CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG
Shōbōgenzō
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen)
Việt dịch : Thiện Tri Thức
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức
Hoa Giữa Không Trung
(Kuge, Không hoa)
Tiểu luận này đậm màu giáo thuyết Hoa Nghiêm về sự tương dung tương nhập của thực tại và như huyễn. Thực tại, trong thuật ngữ Hoa Nghiêm, có nghĩa sự tương thuộc của tất cả mọi sự vật, nó cũng là “tánh không” của bản thân những sự vật. Trong tiểu luận này nhấn mạnh đặc biệt vào sự chống lại những khuynh hướng hư vô đoạn diệt trong sự giải thích về tánh không và như huyễn : đây là một chủ đề thường được lập lại của Đạo Nguyên.
Điểm nhấn mạnh này được tổng kết trong sự lật ngược của Đạo Nguyên tiêu điểm của một thành ngữ truyền thống, “những hoa đốm giữa không trung”. Từ này ám chỉ đến cái như huyễn hay không thực ; nhưng thay vì nó có một nghĩa tiêu cực theo quy ước, Đạo Nguyên dùng nó ở đây theo một cách tích cực. Nghĩa là, thay vì xem như huyễn như là cái gì cần tiêu diệt, thì Đạo Nguyên chỉ ra rằng tất cả là huyễn, và ‘không có tự tánh’ trong nghĩa này thì đồng nhất với thực tại tuyệt đối.
Điều này giống như nói rằng tất cả hiện hữu là tương đối và bởi thế không có những cái tuyệt đối, thế nên để chứng ngộ tánh không thì không cần phải tiêu diệt hiện hữu. Thật ra, chính ý tưởng tiêu diệt đã xem hiện hữu như cái gì tự nó là thật, do đó nó là ảo tưởng trong ảo tưởng. Đạo Nguyên chỉ ra rằng không chỉ những sự vật thế gian là “hoa đốm giữa hư không”, mà chính những giáo lý Phật giáo cũng như vậy. Điều này có thể nói là một điểm đột phá của Phật giáo Đại thừa, như nhà đại biện chứng Long Thọ đã nêu rõ một ngàn năm trước.
Tiểu luận được bắt đầu với một câu nổi tiếng được cho là của Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập Thiền ở Trung Hoa : “Một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành.” “Năm cánh” là năm nhà (phái) của Thiền Trung Hoa. Đạo Nguyên chỉ ra những nhà này là những phương diện nhiều mặt của một “đóa hoa”, trong khi “một hoa” là sự bộc lộ của những phương diện khác nhau ấy. Ở chỗ khác trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Đạo Nguyên nhấn mạnh rằng năm phái Thiền không nên được nghĩ là tiêu biểu cho những phân chia hay những dị biệt căn bản, và Phật giáo cần được xem không phải theo một lối chia chẻ, bộ phái, mà như một toàn thể bao gồm nhiều mặt khác biệt. Quan niệm về Phật giáo như một toàn thể thống nhất mà khác biệt, khác biệt mà thống nhất cũng là đặc trưng của ý niệm “một thừa” trong những giáo lý Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Cũng như Hoa Nghiêm, ở đây Đạo Nguyên trong phần mở đầu của mình nhấn mạnh vào thực hành, tượng trưng bởi cái hoa, tự nhiên mang “quả” của sự chứng ngộ. Ẩn dụ hoa và những cánh cũng có thể mở rộng để ám chỉ cái nhất thể và đa thù của tất cả hiện tượng.
Tiếp theo Đạo Nguyên đưa ra biểu tượng cổ điển về hoa udumbara (ưu đàm). Đây là một bông hoa nở một lần trong ba ngàn năm, một biểu tượng dành cho đức Phật. Đạo Nguyên trích một câu nói cổ rằng hoa ưu đàm nở trong “lửa”, gợi ý Phật tánh được chứng ngộ trong thế gian. Sự nhấn mạnh này về bất nhị, về sự tu hành và chứng ngộ Phật tánh không ở đâu ngoài cuộc sống này, cũng là đặc trưng của Đạo Nguyên ; ngài đẩy sự lý luận này đi xa để làm rõ sự tương thuộc của tánh giác và hiện hữu, và sự đồng nhất của Phật và bản thân hiện hữu (sanh tử).
Sau đó tiểu luận tiến đến chủ đề chính của nó, sự hợp nhất của hiện hữu và tánh không. Từ “không trung”, “hư không” trong thành ngữ “hoa giữa không trung” trong tiếng Hoa-Nhật cùng nghĩa với từ Phật giáo “tánh không”, thế nên thành ngữ này có thể được đọc theo tiếng Hoa là “những hoa trống không”, hay “những hoa của tánh không”, “hoa đốm”. Đạo Nguyên nhấn mạnh rằng mọi sự không trừ cái gì đều là “hoa đốm giữa hư không”. Hoa đốm giữa hư không, câu nói theo truyền thống, là do bệnh cườm hay những che chướng trong mắt ở đây được trình bày một cách tích cực, với “đục thủy tinh thể” được sử dụng để ám chỉ lòng bi, hay không tịch diệt, sự chấp nhận và công nhận đời sống như nó là. Sự giải thích tích cực này về “bệnh” cũng là đặc trưng của kinh Duy Ma Cật, trong đó “bệnh” tiêu biểu lòng bi của bậc trí và con người thích ứng trong thế gian. Như cuốn kinh ấy, tiểu luận này của Đạo Nguyên nhằm cắt đứt quan niệm niết bàn là cái gì đối lập với đời sống thường tục.
Hoa Đốm Giữa Hư Không
Vị sáng lập Thiền nói, “Một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành.”
Người ta cần nghiên cứu thời gian nở hoa này, cũng như ánh sáng và màu sắc của nó. Sự đa thù của một bông hoa là năm cánh, sự nở ra năm cánh là một bông hoa. Một hoa này đến từ Ta vốn đến đất này, truyền pháp cứu mê tình. Ánh sáng và màu sắc phải tìm trong sự tham cứu bằng thiền định này. Kết quả là cho đến khi các ông thành quả – đây gọi là tự nhiên thành. Tự nhiên thành nghĩa là trau dồi nhân và kinh nghiệm quả. Có nguyên nhân trong lãnh vực kinh nghiệm thông thường, có kết quả trong lãnh vực thông thường. Tu hành nguyên nhân và kết quả này trong lãnh vực kinh nghiệm thông thường, người ta kinh nghiệm nguyên nhân và kết quả trong lãnh vực thông thường. Tự là cái ngã, cái ngã chính là ông – nghĩa là bốn đại và năm uẩn. Bởi vì có thể dùng con người chân thật không có vị trí (vô vị chân nhân), nó không phải là tôi, nó không phải là ai ; bởi thế không cưỡng bách gọi là tự nhiên. Nhiên là cho phép. Tự nhiên thành là thời gian nở hoa và thành quả, đó là thời gian truyền pháp cứu mê tình.
Chẳng hạn, giống như thời gian và nơi chốn của hoa ưu đàm là nở hoa trong lửa, trải qua trong lửa. Xuyên vào lửa và ở trong lửa là nơi chốn và thời gian của sự nở hoa ưu đàm. Nếu không phải thời gian và nơi chốn của hoa ưu đàm, một tia lửa cũng không có, không có dù chỉ một tia lửa của đời sống. Hãy biết rằng trong một tia lửa là trăm ngàn hoa ưu đàm, nở trong không trung, nở trên đất, nở trong quá khứ, nở trong hiện tại. Thấy biết thời gian và nơi chốn xuất hiện của lửa là thấy biết hoa ưu đàm. Chúng ta chớ bỏ qua không thấy biết thời và nơi của hoa ưu đàm.
Cổ nhân nói, Hoa ưu đàm nở trong lửa. Thế thì hoa ưu đàm luôn luôn nở trong lửa. Nếu các ông muốn biết lửa, thì đó là nơi hoa ưu đàm nở. Các ông chớ nên, do bám chấp vào những quan kiến của trời, người, mà không học về “trong lửa”. Nếu các ông nghi ngờ nó, các ông cũng sẽ nghi ngờ hoa sen lớn lên trong nước ; các ông sẽ nghi ngờ có hoa nở trên cành. Nếu các ông phải nghi ngờ, thì nên nghi ngờ cơ cấu của thế giới vật chất. Dù thế, các ông chớ nghi ngờ.
Nếu người ta không là Phật, Tổ, người ta không biết khi một bông hoa nở thế giới hiện thành. Một bông hoa nở là trước ba ba, sau ba ba.(1) Để hoàn thành con số thành viên này, tất cả được tập hợp lại và làm cho vĩ đại. Nhờ nguyên lý này, người ta có thể biết lượng của mùa xuân và mùa thu.
Nhưng không phải có hoa và quả trong mùa xuân và mùa thu ; hữu thời(2) luôn luôn có hoa và quả. Hoa và quả cùng giữ gìn thời gian và mùa, thời gian và mùa cùng giữ gìn hoa và quả. Vì lý do này trăm cây(3) đều có hoa và quả, tất cả cây đều có hoa và quả. Cây vàng, bạc, đồng, sắt, san hô và ngọc đều có hoa và quả ; cây đất, nước, lửa, gió và không gian đều có hoa và quả. Những cây người có hoa, những hoa người có hoa, cây khô(4) có hoa.
Trong những thứ ấy, có hoa đốm giữa hư không mà đức Phật đã nói. Tuy nhiên, người ít học và ít quán chiếu thì không biết màu sắc, sự lộng lẫy, lá và hoa của những hoa giữa hư không giống như gì – họ chỉ nghe về chúng như là những hoa không hề có. Hãy biết rằng trong Phật đạo có nói về hoa giữa hư không – người ngoài cuộc còn không biết có việc nói về hoa giữa hư không, huống gì là hiểu sự việc đó. Chỉ có chư Phật, chư Tổ mới biết sự nở hoa và rơi rụng của hoa trời và hoa đất, và vân vân, và biết hoa trời, hoa đất, hoa thế gian và vân vân là những kinh điển. Đây là lời khuyên nhủ để học Phật. Bởi vì cái mà chư Phật, chư Tổ cưỡi lên là hoa giữa hư không, những thế giới của chư Phật cũng như những lời dạy của chư Phật thật ra là hoa giữa hư không.
Tuy nhiên, người bình thường kém trí nghĩ rằng Phật nói những con mắt bệnh cườm thì thấy hoa giữa không trung nghĩa là những con mắt bệnh cườm ám chỉ những con mắt méo mó của chúng sanh ; họ lý giải rằng bởi vì mắt bệnh bị méo mó, chúng thấy hoa đốm giữa không trung trong trẻo. Do bám chấp vào lý luận này, họ nghĩ sai rằng nó nghĩa là thấy là thật có ba cõi, sáu đường, và chư Phật, tất cả vốn đều không có. Họ chấp vào ý tưởng điều này nói rằng nếu bệnh cườm gây ra mê lầm mà mất đi, những hoa đốm giữa hư không này sẽ không còn thấy nữa, và như vậy vốn không có hoa trong hư không. Tội nghiệp cho những người như vậy, họ không biết thời gian và mùa và tiến trình của những hoa giữa hư không đức Phật đã nói. Nguyên lý đục thủy tinh thể, hoa giữa hư không chư Phật đã nói còn chưa rõ ràng với người bình thường và người ngoại cuộc. Chư Phật, những bậc giác ngộ, trau dồi, nuôi dưỡng những hoa giữa hư không này, do đó mà có y, tòa ngồi và phòng,(5) đạt giác ngộ, chứng quả. Cầm một bông hoa đưa lên và nháy mắt(6) là trường hợp công khai nơi đó bệnh cườm trong mắt, hoa giữa hư không biểu lộ. Kho tàng của con mắt của chánh pháp (Chánh Pháp Nhãn Tạng), tâm bất khả thuyết của niết bàn, được truyền không sai mảy ly cho đến hôm nay không cách hở, được gọi là bệnh cườm trong mắt, hoa giữa hư không. Giác ngộ, niết bàn, pháp thân, bản tánh và v.v… là một vài cánh hoa của sự mở ra năm cánh của những hoa giữa không trung.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, “Như người mắt cườm thấy những hoa trong hư không : khi phiền não của bệnh cườm hết, những hoa tan biến trong hư không.”
Tuy nhiên còn chưa có một học giả nào đã hiểu lời tuyên bố này. Bởi vì họ không biết hư không, họ không biết hoa giữa hư không. Bởi vì họ không biết hoa giữa hư không, họ không biết người có bệnh cườm ; họ không thấy người có bệnh cườm, không gặp người có bệnh cườm, không là người có bệnh cườm. Người ta cần phải gặp người có bệnh cườm, biết hư không và cũng thấy hoa giữa hư không. Sau khi thấy hoa giữa hư không, người ta cũng cần thấy hoa tàn giữa hư không. Nghĩ rằng một khi hoa giữa hư không dừng dứt chúng sẽ không còn hiện hữu là cái thấy của một người tiểu thừa. Nếu hoa giữa hư không không được thấy nữa, chúng sẽ là cái gì ? (Những người với cái thấy của tiểu thừa) chỉ biết hoa trong hư không như là cái gì phải từ bỏ, và không biết chuyện vĩ đại sau hoa giữa hư không – họ không biết sự trồng, sự chín và sự rơi rụng của hoa giữa hư không.
Những học giả bình thường ngày nay nghĩ rằng nơi năng lượng mặt trời trú ngụ là bầu trời, là hư không, rằng mặt trời, mặt trăng, các hành tinh và sao được treo giữa hư không, và do đó họ nghĩ rằng nói hoa giữa hư không có nghĩa là sự xuất hiện của những hình sắc giống như những đám mây trôi nổi trong bầu trời trong sáng này, những hoa bay đây đó trong gió. Họ không hiểu rằng bốn đại tạo ra và được tạo ra, tất cả những hiện tượng của thế giới vật chất, cũng như giác ngộ nền tảng, bản tánh nền tảng v.v… được gọi là hoa giữa hư không. Họ cũng không biết rằng bốn đại tạo tác và v.v… hiện hữu nhờ những hiện tượng ; họ không biết rằng thế giới vật chất vẫn ở trong trạng thái bình thường của nó là nhờ những hiện tượng. Họ chỉ thấy những hiện tượng như là hiện hữu nhờ vào thế giới vật chất. Họ chỉ thấu hiểu rằng có những hoa trong hư không là do mắt cườm ; họ không thấu hiểu nguyên lý rằng mắt cườm được hiện hữu là do những hoa trong hư không. Hãy biết rằng người với bệnh cườm mà Phật đã nói là người vốn giác ngộ, người giác ngộ bất khả thuyết, người của chư Phật, người của ba cõi, người vượt khỏi Phật. Chớ mê mờ mà cho rằng bệnh cườm là những yếu tố mê lầm và như vậy mà học như thể có cái gì khác là thật – đấy sẽ là một cái thấy nhỏ. Nếu những hoa bệnh cườm (hoa đốm) là huyễn, thì tác nhân và hành động bám chấp vào chúng một cách sai lầm như là huyễn cũng phải là huyễn. Nếu tất cả chúng đều là huyễn, thì không thể có lý luận. Nếu không có lý luận được thiết lập, sự kiện những hoa bệnh cườm (hoa đốm) là huyễn không thể chỉ là như vậy.
Tới mức mà giác ngộ là một bệnh cườm, vô vàn yếu tố của giác ngộ là tất cả những yếu tố của một phô bày huy hoàng của bệnh cườm, vô vàn yếu tố của mê lầm là tất cả những yếu tố của một phô bày hùng vĩ của bệnh cườm. Bấy giờ chúng ta nói rằng bởi vì mắt bệnh cườm là bình đẳng, hoa giữa hư không là bình đẳng ; bởi vì mắt bệnh cườm là vô sanh(7) hoa giữa hư không là vô sanh. Bởi vì mọi sự vật là những tướng (đặc tính) của thực tại, những hoa bệnh cườm là những tướng của thực tại. Nó không phải là một vấn đề của quá khứ, hiện tại và vị lai, không phải là một vấn đề của bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt – bởi vì chúng không bị ngăn chặn bởi sanh và diệt, chúng có thể làm cho sanh và diệt được sanh và được diệt. Chúng phát sanh trong hư không và tan mất trong hư không, phát sanh trong bệnh cườm và tan mất trong bệnh cườm, phát sanh trong những hoa và tan mất trong những hoa. Tất cả những thời gian khác và chỗ khác cũng như vậy.
Học về hoa trong hư không chắc chắn có nhiều cấp bậc. Có cái được thấy bởi đôi mắt bệnh cườm, có cái được thấy bởi đôi mắt trong sáng, có cái được thấy bởi đôi mắt của chư Phật, có cái được thấy bởi đôi mắt của chư Tổ, có cái được thấy bởi con mắt đạo, có cái được thấy bởi đôi mắt mù. Có cái được thấy cho ba ngàn năm, có cái được thấy cho tám trăm năm.(8) Có cái được thấy cho một trăm kiếp, có cái được thấy cho vô lượng kiếp. Tuy những cái này đều đang thấy hoa giữa hư không, nhưng bởi vì hư không có nhiều loại, hoa cũng là nhiều thứ.
Các ông cần biết rằng hư không là một cái cây. Hư không này không khỏi nở hoa, như tất cả cây đều nở hoa. Như một diễn đạt nguyên lý này, Phật nói vốn không có hoa trong hư không. Dù vốn không có hoa, vậy mà sự kiện bây giờ có hoa, những trái đào và mận là như vậy, và những trái mơ và liễu cũng là như vậy – đó giống như nói những cây đào hôm qua đã không có hoa – những cây đào mùa xuân đang có hoa. Khi mùa đến, hoa nở – nó phải là thời của hoa, nó phải là sự đến của hoa. Thời điểm chính xác của sự đến của hoa này không hề tùy tiện. Hoa mơ hoa liễu luôn luôn nở trên cây mơ cây liễu – khi các ông thấy hoa các ông biết chúng là cây mơ hay cây liễu ; thấy cây mơ và cây liễu các ông có thể nói hoa gì. Hoa đào hoa mận không hề nở trên cây mơ cây liễu – hoa mơ hoa liễu nở trên cây mơ cây liễu, hoa đào hoa mận nở trên cây đào cây mận.
Sự nở của những hoa trong hư không cũng giống như thế – chúng không nở trên những cây khác. Nhìn màu sắc của hoa trong hư không, người ta ước định sự không tận của trái trong hư không. Thấy sự nở và rụng của hoa trong hư không, người ta cần học mùa xuân và mùa thu của hoa giữa hư không. Mùa xuân của những hoa giữa hư không và mùa xuân của những hoa khác phải bình đẳng. Như những hoa giữa hư không là khác nhau, thời gian của mùa xuân cũng phải như vậy. Vì lý do này có mùa xuân và mùa thu của mọi thời. Học rằng những hoa trong hư không thì không thực nhưng những hoa khác thì thực, đó là không hiểu gì lời Phật dạy. Nghe nói vốn không có hoa trong hư không, nếu người ta cho vậy có nghĩa là hoa trong hư không vốn xưa kia không hiện hữu mà bây giờ hiện hữu, đó là suy nghĩ nông cạn và quan kiến nhỏ hẹp – người ta phải tiếp tục suy nghĩ theo một cách mở rộng hơn. Một vị Tổ đã nói, “Hoa chưa từng sanh.” Sự bày tỏ của thông điệp này là, chẳng hạn, nguyên lý : những hoa chưa từng sanh và chưa từng diệt ; những hoa chưa từng là hoa, hư không chưa từng là hư không. Không nên có sự tối nghĩa về hiện hữu hay không hiện hữu làm mờ rối bối cảnh của thời gian của những hoa. Như hoa luôn luôn có những màu sắc : những màu sắc không nhất thiết giới hạn nơi hoa, và những thời gian cũng có những màu sắc như lục, vàng, đỏ và trắng. Xuân làm hoa nở, hoa làm nở xuân.
Một học giả nào đó (tú tài Trương Chuyết) là một đệ tử cư sĩ của thiền sư Thạch Sương. Ông làm một bài kệ về sự ngộ đạo như thế này :
Quang minh lặng chiếu khắp vô biên
Ánh sáng này làm biểu lộ một cách mới mẻ phòng tăng, chánh điện, nhà ăn và cổng tam quan. Khắp vô biên là sự biểu lộ của ánh sáng, nó là ánh sáng của biểu lộ.
Tất cả sinh linh, người thường người trí, là gia đình tôi
Không phải là không có người dân thường và người trí – nhưng chớ vu khống người dân thường và người trí vì họ là người như vậy.
Duy chỉ một tư tưởng không sanh, toàn thể hiện bày
Mỗi tư tưởng là một cá thể ; nó chắc chắn là vô sanh.(9) Đây là toàn thể cái đang là, biểu lộ toàn thể. Bởi thế ông diễn đạt cái này là một tư tưởng duy nhất vô sanh.
Ngay khi sáu căn vừa động, chúng bị mây che mờ
Dù sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chúng không nhất thiết phải là hai lần ba – chúng phải là ba ba, trước và sau đều ba ba. Động thì như núi Tu Di, nó giống đất, nó giống như sáu căn, nó giống như chúng vừa động. Bởi vì động giống như núi Tu Di, không động cũng giống như núi Tu Di. Chẳng hạn, nó làm mây làm mưa.
Đoạn trừ phiền não càng thêm bệnh
Không phải trước kia không có bệnh. Có bệnh của Phật, bệnh của chư Tổ. Không biết bệnh là gì mà muốn trừ bệnh là cái bệnh tăng gấp đôi. Ngay lúc đoạn trừ, hẳn đó là phiền não, là bệnh. Biết phiền não và trừ phiền não là đồng thời, là không đồng thời. Sự kiện là những phiền não luôn luôn chứa đựng cách thức đoạn trừ chúng.
Nhắm đến cái như vậy (tánh như) cũng là lầm
Lìa khỏi cái như vậy là sai lầm, nhắm đến cái như vậy cũng sai lầm. Như vậy là sự nhắm đến và lìa khỏi. Trong mỗi sự nhắm đến và lìa khỏi, chính là cái như vậy. Ai có biết sự sai lầm này cũng là cái như vậy !
Đi theo với những điều kiện của thế giới, không chướng ngại
Những điều kiện của thế giới đi theo với những điều kiện của thế giới, đi theo là một điều kiện của thế giới khi đi theo – đây gọi là không chướng ngại. Về phần chướng ngại và không chướng ngại, người ta phải học khi bị chướng ngại bởi con mắt.(10)
Niết bàn và sanh tử là những hoa giữa hư không
Niết bàn là giác ngộ hoàn hảo vô thượng ; chỗ an trụ nghỉ ngơi của chư Phật, chư Tổ cũng như của những đệ tử chư Phật, chư Tổ là đây. Sanh tử là phần chủ yếu đích thực của con người. Dù niết bàn sanh tử là những là những cái ấy, chúng là hoa giữa hư không. Những rễ và mầm, cành và lá, hoa và trái, vẻ đẹp và sắc màu của hoa trong hư không đều là sự nở hoa của hoa trong hư không. Hoa hư không cũng sanh ra trái hư không và cho ra hạt giống hư không. Bởi vì thế giới ba cõi chúng ta đang tri giác đây là năm cánh nở của hoa giữa hư không, nó không tốt đẹp bằng thế giới ba cõi đang thấy thế giới ba cõi. Đây là thật tướng của tất cả mọi sự. Đây là tướng hoa của tất cả mọi sự. Mọi sự, rốt ráo không thể dò, là những hoa và quả giữa hư không. Các ông cần học chúng như là bình đẳng với những đào, mận, mơ, liễu.
Thiền sư Reikun, ban đầu đến thiền sư Kisō, hỏi rằng, “Cái gì là Phật ?“ Kisō nói, “Nếu ta nói cho ông, ông có tin không ?” Reikun nói, “Sao con dám không tin những lời chân thật của vị thầy ?” Kisō nói, “Ông là nó.” Reikun nói, “Làm sao con có thể giữ gìn nó ?” Kisō nói, “Khi có chỉ chút cườm trong mắt, hoa trong hư không rơi loạn xạ.”
Lời nói này của Kisō, “khi có chỉ chút cườm trong mắt, hoa trong hư không rơi loạn xạ”, là một giải bày giữ gìn, hộ trì Phật như thế nào. Bởi thế, hãy biết rằng rơi loạn xạ của hoa đốm là sự biểu lộ của Phật. Những hoa và trái trong hư không-con mắt là sự giữ gìn của chư Phật. Do bệnh cườm con mắt được biểu lộ ; khi biểu lộ hoa giữa hư không trong con mắt, nó biểu lộ con mắt trong hoa đốm giữa hư không. Theo đó, khi có những hoa hư không trong mắt, một bệnh cườm rơi loạn xạ, và khi một con mắt ở trong hư không, vô số bệnh cườm rơi loạn xạ. Vì thế, những bệnh cườm cũng là sự biểu lộ của toàn cơ, con mắt cũng là sự biểu lộ của toàn cơ, hư không cũng là sự biểu lộ của toàn cơ, những hoa cũng là sự biểu lộ của toàn cơ. Rơi loạn xạ là một ngàn con mắt, nó là những con mắt khắp cả thân.(11) Trong bất cứ thời gian nào và chỗ nào có một con mắt, thì không tránh khỏi có những hoa giữa hư không, có những hoa trong con mắt. Những hoa trong con mắt được gọi là những hoa trong hư không – sự biểu hiện của những hoa trong con mắt phải rỗng rang và trong sáng.
Thiền sư Kōshō nói, “Thật kỳ diệu ! Chư Phật mười phương vốn là những hoa trong mắt. Nếu bạn muốn biết những hoa trong mắt, chúng vốn là chư Phật mười phương. Nếu bạn muốn biết chư Phật mười phương, các ngài không phải là những hoa trong mắt ; nếu bạn muốn biết những hoa trong mắt, chúng không phải là chư Phật mười phương. Nếu bạn hiểu điều này, lỗi lầm là nơi chư Phật mười phương. Nếu bạn không hiểu, một đệ tử lại nhảy múa, một người tự-thức tỉnh lại giả vờ trang điểm.”
Các ông cần biết rằng không phải chư Phật mười phương là không thật – các ngài vốn là những hoa trong mắt. Chỗ trú của chư Phật mười phương là ở trong con mắt. Nếu không phải ở trong con mắt thì không phải là chỗ trú của chư Phật. Những hoa trong con mắt là không phải không hiện hữu, không phải hiện hữu, không phải không, không phải có – bản thân chúng là chư Phật mười phương.
Bây giờ nếu các ông chỉ muốn biết chư Phật mười phương, nó không phải là những hoa trong con mắt, và nếu các ông chỉ muốn biết những hoa trong con mắt, nó không phải là chư Phật mười phương – nó là như vậy đấy. Bởi vì nó là như vậy, hiểu và không hiểu cả hai đều là những hoa trong con mắt, đều là chư Phật mười phương. Muốn biết và không phải là là sự kỳ diệu của biểu lộ, là một kỳ diệu vĩ đại. Giáo lý hoa hư không (hoa trời) và hoa đất được chư Phật và chư Tổ nói như vậy là một chớp lóe đặc sắc. Thậm chí dù những vị thầy của kinh và luận có nghe đến tên hoa trong hư không, thì khi trở lại nhịp đập đời sống của những hoa đất vẫn không ai có cách gì, trừ chư Phật và chư Tổ đã thấy hay nghe chúng. Hiểu biết nhịp đập đời sống của những hoa đất được giữ trong những lời nói của chư Phật, chư Tổ.
Thiền sư Huệ Triệt khi có nhà sư hỏi, “Cái gì là viên ngọc trong núi ?” Cốt lõi của câu hỏi này là như khi hỏi, chẳng hạn, Phật là gì, Đạo là gì. Vị thầy trả lời, “Hoa hư không khởi lên từ đất ; toàn cả nước không có cách gì mua.” Câu nói này hoàn toàn không nên xem ngang với những câu khác. Thường khi các thiền sư nói về hoa giữa hư không, các vị chỉ nói chúng phát sanh trong hư không và rồi tan biến trong hư không. Còn không có ai biết từ hư không là sao, huống chi từ đất – chỉ có Huệ Triệt biết. “Từ đất” ‘là bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt’ rốt ráo là từ đất. Khởi lên nghĩa là nở hoa. Chính ngay lúc này, chúng khởi lên từ toàn thể đất, chúng nở hoa từ toàn thể đất. Toàn cả nước không có cách gì mua không có nghĩa toàn cả nước không mua, nhưng mà không có cách để mua. Có những hoa không khởi lên từ đất, có toàn thể đất nở hoa từ những hoa. Bởi thế hãy biết rằng hoa giữa hư không có nghĩa khiến cho cả đất và trời nở hoa.
Chú thích
1. “Trước ba ba, sau ba ba” – xem Bích Nham Lục tắc 35. Thiền sư Bạch Ẩn nói, “Nếu ông muốn biết cái này là bao nhiêu, ông phải biết số sao của đêm qua, số giọt của cơn mưa sáng nay.” Có thể được xem như ám chỉ toàn thể tính của kinh nghiệm, khác biệt theo hình sắc, đặc tính, nhưng bình đẳng trong tinh túy.
2. Hữu Thời : xem chương Hữu Thời ở sau.
3. “Trăm cây” nghĩa là mọi vật.
4. “Cây khô” ám chỉ sự hết đam mê, hết vọng tưởng. Vị tổ của Đạo Nguyên nói đến Thiền như “những hoa nở trên một cây khô”, hay ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới.
5. “Y, tòa ngồi và phòng”, một thành ngữ từ kinh Pháp Hoa : “y” của chư Phật là sự hòa giải và khoan dung ; “tòa ngồi” của chư Phật là tánh không của tất cả sự vật ; “phòng” của chư Phật là lòng bi cho tất cả chúng sanh.
6. Truyền thuyết Thiền về sự bắt đầu trao truyền là một lần giữa chúng hội, Phật Thích Ca Mâu Ni không nói gì mà chỉ cầm một bông sen đưa lên và nháy mắt – không ai hiểu ngoại trừ đại đệ tử là Ma Ha Ca Diếp, ngài mỉm cười. Phật nói, “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay trao cho Ma Ha Ca Diếp.”
7. “Vô sanh” thường có nghĩa là “không” theo nghĩa không có tự tánh ; theo đó, nó cũng ám chỉ ý niệm vô thủy, vô chung, tương quan lẫn nhau không thể tách rời của tất cả hiện tượng.
8. “Tám trăm” và “ba ngàn” là một cặp số thường dùng trong nói chuyện để ám chỉ vô số không xác định.
9. Nghĩa “vô sanh” ở đây có nghĩa mỗi khoảnh khắc là độc nhất ; từ quan điểm khoảnh khắc, xem xét tự thân khoảnh khắc, thì không có trước hay sau trong bản thân khoảnh khắc hiện tại.
10. “Chướng ngại” ở đây là hiện hữu ; bị chướng ngại bởi con mắt nghĩa là kinh nghiệm qua con mắt.
11. Xem Hải Ấn Đại Định, chú thích 9.
Gửi ý kiến của bạn