Chương Ii: Tư Tưởng Của Trí Giả Đại Sư

15 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 8298)

LỤC DIỆU MÔN &
Ý Nghĩa Thiền Chỉ Quán
Thích Đức Trí

CHƯƠNG II

TƯ TƯỞNG CỦA TRÍ GIẢ ĐẠI SƯ

 

  1. 1. Trí Giả Đại Sư tiếp thu tư tưởng của Long Thọ

 

Trí Giả Đại Sư đã khai sáng ra Thiên Thai Tông tại Trung Quốc, ngoài y cứ các kinh luận của Phật giáo, ngài còn ảnh hưởng rất sâu đậm tư tưởng của Long Thọ. Long Thọ được xem là vị đại sĩ xiển dương giáo lý đại thừa ở thế gian được Phật huyền kí ở kinh Lăng Già: “Nhập lăng Già Kinh vân: Thiện Thệ Niết Bàn hậu, vị lai thế đương hữu Nam Thiên Trúc Tỳ Kheo quyết hiệu vi Long Thọ, năng phá hữu vô tông, hiễn ngã đại thừa pháp...”.[1]Có nghĩa là: Kinh Nhập Lăng già có nói rằng: Sau khi Ta nhập Niết Bàn, đời tương lai có Tỳ Kheo ở nam Thiên Trúc (Thuộc Ấn Độ), hiệu là Long Thọ, hay phá trừ các luận thuyết Có và Không để xiển dương giáo pháp đại thừa của ta…

 Thiên Thai Tông lấy Long Thọ làm sơ tổ, Thiền Sư Huệ Văn làm vị tổ thứ hai, Thiền Sư Huệ Tư làm vị tổ thứ ba. Trong tác phẩm Ma Ha Chỉ Quán có viết: “Cao Tổ Long Thọ Bồ Tát, Nhị Tổ Bắc Tề Huệ Văn Tôn Giả, Tam Tổ Huệ Tư Tôn Giả.”[2] Trí Giả rất chú trọng tư tưởng Đại Trí Độ Luận do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, nổi bật nhất là tư tưởng trung đạo.

 Ma Ha Chỉ Quán có viết một pháp ngữ rất hay để diễn tả ý đó “nhất sắc nhất hương vô phi trung đạo”[3]. Có nghĩa là một chút sắc một chút hương cũng là trung đạo thực tướng. Sắc và hương thuộc vi tế vật chất, thể tánh chơn không là trung đạo. Pháp giới vốn vô sai biệt, mê là thấy chúng sanh giới, ngộ là thấy Phật giới. Triết lý ấy dạy rằng hoàn toàn không có tướng đối đãi, không thiên lệch nhị biên hay chủ thể và đối tượng. Tâm thanh tịnh thì cảnh vật xung quanh đều thanh tịnh, tâm ô nhiễm thì thấy mọi hình ảnh đều sai biệt. Từ nhị đế của Trung Quán luận mà xây dựng ba phép quán: quán không, quán giả, quán trung. Dựa trên nguyên tắc này mà thiền quán để đạt được sự thấy biết chơn thực và giác ngộ tuyệt đối.

 Muốn chứng ngộ là thực hiện thiền quán bằng những bước cụ thể để thực nghiệm tâm linh, lý luận suông sẽ không đạt được kết quả. Trong Thiên Thai Tông còn có pháp ngữ “nhất tâm tam quán” trình bày thực tướng trung đạo, tức quán các pháp không có tự ngã, mọi hiện tượng xuất hiện đều do các điều kiện khác mà có. Tất cả những ý nghĩa trên đều nói lên mối quan hệ thiền giáo của Thiên Thai với triết lý Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ.

 

 

  1. 2. Trí Giả Đại Sư thừa kế tư tưởng Thiền Sư Huệ Tư

 

Thiền sư Huệ Tư được xưng là Đông Độ Thiên Thai Tam Tổ. Ngài là vị cao tăng thời đại Nam Bắc triều của Trung Quốc. Người đời thường xưng là Nam Nhạc Tôn Giả, Tư Đại Hòa Thượng, Thiền Sư Huệ Tư. Từ nhỏ vốn yêu chuộng Phật pháp, xuất gia rồi chuyên tụng kinh pháp Hoa tính đến ngàn biến. Trong quá trình tu học đã bái kiến Huệ Văn thiền sư cầu pháp. Huệ Văn nhân đọc Đại Trí Độ Luận của Long Thọ được chứng ngộ pháp Nhất Tâm Tam Quán, về sau truyền Pháp quán này cho Huệ Tư.

 Huệ Tư thiền sư rất uyên thâm tư tưởng Bát Nhã và Pháp Hoa Kinh, có sáng tác ba tác phẩm Phật học đáng chú ý, một là “Pháp Hoa An Lạc Hạnh Nghĩa” gồm một quyển, hai là “Tùy Tự Ý Tam Muội”, ba là “Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư Phát Nguyện Văn”. Sau đó Huệ Tư đã truyền pháp môn chỉ quán cho Trí Giả Đại Sư.

 Trong thiền môn của Huệ Tư, Trí Giả tu học tinh tấn và dụng công rất rốt ráo. Ngoài tụng kinh bái sám thường nhập định quán pháp, về sau đắc được Pháp Hoa Tam Muội và được Huệ Tư ấn chứng: “Nhữ khả truyền đăng, mạc tác tối hậu đoạn Phật chủng nhân. Sư ký thừa”[4]. Ý nghĩa ấy là: Ông có thể truyền nối dòng pháp đừng để về sau đoạn mất giống Phật, Trí Giả đã thừa kế sự ấn chứng này.

Điều này minh chứng rõ ràng, Trí Giả Đại Sư đắc pháp từ Thiền Sư Huệ Tư. Như vậy, pháp Nhất Tâm Tam Quán được truyền thừa từ Huệ Văn đến Huệ Tư và đến Trí Giả Đại Sư. 

Trí Giả đã thừa kế tư tưởng thiền học của hai vị thiền sư nói trên và triển khai pháp Nhất Tâm Tam Quán, tức quán không, quán giả, quán trung trong mỗi niệm. Ý nghĩa này giúp ta nhận thức rằng thông qua phương pháp Chỉ Quán là Pháp truyền thừa từ các Tổ sư đã tu chứng.

 

 

  1. 3. Trí Giả đại sư vận dụng tư tưởng kinh Pháp Hoa

 

Pháp Hoa Kinh là đại biểu cho tư tưởng triết lý Phật Giáo Đại Thừa, thuyết minh ý nghĩa tam thừa giáo, quy về nhất Phật thừa. Tam thừa là Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa. Đức Phật tùy căn cơ chúng sanh mà phương tiện nói ra ba thừa này. Đến lúc chúng đệ tử trình độ cao, Ngài bắt đầu thuyết nhất thừa giáo, nên gọi là Hội Tam Quy Nhất.

 Tư tưởng chủ đạo kinh Pháp Hoa trình bày quả vị rốt ráo của đại thừa là chứng Phật quả. Trong kinh có dạy: “Xá Lợi Phất! Thập phương thế giới trung thượng vô nhị thừa, hà huống hữu tam”[5]. Có nghĩa rằng – Này Xá Lợi Phất, trong mười phương thế giới không có hai thừa huống nữa có ba. Ý nghĩa của tam thừa chỉ là phương tiện, chỉ có Phật thừa là cứu cánh. Do vậy Pháp Hoa Kinh được Phật tán thán là vua của các kinh. Tu học theo tư tưởng của kinh Pháp Hoa là hành Bồ Tát đạo, để hướng đến quả vị Phật.

 Trí Giả Đại Sư đã vận dụng tư tưởng Pháp Hoa để làm yếu chỉ cho giáo quán Thiên Thai Tông. Đại Sư vốn là một thiền sư đắc pháp và được xem là một hành giả của Pháp Hoa. Thuở nhỏ chuyên tụng Phổ Môn Phẩm trong kinh Pháp Hoa, từ đó một lòng ngưỡng mộ triết lý kinh Pháp Hoa. Trí giả đã xuất gia ở chùa Quả Nguyện với Huệ Khoang luật sư - một vị cao tăng rất tinh thông về Luật tạng. Sau đó, đến Tô Sơn cầu đạo với Huệ Tư, vừa diện kiến Huệ Tư đã nói rằng : “Tích tại Linh Sơn đồng thính Pháp Hoa, túc duyên sở truy, kim phục lai hề”[6]Có nghĩa :Xưa kia đã cùng nhau nghe Kinh Pháp Hoa ở hội Linh Sơn, nhờ nhân duyên thù thắng đó, nay được gặp nhau tại đây.

 Thời gian này Trí giả chuyên tâm tu tập, đã nhập Quán ba mươi bảy ngày liên tiếp sau đó đắc Pháp Hoa tam muội. Về sau Trí giả đắc pháp Nhất Tâm Tam Quán và được Huệ Tư xem là người thừa kế dòng pháp này.



[1] Phật tổ thống ký,đại chánh tạng, quyển 6

[2] Thiên Thai cữu Tổ Truyện,đại chánh tạng,quyển 20

[3] Trí Khải “ Ma Ha Chỉ Quán” đại chánh Tạng ,quyển 1

[4] Ảnh Đức Truyền Đăng Lục ,đại chánh Tạng, quyển 27 trang 51

[5] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, đai chánh Tạng, quyển 1 trang 109

[6] Cao tăng truyện trích yếu, đại chánh Tạng , quyển 2

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn