Phần III Hiểu Đúng

26 Tháng Mười 201503:57(Xem: 3305)
SHUNRYU SUZUKI
Đỗ Đình Đồng dịch
TÂM THIỀN, TÂM BAN SƠ
Những bài Tiểu tham về Thiền định và Tu tập của Shunryu Suzuki
Nguyên tác: Zen Mind, Beginner’s Mind
Tác giả: Shunryu Suzuki
 

PHẦN BA

HIỂU ĐÚNG  

 

“Cái hiểu của chúng ta về Phật giáo không phải chỉ là cái hiểu lý trí. Hiểu đúng chính là tu tập thực tế.”

 

TINH THẦN THIỀN TRUYỀN THỐNG  “Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, quí vị đang tạo nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ trên chiếc bồ đòn màu đen của quí vị.”

 

Điều quan trọng nhất trong tu tập là tư thế của thân và cách thở của chúng ta. Chúng ta không quan tâm về sự hiểu biết sâu xa về Phật giáo. Về mặt triết học, Phật giáo là một hệ thống tư tưởng rất sâu rộng và vững chắc, nhưng Thiền không quan tâm về cái hiểu có tính chất triết học. Chúng ta nhấn mạnh thực hành. Chúng ta nên hiểu tại sao tư thế của thân và ca thở của chúng ta rất quan trọng. Thay vì có cái hiểu sâu về giáo lý, chúng ta cần có sự tin tưởng mãnh liệt nơi giáo lý nói rằng xưa nay chúng ta luôn luôn có Phật tánh. Sự tu tập của chúng ta đặt căn bản trên niềm tin này.

     Trước khi Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa, hầu hết tất cả những câu nói rất nổi tiếng của Thiền có sẵn đều được đem ra dùng. Chẳng hạn, có ngữ cú, “bỗng nhiên giác ngộ” (sudden enlightenment: đốn ngộ). “Bỗng nhiên giác ngộ” không phải là cách dịch thích đáng, nhưng tạm thời tôi sẽ dùng cách diễn đạt này. Giác ngộ đột nhiên đến với chúng ta. Đây là chân giác ngộ. Trước Bồ-đề Đạt-ma, người ta nghĩ rằng sau một thời gian dài chuẩn bị, đột nhiên giác ngộ sẽ đến. Như vậy, tu Thiền là một loại luyện tập để đạt giác ngộ. Thực tế, ngày nay nhiều người đang tu tập tọa thiền với ý niệm này. Nhưng đây không phải là cách hiểu Thiền truyền thống. Cách hiểu từ Phật truyền xuống đến thời chúng ta là khi chúng bắt đầu tọa thiền, là có giác ngộ dù cho không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Dù quí vị có tu tập tọa thiền hay không, quí vị vẫn có Phật tánh. Bởi vì quí vị có nó, có giác ngộ trong sự tu tập của quí vị. Những điểm chúng tôi nhấn mạnh không phải là giai đoạn chúng ta đạt được, mà là niềm tin tưởng mãnh liệt chúng ta có vào bản tánh và sự chân thành tu tập của chúng ta. Chúng ta nên tu Thiền với lòng chân thành như Phật. Nếu xưa nay chúng ta có Phật tánh, lý do chúng ta tu tập tọa thiền là chúng ta phải hành xử như Phật. Truyền đạo của chúng ta là truyền tinh thần của chúng ta có từ Phật. Như thế phải hòa hợp tinh thần, tư thế của thân, và hoạt động của chúng ta với con đường truyền thống. Dĩ nhiên, quí vị có thể đạt đến một giai đoạn đặc biệt nào đó, nhưng tinh thần tu tập của quí vị không nên đặt căn bản trên ý niệm vị ngã.

     Theo cách hiểu Phật giáo truyền thống, bản tánh con người của chúng ta không có ngã. Khi chúng ta không có ý niệm nào về ngã, chúng ta có cái thấy của Phật về cuộc đời. Những ý niệm vị ngã của chúng ta là mê hoặc, che lấp Phật tánh của chúng ta. Chúng ta luôn luôn tạo ra những ý niệm vị ngã và đi theo những ý niệm ấy. Và trong sự lặp đi lặp lại mãi quá trình này, đời sống của chúng ta bị những ý niệm vị ngã chiếm cứ hoàn toàn. Đây gọi là đời sống của nghiệp, hay nghiệp (karma). Đời sống của người Phật giáo không nên là đời sống của nghiệp. Mục đích tu tập của chúng ta là cắt đứt cái tâm nghiệp xoay chuyển. Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, đó là một phần của nghiệp, quí vị đang tạo ra nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ của mình trên cái bồ đoàn màu đen của quí vị. Theo kiến giải của Bô-đề Đạt-ma, sự tu tập đặt căn bản trên bất cứ ý niệm về được nào thì chỉ là sự lặp đi lặp lại nghiệp của mình. Quên điểm này, nhiều Thiền sư sau này đã nhấn mạnh một giai đoạn nào đó đạt được bằng tọa thiền.

     Quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào quí vị sẽ đạt đến là lòng chân thành, sự nỗ lực đúng của quí vị. Nỗ lực đúng phải được đặt căn bản trên sự hiểu đúng về cách tu truyền thống của chúng ta. Khi hiểu điểm này, quí vị sẽ hiểu giữ đúng tư thế quan trọng như thế nào. Khi quí vị không hiểu điểm này, thì tư thế và cách thở chỉ có nghĩa là để đạt giác ngộ. Nếu đây là thái độ của quí vị, thì uống thứ thuốc nào đó còn tốt hơn là ngồi trong tư thế xếp chéo chân nhiều! Nếu sự tu tập của quí vị chỉ có nghĩa là đạt giác ngộ, thì thực tế không có cách nào đạt được nó! Chúng ta đánh mất ý nghĩa con đường đi đến mục đích. Nhưng khi chúng ta tin vào con đường của mình một cách kiên định, chúng ta đã đạt giác ngộ rồi. Khi quí vị tin vào con đường của mình, giác ngộ ở đó. Nhưng khi quí vị không thể tin vào ý nghĩa của pháp tu mà quí vị đang hành trì trong giây phút này, quí vị không thể làm được bất cứ điều gì. Quí vị chỉ đang lang thang loanh quanh mục đích với cái tâm khỉ. Quí vị luôn luôn đang tìm một cái gì đó mà không biết mình đang tìm cái gì. Nếu quí vị muốn thấy một cái gì đó, quí vị nên mở mắt ra. Khi quí vị không hiểu Thiền của Bồ-đè Đạt-ma, là quí vị đang nhìn một cái gì đó với đôi mắt nhắm. Chúng ta không xem nhẹ ý niệm đạt giác ngộ, nhưng cái quan trọng nhất là giây phút này, không phải là một ngày nào đó trong tương lai. Chúng ta phải nỗ lực trong giây phút này. Đây là điều quan trọng nhất trong sự tu tập của chúng ta.

     Trước Bồ-đề Đạt-ma, sự học giáo lý của Phật kết quả trong triết lý sâu xa, cao vời về Phật giáo, và người ta cố gắng đạt những lý tưởng cao xa của nó. Đây là một sai lầm. Bồ-đề Đạt-ma khám phá ra rằng tạo ra một ý niệm cao vời hay thâm sâu nào đó, rồi cố gắng đạt nó bằng tu tập tọa thiền là một sai lầm. Nếu đó là sự tọa thiền của chúng ta, thì nó không khác gì với hoạt động thông thường, hay cái tâm khỉ của chúng ta. Nó có vẻ giống như một hoạt động rất tốt, rất cao vời, và thánh thiện, nhưng thực tế không có sự khác biệt giữa nó và cái tâm khỉ của chúng ta. Đó là điểm Bồ-đề Đạt-ma nhấn mạnh.

     Trước khi Phật đạt giác ngộ, ngài tạo ra tất cả mọi nỗ lực khả hữu đối với chúng ta, và cuối cùng ngài đạt được cái hiểu toàn triệt về tất cả những con đường khác nhau. Quí vị có thể nghĩ Phật đã đạt được một giai đoạn nào đó mà ngài tự tại đời sống nghiệp, nhưng không phải thế. Nhiều câu chuyện do Phật kể về những kinh nghiệm của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ. Ngài không có gì khác với chúng ta. Khi quê hương của ngài có chiến tranh với láng giềng hùng mạnh, ngài kể với các đệ tử về nghiệp của ngài, ngài đau khổ như thế nào khi ngài nhìn thấy xứ sở đang bị vua láng giềng chinh phục. Nếu ngài là một người nào đó đã đạt được giác ngộ không có nghiệp, thì sẽ không có lý do gì để ngài đau khổ như thế. Và ngay cả sau khi ngài đã đạt được giác ngộ, ngài vẫn tiếp tục nỗ lực như chúng ta đang nỗ lực. Nhưng cái nhìn của ngài về cuộc đời không lay chuyển. Cái nhìn của ngài về cuộc đời vẫn ổn định, và ngài nhìn đời sống của mọi người, kể cả đời sống của riêng ngài. Ngài nhìn chính mình, và nhìn những người khác với cùng đôi mắt mà ngài nhìn đá và cây, hay bất cứ vật gì khác. Ngài có sự hiểu biết rất khoa học. Đó là cách sống của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ.

     Khi chúng ta có tinh thần truyền thống đi theo chân lý như nó vận hành, và tu tập cách của mình mà không có bất cứ ý niệm vị ngã nào, thì chúng ta sẽ đạt giác ngộ theo chân nghĩa của nó. Và khi hiểu điểm này, chúng ta sẽ tạo nỗ lực tốt nhất trong mỗi giây phút. Đó là hiểu đúng Phật giáo. Như thế cái hiểu Phật giáo của chúng ta không phải chỉ là cái hiểu có tính cách lý trí. Cái hiểu ấy đồng thời là sự biểu hiện của riêng nó, chính sự tu tập. Không phải bằng đọc hay chiêm nghiệm triết lý, mà chỉ bằng tu tập, tu tập thực tế, chúng ta có thể hiểu Phật giáo là gì. Chúng ta nên tu tập tọa thiền một cách kiên định, với lòng tin tưởng mãnh liệt vào chân tánh của chúng ta, phá vỡ sợi xích hành vi nghiệp và tìm ra chỗ của mình trong thế giới tu tập thực tế.

 

VÔ THƯỜNG   “Chúng ta nên tìm sự hiện hữu toàn hảo qua sự hiện hữu không toàn hảo.”

 

Giáo lý căn bản của Phật giáo là giáo lý vô thường, hay sự thay đổi. Rằng mọi vật thay đổi là sự thật căn bản đối với mỗi hiện hữu. Không ai có thể phủ nhận sự thật này, và tất cả giáo lý Phật giáo được cô đọng trong giáo lý này. Đây là giáo lý cho tất cả chúng ta. Bất cứ chúng ta đi đâu, giáo lý này cũng đúng. Giáo này cũng được hiểu như là giáo lý vô ngã. Bởi vì mỗi hiện hữu đều ở trong sự thay đổi liên tục, không có ngã thường trụ. Sự thực, tự tánh của mỗi hiện hữu chỉ là chính sự thay đổi, tự tánh của toàn bộ hiện hữu. Không có một tự tánh đặc biệt, riêng rẽ cho mỗi hiện hữu. Giáo  lý này cũng được gọi là giáo là giáo lý Niết-bàn. Khi chúng ta nhận ra chân lý trường tồn “mọi vật thay đổi” và tìm thấy an tĩnh nơi nó, chúng ta thấy mình ở Niết-bàn.

     Không chấp nhận sự kiện mọi sự vật thay đổi, chúng ta không thể có được sự bình an toàn hảo. Nhưng không may, dù đó là sự thật, khó cho chúng ta chấp nhận nó. Bởi vì chúng ta không thể chấp nhận chân lý vô thường, chúng ta đau khổ. Vì thế nguyên nhân của đau khổ là chúng ta không chấp nhận sự thật này. Giáo lý về nguyên nhân của đau khổ và giáo lý mọi sự vật thay đổi như thế là hai mặt của một đồng xu. Nhưng một cách chủ quan, vô thường là nguyên nhân đau khổ của chúng ta. Một cách khách quan, giáo lý này một cách đơn giản là sự thật căn bản rằng mọi sự vật thay đổi. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Giáo lý không có vẻ như nó đang cưỡng ép ông chấp nhận một điều gì đó thì không phải là chân giáo lý.” Giáo lý tự nó đúng, và trong tự thể nó không cưỡng ép chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì, nhưng bởi vì xu hướng con người của chúng ta mà chúng ta nhận giáo lý như là một cái gì đó bắt buộc chúng ta phải chấp nhận. Nhưng dù chúng ta có cảm thấy tốt hay xấu về nó, chân lý này thực sự hiện hữu. Nếu không có gì hiện hữu, chân lý này không hiện hữu. Phật giáo hiện hữu bởi vì mỗi hiện hữu riêng rẽ.

     Chúng ta nên tìm sự hiện hữu toàn hảo qua sự hiện hữu không toàn hảo. Chúng ta nên tìm sự toàn hảo trong sự không toàn hảo. Đối với chúng ta, sự toàn hảo không khác với sự không toàn hảo. Vĩnh cửu hiện hữu bởi vì hiện hữu không vĩnh cửu. Trong Phật giáo, mong đợi một cái gì đó ở bên ngoài thế giới này là một quan điểm ngoại đạo. Chúng ta không tìm kiếm một cái gì đó ngoài chính mình. Chúng ta nên tìm thấy chân lý trong thế giới này, qua những khó khăn, qua sự đau khổ của chúng ta. Khoái lạc không khác với khó khăn. Tốt không khác với xấu. Xấu là tốt, tốt là xấu. Chúng là hai mặt của một đồng xu. Vì thế giác ngộ ở trong tu tập. Đó là hiểu đúng về tu tập, và hiểu đúng về cuộc đời của chúng ta. Như thế, tìm khoái lạc trong đau khổ là cách duy nhất để chấp nhận chân lý vô thường. Không nhận ra chân lý này quí vị không thể sống trong thế gian này. Dù cho quí vị cố gắng chạy trốn nó, nỗ lực của quí vị sẽ vô ích. Nếu quí vị nghĩ có một cách khác nào đó để chấp nhận chân lý vĩnh cửu về mọi sự vật thay đổi, đó là sự mê hoặc của quí vị. Đây là giáo lý căn bản về làm cách nào sống trong thế gian này. Dù quí vị cảm thấy nó thế nào, quí vị phải chấp nhận nó. Quí vị phải tạo ra loại nỗ lực này.

     Như vậy, cho đến khi chúng ta trở nên đủ mạnh để chấp nhận khó khăn là khoái lạc, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực này. Thực tế, nếu quí vị trở nên đủ lương thiện, hay đủ thẳng thắn, thì chấp nhận chân lý này không khó. Quí vị có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình một chút. Điều này khó, nhưng cái khó này sẽ không luôn luôn giống nhau. Đôi khi nó sẽ khó, và đôi khi nó sẽ không khó như vậy. Nếu quí vị đang đau khổ, quí vị sẽ có một khoái lạc nào đó trong giáo lý mọi sự vật thay đổi. Khi quí vị phiền não, rất dễ chấp nhận giáo lý này. Vậy tại sao không chấp nhận nó vào những lúc khác? Nó cùng là một vật. Đôi khi quí vị có thể tự cười mình, khám phá ra mình ích kỷ như thế nào. Nhưng bất chấp quí vị cảm thấy như thế nào về giáo lý này, đối với quí vị sự thay đổi cách suy nghĩ của mình và chấp nhận chân lý vô thường rất là quan trọng.    

 

PHẨM TÍNH CỦA HIỆN THỂ  “Khi làm một việc gì, nếu quí vị định tâm vào hoạt động ấy với lòng tin tưởng, phẩm tính tâm thái của quí vị chính là hoạt động ấy. Khi tập trung vào phẩm tính hiện thể của mình, quí vị đã được chuẩn bị cho hoạt động ấy.”

 

Mục đích của tọa thiền là để đạt sự tự do của hiện thể, về các mặt thân và tâm. Theo Thiền sư Đạo Nguyên, mọi hiện hữu là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Mỗi hiện hữu là một biểu hiện khác về phẩm tính của chính hiện thể. Tôi thường thấy nhiều ngôi sao vào lúc sáng sớm. Những ngôi sao ấy chỉ là ánh sáng du hành với tốc độ vĩ đại nhiều dặm từ các thiên thể. Nhưng đối với tôi các ngôi sao ấy không phải những hiện thể có tốc độ nhanh, nhưng là những hiện thể trầm tĩnh, vững vàng, và bình yên. Chúng ta nói, “Trong tĩnh có động; trong động có tĩnh.” Thực tế, chúng là một; nói “tĩnh” hay nói “động” cũng chỉ là cách diễn đạt hai sự giải thích khác nhau về một sự kiện. Có sự hòa hợp trong hành vi chúng ta, và ở đâu có hòa hợp ở đó có yên tĩnh. Sự hòa hợp này là phẩm tính của hiện thể. Nhưng phẩm tính của hiện thể cũng chỉ là hoạt động có tốc độ nhanh của nó.

     Khi chúng ta ngồi chúng ta cảm thấy rất yên tĩnh và trầm lắng, nhưng thực tế chúng ta không biết loại hoạt động nào đang xảy ra bên trong hiện thể của mình. Có sự hòa hợp hoàn toàn trong sự hoạt động của hệ thống vật lý của chúng ta, vì thế chúng ta cảm thấy yên tĩnh trong đó. Dù cho chúng ta không cảm thấy như thế, vẫn ở đó. Vì thế đối với chúng ta, không cần phải phiền vì tĩnh hay động. Khi làm một điều gì đó, nếu quí vị định tâm vào hoạt động ấy với s tin tưởng nào đó, thì phẩm tính tâm trạng của quí vị chính là hoạt động ấy. Khi quí vị tập trung vào phẩm tính hiện thể của mình, quí vị đã sn sàng cho hoạt động ấy. Chuyển động chỉ là phẩm tính của hiện thể chúng ta. Khi chúng ta tọa thiền, phẩm tính cái ngồi bình yên, vững vàng, tĩnh lặng của chúng ta là phẩm tính của hoạt động vô cùng lớn của chính hiện th.

     “Mọi vật chỉ là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông có nghĩa là sự tự do của hoạt động và của hiện thể chúng ta. Nếu quí vị ngồi đúng cách, với sự hiểu đúng, quí vị sẽ đạt được tự do của hiện thể mình, dù cho quí vị chỉ là một hiện hữu nhất thời. Trong giây phút này, sự hiện hữu nhất thời này không thay đổi, không chuyển động, và luôn luôn độc lập với các hiện hữu khác. Trong giây phút kế, mt hiện hữu khác phát sinh; chúng ta có thể biến thành một vật gì khác. Nói một cách nghiêm túc, không có sự nối kết nào giữa tôi hôm qua tôi trong giây phút này; không có bất cứ sự ni kết nào cả. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Than không trở thành tro.” Tro là tro, nó không thuộc về than. Nó có quá khứ và tương lai riêng của nó. Nó là một hiện hữu độc lập bởi vì nó là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Than và lửa đỏ nóng là những hiện hữu hoàn toàn khác nhau. Than đen cũng là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Nơi nào có than đen, nơi đó không có than hồng nóng. Vì thế than đen độc lập với than hồng nóng; tro độc lập với củi; mỗi hiện hữu đều độc lập.

     Hôm nay tôi đang ngi ở Los Altos. Sáng mai tôi sẽ San Francisco. Không có sự nối kết nào giữa “tôi” ở Los Altos và “tôi” ở San Francisco. Đó là những hiện thể khác nhau. Ở đây chúng có sự tự do hiện hữu. Và không có mt phẩm tính nào nối kết anh và tôi; khi tôi nói “anh,” không có “tôi”; khi tôi nói “tôi,” không có “anh.” Anh độc lập, và tôi độc lập; mỗi người hiện hữu trong một giây phút khác nhau. Nhưng đây không có nghĩa là chúng ta là những hiện thể hoàn toàn khác biệt. Thực tế chúng ta là một và cùng một hiện thể. Chúng ta giống nhau, nhưng khác nhau. Rất nghịch lý, nhưng thực tế là như vy. Bởi vì chúng ta là những hiện thể độc lập, mỗi người trong chúng ta là một ánh chớp đầy đủ vào thể giới hiện tượng mênh mông. Khi tôi đang ngồi, chẳng có người nào khác, nhưng đây không có nghĩa là tôi làm ngơ anh. Tôi hoàn toàn là một với mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Vì thế khi tôi ngồi, anh ngồi; mọi vật ngồi với tôi. Đó là phép tọa thiền của chúng ta. Khi anh ngồi, mọi vật ngồi với anh. Và mọi vật tạo nên phẩm tính hiện thể của anh. Tôi là phần của anh. Tôi đi vào phẩm tính hiện thể của anh. Như vậy trong pháp tu này chúng ta sự giải thoát tuyệt đối với mọi sự vật khác. Nếu quí vị hiểu bí mật này, thì không có sự khác nhau nào giữa tu Thin và đời sống hằng ngày của quí vị. Quí vị có thể giải thích mọi sự vật theo ý muốn.

     Một bức tranh kỳ diệu là kết quả cảm giác nơi các ngón tay của quí vị. Nếu quí vị có cảm giác về độ dày của mực nơi cây cọ, bức tranh đã ở đó trước khi quí vị vẽ. Khi quí vị nhúng cọ vào mực quí vị đã biết kết quả của bức tranh, hoặc quí vị không thể vẽ được. Như thế trước khi làm điều gì, “hiện thể” đã ở đó, kết quả đã ở đó. Dù cho quí vị trông có vẻ như mình đang ngồi yên, tất cả hoạt động của quí vị, quá khứ và hiện tại, đã được bao gồm; và kết quả ngồi của quí vị cũng đã ở đó. Quí vị chẳng yên nghỉ gì cả. Tất cả hoạt động bao gồm bên trong quí vị. Đó là hiện thể của quí vị. Như vậy tất cả kết quả tu tập của quí vị bao gồm trong sự ngồi. Đây là cách tu, cách tọa thiền của chúng ta,    

     Thiền sư Đạo Nguyên đã trở nên thích Phật giáo khi còn là một cậu bé khi sư nhìn khói từ cây nhang đốt bên thi hài của mẹ sư, và sư cảm thấy cuộc đời của chúng ta rất chóng tàn. Cảm giác này lớn lên trong sư và cuối cùng kết quả trong sự đạt giác ngộ và sự phát triển triết lý thâm sâu của sư. Khi sư nhìn thấy khói nhang và cảm thấy cuộc đời chóng tàn, sư cảm thấy rất cô đơn. Nhưng cảm giác cô đơn ấy ngày càng trở nên mãnh liệt hơn, và nở hoa trong giác ngộ khi sư hai mươi tám tuổi. Và vào phút giây giác ngộ sư cảm thán, “Không có thân không có tâm!” Khi sư nói, “không thân không tâm, tất cả hiện thể của sư vào lúc ấy trở thành một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông, một ánh chớp bao gồm cả mọi sự vật, bao phủ mọi sự vật, và trong nó có phẩm tính vô cùng lớn; tất cả thế giới hiện tượng bao gồm trong nó, một hiện hữu tuyệt đối độc lập. Đó là giác ngộ của sư. Bắt đầu từ cảm giác cô đơn về sự chóng tàn của cuộc đời, sư đã đạt được kinh nghiệm về phẩm tính hùng mạnh của hiện thể mình. Sư nói, “Tôi đã buông bỏ thân tâm.” Bởi vì quí vị nghĩ mình có thân hay tâm, quí vị có cảm giác cô đơn, nhưng khi quí vị nhận ra rằng mọi sự vật chỉ là một ánh chớp vào vũ trụ mênh mông, quí vị trở nên rất mạnh mẽ, và sự hiện hữu của quí vị trở nên rất có ý nghĩa. Đây là sự giác ngộ của Đạo Nguyên, và đây là sự tu tập của chúng ta.

 

 

TỰ NHIÊN  Từ giây phút này đến giây phút khác, mi mỗi đều hiện ra từ chơn không. Đây là niềm vui chân thực của cuộc sống.

 

sự hiểu lầm lớn về ý niệm tự nhiên. Đa số những người đến

với chúng tôi tin vào một sự tự do hay t nhiên nào đó, nhưng chúng tôi gọi cái hiểu của họ cái thấy tự nhiên của ngoại đạo (jinen ken gedo). Cái thấy tự nhiên của ngoại đạo có nghĩa là không cần phải có hình tướng – chỉ là một loại “xử sự để yên” hay sự tùy tiện. Đó là tự nhiên đối với đa số người. Nhưng đó không phải là tự nhiên mà chúng tôi muốn nói. Nó hơi khó giải thích, nhưng tôi nghĩ tự nhiên là một cảm giác nào đó độc lập với mọi sự vật, hay một hoạt động nào đó đặt căn bản trên không (nothingness). Một cái gì đó hiện ra từ không là tự nhiên, như một hạt giống hay một cái cây hiện ra từ mặt đất. Hạt giống không có ý niệm nào về là một cái cây đặc biệt nào đó, nhưng nó có hình tướng riêng và hòa hợp toàn hảo với mặt đất, với những gì chung quanh. Khi nó lớn lên, theo dòng thời gian nó biểu hiện bản tánh của nó. Không gì hiện hữu mà không có hình tướng và màu sắc. Bất cứ nó là gì, nó có hình tướng và màu sắc nào đó, và hình tướng và màu sắc đó ở trong sự hòa hợp toàn hảo với những hiện thể khác. Và không có sự phiền não nào. Đó là cái mà chúng tôi muốn nói bằng chữ tự nhiên.

     Đối với một cái cây hay một hòn đá thì tự nhiên chẳng có vấn đề gì. Nhưng đối với chúng ta thì có vấn đề nào đó, quả thật một vấn đề lớn. Tự nhiên là một cái gì đó chúng ta phải làm việc với nó. Khi quí vị làm điều gì mà nó chỉ đến từ chơn không, quí vị có một cảm giác hoàn toàn mới. Chẳng hạn, khi quí vị đói, ăn một món gì đó là tự nhiên. Quí vị cảm thấy tự nhiên. Nhưng khi quí vị đang mong đợi quá nhiều, để có một món ăn nào đó thì không tự nhiên. Quí vị không có cảm giác tự nhiên. Quí vị không có sự ngon miệng đối với thức ăn đó.

     Tu tập tọa thiền đúng là ngồi như uống nước khi quí vị khát. Ở đó quí vị có sự tự nhiên. Khi buồn ngủ quí vị ngủ một giấc ngắn, là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng ngủ một giấc ngắn chỉ vì lười biếng, xem đó như là đặc quyền của con người, thì không phải là tự nhiên. Quí vị nghĩ, “Các bạn của tôi, tất cả bọn họ, đang ngủ trưa; tại sao tôi lại không? Khi mọi người khác không làm việc, tại sao tôi phải làm việc rất cực nhọc? Khi họ có rất nhiều tiền, tại sao tôi không có?” Đây không phải là tự nhiên. Tâm của quí vị bị vướng mắc vào một ý niệm khác, ý niệm của ai khác, và quí vị không độc lập, không phải là chính mình, và không tự nhiên. Quí vị không phải tự ép mình uống nước khi quí vị khát; quí vị vui mừng uống nước. Nếu quí vị có niềm vui chân thật trong tọa thiền, đó là tọa thiền đúng. Nhưng dù cho quí vị phải ép mình tu tập tọa thiền, nếu quí vị cảm thấy điều gì tốt trong tu tập, đó là tọa thiền. Thực ra có ép mình làm một điều gì hay không chẳng phải là vấn đề. Dù cho quí vị có sự khó khăn nào đó, khi quí vị muốn có nó, đó là tự nhiên.

     Tính tự nhiên này rất khó giải thích. Nhưng nếu quí vị có thể ngồi và kinh nghiệm tính thực tế của không (nothingness) trong tu tập của mình, thì chẳng cần giải thích. Nếu là đến từ không, bất cứ điều gì quí vị làm đều là tự nhiên, và đó là chân hoạt động. Nếu quí vị có niềm vui chân thực của tu tập, thì niềm vui sống chân thực có trong đó. Mỗi mỗi đến từ không từ giây phút này đến giây phút khác. Từng giây phút chúng ta có niềm vui sống chân thực. Vì thế chúng tôi nói shin ku myo u, “chơn không diệu hữu” là “từ chơn không, diệu hữu hiện ra” (from true emptiness, wondrous being appears). Shin là chơn, ku là không, myo là diệu, u là hữu: từ chơn không, có diệu hữu.

     Không có không (nothingness), không có tự nhiên – không có hiện thể chân thật. Hiện thể chân thật đến từ không, từ giây phút này đến giây phút khác. Không luôn luôn ở đó, và mọi sự vật xuất hiện từ không. Nhưng thông thường, khi lãng quên toàn bộ không, quí vị hành xử như mình có một cái gì đó. Những gì quí vị làm đều đặt căn bản trên ý niệm sở hữu hay một ý niệm cụ thể nào đó, và đó không phải là tự nhiên. Chẳng hạn, khi lắng nghe thuyết giảng, quí vị không nên có bất cứ ý nghĩ nào về chính mình. Quí vị không nên có ý niệm riêng của mình khi quí vị lắng nghe ai đó. Hãy quên những gì quí vị có trong tâm mình và chỉ lắng nghe những gì người ấy nói. Không có gì trong tâm mình là tự nhiên. Rồi quí vị sẽ hiếu người ấy nói gì. Nhưng nếu quí vị có một ý niệm nào đó để so sánh với những gì người ấy nói, quí vị sẽ không nghe tất cả mọi điều; quí vị sẽ hiểu phiến diện; đó không phải là tự nhiên. Khi quí vị làm một điều gì đó, quí vị nên toàn tâm với nó. Quí vị nên hiến mình cho nó một cách trọn vẹn. Rồi quí vị không có gì cả. Vì vậy, nếu trong hoạt động của mình không có không (nothingness), nó không tự nhiên.

     Đa số người ta khăng khăng bám vào một ý niệm nào đó. Gần đây thế hệ trẻ nói về tình yêu. Tình yêu! Tình yêu! Tình yêu! Tâm họ đầy tình yêu! Và khi họ học Thiền, nếu tôi nói điều gì không hợp với ý niệm của họ về tình yêu, họ sẽ không chấp nhận nó. Quí vị biết đó, họ rất bướng bỉnh. Quí vị có thể kinh ngạc! Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng một số người có thái độ rất cứng cỏi. Đó không phải tự nhiên gì cả. Dù họ nói về tình yêu, và tự do hay tự nhiên, họ không hiểu những điều này. Và họ không thể hiểu Thiền theo cách đó. Nếu quí vị muốn học Thiền, quí vị nên quên hết tất cả những ý niệm có trước và chỉ thực hành tọa thiền và thấy loại kinh nghiệm quí vị có trong thực hành. Đó là tự nhiên.

     Quí vị làm bất cứ điều gì, thái độ này cần thiết. Đôi khi chúng tôi nói nyu nan shin.  Nyu là nhu, nan là nhuyễn, shin là tâm. Nhu nhuyễn tâm có nghĩa là tâm uyển chuyển, tự nhiên. Khi quí vị có cái tâm đó, quí vị có niềm vui cuộc sống. Khi quí vị mất nó, quí vị mất mọi thứ. Quí vị không có gì cả. Mặc dù quí vị nghĩ mình có cái gì đó, quí vị chẳng có gì. Nhưng khi tất cả những gì quí vị làm đến từ không, khi ấy quí vị có tất cả. Quí vị hiểu không? Đó là những gì chúng tôi muốn nói bằng chữ tự nhiên.  

 

TÁNH KHÔNG   “Khi quí vị học Phật giáo, quí vị nên tổng vệ sinh ngôi nhà tâm của mình.”

 

Nếu quí vị muốn hiểu Phật giáo, điều cần thiết là quí vị nên quên tất cả những ý niệm có sẵn của mình. Để bắt đầu, quí vị phải từ bỏ ý niệm về bản chất hay hiện hữu. Quan niệm thông thường về cuộc đời cắm rễ vững chắc trong ý niệm hiện hữu. Đối với đa số người, mọi vật hiện hữu; họ nghĩ bất cứ cái gì họ nhìn thấy hay bất cứ cái gì họ nghe đều hiện hữu. Dĩ nhiên con chim mà chúng ta nhìn thấy và nghe hiện hữu. Nó hiện hữu, nhưng điều tôi muốn nói có thể không thực đúng với điều quí vị muốn nói. Cái hiểu của Phật giáo về cuộc đời bao gồm cả hiện hữu và không hiện hữu. Con chim vừa hiện hữu vừa không hiện hữu cùng một lúc. Chúng tôi nói rằng một nhân sinh quan chỉ đặt căn bản trên hiện hữu thôi là quan điểm ngoại đạo. Nếu quí vị chấp nhận sự vật một cách quá nghiêm trọng, tựa như chúng hiện hữu về mặt bản chất hay thường hằng, người ta gọi quí vị là ngoại đạo. Đa số người ta có thể là những người ngoại đạo.

     Chúng ta nói hiện hữu chân thực đến từ tánh không và lại trở về trong tánh không. Cái gì hiện ra từ tánh không là hiện hữu chân thực. Chúng ta phải đi qua cái cổng tánh không. Ý niệm hiện hữu này rất khó giải thích. Nhiều người ngày nay đã bắt đầu cảm thấy, ít nhất cũng về mặt lý trí, sự trống rỗng của thế giới hiện đại, hay sự tự mâu thuẫn trong văn hóa của họ. Chẳng hạn trong quá khứ, người Nhật đã có lòng tin tưởng vào sự trường tồn mãi mãi của văn hóa và lối sống truyền thống của họ, nhưng từ khi họ thua trong cuộc chiến, họ trở nên rất hoài nghi. Một số người nghĩ thái độ hoài nghi này là đáng sợ, nhưng thực tế nó tốt hơn thái độ cũ.

     Bao lâu chúng ta còn có một ý niệm nào đó về tương lai hay một hy vọng nào đó trong tương lai, chừng ấy chúng ta không thể thực sự trang trọng với giây phút hiện hữu ngay bây giờ. Quí vị có thể nói, “Tôi có thể làm việc đó ngày mai, hay năm tới,” tin rằng một cái gì đó hiện hữu hôm nay sẽ hiện hữu ngày mai. Mặc dù hiện tại quí vị không cố gắng vất vả nhiều, quí vị mong rằng một cái gì đó hứa hẹn sẽ đến, chừng nào quí vị còn theo con đường nào đó. Nhưng không có con đường nào đó hiện hữu vĩnh viễn. Không có con đường nào được dựng lên cho chúng ta. Từ giây phút này đến giây phút khác, chúng ta phải tìm ra con đường riêng của mình. Một ý niệm nào đó về sự toàn hảo, hay một con đường toàn hảo nào đó được ai đó dựng lên, thì không phải là con đường đúng cho chúng ta.

     Mỗi người trong chúng ta phải tạo con đường đúng riêng của mình, và khi chúng ta tạo ra, con đường đó sẽ biểu hiện con đường của vũ trụ. Đây là sự huyền bí. Khi quí vị hiểu thông suốt một điều, quí vị hiểu mọi điều. Khi quí vị cố gắng hiểu mọi điều, quí vị sẽ không hiểu bất cứ điều nào. Cách tốt nhất là hiểu chính mình, và rồi quí vị sẽ hiểu mọi sự. Vì vậy khi quí vị vất vả cố gắng tạo con đường riêng của mình, quí vị sẽ giúp người khác, và quí vị sẽ được người khác giúp. Trước khi quí vị tạo con đường riêng của mình quí vị không thể giúp ai được, và không ai có thể giúp quí vị. Để được độc lập theo chân nghĩa này, chúng ta phải quên mọi thứ mà chúng ta có trong tâm mình và khám phá ra một cái gì hoàn toàn mới và khác lạ từ giây phút này đến giây phút khác. Đây là cách làm thế nào chúng ta sống trong thế giới này.

     Vì thế chúng ta nói cái hiểu đúng sẽ đến từ tánh không. Khi quí vị học Phật giáo, quí vị nên tổng vệ sinh ngôi nhà tâm của mình. Quí vị phải đem mọi thứ ra khỏi phòng và lau chùi thật sạch. Nếu cần thiết, hãy mang mọi thứ vào lại. Quí vị có thể muốn nhiều thứ, như thế quí vị có thể mang chúng vào lại từng cái một. Nhưng nếu không cần thiết, khì không cần giữ chúng lại.

     Chúng ta thấy con chim bay. Đôi khi chúng ta thấy dấu vết của nó. Thực tế chúng ta không thể thấy dấu vết của chim bay, nhưng đôi khi chúng ta cảm thấy như mình có thể thấy được. Điều này cũng tốt. Nếu cần thiết, quí vị nên mang vào lại những vật quí vị đã lấy từ phòng mình ra. Nhưng trước khi đặt vật gì vào trong phòng, quí vị cần phải lấy ra một vật nào đó. Nếu không, phòng của quí vị trở nên quá nhiều những đồ tạp nhạp cũ, vô dụng.

     Chúng ta nói, “Từng bước một tôi ngừng tiếng thì thầm của dòng suối lại.” Khi quí vị bước dọc theo dòng suối quí vị sẽ nghe nước chảy. Âm thanh liên tục, nhưng quí vị phải có khả năng ngừng nó lại nếu quí vị muốn. Đây là tự do; đây là khước từ. Quí vị sẽ có nhiều ý nghĩ trong tâm, từ ý cái này đến ý cái khác, nhưng nếu quí vị muốn ngừng sự suy nghĩ của mình, quí vị có thể làm được. Vì thế khi quí vị có thể ngừng được tiếng thì thầm của dòng suối, quí vị sẽ thẩm định cảm giác việc làm của mình. Nhưng bao lâu quí vị còn có một ý niệm cố định nào đó hay quí vị bị một thói quen làm việc nào đó bắt giữ, chừng ấy quí vị không thể thẩm định sự vật theo chân nghĩa của chúng.

     Nếu quí vị tìm tự do, quí vị sẽ không tìm thấy nó. Chính sự tự do tuyệt đối là tất yếu trước khi quí vị có thể có được tự do tuyệt đối. Đó là pháp tu của chúng ta. Con đường của chúng ta không phải luôn luôn đi theo một hướng. Đôi khi nó đi đông; đôi khi nó đi tây. Đi tây một dặm có nghĩa là đi trở lại đông một dặm. Thông thường nếu có thể đi đông một dặm, đó có nghĩa là có thể đi tây một dặm. Đây là tự do. Không có tự do này, quí vị không thể tập trung vào những gì mình làm. Quí vị có thể nghĩ mình tập trung vào một điều gì đó, nhưng trước khi có được sự tự do này, quí vị sẽ không có được sự dễ dàng trong những gì quí vị đang làm. Bởi vì quí vị bị một ý niệm đi đông hay đi tây nào đó ràng buộc, hoạt động của quí vị ở trong sự phân đôi hay nhị nguyên. Bao lâu quí vị còn bị tình trạng nhị nguyên bắt giữ chừng ấy quí vị không thể đạt được tự do tuyệt đối, và quí vị không thể tập trung được.

     Tập trung không phải là cực nhọc cố gắng nhìn một cái gì đó. Trong tọa thiền nếu quí vị cố gắng nhìn một điểm duy nhất trong khoảng năm phút quí vị sẽ bị mệt. Đây không phải là tập trung. Tập trung có nghĩa là tự do. Vì thế, nỗ lực của quí vị không nên hướng vào bất cứ vật gì. Quí vị không nên tập trung vào bất cứ vật gì. Trong tu tập tọa thiền chúng tôi nói tâm của quí vị nên tập trung vào hơi thở, nhưng cách giữ tâm mình trên hơi thở là quên tất cả về mình, chỉ ngồi và cảm biết hơi thở. Nếu quí vị tập trung vào hơi thở quí vị sẽ quên mình, và nếu quên mình quí vị sẽ tập trung vào hơi thở. Tôi không biết cái nào trước. Vì vậy thực tế không cần cố gắng quá vất vả để tập trung vào hơi thở. Chỉ làm hết sức mình là được. Nếu quí vị tiếp tục tu tập cách này, cuối cùng quí vị sẽ kinh nghiệm hiện hữu chân thực đến từ tánh không.

 

SẴN SÀNG, CHÚ TÂM   “Sự sẵn sàng của tâm, ấy là trí tuệ.”

 

Trong Bát-nhã Tâm Kinh điểm quan trọng nhất, dĩ nhiên, là ý niệm tánh không. Trước khi chúng ta hiểu ý niệm tánh không, mọi sự vật dường như hiện hữu một cách có thực chất. Nhưng sau khi chúng ta nhận ra tánh không của sự vật, mọi sự vật thực ra – không thực có. Khi chúng ta nhận ra rằng mọi vật chúng ta thấy là một phần của tánh không. Chúng ta có thể không có sự ràng buộc gì với bất cứ hiện hữu nào; chúng ta nhận ra rằng mọi vật chỉ có hình tướng và màu sắc có tính thực nghiệm. Như thế trước tiên chúng ta nghe nói rằng mọi vật là một thực thể có tính thực nghiệm, đa số chúng ta thất vọng; nhưng sự thất vọng này đến từ một quan điểm sai lầm về con người và bản tánh. Chính vì cách quan sát sự vật của chúng ta có rễ sâu trong những ý niệm vị ngã mà chúng ta thất vọng khi thấy rằng mọi sự vật chỉ là một thực thể có tính thực nghiệm. Nhưng khi chúng ta thực sự nhận ra sự thật này, chúng ta sẽ không có đau khổ. 

    Kinh này nói, “Bồ-tát Quán Thế Âm quán chiếu mọi vật đều là không, như thế ngài từ bỏ tất cả đau khổ.” Không phải là sau khi ngài nhận ra chân lý này mà ngài vượt qua đau khổ – mà nhận ra sự kiện này chính là giải thoát khỏi đau khổ. Như vậy sự nhận ra chân lý chính là sự cứu độ. Chúng ta nói, “nhận ra,” nhưng sự nhận ra chân lý luôn luôn ở gần tầm tay. Không phải là sau khi chúng ta tu tập tọa thiền mà chúng ta nhận ra chân lý; ngay cả trước khi chúng ta tu tập tọa thiền, sự nhận ra đã ở đó. Không phải là sau khi chúng ta hiểu chân lý mà chúng ta đạt được giác ngộ. Nhận ra chân lý ấy là sống – là hiện hữu ở đây và bây giờ. Như thế, đó không phải là vấn đề hiểu hay tu tập. Nó là sự kiện tối hậu. Trong kinh này, Phật ám chỉ sự kiện tối hậu mà chúng ta luôn luôn đối mặt từ giây phút này đến giây phút khác. Điểm này rất quan trọng. Đây là Thiền của Bồ-đề Đạt-ma. Ngay cả trước khi chúng ta tu tập, giác ngộ đã ở đó. Nhưng thông thường chúng ta hiểu tu tập tọa thiền và giác ngộ như hai cái khác nhau: đây là tu tập, giống như một cặp mắt kính, và khi chúng ta sử dụng tu tập, giống như đeo mắt kính lên, chúng ta thấy giác ngộ. Đây là hiểu sai. Mắt kính chính là giác ngộ, và mang nó lên cũng là giác ngộ. Như vậy, bất cứ quí vị làm gì, hay dù cho quí vị không làm gì cả, giác ngộ luôn luôn ở đó. Đây là cách hiểu của Bồ-đề Đạt-ma về giác ngộ.

     Quí vị không thể tu tập tọa thiền đúng, bởi vì quí vị tu tập nó; nếu quí vị không tu tập nó, thì có giác ngộ, và ở đó có tu tập đúng. Khi quí vị tu tập, quí vị tạo ra một ý niệm cụ thể nào đó về “anh” hay “tôi,” và quí vị tạo ra một ý niệm đặc biệt nào đó về tu tập hay tọa thiền. Như vậy ở đây là quí vị ở phía bên phải, và ở đây là tọa thiền ở phía bên trái. Như thế tọa thiền và quí vị trở thành hai thứ khác nhau. Nếu sự kết hợp tu tập và quí vị là tọa thiền, ấy là cách tọa thiền của con nhái. Đối với con nhái, tư thế ngồi của nó là tọa thiền. Khi con nhái nhảy cẫng, đó không phải là tọa thiền. Loại hiểu lầm này sẽ biến mất nếu quí vị thực sự hiểu tánh không có nghĩa là mọi sự vật luôn luôn ở đây. Một hiện thể toàn thể không phải là một sự tích lũy mọi sự vật. Không thể phân chia một hiện hữu toàn thể thành các phần. Nó luôn luôn ở đây và luôn luôn làm việc. Đây là giác ngộ. Như thế thực tế không có pháp tu đặc biệt nào. Trong kinh nói, “Không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không thân hay tâm…” “Không tâm” này là tâm Thiền, nó bao gồm mọi thứ.

     Điều quan trọng trong cách hiểu của chúng ta là có cách quán sát nhu nhuyễn, không suy nghĩ. Chúng ta phải nghĩ và quan sát sự vật mà không có sự đình trệ. Chúng ta nên chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu mà không có sự khó khăn nào. Tâm chúng ta nên nhu nhuyễn và mở ra đủ để hiểu sự vật như chúng hiện hữu. Khi sự suy nghĩ của chúng ta nhu nhuyễn, nó được gọi là sự suy nghĩ không có bối rối. Loại suy nghĩ này luôn luôn ổn định. Nó được gọi là chú tâm. Sự suy nghĩ bị phân chia theo nhiều cách thì không phải là sự suy nghĩ đúng. Trong suy nghĩ của chúng ta nên có mặt sự tập trung. Đây là chú tâm. Dù có đối tượng hay không, tâm của quí vị nên ổn định và không nên bị phân chia. Đây là tọa thiền.

     Không cần thiết phải nỗ lực nghĩ theo cách đặc biệt nào đó. Suy nghĩ của quí vị không nên phiến diện. Chúng ta chỉ suy nghĩ với toàn tâm, và thấy sự vật như chúng hiện hữu mà không có nỗ lực nào. Chỉ thấy, và sẵn sàng để thấy sự vật với toàn tâm, là tu tập tọa thiền. Nếu chúng ta được chuẩn bị để suy nghĩ, thì không cần phải nỗ lực để suy nghĩ. Đây gọi là chú tâm. Đồng thời, chú tâm là trí tuệ. Với chữ trí tuệ, chúng tôi không có ý nói là một khả năng đặc biệt hay triết lý nào đó. Sự sẵn sàng của tâm là trí tuệ. Như vậy trí tuệ có thể là những triết lý và giáo lý khác nhau, và những loại tìm tòi và nghiên cứu khác nhau. Nhưng chúng ta không nên để bị ràng buộc với một trí tuệ đặc biệt nào đó, như Phật đã dạy. Trí tuệ không phải là một cái gì đó để học. Trí tuệ là cái gì đó hiện ra từ sự chú tâm của mình. Như vậy điểm cốt yếu là sẵn sàng quán sát sự vật, và sẵn sàng suy nghĩ. Đây gọi là tánh không của tâm. Tánh không chỉ là pháp tu tọa thiền.

 

TIN VÀO KHÔNG  “Trong đời sống ằng ngày, sự suy nghĩ của chúng ta có đến chín mươi chín phần trăm là vị ngã. ‘Tại sao tôi đau khổ? Tại sao tôi phiền não?’ ”

 

Tôi khám phá ra rằng cần thiết, tuyệt đối cần thiết, tin vào không. Tức là, chúng ta phải tin vào một cái gì đó không hình tướng và không màu sắc – một cái gì đó hiện hữu trước khi tất cả hình tướng và màu sắc xuất hiện. Đây là điểm rất quan trọng. Bất kể quí vị tin vào thần gì hay chủ thuyết gì, nếu quí vị trở nên bị ràng buộc vào đó, niềm tin của quí vị sẽ đặt căn bản trên một ý niệm có ít nhiều vị ngã. Quí vị phấn đấu cho một niềm tin toàn hảo để cứu mình. Nhưng sẽ mất thời gian để đạt được một niềm tin như thế. Quí vị sẽ can dự vào một cách tu tập có tính cách lý tưởng. Liên tục tìm kiếm để thực hiện lý tưởng của mình, quí vị sẽ không có thì giờ cho sự yên tĩnh. Nhưng nếu quí vị luôn luôn sẵn sàng để chấp nhận mọi sự vật mà chúng ta thấy như một cái gì đó xuất hiện từ không, biết rằng có một lý do nào đó tại sao một hiện hữu hiện tượng có hình tướng và màu sắc như thế và như thế xuất hiện, thì lúc đó quí vị sẽ có sự yên tĩnh hoàn toàn.

     Khi quí vị bị nhức đầu, có một lý do nào đó tại sao có nhức đầu. Nếu quí vị biết mình bị nhức đầu, quí vị sẽ cảm thấy khá hơn. Nhưng nếu quí vị không biết tại sao, quí vị có thể nói, “Ôi, tôi bị nhức đầu khủng khiếp! Có thể vì tôi tu tập tệ quá. Nếu tôi thiền định hay tu Thiền khá hơn, tôi sẽ không có loại phiền não này!” Nếu quí vị hiểu tình trạng theo kiểu này, quí vị sẽ không tin mình hoàn toàn, hay không tin vào sự tu tập của mình, cho đến khi quí vị đạt được toàn hảo. Quí vị sẽ rất bận rộn cố gắng đến nỗi tôi e rằng quí vị sẽ không có thì giờ để đạt được sự tu tập toàn hảo, như vậy quí vị có thể phải giữ sự nhức đầu trong toàn bộ thời gian! Đây là loại tu tập khá ngốc nghếch. Loại tu tập này sẽ không có hiệu quả. Nhưng nếu quí vị tin vào một cái gì đó hiện hữu trước khi quí vị bị nhức đầu, và nếu quí vị biết lý do tại sao mình bị nhức đầu, thì quí vị sẽ cảm thấy khá hơn, một cách tự nhiên. Bị nhức đầu, được thôi, bởi vì quí vị có đủ sức khỏe để bị nhức đầu. Nếu quí vị bị đau dạ dày, thì dạ dày của quí vị đủ sức khỏe để đau. Nhưng nếu dạ dày của quí vị trở nên quen với tình trạng tệ hại đó, quí vị sẽ không bị đau. Điều đó đáng sợ! Quí vị sẽ đi đến chấm dứt đời mình vì phiền não dạ dày. 

     Như vậy tuyệt đối cần thiết cho mọi người tin vào không. Nhưng tôi không muốn nói là cái trống rỗng. Có một cái gì đó, nhưng cái gì đó là cái luôn luôn được chuẩn bị sẵn để mang lấy một hình tướng đặc biệt, và nó có vài qui tắc, hay lý thuyết hay chân lý nào đó trong hoạt động. Cái này gọi là Phật tánh, hay chính là Phật. Khi thực thể này được nhân cách hóa chúng ta gọi nó là Phật (Buddha); khi chúng ta hiểu nó như là chân lý tối hậu chúng ta gọi nó là Pháp (Dharma); và khi chúng ta chấp nhận chân lý ấy và hành động như một phần của Phật, hay theo lý thuyết ấy, chúng ta gọi mình là Tăng-già (Sangha). Nhưng dù cho có ba hình tướng Phật, nó là một hiện hữu duy nhất không có hình tướng hay màu sắc, và nó luôn luôn sẵn sàng mang hình tướng hay màu sắc. Đây không phải chỉ là lý thuyết. Đây không phải chỉ là giáo lý của Phật giáo. Đây là cái hiểu tuyệt đối cần thiết về cuộc sống của chúng ta. Không có cái hiểu này, tôn giáo của chúng ta sẽ không giúp chúng ta. Chúng ta sẽ bị tôn giáo của mình ràng buộc, và chúng ta sẽ có nhiều phiền não hơn vì nó. Nếu quí vị trở thành nạn nhận của Phật giáo, tôi có thể rất hạnh phúc, nhưng quí vị sẽ không hạnh phúc như thế. Như vậy loại hiểu này rất ư quan trọng.

     Trong khi đang tu tập tọa thiền, quí vị có thể nghe mưa nhỏ giọt từ mái nhà trong u tối. Sau đó, hơi mù kỳ diệu sẽ đến qua những cây lớn, và sau nữa khi người ta bắt đầu làm việc, họ sẽ thấy núi đẹp. Nhưng một vài người sẽ bị quấy nhiễu nếu họ nghe mưa khi đang nằm trên giường vào buổi sáng, bởi vì họ không biết sau đó họ sẽ nhìn thấy mặt trời đẹp mọc lên từ hướng đông. Nếu tâm chúng ta tập trung vào chính mình, chúng ta sẽ có loại lo lắng này. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận chính mình như là hiện thân của chân lý, hay Phật tánh, chúng ta sẽ không có lo lắng gì. Chúng ta sẽ nghĩ, “Bây giờ đang mưa, nhưng mình không biết cái gì sẽ xảy ra trong giây phút kế tiếp. Vào lúc chúng ta ra ngoài có thể là một ngày đẹp trời, hay một ngày mưa bão. Vì không biết, bây giờ chúng ta hãy cảm kích tiếng mưa rơi.” Loại thái độ này là thái độ đúng. Nếu quí vị hiểu mình như là hiện thân nhất thời của chân lý, quí vị sẽ không có bất cứ khó khăn nào. Quí vị sẽ cảm kích những gì ở chung quanh mình, và quí vị sẽ cảm kích mình như là một phần của hoạt động vĩ đại kỳ diệu của Phật, ngay giữa những khó khăn. Đây là cách sống của chúng ta.

     Dùng thuật ngữ Phật giáo, chúng ta nên bắt đầu với giác ngộ và tiến hành tu tập, và rồi đến suy nghĩ. Thông thường suy nghĩ thì khá vị ngã. Trong đời sống hằng ngày, suy nghĩ của chúng ta thì chín mươi chín phần trăm là vị ngã: “Tại sao tôi đau khổ? Tại sao tôi phiền não?” Loại suy nghĩ này thì chín mươi chín phần trăm là vị ngã. Thí dụ, khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu khoa học hay đọc một kinh khó, chúng ta rất chóng trở nên buồn ngủ hay ngủ gật. Nhưng chúng ta luôn luôn rất tỉnh táo và rất thích thú trong suy nghĩ vị ngã của mình! Nhưng nếu giác ngộ đến trước tiên, trước khi suy nghĩ, trước khi tu tập, thì suy nghĩ và tu tập của quí vị sẽ không vị ngã. Bằng chữ giác ngộ tôi muốn nói là tin vào cái không, tin vào một cái gì không hình tướng hay không màu sắc, mà nó sẵn sàng mang lấy hình tướng hay màu sắc. Sự giác ngộ này là chân lý tối hậu. Hoạt động của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta, và tu tập của chúng ta nên đặt căn bản trên chân lý bản nguyên này.

 

RÀNG BUỘC, KHÔNG RÀNG BUỘC  “Nếu chúng ta bị ràng buộc với cái đẹp nào đó cũng là hoạt động của Phật.”    

 

Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Dù là nửa đêm, bình minh ở đây; dù bình minh đến, ấy là ban đêm. Loại ngữ cú này chuyển cái hiểu đã truyền từ Phật đến các Tổ, và từ các Tổ đến Đạo Nguyên, và đến chúng ta. Ban đêm và ban ngày không khác nhau. Chúng là một thứ mà đôi khi gọi là ban đêm, đôi khi gọi là ban ngày. Chúng là một vật.

     Tu tập tọa thiền và hoạt động hằng ngày là một thứ. Chúng ta gọi tọa thiền là đời sống hằng ngày, và đời sống hằng ngày là tọa thiền. Nhưng thông thường chúng ta nghĩ, “Bây giờ tọa thiền đã xong, và chúng ta sẽ đi làm việc hằng ngày.” Nhưng đây không phải là hiểu đúng. Chúng là cùng một thứ. Chúng ta không có chỗ nào để chạy trốn. Vì vậy trong động có tĩnh, và trong tĩnh có động. Tĩnh và động không khác nhau.

     Mỗi hiện hữu tùy thuộc vào một cái gì khác. Nói một cách nghiêm túc, không có những hiện hữu cá thể tách rời. Chỉ có nhiều tên cho một hiện hữu duy nhất. Đôi khi người ta nhấn mạnh vào nhất thể, nhưng đây không phải là cách hiểu của chúng ta. Chúng ta không nhấn mạnh bất cứ một điểm đặc biệt nào, ngay cả nhất thể. Nhất thể có giá trị, nhưng sai biệt cũng kỳ diệu. Bỏ qua sai biệt, người ta nhấn mạnh hiện hữu duy nhất tuyệt đối, nhưng đây là cách hiểu phiến diện.Trong cách hiểu này có kẽ hở giữa sai biệt và nhất thể. Nhưng nhất thể và sai biệt là cùng một thứ, như vậy nhất thể nên được cảm nhận trong mỗi hiện hữu. Đó là lý do tại sao chúng ta nhấn mạnh đời sống hằng ngày hơn là một tâm thái đặc biệt nào đó. Chúng ta nên tìm thực tại trong từng giây phút, và trong mỗi hiện tượng. Đây là điểm rất quan trọng.

     Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Mặc dù mọi sự vật đều có Phật tánh, chúng ta yêu hoa, và chúng ta không quan tâm đến cỏ.” Điều này đúng với bản tánh con người. Nhưng chúng ta bị ràng buộc với cái đẹp nào đó thì đó chính là hoạt động của Phật. Mà chúng ta không quan tâm đến cỏ cũng là hoạt động của Phật. Chúng ta nên biết điều đó. Nếu quí vị biết điều đó, thì có ràng buộc vào một cái gì đó, được thôi. Nếu nó là sự ràng buộc của Phật, thì đó là không ràng buộc. Như vậy trong yêu có ghét, hay không ràng buộc. Và trong ghét có yêu, hay chấp nhận. Yêu và ghét là cùng một thứ. Chúng ta không nên chỉ ràng buộc với yêu. Chúng ta nên chấp nhận ghét. Chúng ta nên chấp nhận cỏ, dù cho chúng ta cảm thấy thế nào về chúng. Nếu quí vị không quan tâm chúng, đừng yêu chúng; nếu quí vị yêu chúng, thì hãy yêu chúng.

     Thông thường quí vị tự phê bình mình vì không công bằng với những gì chung quanh; quí vị phê bình thái độ không chấp nhận của mình. Nhưng có sự khác nhau rất vi tế giữa cách chấp nhận thông thường và cách chấp nhận sự vật của chúng ta, mặc dù dường như chúng giống nhau y hệt. Chúng ta được dạy rằng không có kẽ hở nào giữa ban đêm và ban ngày, không có kẽ hở nào giữa anh và tôi. Đây có nghĩa là nhất thể. Nhưng chúng ta không nhấn mạnh ngay cả nhất thể. Nếu nó là một, thì không cần phải nhấn mạnh một.

     Đạo Nguyên nói, “Học một điều gì đó là biết chính mình; học Phật giáo là học chính mình.” Học một điều gì đó không phải là thu thập một cái gì đó mà quí vị không biết trước. Quí vị biết một điều gì đó trước khi quí vị học nó. Không có kẽ hở giữa “tôi” trước khi quí vị biết điều gì đó và “tôi” sau khi quí vị biết điều đó. Không có kẽ hở giữa kẻ ngu và người trí. Kẻ ngu là người trí; và người trí là kẻ ngu. Nhưng thông thường chúng ta nghĩ, “Anh ta ngu và ta khôn,” hay “Ta đã ngu, nhưng bây giờ ta khôn.” Làm sao chúng ta có thể khôn nếu chúng ta ngu? Nhưng cái hiểu truyền từ Phật đến chúng ta là không có bất cứ sự khác nhau nào giữa kẻ ngu và người trí. Nó là như vậy. Nhưng nếu tôi nói người này có thể nghĩ rằng tôi đang nhấn mạnh nhất thể. Không phải vậy. Chúng ta không nhấn mạnh bất cứ cái gì. Tất cả những gì chúng ta muốn làm là biết sự vật như chúng hiện hữu. Nếu chúng ta biết sự vật như chúng hiện hữu, thì không có gì để chỉ vào; không có cách nào để nắm bắt bất cứ vật gì; không có vật gì để nắm bắt. Chúng ta không thể nhấn mạnh vào bất cứ điểm nào. Tuy nhiên, như Đạo Nguyên nói, “Hoa rụng, dù chúng ta yêu nó; và cỏ mọc, dù chúng ta không yêu nó.” Dù như vậy, đó là đời sống của chúng ta.

     Nên hiểu đời sống của chúng ta theo cách này. Rồi chẳng có vấn đề gì cả. Bởi vì chúng ta nhấn mạnh một điểm đặc biệt nào đó, mà chúng ta luôn luôn có phiền não. Chúng ta nên chấp nhận sự vật y như chúng hiện hữu. Đây là cách chúng ta hiểu mọi sự vật, là cách chúng ta sống trong thế giới này. Loại kinh nghiệm này là một thứ ở bên kia suy nghĩ của chúng ta. Trong lãnh vực suy nghĩ có sự khác nhau giữa nhất thể và sai biệt; nhưng trong kinh nghiệm thực tế, sai biệt và nhất thể giống nhau. Bởi vì quí vị tạo ra một ý niệm nào đó về nhất thể và sai biệt, quí vị bị ý niệm ấy bắt giữ. Và quí vị phải tiếp tục suy nghĩ vô tận, mặc dù thực tế không cần phải suy nghĩ.

     Về mặt cảm xúc, chúng ta có nhiều vấn đề, nhưng những vấn đề này không phải là những vấn đề thực tế. Chúng được tạo ra; chúng là những vấn đề do những ý niệm hay quan điểm vị ngã của chúng ta nêu ra. Bởi vì chúng ta nêu ra điều gì đó, nên có vấn đề. Nhưng thực tế không thể nêu ra bất cứ điều gì đặc biệt. Hạnh phúc là đau buồn; đau buồn là hạnh phúc. Trong hạnh phúc có khó khăn; khó khăn trong hạnh phúc. Dù cho chúng ta cảm nhận theo những cách khác nhau, nhưng thực ra chúng không khác nhau. Đây là cách hiểu đúng truyền từ Phật đến chúng ta.

 

YÊN TĨNH  “Đối với người học Thiền, một cọng cỏ là một kho tàng.”

 

Một bài thơ Thiền nói, “Sau khi gió ngừng, tôi thấy một đóa hoa rơi. Vì chim hót, tôi thấy được sự yên tĩnh của núi non.” Trước khi điều gì đó xảy ra ở nơi yên tĩnh, chúng ta không cảm thấy sự yên tĩnh; chỉ khi có điều gì xảy ra trong đó chúng ta mới cảm thấy sự yên tĩnh. Người Nhật có câu nói, “Vì trăng, có mây. Vì hoa, có gió.” Khi chúng ta thấy một phần của mặt trăng bị che bởi một đám mây, hay một cái cây, hay một cọng cỏ, chúng ta cảm thấy mặt trăng tròn như thế nào. Nhưng khi chúng ta thấy mặt trăng quang đãng không có gì che phủ, chúng ta không cảm thấy nó tròn giống như chúng ta thấy qua một cái gì đó.

     Khi quí vị đang tọa thiền, quí vị ở trong sự yên tĩnh của tâm; quí vị không cảm thấy bất cứ điều gì. Quí vị chỉ ngồi. Nhưng sự ngồi yên tĩnh sẽ khuyến khích quí vị trong đời sống hằng ngày. Như vậy quí vị sẽ thực tế tìm thấy giá trị của Thiền trong đời sống hằng ngày của mình, đúng hơn là trong khi quí vị ngồi. Nhưng điều này không có nghĩa là quí vị nên chểnh mảng tọa thiền. Dù cho quí vị không cảm thấy gì khi ngồi, nếu quí vị không có kinh nghiệm tọa thiền này, quí vị sẽ không thể tìm được gì; quí vị chỉ tìm thấy cỏ, hay cây, hay mây trong đời sống hằng ngày của mình; quí vị không thấy mặt trăng. Đó là lý do tại sao quí vị luôn luôn phàn nàn về một điều gì đó. Nhưng đối với người học Thiền, một cọng cỏ, mà đối với đa số người nó không đáng gì, là một kho tàng. Với thái độ này, bất cứ quí vị làm việc gì, đời sống sẽ trở thành nghệ thuật.

     Khi tu tập tọa thiền quí vị không nên cố gắng đạt bất cứ cái gì. Quí vị chỉ nên ngồi trong sự yên tĩnh hoàn toàn của tâm và không nương tựa vào bất cứ cái gì. Chỉ giữ thẳng thân mình không nghiêng qua hay tựa vào một vật gì. Giữ thẳng thân mình có nghĩa là không tựa vào bất cứ vật gì. Bằng cách này, về thể xác hay tinh thần, quí vị sẽ có được sự yên tĩnh hoàn toàn. Nhưng tựa vào một vật gì hay cố gắng làm một điều gì đó trong tọa thiền là nhị nguyên và không phải là yên tĩnh hoàn toàn.

     Trong đời sống hằng ngày, thông thường chúng ta cố gắng làm một điều gì đó, hay cố gắng biến đổi một vật gì đó thành một vật khác, hay cố gắng đạt được một cái gì đó. Chỉ sự cố gắng này tự nó đã là một biểu hiện của chân tánh chúng ta. Ý nghĩa nằm trong chính sự nỗ lực. Chúng ta nên tìm ra ý nghĩa của sự nỗ lực của mình trước khi chúng ta đạt được cái gì. Vì vậy Đạo Nguyên nói, “Nên đạt giác ngộ trước khi đạt giác ngộ.” Không phải sau khi đạt giác ngộ mà chúng ta tìm được chân nghĩa của nó. Chính trong sự cố gắng đạt một cái gì, đó là giác ngộ. Khi chúng ta ở trong khó khăn hay căng thẳng, ở đó chúng ta có giác ngộ. Khi chúng ta ở trong ô nhiễm, ở đó chúng ta nên bình tĩnh. Thông thường chúng ta thấy rất khó sống trong sự chóng tàn của cuộc đời, nhưng chỉ ở trong sự chóng tàn của cuộc đời mà chúng ta có thể tìm được niềm vui của đời sống miên viễn. 

     Bằng cách tiếp tục tu tập với thứ tri kiến này, quí vị có thể cải thiện mình. Nhưng nếu quí vị cố gắng đạt một cái gì đó mà không có tri kiến này thì quí vị không thể làm việc với nó một cách đúng đắn. Quí vị lạc mất mình trong cuộc đấu tranh vì mục đích của mình; quí vị không đạt được gì; quí vị phải tiếp tục đau khổ trong những khó khăn. Nhưng với cái hiểu đúng quí vị có thể tạo được sự tiến bộ nào đó. Rồi bất cứ điều quí vị làm, dù cho không hoàn hảo, cũng sẽ được đặt căn bản trên bản tánh nội tại thâm sâu nhất của mình, sự việc sẽ được thành tựu từng chút một.

     Cái nào quan trọng hơn; đạt giác ngộ, hay đạt giác ngộ trước khi quí vị đạt giác ngộ; kiếm một triệu đô-la, hay hưởng thụ đời mình trong nỗ lực, từng chút một, dù cho không thể kiếm được một triệu ấy; thành công, hay tìm một cái gì đó có ý nghĩa trong nỗ lực của mình để thành công? Nếu không biết câu trả lời, quí vị sẽ không thể tu tập tọa thiền; nếu biết, quí vị sẽ tìm được kho tàng thật của đời sống.

 

KINH NGHIỆM, KHÔNG PHẢI TRIẾT LÝ “Có sự xúc phạm nào đó khi nói về Phật giáo là một triết lý hay giáo lý toàn hảo như thế nào mà không biết nó thực sự là gì.”

 

Mặc dù có nhiều người trên đất nước này thích Phật giáo, nhưng chỉ một ít người trong số đó là thích hình thức thanh tịnh của nó. Đa số họ thích nghiên cứu giáo lý hay triết lý của Phật giáo. Khi so sánh nó với các tôn giáo khác, họ thẩm định Phật giáo làm thỏa mãn như thế nào về mặt lý trí. Nhưng dù Phật giáo về mặt triết lý sâu xa hay tốt hay hoàn hảo như thế nào, cũng không phải là điểm quan trọng. Giữ sự tu tập của chúng ta trong hình thức thanh tịnh là mục đích của chúng ta. Đôi khi tôi cảm thấy có sự xúc phạm nào đó khi nói về Phật giáo là một triết lý hay giáo lý toàn hảo như thế nào mà không biết nó thực sự là gì.

     Tu tập tọa thiền với một nhóm là điều quan trọng nhất đối với Phật giáo – và đối với chúng ta – bởi vì sự tu tập này là cách sống nguyên thủy. Không biết nguồn gốc của sự vật, chúng ta không thể thẩm định kết quả nỗ lực của cuộc sống chúng ta. Nỗ lực của chúng ta phải có một ý nghĩa nào đó. Tìm được ý nghĩa nỗ lực của chúng ta là tìm được nguồn gốc của sự nỗ lực của mình. Chúng ta không nên quan tâm về kết quả nỗ lực của mình trước khi chúng ta biết nguồn gốc của nó. Nếu nguồn gốc không rõ ràng và thanh tịnh, nỗ lực của chúng ta sẽ không thanh tịnh, và kết quả của nó sẽ không làm thỏa mãn chúng ta. Khi chúng ta phục hồi bản tánh của mình và không ngừng nỗ lực trên căn bản này, chúng ta sẽ thẩm định kết quả nỗ lực của mình từ giây phút này đến giây phút khác, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác. Đây là cách chúng ta nên thẩm định cuộc sống của mình. Những ai chỉ bám vào kết quả nỗ lực của họ sẽ không có cơ hội thẩm định nó, bởi vì kết quả sẽ không bao giờ đến. Nhưng từ giây phút này đến giây phút khác, nếu nỗ lực của quí vị phát sinh từ nguồn gốc thanh tịnh, tất cả những gì quí vị làm đều sẽ tốt, và quí vị sẽ hài lòng với bất cứ điều gì mình làm.

     Pháp tu tọa thiền là pháp tu trong đó chúng ta phục hồi cách sống thanh tịnh của mình, ở bên kia bất cứ ý niệm được nào, và ở bên kia danh lợi. Bằng tu tập chúng ta chỉ giữ bản tánh của mình như nó hiện hữu. Không cần phải suy luận bản tánh của chúng ta là gì, bởi vì nó ở bên kia khả năng hiểu của lý trí. Và không cần phải thẩm định nó, bởi vì nó ở bên kia khả năng thẩm định của chúng ta. Vì vậy chỉ ngồi, mà không có ý nghĩ về được nào, và với chủ ý thanh tịnh nhất, giữ tĩnh lặng y như bản tánh của chúng ta – đây là cách tu của chúng ta.

     Trong thiền đường chẳng có gì là mộng tưởng cả. Chúng ta chỉ đến và ngồi. Sau khi thông tri cho nhau, chúng ta về nhà và bắt đầu lại hoạt động hằng ngày của mình như là tiếp tục sự tu tập thanh tịnh, hưởng thụ cách sống chân thực của chúng ta. Song đây là điều rất khác thường. Tôi đi đâu người ta cũng hỏi, “Phật giáo là gì?” với quyển sổ ghi chép sẵn sàng viết xuống câu trả lời của tôi. Quí vị có thể tưởng tượng tôi cảm thấy như thế nào! Nhưng ở đây chúng ta chỉ tu tập tọa thiền. Đó là tất cả những gì chúng ta làm, và chúng ta hạnh phúc trong sự tu tập này. Đối với chúng ta không cần phải hiểu Thiền là gì. Chúng ta đang tu tập tọa thiền. Vì thế đối với chúng ta không cần phải biết Thiền là gì theo cách lý trí. Tôi nghĩ điều này rất là khác thường đối với xã hội Mỹ.

     Ở Mỹ có rất nhiều kiểu sống và nhiều tôn giáo, như thế có vẻ như là hoàn toàn tự nhiên để nói về sự khác nhau giữa các tôn giáo dị biệt và so sánh chúng với nhau. Nhưng đối với chúng ta, không cần phải so sánh Phật giáo với Ki-tô giáo. Phật giáo là Phật giáo, và Phật giáo là sự tu tập của chúng ta. Chúng ta còn không biết mình đang làm gì khi chúng ta chỉ tu tập với tâm thanh tịnh. Vì thế chúng ta không thể so sánh đạo của chúng ta với một tôn giáo nào khác. Một vài người có thể nói rằng Phật giáo Thiền không phải là tôn giáo. Có thể là như vậy, hay có thể Phật giáo Thiền là tôn giáo có trước tôn giáo. Như vậy nó không phải là tôn giáo theo nghĩa thông thường. Nhưng nó kỳ diệu, và dù cho chúng ta không nghiên cứu nó là gì theo cách lý trí, dù cho chúng ta không có giáo đường hay tràng hoa lộng lẫy, nó có thể thẩm định bản tánh của chúng ta. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khác thường.

 

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY  “Thực tế chúng ta không phải tông Tào Động gì cả. Chúng ta chỉ là những người Phật giáo. Chúng ta cũng chẳng phải là những người Phật giáo Thiền tông. Nếu hiểu được điểm này, chúng ta thực sự là những người Phật giáo.”

 

Đi, đứng, ngồi, và nằm là bốn hoạt động hay bốn cách cư xử trong Phật giáo. Tọa thiền không phải là một trong bốn cách cư xử ấy, và theo Thiền sư Đạo nguyên, tông Tào Động không phải là một trong nhiều tông phái của Phật giáo. Tông Tào Động của Trung Hoa có thể là một trong nhiều tông phái của Phật giáo, nhưng theo Đạo Nguyên, con đường của sư không phải là một trong nhiều tông phái ấy. Nếu là như vậy, quí vị có thể hỏi tại sao chúng ta nhấn mạnh tư thế ngồi hay tại sao chúng ta nhấn mạnh việc có thầy. Lý do là bởi vì tọa thiền không phải là một trong bốn cách cư xử. Tọa thiền là pháp tu chứa vô số hoạt động; tọa thiền đã bắt đầu ngay cả trước đức Phật, và sẽ tiếp tục mãi mãi. Vì thế tư thế ngồi này không thể so sánh với bốn hoạt động kia.

    Thông thường người ta nhấn mạnh một tư thế đặc biệt nào đó hay một cách hiểu đặc biệt nào đó về Phật giáo, và họ nghĩ, “Đây là Phật giáo!” Nhưng chúng ta không thể so sánh cách tu của chúng ta với những cách tu mà những người thông thường hiểu. Không thể so sánh giáo lý của chúng ta với những giáo lý khác của Phật giáo. Đây là lý do tại sao chúng ta nên có một vị thầy không ràng buộc với bất cứ cách hiểu đặc biệt nào về Phật giáo. Giáo lý nguyên thủy của Phật bao gồm tất cả những trường phái khác nhau. Là những người Phật giáo, nỗ lực của chúng ta giống như nỗ lực của Phật: chúng ta không nên ràng buộc với bất cứ trường phái hay chủ thuyết đặc biệt nào. Nhưng thông thường, nếu chúng ta không có một vị thầy, và nếu chúng ta kiêu hãnh vì cách hiểu của mình, chúng ta sẽ đánh mất đặc tính nguyên thủy của giáo lý của Phật, mà nó bao gồm tất cả những giáo lý khác nhau.

     Bởi vì Phật là người sáng lập giáo lý, người ta căn cứ vào đó mà gọi giáo lý của ngài là “Phật giáo,” nhưng thực ra Phật giáo không phải là một giáo lý đặc biệt nào đó. Phật giáo chỉ là Sự Thật mà nó bao gồm những sự thật khác nhau. Tu tập tọa thiền là sự tu tập bao gồm những hoạt động khác nhau của đời sống. Vì vậy thực tế, chúng ta không nhấn mạnh một mình tư thế ngồi. Ngồi như thế nào tức là hành động như thế nào. Chúng ta học hành động như thế nào bằng cách ngồi, và đây là hoạt động căn bản nhất đối chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta tu tập tọa thiền bằng cách này. Dù cho chúng ta tu tập tọa thiền, chúng ta không nên gọi mình là Thiền tông. Chúng ta chỉ tu tập tọa thiền, theo gương của Phật; đó là lý do tại sao chúng ta tu tập. Phật dạy chúng ta hành động như thế nào qua tu tập; đó là lý do tại sao chúng ta ngồi.

     Làm một điều gì đó, sống trong từng giây phút, có nghĩa là hoạt động nhất thời của Phật. Ngồi cách này tức là Phật, là như đức Phật lịch sử. Điều này cũng áp dụng cho mọi điều chúng ta làm. Mọi sự vật đều là hoạt động của Phật. Vì thế bất cứ quí vị làm gì, hay ngay cả không làm gì, Phật cũng ở trong hoạt động đó. Bởi vì người ta không hiểu Phật như thế, họ nghĩ rằng điều họ làm là điều quan trọng nhất, mà không biết ai là người thực sự làm điều đó. Người ta nghĩ rằng họ đang làm những việc khác nhau, nhưng thực ra là Phật đang làm mọi việc. Mỗi người trong chúng ta đều có tên riêng, nhưng những cái tên ấy là nhiều tên khác nhau của một vị Phật. Mỗi người trong chúng ta có nhiều hoạt động, nhưng tất cả những hoạt động ấy là những hoạt động của Phật. Không biết điều này, người ta nhấn mạnh một hoạt động nào đó. Khi họ nhấn mạnh vào tọa thiền, nó không phải là tọa thiền chân chính. Nếu họ có ngồi trông giống như cách Phật ngồi, nhưng có sự khác biệt to lớn trong cách hiểu của họ về sự tu tập của chúng ta. Họ hiểu tư thế ngồi này chỉ như một trong bốn tư thế căn bản của con người, và họ nghĩ: “Bây giờ tôi ngồi tư thế này.” Nhưng tọa thiền là tất cả mọi tư thế, và mỗi tư thế là tư thế của Phật. Đây là cách hiểu đúng về tư thế tọa thiền. Nếu quí vị tu tập theo cách này, ấy là Phật giáo. Đây là điểm rất ư quan trọng.

     Vì thế Đạo Nguyên không gọi mình là một sư Tào Động hay một đệ tử Tào Động. Sư nói, “Những người khác có thể gọi chúng ta là tông Tào Động, nhưng không có lý do nào để chúng ta gọi mình là Tào Động. Các ông không nên dùng ngay cả cái tên Tào Động.” Không một tông phái nào nên tự coi mình là một tông phái riêng rẽ. Nó chỉ nên là một hình thức có cách tính thực nghiệm của Phật giáo. Bao lâu những tông phái khác nhau không chấp nhận cách hiểu này, chừng ấy họ còn tiếp tục gọi họ bằng những cái tên cá biệt của họ, chúng ta phải chấp nhận cái tên thực nghiệm Tào Động. Nhưng tôi muốn làm rõ điểm này. Thực tế chúng ta chẳng phải tông Tào Động gì cả. Chúng ta chỉ là những người Phật giáo; chúng ta cũng chẳng phải là những người Phật giáo Thiền; chúng ta chỉ là những người Phật giáo. Nếu chúng ta hiểu điểm này, chúng ta thực sự là những người Phật giáo.

     Giáo lý của Phật ở khắp mọi nơi. Hôm nay trời đang mưa. Đây là giáo lý của Phật. Người ta nghĩ con đường riêng hay cách hiểu tôn giáo riêng của họ là con đường của Phật, mà không biết họ đang nghe gì, hay họ đang làm gì, hay họ đang ở đâu. Tôn giáo không phải là bất cứ một giáo lý đặc biệt nào. Tôn giáo ở khắp mọi nơi. Chúng ta phải hiểu giáo lý của chúng ta theo cách này. Chúng ta nên quên toàn bộ một giáo lý dặc biệt nào đó; chúng ta không hỏi cái nào tốt hay cái nào xấu. Không nên có bất cứ một giáo lý đặc biệt nào. Giáo lý trong từng gây phút, ở trong mọi hiện hữu. Đó là chân giáo lý.

 

BÊN KIA Ý THỨC  “Nhận ra tâm thanh tịnh trong mê hoặc là tu tập. Nếu quí vị cố gắng trục xuất mê hoặc nó sẽ bám chặt hơn nữa. Chỉ nói, ‘Ô, đây chỉ là mê hoặc,’ và không bị nó làm phiền.”

 

Chúng ta nên thiết lập sự tu tập của mình ở nơi nào không có tu tập hay giác ngộ. Bao lâu chúng ta còn tu tập tọa thiền trong khu vực nào có tu tập và giác ngộ, chừng ấy chúng ta vẫn không có cơ hội tạo nên sự bình an toàn hảo cho chính mình. Nói cách khác, chúng ta phải vững tin vào chân tánh của mình. Chân tánh của chúng ta ở bên kia kinh nghiệm của ý thức. Chỉ ở trong kinh nghiệm của ý thức mà chúng ta tìm thấy tu tập và giác ngộ hay tốt và xấu. Nhưng dù chúng ta có kinh nghiệm về chân tánh của mình hay không, cái gì hiện hữu ở đó, ở bên kia ý thức, thực sự hiện hữu, và nó ở đó mà chúng ta phải thiết lập nền tảng tu tập của chúng ta.

     Ngay cả có cái tốt trong tâm mình cũng không tốt lắm. Đôi khi Phật nói, “Ông nên như thế này. Ông không nên như thế kia.” Nhưng có những gì Phật nói trong tâm mình cũng không tốt lắm. Nó là một thứ nặng nề cho quí vị, và quí vị có thể không thực sự cảm thấy tốt. Sự thật chấp chứa một ác ý nào đó có thể còn tốt hơn là có một ý niệm nào đó trong tâm mình về cái gì tốt hay về cái gì mình nên làm. Có một ý niệm xấu nào đó trong tâm đôi khi rất dễ chịu. Điều đó là thật. Thực ra, tốt và xấu không phải là điểm quan trọng. Quí vị có làm cho mình bình an hay không là điểm quan trọng, và quí vị có gắn bó với nó hay không.

     Khi quí vị có điều gì đó trong ý thức của mình, quí vị không có sự yên tĩnh hoàn toàn. Cách tốt nhất để hướng đến yên tĩnh hoàn toàn là quên đi mọi sự vật. Rồi tâm quí vị yên tĩnh, nó đủ rộng rãi và trong sáng để thấy và cảm nhận sự vật như chúng hiện hữu mà không có nỗ lực nào. Cách tốt nhất để tìm được yên tĩnh là không giữ bất cứ ý niệm nào về sự vật, dù là sự vật gì – quên đi tất cả về chúng và không để lại dấu vết hay hình bóng nào của suy nghĩ. Nhưng nếu quí vị cố gắng chận đứng tâm mình hay đi qua bên kia hoạt động ý thức của mình, đó sẽ chỉ là một thứ nặng nề khác cho mình. “Tôi phải chận đứng tâm tôi trong tu tập, nhưng tôi không thể làm được. Sự tu tập của tôi không tốt.” Loại ý nghĩ này cũng là cách tu tập sai.  Đừng cố gắng chận đứng tâm mình, mà hãy để mọi thứ như chúng hiện hữu. Rồi sự vật sẽ không ở lại lâu trong tâm quí vị. Sự vật sẽ đến như chúng đến và đi như chúng đi. Rồi cuối cùng tâm trong sáng, rỗng lặng của quí vị sẽ kéo dài khá lâu.

     Như vậy có niềm tin vững chắc vào tánh không nguyên thủy của tâm là điều quan trọng nhất trong tu tập của quí vị. Trong các kinh điển Phật giáo đôi khi dùng những cái tương tự vô cùng lớn để cố gắng miêu tả cái tâm không. Đôi khi dùng một con số lớn của thiên văn học, lớn đến độ vượt quá sự đo đếm. Điều này có nghĩa là từ bỏ sự tính toán. Nếu nó to lớn đến độ không thể đếm được, quí vị sẽ hết thích thú và cuối cùng bỏ cuộc. Loại miêu tả này cũng có thể tạo ra một loại thích thú nơi con số vô số, giúp quí vị dừng lại sự suy nghĩ của cái tâm nhỏ của mình.

     Nhưng khi quí vị ngồi tọa thiền quí vị sẽ có kinh nghiệm thanh tịnh, chân thật nhất về tâm thái không. Thực ra, trạng thái không của tâm cũng không phải là một tâm thái, mà là tự tánh của tâm nguyên thủy mà Phật và Lục Tổ Huệ Năng đã kinh nghiệm. “Tự tánh của tâm,” “bổn tâm,” “bộ mặt xưa nay,” “Phật tánh,” “tánh không” – tất cả những chữ này đều có nghĩa là sự tĩnh lặng tuyệt đối của tâm chúng ta.

     Quí vị biết làm thế nào yên nghỉ về mặt thân xác. Quí vị không biết làm thế nào yên nghỉ về mặt tinh thần. Dù quí vị nằm trên giường tâm quí vị vẫn bận rộn; dù quí vị ngủ, tâm quí vị bận rộn mộng. Tâm của quí vị luôn luôn ở trong hoạt động khẩn trương. Điều này không tốt lắm. Chúng ta nên biết làm cách nào từ bỏ cái tâm suy nghĩ, cái tâm bận rộn của mình. Để đi qua bên kia khả năng suy nghĩ của mình, cần thiết phải có niềm tin vững chắc vào tánh không của tâm. Tin vững chắc vào sự yên nghỉ hoàn toàn của tâm mình, chúng ta nên phục hồi trạng thái bản nguyên thanh tịnh của mình.

     Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Ông nên thiết lập sự tu tập ở nơi mê hoặc của mình.” Dù quí vị nghĩ mình ở trong mê hoặc, tâm thanh tịnh của quí vị vẫn ở đó. Nhận ra tâm thanh tịnh trong trạng thái mê hoặc của mình là tu tập. Nếu quí vị có tâm thanh tịnh, tâm tinh yếu ở trong trạng thái mê hoặc của quí vị, mê hoặc sẽ biến mất. Nó không thể ở lại khi quí vị nói, “Đây là mê hoặc!” Nó sẽ rất xấu hổ. Nó sẽ chạy mất. Vì vậy quí vị nên thiết lập sự tu tập ở nơi mê hoặc của mình. Có mê hoặc là tu tập. Đây là đạt giác ngộ trước khi quí vị nhận ra nó. Dù quí vị không nhận ra nó, quí vị có nó. Vì thế khi quí vị nói, “Đây là mê hoặc,” thực tế đó chính là giác ngộ. Nếu quí vị cố gắng loại trừ mê hoặc nó sẽ càng cố bám lại, và tâm của quí vị sẽ càng trở nên bận rộn và bận rộn cố gắng chống cự lại. Điều đó không tốt lắm. Chỉ nói, “Ồ, đây chỉ là mê hoặc,” và không phiền vì nó. Khi quí vị chỉ quan sát mê hoặc, quí vị có tâm chân thật, cái tâm tĩnh lặng, bình an của mình. Khi quí vị bắt đầu chống lại nó, quí vị bắt đầu can dự vào mê hoặc.

     Vì vậy dù quí vị có đạt giác ngộ hay không, chỉ ngồi tọa thiền là đủ. Khi quí vị cố gắng đạt giác ngộ, lúc ấy quí vị có sự nặng nề lớn trong tâm. Tâm của quí vị sẽ không đủ trong sáng để thấy sự vật như chúng hiện hữu. Nếu thật sự quí vị thấy sự vật như chúng hiện hữu, thì quí vị sẽ thấy sự vật như chúng nên hiện hữu. Một mặt, chúng ta nên đạt giác ngộ – đó là cách sự vật nên hiện hữu. Mặt khác, bao lâu chúng ta còn là những hiện thể có thân xác, thực tế khá khó đạt giác ngộ – đó là cách sự vật thực sự hiện hữu trong giây phút này. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu ngồi thì cả hai bên của bản tánh chúng ta sẽ được nuôi dưỡng, và chúng ta sẽ thấy cả hai, sự vật như chúng hiện hữu và sự vật như chúng nên hiện hữu. Bởi vì ngay bây giờ chúng ta không tốt, chúng ta muốn tốt hơn, nhưng khi chúng ta đạt được tâm siêu việt, chúng ta đi sang bên kia sự vật như chúng hiện hưu và sự vật như chúng nên hiện hữu. Trong tánh không của bản tâm chúng là một, và ở đó chúng ta tìm thấy sự tĩnh lặng toàn hảo.  

     Thông thường tôn giáo tự phát triển trong lãnh vực ý thức, tìm cách hoàn thiện tổ chức của nó, xây dựng những tòa nhà đẹp, sáng tạo âm nhạc, tiến hóa triết lý, và vân vân. Đây là những hoạt động tôn giáo trong thế giới ý thức. Cách tốt nhất để phát triển Phật giáo là ngồi thiền – chỉ ngồi, với niềm tin quyết vững chắc vào chân tánh của mình. Cách này tốt hơn đọc sách và nghiên cứu triết lý Phật giáo nhiều. Dĩ nhiên cần thiết phải nghiên cứu triết lý – nó sẽ làm mạnh thêm niềm tin quyết của quí vị. Triết lý Phật giáo rất phổ biến và hợp luận lý đến độ nó không những chỉ là triết lý của Phật giáo mà còn là của chính đời sống. Mục đích của giáo lý Phật giáo là chỉ vào chính sự sống hiện hữu bên kia ý thức trong bản tâm thanh tịnh của chúng ta. Tất cả những pháp tu của Phật giáo được lập nên để bảo vệ giáo lý chân chính này, không phải để tuyên truyền Phật giáo theo cách huyền bí kỳ lạ nào đó. Vì vậy khi chúng ta bàn luận về tôn giáo, thì nên theo cách phổ biến và thông thường nhất. Chúng ta không nên cố gắng tuyên truyền con đường của  chúng ta bằng tư tưởng triết học kỳ lạ. Theo một số cách, Phật giáo có tính cách tranh luận, với một cảm giác tranh biện nào đó nơi nó, bởi vì người Phật giáo phải bảo vệ con đường của họ khỏi những giải thích có tính cách thần bí hay ma thuật của tôn giáo. Nhưng sự bàn luận có tính cách triết học không phải là cách tốt nhất để hiểu Phật giáo. Nếu quí vị muốn là một người Phật giáo thuần thành, cách tốt nhất là ngồi. Chúng ta rất may mắn có chỗ để ngồi theo cách này. Tôi muốn quí vị có niềm quyết vững chắc, rộng rãi, không nao núng vào sự ngồi thiền chỉ ngồi. Chỉ ngồi, là đủ rồi.

 

GIÁC NGỘ CỦA PHẬT  “Nếu quí vị kiêu hãnh trong sự đạt được của mình hay trở nên chán nản bởi vì sự nỗ lực có tính cách lý tưởng của mình, thì sự tu tập của quí vị sẽ nhốt quí vị bằng một bức tường dày.”

 

Tôi rất vui được ở đây vào ngày đức Phật thành đạo dưới cây Bồ-đề. Khi đạt được giác ngộ dưới cây Bồ-đề, ngài nói, “Kỳ diệu thay là thấy Phật tánh nơi tất cả chúng sinh!” Những gì ngài muốn nói là khi chúng ta tu tập tọa thiền chúng ta có Phật tánh, và mỗi người trong chúng ta chính là Phật. Bằng chữ tu tập ngài không có ý muốn nói là chỉ ngồi dưới cây Bồ-đề, hay ngồi trong tư thế xếp chéo chân. Sự thật tư thế này là cách duy nhất căn bản, nguyên thủy cho chúng ta, nhưng thực ra những gì Phật muốn nói là núi, cây, nước chảy, hoa và thực vật – mọi vật như chúng hiện hữu – là cách Phật hiện hữu. Có nghĩa là mọi vật đang mang hoạt động của Phật, mỗi vật theo cách riêng của nó.

     Nhưng cách mỗi vật hiện hữu thì chính nó không hiểu trong lãnh vực ý thức của riêng nó. Những gì chúng ta nghe hay những gì thấy chỉ là một phần, hay là một ý niệm bị giới hạn, của những gì chúng ta thực tế hiện hữu. Nhưng khi chúng ta chỉ hiện hữu – mỗi người chỉ hiện hữu theo cách riêng của mình – chúng ta đang biểu hiện chính Phật. Nói cách khác, khi chúng ta tu tập một điều gì đó như tọa thiền, thì có Phật đạo hay Phật tánh. Khi chúng ta hỏi Phật tánh là gì, nó biến mất; nhưng khi chúng ta chỉ tu tập tọa thiền, chúng ta hiểu nó trọn vẹn. Cách duy nhất để hiểu Phật tánh là chỉ tu tập tọa thiền, là chỉ ở đây như chúng ta ở đây. Vì thế những gì Phật muốn nói bằng Phật tánh là như ngài ở đó, ở bên kia lãnh vực ý thức. Phật tánh là bản tánh của chúng ta; chúng ta có nó trước khi chúng ta tu tập tọa thiền và trước khi chúng ta thừa nhận nó bằng những hạn từ của ý thức. Như vậy theo nghĩa này, bất cứ những gì chúng ta làm đều là hoạt động của Phật. Nếu quí vị muốn hiểu nó, quí vị không thể hiểu được. Khi quí vị không cố gắng hiểu nó, thì hiểu đúng luôn luôn ở đó. Thông thường sau khi tọa thiền tôi nói chuyện, nhưng lý do người ta đến không phải là lắng nghe tôi nói, mà tu tập để tọa thiền. Chúng ta không bao giờ nên quên điểm này. Lý do tôi nói là để khuyến khích quí vị tu tập tọa thiền theo cách của Phật. Vì vậy chúng ta nói rằng mặc dù quí vị có Phật tánh, nếu quí vị có ý niệm thực hành hay không việc tọa thiền, hay nếu quí vị chấp nhận rmình là Phật, thì quí vị không hiểu Phật tánh cũng không hiểu tọa thiền. Nhưng khi quí vị tu tập tọa thiền như Phật, quí vị sẽ hiểu cách của chúng ta là gì. Chúng ta không nói nhiều, nhưng bằng hoạt động của mình chúng ta thông tri với nhau, một cách có chủ ý hay không chủ ý. Chúng ta nên luôn luôn đủ cảnh giác để thông tri bằng lời nói hay không bằng lời nói. Nếu mất đi điểm này, chúng ta sẽ mất điểm quan trọng nhất của Phật giáo.

     Bất cứ đi đâu, chúng ta không nên để mất cách sống này. Đó gọi là “là Phật,” hay “là ông chủ.” Bất cứ đi chỗ nào, quí vị nên là người chủ của những gì chung quanh. Điều này có nghĩa là quí vị không nên lạc đường. Vì thế đây gọi là Phật, bởi vì nếu quí vị luôn luôn hiện hữu theo cách này, quí vị chính là Phật. Khi không cố gắng là Phật, quí vị là Phật. Đây là cách chúng ta đạt giác ngộ. Đạt giác ngộ là luôn luôn ở với Phật. Do lặp đi lặp lại một điều giống nhau, chúng ta sẽ có được loại hiểu này. Nhưng nếu quí vị để mất điểm này và lấy làm kiêu hãnh vì sự đạt được hay trở nên chán nản vì sự nỗ lực có tính cách lý tưởng, sự tu tập của quí vị sẽ nhốt quí vị bằng một bức tường dày. Chúng ta không nên nhốt mình bằng bức tường tự xây. Vì vậy khi đến giờ tọa thiền, đứng dậy, đi và ngồi với thầy, nói với ông ta và lắng nghe ông ta nói, và rồi lại đi về nhà – tất cả những thủ tục này là sự tu tập của chúng ta. Bằng cách này, không có bất cứ ý niệm nào về đạt được, quí vị luôn luôn là Phật. Đây là tu tập tọa thiền đúng. Rồi quí vị có thể hiểu chân nghĩa câu nói đầu tiên của Phật, “Hãy thấy Phật tánh nơi chúng sinh, và nơi mọi người chúng ta.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn