Công Án 90-100

14 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 6576)

THIÊN KHI NHƯ HUYỄN bình
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
TIẾNG SÁO THÉP
(100 CÔNG ÁN THIỀN)

90. CÁI MÂM VỠ

 

Ngày xưa, có một ông tăng sống ba mươi năm trong một cái am nhỏ gọi là Phì Điền, có nghĩa là “ruộng mầu mỡ”.

 

 Fugai: Có thể ông ta không biết chỗ nào khác để dọn đi.

 

Ông ta chỉ có một cái mâm làm bằng đất sét.

 

 Fugai: Vật đắt tiền chẳng phải luôn luôn là đồ quí.

 

Một hôm một ông tăng khác ở học với ông ta, lỡ tay làm bể cái mâm.

 

 Fugai: Nhờ bị bể mà kho tàng hiện ra.

 

Mỗi ngày ông thầy bắt học trò thay cái mâm.

 

 Fugai:  Tại sao ông muốn cái khác.

 

Mỗi khi người đệ tử đem cái mâm mới đến, ông thầy liền ném nó đi và nói, “Cái này chẳng phải. Trả lại cho tôi cái cũ.”

 

Fugai: Tôi sẽ giơ hai bàn tay ra và cười lớn.

 

Genro: Nếu tôi là người đệ tử, tôi sẽ nói, “Hãy đợi khi nào mặt trời mọc hướng tây.”

 

Fugai: Tôi sẽ đi tìm nó trước khi tôi sinh ra đời.

 

Genro: Bể rồi;

[Fugai: Cái mâm còn nguyên đó.]

Chạy nhanh theo nó đi.

[Thanh kiếm biến mất trong nước.]

Đệ tử không hiểu nó.

[Nó đã trở lại với ông ta rồi.]

Gọi ấm thiết là chuông.

[Ông có thể gọi đất là trời. . . có gì là sai?]

 

 

 

 91. PHÁP NHÃN GIỌT NƯỚC

 

Một ông tăng hỏi Pháp Nhãn, “Thế nào là một giọt nước Tào khê?

 

 Fugai: Phun mực trong miệng vào mặt người ta.

 

Pháp Nhãn nói, “Là một giọt nuớc Tào khê.”

 

Fugai: Ông ta dùng độc trị độc.

 

Genro: Pháp Nhãn không bao giờ hạ giá đã định.

 

Fugai: Chẳng có giá nhất định.

 

Genro: Giọt nước này từ nguồn;

[Fugai: Hoàng hà ô nhiễm tại nguồn.]

Không có gì độc hơn. . .

[Ai uống vào ắt mất mạng.]

Chớ nói biết nóng lạnh.

[Ai biết vị ấy.]

Bao nhiêu người uống được?

[Tôi đã uống rồi.]

 

 

 

92. TÀO SƠN BỐN KHÔNG

 

 Tào Sơn nói, “Không theo đường tâm của chim."

 

 Fugai: Ông thích nay đây mai đó hơn chăng?

 

 Như Huyễn: Quí vị từng nghe Kontiki chưa?

 

 Không mặc áo cho mình trước khi sinh.

 

Fugai: Sự trần truồng mang lại hạnh phúc chăng?

 

Như Huyễn: Vũ nữ Tokuyae mặc y phục dày trong lúc múa, nét hiền diệu chan hòa trong chiếc y.

 

 Không nói phút giây hiện tại là vĩnh cửu.

 

Fugai: Ông chỉ cần lộ mặt ra.

 

Như Huyễn: Tôi không thích cái mặt đó.

 

 Không diễn tả mình trước khi sinh.

 

 Fugai: Người ta nên đọc không chữ.

 

Như Huyễn:  Tôi hiểu mười ngàn chữ Hán nhưng chúng chẳng làm tôi phiền.

 

Genro: Cứ như Tào Sơn nói, tôi sẽ hỏi tăng nhân các ông:

 [Fugai: Hỏi đi! Tôi sẽ đáp từng câu.]

Thứ nhất, các ông có thể đi bất cứ chỗ nào tùy thích, nhưng thế nào là đường chim?

[Đông hay tây?].

 

Thứ nhì, bây giờ các ông có thể mặc áo gì tùy thích, nhưng các ông mặc áo gì trước khi các ông sinh ra?

[Người văn minh không trần truồng đi dạo phố].

 

Thứ ba, hãy nói bất cứ điều gì tùy ý, nhưng thế nào là hiện tại?

 

[Như Huyễn: Lời bình của Fugai về câu này không đáng dịch. Tôi nói thay sư, “Câu hỏi hay quá chẳng thể trả lời.”]

 

Thứ tư, các ông có thể diễn tả cái gì tùy thích, nhưng trước khi sinh ra thì các ông ở chỗ nào?

 

[Fugai: Phù thủy biết trò ảo thuật].

 

 Genro: Thuốc nhà Tào Sơn cay.

 [Fugai: Còn dịu hơn mật ong].

 Mục đích là giết người.

[Khi tất cả bị giết chết, một người sống

 sinh ra.]

 Kiếm ba tấc lấp lánh;

 [Phật và Tổ sẽ sợ đến chết mất.]

 Mỗi nhát chém bén hơn.

 [Chớ tự chém mình nhé!]

 

 

 

93. ĐỨC SƠN SƯ TỬ

 

Một hôm Đức Sơn đang làm việc trong vườn chùa, thấy một ông tăng đang đi đến ở đầu đường, sư liền đóng cổng chùa lại.

 

 Fugai: Tham vấn đã xong.

 

Ông tăng gõ cổng.

 

 Fugai: Hành động trễ nãi.

Đức Sơn hỏi, “Ai đấy?”

 

 Fugai: Một quái vật!

 

Ông tăng đáp, “Sư tử con.”

 

 Fugai: Sư tử con lọt vào hang cáo.

 

Đức Sơn mở cổng.

 

 Fugai: Ông ta đưa đầu vào miệng sư tử.

 

Ông tăng lễ bái thầy.

 

 Fugai: Bộ lông chẳng giống sư tử.

 

Đức Sơn nhảy lên lưng ông tăng làm như cưỡi lên một con sư tử nhỏ, ghì nó xuống và nói, “Súc sinh! Ngươi từ đâu đến?”

 

 Fugai:  Đó là cách nuôi sư tử con.

 

Genro: Ban đầu tôi nghĩ ông ta là sư tử con thật, nhưng bây giờ tôi thấy sức ông ta không bằng một con cáo. Ông ta phải nhảy lên Đức Sơn ngay lúc cổng vừa mở, ghì sư xuống hết cơ cứu vãn.

 

Fugai: Đồ súc sanh.

 

Như Huyễn: Kangetsu nói đó là một cảnh hay. Nên hạ màn để kết thúc. Tôi đồng ý với Kangetsu. Genro giống như một lão nhà quê vô vị, ồn ào mà chẳng được tích sự gì. Gió nhẹ giữa mùa hè thổi vào phòng, Kangetsu và tôi cùng nhau làm việc. Tại sao chúng tôi không hỏi gió nhẹ? Nó là cái gì? Nó từ đâu đến? Chỉ chào đón nó, không gọi nó là ác quỉ hay thiên thần.

 

Genro: Tự gọi mình sư tử,

đến viếng kẻ thuần thú.

[Fugai: Đang rống như sư tử.]

Tiếng gầm bể tự viện.

[Tiếng vang từ lũng đồi]

Sư tử thành chú lừa,

[Nên học cách nhào lộn.]

Bại trước khi đá được. 

[Sau sấm, không có mưa.]

 

 

 

94. SỐNG MỘT MÌNH

 

Một ông tăng đến hỏi Vân Cư, “Làm thế nào con có thể sống một mình trên đỉnh núi?”

 

 Fugai: Ông lạc trong mây mù.

 

Vân Cư đáp, “Sao ông không bỏ thiền đường dưới thung lũng đi lên núi?”

 

 Fugai: Đây chẳng phải cách hàng phục ma.

 

Như Huyễn: Những người bạn Mỹ thường hỏi tôi làm thế nào tìm được “nơi yên tĩnh để thiền định?”. Câu trả lời thông thường của tôi là, “Trong nhà anh có chỗ nào yên tĩnh không?” Trong đời sống hàng ngày dù có bận rộn đến đâu, người ta cũng có thể tìm được những giờ phút nào đó để thiền định và một chỗ nào đó để ngồi yên. Chỉ khăng khăng tìm một chỗ yên tĩnh bên ngoài ngôi nhà mình ở là hoàn toàn sai. Ông tăng này không hòa mình được với những tăng nhân khác trong thiền viện và muốn sống một mình trên đỉnh núi. Dù cho Vân Cư đã dồn ông tăng vào thế kẹt bằng câu hỏi ấy, cũng không lạ gì Fugai cho phương pháp của Vân Cư quá nhạt nhẽo.

Nếu tôi là Vân Cư, tôi sẽ yêu cầu ông tăng cho tôi biết ngay lúc này ông ta đang ở đâu. Nếu ông ta lưỡng lự tôi sẽ đẩy ông ta ra khỏi phòng ngay.

 Genro: Nếu tôi là Vân Cư, tôi sẽ nói với ông tăng, “Nếu ông không chểnh mảng thiền đường của ông, tôi cho phép ông ở trên đỉnh núi. Nhưng làm sao ông có thể ở trên đỉnh núi mà không chểnh mảng thiền đường?”

 

Fugai: Tiêu diệt cả thiền đường và núi ấy.

 

Như Huyễn: Fugai giống như người vô chính phủ. Tôi không muốn làm người đồng đạo với ông tăng cấp tiến này. Câu nói đầu tiên của Genro thật sáng giá. Tại sao sư thêm câu cuối? Hãy xem các đồng đạo của tôi! Tất cả những người đó đều là những nhà kinh doanh và nội trợ giỏi. Không ai chểnh mảng việc đeo đuổi Thiền của mình. Bất cứ lời dạy nào tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày thì chẳng phải là lời dạy chân thực.

 

Genro: Đẩy tăng đến vực sâu

[Fugai: Không có chỗ nào cao hơn và

rộng hơn.]

Ném ông ta xuống đó,

[Cho ông ta sống mãi.]

Nơi đây tăng sống mãi.

[Không cửa vào, không lối ra.]

Pháp Vân Cư siêu tuyệt.

[Người ta nên biết ơn.]

 

Như Huyễn: Hê!

 

 

 

 

 

 

95. LÂM TẾ MẮT CHÁNH

 

Ma Cốc hỏi Lâm Tế, “Quan Âm ngàn tay, mỗi tay có một mắt, mắt nào là mắt chánh?”

 

Fugai: Mắt nào chẳng phải mắt chánh?

 

Lâm Tế đáp, “Quan Âm ngàn tay mỗi tay có một mắt, mắt nào là mắt chánh? Nói mau! Nói mau!”

 

 Fugai: Kẻ địch bị vũ khí của mình đánh bại.

 

Ma Cốc kéo Lâm Tế xuống khỏi tòa và lên ngồi vào chỗ của Lâm Tế.

 

 Fugai: Sao chổi đến gần chòm sao khác.

 

Lâm Tế đứng lên hỏi, “Vì sao?”

 

 Fugai: Cả đoàn quân theo lệnh rút lui.

 

 Kangetsu: Ma Cốc không giữ vững mục tiêu.

 

Lâm Tế hét, “Katz!” và kéo Ma Cốc ra khỏi tòa.

 Fugai: Con rồng nằm.

 

 Như Huyễn: Cầm thương của địch tấn công địch.

 

Ma Cốc lặng lẽ bỏ đi.

 

 Fugai: Hai tướng hiểu nhau.

 Như Huyễn: Trong lịch sử Trung hoa, Khổng Minh là một tướng tài nổi tiếng, bỗng nhiên bị quân địch dưới sự chỉ huy của Trung Đạt bao vây. Lúc đó chỉ có một mình Khổng Minh, quân của Khổng Minh đang đi nghỉ phép. Khổng Minh bước ra trên bao lơn của một cái tháp nhìn qua phía địch và chơi đàn. Trung Đạt biết chiến thuật thượng đẳng của Khổng Minh, sợ rằng người của Khổng Minh đang mai phục chuẩn bị tấn công, đột nhiên ra lệnh cho quân của mình rút lui. Khổng Minh nổi tiếng là Ngọa Long Tiên Sinh [Ông Thầy Rồng Nằm], người không ai đánh bại được. Lời bình của Fugai chỉ câu chuyện này.

 Quan Thế Âm có một ngàn con mắt nhưng chỉ có một mắt là thật. Con mắt chánh đó tự hóa hiện thành một ngàn con mắt. Giống như mặt trăng đồng thời phản ảnh trong một ngàn cái hồ. Có phải các hồ mời mặt trăng hay là mặt trăng đi xuống cái hồ? Cái nào là chủ, cái nào là khách? Lâm Tế tinh ranh đặt câu hỏi có dụng ý, “Vì sao?” trước khi hét, “Kat!” Ma Cốc nên hét trả lại và đột ngột bỏ đi. Dở quá, thua trận thật không vinh quang. 

 

 Genro: Câu hỏi, “Vì sao?” của Lâm Tế khiến người ta do dự. Nếu trong tăng nhân các ông có ai đáp đúng được, thì có thể hai tay đánh đường xa mà đi. Đây là mật truyền của giáo lý Lâm Tế.

 

Fugai: Chớ đứng trên nóc nhà mà hét!

 

Genro: Điền Đan chiến sĩ thật tài ba.

[Fugai: Tướng giỏi khó tìm.]

Kế trận bày ra khiếp quỉ ma.

[Con đường vô thượng ngàn thánh chẳng

thể theo.]

Cho bò mang lửa xông vào địch,

[Trăm trận, trăm thắng.]

Một lúc được luôn bảy chục thành.

[Xưa nay chưa từng thua.]

 

Như Huyễn: Điền Đan là một chiến sĩ khác của Trung hoa. Khi bị thiếu quân, ông ta đã dùng bò đánh giặc bằng cách buộc những bó lửa trên lưng bò, và nhờ thế đã chuyển thất bại thành thắng lợi vinh quang. 

Tăng nhân không nên nói chiến tranh và đánh nhau. Điều đó trái với giới luật Phật giáo. Có nhiều thí dụ khác có thể dùng hay hơn các thí dụ này; một cành hoa cũng thành một minh họa tốt hơn. Trong tương lai, vào khoảng năm 2001, người học Thiền có thể quên chiến tranh là gì và thưởng thức Thiền của họ trong những khu vườn thanh bình đầy gió xuân êm dịu. 

 

 

 

96. NHAM ĐẦU BA GIỚI

 

Một ông tăng hỏi Nham Đầu, “Khi ba giới ập đến thì làm thế nào?”

 

Fugai: Hãy vác chúng lên vai.

 

Nham Đầu đáp, “Hãy ngồi xuống.”

 

 Fugai: Ông lại cho ông ta một gánh nặng nữa.

 

Ông tăng nói, “Con không hiểu.”

 

 Fugai: Ông còn chưa biết mình đã bị trượt.

 

Nham Đầu bảo, “Mang hòn núi kia đến đây, rồi tôi sẽ nói cho.”

 

Fugai: Một người biến mình thành Phật, cũng liền biến người khác thành Phật!

 

Genro: Nếu Nham Đầu không có câu thứ hai, người ta sẽ nghi ngờ Thiền của sư. 

 

Như Huyễn: Người ta có thể nghĩ sư có ý nói ngồi trên ba giới, hay bảo ông tăng ngồi. Kangetsu-san, chúng ta hãy uống trà đi.

 

Genro: Nếu ông tăng hỏi tôi khi ba giới ập đến thì làm thế nào, tôi sẽ đáp, “Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.” Nếu lúc ấy ông tăng nói con không hiểu, tôi sẽ đáp, “Núi đông đứng trên sông.”

 

 Fugai: Để tôi tham công án của tôi: Nếu ông tăng hỏi tôi, tôi sẽ nói, “Một giọt sương.” Nếu ông tăng vẫn không chịu hiểu, tôi sẽ nói, “Nó biến thành ngọc trên lá sen.”

Genro: Ba thế giới chồng chất;

 [Fugai: Sóng bủa trên trời.]

 Thiền tăng ngồi bồ đoàn.

 [Ném cái bồ đoàn ấy đi!]

 Nham Đầu mở miệng nói,

 [Thế giới vẫn ở trong tai tôi.]

 Mang núi kia lại đây.

 [Núi ấy tối hôm qua bị trộm lấy mất rồi.]

 

 

 

97. THÂN PHẬT

 

 Khi Phật đang giảng kinh Niết Bàn,

 

 Fugai: Chưa đầy đủ. Trước đó ông ở đâu? Chẳng phải ông lúc nào cũng ở đó sao?

 

Như Huyễn: Ông ta chưa từng ở chỗ nào hết. Nếu ông nghĩ rằng ông ta từng ở, ông phải nhận một phần đất Ấn. Sao ông không chờ đến lúc ông ta nói xong?

 

Ngài lấy tay xoa ngực nói, “Các ông nên nhìn kỹ thân vàng của tôi, nếu không về sau sẽ hối tiếc.”

 

Như Huyễn: Phật mong nhập Niết bàn vậy thì đây là dấu hiệu.

 

Fugai: Suỵt! Con cáo, nhà ngươi đã lừa nhiều người, bây giờ lại cố xóa bỏ lỗi lầm.

 

Như Huyễn: Tôi đã bảo ông lắng nghe cho kỹ.

Nếu ông nói, “Phật nhập Đại niết bàn, ông chẳng phải là đệ tử của tôi.”

 

Fugai: Tôi sẽ nói to, “Phật nhập Đại niết bàn! Phật nhập Đại niết bàn!” 

 

Nếu ông nói, “Phật không nhập Đại niết bàn, ông cũng không phải là đệ tử của tôi.”

 

Fugai: Tôi sẽ nói to, “Phật không nhập Đại niết bàn! Phật không nhập Đại niết bàn!”

Genro: Phật đã nhập diệt cả ngàn năm rồi. Nếu ông bảo ngài vẫn còn ở đây, là ông đang chấp nhận rằng ngài không có nhập Niết bàn. Nếu ông nói rằng ngài không có ở đây là ông đang chấp nhận rằng ngài đã nhập Niết bàn. Nếu ông nói rằng ngài không nhập Đại niết bàn cũng không phải không nhập Đại niết bàn, thì ông phải chấp nhận rằng Ngài không ở đây cũng chẳng phải Ngài không ở đây. Vậy, thân vàng của Ngài ở đâu? Các ông mỗi người hãy về phòng mình nghỉ cho khỏe.

 

 Fugai: Thầy ơi, thầy hãy về phòng thầy trước đi.

 

 Genro: Thầy già quá bận trước khi đi.

 Fugai: Sao chẳng chịu chuẩn bị trước?]

 Nên đã lộ ra ánh sáng vàng;

 [Ai thấy liền bị mù.]

 Thầy đã bịt mồm chư đệ tử.

 [Chưa từng có gì để nói.]

 Chuyện xấu trong nhà nên giữ im.

 [Trước khi ăn cắp hãy bịt tai lại.]

 

 

 

98. HƯU TỊNH DÙNG TRÒ CHƠI

 

 Hưu Tịnh làm giám viện cho Lạc Phố.

 

Fugai: Một địa vị trọng trách.

 

Một hôm Hưu Tịnh gõ chùy ra lệnh, “Chư tăng từ tòa thứ nhất đến tòa giữa, hãy ra đồng làm việc. Chư tăng còn lại, hãy vào núi đốn củi.”

 

Fugai: Tướng ra lịnh cho ba quân.

 

Ông tăng thủ tọa hỏi, “Còn Văn Thù làm gì?”

 

Như Huyễn: Mỗi Thiền đường có một pho tượng hay một bức tranh Văn-thù hay Bồ-đề-đạt-ma.

 

Fugai: Đúng là tăng thủ tọa.

 

 Ông tăng giám viện đáp, “Lệnh tôi chỉ đến các tăng ngồi trên tọa cụ. Chẳng dính dáng gì đến Văn Thù.”

 

Như Huyễn: Chúng ta đọc trong kinh Kim Cang, “Này Tu- bồ-đề, nếu có người nói rằng Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm, hoặc ngồi, người ấy chẳng hiểu nghĩa lời tôi dạy.”

 

Fugai: Ông ta hiểu rõ địa vị của mình. 

 

 Sau này Viên Ngộ bình rằng, “Hưu Tịnh tạo điều kỳ đặc. Pháp của ông tăng thủ tọa tuyệt hảo xỏ xâu được chín cái vỏ ốc.”

 

Fugai: Chẳng có gì tuyệt hảo đối với tôi.

 

Như Huyễn: Có người hỏi Không Tử làm thế nào xỏ xâu được chín cái vỏ ốc, nhưng Khổng Tử không đáp được. Một người đàn bà bảo Khổng Tử đổ mật ong vào một đầu và cho một con kiến mang sợi chỉ từ đầu bên kia bò qua.

 

 “Thế ấy được rồi, nhưng để mở vòng xích, tôi có pháp riêng.”

 

Fugai: Hãy xem nào.

 

Như Huyễn: Ở Trung hoa còn có một câu hỏi khác là làm sao mở các vòng xích khóa lại với nhau. Không một ông thông thái nào giải đáp được, nhưng một người đàn bà đã dùng búa đập nát các vòng xích đó.

 

Viên Ngộ nói tiếp, “Nếu tôi bị ông tăng thủ tọa hỏi cách ấy, tôi sẽ đáp, ‘Đường ấy giống như tấm gương. Nó không tự chuyển mà chiếu tất cả những gì hiện đến’.”

 

Fugai: Hãy đập cái gương đi.

 

Genro: Nếu ai hỏi tôi - không chỉ xâu chín cái vỏ ốc hay mở các vòng xích - Văn Thù phải làm gì, tôi sẽ đánh y trước khi hỏi hết câu. Vì sao? Vì người cày ruộng và người đốn củi cũng chỉ làm theo lệnh.

Như HuyễnThực ra đó là lệnh của Văn Thù.

 

 Fugai: Hưu Tịnh bày Pháp thân (Dharmakaya), Viên Ngộ nói Hóa thân (Nirmakaya), và Genro tả Báo thân (Sambogakaya). Nếu tôi là ông tăng giám viện, tôi sẽ gõ chùy cách chức ông tăng thủ tọa ngay hôm đó.

 

 Genro: Xỏ xâu chín vỏ ốc,

Đập nát các vòng khoen,

[Fugai: Chơn trí vận hành không suy nghĩ.]

 

 

 Bánh xe Pháp tự chuyển.

 [Đại trí giống đại ngu.]

 

 Khổng Tử là hiền triết,

Chẳng thắng được đàn bà.

[Bẩm sinh, không do tạo tác.]

 

Cây thông già mọc trên,

Tảng đá có tuyết phủ.

[Nó làm tôi rùng mình.]

 

Hoa mai sớm đón xuân,

Mỉm cười trong hàng giậu.

[Tôi yêu mùi thơm đó.]

 

 

 

 99. ĐẠI ĐIÊN BAO NHIÊU TUỔI

 

Hàn Thối Chi * hỏi Đại Điên là người có ngôi chùa ở chỗ Hàn Thối Chi bị đày đến, “Hòa thượng bao nhiêu tuổi?”

 

 Fugai: Ông ta tuổi khác ông.

 

Đại Điên giơ xâu chuỗi ra, nói, “Ông hiểu không?”

 

 Fugai: Ông dùng thứ nữ trang ấy sao?

Hàn Thối Chi nói, “Không, tôi không hiểu.”

 

 Fugai: Ông không biết xâu chuỗi này là gì ư?

 

Đại Điên đáp, “Ban ngày một trăm lẻ tám hạt chuỗi, ban đêm cũng một trăm lẻ tám hạt chuỗi.”

 

Fugai: Ông không biết cách nào tốt hơn để xử lý ông học trò này sao?

 

Hàn Thối Chi rất bực mình vì không hiểu được ông tăng già này, và trở về nhà.

 

 Fugai: Ông đang cố đóng đinh vào hư không chăng?

 

Về đến nhà, vợ ông ta hỏi, “Có việc gì mà ông không hài lòng?”

 

 Fugai: Đây chẳng phải chuyện đàn bà.

 

Lúc ấy nhà học giả kể cho vợ nghe tất cả chuyện đã xảy ra.

 

Fugai: Như vậy thì có gì hay? Sao ông không tranh luận trường hợp của ông như ông đã phản kháng hoàng đế? 

 

Bà vợ gợi ý, “Sao ông không trở lại chùa hỏi ông tăng già ấy ông ta muốn nói gì?”

 Fugai: May mắn là ông có được vợ hiền.

Hôm sau, trời vừa sáng nhà Khổng học đã đến chùa và gặp ông tăng thủ tọa tại cổng.

 

 Fugai: Bất hạnh quanh quẩn bước chân ông.

 

Ông tăng thủ tọa hỏi, “Sao ngài đến đây sớm vậy?”

 

 Fugai: Sao không?

 

Hàn Thối Chi đáp, “Tôi muốn gặp thầy của huynh để hỏi một câu.”

 

 Fugai: Ông biết ông ta ở đâu không?

 

“Ngài có chuyện gì với hòa thượng?” Ông tăng thủ tọa hỏi, vì thế nhà Khổng học lặp lại câu chuyện.

 

Fugai: Thầy chẳng bao giờ nói những lời này. Ông đang phỉ báng thầy.

Ông tăng thủ tọa hỏi, “Sao ngài không hỏi tôi?”

 

 Như Huyễn: Lên rồi!

 

Lúc ấy Hàn Thối Chi hỏi, “Ngày một trăm lẻ tám hạt chuỗi, đêm một trăm lẻ tám hạt chuỗi, có nghĩa là gì?”

 

 Fugai: Hãy tìm kinh Dịch.

 

 

Ông tăng thủ tọa nhịp răng ba lần.

 

 Fugai: Ông đang mời phiền phức đến.

 

Cuối cùng Hàn Thối Chi gặp Đại Điên và một lần nữa hỏi lại câu hỏi ấy, ngay đó ông thầy cũng nhịp răng ba lần.

 

 Fugai: Chớ nghĩ rằng ông thấy Thiền.

 

Nhà Khổng học nói, “Tôi biết tất cả Phật pháp đều giống nhau.”

 

Fugai: Mặt trăng chỉ là một, nhưng chiếu khắp núi, khe khác nhau.

 

Đại Điên đáp, “Ông không nói như vậy.”

 

 Fugai: Ông chuẩn bị vây máu chưa?

 

Hàn Thối Chi đáp, “Có. Vài phút trước đây tôi đã gặp ông thủ tọa ngoài cổng và cũng hỏi ông ta câu này. Ông ta trả lời tôi cũng y như vậy.”

 

Fugai: Ông nói cái gì? Chuyện này trước kia chưa bao giờ xảy ra.

 

Đại Điên cho gọi ông tăng thủ tọa đến và nói, “Tôi hiểu vài phút trước đây ông đã chỉ bày Phật pháp. Có đúng không?” 

 

 Fugai: Mặt trận động rồi.

 

Ông tăng thủ tọa đáp, “Dạ đúng.”

 Fugai: Kẻ ngu này chẳng biết cách chuyển mình.

 

Đại Điên đánh ông thủ tọa và đuổi liền ra khỏi chùa.

 

 Fugai: Giáp giết người mà Ất bị treo cổ.

 

Genro:  Tại sao ông tăng thủ tọa bị trục xuất? Nếu đó là hình phạt, thì chính ông thầy cũng phải chịu y như vậy, tại sao ông thầy không tự trừng phạt mình? Nếu không phải ông ta bị trừng phạt, thì tại sao bị trục xuất? Đây là bí mật của giáo lý Thiền đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu lúc đó Đại Điên bày tỏ Thiền của sư, thì không những sư làm hỏng người khác mà còn giết chết sự sống trí tuệ. Chư tăng, chớ để bị sấm sét kinh động thì sau đó các ông sẽ thấy sao trời vô số. 

 

 Fugai: Cuối cùng, Đại Điên đã có bạn.

 

Genro: Ngày đêm trăm lẻ tám. . .

[Fugai: Nó kết thúc và khởi đầu.]

Như vậy có nghĩa gì?

[Mặt đối mặt thấy rõ ràng.]

Chạm răng nên bị đuổi.

[Đã có cơ hội tốt.]

Cây bắc ở nam sinh quả khác.

[Khi đổi đất thì luôn luôn như vậy.]

Cái nghi tạng chủ gia tăng;

[Tấm gương của ông không được đánh

Bóng kỹ lưỡng.]

Bây giờ biết tro Phật không dễ sờ.

[Ông ta nghĩ rằng nó được nhập cảng,

nhưng thực ra nó được làm ở Trung hoa.]

 

 

 

100. QUI SƠN PHƯƠNG TRƯỢNG

 

 Trên tường phòng của Qui Sơn có một bài kệ:

 

 “Phương trượng của Qui Sơn,

 [Fugai: Nó được xây lúc nào?]

 Dốc quá không thể trèo

 [Tôi có thể bước đi như trên đất bằng.]

 Nếu có ai vào đó,

 [Hãy bước cẩn thận.]

 Sẽ thành đại tướng quân.”

[Chớ quên còn một đại tướng quân

khác nữa.]

 

Vân Phong nói về bài kệ, “Qui Sơn sanh ra đã là Thiền sư.”

Fugai: Táo ngào đường!

 

Một ông tăng hỏi Vân Phong, “Hòa thượng sắp làm thơ gì cho phòng của hòa thượng?” 

 Fugai: Hỏi hay lắm.

 

Vân Phong đáp bằng cách giơ ra bài thơ của sư: 

 Fugai:  Kẻ bắt chước!

 

“Phương trượng của Thúy Nham

Không bao giờ có cửa.

 [Fugai: Khó vào đó.]

Tăng nào vào trong đó,

[Ông ta đang đi trên lưỡi kiếm.]

Tức khắc thấy Thúy Nham.”

[Đang trượt băng.]

 

Ông tăng lễ bái và đứng lên.

 Fugai: Ông ta có gì để nói?

 

Vân Nham nói, “Ông có thấy Thúy Nham không?”

 Fugai: Chung quanh toàn là kẽm gai.

 

Ông tăng ngập ngừng.

 Fugai: Tôi đã nói rồi, ông ta không thể vào được.

 

Vân Nham đánh phất tử vào miệng ông tăng.

 Fugai: Kìa! Cửa mở rồi.

 

Genro: Phòng của Qui Sơn khó thấy nhưng dễ vào.

Phòng của Thúy Nham dễ thấy nhưng khó vào.

Trong phòng của tôi cũng có một bài thơ:

 

Trống không chẳng trong, ngoài.

 Nếu chẳng có trong, ngoài,

 Tôi hỏi tăng các ông,

 Làm sao mà vào được?

 

 Fugai: Tôi chẳng vào phòng đó.

Genro: Vách đứng ngón chân bám;

[Fugai: Trên dốc dứng có phần bằng.]

Đất bằng dấu bẩy cọp.

[Trên đất bằng có chỗ dốc đứng.]

Mỗi mỗi lập chùa riêng,

Tùy theo thói nhà họ.

[Phải làm những hành động ngu ngốc

để độ kẻ khác.]

 Nghiệp vàng còn lấp lánh.

[Đời này sang đời khác mang phiền phức

 bất tận.] 

 

*



* Hàn Thối Chi là một học giả Khổng giáo, được bổ nhiệm làm Tổng quản Thư khố nhà vua, nhưng bị lưu đày ra khỏi kinh đô đến tám ngàn dặm (Tàu) bởi vì ông chống đối nhà vua thờ tro hài cốt của Phật. (Thiên Khi Như Huyễn).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2016(Xem: 6903)
Nếu bạn hỏi tôi giải thích cái mà bạn gọi là đốn ngộ (satori-événement) và bảo tôi lý giải giữa hằng giác (satori-état) và đốn ngộ, tôi sẽ nói rằng: “Mỗi người chúng ta, không có trường hợp ngoại lệ - mọi chúng sanh và ngay cả mọi loài hữu tình – đều ở trong hằng giác.
11 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6640)
Thiền là gì? Để trả lời câu hỏi này, ngôn từ không phải bao giờ cũng cần thiết hay hoàn toàn thích đáng. Người ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách giơ ngón tay lên hay đập nắm tay xuống bàn hay chỉ bằng cách cứ im lặng. Đây là những câu đáp không lời cho câu hỏi “Thiền là gì?”, đây là biểu lộ chân thực của những gì trú ẩn sâu kín vượt ngoài ngôn từ và sự phân tích có tính cách lý trí.
29 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5787)
Trong thế giới vật lý, ngọc quý là vật do thiên nhiên tạo hóa, hiếm có, và vì thế có giá trị ở mặt đồng tiền, thẩm mỹ và quý hiếm. Song, những việc thuộc thế giới vật lý dù có giá trị đến đâu cũng có giới hạng của chúng ở trong vòng tương đối.
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7336)
Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết hay một quan niệm thuộc về tri thức. Thiền cũng không phải là nền triết học với những hệ thống luận lý mang tính chủ quan của vỏ não; cũng không phải là ngành khoa học với những cơ cấu lập trình và máy móc phức tạp.
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7868)
Đại sư Lục tổ Huệ Năng là một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sử tích của ngài mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyển kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, nhưng những mẫu truyện huyền hoặc về cuμc đời ngài thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.
08 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6707)
Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản. Hara ở ven Vịnh, nhìn ra Thái Bình Dương, gần núi Phú Sĩ.
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7208)
Phải chăng trường đời là nơi tranh danh đoạt lợi, hay chính là do mầm tham ái ở tại lòng mình mới là động cơ sinh ra mọi sự? Chính cái tình thức của ta bị chia chẻ manh mún bởi sự lộng hành vô độ của dục ái, đã đẩy đưa ta lang thang từ vạn kiếp luân hồi với bao khổ lụy bi ai.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 9833)
Khi tập ngồi thiền, ban đầu cần phải sổ tức (đếm hơi thở). Thời gian sau thuần thục rồi đến tùy tức, sau đó tri vọng, biết là chơn tâm… Cá nhân quý thầy kinh nghiệm, sổ tức là một pháp quán căn bản rất cần thiết cho một người bắt đầu tập ngồi thiền.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 9958)
Lối vào đạo thì nhiều, nhưng đường vào thiền thì không cửa, miễn sao nhận ra và sống về tự tánh vốn tự sáng tịnh nơi chính mình thì khế hợp thiền. Bởi nhắm thẳng tự tánh mà không câu nệ kẹt trên phương tiện, nên thiền tuy có phương pháp mà không thành phương một phương pháp cố định.