Chương Viii Mười Bức Tranh Chăn Trâu Với Lời Bình Và Kệ

10 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 8756)

Thiền sư PHILIP KAPLEAU
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
BA TRỤ THIỀN
GIÁO LÝ – TU TẬP – GIÁC NGỘ
Nguyên tác: The Three Pillars of Zen
Cập Nhật và Hiệu Đính
theo Ấn Bản Kỷ Niệm Năm Thứ 35 của Nguyên Tác Tiếng Anh

PHẦN III
PHỤ LỤC

Chương VIII
Mười Bức Tranh Chăn Trâu
với Lời Bình và Kệ

 Trong các hình thức phát biểu về các mức độ chứng ngộ trong Thiền, không một hình thức nào được biết đến một cách rộng rãi hơn các Bức Tranh Chăn Trâu này. Một bộ mười bức minh họa có kèm lời bình giảng bằng văn xuôi và kệ tụng. Có lẽ vì bản tánh thiêng liêng của con “Bò”(1) ở Ấn độ thời cổ nên con vật thường được dùng tượng trưng cho bản tánh nguyên thủy của con người hay Phật tánh.

 Các bức tranh nguyên tác và lời bình đi kèm, cả hai được qui cho là của Quách Am Sư Viễn (H. Kuo-an Shih-yuan, Nh. Kakuan Shien), một Thiền sư Trung hoa ở thế kỷ 12, nhưng ông không phải người đầu tiên minh họa các giai đoạn phát triển của sự tu chứng bằng tranh. Các bản trước

đó xuất hiện với năm hoặc tám bức họa, trong ấy con trâu

 

---------------------------------------------

(1) Ox trong tiếng Anh chỉ con bò. Ở đây Philip Kapleau tìm về với biểu tượng nguyên thủy về bản tánh hay Phật tánh theo truyền thống Ấn độ. Nhưng ở đây người dịch dùng chữ “Trâu” tức chữ “Ngưu” trong chữ Hán là theo truyền thống Trung hoa, Việt nam và Nhật bản. Bởi vì, thứ nhất, đối với các dân tộc này, con trâu gần gũi có mang ý nghĩa gần gũi và thi ca hơn con bò; thứ hai, khi du nhập sang Trung quốc, Phật giáo đã mượn một số từ ngữ và biểu tượng của Lão học để diễn đạt một số nội dung tư tưởng cho người Trung hoa đễ hiểu hơn, do đó Bò đã “biến thành” Trâu ở đây. (Người dịch).

dần dần trở nên trắng hơn, bức cuối cùng là một vòng tròn. Điều này ám chỉ rằng sự nhận ra cái Một (tức sự xóa sạch mọi tư niệm về ta và người) là mục đích tối hậu của Thiền. Nhưng Quách Am cảm thấy như vậy chưa đủ nên ông thêm hai bức nữa sau bức vẽ vòng tròn, làm cho nó rõ ràng hơn rằng Thiền nhân có sự phát triển tâm linh cao nhất sống trong trần giới hình sắc tạp đa và hòa đồng tự do vô ngại giữa thường nhân, những kẻ mà Thiền tiếp độ vào Con Đường của Phật, với lòng từ bi và trí tuệ của mình. Đây là bản đã được chấp nhận rộng rãi nhất ở Nhật, qua nhiều năm đã tỏ ra là nguồn giáo huấn và cảm hứng hiệu quả đối vơi giới học Thiền, và chúng tôi giới thiệu ở đây những bức tranh thủy mặc do Gyokusei- Jikihara vẽ. (2)

 

 

 

---------------------------------------------

 (2) Trong bản dịch tiếng Việt này, người dịch xin giới thiệu một bộ tranh khác in bằng mộc bản của một nghệ sĩ mộc bản nổi tiếng ở Tokyo là Tomikichiro Tokuriki thuộc dòng dõi nghệ sĩ lâu đời và là chủ nhân của phường trà Đạt Ma Đường vì vẻ đẹp đơn sơ cổ kính của bộ tranh này. Tranh do Paul Repps sưu tập trong cuốn Zen Flesh Zen Bones và nhà Charles E. Tuttle Co. xuất bản ở Rutland, Vermont, và Tokyo, Japan, năm 1957.

 

 

 

MƯỜI BỨC TRANH

CHĂN TRÂU

VỚI LỜI BÌNH VÀ KỆ

 

 

  1. TÌM TRÂU

 

Thực ra Trâu có lạc mất bao giờ. Thế thì tại sao phải tìm? Khi quay lưng lại với Chân Tánh mình thì làm sao tìm được nó? Vì ô nhiễm nên không còn thấy được Trâu. Rồi bỗng thấy mình đứng trước một mê lộ đầy ngả ba đường. Lòng tham được và nỗi sợ mất thế gian bùng lên như lửa réo, ý niệm đúng sai phóng ra như dao nhọn.

 

Tụng:

 

 Mang mang bát thảo khứ truy tầm 

 Thủy khoát sơn diêu lộ cánh thâm 

 Lực tận thần bì vô mịch xứ 

 Đãn văn phong thụ vãn thiền ngâm.(3)

 

 

Tạm dịch:

 Miên man vạch cỏ cố truy tầm 

 Non xa nước rộng lối âm âm 

 Dạ mỏi chân mòn đâu chẳng thấy 

 Chỉ thấy ve chiều ngọn phong ngâm.

 

 

 

-------------------------------

(3) Trong bản dịch Tiếng Việt này, phần lời bình được dịch từ bản tiếng Anh của Philip Kapleau và phần các bài tụng được dịch theo nguyên văn chữ Hán do Tuệ Sỹ rút từ Tục Tạng Kinh in lại trong tập Tranh Chăn Trâu, di cảo của Trúc Thiên, do nhà xuất bả An Tiêm ấn hành năm 1972, tại Sài gòn.

 

 

 

1. TÌM TRÂU

 

chantrau022-content

 

 

 

2. THẤY DẤU

 

Nhờ kinh giáo mà biết đấy là dấu chân Trâu. Các khí cụ tuy đa dạng nhưng vốn cùng một thứ vàng, cũng như vạn vật đều là hóa thân của Tự Ngã. Song vẫn chưa phân biệt được tốt với xấu, thực với giả. Chưa thực sự vào được cửa nhưng đã biết lối đi theo dấu chân Trâu.

 

Tụng:

 

 Thủy biên lâm hạ tích thiên đa 

 Phương thảo li phi kiến dã ma 

 Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ

 Liêu thiên khổng tị chẩm tàng tha.  

 

 

Tạm dịch: 

 Ven rừng mé nước dấu chân đầy 

 Cỏ thơm vướng vít, hẳn đâu đây 

 Núi hố một màu sâu thăm thẳm 

 Cái mũi kình thiên dấu được mày?

 

 

 

2. THẤY DẤU

 

chantrau024-content

 

 

3. THẤY TRÂU

 

Đã nghe thấy tiếng ắt sẽ tìm được nguồn phát ra tiếng. Sáu thức không khác với Chân Nguyên, giống như muối trong nước hay màu trong thuốc nhuộm.(4) Khi tập trung được cái thấy bên trong ắt sẽ nhận ra rằng cái bị thấy đồng nhất với Chân Nguyên.

 

Tụng:

 

 Hoàng li chi thượng nhất thanh thanh 

 Nhật noãn phong hòa ngạn liễu thanh 

 Chỉ thử cánh vô hồi thị xứ

 Sâm sâm đầu giác họa nan thành.

 

 

Tạm dịch:

 Vàng anh ríu rít hót trên cành 

 Nắng ấm gió êm bờ liễu xanh

 Chẳng trốn được đâu, Trâu ở đó

 Đầu sừng sừng sững vẽ sao thành.

 

 

---------------------------------------

(4) So sánh sắc và Không: muối với Không và nước với sắc. Cho đến khi một người nếm được “mùi vị” của ngộ thì y không biết được cái Không này và chỉ thấy có sắc. Khi đã ngộ rồi thì y thấy cả hai không khác nhau. [Tâm kinh nói: “Sắc bất dị không, Không bất dị sắc. Sắc tức thị không, Không tức thị sắc.]

 

 

3. THẤY TRÂU

 

chantrau026-content

 

4 ĐƯỢC TRÂU 

 

Bấy lâu Trâu đã sổng ra ngoài hoang dã, nay mới gặp lại và thực sự đã bắt được nó. Vì lâu nay lêu lỏng, đã mất hết nết xưa nên khó mà khắc phục được nó. Trâu vẫn còn ham những ngọn cỏ non, nên nó vẫn cứng đầu và không chịu kiềm chế. Nếu muốn thuần thục hoàn toàn, phải dùng roi vọt.

 

Tụng:

 

 Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ 

 Tâm cường lực tráng tốt nan trừ

 Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng 

 Hựu nhập yên vân thâm xứ cư. 

 

 

Tạm dịch:

 Trăm phương ngàn kế khắc phục mày 

 Tâm lực cương cường, thực khó thay(5)

 Ví chẳng phóng lên trên gò nổng 

 Lại vào những chốn khói mây bay.

 

 

 

--------------------------------------

(5) Đây ám chỉ rằng ở giai đoạn này vọng tình vẫn còn, muốn nhổ rễ nó phải tu tập thêm nữa.

 

 

 4. ĐƯỢC TRÂU

 chantrau028-content

 

 

 5. CHĂN TRÂU 

 

Niệm này dấy lên chưa dứt, niệm khác đã sinh. Giác ngộ đem lại nhận thức rằng các niệm như thế đều không thực, ngay cả khi chúng phát xuất từ Chân Tánh. Chỉ vì mê hoặc vẫn còn, nên tưởng chúng không thực. Trạng thái mê hoặc này không bắt nguồn từ thế giới khách quan mà từ trong tâm ta.

 

 

Tụng:

 

 Tiên sách thời thời bất ly thân 

 Khủng y túng bộ nhập ai trần 

 Tương tương mục đắc thuần hòa dã 

 Cơ tỏa vô ức tự trục nhân. 

 

 

Tạm dịch:

 Thừng roi chớ có lúc lìa thân

 Vì ngại chân bon nhập bụi trần

 Cùng nhau chăn dắt thuần hòa nết 

 Cùm kẹp không màng theo chủ nhân. 

 

 

 

 5. CHĂN TRÂU

chantrau030-content

6. CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ

 

 

Cuộc chiến đấu đã chấm dứt, “được” và “mất” không còn tác dụng nữa. Miệng nghêu ngao khúc ca mộc mạc của người hái củi và những bài đồng dao của lũ trẻ trong làng. Ngồi trên lưng Trâu, mắt thanh thản nhìn mây trời lờ lững trên cao. Đầu không quay lại [theo hương nào cám dỗ].(6) Dẫu ai có thử vật ngã nhào cũng chẳng để tâm.

 

 

Tụng:

 

 Kỵ ngưu đà lê dục hoàn gia 

 Khương địch thanh thanh tống vãn hà 

 Nhất phách nhất ca vô hạn ý 

 Tri âm hà tất cổ thần nha.

 

 

Tạm dịch:

 Cưỡi ngược lưng trâu trở lại nhà 

 Vi vu tiếng địch tiễn chiều tà 

 Mỗi nhịp mỗi lời vô hạn ý 

 Tri âm lọ phải hé môi ra.

 

 

 

----------------------------------------

(6) Nghĩa là Phật Tâm, được tượng trưng bằng con Trâu, hoàn toàn tự đủ, viên dung viên mãn.

 

 

6. CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ

 chantrau032-content

 

QUÊN TRÂU CÒN NGƯỜI 

 

Trong Pháp không có hai. Trâu là Nguyên Tánh: giờ thì đã nhận ra điều ấy. Thỏ đã được đâu còn cần bẩy, cá bắt rồi thì lưới bỏ đi. Giống như vàng ròng đã tách ra khỏi quặng, như mặt trăng ra khỏi đám mây, một tia Hào Quang sáng ngời vĩnh cửu.

 

 

Tụng:

 

 Kỵ ngưu dĩ đắc đáo gia sơn 

 Ngư dã không hề nhân dã nhàn 

 Hồng nhật tam can do tác mộng 

 Tiên thằng không độn thảo đường gian.

 

 

Tạm dịch:

 Lưng trâu đã đến núi quê ta

 Trâu không còn nữa, người nhàn hạ

 Mặt nhật ba sào còn mãi mộng 

 Roi thừng vứt đó giữa hàng ba. 

 

 

 

7. QUÊN TRÂU CÒN NGƯỜI

 chantrau034-content

 

 8 TRÂU NGƯỜI ĐỀU QUÊN

 

Mê tình tiêu tan, thánh ý cũng mất. Không còn mon men nơi có Phật [cảnh giới thấy mình là Phật] và bước lẹ qua nơi không Phật [cảnh giới thấy mình đã gột sạch vọng tình rằng mình không là Phật]. Dẫu ngàn mắt [của năm trăm Phật và Pháp sư] cũng không phân biệt được y có đặc điểm gì.(7) Giờ đây dù có trăm chim trải hoa quanh y, y cũng chỉ tự thẹn.(8)

 

Tụng:

 

 Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không 

 Bích thiên liêu quách tín nan thông 

 Hồ lô diệm thượng tranh dung tuyết 

 Đáo thử phương năng hiệp tổ tông. 

 

 

Tạm dịch: 

 Trâu người thừng gậy thảy đều không

 Trời xanh bát ngát,(9) tin khó thông

 Tuyết không thể sống trên lò lửa(10)

 Đến chốn này đây gặp tổ tông.

 

---------------------------------------

 (7) Ẩn ý của đoạn này là chư Phật và chư Tổ có trí tuệ như gương có thể phân biệt được dễ dàng những người thường bị nhuộm màu vì nhiều ô nhiễm khác nhau. Nhưng một người đã tự mình gột sạch mọi ô nhiễm, kể cả những hình thức kiêu mạn vi tế nhất, đã trở thành trong sạch và tự nhiên đến độ Phật cũng không thể phân biệt người ấy thuộc loại nào. =>

 

 

-------------------------------------------------------

=>

 (8) Đây là một ẩn dụ, một ngụ ngôn tập trung quanh sư Pháp Dung (H. Fayung, Nh. Hoyu), một Thiền sư Trung quốc đời Đường, sống ở núi

Ngưu Đầu (H. Niu-t’ou, Nh. Gozu) được tán dương rộng rãi vì nhiệt tâm tọa thiền của sư nơi sơn am. Người ta nói rằng ngay cả chim cũng dâng hoa ca ngợi khi sư ngồi tu nơi am vắng. Truyện kể tiếp rằng khi sư đạt giác ngộ hoàn toàn do Tổ sư thứ tư, sư Đạo Tín, thì chim không còn dâng hoa nữa. Bởi vì khi giác ngộ viên mãn, sư không còn tỏa hơi hám gì nữa, ngay cả mùi đạo hạnh.

(9) Trời xanh bát ngát: chỉ Tâm thanh tịnh.

(10) Với giác ngộ viên mãn, tất cả những ý nghĩ mê hoặc, kể cả “ngộ” hay “mê” đều biến mất.

 

 

8. TRÂU NGƯỜI ĐỀU QUÊN

 chantrau036-content

 

 9. TRỞ LẠI CỘI NGUỒN

 

Ngay từ đầu có mảy bụi nào đâu [mà làm mờ tánh Thanh Tịnh vốn có]. Giờ đây nhìn cuộc sống thế gian đầy vơi mà an trụ trong tịch nhiên bất động. [Đầy và vơi] không phải bóng ma cũng không là ảo ảnh [mà chỉ là hóa hiện của Cội Nguồn], thế thì tại sao phải gắng sức làm chi?(11) Nước biếc núi xanh. Một mình lặng ngắm sự vật biến đổi không ngừng.

 

Tụng:

 

 Phản bản hoàn nguyên dĩ phí công 

 Tịnh như trực hạ nhược manh lung 

 Am trung bất kiến am tiền vật 

 Thủy tự mang mang hoa tự hồng.

 

Tạm dịch:

 Cội nguồn trở lại rõ phí công 

 Từ đây nghe thấy tựa như không (12)

 Trong am không thấy chi đàng trước (13)

 Nước vẫn mênh mang, hoa vẫn hồng.

 

---------------------------------------------

(11) Đạo Nguyên, người đã giải quyết được nghịch lý này sau nhiều năm nỗ lực phi thường, cuối cùng đã thâm ngộ, hỏi: “Nếu như kinh nói, Bản tánh của chúng ta là Bồ đề, tại sao chư Phật phải nỗ lực mới đạt được giác ngộ viên mãn?”

(12) Ý ở đây ám chỉ rằng những người đã giác ngộ viên mãn, không còn bị những đối tượng của các giác quan bắt giữ mà tự thấm nhập một cách không tự thức vào những gì họ thấy và nghe, và thấy ấy là không thấy và nghe ấy là không nghe.

(13) Vì cùng đến với ngộ là sự nhận ra rằng: Mình bao hàm cả vũ trụ và mọi vật trong ấy, thì còn ham muốn gì nữa.

 

 

9. TRỞ LẠI CỘI NGUỒN

 chantrau038-content

 10. THÕNG TAY VÀO CHỢ (14)

 

Cửa am khép lại, dù thánh cũng chẳng thấy được y.(15) Toàn bộ tâm cảnh(16) của y cuối cùng đã biến mất. Y đi con đường riêng của mình, không cố bước chân theo dấu thánh hiền xưa. Mang bầu rượu(17) thong dong vào chợ, nương gậy dài lại trở về nhà. Tiện tay dắt bọn chủ quán và lũ hàng thịt theo con đường của Phật.

 

Tụng:

 

 Lộ hung tiển túc nhập triền lai 

 Phù thổ đồ hồi tiếu mãn tai 

 Bất dụng thần tiên chân bí quyết 

 Trực giao khô mộc phóng hoa khai.

 

Tạm dịch: 

 Ngực lộ chân trần vào thị tứ 

 Bùn lầy bụi phủ toét miệng cười 

 Chẳng dùng bí quyết thần tiên dạy 

 Mà cây khô thoắt nở hoa tươi.(18)

 

----------------------------------------------

(14) Chợ hay thị tứ chỉ thế gian ô nhiễm.

(15) Ý câu này là giờ đây y đã trở nên rất trong sạch, rất thoàn hảo đến độ thánh cũng không thể khám phá ra y hoàn hảo ở điểm nào. Nghĩa là tất cả những khái niệm, quan niệm, gỉa thuyết, thành kiến.

(16) Tức là tất cả khái niệm, quan niệm, giả thuyết, thành kiến.

(17) Ngày xưa ở Trung quốc người ta thường dùng vỏ quả bầu già, khô để đựng rượu thay chai. Do đó, ý ở đây ám chỉ rằng người có tâm =>

 

=> linh phát triển đến độ sâu nhất, không ghét việc uống rượu với những kẻ thích uống rượu để giúp họ khắc phục mê hoặc. Ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt cơ bản dược nhấn mạnh giữa vai trò của người đã thành tựu về mặt tinh thần theo các truyền thống Tiểu thừa và Đại thừa. Ở Tiểu thừa, mẫu mực tâm linh cao nhất là nhà sư độc thân, cách biệt với thế tục. Một cách lý tưởng là ông phải như một vị thánh, một khuôn mẫu đạo đức, nếu ông thực hiện vai trò mà tăng giới tưởng nghĩ cho ông. Nếu ông đắm mình trong rượu chẳng hạn, thì điều ấy bị coi là dấu hiệu chắc chắn nhất về sự bất tịnh còn lảng vảng trong ông, chứng tỏ rằng trạng thái tinh thần của ông chưa hoàn toàn trong sạch. Ở Phật giáo Đại thừa, trái lại, những người đạt thâm ngộ, nam cũng như nữ (có thể và thường là cư sĩ), thì không tiết ra mùi “ngộ” cũng không tỏa hơi “thánh”. Nếu ai còn như thế thì chứng tỏ sự thành tựu của người ấy bị xem là chưa viên mãn. Người thâm ngộ cũng không xa lánh thế sự xấu xa mà tự mình dấn thân vào đó bất luận khi nào thấy cần giải thoát thế nhân khỏi vô minh, nhưng bản thân mình thì không vấy bẩn. Ở đây, người ấy giống như đóa hoa sen, biểu tượng sự thanh tịnh và toàn hảo trong Phật giáo, mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. 

(18) Đây là một cách nói khác, rằng giác ngộ viên mãn vì toàn bộ nhân cách của người ấy đã tràn ngập ánh sáng bên trong, sẽ đem lại ánh sáng và hy vọng cho những ai còn trong u tối và tuyệt vọng.

 

 

10. THÕNG TAY VÀO CHỢ

chantrau040-content 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Ba 2017(Xem: 6531)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 5970)
02 Tháng Sáu 2016(Xem: 5186)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
17 Tháng Năm 2016(Xem: 5636)
19 Tháng Tư 2016(Xem: 5974)
‘Tào khê thuỷ’ (曹溪水) hay ‘Tào Khê’ là đại từ chỉ định về Lục tổ Huệ Năng, cũng chỉ cho dòng suối trí tuệ Phật giáo. Dòng thiền phương bắc lấy Lục Tổ làm cội nguồn, sử gọi Nam tông (南宗); dòng này chủ trương “không câu nệ hình thức, không bám víu danh từ khái niệm, không chú trọng ngồi thiền, chỉ cần nội tâm trực giác đốn ngộ, tức tâm tức Phật, liền có thể thành Phật”.
14 Tháng Tư 2016(Xem: 7625)
Huệ Minh đuổi theo Lục Tổ Huệ Năng để đoạt lại y bát nhưng khi ông không giở nổi chiếc y lên từ tảng đá thì liền nói: tôi vì pháp chẳng vì y bát xin hành giả vì tôi mà khai thị.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6209)
Tương truyền Đệ nhất tổ Thiền Tông ở Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma bắt đầu chuyến Đông Độ vào thế kỷ thứ Sáu. Theo Đạo Nguyên trong Bích Nham Lục, sau 9 năm diện bích, Ngài muốn trở lại Ấn Độ, Tổ triệu tập một số đệ tử thân tín để ‘thử’ tình độ tu chứng. Đối với câu trả lời của đệ tử thứ nhất Đạt Ma phê là ‘con đã đạt được ‘ lớp da’ của ta. Hai đệ tử khác được Đạt Ma phê là đã đạt được ‘xương và thịt’ của Thiền (Thiền Cốt và Thiền Nhục). Chỉ có đệ tử thứ tư im lặng không trả lời. Tổ mới khen là đã đạt được Tủy của Thiền. Tuy nhiên khi không truyền bá Thiền bằng con đường ‘bất lập văn tự’, không ai có thể đạt được ‘tủy’ của Thiền, nhiều nhất là đạt tới mức ‘Thiền Xương Thiền Thịt’ (Zen Bone and Zen Flesh). Tác phẩm này được Paul Reps và Nyogen Senzaki dịch ra tiếng Anh từ Zen Stories (London 1939) Gateless Gate (Vô Môn Quan) (LA,1934), Thập Ngưu Đồ (LA 1935), và một tác phẩm cổ viết bằng tiếng Phạn (Centering) có thể