Dẫn nhập của Richard Baker

26 Tháng Mười 201503:47(Xem: 3494)
SHUNRYU SUZUKI
Đỗ Đình Đồng dịch
TÂM THIỀN, TÂM BAN SƠ
Những bài Tiểu tham về Thiền định và Tu tập của Shunryu Suzuki
Nguyên tác: Zen Mind, Beginner’s Mind
Tác giả: Shunryu Suzuki

DẪN NHẬP 

     Đối với một đệ tử của Lão sư Suzuki, tập sách này sẽ là tâm của Lão sư Suzuki – không phải cái tâm tầm thường hay tâm cá nhân của sư, mà là tâm Thiền của sư, cái tâm của thầy sư, Đại Hòa thượng Gyukujun, cái tâm của Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen zenji), cái tâm của toàn bộ sự truyền thừa – gián đoạn hay không gián đoạn, lịch sử hay huyền thoại – của các thầy, tổ, tăng nhân, và cư sĩ từ thời Phật đến ngày nay, và nó sẽ là tâm của Phật, tâm tu Thiền. Nhưng đối với đa số độc giả, tập sách sẽ là một thí dụ về một Thiền sư nói và dạy như thế nào. Nó sẽ là một tập sách chỉ dạy về tu Thiền như thế nào, về đời sống Thiền, và về thái độ và sự hiểu biết làm cho sự tu Thiền khả hữu. Đối với bất cứ người đọc nào, tập sách cũng sẽ là sự khuyến khích để nhận ra tự tánh mình, tâm Thiền của mình.

     Tâm Thiền là một trong những ngữ cú bí ẩn được các bậc thầy dạy Thiền dùng làm cho chúng ta chú ý đến chính mình, vượt qua bên kia ngôn từ và nghi vấn cái tâm và con người của chính chúng ta là gì. Đây là mục đích của tất cả việc dạy Thiền – làm cho chúng ta nghi vấn và trả lời nghi vấn bằng sự biểu hiện thâm sâu nhất của tự tánh chúng ta. Thư pháp trên bìa trước của tập sách này viết bằng chữ Nhật đọc là nyorai (như lai) hay tathagata trong tiếng Phạn. Đây là một danh hiệu chỉ Phật có nghĩa là “bậc đi theo đường đạo, trở về từ chơn như, hay như tánh, tánh là (is-ness), tánh không, bậc hoàn toàn viên mãn.” Ấy là nguyên lý nền tảng khiến cho một vị Phật khả hữu xuất hiện. Ấy là tâm Thiền. Lúc Lão sư Suzuki viết chữ này – sư dùng cây bút lông làm bằng cái đầu đã xơ chỉ của một trong những chiếc lá to của loài cây ngọc giá (yucca) hình lưỡi kiếm mọc trên các vùng núi quanh Trung tâm Zen Mountain Center – sư nói: “Đây có nghĩa Như Lai là thân của toàn thể trái đất.”

     Tu tập tâm Thiền là sơ tâm hay tâm của người mới bắt đầu. Cần sự ngây thơ trong tham vấn đầu tiên – Tôi là cái gì? – qua suốt sự tu tập Thiền. Tâm của người mới bắt đầu thì trống không, không có những thói quen của chuyên gia, sẵn sàng chấp nhận, nghi ngờ, và mở ra trước tất cả mọi khả hữu. Ấy là loại tâm có thể thấy sự vật như chúng hiện hữu, mà từng bước một và trong chớp nhoáng liền nhận ra bản tánh của mọi sự vật. Sự tu tập tâm Thiền được tìm thấy trong suốt tập sách này. Một cách trực tiếp hay đôi khi chỉ là ám chỉ, mọi phân đoạn của tập sách quan tâm đến câu hỏi làm thế nào duy trì thái độ này qua thiền định và trong đời sống của chúng ta. Đây là cách dạy của người xưa, dùng ngôn ngữ đơn giản nhất và những tình thế của đời sống hằng ngày. Điều này có nghĩa là người học nên tự dạy mình.

     Sơ tâm (tâm của người mới bắt đầu) là một ngữ cú sở thích của Thiền sư Đạo Nguyên. Thư pháp ở trang đầu sách, cũng của Lão sư Suzuki, đọc là shoshin (sơ tâm), hay tâm của người mới bắt đầu tu. Thư pháp Thiền là viết theo cách giản dị nhất như mình là người mới bắt đầu, không cố gắng làm cái gì đó có tính cách kỹ xảo hay đẹp, nhưng viết một cách đơn giản với sự chú ý trọn vẹn như mình đang khám phá cái gì mình viết lần đầu tiên; lúc ấy bản tánh đầy đủ của mình sẽ ở trong cách viết của mình. Đây là cách tu tập từng giây phút.

     Tập sách này được Marian Derby, một đệ tử thân cận của Lão sư Suzuki và là người tổ chức của nhóm Thiền Los Altos, thai nghén và khởi sự. Lão sư Suzuki tham dự những buổi thiền định tọa thiền của nhóm này một hay hai lần một tuần, và sau mỗi thời thiền định sư nói chuyện với họ, khuyến khích họ tu tập và giúp họ về các vấn đề. Marian đã thu âm những bài nói của sư và khi nhóm phát triển sớm thấy các bài nói có được sự liên tục và phát triển có tác dụng tốt như là một quyển sách và có thể là một ngữ lục được cần đến nhiều về tinh thần và giáo lý đáng chú ý của Lão sư Suzuki. Từ những ghi âm của các bài nói ấy qua một thời gian mấy năm, Marian đã chép ra và kết tập chúng lại với nhau thành bản thảo đầu tiên của tập sách này.

     Rồi một đệ tử thân cận khác của Lão sư Suzuki, Trudy Dixon, người có nhiều kinh nghiệm hiệu đính xuất bản của Zen Center, Wind Bell, đã hiệu đính và chỉnh đốn bản thảo để xuất bản. Hiệu đính loại sách này và giải thích lý do tại sao sẽ giúp cho độc giả hiểu tập sách tốt hơn thì không phải dễ. Lão sư Suzuki dùng cách khó nhất nhưng đầy thuyết phục để nói về Phật giáo – nhất là những tình huống hằng ngày của đời sống con người – cố gắng chuyển vận toàn bộ giáo lý trong những câu nói đơn giản như “Uống trà đi.” Người hiệu đính phải cảnh giác về những phức tạp phía sau những phát biểu như thế để không hiệu đính bỏ đi chân nghĩa của các bài nói vì sự trong sáng hay về mặt ngữ pháp. Cũng vậy, không biết rõ Lão sư Suzuki và không có kinh nghiệm làm việc với sư, thì dễ hiệu đính bỏ đi cái hiểu bối cảnh mà nó là nhân cách hay năng lực hay ý chí của sư vì cùng những lý do đó. Và cũng dễ hiệu đính bỏ đi cái tâm sâu xa của độc giả cần sự lặp đi lặp lại, luận lý có vẻ u tối, và tính thi ca để biết chính nó. Những đoạn dường như u tối hay rõ ràng thường chiếu sáng khi đọc chúng rất cẩn thận, thắc mắc muốn biết tại sao người này nói điều như thế.

     Sự hiệu đính còn phức tạp hơn nữa do sự kiện Anh ngữ mang tính nhị nguyên rất sâu đậm trong những giả định căn bản của nó và qua hằng thế kỷ nó không có cơ hội để phát triển cách diễn đạt những ý nghĩ phi nhị nguyên của Phật giáo như Nhật ngữ. Lão sư Suzuki dùng một cách rất tự do những từ ngữ khác nhau về văn hóa này, biểu hiện mình trong sự kết hợp cách suy nghĩ mang thuộc tính tình cảm của người Nhật và cách mang ý tưởng đặc biệt phương Tây cho những người lắng nghe sư tạo nên một ý nghĩa toàn hảo về các mặt thi ca và triết lý. Nhưng trong sự chép lại, những chỗ ngắt hơi, nhịp điệu, và nhấn mạnh khiến cho lời sư có ý nghĩa sâu xa hơn và giữ những ý nghĩ của sư lại với nhau thì có khuynh hướng bị đánh mất.Vì thế, Trudy đã làm việc với Lão sư Suzuki để giữ lại ngôn từ và ý vị nguyên bản của sư, và như thế tạo được một bản thảo bằng Anh ngữ có thể hiểu được.

     Trudy chia sách theo sự nhấn mạnh thành ba phần – Tu tập Đúng, Thái độ Đúng, và Hiểu Đúng – một cách sơ lược tương ứng với thân, cảm giác và tâm. Cô ấy cũng chọn nhan đề cho các cuộc nói chuyện và các đề từ theo sau các nhan đề, chúng thường được lấy từ chính các bài thuyết giảng. Dĩ nhiên những sự lựa chọn ấy có hơi độc đoán, cô ấy đã làm như thế để tạo nên sự khẩn trương giữa các phần đặc biệt, nhan đề, và đề từ, và chính các bài nói. Sự tương quan giữa các bài nói và các yếu tố thêm vào này sẽ giúp độc giả thăm dò các bài thuyết giảng. Bài nói duy nhất vốn không phải cống hiến cho nhóm Los Altos là lời Bạt ở cuối sách. Nó là sự cô đọng của hai bài nói được ban cho khi Trung tâm Zen Center dời đến trụ sở mới ở San Francisco.

     Chẳng bao lâu sau khi hoàn tất việc làm sách này, Trudy mất vì bệnh ung thư lúc ba mươi tuổi. Cô ấy để lại hai người con, Annie và Will, và chồng của cô, Mike, một họa sĩ. Anh ấy đóng góp bức tranh con ruồi ở trang 64. Là một Thiền sinh trong nhiều năm, khi được yêu cầu làm một cái gì cho tập sách này, anh ấy nói: “Tôi không thể vẽ tranh Thiền. Tôi không thể vẽ vì cái gì khác hơn là vẽ tranh. Chắc chắn tôi không thể xem vẽ tranh về tọa cụ (zafu) hay hoa sen hay vật thay thế một cái gì đó. Dù tôi có thể thấy được ý tưởng này.” Một con ruồi hiện thực thường hiện đến trong các bức tranh của Mike. Lão sư Suzuki rất thích con nhái ngồi rất tĩnh lặng có thể là nó buồn ngủ, nhưng đủ cảnh giác để chú ý đến mọi côn trùng đến gần nó. Có thể con ruồi đang chờ con nhái.

     Trudy và tôi cùng nhau làm việc về tập sách trong nhiều cách và cô ấy yêu cầu tôi hoàn thành việc hiệu đính, viết lời giới thiệu và trông coi việc xuất bản nó. Sau khi để ý đến mấy nhà xuất bản, tôi thấy rằng John Weatherhill, Inc., qua Meredith Weatherby và Audie Bock, là có thể trau chuốt, thiết kế, và xuất bản tập sách này đúng theo cách nó nên được xuất bản. Bản thảo đã được Giáo sư Kogen Mizuno, trưởng phân khoa Nghiên cứ Phật giáo, Đại học Komazawa, và là một học giả xuất sắc về Phật giáo Ấn độ, đọc trước khi xuất bản. Ông đã rộng lượng giúp chuyển chữ các thuật ngữ Phật giáo Phạn ngữ và Nhật ngữ.  

     Lão sư Suzuki không bao giờ nói về quá khứ của mình, nhưng đây là những gì tôi ghép từng mảng lại với nhau. Sư là đệ tử của Đại hòa thượng (Daiosho) Gyukujun So-on, một trong những Thiền sư Tào Động hàng đầu vào thời ấy. Dĩ nhiên sư cũng có những vị thầy khác, một trong các vị ấy nhấn mạnh sự hiểu biết sâu xa và cẩn thận về các kinh. Cha của Lão sư Suzuki cũng là một Thiền sư, và khi còn là một cậu bé, Suzuki đã bắt đầu tập sự dưới Gyokujun, một đệ tử của cha sư. Lão sư Suzuki đã được thừa nhận là một Thiền sư khi sư còn khá trẻ, tôi nghĩ vào khoảng ba mươi tuổi. Trách nhiệm của sư ở Nhật Bản gồm cả nhiều ngôi chùa và một tự viện, và sư chịu trách nhiệm xây lại năm bảy ngôi chùa. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, sư là người lãnh đạo một nhóm hoạt động hòa bình ở Nhật. Khi còn trẻ sư đã thích đến châu Mỹ, nhưng đã từ bỏ ý tưởng ấy lâu rồi trước khi sư được một người bạn yêu cầu sư đến San Francisco trong một hay hai năm để dẫn dắt cộng đồng Phật giáo Tào Động Nhật Bản ở đó.

     Vào năm 1958, lúc năm mươi ba tuổi, sư đến Mỹ. Sau khi đã triển hoãn sự trở về mấy lần, sư quyết định ở lại Mỹ. Sư ở lại bởi vì sư thấy rằng người Mỹ có sơ tâm (shoshin), mà họ có một vài tiên niệm về Thiền, khá mở trống với nó, và tin tưởng rằng nó có thể giúp đời sống của họ. Sư thấy họ đặt vấn đề Thiền theo cách nó mang lại đời sống Thiền. Chẳng bao lâu sau khi sư đến, nhiều người đã ghé lại và hỏi họ có thể học Thiền với sư không. Sư nói sư ngồi thiền vào mỗi sáng sớm và họ có thể tham gia nếu họ thích. Từ đó một nhóm Thiền khá lớn phát triển quanh sư – bây giờ có sáu địa điểm ở California. Hiện tại, sư dùng phần lớn thời giờ của sư ở Trung tâm Zen Center, số 300 đường Page, San Francisco, nơi có khoảng sáu mươi học viên sống và nhiều người nữa tọa thiền thường xuyên, và ở Trung tâm Zen Mountain Center ở Tassajara Springs bên trên Thung lũng Carmel. Trung tâm sau là Thiền viện đầu tiên ở Mỹ và ở đó có khoảng sáu mươi học viên khác sống và tu tập trong những thời kỳ ba tháng hay dài hơn.

     Trudy cảm thấy rằng hiểu các Thiền sinh cảm thấy thế nào về thầy của họ, nhiều hơn bất cứ việc gì khác, có thể giúp người đọc hiểu các bài nói này. Những gì người dạy thực sự cống hiến cho người học là bằng chứng sống thực mà tất cả những bài nói này và các mục đích dường như khả hữu có thể nhận ra được trong đời này. Càng đi sâu hơn vào tu tập của mình, bạn càng thấy sâu hơn tâm của thầy mình, cho đến cuối cùng bạn thấy rằng tâm của mình và tâm của thầy là tâm của Phật. Và bạn thấy rằng thiền định của tọa thiền là sự biểu hiện hoàn hảo nhất bản tánh thực tế của mình. Sau đây là lời bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng của Trudy đối với người thầy của cô, miêu tả rất hay mối quan hệ giữa Thiền sư và Thiền sinh:

     “Một vị Lão sư là một người hiện thực sự tự do toàn hảo mà nó là tiềm năng cho tất cả mọi con người. Ông hiện hữu một cách tự do trọn vẹn toàn bộ con người ông. Dòng tâm thức của ông không phải là những kiểu mẫu lặp đi lặp lại của tâm thức vị ngã thông thường của chúng ta, mà đúng hơn nó phát sinh một cách tự phát và tự nhiên từ hoàn cảnh thực tế của hiện tại. Những kết quả của điều này nói lên phẩm chất đời sống của ông là phi thường – hăng hái, nghị lực, thẳng thắn, giản dị, khiêm tốn, điềm tĩnh, vui vẻ, sáng suốt không kỳ bí, và lân mẫn vô lượng. Toàn thể con người của ông chứng minh những gì có nghĩa là sống thực tại hiện tiền. Không nói hay làm một điều gì, chỉ là tác động của sự gặp gỡ một nhân cách đã phát triển như thế có thể đủ để thay đổi toàn bộ cách sống của một người khác. Nhưng cuối cùng nó không phải là những cái phi thường của người thầy làm bối rối, gây tò mò, và làm cho người học trở nên thâm sâu hơn, mà là sự hoàn toàn bình thường của người thầy. Bởi vì ông chỉ là ông, ông là tấm gương cho người học trò. Khi chúng ta ở cùng với ông chúng ta cảm thấy những điểm mạnh và những khuyết điểm của chúng ta không có nghĩa là chúng ta được ông ca tụng hay chỉ trích. Trước sự hiện diện của ông chúng ta thấy bộ mặt xưa nay của mình, và sự phi thường chúng ta thấy chỉ là chân tánh của chúng ta.

     Khi chúng ta biết để cho bản tánh của mình tự do, các biên giới giữa thầy và trò biến mất trong dòng hiện thể thâm sâu và niềm vui trong sự khai mở của tâm Phật.”

 

Kyoto, 1970                                                     Richard Baker

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 2015(Xem: 17349)
Tôi đã từng nghe về một Vạn Phật Thánh Thành cách đây vài mươi năm về trước, khi từ thời ngài Tuyên Hóa còn sống trước năm 95 nhưng quả thật tôi chưa đủ duyên để diện kiến ngài và tu học dưới mái chùa ngài.
15 Tháng Giêng 2015(Xem: 7413)
Vun xới các phẩm tính nội tâm chính là cách hữu hiệu hơn cả để giúp mình giúp đỡ kẻ khác. Tuy ban đầu thì các kinh nghiệm mà mình thu thập được cũng chỉ liên quan đến cá nhân mình, thế nhưng sau cùng thì chúng cũng sẽ mang lại cho mình một sự cảm thông sâu rộng hơn đối với vạn loài chúng sinh.
05 Tháng Giêng 2015(Xem: 8550)
Trong giòng sống lịch sử, mọi sự thăng trầm, thạnh suy, bỉ thái đều có quy luật tất yếu liên quan đến Đạo lý Nhân Quả. Thiền giúp chúng ta không nhận thức sai lầm về Nhân Quả, mà phải thấu suốt Nhân quả thật rõ ràng, biết giữ vị trí đúng, quan hệ đúng và hành động đúng trong mọi tình huống, mọi thời đại, không bị các thế lực vô minh lôi cuốn, nhấn chìm.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14324)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn
25 Tháng Chín 2014(Xem: 6833)
Thiền định, thiền quán và thiền định thiền quán song tu, hay nói gọn theo người xưa là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu, của Đại thừa được đặt nền trên thực tại tối hậu mà các kinh thường gọi là Thật tướng của tất cả các pháp, Pháp tánh, tánh Không, Chân như, Phật tánh, Pháp giới tánh, Pháp thân…
08 Tháng Tám 2014(Xem: 7638)
Ở Tây phương có rất nhiều quan niệm sai lầm về Thiền quan hệ đến một số điểm cốt yếu mà bên Đông phương cho là dĩ nhiên, nhưng tâm thức Tây phương không hiểu và tán thưởng nổi. Trước hết, trong việc nghiên cứu Thiền, không phải chỉ học giáo lý là quan trọng, mà phải biết đôi chút về lối sống của các Thiền gia ở các nước Đông phương.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 14099)
Thực tại Thiền không phải là cái gì mới lạ. Đó là Phật tánh trong kinh Đại Bát Niết Bàn, là Tri Kiến Phật hay Thật tướng của các pháp trong kinh Pháp Hoa, là Như Lai Tạng trong kinh Lăng Nghiêm, Thắng Man, là Pháp Giới Tánh trong kinh Hoa Nghiêm, là Tánh Giác trong kinh Viên Giác, là Tánh Không trong kinh Đại Bát Nhã, là Thánh Trí Tự Giác trong kinh Lăng Già…
07 Tháng Bảy 2014(Xem: 13325)
Trước đây nhiều Tăng Ni, Phật tử Nam Bắc Tông cho rằng thiền Phật giáo Nguyên Thủy và thiền Phật giáo Phát Triển là hai loại thiền hoàn toàn khác biệt và thậm chí bên nào cũng tự cho rằng thiền của tông môn mình hay hơn, đúng hơn. Tất nhiên điều này phát xuất từ sự nghiên cứu, học hỏi một chiều, nặng cảm tính hơn là sự đối chiếu, so sánh một cách nghiêm túc, khách quan.
06 Tháng Sáu 2014(Xem: 9775)
Khi nghe chữ “thiền” thì nhiều người có những ý niệm khác nhau. Đối với một số người thì thiền tạo ra hình ảnh của một số pháp tu huyền bí mà bằng cách nào đó, bạn đi đến một cõi giới khác hẳn trong tâm trí. Đối với một số người khác thì thiền có thể tạo ra ý tưởng về một loại kỷ luật nào đó mà chỉ có một số người áp dụng ở Á châu.