Quán Tâm

20 Tháng Hai 201100:00(Xem: 6867)

3. Quán tâm

Lãnh vực thứ ba là pháp quán tâm, được áp dụng phối hợp với pháp quán hơi thở để giúp ta giữ vững định lực. Phần niệm tâm rất quan trọng bởi sự thụ động đối trị của tâm thức gắn liền với những tưởng vọng của tâm thức.

Trong pháp quán tâm, bất cứ ý tưởng nào khởi dậy trong tâm thức, ta cần tỉnh táo nhận biết về sự phát khởi của ý tưởng đó. Sự ghi nhận tương đối dễ dàng nếu hơi thở được duy trì có ý thức. Ta giữ sự tỉnh biết bằng cách theo dõi hơi thở. Hơi thở vào, ta biết hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết hơi thở ra. Sự tập trung tâm ý vào hơi thở là phương tiện mầu nhiệm để giúp ta nhận biết về sự phát khởi của các ý niệm trong tâm thức. 

Khi có một ý tưởng phát sinh, ta ghi nhận có một ý tưởng phát sinh, rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Không bực bội với nó. Không hoan hỷ với nó. Tâm trí không theo đuổi hay phân tích bất cứ ý niệm nào. Ta chỉ khách quan nhận biết vậy, thế thôi. Ta biết nó vừa mới sinh khởi. Ta biết nó đang tăng trưởng. Ta biết nó đang giảm suy. Ta biết nó đã hủy diệt. Con mắt tâm tập trung vào hơi thở và ghi nhận những diễn biến sinh diệt của các ý niệm nơi tâm thức. Cố gắng nuôi giữ sự tỉnh thức trong mọi phút giây, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. 

Giai đoạn đầu khi mới học thiền, dĩ nhiên tâm trí rất khó có thể tập trung an định được. Có nhiều khi ý nghĩ sinh khởi liên tục, dẫn kéo ta đi xa vào những tưởng vọng mông lung. Nhưng nếu cố gắng hành thiền thường xuyên, sự giác tỉnh sẽ được nâng cao. Khi một ý tưởng bắt đầu sinh khởi, ta liền nhận biết ngay về sự sinh khởi của ý tưởng đó. Ta chú tâm nhận biết sự tan biến của nó. Sự tập trung của tâm ý cũng theo đó phát triển và định lực cũng nhờ đó mà được nâng cao.

Khi có một ý tưởng vừa phát khởi, ta nhận định về điều đó và quán niệm rằng “có một ý nghĩ đang phát sinh”. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của tâm thức. Ngay khi ta vừa nhận biết có một ý nghĩ đang phát sinh thì ngay khi ấy ý nghĩ đó cũng đã bị suy yếu và tan biến đi. Ta ý thức về tất cả những biến động sinh diệt vô thường của các ý niệm và làm cho tâm ý ta trở thành hoan lạc tươi mát. 

Đây là yếu chỉ hành trì của phương pháp hàng phục tâm mà Đức Phật đã thuyết giảng trong kinh kim cang – “một niệm dấy lên là chúng sanh, đưa những niệm đó vào chỗ vô sanh, đó là hàng phục tâm” (thiền sư Thích Thanh Từ dịch và chú giải). 

Các lãnh vực của tâm ý:

- Tâm ý tham dục 

Những khi trong tâm khởi dậy bất cứ một ý nghĩ tham dục nào, ta cần nhận biết về sự phát khởi của những dục niệm đó. Nếu như tinh chuyên nắm giữ hơi thở trong mọi lúc, thì khi bất cứ ý nghĩ tham dục nào phát khởi, ta liền nhận biết được ngay. Ta ghi nhận sự sinh khởi và hủy diệt của những dục tưởng để trực nghiệm bản chất vô thường của nó. Khi trong tâm không còn ý nghĩ tham dục nữa, ta cũng liền giác tỉnh nhận biết đúng như vậy.

Ta an trú trong sự quán niệm “có một ý nghĩ tham dục đang phát sinh trong tâm thức”. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự có mặt của các ý niệm tham dục. 

- Tâm ý sân hận 

Cũng như pháp quán chiếu về tâm ý tham dục, mỗi khi trong tâm có những ý nghĩ sân hận, ta ý thức về sự phát khởi của những ý nghĩ sân hận đó, khách quan ghi nhận “có một ý niệm sân hận đang phát khởi”. Với sự ghi nhận như thế đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của sân hận trong tâm thức. 

Khi có sự chú tâm ghi nhận về ý nghĩ giận dữ thì ngay đó sân niệm suy yếu và tan biến trong ánh sáng chánh niệm. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Biết rõ ta đang thở vào. Biết rõ ta đang thở ra. Biết ta đang có một ý nghĩ giận dữ. Hãy đối trị thụ động với tâm hoàn toàn giác tỉnh. Hãy xem những sân niệm như gió thoảng như mây bay. Cố gắng đừng để bị não phiền vì những sân niệm sinh diệt. Như trong chứng đạo ca - “ba món độc tham sân si như bọt nước hiện ra rồi mất đi” (tam độc thủy bào hư xuất một). Hãy nhận biết tỉnh giác từ khi những sân niệm phát sinh cho đến khi hoàn toàn bị hủy diệt để trực nghiệm bản chất vô thường của sân niệm.

Ngay khi ý niệm sân hận đã tan biến, tâm thức không còn sự sân hận nữa, ta cũng liền nhận biết điều đó. Ta biết ta đang thở và ý thức rằng trong tâm ta không còn sự sân hận. Ta duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và nhận biết tâm thức ta không còn sự giận dữ. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và nhận biết tâm thức ta không còn sự sân hận.

- Tâm ý si mê 

Khi tâm thức có những tưởng vọng u mê, ta liền nhận biết được sự phát khởi đó. Khi nhận diện được trong tâm đang có những ý tưởng si mê, thì sự si mê đó đã đang được chuyển hóa, để hướng về cái nhìn trong sáng hơn. Như vậy thì sự nhận biết đó đã là một sự giác tỉnh rồi. Và, khi trong tâm không còn có sự u mê, ta cũng nhận biết rõ ràng và sáng suốt rằng mình không có những ý tưởng u mê trong lúc nầy. 

Điều quan trọng là sự nhận biết về ý thức đó chỉ là một sự giác tỉnh trong nhất thời. Tế nhị không để tâm thức bị trói buộc trong nội dung si mê đó. Nếu không khéo léo lại bị mờ mịt trong chán chường tự trách, chỉ bởi sự lầm lẫn với những u mê nhất thời.

- Tâm ý thu nhiếp 

Khi tâm ý có sự thu nhiếp, hơi thở trở nên êm dịu, thân tâm cảm thấy nhẹ nhàng và tươi mát. Ta thở vào và thở ra trong sự giác tỉnh, ghi nhận từng hơi thở vào ra nhẹ nhàng trong tỉnh biết. Trong nhất thời đó, vọng tưởng không còn quá loạn náo, tâm trí đã có sự tập trung về hơi thở tương đối vững chải. Ta ý thức và ghi nhận về cảm giác dịu lắng nơi thân tâm. Ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra trong ý thức sáng suốt về cảm giác đó. 

Giá trị cuộc sống đây, nghệ thuật thiền học nầy, thật bình dị trên hơi thở tĩnh lặng và ý thức. Hãy an trú trong sự quán niệm “tâm thức đang có sự thu nhiếp”. Khi tâm thức không còn có sự thu nhiếp, ta cũng nhận biết rõ ràng về điều đó. Với sự ghi nhận như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của tâm thức. 

- Tâm ý tán loạn 

Trong bước đầu thực tập quán niệm, rất khó giữ tâm ý tập trung trên hơi thở cho được liên tục, rất khó có thể duy trì ý thức trên từng hơi thở trong mỗi phút giây. Khi nhìn vào nội thức, tâm trí nghĩ suy đủ mọi vấn đề. Những nghĩ suy tuôn bờ ào ạt như sóng vỗ. Đấy là lúc tâm trí tán loạn, tư duy mông lung, chập chờn biết bao ý tưởng. Từ những ý nghĩ nhỏ nhặt nhất, cho đến những tiếc nuối về quá khứ, những lo lắng về tương lai, những mộng ước về ngày mai.

Đấy là giai đoạn tâm trí náo loạn khó thể dừng nghỉ được. Hãy cố gắng ý thức phút giây tâm trí đang cuồng loạn. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào, ta biết tâm trí ta đang tán loạn. Thở ra, ta biết ta đang thở ra, ta biết tâm trí ta đang cuồng quay. Hãy quán niệm “tâm thức đang có sự tán loạn”. Hơi thở ý thức là phương tiện khả dĩ làm nền tảng để có thể chuyển hóa được nội tâm. Hãy nhận biết sự phát khởi của nó. Hãy ghi nhận sự suy yếu và tan biến của nó. Hiệu năng của hơi thở ý thức sẽ giúp cho tâm trí trầm lắng xuống. Sự tán loạn vọng động sẽ giảm bớt và thân tâm sẽ cảm thấy dễ chịu hơn ít nhiều. 

Tâm ý thu nhiếp và tâm ý tán loạn là hai lãnh vực tương phản nhất thời của tâm thức. Khi vọng tưởng tương đối dừng lặng, hơi thở trở nên nhẹ nhàng, thân và tâm tương đối dịu lắng trong sự định tỉnh sáng suốt, ta nhận biết ta đang có sự thu nhiếp. Ngược lại, khi tâm trí náo động, vọng tưởng phát khởi, nghĩ suy không theo trình tự, hơi thở trở nên thô tháo, đầu óc không còn sáng suốt, khó có thể tập trung tinh thần, là lúc tâm thức đang có sự tán loạn.

Nếu tâm trí có sự tán loạn không thể dừng nghỉ được, ta có thể áp dụng phương pháp đếm hơi thở để định tâm (sổ tức). Khi ý thức tâm đã tương đối an định và đã bắt đầu có sự thu nhiếp, số đếm không còn lộn, thì lúc đó ta nên bỏ đếm để trở về với sự chú tâm quán sát hơi thở.

Tập trung tâm ý vào hơi thở, khởi sự bắt đầu đếm hơi thở để định tâm: 

- thở vào đếm “một”, thở ra đếm “một”
- thở vào đếm “hai”, thở ra đếm “hai”
- thở vào đếm “ba”, thở ra đếm “ba” …

Cứ thế, đếm từ “một” đến “mười”, rồi trở lại bắt đầu từ “một”. Nếu đếm giữa chừng bị lộn số hay quên đếm thì bắt đầu trở lại từ “một”. Tiếp tục đếm cho đến khi số đếm không còn lộn, hơi thở trở nên nhẹ nhàng, tâm thức bắt đầu có sự an định, thì lúc đó nên bỏ đếm để trở về theo dõi hơi thở.

- Tâm ý trở thành rộng lớn 

Với mức độ hành thiền tinh chuyên, sự tập trung tỉnh thức nâng cao, tâm ý vượt lên trên những nhận thức hạn hẹp, không còn bị trói buộc trong tri kiến chủ quan, không còn bị chi phối bởi những biệt phân riêng rẽ, là lúc tâm thức đang trở thành rộng lớn, với cái nhìn độ lượng, với đôi mắt hòa đồng trên mọi sự việc. 

Khi ấy, những ý nghĩ vọng động cũng đã lặng dừng, ta có cái nhìn sâu vào sự việc trên mối tương duyên và tương sinh của sự việc. Không phân chia tẻ biệt. Tâm trí hiểu biết và hành động thương yêu mọi loài với đức độ từ bi và hỷ xả. 

Tâm trí có cái nhìn sáng suốt, độ lượng và cảm thông với muôn loài. Sự giác tỉnh không còn nằm trong lãnh vực tẻ phân tri kiến, thân tâm trở nên nhẹ nhàng và thư thái. Đây là lúc tâm thức đang bắt đầu trở thành rộng lớn. Ta nhận biết tỉnh thức rằng tâm trí mình đang trở thành rộng lớn. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức. 

- Tâm ý trở thành hạn hẹp 

Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta biết tâm thức ta đang trở thành hạn hẹp. Hạn hẹp từ cái nhìn, cái thấy, cái hiểu, cái suy xét trong ta. Ta biết ta đang có những ý nghĩ tầm thường, những cái nhìn ích kỷ tư riêng, gói trọn trong bản ngã thấp hèn. Sự bẩn chật bần cùng trong tâm thức đang sống trong ta. Ta nhìn sự vật trong nhỏ bé tự thân, trong tư hữu lợi danh, trong bần tiện xét suy việc đời.

Tâm ý trở thành rộng lớn và tâm ý trở thành hạn hẹp là hai lãnh vực tương phản nhất thời của tâm thức. Khi tâm ý có cái nhìn tương đối tỉnh thức khách quan và quảng đại trong cái hiểu cái biết có chiều sâu, là lúc tâm thức đang bắt đầu trở thành rộng lớn. Ngược lại, khi tâm ý có cái nhìn hạn hẹp tẻ phân trong phiếm diện và tự kỷ, là lúc tâm ý đang trở thành hạn hẹp.

- Tâm ý đạt đến trạng thái cao nhất 

Trong lúc ngồi thiền, khi mà vọng tưởng gần như vắng lặng, thân tâm dịu lắng với cảm giác khinh an, hơi thở như có như không, ý thức an bình, tâm trí sáng suốt trong tĩnh lặng. Đấy là lúc tâm thức có sự thu nhiếp, là giai đoạn tâm thức đang đi vào trạng thái cao nhất của tâm linh, thực sự bắt đầu để đi vào các cõi thiền.

Hãy duy trì hơi thở trong sự tỉnh thức. Thở vào, ý thức là đang thở vào. Thở ra, ý thức là đang thở ra. Ta tỉnh biết rằng ta đang thở trong phút giây nầy với một tâm trí định tỉnh, với sự nhận hiểu sáng suốt. Ta ý thức và ghi nhận rằng tâm thức ta đang ở trong trạng thái cao nhất của tâm linh, một trạng thái khinh an với những làn gió nhẹ nhàng và thanh thản đang trôi chảy trong ta. 

Khi tâm thức không còn ở trong trạng thái cao nhất của tâm linh, ta nhận biết được điều đó. Ta an trú trong sự quán niệm như vậy đủ để ý thức được sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

- Tâm ý có định 

Hành trì tứ niệm xứ tinh chuyên và đúng phương pháp, tâm thức sẽ dần lắng động và định tỉnh, lực tập trung vào hơi thở cũng sẽ tăng trưởng. Ta ý thức về hơi thở trong từng mỗi phút giây, ghi nhận mọi sự việc khách quan và sáng suốt. Ta sống tỉnh thức trong từng mỗi sát na của cuộc sống. Sự bình tâm và an lạc đến với ta như những hoa trái đã gặt hái được từ vùng trời tâm linh. 

Trong lúc ngồi thiền, khi mà tâm thức đã trở nên vắng lặng, đang bắt đầu đi vào sự thu nhiếp, là khi tâm thức đã đạt đến trạng thái cao nhất của tâm linh, là khi những vọng tưởng không còn phát khởi loạn cuồng. Khi ấy, tâm thức chỉ hoàn toàn ý thức về hơi thở và chỉ hơi thở. Đây là lúc tâm ý đang bắt đầu đi vào định. 

Trong giai đoạn bắt đầu định tâm, sự tỉnh biết vẫn sáng tỏ chiếu soi. Những gì xảy ra chung quanh, ta đều nhận biết rõ nhưng không bị lôi cuốn vào đó. Những náo nhiệt chung quanh không thể gây tạo cho tâm trí loạn động. Tất cả nếu có, chỉ là ngọn gió khinh an mát lạ trong tâm thức, tưởng như hoa xuân tươi nở muôn sắc màu - “ao hồ ngàn nước ngàn trăng hiện, vạn dặm không mây vạn dặm xanh” (thiên đàm hữu thủy thiên đàm nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên). Đây là giai đoạn tâm thức đang thực sự bắt đầu đi vào các cõi định.

Khi tâm ý có định, ta có cảm thức thân tâm nhẹ nhàng như mây bay, hơi thở lắng dịu hoàn toàn như có như không, vọng tưởng chẳng còn chút gì vọng động. Sự an lạc đến như một cảm nhận từ kinh nghiệm tâm linh cá biệt. Một điều cần nhấn mạnh, trong thiền Phật giáo, ở giai đoạn bắt đầu đi vào định, tâm trí vẫn tỉnh biết hoàn toàn trong sự sáng suốt. Nếu như tâm trí mịt mờ ảo ảnh trong giai đoạn đó, thì cái gọi là định, chỉ là một hiện tượng biến trạng của hôn trầm, chưa thể được gọi là định.

Trong giao tiếp hằng ngày, tâm thức được xem là có định là khi 8 ngọn gió lợi danh vinh nhục không làm chao động tâm thức. Ngược bằng, một trong những ngọn gió tài lợi, suy hao, hủy nhục, công kênh, ngợi khen, chê bai, đau khổ, vui thú gây tạo cho tâm trí ít nhiều xao xuyến, thì như vậy chưa thể nói là tâm trí đã có sự định tỉnh.

Những khi bắt đầu đi vào định, tâm thức vẫn sáng suốt giác tỉnh trong từng mỗi sát na, ta nhận biết rằng “tâm thức ta đang có định”. Đó gọi là chánh định – “như như chẳng động, lặng tĩnh thường sáng” (như như bất động, liễu liễu thường minh). Khi tâm thức không có định, vọng tưởng phát khởi không ngừng, ta cũng nhận biết rõ ràng như vậy. Ta ghi nhận rằng “tâm thức không có định”. Với sự ghi nhận như vậy đủ để giúp ta an trú trong sự tỉnh biết và ý thức về sự có mặt của tâm thức.

- Tâm ý giải thoát 

Trong khi ngồi thiền, khi tâm trí đã thu nhiếp và đi vào trạng thái cao nhất của tâm linh, khi mà tâm thức đã thực sự bắt đầu đi vào các cõi định, khi ấy vọng tưởng không còn chút gì loạn động, tâm thể hoàn toàn vắng lặng an bình. Đó là lúc tâm ý đang nhất thời có sự giải thoát khỏi những não phiền tư duy. Trong giai đoạn nhất thời nầy, tâm ý an trú trong sự vắng lặng hoàn toàn. Tâm không còn bị trói buộc vào bất cứ gì nơi tư duy. Đây là giai đoạn tâm thức đang có sự giải thoát vô ngại, thực sự an trú hoàn toàn trong tỉnh thức sáng suốt và tự do an bình. 

Trong giai đoạn khi mà những vọng động náo nhiệt bên ngoài không còn gây tạo tâm thức bấn loạn, những ngọn gió lợi danh vinh nhục không còn làm bận trí sầu ưu. Khi mà sự tập trung của tâm trí đã đạt đến cao độ. Tâm thức đã thực sự vắng lặng. Định lực phát triển vững mạnh. Đấy là lúc thực sự tâm thức đang đi vào định, giai đoạn bắt đầu để bước vào ngưỡng cửa tâm linh của sự giải thoát. Như thiền sư Nyogen Senzaki đã nói “hãy cứ đơn thân ngồi nhìn im lặng, dẫu trời cao quay vòng, dẫu đất bằng loạn động, người chả thèm chớp mắt bận tâm”. Đấy là giai đoạn định tâm bắt đầu khi mà tâm thức đã thực sự an trú hoàn toàn trong lặng tĩnh.

Và, khi trong tâm thức đang bắt đầu có sự giải thoát, đã thực sự vượt lên trên tất cả những buộc ràng của tư duy, ta quán sát nhận biết đúng như vậy. Ta an trú trong quán niệm “tâm thức có sự giải thoát”. Và khi tâm trí không có sự giải thoát, ta cũng liền nhận biết như vậy. Ta thở vào thở ra trong ý thức, biết rõ từng hơi thở một. Ta chú tâm ghi nhận rằng “tâm trí không có sự giải thoát”. Và với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của tâm thức.

Tóm lại, những khi tâm thức có tham dục, sân hận, si mê, có thu nhiếp hay tán loạn, có định hay không định, có giải thoát hay không giải thoát, ta cũng đều ý thức được sự sinh khởi và hủy diệt của nó. Ta chú tâm quán sát quá trình sinh diệt của tất cả mọi tưởng vọng nơi tâm thức, nhận biết sự vô thường của nó, sự phát sinh, tăng trưởng, suy yếu và hoại diệt của nó. 

Ta an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi và quá trình hủy diệt nơi tâm thức. Khi có một ý tưởng tham dục hay sân hận phát khởi, tâm trí liền ghi nhận ý tưởng tham dục hay sân hận đó. Khi ý tưởng tham dục hay sân hận bị suy yếu và tan biến đi, ta cũng tỉnh biết ghi nhận về điều ấy. Không để ý niệm trói buộc dẫn đưa ta vào những suy tưởng đắm say, những phiền lụy khổ não. Hãy buông xả mọi vướng mắc trong tâm thức. Hãy ý thức về hơi thở và cố gắng thu giữ thân tâm dịu lắng trong an bình.

Ta an trú trong sự quán niệm “có tâm thức đây” và chỉ có tâm thức. Không có ta trong tâm thức. Chỉ có tâm thức và là tâm thức nơi tâm thức. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của mọi ý niệm trong tâm thức.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7216)
Quyển sách rất nhỏ này gồm những trích chọn một số lời dạy riêng về sự thiền tập. Nó gồm những trích đoạn nói riêng về thiền tập được trích từ những cuộc nói chuyện (pháp thoại) dành cho các Phật tử xuất gia và tại gia.
14 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 13043)
Trong ba tháng An Cư năm 2015 tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, tôi có hướng dẫn tập thiền cho đại chúng gồm Tăng Ni, chúng điệu cùng một số cư sĩ. Trước mỗi thời toạ thiền như thế, thường là 45 phút, tôi có một pháp thoại ngắn từ 15 đến 20 phút, đôi khi dài hơn một tí, chỉ để giúp cho “hành giả” đi từng bước sơ cơ vào thiền tập một cách vững chắc.
25 Tháng Mười Một 2015(Xem: 9214)
Về Paritta: VTH dẫn một bài kệ (cả Pāḷi và Việt ngữ) có nguồn gốc Tích Lan rồi nhận xét: “Nội dung bài kệ cho thấy khắp thân thể và không gian xung quanh hành giả được bảo hộ bởi Phật, Pháp và Tăng. Do hình thức an vị giống như sự an vị các Tôn trong Mật tông Bắc truyền, một số học giả phương Tây xem đây như một thể loại “tantra” của Phật giáo Theravāda”. Sau đó hỏi tôi: “Người tu theo Pháp này có thực hành đúng theo tinh thần của Tứ Diệu Đế hay không?”
23 Tháng Mười Một 2015(Xem: 9483)
Thưa thầy con thấy trong 37 trợ đạo phẩm có pháp tứ như ý túc, thầy có thể nói cho con về pháp Tứ Như Ý Túc được không ạ? Pháp này hành trì như thế nào ạ?
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8535)
Thưa thầy, lúc trước thầy có hứa sẽ viết một bài về cách niệm Phật cho tới cận hành định rồi qua thiền minh sát, con và các bạn muốn học Phật chân truyền đang chờ mong (Mà làm sao biết mình niệm đã “tới bến” tức là đạt cận hành định, thưa thầy?)
19 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11656)
Chúng tôi nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc thực hành thiền. Để trả lời chung, chúng tôi giới thiệu đến quý đạo hữu bài pháp hành của Hoà thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) giảng trong khóa An cư năm 2015 tại chùa Huyền Không Sơn Thượng Thừa Thiên Huế và bài hướng dẫn thiền tập của Thiền sư Thanissaro Bhikkhu (bản dịch của Cư sĩ Nguyên Giác):
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 9811)
“- Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh rất phổ biến của loài người. Vì thế tất cả các tôn giáo như Ki tô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và luôn cả Phật giáo Tịnh độ tông ... đều cầu nguyện và cầu xin. Họ cầu nguyện và cầu xin vì họ tin là có Thần quyền thiêng liêng có quyền năng phò trì, cứu khổ, cứu nạn. Xin thầy vui lòng chỉ dạy cho con Phật tử Theavāda không tin có tha lực lực siêu phàm và như vậy khi họ bị tại ương, tật ách thì họ cầu nguyện ai???
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6150)
Tôi xin được trình bày đến quý vị về kinh nghiệm của ba tháng thiền quán Vipassana, cũng như nêu lên một số vấn đề cho những bạn nào thích tìm hiểu, nghiên cứu về thiền quán.Thường thì mỗi khóa tu ba tháng như vậy có khoảng chừng một trăm người tham dự. Tất cả cùng phát nguyện giữ thinh lặng trong vòng ba tháng – chỉ được phép nói chuyện với vị thầy mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút trong giờ trình pháp.
14 Tháng Mười Một 2015(Xem: 9278)
Sau ba tháng an cư, tôi có 32 pháp thoại hướng dẫn cho Đại chúng HKST tập thiền với những kiến thức và những dụng công cần thiết về định cũng như về tuệ. Thư Viện Hoa Sen đã liên tiếp đăng được 25 pháp thoại cùng 4 bài trả lời những câu hỏi của độc giả.
29 Tháng Mười 2015(Xem: 15602)
Sự hiện hữu của ta bao gồm thân và tâm. Ta cần quan tâm đến cả hai, dầu thiền là một hoạt động của tâm, chứ không phải thân. Những câu hỏi của người mới bắt đầu hành thiền là: “Tôi phải ngồi như thế nào?” “Làm sao để không bị đau khi ngồi?”