Công Án 75-89

14 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 6191)

THIÊN KHI NHƯ HUYỄN bình
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
TIẾNG SÁO THÉP
(100 CÔNG ÁN THIỀN)

75. ÔNG TĂNG NGỒI THIỀN

 

Người quản thủ thư viện thấy một ông tăng ngồi thiền trong thư viện một thời gian khá lâu.

 

Fugai: Ông ta chẳng phải là tăng ư?

 

Người quản thủ thư viện hỏi, “Tại sao ông không đọc kinh?”

 

Fugai: Tôi muốn nói với ông tăng câu này, “Chẳng phải ông ngồi thiền sai chỗ rồi sao?” Tôi cũng muốn hỏi ông quản thủ thư viện ông muốn nói loại kinh gì?

 

Ông tăng đáp, “Tôi không biết đọc.”

Fugai: Thật là một người mù chữ dễ thương!

 

Người quản thủ thư viện gợi ý, “Sao ông không hỏi người nào biết?”

 Fugai: Kìa, ông bị trượt rồi.

 

 Ông tăng đứng dậy, nhã nhặn hỏi, “Cái gì đây?”
Fugai: Cây sồi độc!

 

 Người quản thủ thư viện im lặng.

 Fugai: Bắt chước giỏi!

 

Genro:  Ông tăng đứng và người quản thủ thư viện im lặng. Đây không phải là những quyển kinh viết rất hay sao?

 

Đọc kinh đâu cần ánh sáng đặc biệt

[FugaiCũng may có đủ ánh sáng để

soi bóng tối].

Mỗi chữ chiếu rõ ràng.

[Chẳng thể dịch được].

Đứng không chạm sách,

[Tại sao phải giữ vật đã có?]

Năm ngàn bộ kinh đọc trong chớp mắt. 

 [Kinh gì mà không ai đọc được? 

 Thầy tôi nói câu này chậm mất rồi.]

 

76. ĐỊA TẠNG HOA MẪU ĐƠN

 

 Địa Tạng, Trường Khánh và Bảo Phước, ba huynh đệ cùng nhau đi xem bức tranh nổi tiếng vẽ hoa mẫu đơn trên tấm bình phong. 

 

Fugai: Chư tăng, phải quét sạch tranh ảnh ra khỏi mắt nhé.

 

Bảo Phúc nói, “Mẫu đơn đẹp!”

Fugai: Chớ để mắt ông lừa ông.

 

Trường Khánh nói, “Chớ quá tin mắt ông.”

Fugai: Tôi nói, “Chớ tin tai của ông.”

 

Địa Tạng nói, “Bậy quá. Bức tranh hỏng rồi.”

Fugai: Miệng gây tất cả phiền não.

 

Như Huyễn: Tăng nhân không có chuyện đi xem tranh. Nhưng một khi thấy tranh ảnh, thì họ phải hiểu là vải bố. Mấy năm trước, một Thiền sư phái Tào Động đến Chicago, nơi đây ông được một người bạn mời tham quan một lò sát sinh. Ông ta đã ngất xỉu trước khi hoàn tất cuộc tham quan. Khi trở lại San Francisco, ông ta kể cho tôi nghe chuyện xảy ra, tôi nói với ông ta là tăng nhân không nên đến những nơi như thế, nhưng một khi đã đến, thì phải xem tất cả. Lời khuyên của tôi không làm ông ta hài lòng lắm bởi vì ông ta tự coi mình rất từ bi, và là trụ trì của một ngôi chùa lớn ở Nhật bản, ông ta không cảm kích những lời này của một ông tăng vô danh ở Mỹ như tôi.

 

Genro: Bảo Phúc thích thú khi thấy tranh đẹp. Trường Khánh mất cơ hội thưởng thức bởi vì ông ta đang chú tâm đến việc khác. Khi Địa Tạng nói, “Bậy quá, bức tranh hỏng rồi,” là sư nhập bọn với Bảo Phước hay đang kết tội Trường Khánh?

 

Trường Khánh khéo vẽ tranh vua của loài hoa.

[FugaiBức tranh cần đánh bóng].

Gấm sặc sỡ mở ra hương ngào ngạt bay lên.

[Hương cay nồng thì có gì thích thú].

Ong bướm lượn quanh hoa thích thú.

[Người cũng dùng hoa dụ côn trùng].

Ba thầy tăng có thật nói chuyện tranh hoa?

[Hãy xem bảng hiệu, CẤM SỜ!]

 

 

 

77. ĐỘNG SƠN KHUYÊN TĂNG CHÚNG

 

 Động Sơn nói với tăng chúng, “Các ông tăng nhân nên biết trong Phật pháp còn có đạo lý cao hơn.”

 

 Fugai: Khi người ta cố biết cái cao hơn thì liền té xuống thấp.

 

Một ông tăng bước tới hỏi, “Thế nào là Phật pháp thượng thừa?”

Fugai: Ông tăng đó bị Phật và Tổ lừa. 

 

 Động Sơn đáp, “Chẳng phải Phật.”

Fugai: Treo đầu heo mà bán thịt chó!

Như Huyễn: Một Thiền tăng cố gắng cực nhọc để đạt cái gì đó cao hơn Phật giáo bình thường. Ông ta giống như một con ngựa phi nước đại để với lấy nắm cỏ khô trên đầu cây sào buộc trước mũi ngựa. Cách duy nhất cho con ngựa là ngừng chạy để nắm cỏ từ cây sào tuột xuống mà ăn. Động Sơn chỉ muốn khuyến khích những người mới bắt đầu nhằm mục đích đạt ngộ, nhưng sư phải đáp, “Chẳng phải Phật. Ở đây Phật tượng trưng cho giác ngộ và không phải cho người đã đạt giác ngộ ở Ấn độ hai mươi lăm thế kỷ qua.

 

Genro: Động Sơn thật là từ bi. Sư giống như ông lão vui tánh quên mất vẻ trang nghiêm, chơi với lũ trẻ mà không để ý đến người xem chế diễu. Người theo giáo lý của sư phải nhớ điều này và biết ơn để đáp lại lòng từ bi của sư.

 

Fugai: Khi một người cố trả nợ là chính y gây nên nợ nặng.

 

Như Huyễn: Động Sơn là một trong những người khai sáng tông Tào Động. Theo Fugai không có sư nào vĩ đại hơn. Tông Lâm Tế có thể xem thường lời đáp của Động Sơn vì tin rằng ông tăng đó đáng đòn. Giống như cái lạnh mùa đông so với gió xuân êm nhẹ. Người Mỹ có thể học tông nào cũng được, tùy họ chọn.

 

Genro: Thiền Động Sơn trang nghiêm đạo hạnh,

[Fugai: Ấy là vô giá].

Không nhằm đưa lạc đường người.

[Ông ấy già quá rồi].

Cần câu quơ bóng cỏ,

[Cũng may biết là bóng].

Đánh độc kẻ uống rượu nho.

[Nên hổ thẹn cho mình.]

 

 

 

78. VÂN CƯ TẶNG Y

 

Vân Cư là sư của một ngôi chùa lớn, gửi một chiếc y mặc trong cho ông tăng sống một mình trong cái am gần chùa. Sư nghe nói ông tăng ngồi thiền hằng giờ mà không có gì để che đôi chân.

 

Fugai: Một món lợi cho người ốm. Cái y mặc trong đó phải là vật truyền xuống từ Bồ-đề-đạt-ma. 

 

Như Huyễn: Chùa nào thịnh vượng thì gọi là “mập,” và chùa nào nghèo thì gọi là “ốm.” Quan niệm này có tính cách vật chất và thiếu tinh thần Thiền. Lần đầu tiên khi tôi trở thành tăng nhân, tôi quyết định không ở trong chùa “mập” mà sống trong một cái am nhỏ giống như ông tăng trong câu chuyện này. 

 

Ông tăng từ chối vật bố thí, nói, ‘Tôi sinh ra với chiếc y mặc bên trong của tôi.”

Fugai: Tăng tốt! “Nếu ông có, tôi sẽ cho ông. Nếu ông không có thì tôi lấy lại.”

 

Vân Cư gửi thư đến hỏi, “Trước khi sinh thì ông mặc cái gì?”

 Fugai: Vân Cư lại gửi áo mới.

 

 Ông tăng không đáp được.

 Fugai: Hai chân ông ở đâu?

 Sau đó, ông tăng qua đời. Lúc hỏa táng người ta tìm thấy xá lợi trong tro và mang đến Vân Cư. Sư nói, “Dù ông ta có để lại tám mươi bốn thùng xá lợi cũng không bù được câu đáp cho lão tăng.”

 

Fugai: Nhà nước cấm tình cảm. Không thể lừa chân sư.

 

Genro: Tôi sẽ thay ông tăng đáp Vân Cư, “Chẳng ngại trình hòa thượng, chỉ ngại hòa thượng không có chỗ để.”

 

Fugai: Nói hay lắm, nhưng chẳng phải ý ông tăng.

 

 Như Huyễn: Một số Thiền sinh Nhật nghĩ rằng ông tăng thiền định có quan tâm đến lời của Vân Cư và vì thế đã giữ im lặng. Sự im lặng này có gì sai không? Tôi tin nó tương đương với câu trả lời. Ngay từ đầu, ông tăng đâu có phàn nàn gì. Ông ta thỏa mãn, và sự lân mẫn của chùa đã dẫm chân lên con rắn. Xá lợi, những viên ngọc óng ánh tìm được trong tro hỏa táng, chỉ là sản phẩm mê tín truyền kỳ của người Trung hoa. Sự thực Vân Cư không có thấy xá lợi, nhưng chỉ giúp miệng cho tin đồn. Sư là người làm tiêu chuyện rất dở. Một cuộc hỏa táng tốt chỉ để lại tro mà thôi dù là tăng nhân, vua chúa hay đại sư. 

 

Genro: Tám mươi bốn thùng xá lợi

[FugaiMùi thối lắm!].

Không qua một chữ che trời che đất.

[Nhà tây gửi nhà đông lời chia buồn].

Áo quần của mẹ - Thương thay!

[Ông chẳng biết ơn mẹ].

Không che được cái vô hình hiện tại.

[Con trai triệu phú chết đói trần truồng].

 

 

 

 79. ĐỨC SƠN GIÁO PHÁP TỘT CÙNG

 

Tuyết Phong hỏi Đức Sơn,”Giáo pháp tột cùng của chư Tổ con cũng có phần chăng?”

 

 Fugai: Ông ta vẫn còn tật ăn cắp.

 

 Đức Sơn đánh một hèo, hỏi, “Ông nói cái gì?”

 Fugai: Sư từ bi như bà nội!

 

Tuyết Phong chẳng hiểu ý Đức Sơn, vì thế hôm sau Tuyết Phong lặp lại câu hỏi.

 Fugai: Một cái đầu chẳng đủ sao?

 

Đức Sơn đáp,”Thiền không lời, cũng không có gì để cho.” 

 Fugai: Nói nghe nghèo quá.

 

Nham Đầu nghe chuyện, liền nói, “Đức Sơn có xương sống thép, nhưng lời nói dịu dàng làm hỏng Thiền.”

 Fugai: Một người thổi sáo, một người múa.

 

 Như Huyễn: Nham Đầu là đệ tử lâu năm dưới Đức Sơn lúc Tuyết Phong đang học tại chùa. Fugai cũng là một người xấu ưa xía vô chuyện người khác như Nham Đầu. 

 

Genro: Đức Sơn ăn trộm cừu có Nham Đầu làm chứng. Cha nào con nấy! Rất hợp nhau. 

 

Như Huyễn: Một nhà quí tộc có lần đã kể với Không Tử về một người thuộc hạ lương thiện đã làm chứng trước tòa rằng cha anh ta đã ăn cắp cừu. Genro đã lấy lời bình này từ sách Luận Ngữ. Một người ở trước pháp luật sẽ thay mặt cho pháp luật mà không quan tâm đến tình cảm. Thầy giỏi không bao giờ dung thứ trò giỏi. 

 

Genro: Đầu rồng và đuôi rắn!

[Fugai: Ôi là một quái vật!]

 Đồ chơi dỗ con nít.

[Đồ chơi có giá trị!]

Nham Đầu, kẻ ngoài cuộc,

[Kẻ ngoài cuộc có thể thấy].

Đổ cả cho Đức Sơn.

[Chỉ trả thuế thập phân thôi]

 

 

 

80. BA TIÊU KHÔNG DẠY

 

Một ông tăng hỏi Ba tiêu, “Nếu có người không tránh sinh tử, không nhận niết bàn, hòa thượng có dạy y chăng?”

 

 Fugai: Chớ ông đang nói cái gì vậy?

 

 Ba Tiêu đáp, “Tôi chẳng dạy y.”

 Fugai: Thầy giỏi không phí lời.

 

 Ông tăng lại hỏi, “Tại sao hòa thượng chẳng dạy?”

 Fugai:  Ông đang nói gì vậy?

 

 Ba Tiêu đáp, “Lão tăng này biết tốt xấu.”

 Fugai: Ông lão này mất lưỡi rồi.

 

Cuộc vấn đáp giữa Ba Tiêu và ông tăng được người ta thuật lại ở các chùa khác. Một hôm Thiên Đồng nói, “Ba Tiêu có thể biết tốt xấu, nhưng không biết lấy trâu của người cày, lấy cơm của người đói. Nếu ông tăng ấy hỏi tôi một câu như thế, trước khi y dứt lời tôi đã đánh y một gậy. Vì sao? Bởi vì xưa nay tôi chẳng quan tâm tốt xấu.”

Fugai: Cái nồi kêu cái ấm đen.

 

Như Huyễn: Ba Tiêu là một Thiền sư Trung hoa, tên là Kế Triệt. Ông tăng đã phát biểu về một người tự tại không mê không ngộ và muốn biết có giáo lý nào cao hơn để giác ngộ một người như thế. Fugai thấy giả thuyết này vô lý nên đã cảnh cáo ông tăng. Ba Tiêu nói, “Tôi chẳng dạy y,” dùng ngay chữ “dạy” của ông tăng, thật chẳng phí lời. Khi ông tăng không hiểu và hỏi sư tại sao không dạy, lời đáp của Ba Tiêu cho thấy sư có thể nhận biết người nào cần dạy và người nào không cần. Fugai nói Ba Tiêu mất lưỡi là ca ngợi câu trả lời hồn nhiên này của Ba Tiêu.

Thiên Đồng được nhắc đến ở đây là một nhà thơ, đã căn cứ vào Thung Dung Lục khi sáng tác bài thơ này. Tên thật của sư là Hoằng Trí. Lời dẫn của sư về trâu và cơm là phương tiện nhanh nhất để lột bỏ mê hoặc cho người học, và đây là lý do tại sao sư nói đánh ông tăng mà không bàn tốt xấu. Lời bình có vẻ miệt thị của Fugai thật ra là lời ca ngợi Ba Tiêu và Thiên Đồng.

 

Genro: Ba Tiêu vẫn dùng pháp tiệm, trong khi Thiên Đồng dùng pháp đốn chớp nhoáng. Pháp của Thiên Đồng có thể dễ hiểu, nhưng ít ai thấy rõ việc làm của Ba Tiêu.

Fugai: Tôi sẽ nói gì về việc làm của sư?

 

Genro: Một bịnh nhiều thuốc chữa.

[Fugai: Kẻ cắp trong thời bình!].

Bắt người không dùng còng;

[Anh hùng trong thời chiến!].

Phải biết kỹ đạn dược.

[Thiên đường chẳng cần thuật ấy].

Xuân lan và thu cúc.

[Hoa đẹp quá làm nghẹt vườn].

 

 

 

81. CAO ĐÌNH ĐÁNH TĂNG

 

 Một ông tăng từ Giáp Sơn đến lễ bái Cao Đình. 

 

Fugai: Ông làm cái gì vậy!

 

 Cao Đình liền đánh ông tăng.

 Fugai: Công án sống ở chỗ này.

 

Ông tăng nói, “Con đến đây lễ bái hòa thượng. Tại sao hòa thượng đánh con?”

 Fugai: Ông nói cái gì? Sao không lễ bái nữa đi?

 

Cao Đình lại đánh ông tăng và đuổi ông ta ra khỏi chùa. 

 Fugai: Vàng ròng có ánh vàng.

 

Ông tăng trở về với thầy là Giáp Sơn và kể lại sự tình.

 Fugai: Có người để nói chuyện là tốt rồi.

 

 Giáp Sơn hỏi, “Ông hiểu không?”

 Fugai: Ông có thể làm gì với con rắn chết?

 

 Ông tăng đáp, “Dạ, con không hiểu.”

 Fugai: Lời nói hay nhưng chẳng phải của ông.

 

Giáp Sơn nói tiếp, “May là ông không hiểu. Nếu ông hiểu, tôi thành người ngu.”

Fugai:  Hay! Chọi lại được việc làm của Cao Đình.

 

Như Huyễn: Genro thêm lời bình của sư như thường lệ, nhưng không đáng dịch ra ở đây.

 

Genro: Tăng lễ bái thì Cao Đình đánh;

[Fugai: Ông sẽ làm gì nếu ông tăng

không lễ bái và ông không đánh?]

Thật là phép lịch sự mới trong chùa.

[Qui củ độc lập].

Chẳng những Giáp Sơn ngậm miệng,

[Bảo hiểm gấp đôi].

Mà bánh xe Pháp cũng tiêu điều.

[Tỏ lòng biết ơn].

 

Như Huyễn: Thiền Mỹ đang chạy trên lề đường: viết sách, diễn thuyết, trích dẫn thần học, tâm lý học, và gì nữa. Người nào sẽ đứng lên đập nát toàn bộ thì chánh Pháp mới duy trì được trên miền đất tự do và chánh trực này. 

 

 

 

 82. NHAM ĐẦU CÁI BÚA

 

Đức Sơn, thầy của Nham Đầu, có lần bảo Nham Đầu, “Trong chùa này có hai ông tăng đã ở với tôi nhiều năm. Hãy đi khám nghiệm xem.”

 

 Fugai: Tại sao ông không tự mình đi ?

 

Nham Đầu vác một chiếc búa đến cái am nhỏ nơi hai ông tăng đang thiền định. 

 Fugai: Ông đã lau mắt sạch chưa vậy?

 

Nham Đầu giơ búa lên nói, “Nếu các ông nói một chữ Thiền, tôi sẽ chém đầu các ông. Nhưng nếu các ông không nói gì cả, tôi sẽ chặt đầu các ông.”

 Fugai: Không gió mà dậy sóng.

 

 Hai ông tăng tiếp tục thiền định, để mặc Nham Đầu.

 Fugai: Mấy ông Phật đá.

 

Nham Đầu ném búa xuống, nói, “Các ông đúng là người học Thiền.”

 Fugai: Nham Đầu tự mua tự bán.

 

 Rồi Nham Đầu trở lại, kể sự tình cho Đức Sơn nghe. 

 Fugai: Tướng bại trận chẳng nên bàn chiến lợi phẩm.

 

Đức Sơn đồng ý, “Tôi thấy rõ phiá ông, còn phiá kia thế nào?”

 Fugai: Ai là phía kia?

 

Nham Đầu đáp, “Động Sơn nhận nhưng Đức Sơn chẳng nhận.”

 Fugai: Người ta có nên đến xứ muỗi vì chẳng thích xứ bọ chét không?

 

Như Huyễn: Động Sơn thường thiền định với tăng chúng, thỉnh thoảng dùng công án, còn Đức Sơn dồn họ vào góc tường bằng đe dọa. Tôi nhập bọn với Fugai khi hỏi, “Ông đã lau mắt sạch chưa vậy?” Chỉ vì Thiền chia thành hai tông chính nhưng không có nghĩa là tông này chẳng bao giờ dùng phương pháp của tông kia. 

 

 Genro: Tại sao Nham Đầu bảo hai ông tăng nên ở trong tông môn của Động Sơn mà không thích nghi với tông môn của Đức Sơn? Độc giả thực sự của Thiết Địch Đảo Xuy [tức ‘Tiếng Sáo Thép’] nên tham lời đáp này.

 

 Fugai: Tại sao Genro bảo người đọc nên tham thiền?

 

 Genro: Hai thanh sắt chận cửa,

 [Fugai: Ông làm sao mở được?].

 Một mũi tên xuyên qua.

 [Tên đó không đủ mạnh].

Chẳng nói pháp Đức Sơn;

[Rất ư là khó thấy].

Rốt cuộc, sư đã bỏ.

[Chó nhà đôi khi cắn].

 

Như Huyễn: Thay vì bảo Nham Đầu đi, Đức Sơn nên bằng lòng với hai ông tăng. Nham Đầu luôn luôn gây phiền phức. Theo ý tôi, Đức Sơn bị bại, chẳng phải Nham Đầu. Khi tôi tiếp một vị khách thích tranh luận, tôi đãi trà, không để cho ông ta nói nhiều trong lúc chúng tôi uống trà, và ông ta đã bỏ đi sau tách trà thứ ba.

 

 

 

83. NGƯỠNG SƠN VẼ MỘT ĐƯỜNG

 

Qui Sơn nói với đệ tử là Ngưỡng Sơn, “Suốt ngày ông với tôi đều nói chuyện Thiền. . .

 

 Fugai: Cả hai vị đều có lưỡi chứ?

 

 Cuối cùng chúng ta đã làm được gì?”

 Fugai: Lời nói vô hình.

 

Ngưỡng Sơn dùng ngón tay vẽ một đường trong hư không.

 Fugai: Sao ông lại mang phiền phức như thế?

 

Qui Sơn nói tiếp, “Đối với tôi thì tốt đấy. Ông có thể lừa người khác.”

 Fugai: Ông thầy chơi thua rồi.

 

Genro: Có hàng trăm hàng ngàn phép định tam muội và vô số đạo lý trong Phật pháp, nhưng tất cả gồm trọn trong đường vẽ của Ngưỡng Sơn. Nếu ai muốn biết cái gì ở bên kia các phép định tam muội hay sàn lọc lấy đạo lý hay nhất, hãy xem những gì tôi đang làm đây.

 

 Fugai: Bắt chước dở quá!

 

Genro: Thần thông của hai ông

Hơn cả Mục-kiền-liên.

 [Fugai: Cả hai đều là ảo tưởng].

Suốt ngày mê trận giả;

[Chiến trường ngay tại chỗ].

Rốt cuộc làm được gì?

[Không lời, không ý nghĩ]

Một ngón tay xoi lỗ

Ngay vào trong hư không.

[Vụng nhất thiên hạ. 

Khi mây tan, bầu trời vô hạn].

 

Như Huyễn: Một hôm Qui Sơn đang ngủ trưa thì Ngưỡng Sơn đến tham bái. Qui Sơn còn ngái ngủ quay mặt vào tường. Ngưỡng Sơn hỏi, “Sao hòa thượng làm vậy?” Qui Sơn đáp, “Tôi vừa có một giấc mộng, ông có thể giải thích được chăng?” Ngưỡng Sơn bỏ đi ra khỏi phòng, rồi vài phút sau trở lại với thau nước lạnh cho thầy rửa mặt. Chẳng bao lâu sau đó Hương Nghiêm cũng đến chào thầy, ngay đó Qui Sơn hỏi, “Sư huynh của ông vừa giải thích giấc mộng của tôi. Ông giải thích thế nào?” Hương Nghiêm lặng lẽ bỏ đi và trở lại với tách nước trà cho thầy. Qui Sơn phê bình, “Hai ông tăng các ông đã biểu diễn thần thông giống như Mục-kiền-liên. Người ta cho rằng Mục-kiền-liên biểu diễn thần thông, nhưng tôi phải mừng Phật Thích Ca Mâu Ni có hai đệ tử giỏi như vậy ở Trung hoa hai ngàn năm sau khi nhập diệt.”

 

84. CÀN PHONG MỘT ĐƯỜNG

 

Một ông tăng hỏi Càn Phong, “Một đường Niết bàn duy nhất dẫn vào đất Phật mười phương. Đường ấy bắt đầu ở đâu?” Càn Phong giơ gậy lên vạch một đường trong hư không và nói, “Ở đây.”

 

 Fugai: Một đám mây trắng làm tối đường.

 

Sau đó, ông tăng này đem câu hỏi ấy đến hỏi Vân Môn. Vân Môn giơ cây quạt lên nói, “Cây quạt này nhảy một cái đến từng trời thứ ba mươi ba, đụng nhằm lỗ mũi Đế Thích, rơi xuống biển Đông đụng phải cá chép hóa rồng làm mưa như trút.” 

 

 Fugai: Kẻ lắm lời giữa trời xanh gây bão.

 

Như Huyễn: Càn Phong chỉ con đường Thiền, còn Vân Môn khoa trương hành động. Người Trung hoa đôi khi có khuynh hướng phóng đại. Lãnh vực của kính hiển vi cũng cho thấy đất Phật. Tại sao không bắt đầu với con đường của trùng a-míp? Nếu có ai hỏi tôi một câu ngu như thế, tôi sẽ đáp, “Hãy bước cẩn thận.”

 

Genro: Câu đáp của Càn Phong gọi kẻ ngây ngô vô ích; tiếng Vân Môn rột rạt như đậu khô trong hộp. Nếu ai hỏi tôi câu này, tôi sẽ nói, “Ông không thể thấy chăng, hỡi ông mù ngu dốt?”

 

Fugai: Tôi sẽ nói với ông tăng, “Tôi kính trọng ông vì đã từ xa đến.”

 

 Genro: Trăm hoa theo hoa đầu;

 [Fugai: Cho ai?]

 Kết tràng hoa vườn ruộng.

 [Chúng ta hãy dạo chơi].

 Gió đông thổi nhẹ khắp nơi;

 [Chớ quên mùa không mùa.]

 Mỗi cành sắc xuân tuyệt hảo.

 [Tranh đẹp của cảnh tiên].

 

 

 

85. HUYỀN SA THUYỀN SẮT

 

Khi Huyền Sa học Thiền với Tuyết Phong, một ông tăng huynh đệ tên là Quang nói, “Nếu huynh ngộ được Thiền, tôi sẽ làm một cái thuyền sắt dong buồm ra biển khơi.” Mấy năm sau, Huyền Sa trở thành Thiền sư và ông tăng tên Quang học Thiền với sư với tư cách thị giả. Một hôm Huyền Sa nói, “Ông đóng thuyền sắt xong chưa?”

 

 Fugai: Ông đang cố dìm cái thuyền ấy sao?

 

 Quang im lặng.

 Fugai: Cái thuyền nổi an toàn.

 

Như Huyễn:  Huyền Sa thọ giới làm tăng khi sư đã ba mươi tuổi. Trước đó, sư là một người giản dị làm nghề đánh cá. Một vài ông tăng khinh thị gọi sư là “Kẻ Bất Khả Đắc.” Lời phê bình của ông tăng tên Quang có giọng điệu này bởi vì vào thời đó tàu làm bằng sắt, nói tóm, là không thể có được. Có lẽ nhận xét của ông ta đã khuyến khích Huyền Sa trong thiền định, vì vậy Huyền Sa đã nợ Quang về khía cạnh này. Khi Huyền Sa hoàn tất sự học, Quang nhập vào chùa của sư và phục vụ sư. Tôi ngưỡng mộ tính khiêm tốn và lòng kiên trì của ông ta và không tin Huyền Sa đã hỏi câu này để trả thù mà dùng những chữ ấy như là những từ đồng nghĩa với sự đạt ngộ. Ấy chỉ là đàm thoại thân mật trong gia đình.

 

Genro: Nếu tôi là Quang, tôi sẽ nói, “Hòa thượng đã ngộ Thiền chưa?”

 

Fugai: Ha! Ha!

 

Genro: Thuyền sắt đóng băng trên biển.

 [Fugai: Tôi không thích đi cái thuyền đó].

[Đừng nhắc lại quá khứ, hãy sống với

 hiện tại].

Đừng nói Quang im lặng;

[Ông ta có thể làm gì?]

Chú Huyền Sa ngộ chưa?

[Đại Huệ nói, “Sau mười tám cái ngộ,

tất cả ngộ đua nhau nẩy nở”].

 

 

 

86. NGƯỠNG SƠN NGỒI THIỀN

 

Khi Ngưỡng Sơn đang ngồi thiền thì một ông tăng lặng lẽ đến đứng bên cạnh. 

 

 Fugai: Kế ấy không nhằm nhò gì.

 

Ngưỡng Sơn nhận ra ông tăng, vì vậy sư vẽ một vòng tròn trên mặt đất với chữ “thủy”* bên dưới vòng tròn, rồi nhìn ông tăng.

 

 Fugai: Loại bùa gì đó?

 

 Ông tăng không đáp được.

 

 Fugai: Người chạy nước rút té rồi.

 

Như Huyễn: Thái độ của Ngưỡng Sơn giống như kẻ ngắm cảnh trên bờ biển lặng lẽ nhìn sóng cuộn và để chân mình bị ướt. Nếu tôi là ông tăng, tôi sẽ tự mình làm Ngưỡng Sơn, vén áo lên và bước ra khỏi nước; hoặc đẩy Ngưỡng Sơn ra khỏi chỗ ngồi thiền, nói, “Sóng! Sóng!”

 

 Genro: Ông tăng này mắc tội ăn cắp vặt và không chạy thoát được hành vi của mình. Ngưỡng Sơn thì lúc nào cũng sẵn sàng thắp lên ngọn nến. Hỡi ôi! Cơ hội qua rồi.

 

Chữ “nước” không làm đã khát;

[Fugai: Nhưng tôi thấy sóng thần

đang dâng.]

Bánh vẽ chẳng làm no bụng.

[Đây một mâm đầy bánh.]

Ngưỡng Sơn làm việc không công.

[Đó là Thiền thật.]

Sao không cho ông tăng một gậy?

[Vậy thì quá trễ. Gậy đã bị gãy rồi.]

 

 

87. THIỀN NGUYỆT KHẢY MÓNG TAY

 

Thiền Nguyệt là một Thiền tăng thi sĩ, viết một bài thơ trong đó có hai câu như sau:

“Khi Thiền tăng gặp nhau liền khảy móng tay.

 

 Fugai: Chớ có xem đại khái nhé.

 

 Nhưng ít ai biết như vậy có nghĩa gì.”

 

 Fugai: Ông biết chăng, nó là kiếm cắt lưỡi người ta.

 

Đại Huệ nghe bài thơ này, gặp Thiền Nguyệt và hỏi, “Nghĩa là gì?” 

 

 Fugai: Khi thấy thỏ xuất hiện thì ó liền rượt theo. 

 

 Thiền Nguyệt không đáp.

 

Fugai: Chẳng phải tôi đã nói trước rồi sao, ông ta không biết mà.

 

Như Huyễn: Thiền Nguyệt làm nhiều thơ hay chứng tỏ sự đạt ngộ của ông ta, nhưng mấy câu thơ này dường như bị lấy ra khỏi văn mạch. Đại Huệ đến với nhà thơ ở bên kia câu thơ và Thiền Nguyệt đã ngập ngừng. Giống như người chủ biên tập của một tờ báo vàng hay phỉ báng chỉ vì lợi ích riêng của họ, Genro và Fugai đã lấy câu chuyện này làm công án với cái giá bằng thanh danh của Thiền Nguyệt. 

 

Genro: Nếu tôi là Thiền Nguyệt, tôi liền khảy móng tay với Đại Huệ.

 

Fugai: Đến đây vẫn tốt, nhưng thay vì vậy, không ai hiểu được.

 

Genro: Một cái khảy móng tay chẳng dễ phê bình,

[Fugai: Cắt ngón tay đi.]

Khi chưa qua hết 110 thành trì, chớ khảy.

[Ông muốn đợi đến khi gặp Di Lặc ư?]

Tôi phải hỏi bà lão già cụm rụm bán giày,

[Bà ta không hiểu được cảm giác của

bàn chân người khác.]

Sao không đi chân trần đến kinh đô, hã cụ?

[Lưng mình khó rửa].

 

Như Huyễn: Trong kinh Hoa Nghiêm chép rằng Thiện Tài Đồng Tử đi qua tất cả 110 thành trì tìm thầy học đạo. Đồng Tử gặp và lễ bái nhiều người, cuối cùng đến cổng của Di Lặc, Đồng Tử khảy móng tay một cái, cổng liền mở, và ở đó Đồng Tử đã gặp Phổ Hiền, người đã chấm dứt cuộc hành hương cầu đạo. Tục ngữ Trung hoa có câu, “Bà lão già lụm cụm lúc nào cũng nói dép rơm mình bán êm chân.” Fugai lanh lẹ nhắc đến chuyện lưng mình khó rửa, nhưng sư sẽ nói thế nào đối với phương thức tôi mượn của Woolworth* vì mục đích này? 

88. DƯỢC SƠN CÁI HỒ

 

Dược Sơn hỏi một ông tăng mới đến, “Từ đâu đến?” 

 

 Fugai: Ông có thích không khí ở đó không?

 

 Ông tăng đáp, “Từ Hồ nam.”

 

Fugai: Cho thấy thoáng qua cảnh hồ.

 

 Dược Sơn hỏi, “Hồ có đầy không?”

 

 Fugai: Ông còn thích hồ chứ?

 

 Ông tăng đáp, “Dạ chưa.”

 Fugai:  Thoáng nhìn hồ.

 

 Dược Sơn nói, “Mưa nhiều lắm, sao lại không đầy?”

 

Fugai: Thực tế, Dược Sơn mời ông tăng xem hồ.

 

 Ông tăng im lặng.

 

 Fugai: Ông ta hẳn đã chết chìm.

 

Như Huyễn: Thiền tăng thích sống thân mật với thiên nhiên. Đa số các chùa và tu viện của Trung hoa được xây cất trên núi hay bên cạnh hồ. Thiền ghi lại nhiều cuộc vấn đáp giữa sư và tăng về vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng cũng có nhiều tăng nhân chẳng bao giờ đặt câu hỏi mà chỉ đơn giản hòa mình với thiên nhiên. Họ là những người ủng hộ Thiền chân thực hơn là những kẻ lắm lời, thùng rỗng kêu to.

 

Genro: Nếu tôi là ông tăng, tôi sẽ nói với Dược Sơn, “Con sẽ chờ đến khi hòa thượng sửa xong cái đáy.” 

 

Như Huyễn:  Thỉnh thoảng Genro nói nghe đáng nghi vì chẳng cần thiết phải tranh luận.

 

Genro: Chỉ Nghiệp xuyên tất cả;

[Fugai: Bất cứ cái gì cũng có thể

 dùng làm công án].

Nhận thức tạo chướng ngại.

[Nếu nhìn phía sau thì chẳng có

chướng ngại].

Tăng nghèo hỏi về hồ,

[Đi! Hãy nhảy xuống bơi].

Tưởng ra đường lên trời.

[Ông đang đứng ở chỗ nào?] 

 

 

 

89. TUYẾT PHONG QUẢ CẦU GỖ

 

Một hôm Tuyết Phong bắt đầu nói pháp với tăng chúng tụ tập quanh một cái đàn nhỏ bằng cách lăn một quả cầu bằng gỗ xuống đàn.

 

Fugai: Trái dưa leo cong.

 

Huyền Sa đi theo quả cầu, nhặt nó lên và đặt trên bệ.

 

Fugai: Trái dưa gan tròn.

 

Như Huyễn: Khi Viên Ngộ thuyết giảng các công án do Tuyết Đậu tuyển chọn và làm lời tụng, sư phê bình từng câu một rồi xuất bản thành sách nhan đề là Bích Nham Tập. Sau khi sư tịch, đệ tử của sư là Đại Huệ gom hết tất cả bản in ra trước sân chùa cho một mồi lửa đốt sạch. Những gì ông thầy dựng thành hình thì học trò phải hủy diệt đi để giữ giáo pháp khỏi trở thành cái kệ trống. Các triết gia Tây phương tạo ra triết thuyết của họ, rồi những kẻ theo triết lý đó tiếp tục sửa lại cấu trúc bên ngoài cho đến khi nó không còn giống nguyên tác. Trong Thiền chúng tôi nói, “Giết Phật giết Tổ, là chỉ khi nào quí vị có thể ban cho họ sự sống vĩnh cửu.” 

 

Genro: Tuyết Phong bắt đầu nhưng không kết thúc; Huyền Sa kết thúc nhưng không bắt đầu. Cả hai đều chẳng đầy đủ. Bây giờ, chư tăng, hãy nói xem cách nào tốt hơn?

 

Như Huyễn: Chẳng cách nào tốt.

 

Fugai: Khi nước chảy qua rừng tre thì có màu xanh. Khi nước chảy qua hoa, thì mỗi hơi thở đều thơm.

 

Genro: Nắm lại hay buông ra.

[Fugai: Không hơn không kém].

Thầy trò trái nghịch nhau.

[Thực là đồng nhất].

Thiền tăng của thế gian

[Thiền sinh chân chánh chẳng bao giờ học.]

Chớ lấy đây làm mẫu.

[Thí dụ đẹp.]



* “Thủy,” chữ Hán, có nghĩa là nước. (Người dịch). 

* Frank W. Woolworth (1852-1919), là một nhà kinh doanh người Mỹ. Phương thức kinh doanh của ông đưa ra được chủ ủng hộ. Trước tiên ông mở một cửa hàng chỉ bán mhững món hàng với giá năm xu, nhưng thất bại. Sau đó lại mở một cửa hàng khác chỉ bán những món hàng giá mười xu. Lần này ông thành công và từ đó phát triển thành hàng loạt đến cả ngàn cửa tiệm như thế rên đất Mỹ, nhất là ở New York. Rồi sau khi ông mất, nó còn phát triển ra nước ngoài nữa. (Người dịch).

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Ba 2017(Xem: 6531)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 5974)
02 Tháng Sáu 2016(Xem: 5186)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
17 Tháng Năm 2016(Xem: 5639)
19 Tháng Tư 2016(Xem: 5977)
‘Tào khê thuỷ’ (曹溪水) hay ‘Tào Khê’ là đại từ chỉ định về Lục tổ Huệ Năng, cũng chỉ cho dòng suối trí tuệ Phật giáo. Dòng thiền phương bắc lấy Lục Tổ làm cội nguồn, sử gọi Nam tông (南宗); dòng này chủ trương “không câu nệ hình thức, không bám víu danh từ khái niệm, không chú trọng ngồi thiền, chỉ cần nội tâm trực giác đốn ngộ, tức tâm tức Phật, liền có thể thành Phật”.
14 Tháng Tư 2016(Xem: 7626)
Huệ Minh đuổi theo Lục Tổ Huệ Năng để đoạt lại y bát nhưng khi ông không giở nổi chiếc y lên từ tảng đá thì liền nói: tôi vì pháp chẳng vì y bát xin hành giả vì tôi mà khai thị.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6210)
Tương truyền Đệ nhất tổ Thiền Tông ở Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma bắt đầu chuyến Đông Độ vào thế kỷ thứ Sáu. Theo Đạo Nguyên trong Bích Nham Lục, sau 9 năm diện bích, Ngài muốn trở lại Ấn Độ, Tổ triệu tập một số đệ tử thân tín để ‘thử’ tình độ tu chứng. Đối với câu trả lời của đệ tử thứ nhất Đạt Ma phê là ‘con đã đạt được ‘ lớp da’ của ta. Hai đệ tử khác được Đạt Ma phê là đã đạt được ‘xương và thịt’ của Thiền (Thiền Cốt và Thiền Nhục). Chỉ có đệ tử thứ tư im lặng không trả lời. Tổ mới khen là đã đạt được Tủy của Thiền. Tuy nhiên khi không truyền bá Thiền bằng con đường ‘bất lập văn tự’, không ai có thể đạt được ‘tủy’ của Thiền, nhiều nhất là đạt tới mức ‘Thiền Xương Thiền Thịt’ (Zen Bone and Zen Flesh). Tác phẩm này được Paul Reps và Nyogen Senzaki dịch ra tiếng Anh từ Zen Stories (London 1939) Gateless Gate (Vô Môn Quan) (LA,1934), Thập Ngưu Đồ (LA 1935), và một tác phẩm cổ viết bằng tiếng Phạn (Centering) có thể