cũng như người thân quen. Đó là làm lợi lạc cho mình và những người khác như nhau. Nếu người ta có lòng như vậy, thì dù trong thực vật và cây cối, gió và nước, nguyên lý hành động lợi lạc bẩm sinh không thối chuyển sẽ được hiện hành. Người ta cần nỗ lực toàn tâm để cứu giúp người mê muội.
Hợp tác nghĩa là không chống đối. Nó không chống đối chính mình và không chống đối những cái khác. Nó giống như một vị Phật con người thì như nhau với một con người. Bởi vì sự hòa đồng hợp nhất với thế giới con người, chúng ta biết một vị Phật phải hòa đồng hợp nhất với những thế giới khác. Khi người ta biết hợp tác, mình và những người khác là một tánh Như. Nhạc, bài hát và rượu của họ đi cùng với con người, đi cùng với chư thiên, đi cùng với những hồn linh. Người ta kết giao với nhạc, bài hát, và rượu, và nhạc, bài hát và rượu kết giao với nhạc, bài hát và rượu. Con người kết giao với con người, chư thiên kết giao với chư thiên, hồn linh kết giao với hồn linh – có sự hợp luận lý như vậy. Đó là sự học hợp tác.
Chẳng hạn, một công việc hợp tác là một lối cư xử, một tiêu chuẩn, một thái độ. Sau khi nhìn những người khác như bản thân mình, phải có một nguyên lý hòa đồng hợp nhất chính mình với những người khác. Mình và những người khác là không cùng tận với thời gian.
Một triết gia xưa đã nói, “Đại dương không từ chối nước – thế nên nó đã có thể trở thành bao la như thế. Núi non không từ chối đất – do vậy vì sao chúng cao như thế. Một người lãnh đạo có trí huệ không từ chối người – thế nên cộng đồng của họ đông đúc.” Hãy biết rằng việc đại dương không từ chối nước là hợp tác. Hãy biết hơn nữa rằng đức tính của nước là trọn vẹn, toàn hảo vì nó cũng không từ chối đại dương. Vì lý do này nước hợp lại thành đại dương, đất tích tập thành núi. Chúng ta ngầm hiểu rằng bởi vì đại dương không từ chối đại dương mà nó tạo thành một đại dương và sự bao la của nó. Bởi vì núi không từ chối núi, nó tạo thành một ngọn núi và chiều cao của nó. Bởi vì một người cầm quyền có trí huệ không từ bỏ dân, ông tạo thành một cộng đồng dân chúng. Một nhà vua thì không chối bỏ dân. Dù một nhà vua thì không khước từ dân, điều đó không có nghĩa là không có thưởng, phạt. Nhưng bởi vì có thưởng, phạt, mà không có sự từ bỏ dân chúng.
Thuở xa xưa khi còn thật thà nguyên sơ, những quốc gia không có thưởng phạt. Đó là vì thưởng và phạt của thời đó không quan trọng bằng thời bây giờ. Ngay cả thời bây giờ phải có người tìm kiếm con đường đúng mà không chờ tưởng thưởng. Điều này vượt khỏi quan niệm của người mê mờ. Bởi vì một người cầm quyền có trí huệ, ông không khước từ dân. Dân chúng luôn luôn tạo thành một quốc gia. Dù họ có lòng tìm kiếm một người cầm quyền có trí huệ, nhưng có ít người biết rõ lý do làm cho một người cầm quyền là một người cầm quyền có trí huệ, họ chỉ hưởng việc không bị một người cầm quyền có trí huệ từ chối mà không biết làm sao tự mình không từ chối một người cầm quyền có trí huệ. Bởi thế, vì việc hợp tác của cả hai bên, những người cầm quyền có trí huệ và dân chúng kém trí, là hợp luận lý, nên việc hợp tác là sự thực hành của bồ tát. Người ta cần đối mặt với mọi người bằng một nét mặt từ hòa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tư 2010(Xem: 31654)
11 Tháng Giêng 2010(Xem: 52381)