Phần I Tu Tập Đúng

26 Tháng Mười 201503:51(Xem: 3376)
SHUNRYU SUZUKI
Đỗ Đình Đồng dịch
TÂM THIỀN, TÂM BAN SƠ
Những bài Tiểu tham về Thiền định và Tu tập của Shunryu Suzuki
Nguyên tác: Zen Mind, Beginner’s Mind

PHẦN MỘT

TU TẬP ĐÚNG

 

“Tu tập tọa thiền là cách biểu hiện trực tiếp chân tánh của chúng ta. Nói một cách nghiêm túc, đối với con người, không có cách tu tập nào khác hơn cách tu tập này; không có cách sống nào khác hơn cách sống này.”

 

TƯ THẾ  “Các hình thức này không phải là phương tiện để có được tâm thái đúng. Thực hiện tư thế này là tự nó có tâm thái đúng. Không cần phải có được một tâm thái nào đặc biệt.”     

 

Bây giờ tôi thích nói về tư thế tọa thiền của chúng ta. Khi quí vị ngồi trong tư thế hoa sen (kiết già), bàn chân trái của quí vị ở trên đùi phải, và bàn chân phải của quí vị ở trên đùi trái của mình. Khi xếp chéo chân như thế này, dù cho chúng ta có chân phải và chân trái, chúng đã trở thành một. Tư thế biểu hiện nhất thể của nhị nguyên: không phải hai, và không phải một. Đây là giáo lý quan trọng nhất: không phải hai, và không phải một. Thân và tâm của chúng ta không phải hai, và không phải một. Nếu quí vị nghĩ thân và tâm của quí vị là hai, vậy là sai; nếu quí vị nghĩ chúng là một, vậy cũng sai. Thân và tâm của chúng ta cả hai, là hai một. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu cái gì đó không phải là một, nó còn hơn là một; nếu nó không phải là số ít, nó là số nhiều. Nhưng trong kinh nghiệm thực tế, đời sống của chúng ta không chỉ là số nhiều, mà cũng là số ít. Mỗi người trong chúng ta vừa tùy thuộc vừa không tùy thuộc.

     Sau một ít năm chúng ta sẽ chết. Nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng đó là sự chấm dứt của đời mình, đây là hiểu sai. Nhưng mặt khác, nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta không chết, đây cũng là sai. Chúng ta chết, và chúng ta không chết. Đây là hiểu đúng. Một vài người có thể nghĩ rằng tâm của chúng ta hay linh hồn của chúng ta hiện hữu mãi mãi, và chỉ là thân xác của chúng ta chết mà thôi. Nhưng điều này không hẳn đúng, bởi vì cả thân và tâm đều có kết thúc của chúng. Nhưng đồng thời nghĩ rằng chúng hiện hữu vĩnh cửu cũng đúng. Và dù cho chúng ta có thể nói tâm và thân, thực ra chúng là hai mặt của một đồng xu. Đây là hiểu đúng. Như thế khi chúng ta ngồi tư thế này nó biểu tượng chân lý. Khi tôi đặt bàn chân trái lên phía bên phải của thân, và bàn chân phải lên phía bên trái của thân, tôi không biết cái nào là cái nào. Như thế nó có thể là bên trái hoặc bên phải.

     Điều quan trọng nhất trong khi ngồi tư thế tọa thiền là giữ cột xương sống của mình thẳng đứng. Tai và vai của quí vị nên ở trên một đường. Hãy thư giãn vai của mình, và đẩy phía sau đầu lên hướng về phía trần nhà. Và quí vị kéo cằm của mình vào. Khi cằm của quí vị nghiêng lên, quí vị không có sức mạnh trong tư thế ngồi của mình; có lẽ quí vị đang mơ mộng. Cũng để có sức mạnh trong tư thế của mình, hãy ép hoành cách mạc xuống hướng về phía đan điền (hara) hay bụng dưới. Điều này sẽ giúp quí vị duy trì sự thăng bằng của thân và tâm. Khi quí vị cố gắng giữ tư thế này, ban đầu quí vị có thể thấy có hơi khó thở một cách tự nhiên, nhưng khi trở nên quen rồi quí vị sẽ có thể thở một cách tự nhiên và sâu.

     Hai bàn tay của quí vị nên tạo thành cái “ấn vũ trụ” (cosmic mudra). Nếu quí vị đặt bàn tay trái lên trên bàn tay phải, giữ các khớp giữa của các ngón tay giữa lại với nhau, và hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau (tựa như mình đang giữ một mảnh giấy giữa hai ngón cái), hai bàn tay của quí vị sẽ tạo thành một hình bầu dục đẹp. Quí vị nên giữ cái ấn vũ trụ này thật cẩn thận, tựa như quí vị đang giữ một vật rất trân quí trong tay mình, với các ngón tay cái ở vào khoảng chiều cao của rốn. Hãy giữ hai cánh tay tự do và thoải mái, và hơi cách thân mình một chút, tựa như quí vị đang giữ một cái trứng bên dưới mỗi cánh tay mà không làm vỡ nó.

     Quí vị không nên nghiêng qua hai bên hông, về sau lưng, hay tới trước. Quí vị nên ngồi thẳng lên tựa như mình đang chống đỡ bầu trời bằng cái đầu của mình. Đây không phải chỉ là hình thức hay sự thở. Nó biểu hiện điểm trọng yếu của Phật giáo. Nó là sự biểu hiện toàn hảo tánh Phật của qúi vị. Nếu muốn có cái hiểu đúng về Phật giáo, quí vị nên tu tập cách này. Những hình thức này không phải là phương tiện để đạt tâm thái đúng. Thực hiện tư thế này tự nó là mục đích của tu tập. Khi có được tư thế này, quí vị có được tâm thái đúng, như thế không cần phải cố gắng để đạt một cảnh giới đặc biệt nào đó. Khi quí vị cố gắng để đạt một cái gì đó, tâm của quí vị bắt đầu lang thang về một nơi nào khác. Khi quí vị không cố gắng đạt bất cứ điều gì, quí vị có thân và tâm của mình ngay tại đây. Một Thiền sư nói, “Hãy giết Phật!” Hãy giết Phật nếu Phật hiện hữu ở nơi nào khác. Hãy giết Phật, bởi vì quí vị nên phục hồi tánh Phật của mình.

     Làm một việc gì đó là biểu hiện bản tánh của mình. Chúng ta không hiện hữu vì một cái gì khác. Chúng ta hiện hữu vì chính mình. Đây là giáo lý nền tảng biểu hiện trong các hình tướng chúng ta quan sát. Cũng như ngồi, khi đứng trong thiền đường (zendo) chúng ta có một số qui tắc. Nhưng mục đích của những qui tắc này không phải là làm cho mọi người giống nhau, mà để cho mỗi người biểu hiện tự ngã của mình một cách tự do nhất. Chẳng hạn, mỗi người trong chúng ta đều có cách đứng riêng của mình, như thế tư thế đứng của chúng ta đặt căn bản trên sự cân xứng của thân. Khi quí vị đứng, các gót chân của quí vị nên cách nhau bằng bề ngang nắm tay của mình, các ngón chân cái cùng hàng với các tâm điểm của bộ ngực. Khi tọa thiền, hãy đặt một chút sức ở nơi bụng mình. Ở đây hai bàn tay của quí vị cũng sẽ biểu hiện tự ngã của quí vị. Hãy giữ bàn tay trái của quí vị tựa vào ngực mình với những ngón tay ôm lấy ngón tay cái, và đặt bàn tay phải phủ lên bàn tay trái. Giữ ngón tay cái chỉ xuống, và hai cánh tay trước song song với sàn nhà. quí vị cảm thấy tựa như mình có một cây cột tròn trong vòng tay – một cây cột chùa tròn lớn – như vậy quí vị không thể bị chúi xuống hay nghiêng qua một bên.

     Điểm quan trọng nhất là làm chủ cái thân vật lý của mình. Nếu ngã quị, quí vị sẽ mất tự ngã của mình. Tâm của quí vị sẽ lang thang về một nơi nào khác; quí vị sẽ không ở trong thân của mình. Đây không phải là cách. Chúng ta phải ra khỏi ngay đây, ngay bây giờ. Đây là điểm trọng yếu. Quí vị phải có thân và tâm của mình. Mọi vật phải hiện hữu đúng chỗ, đúng cách. Rồi chẳng có vấn đề nào cả. Nếu cái máy vi âm tôi dùng khi tôi nói hiện hữu ở một nơi nào khác, nó sẽ không phục vụ được mục đích. Khi chúng ta có thân và tâm bình thường, mọi sự vật khác sẽ hiện hữu đúng chỗ, đúng cách.

     Nhưng thường không ý thức điều đó, chúng ta cố gắng thay đổi cái gì đó khác hơn chính mình, chúng ta cố gắng sắp xếp trật tự cho sự vật bên ngoài chúng ta. Nhưng không thể tổ chức sự vật nếu chính quí vị không ở trong trật tự. Khi quí vị làm việc đúng cách, đúng lúc, mọi chuyện khác sẽ có tổ chức. Quí vị là “ông chủ.” Khi ông chủ ngủ, mọi người đều ngủ. Khi ông chủ làm điều gì đúng, mọi người sẽ làm đúng mọi điều, và đúng lúc. Đây là bí mật của Phật giáo.

     Như thế hãy cố gắng giữ tư thế đúng, không phải chỉ khi quí vị tu tập tọa thiền, mà còn trong tất cả mọi hoạt động. Hãy dùng tư thế đúng khi quí vị đang lái xe, và khi quí vị đang đọc. Nếu quí vị đọc trong tư thế chúi xuống, quí vị không thể giữ tỉnh táo lâu được. Hãy cố gắng. Quí vị sẽ khám phá ra giữ tư thế đúng quan trọng như thế nào. Đây là chân giáo lý. Giáo lý viết trên giấy không phải là chân giáo lý. Giáo lý viết trên giấy là một loại thức ăn cho trí óc của quí vị. Dĩ nhiên cần phải có một loại thức ăn nào đó cho bộ não của quí vị, nhưng quan trọng hơn là thành chính mình bằng cách tu tập cách sống đúng.

     Đó là lý do tại sao đức Phật không thể chấp nhận các tôn giáo hiện hữu vào thời ngài. Phật đã nghiên cứu nhiều tôn giáo, nhưng ngài không thỏa mãn với những cách tu tập của họ. Ngài không thể tìm được câu trả lời trong chủ nghĩa khổ hạnh hay trong các triết lý. Ngài không thích thú một sự hiện hữu siêu hình nào đó, mà thích thú thân và tâm của mình, ở đây và bây giờ. Và khi ngài tìm được chính mình, ngài thấy rằng mọi vật hiện hữu đều có tánh Phật. Đó là sự giác ngộ của ngài. Giác ngộ không phải là một cảm giác tốt nào đó hay một tâm thái đặc biệt nào đó. Tâm thái hiện hữu khi quí vị ngồi trong tư thế đúng chính là giác ngộ. Nếu quí vị không thể thỏa mãn với tâm thái quí vị có trong tọa thiền, ấy có nghĩa là tâm của quí vị vẫn còn lang thang đây đó. Thân và tâm của chúng ta không nên chao đảo hay lang thang đây đó. Trong tư thế này không cần phải nói về tâm thái đúng. Quí vị đã có nó. Đây là kết luận của Phật giáo.

THỞ  “Cái mà quí vị gọi là “tôi” chỉ là một cánh cửa tự khép và có thể đóng mở hai chiều chuyển động khi chúng ta hít vào và khi chúng ta thở ra.”     


Khi chúng ta tu tập tọa thiền tâm của chúng ta luôn luôn theo dõi hơi thở. Khi chúng ta hít vào, không khí đi vào thế giới bên trong. Khi chúng ta thở ra, không khí đi ra thế giới bên ngoài. Thế giới bên trong không có giới hạn, và thế giới bên ngoài cũng không có giới hạn. Chúng ta nói, “thế giới bên trong” hay “thế giới bên ngoài,” nhưng thực sự chỉ có một thế giới toàn thể. Trong thế giới vô giới hạn này, cổ họng chúng ta giống như một cánh cửa tự khép có thể đóng và mở hai chiều. Không khí vào và ra giống như người nào đó đi qua một cánh cửa tự khép có thể đóng mở hai chiều. Nếu quí vị nghĩ, “Tôi thở,” chữ “Tôi” thừa. Không có ai nói chữ “Tôi” cả. Cái chúng ta gọi là “tôi” chỉ là một cánh cửa tự khép có thể đóng mở hai chiều chuyển động khi chúng ta hít vào và khi cúng ta thở ra. Nó chỉ chuyển động; đó là tất cả. Khi tâm của quí vị thanh tịnh và yên tĩnh đủ để theo dõi sự chuyển động này, thì không có gì cả: không “tôi,” không thế giới, không tâm, cũng không thân; chỉ một cánh cửa tự khép có thể đóng mở hai chiều.

     Như thế khi chúng ta tu tập tọa thiền, tất cả hiện hữu là sự chuyển động của hơi thở, nhưng chúng ta ý thức về sự chuyển động này. Quí vị không nên lơ đãng. Nhưng ý thức về sự chuyển động không có nghĩa là ý thức về cái ta nhỏ bé của mình, nhưng đúng hơn về bản tánh vũ trụ của qúi vị, hay Phật tánh. Loại ý thức này rất quan trọng, bởi vì chúng ta thường phiến diện. Cái hiểu thông thường của chúng ta về cuộc đời có tính cách nhị nguyên: anh và tôi, cái này và cái kia, tốt và xấu.  Nhưng thực tế chính những phân biệt này là ý thức về sự hiện hữu của vũ trụ. “Anh” có nghĩa là ý thức về vũ trụ trong hình hình thức anh, và “tôi” là ý thức về vũ trụ trong hình thức tôi. Anh và tôi chỉ là những cánh cửa tự khép có thể mở và đóng hai chiều. Loại hiểu này cần thiết. Không nên gọi đây là hiểu; thực tế nó là kinh nghiệm chân thực về cuộc đời qua tu Thiền.

     Như thế khi quí vị tu tập tọa thiền, không có ý niệm về thời gian hay không gian. Quí vị có thể nói, “Chúng tôi bắt đầu tọa thiền lúc sáu giờ thiếu mười lăm trong phòng này.” Như thế quí vị có một ý niệm nào đó về thời gian (sáu giờ thiếu mười lăm) và một ý niệm nào đó về không gian (trong phòng này). Tuy nhiên, thực tế những gì quí vị đang làm là chỉ ngồi và ý thức về sự hoạt động của vũ trụ. Đó là tất cả. Giây phút này cánh cửa tự khép có thể mở đóng hai chiều đang mở ra theo một chiều, và giây phút kế tiếp cánh cửa ấy sẽ mở ra theo chiều đối nghịch. Từ giây phút này đến giây phút khác mỗi người trong chúng ta lặp đi lặp lại hạt động này. Ở đây không có ý niệm nào về thời gian hay không gian. Thời gian và không gian là một. Quí vị có thể nói, “Chiều nay tôi phải làm một việc,” nhưng thực sự không có “chiều nay” nào cả. Chúng ta làm việc hết việc này đến việc khác. Đó là tất cả. Không có thời gian nào như “chiều nay” hay “một giờ” hay “hai giờ.” Một giờ quí vị sẽ ăn trưa. Chính ăn trưa là một giờ. Quí vị sẽ ở một chỗ nào đó, nhưng chỗ đó không thể tách rời với một giờ. Đối với một người thực sự cảm kích cuộc đời, chúng như nhau. Nhưng khi chúng ta trở nên nhàm chán đời sống của mình, chúng ta có thể nói, “Tôi không nên đến chỗ này. Đến chỗ nào khác ăn trưa có thể tốt hơn nhiều. Chỗ này không tốt.” Trong tâm quí vị tạo ra một ý niệm về một chỗ tách biệt với thời gian thực tế.

     Hoặc quí vị có thể nói, “Việc này xấu, vì thế tôi không nên làm.” Sự thực khi quí vị nói, “Tôi không nên làm việc này,” quí vị đang làm cái không làm trong giây phút ấy. Như thế không có sự lựa chọ nào cả cho quí vị. Khi khi quí tách rời ý niệm về thời gian và không gian, quí vị cảm thấy tựa như mình có sự lựa chọn nào đó, nhưng thực ra quí vị phải làm một điều gì đó hoặc quí vị phải làm cái không làm. Không làm điều gì là đang làm điều gì đó. Tốt và xấu chỉ có trong tâm quí vị. Như thế chúng ta không nên nói, “Điều này tốt,” hay “Điều này xấu.” Thay vì nói là xấu, quí vị nên nói, “không làm”! Nếu quí vị nghĩ, “Điều này xấu,” nó sẽ tạo ra sự bối rối cho mình. Như thế trong lãnh vực tôn giáo thuần túy không có sự bối rối về thời gian và không gian, hay tốt và xấu. Tất cả điều chúng ta nên làm là chỉ làm điều gì khi nó đến. Hãy làm điều gì đi! Bất cứ là điều gì, chúng ta nên làm điều đó, dù cho đó là điều không-làm. Chúng ta nên sống trong giây phút này. Như thế khi chúng ta ngồi tập trung vào hơi thở, và chúng ta trở thành cánh cửa tự khép có thể đóng mở hai chiều, và chúng ta làm điều chúng ta nên làm, điều chúng ta phải làm. Đây là tu Thiền. Trong cách tu tập này không có sự bối rối nào cả. Nếu quí vị minh định loại đời sống này, quí vị không có sự bối rối bất cứ loại nào.

     Động Sơn (Tozan), một Thiền sư danh tiếng, đã nói, “Núi xanh là cha của mây trắng. Mây trắng là con của núi xanh. Suốt ngày dài tùy thuộc vào nhau, mà không tùy thuộc vào nhau. Mây trắng luôn luôn là mây trắng. Núi xanh luôn luôn là núi xanh.” Đây là một giải thích trong sáng, rõ ràng về cuộc sống. Có thể có nhiều sự vật giống như mây trắng và núi xanh: đàn ông và đàn bà, thầy và trò. Họ tùy thuộc vào nhau. Nhưng mây trắng sẽ không bị núi xanh làm phiền. Núi xanh sẽ không bị mây trắng làm phiền. Chúng hoàn toàn không tùy thuộc, nhưng cũng tùy thuộc. Đây là cách chúng ta sống, và cách chúng ta tu tập tọa thiền.

     Khi chúng ta thực sự trở thành chính mình, chúng ta chỉ trở thành một cánh cửa tự khép có thể mở và đóng hai chiều, và chúng ta thuần không tùy thuộc, và đồng thời, tùy thuộc vào mọi thứ. Không có không khí, chúng ta không thể thở được. Mỗi người trong chúng ta ở trong hàng vạn thế giới. Chúng ta luôn luôn ở trung tâm thế giới, từ giây phút này đến giây phút khác. Như thế chúng ta hoàn toàn tùy thuộc và không tùy thuộc. Nếu quí vị có loại kinh nghiệm này, loại hiện hữu này, quí vị có sự không tùy thuộc tuyệt đối; quí vị sẽ không bị bất cứ thứ gì làm phiền. Như thế khi quí vị tu tập tọa thiền, tâm của quí vị nên tập trung vào hơi thở. Loại hoạt động này là hoạt động nền tảng của hiện thể vũ trụ. Không có kinh nghiệm này, sự tu tập này, không thể đạt được tự do tuyệt đối.

 

KIỂM SOÁT  “Cho con cừu hay con bò của quí vị một cánh đồng cỏ lớn, rộng rãi là cách kiểm soát nó.”

 

Sống trong thế giới của Phật tánh có nghĩa là chết đi như một hiện thể nhỏ bé, từ giây phút này đến giây phút khác. Khi chúng ta mất thăng bằng, chúng ta chết, nhưng đồng thời chúng ta cũng phát triển chính mình, chúng ta trưởng thành. Bất cứ vật gì chúng ta thấy cũng đang thay đổi, đang mất thăng bằng. Lý do mọi vật trông có vẻ đẹp đẽ là vì chúng mất thăng bằng, nhưng bối cảnh của chúng thì luôn luôn ở trong trạng thái hài hòa toàn hảo. Đây là cách mọi sự vật hiện hữu trong thế giới của Phật tánh, đang mất sự thăng bằng của chúng đối với bối cảnh thăng bằng toàn hảo. Như thế nếu quí vị thấy sự vật mà không nhận ra bối cảnh của Phật tánh, mọi sự vật hiện ra ở trong hình thức đau khổ. Nhưng nếu quí vị hiểu bối cảnh của hiện hữu, quí vị nhận ra rằng chính đau khổ là cách chúng ta sống, và là cách chúng ta duy trì đời sống của mình. Như thế trong Thiền đôi khi chúng ta nhấn mạnh sự không thăng bằng hay mất trật tự của đời sống.

     Ngày nay hội họa truyền thống của Nhật Bản trở nên khá hình thức và không có sinh khí. Đó là lý do tại sao nghệ thuật hiện đại phát triển. Các họa sĩ cổ đại thường luyện tập chấm những dấu chấm trên giấy theo cách vô trật tự có tính nghệ thuật. Điều này đúng là khó. Dù cho quí vị cố gắng thực hiện, thường những gì quí vị làm là được sắp xếp theo một trật tự nào đó. Quí vị nghĩ mình có thể kiểm soát, nhưng quí vị không thể kiểm soát được; hầu như không thể sắp xếp các dấu chấm của mình không trật tự. Chăm sóc cuộc sống hằng ngày của mình cũng giống như vậy. Dù cho quí vị cố gắng đặt người ta dưới sự kiểm soát nào đó, điều đó không thể được. Quí vị không thể làm được điều đó. Cách tốt nhất để kiểm soát người ta là khuyến khích họ nghịch ngợm. Rồi họ sẽ ở trong sự kiểm soát theo nghĩa rộng. Cho con cừu hay con bò của quí vị một cánh đồng cỏ lớn, rộng rãi là cách kiểm soát nó. Cũng vậy đối với con người: trước tiên hãy để họ làm những gì họ muốn, và canh chừng họ. Đây là chính sách tốt nhất. Bỏ lơ họ thì không tốt; đó là chính sách tệ nhất. Cách tệ thứ nhì là cố gắng kiểm soát họ. Cách tốt nhất là canh chừng họ, chỉ canh chừng thôi, không cố gắng kiểm soát họ.

     Cách ấy cũng có hiệu quả đối với chính mình. Nếu quí vị muốn đạt được sự yên tĩnh tuyệt hảo trong tọa thiền, quí vị không nên để những hình ảnh thấy trong tâm quí vị làm phiền mình. Hãy để chúng đến, và hãy để chúng đi. Rồi chúng sẽ ở trong sự kiểm soát. Nhưng chính sách này không dễ dàng gì. Nghe có vẻ dễ, nhưng nó đòi hỏi một nỗ lực đặc biệt nào đó. Làm sao tạo ra loại nỗ lực này là bí mật của tu tập. Giả sử quí vị đang ngồi trong hoàn cảnh khác thường nào đó. Nếu quí vị cố gắng làm cho tâm mình yên tĩnh, quí vị sẽ không thể ngồi, và nếu quí vị cố gắng để không bị quấy rầy, nỗ lực của quí vị sẽ không phải là nỗ lực đúng. Nỗ lực duy nhất sẽ giúp quí vị là đếm hơi thở của mình, hay tập trung vào hơi hít vào và hơi thở ra. Chúng tôi nói tập trung, nhưng tập trung tâm của quí vị vào một cái gì đó thì không phải là mục đích đúng của Thiền. Mục đích đúng là thấy sự vật như thực, quan sát sự vật như thực, và để mọi sự vật đi như chúng đi. Đây là đặt mọi sự vật dưới sự kiểm soát theo nghĩa rộng nhất. Tu Thiền là mở cái tâm nhỏ của mình ra. Như thế tập trung chỉ là một sự trợ giúp quí vị nhận ra cái “tâm lớn,” hay cái tâm mà nó là mọi sự vật. Nếu quí vị muốn khám phá chân nghĩa của Thiền trong đời sống hằng ngày của mình, quí vị phải hiểu ý nghĩa của sự giữ tâm trên hơi thở và thân ở tư thế đúng trong tọa thiền. Quí vị nên theo các qui tắc tu tập và sự học của quí vị sẽ trở nên vi tế và thận trọng hơn. Chỉ bằng cách này quí vị có thể kinh nghiệm sự tự do thiết yếu của Thiền.

     Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen-zenji) nói, “Thời gian đi từ hiện tại đến quá khứ.” Điều này phi lý, nhưng trong tu tập của chúng ta đôi khi nó đúng. Thay vì thời gian tiến hành từ quá khứ đến hiện tại, nó đi lùi từ hiện tại đến quá khứ. Yoshitsune là một chiến sĩ danh tiếng sống vào thời trung cổ Nhật Bản. Vì tình thế của đất nước vào lúc đó, ông được phái đến các tỉnh miền bắc, nơi ông bị giết. Trước khi ra đi ông nói lời vĩnh biệt với vợ, và chẳng bao lâu sau đó bà viết bài thơ, “Giống như anh tháo sợi chỉ từ cuộn chỉ ra, em muốn quá khứ trở thành hiện tại.” Khi nói điều này, bà thực đã biến quá khứ thành hiện tại. Trong tâm bà quá khứ trở nên sống động và đã là hiện tại. Vì vậy, Đạo Nguyên nói, “Thời gian đi từ hiện tại đến quá khứ.” Điều này không đúng theo tâm lý luận của chúng ta, nhưng nó là kinh nghiệm thực tế biến thời quá khứ thành hiện tại. Ở đó chúng ta có bài thơ, và ở đó chúng ta có sự sống con người.

     Khi chúng ta kinh nghiệm loại sự thật này có nghĩa là chúng ta tìm thấy nghĩa thật của thời gian. Thời gian luôn luôn đi từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại đến vị lai. Điều này đúng, nhưng cũng đúng là thời gian đi từ vị lai đến hiện tại và từ hiện tại đến quá khứ. Một Thiền sư đã có lần nói, “Đi về hướng đông một dặm là đi về hướng tây một dặm.” Đây là sự tự do trọng yếu. Chúng ta nên có được loại tự do toàn hảo này.

     Nhưng không có một vài qui tắc thì không tìm được sự tự do toàn hảo. Người ta, nhất là những người trẻ tuổi, nghĩ rằng tự do là làm những gì họ muốn, rằng trong Thiền không cần có qui tắc. Nhưng với chúng ta thì tuyệt đối cần phải có một vài qui tắc. Nhưng điều này không có nghĩa là luôn luôn phải ở trong sự kiểm soát. Bao lâu quí vị còn có qui tắc, thì quí vị còn có cơ hội cho tự do. Cố gắng đạt tự do mà không ý thức về qui tắc thì vô nghĩa. Để có được sự tự do toàn hảo này, chúng ta tu tập tọa thiền.

 

SÓNG TÂM  “Bởi vì chúng ta thụ hưởng tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống như là sự khai mở của đại tâm, chúng ta không quan tâm đến bất cứ niềm vui quá độ nào. Như thế chúng ta được bình lặng.

 

Khi chúng ta tu tập tọa thiền, đừng cố gắng chận đứng ý nghĩ. Hãy để nó tự dừng lại. Nếu có điều gì đến trong tâm quí vị, hãy để nó đến, và hãy để nó đi. Nó sẽ không ở lại lâu. Khi quí vị cố gắng ngăn chặn suy nghĩ của mình, có nghĩa là quí vị bị nó làm phiền. Đừng để bị phiền nhiễu vì bất cứ điều gì. Nó xuất hiện có vẻ như cái gì đó đến từ bên ngoài tâm, nhưng thực ra nó chỉ là những làn sóng của tâm, và nếu quí vị không bị những làn sóng ấy làm phiền, dần dần chúng sẽ trở nên yên tĩnh hơn. Trong năm phút hay nhiều nhất là mười phút, tâm của quí vị sẽ hoàn toàn yên tĩnh. Vào lúc đó hơi thở của quí vị sẽ trở nên hoàn toàn chậm lại, trong khi nhịp mạch của quí vị sẽ trở nên nhanh hơn một chút.

     Sẽ mất một thời gian khá lâu trước khi quí vị thấy tâm yên tĩnh trong tu tập. Nhiều cảm xúc đến, nhiều ý nghĩ hay hình ảnh phát sinh, nhưng chúng chỉ là những làn sóng tâm của quí vị. Không gì đến từ bên ngoài tâm. Thường chúng ta hay nghĩ về tâm mình như là những ấn tượng và kinh nghiệm cảm nhận từ bên ngoài, nhưng đó không phải là hiểu đúng về tâm của chúng ta. Hiểu đúng là tâm bao gồm mọi sự vật; khi quí vị nghĩ một điều gì đó đến từ bên ngoài thì chỉ có nghĩa là điều gì đó xuất hiện trong tâm mình. Không cái gì ở bên ngoài mình có thể gây nên bất cứ phiền não nào. Chính quí vị tạo nên những làn sóng trong tâm mình. Nếu quí vị để yên cho tâm mình y như nó hiện hữu, nó sẽ trở nên yên tĩnh. Tâm này gọi là tâm lớn (đại tâm).

     Nếu tâm của quí vị liên hệ với điều gì đó bên ngoài chính nó, tâm đó là tâm nhỏ (tiểu tâm), một cái tâm bị giới hạn. Nếu tâm của quí vị không liên hệ với bất cứ vật gì khác, thì không có cái hiểu nhị nguyên trong hoạt động của tâm. Quí vị hiểu hoạt động chỉ là những làn sóng của tâm mình. Tâm lớn kinh nghiệm mọi sự vật bên trong chính nó. Quí vị có hiểu sự khác nhau giữa hai tâm: cái tâm bao gồm mọi sự vật, và cái tâm liên hệ với một vật nào đó không? Thực ra chúng là một, nhưng cách hiểu thì khác, và thái độ của quí vị đối với cuộc đời mình sẽ khác theo cách hiểu của quí vị.

     Rằng mọi sự vật bao gồm bên trong tâm của quí vị là thể tánh của tâm. Kinh nghiệm điều này là có cảm nhận tôn giáo. Dù cho sóng tâm phát sinh, thể tánh của tâm quí vị vẫn thanh tịnh; giống như nước trong với một vài làn sóng. Thực ra nước luôn luôn có sóng. Sóng là sự thực hành của nước. Nói sóng tách rời nước hay nước tách rời sóng là mê hoặc. Nước và sóng là một. Tâm lớn và tâm nhỏ là một. Khi quí vị hiểu tâm theo cách này, quí vị có sự an tâm nào đó trong cảm giác. Khi tâm của quí vị không mong đợi bất cứ điều gì từ bên ngoài, nó luôn luôn đầy đủ. Một cái tâm với những làn sóng bên trong nó không phải là một cái tâm bị quấy nhiễu, mà thực ra là một cái tâm được khuếch đại. Bất cứ điều gì quí vị kinh nghiệm đều là biểu hiện của tâm lớn.

     Sự hoạt động của tâm lớn là nó tự khuếch đại qua những kinh nghiệm dị biệt. Theo một nghĩa, những kinh nghiệm của chúng ta đến từng cái một thì luôn luôn tươi tắn và mới mẻ, nhưng theo một nghĩa khác, chúng chẳng là gì khác mà chỉ là sự khai mở liên tục và lặp đi lặp lại của tâm lớn. Chẳng hạn, nếu quí vị có một món gì tốt cho bữa ăn sáng, quí vị sẽ nói, “Cái này tốt.” “Tốt” được cung cấp như một cái gì đó đã kinh nghiệm một lần nào đó qua lâu rồi, mặc dù quí vị không thể nhớ là khi nào. Với tâm lớn chúng ta chấp nhận mỗi kinh nghiệm của mình tựa như thừa nhận bộ mặt chúng ta thấy trong gương là của riêng mình. Đối với chúng ta không có sự sợ mất tâm. Không có chỗ nào để đến hay đi; không có sự sợ chết, không có sự khổ vì tuổi già hay bệnh. Bởi vì vui hưởng tất cả mọi khía cạnh cuộc sống như là sự khai mở của tâm lớn, chúng ta không quan tâm bất cứ niềm vui quá độ nào. Như thế chúng ta có sự yên tĩnh, và với sự yên tĩnh của tâm lớn chúng ta tu tập tọa thiền.

 

CỎ TÂM  “Đúng hơn quí vị nên biết ơn vì những thứ cỏ mà quí vị có trong tâm, bởi vì kết cuộc chúng sẽ làm phong phú sự tu tập của quí vị”       

 

Khi chuông báo thức rung lúc sáng sớm, và quí vị thức dậy, tôi nghĩ quí vị không cảm thấy tốt lắm. Không dễ gì đi ngồi, ngay cả sau khi đến thiền đường và bắt đầu tọa thiền, quí vị phải tự khuyến khích mình ngồi tốt. Đây chỉ là những làn sóng tâm của quí vị. Trong tọa thiền thanh tịnh không nên có bất cứ một làn sóng nào trong tâm. Trong khi quí vị đang ngồi, những làn sóng này sẽ trở nên càng lúc càng nhỏ hơn, và nỗ lực của quí vị sẽ biến đổi thành một cảm giác vi tế nào đó.

     Chúng ta nói, “Khi nhổ cỏ chúng ta bón dưỡng chất cho cây trồng.” Chúng ta nhổ cỏ và chôn cỏ gần cây làm dưỡng chất cho cây. Cũng vậy, dù quí vị có khó khăn nào đó trong tu tập của mình, dù quí vị có những làn sóng nào đó trong lúc đang ngồi, chính những làn sóng ấy sẽ giúp quí vị. Vì vậy quí vị không nên phiền vì tâm mình. Đúng hơn quí vị nên biết ơn những cỏ ấy, bởi vì kết cuộc chúng sẽ làm phong phú sự tu tập của quí vị. Nếu quí vị có một kinh nghiệm nào đó về cỏ ấy biến thành dưỡng chất của tâm như thế nào, sự tu tập của quí vị sẽ tạo được sự tiến bộ khả quan. Quí vị sẽ cảm thấy sự tiến bộ ấy. Quí vị sẽ cảm thấy chúng tự biến đổi thành dưỡng chất như thế nào. Dĩ nhiên không phải khó khăn lắm để đưa ra một giải thích nào đó của triết học hay tâm lý học về sự tu tập của chúng ta, nhưng như vậy chưa đủ. Chúng ta phải có kinh nghiệm thực tế về cỏ của chúng ta biến thành dưỡng chất như thế nào.

     Nói một cách nghiêm túc, bất cứ nỗ lực nào chúng ta tạo ra đều không tốt cho sự tu tập của mình bởi vì nó tạo ra những làn sóng trong tâm. Tuy nhiên không thể đạt được sự yên tĩnh tuyệt đối của tâm mà không có bất cư nỗ lực nào. Chúng ta tạo ra một nỗ lực nào đó, nhưng chúng ta phải quên mình trong nỗ lực mình tạo ra. Trong lãnh vực này không có chủ thể hay khách thể. Tâm của chúng ta chỉ tĩnh lặng, không có ngay cả bất cứ ý thức nào. Trong trạng thái không có ý thức này, mọi nỗ lực, mọi ý niệm, và ý nghĩ sẽ biến mất. Vì thế chúng ta cần khuyến khích chính mình và nỗ lực đến giây phút cuối cùng, khi toàn bộ nỗ lực biến mất. Quí vị nên giữ tâm mình trên hơi thở cho đến khi quí vị không ý thức về hơi thở của mình.

     Chúng ta nên cố gắng tiếp tục nỗ lực mãi mãi, nhưng chúng ta không nên mong đợi đạt đến một giai đoạn nào đó khi chúng ta sẽ quên tất cả về nó. Chúng ta nên cố gắng chỉ giữ tâm mình trên hơi thở. Đó là cách tu tập thực tế của chúng ta. Sự nỗ lực đó càng lúc sẽ càng được tinh luyện trong khi quí vị đang ngồi. Ban đầu, nỗ lực quí vị tạo ra khá thô và bất tịnh, nhưng nhờ sức mạnh của tu tập nỗ lực ấy càng ngày sẽ càng trở nên thanh tịnh hơn. Khi nỗ lực của quí vị trở nên thanh tịnh, thân và tâm của quí vị trở nên thanh tịnh. Đây là cách chúng ta tu Thiền. Một khi quí vị hiểu nội lực làm cho chính mình và các vùng chung quanh mình thanh tịnh, quí vị sẽ biết được từ những người chung quanh mình, và quí vị sẽ trở nên thân thiện với người khác. Đây là công đức của tu Thiền. Nhưng cách tu tập này chỉ là tập trung trên hơi thở với tư thế đúng và với nỗ lực to lớn, thanh tịnh.  Đây là cách chúng ta tu Thiền.   

 

CỐT TỦY CỦA THIỀN “Trong tư thế tọa thiền, tâm và thân của quí vị có một sức to lớn để chấp nhận sự vật như thực, dù dễ chịu hay khó chịu.”    

 

Trong các kinh của chúng ta (Kinh Tạp A Hàm, quyển 33) nói rằng có bốn loại ngựa: ngựa thượng hạng, ngựa tốt, ngựa tệ, và ngựa tồi. Ngựa tốt hạng nhất sẽ chạy chậm và nhanh, phải và trái, theo ý muốn của người lái, trước khi nó thấy bóng roi; ngựa tốt hạng nhì sẽ chạy giỏi như ngựa hạng nhất, chỉ trước khi roi chạm vào da nó; ngựa hạng ba sẽ chạy khi nó cảm thấy đau nơi thân; ngựa hạng tư sẽ chạy sau khi đau thấu xương tủy. Quí vị có thể tưởng tượng khó làm sao khiến cho con ngựa thứ tư biết chạy như thế nào!

     Khi nghe câu chuyện này hầu hết chúng ta đều muốn là con ngựa giỏi nhất. Nếu không thể là con ngựa giỏi nhất, chúng ta muốn là con ngựa giỏi nhì. Tôi nghĩ đây là cách hiểu thông thường về câu chuyện này, và về Thiền. Quí vị có thể nghĩ rằng khi ngồi thiền quí vị sẽ thấy mình là một trong những con ngựa giỏi nhất hay là một trong những con ngựa tồi nhất. Tuy nhiên, ở đây, có sự hiểu lầm về Thiền. Nếu quí vị nghĩ mục tiêu của tu Thiền là để huấn luyện quí vị trở thành một trong những con ngựa giỏi nhất, quí vị sẽ có vấn đề lớn. Đây không phải là hiểu đúng. Nếu quí vị tu Thiền đúng cách thì chẳng có vấn đề mình là con ngựa giỏi nhất hay là con ngựa tồi nhất. Khi quí vị quan tâm lòng từ của Phật, quí vị nghĩ Phật sẽ cảm thấy thế nào về bốn loại ngựa ấy? Ngài sẽ có nhiều đồng cảm cho con ngựa tồi nhất hơn là cho con ngựa giỏi nhất.

     Khi quí vị quyết tâm tu tập tọa thiền với tâm Phật vĩ đại, quí vị sẽ thấy con ngựa tồi nhất là con ngựa có giá trị nhất. Trong chính những bất toàn của mình quí vị sẽ tìm thấy căn bản cho cái tâm cầu đạo, vững chắc của quí vị. Những người có thể ngồi một cách hoàn hảo về mặt thân xác thường mất nhiều thời gian hơn để đạt con đường đúng của Thiền, cảm giác thực tế của Thiền, cốt tủy của Thiền. Nhưng những người thấy những khó khăn to lớn trong tu tập Thiền sẽ tìm thấy trong đó nhiều ý nghĩa hơn. Vì thế tôi nghĩ rằng đôi khi con ngựa giỏi nhất có thể là con ngựa tồi nhất, và con ngựa tồi nhất có thể là con ngựa giỏi nhất.

     Nếu quí vị học thư pháp quí vị sẽ thấy rằng những người không quá tinh khôn thường trở thành những nhà thư pháp giỏi nhất. Những người rất tinh khôn tay của họ thường gặp phải khó khăn to lớn sau khi họ đạt đến một giai đoạn nào đó. Điều này cũng đúng trong nghệ thuật và trong Thiền. Nó đúng trong đời sống. Vì thế khi nói về Thiền chúng ta không thể nói, “Anh ta giỏi,” hay “Anh ta dở,” theo nghĩa thông thường của từ. Tư thế tu tập trong tọa thiền không giống nhau đối với mỗi người chúng ta. Một vài người không thể ngồi tư thế xếp chéo chân. Nhưng dù cho quí vị không thể thực hành tư thế đúng, khi quí vị phát tâm cầu đạo chân thật, quí vị có thể tu tập Thiền theo nghĩa đích thực của nó. Thực tế, những người gặp khó khăn trong việc ngồi dễ phát tâm cầu đạo chân thật hơn những người có thể ngồi một cách dễ dàng.

     Khi chúng ta quay lại với những gì mình đang làm trong đời sống hằng ngày, chúng ta luôn luôn xấu hổ về chính mình. Một trong các học viên của tôi viết cho tôi, nói, “Thầy đã gửi cho con một quyển lịch, và con đang cố gắng theo những châm ngôn xuất hiện trên mỗi trang. Nhưng năm đã bắt đầu một cách khó khăn, và con đã thất bại!” Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Shoshaku jushaku.” Shaku thông thường có nghĩa là “lầm” hay “sai.” Shoshaku jushaku có nghĩa là “sai tiếp tục sai,” hay một cái sai liên tục. Theo Đạo Nguyên, một cái sai liên lục cũng có thể là Thiền. Cuộc đời của một Thiền sư có thể nói là rất nhiều năm thất bại liên tục. Điều này có nghĩa là nhất tâm nỗ lực rất nhiều năm.

     Chúng ta nói, “Một người cha tốt không phải là một người cha tốt.” Quí vị hiểu không? Một người nghĩ mình là một người cha tốt thì chẳng phải là một người cha tốt. Một người nghĩ mình là một người chồng tốt thì chẳng phải là một người chồng tốt. Một người nghĩ mình là một trong những người chồng tồi nhất có thể là một người chồng tốt nếu anh ta luôn luôn cố gắng là một người chồng tốt với nhất tâm nỗ lực. Nếu quí vị thấy không thể ngồi bởi vì đau hay khó khăn của thân, thì quí vị nên ngồi bất cứ cách nào, dùng một cái bồ đoàn dày hay một chiếc ghế. Dù cho quí vị là con ngựa tồi nhất, quí vị cũng sẽ được cốt tủy của Thiền.

     Giả sử con của quí vị đang đau khổ vì một chứng bệnh vô hy vọng. Quí vị không biết phải làm gì; quí vị không thể nằm dài trên giường. Bình thường nơi tiện nghi nhất cho quí vị là cái giường thoải mái ấm áp, nhưng bây giờ bởi vì sự đau đớn tinh thần quí vị không thể nằm yên được. Quí vị có thể đi lên đi xuống, đi vào đi ra, nhưng chẳng giúp gì được. Thực ra cách tốt nhất để làm vơi bớt sự đau đớn tinh thần là ngồi thiền, dù là trong tâm trạng rối bời như thế và tư thế không tốt. Nếu quí vị không có kinh nghiệm gì về ngồi trong tình thế khó khăn loại này, quí vị chưa phải là người tu Thiền. Không hoạt động nào khác làm nguôi ngoai được sự đau khổ của mình. Trong những tư thế bất an khác quí vị không có sức để chấp nhận những khó khăn, nhưng trong tư thế tọa thiền quí vị có được bằng tu tập lâu, chịu khó, tâm và thân quí vị có sức mạnh to lớn để chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu, dù dễ chịu hay khó chịu. 

     Khi quí vị đang ngồi giữa vấn đề của mình, đối với quí vị cái nào thật hơn: vấn đề hay chính quí vị? Ý thức rằng quí vị ở đây, ngay bây giờ, là sự kiện tối hậu. Đây là điểm quan trọng quí vị sẽ nhận ra bằng tu tập tọa thiền. Trong tu tập liên tục, trong sự liên tục của những tình thế dễ chịu và khó chịu, quí vị sẽ nhận ra cốt tủy của Thiền và có được sức mạnh chân thực của nó. 

 

BẤT NHỊ  “Ngừng tâm không có nghĩa là ngừng những hoạt động của tâm. Ngừng tâm có nghĩa là tâm thấm nhấp toàn thân của quí vị. Với tâm đầy đủ, quí vị tạo thành cái ấn (mudra) nơi hai bàn tay của mình.”

 

Chúng ta nói sự tu tập của chúng ta không nên có ý niệm được nào cả, không nên có bất cứ mong đợi nào, ngay cả giác ngộ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ ngồi không có mục đích gì cả. Sự tu tập này không có những ý niệm được đặt căn bản nơi kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Tuy nhiên, nếu quí vị không cẩn thận kinh ấy sẽ cho quí vị một ý niệm được. Kinh nói, “Sắc tức là không, không tức là sắc.” Nhưng nếu quí vị bám chặt vào câu nói ấy, có thể quí vị bị ràng buộc với những ý niệm nhị nguyên: đây là quí vị, sắc, và đây là không cái mà quí vị đang cố gắng nhận thức qua sắc của mình. Như thế, “sắc tức là không, và không tức là sắc” vẫn là nhị nguyên. Nhưng may mắn là giáo lý ấy nói tiếp, “Sắc tức là sắc và không tức là không.” Ở đây không có nhị nguyên nào cả.

     Khi quí vị thấy khó ngừng tâm mình trong khi đang ngồi và khi vẫn đang cố gắng ngừng tâm, đây là giai đoạn “sắc tức là không và không tức là sắc.” Nhưng trong lúc quí vị đang tu tập theo cách nhị nguyên này, quí vị sẽ càng lúc càng có được nhất thể với mục đích của mình. Và khi sự tu tập của quí vị trở nên không có nỗ lực [không dụng công], quí vị có thể ngừng tâm mình. Đây là giai đoạn “sắc tức là sắc và không tức là không.”

     Ngừng tâm không có nghĩa là ngừng những hoạt động của tâm. Ngừng tâm có nghĩa là tâm của quí vị thấm nhập toàn thân mình. Tâm của quí vị theo dõi hơi thở. Với tâm đầy đủ quí vị tạo thành cái ấn (mudra) nơi hai bàn tay của quí vị. Với toàn tâm quí vị ngồi với chân đau mà không bị chúng làm phiền. Đây là ngồi mà không có bất cứ ý niệm được nào. Ban đầu quí vị cảm thấy có sự hạn chế nào đó trong tư thế, nhưng khi không bị sự hạn chế ấy làm phiền, quí vị thấy được ý nghĩa của “không tức là không và sắc tức là sắc.” Vì vậy, trong sự hạn chế nào đó tìm được con đường của mình, đó là cách tu tập. 

     Tu tập không có nghĩa là quí vị làm bất cứ điều gì, ngay cả nằm, là tọa thiền. Khi những hạn chế của quí vị không giới hạn mình, đây là những gì chúng ta muốn nói bằng tu tập. Khi quí vị nói, “Bất cứ điều gì tôi làm đều là Phật tánh, như thế tôi làm gì không thành vấn đề, và không cần phải tu tập tọa thiền,” đó đã là cái hiểu có tính cách nhị nguyên về đời sống hàng ngày của chúng ta. Nếu nó thực sự không là vấn đề, quí vị không cần phải nói như thế. Chừng nào quí vị còn quan tâm những gì mình làm, đó là nhị nguyên. Nếu quí vị không quan tâm những gì mình làm, quí vị sẽ không nói như thế. Khi ngồi, quí vị ngồi. Khi ăn, quí vị ăn. Đó là tất cả. Nếu quí nói, “Chẳng thành vấn đề,” đây có nghĩa là quí vị đang xin một sự miễn thứ nào đó để làm một điều gì đó theo cách riêng với cái tâm nhỏ của mình. Đó có nghĩa là quí vị bị ràng buộc với một điều hay một cách đặc biệt nào đó. Đó không phải những gì chúng ta muốn nói khi chúng ta nói, “Chỉ ngồi là đủ,” hay “Bất cứ điều gì anh làm đều là tọa thiền.” Dĩ nhiên bất cứ điều gì quí vị làm đều tọa thiền, nhưng nếu như vậy cần gì phải nói.    

     Khi ngồi, quí vị chỉ nên ngồi mà không bị chân đau hay buồn ngủ làm phiền. Đó là tọa thiền. Nhưng ban đầu thì rất khó chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu. Quí vị sẽ bị phiền nhiễu vì cảm giác quí vị có trong tu tập. Khi quí vị có thể làm tất cả mọi điều, dù tốt hay xấu, mà không phiền hay không bị cảm giác quấy nhiễu, đó thực là những gì chúng ta muốn nói bằng câu, “sắc tức là sắc và không tức là không.”

     Khi quí vị đau khổ vì một chứng bệnh như ung thư [chẳng hạn], và quí vị nhận ra rằng mình không thể sống hơn hai hay ba năm nữa, rồi tìm một cái gì đó để nương tựa, quí vị có thể bắt đầu tu tập. Một người có thể nương tựa vào Thượng đế trợ giúp. Người khác có thể khởi sự tu tập tọa thiền. Sự tu tập của người ấy sẽ tập trung vào đạt tâm không. Đó có nghĩa là người ấy đang cố gắng giải thoát khỏi sự đau khổ nhị nguyên. Đây là tu tập “sắc tức là không và không tức là sắc.” Bởi vì chân lý tánh không, người ấy muốn có sự chứng ngộ thực tế về nó trong đời sống của mình. Nếu người ấy tu tập theo cách này, tin tưởng và nỗ lực, dĩ nhiên, nó sẽ giúp y, nhưng đây không phải là cách tu tập toàn hảo.

     Biết rằng đời sống của mình ngắn ngủi, hưởng thụ nó từng ngày, từng giây phút, là đời sống của “sắc tức là sắc, và không tức là không.” Khi Phật đến, quí vị trở thành Phật; khi quỉ đến, quí vị trở thành quỉ. Vân Môn (Ummon), một Thiền sư danh tiếng của Trung hoa, nói, “Phật mặt trời, Phật mặt trăng.” Khi sư bịnh, có người hỏi, “Hòa thượng thế nào?” Sư đáp: “Phật mặt trời và Phật mặt trăng.” Đó là đời sống của “sắc tức là sắc và không tức là không.” Không có vấn đề nào cả. Sống đời một năm, tốt. Sống đời một trăm năm, tốt. Nếu quí vị tiếp tục tu tập, quí vị sẽ đạt được giai đoạn này.

     Ban đầu quí vị sẽ có một số vấn đề khác nhau, và quí vị cần nỗ lực tiếp tục tu tập. Đối với người mới bắt đầu, tu tập mà không nỗ lực thì không phải là tu tập thực sự. Đối với người mới bắt đầu, tu tập cần nỗ lục to lớn. Nhất là đối những người trẻ, rất cần chịu khó cố gắng để đạt được một cái gì. Quí vị phải dang rộng chân tay hết mức. Sắc tức là sắc. Quí vị phải thành  thật với cách riêng của mình cho đến cuối cùng thực sự đến điểm trọng yếu nơi quí vị thấy cần thiết phải quên tất cả về mình. Trước khi đến điểm này, mà quí vị nghĩ rằng bất cứ điều gì quí vị làm đều là Thiền, hay dù tu tập hay không cũng chẳng thành vấn đề, là hoàn toàn sai lầm. Nhưng nếu quí vị nỗ lực tối đa chỉ để tu tập tiếp tục với toàn thể thân tâm, mà không có ý niệm được nào, thì bất cứ điều gì quí vị làm sẽ là tu tập đúng. Chỉ tiếp tục là mục đích của quí vị. Khi quí vị làm một điều gì đó, cứ làm điều ấy là mục đích của quí vị. Sắc tức là sắc và quí vị tức là quí vị, sẽ chứng ngộ chân không trong tu tập.

 

LỄ BÁI  “Lễ bái là một pháp tu rất trang nghiêm. Quí vị nên sẵn sàng lễ bái, ngay cả trong giây phút cuối cùng của mình. Dù cho không thể loại bỏ được những dục vọng vị ngã của mình, chúng ta phải lễ bái. Chân tánh của chúng ta muốn chúng ta làm thế.”

 

Sau khi tọa thiền chúng ta lễ bái sàn nhà chín lần. Bằng lễ bái chúng ta buông bỏ chính mình. Buông bỏ chính mình có nghĩa là buông bỏ những ý niệm nhị nguyên. Như thế không có gì khác nhau giữa tu tập tọa thiền và lễ bái. Thông thường lễ bái có nghĩa là tỏ lòng kính trọng của chúng ta đối với một điều gì đó có phẩm giá hơn mình. Nhưng khi quí vị lễ bái Phật, quí vị không nên có ý niệm về Phật, quí vị chỉ trở thành một với Phật, quí vị đã là Phật. Khi quí vị trở thành một với Phật, một với tất cả mọi sự vật hiện hữu, quí vị thấy được chân nghĩa của hiện thể. Khi quí vị quên tất cả những ý niệm nhị nguyên, mọi vật trở thành thầy của quí vị, và mọi vật có thể là đối tượng sùng bái.

     Khi mọi vật hiện hữu bên trong tâm lớn của quí vị, tất cả mọi quan hệ nhị nguyên đều rơi xuống. Không có phân biệt nào giữa trời và đất, đàn ông và đàn ba, thầy và đệ tử. Đôi khi đàn ông lễ bái đàn bà; đôi khi đàn bà lễ bái đàn ông. Đôi khi đệ tử lễ bái thầy; đôi khi thầy lễ bái đệ tử. Một ông thầy không thể lễ bái đệ tử của mình thì không thể lễ bái Phật. Đôi khi thầy và đệ tử cùng nhau lễ bái Phật. Đôi khi chúng ta có thể lễ bái mèo và chó.

     Trong tâm lớn của quí vị, mọi vật có giá trị như nhau. Mọi vật chính là Phật. Quí vị thấy một vật gì đó hay nghe một âm thanh, và ở đó quí vị có mọi vật như thật. Trong tu tập, quí vị nên chấp nhận mọi vật như nó hiện hữu, kính trọng mỗi vật như kính trọng một vị Phật. Ở đây có Phật quả. Lúc ấy Phật lễ bái Phật, và quí vị lễ bái chính mình. Đây là chân lễ bái.

     Nếu quí vị không có niềm tin chắc về tâm lớn này trong tu tập, lễ bái của quí vị sẽ là nhị nguyên. Khi quí vị chỉ là chính mình, quí vị lễ bái chính mình theo chân nghĩa của lễ bái, và quí vị là một với mọi vật. Chỉ khi quí vị là chính mình thì quí vị có thể lễ bái với mọi vật theo chân nghĩa của lễ bái. Lễ bái là một pháp tu rất trang nghiêm. Quí vị nên sẵn sàng lễ bái, ngay cả trong giây phút cuối cùng của mình; khi quí vị không thể làm gì trừ lễ bái, quí vị nên lễ bái. Loại tin chắc này cần thiết. Hãy lễ bái với tinh thần này và tất cả giới luật, tất cả mọi giáo lý là của quí vị, và quí vị sẽ sở hữu mọi vật bên trong tâm lớn của mình.

     Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyu), người sáng lập nghi thức uống trà Nhật Bản, chịu hara kiri (thiết phúc: nghi thức mổ bụng tự vẫn) vào năm 1951 theo lệnh của lãnh chúa Hideyoshi. Ngay trước khi tự vẫn, Lợi Hưu nói, “Khi tôi cầm lưỡi kiếm này, không có Phật cũng không có Tổ.” Ông muốn nói rằng khi chúng ta có lưỡi kiếm tâm lớn, thì không có thế giới nhị nguyên. Cái duy nhất hiện hữu là tinh thần này. Loại tinh thần bình tĩnh này luôn luôn có mặt trong nghi thức uống trà của Thiên Lợi Hưu. Ông không bao giờ làm bất cứ điều gì theo cách nhị nguyên; ông sẵn sàng chết trong từng giây phút. Ông đã chết và tự hồi sinh trong nghi thức uống trà này đến nghi thức uống trà kế tiếp. Đây là tinh thần của trà đạo. Đây là cách chúng ta lễ bái.

     Thầy tôi có một cục da chai trên trán do lễ bái để lại. Ông biết  mình là một người ương ngạnh, bướng bỉnh, vì thế ông lễ bái, lễ bái, và lễ bái. Lý do ông lễ bái là bên trong chính mình ông luôn luôn nghe tiếng thầy ông trách mắng. Ông gia nhập tăng đoàn Tào Động năm ông ba mươi tuổi, đối với một tu sĩ Tào Động như thế là khá trễ. Khi còn trẻ chúng ta ít bướng bỉnh, và dễ loại bỏ sự vị ngã của mình hơn. Vì thế thầy ông luôn luôn gọi ông “Ngươi gã gia nhập trễ,” và mắng ông vì sự gia nhập trễ. Sự thực thầy ông thương ông vì tính cách bướng bỉnh của ông. Khi thầy tôi đã bảy mươi tuổi, ông nói, “Khi còn trẻ ta giống như một con cọp, nhưng bây giờ ta giống như một con mèo!” Ông rất hài lòng giống như một con mèo.

     Lễ bái giúp chúng ta loại bỏ những ý niệm vị ngã. Điều này thực không dễ. Khó mà loại bỏ những ý niệm này, và lễ bái là một pháp tu rất có giá trị. Kết quả không phải là điểm quan trọng; chính nỗ lực cải thiện chính mình mới là giá trị. Không có sự chấm dứt cho pháp tu này.

     Mỗi lễ bái biểu hiện một trong bốn lời nguyện của Phật giáo. Những lời nguyện này là:

 

“Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ.

Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn.

Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học.

Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.”

 

Nếu Phật đạo vô thượng không thể thành tựu, làm sao chúng ta có thể thành tựu? Nhưng chúng ta phải thành tựu! Đó là Phật giáo.

     Nghĩ, “Bởi vì có thể làm được, chúng ta sẽ làm,” không phải là Phật giáo. Dù cho không thể làm được, chúng ta phải làm bởi vì chân tánh chúng ta muốn chúng ta làm. Nhưng thực ra, dù có thể làm được hay không không phải là điểm quan trọng. Nếu sự ham muốn nhất của chúng ta là loại bỏ những ý niệm vị ngã của mình, chúng ta phải loại bỏ. Khi chúng ta có nỗ lực này, sự ham muốn sâu kín nhất của chúng ta vơi đi và Niết-bàn ở đó. Trước khi quí vị quyết định làm điều đó, quí vị thấy có sự khó khăn, nhưng khi quí vị bắt đầu làm, quí vị không có khó khăn nào cả. Nỗ lực làm vơi đi sự ham muốn sâu kín nhất của quí vị. Không có cách nào khác để đạt sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng của tâm không có nghĩa là quí vị phải ngừng hoạt động. Sự tĩnh lặng đích thực sẽ được tìm thấy trong chính hoạt động. Chúng ta nói, “Dễ tĩnh lặng trong không hoạt động, khó tĩnh lặng trong hoạt động, nhưng tĩnh lặng trong hoạt động mới là tĩnh lặng thật.”

     Sau khi tu tập một lúc, quí vị sẽ nhận ra rằng không thể tiến bộ nhanh, phi thường. Dù cố gắng rất khó nhọc, sự tiến bộ quí vị có được luôn luôn từng chút một. Không giống như đi ra ngoài trong cơn mưa rào quí vị biết khi mình bị ướt. Trong sương mù, quí vị không biết mình đang bị ướt. Nếu tâm quí vị có những ý niệm về tiến bộ, quí vị có thể nói, “Ô, bước này tệ quá!” Nhưng thực ra nó không tệ. Khi quí vị bị ướt trong sương mù, rất khó làm cho mình khô. Vì thế, không cần lo lắng về tiến bộ. Giống như học một ngoại ngữ, quí vị không thể học được tất cả một cái một, nhưng bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần thì quí vị nắm vững được. Đây là cách tu tập của Tào Động. Chúng ta có thể nói rằng hoặc chúng ta tiến bộ từng chút một hoặc chúng ta không mong tiến bộ gì cả. Chỉ thành thật và nỗ lực trọn vẹn từng giây phút là đủ. Bên ngoài sự tu tập của chúng ta không có Niết-bàn nào cả.

 

KHÔNG GÌ ĐẶC BIỆT Nếu quí vị tiếp tục tu tập pháp tu đơn giản này hằng ngày, quí vị sẽ đạt được một năng lực kỳ diệu nào đó. Khi chưa đạt được, nó là một cái gì đó đầy kỳ diệu, nhưng khi đạt được rồi, nó không có gì đặc biệt.”

 

Tôi không cảm thấy thích nói sau khi ngồi thiền. Tôi cảm thấy thực hành tọa thiền là đủ rồi. Nhưng nếu phải nói điều gì tôi nghĩ tôi sẽ thích nói về tu tập tọa thiền kỳ diệu như thế nào. Mục đích của chúng ta là chỉ giữ pháp tu này mãi mãi. Pháp tu này khởi sự từ thời vô thủy, và nó sẽ tiếp tục đến vị lai vô chung. Nói một cách nghiêm túc, đối với con người không có pháp tu nào khác hơn pháp tu này. Không có lối sống nào khác hơn cách lối sống này. Tu Thiền là cách biểu hiện trực tiếp chân tánh của chúng ta.

     Dĩ nhiên, bất cứ điều gì chúng ta làm cũng là biểu hiện chân tánh của chúng ta, nhưng không có pháp tu này thì khó mà nhận ra được. Bản tánh con người của chúng ta là hoạt động và là bản tánh của hiện hữu. Chừng nào chúng ta còn sống, chừng ấy chúng ta luôn luôn đang làm một điều gì đó. Nhưng bao lâu quí vị còn nghĩ, “Tôi đang làm điều này,” hay “Tôi phải làm điều này,” hay “Tôi phải đạt được một cái gì đặc biệt,” chừng ấy thực tế quí vị không đang làm gì cả. Khi quí vị bỏ cuộc, khi quí vị không còn muốn điều ấy nữa, hay khi quí vị không cố gắng làm bất cứ điều gì đặc biệt, lúc ấy quí vị làm điều gì đó. Khi không có ý niệm được nào trong những gì mình làm, lúc ấy quí vị làm điều gì đó. Trong tọa thiền, những gì quí vị đang làm không phải vì bất cứ cái gì hết. Quí vị có thể cảm thấy tựa như mình đang làm một điều gì đặc biệt, nhưng thực tế ấy chỉ là sự biểu hiện chân tánh của quí vị; ấy là sự hoạt động làm vơi đi lòng ham muốn sâu kín nhất của quí vị. Nhưng chừng nào quí vị còn nghĩ là mình đang tu tập tọa thiền vì một cái gì đó, thì đó không phải là chân tu tập.

        Nếu quí vị tiếp tục pháp tu đơn giản này hằng ngày, quí vị sẽ đạt được một năng lực kỳ diệu nào đó. Khi chưa đạt được, nó là một cái gì đó rất kỳ diệu, nhưng khi đạt được rồi, nó không có gì đặc biệt. Như một bài thơ Trung hoa viết:

 

            Lô sơn yên tỏa, Chiết giang triều,

            Vị đáo sinh bình hận bất tiêu.

            Đáo đắt hoàn lai vô biệt sự,

            Lô sơn yên tỏa, Chiết giang triều.[1]

           

Tạm dịch:                   

            Khói tỏa non Lô, sóng Chiết giang,

            Khi chưa đến đó những mơ màng.

            Đến rồi chẳng có gì khác biệt,

            Khói tỏa non Lô, sóng Chiết giang.

 

Người ta nghĩ rằng thực là tuyệt diệu khi nhìn thấy rặng núi nổi tiếng vì mây mù che phủ, và nước bao phủ cả trái đất. Nhưng nếu quí vị đến đó thì quí vị chỉ thấy nước và núi. Không có gì đặc biệt.

     Giác ngộ là một thứ huyền bí vì người ta chưa có kinh nghiệm về nó, nó là một điều kỳ diệu. Nhưng khi họ đạt được rồi, nó không là gì cả. Nhưng nó không phải không là gì cả. Quí vị có hiểu không? Đối với một bà mẹ có con, thì có con đâu có đặc biệt. Đó là tọa thiền. Như vậy, nếu cứ tiếp tục pháp tu này, quí vị sẽ có được một cái gì đó càng lúc càng nhiều – không gì đặc biệt, tuy nhiên một cái gì đó. Quí vị có thể nói, “bản tánh vũ trụ” hay “Phật tánh” hay “giác ngộ.” Quí vị có thể gọi nó bằng nhiều tên, nhưng đối với người có nó, nó không là gì cả, và nó là một cái gì đó.

     Khi chúng ta biểu hiện chân tánh mình, chúng ta là con người. Khi chúng ta không biểu hiện, chúng ta không biết chúng ta là gì. Chúng ta không phải là con vật, bởi vì chúng ta đi bằng hai chân. Chúng ta là cái gì đó khác với con vật, nhưng chúng ta là gì? Chúng ta có thể là ma; chúng ta không biết gọi mình là gì. Một sinh vật như thế không thực sự hiện hữu. Nó là một mê hoặc. Chúng ta không còn là con người nữa, nhưng chúng ta hiện hữu. Khi Thiền không phải là Thiền, không gì hiện hữu. Về phương diện lý trí, cuộc nói chuyện của tôi vô nghĩa, nhưng nếu quí vị có kinh nghiệm tu tập chân thực, quí vị sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Nếu có gì hiện hữu, nó có chân tánh riêng của nó, Phật tánh của nó. Trong kinh Đại-bát Niết-bàn, Phật nói, “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh,” nhưng Đạo Nguyên đọc nó theo cách này: “Tất cả chúng sinh Phật tánh.” Có sự khác nhau. Nếu quí vị nói, “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh,” có nghĩa là Phật tánh ở trong mỗi hiện hữu, như thế Phật tánh và mỗi chúng sinh khác nhau. Nhưng khi quí vị nói, “Tất cả chúng sinh Phật tánh,” có nghĩa là mọi chúng sinh chính là Phật tánh. Khi không có Phật tánh, không có gì cả. Cái gì tách rời Phật tánh chỉ là một mê hoặc. Nó có thể hiện hữu trong tâm quí vị, nhưng những cái như thế thực tế không hiện hữu.

     Như vậy, là một con người tức là một vị Phật. Phật tánh chỉ là một tên gọi khác của bản tánh con người, tánh người chân thật của chúng ta. Như vậy, mặc dù quí vị không làm bất cứ điều gì, thực ra quí vị đang làm một điều gì đó. Quí vị đang biểu hiện chính mình. Quí vị đang biểu hiện chân tánh của mình. Mắt của quí vị sẽ biểu hiện; tiếng nói của quí vị sẽ biểu hiện; cách hành xử của quí vị sẽ biểu hiện. Điều quan trọng nhất là biểu hiện chân tánh mình theo cách đơn giản nhất, thích đáng nhất và cảm kích nó trong sự hiện hữu nhỏ bé nhất.

     Trong khi quí vị tiếp tục pháp tu này, tuần này sang tuần khác, năm này sang năm khác, kinh nghiệm của quí vị sẽ bao gồm mọi điều quí vị làm trong đời sống hằng ngày. Điều quan trọng nhất là quên tất cả những ý niệm được, tất cả những ý niệm nhị nguyên. Đừng nghĩ về bất cứ điều gì. Chỉ ở trên chiếc bồ đoàn của mình mà không mong điều gì. Rồi cuối cùng quí vị sẽ phục hồi chân tánh mình. Tức là chân tánh của quí vị tự phục hồi. 



[1] Thơ của Tô Đông Pha. ND.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn