4. Những Mối Quan Hệ

12 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 10404)

THIỀN TRONG
TÌNH YÊU VÀ CÔNG VIỆC
Nguyên tác: Everyday Zen — Love & Work
Tác giả: Charlotte Joko Beck
Biên tập: Steve Smith
Dịch Việt: Lương Thanh Bình

Article I. Chương 4: Mối quan hệ

Section 1.01 Sự tìm kiếm

Mỗi thời khắc trong đời sống của chúng ta đều có mối tương quan tồn tại. Không có gì có thể ở ngoài sự liên hệ. Giây phút này, mối liên hệ của tôi là tấm thảm, căn phòng, cơ thể, âm thanh của giọng nói. Không có gì khác cả ngoại trừ sự liên hệ trong từng giây thời gian. Khi ta tu tập, cái mà tăng trưởng trong cuộc sống của ta là: một, sự hiểu biết rằng, không có gì cả chỉ là mối liên quan tới những gì đang xảy ra trong hiện tại; hai, lòng nhiệt tình của ta tăng cao trong những mối tương quan này. Rõ là quá đơn giản — vậy cái gì là những chướng ngại? Cái gì đã làm trở ngại lòng nhiệt tình của ta trong mối tương quan với một người, hoặc trong nghiên cứu, trong việc làm, trong lúc giải trí? Cái gì là vật cách ngăn?

Bởi vì chúng ta không luôn luôn thật sự hiểu đúng đắn ý nghĩa là gì trong sự tương quan với giây phút hiện tại, cho nên chúng ta mãi đi tìm kiếm. Khi tôi nhận một cú điện thoại gọi đến trung tâm, tôi hỏi, “À! Bạn đang nghĩ gì?” Họ có thể nói, “Tôi là người đang đi tìm kiếm.” Họ nói rằng, họ đang đi tìm cầu một đời sống tâm linh. Những người mới đến trung tâm nói với tôi, “Tôi đến đây để đi tìm kiếm.” Đó cũng là một điều tốt tương tự như phần giới thiệu cho tu tập; ta sẽ tìm kiếm nếu ta cảm nhận ra cuộc đời mình đang thiếu một thứ gì đó. Theo ngôn từ truyền thống, ta đang đi tìm “Thượng đế”; hoặc theo ngôn ngữ thời đại là tìm “Thật Ngã”, “Chân lý cuộc đời” hay là bất cứ từ ngữ nào khác mà nếu ta muốn gọi. Nhưng điều quan trọng vẫn là hiểu được ý nghĩa của cái đang đi tìm. Nếu ta muốn một đời sống hài hòa, trong sáng, thanh bình, ta phải hiểu rõ cái gì ta đang đi tìm.

Vậy chúng ta đang đi tìm cái gì? Tùy vào trường hợp mỗi người, bối cảnh quá khứ, điều kiện chung quanh, thì cái cầu tìm có thể khác nhau cho từng người; nhưng rốt ráo, tất cả chúng ta đều tìm một đời sống hoàn mỹ. Chúng ta có thể định nghĩa đời sống đó như: một người hôn phối toàn diện, một việc làm tốt, và một nơi đầy đủ tiện nghi để sống. Ngay cả những điều hoàn mỹ kia có vẻ xa vời đối với chúng ta, chúng ta vốn biết thế, nhưng chúng ta vẫn muốn có được nó. Cho nên, chúng ta đang luôn luôn mãi đi tìm.

Trong lối tu tập như thế này, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm thứ gì đó mà ta gọi là trạng thái “giác ngộ.” Đó là một dạng tìm kiếm rất vi tế. Nhưng ta phải biết tìm từ nơi đâu chứ. Nếu bạn nhìn bầu trời San Diego về đêm, để hy vọng sẽ thấy được sao Nam cực, bạn sẽ không bao giờ thấy nó. Bạn cần phải qua Úc châu thì mới có thể. Chúng ta phải biết ý nghĩa của cái mà mình muốn tìm. Chúng ta phải biết xoay chiều cái quan niệm của mình trong sự tìm kiếm này. Và tu tập là một loại xoay chiều. Giác ngộ không phải là thứ gì mà ta có thể tìm, nhưng ta lại nghĩ rằng ta phải tìm một thứ gì đó. Vậy chúng ta đang tìm gì đây?

Mặc dù tôi đang sống với đời sống của mình, lăn trôi giữa dòng đời không phải là điều mà làm tôi hứng khởi. Chừng như có cái gì đó thiếu vắng ở đây, cho nên tôi có ý muốn ra công tìm kiếm phần thiếu sót này. Tôi thơ thẩn bên ngoài trung tâm giống như tia ánh sáng trên bánh xe lăn. Đầu tiên, tôi đi lại đây, rồi kế tôi đi đến đó. Tôi thử cái này vào, rồi tôi từ bỏ cái kia. Cái này thì tốt, cái kia thì không. Tôi đi tìm, tìm, tìm.. Có lẽ tôi tìm một người hôn phối lý tưởng: “A! người này có nhiều điểm thích hợp, nhưng cô ta chắc chắn vẫn còn thiếu nhiều mặt khác.” Tùy thuộc vào mức khó khăn của chúng ta, ta tìm, ta đi tìm, ta tiếp tục đi tìm.. Chúng ta có thể nghĩ, chúng ta không bao giờ có một công việc làm thích hợp. Cho nên, chúng ta tìm và quan trọng hóa vấn đề. Thay vì, chúng ta có thể làm tốt hơn công việc của mình đang có, hoặc là chúng ta nghĩ, “Tôi không nói cho ai biết cả, nhưng tôi sẽ không làm việc này dài lâu.” Theo chiều hướng này, điều này cũng không có vấn đề gì cả. Tôi không nói phải làm một việc làm mãi mãi. Hành động nông nổi không phải là vô giá trị. Sự thật là, chúng ta luôn nghĩ, thực chất của sự đi tìm là có giá trị.

Nếu ta dừng lại (tạm không nhìn, tìm), ta còn lại những gì? Chúng ta còn lại với những gì ta đang có ở đây từ bao giờ. Ẩn tàng phía dưới của tất cả sự tìm kiếm vốn chất chứa dẫy đầy lo lắng và khó chịu. Ở vào một thời điểm nào đó ta sẽ nhận ra rằng, điều quan trọng không phải là sự tìm kiếm, mà là chính nỗi đau đớn và lo sợ đã thúc đẩy cho sự tìm kiếm này. Đó là phút giây kỳ diệu — khi chúng ta hiểu biết ra được sự tìm kiếm bên ngoài ta vốn không phải là phương cách đúng đắn. Trước tiên, nó lóe ra trong chúng ta một đầu mối của vấn đề. Dần dần nó càng trở nên tỏ rõ theo thời gian khi ta chịu đựng khổ đau. Bạn thấy không, những gì chúng ta tìm kiếm sẽ làm cho chúng ta thêm thất vọng. Bởi vì vốn không có trạng thái lý tưởng, công việc hoàn hảo, nơi sống tuyệt vời. Do đó, sự tìm kiếm sẽ kết thúc đúng vào một nơi; đó là … thất vọng. Một nơi tốt đẹp.

Nếu chúng ta có chút tư duy thì rồi cuối cùng cũng chợt bừng tỉnh: “Tôi đã từng làm thế này.” Và ta bắt đầu thấy ra rằng, vấn đề không phải là sự tìm; có gì đó (quan kiến) sai lầm về nơi chốn mà chúng ta nhìn. Rồi chúng ta trở lại lần này sang lần khác với nỗi tuyệt vọng luôn luôn tồn tại ở đây. Cái gì nằm phía dưới tất cả những tác động đi tìm? Nỗi sợ hãi. Nỗi bất an. Nỗi đau buồn. Cảm giác bất hạnh. Chúng ta trong cơn đau và đã dùng sự tìm kiếm để làm giảm bớt, xoa dịu cơn đau. Chúng ta bắt đầu thấy được cơn đau kéo đến bởi vì chính chúng ta ngắt nhéo lấy chính mình. Chỉ cần hiểu biết được điều này cũng đã làm cho ta khuây khỏa, hoặc hơn nữa là có một chút bình an. Sự bình an chúng ta luôn luôn tìm kiếm khó khăn vốn luôn luôn nằm trong sự nhận biết “sự thật” này. Tôi đang đánh đấm lấy tôi; không có ai khác làm cho tôi đau khổ.

Do đó, tất cả mọi sự kiếm tìm nên bỏ đi. Khi nào ta dừng lại, ta sẽ thấy rằng sự tu tập không phải là sự tìm kiếm. Tu tập là có mặt với quá trình chịu đựng (chính sự chịu đựng thúc đẩy sự tìm, là bất an, đau buồn). Đây là lúc quay trở lại.

Quá trình này không phải tất cả xảy ra ở một lần. Tham ái đeo đuổi theo dục lạc có một sức quyến rũ mãnh liệt làm cho ta bị choáng ngợp. Không cần biết tôi đang nói gì, sau khi tất cả mọi người rời khỏi nơi đây, chỉ năm phút thôi, mọi người chúng ta sẽ đi tìm thứ gì đó có thể giúp ta. Giống như một lời nguyền, “Tham vọng không bao giờ cạn kiệt.” Nhưng bạn sẽ không thể làm cạn kiệt lòng tham muốn bằng sự tìm kiếm; mà bạn sẽ sa thải chúng bằng cách kinh nghiệm những gì nằm ẩn kín bên dưới chúng.

Thế là chúng ta bắt đầu có hiểu biết về tính cần thiết của sự tu tập. Tu tập không phải như một khóa học, ví như lớp bơi lội. Nhiều người nói với tôi, “Tôi không có thời giờ cho sự tu tập của tôi trong khóa này. Joko, tôi bận quá. Khi nào tôi có thời gian rộng rãi, tôi sẽ trở lại sự tu tập của tôi.” Đó là vì họ không hiểu biết đúng đắn về tu tập là gì. Tu tập là luôn luôn bận rộn, luôn bị phiền toái — mà chính ta luôn kinh nghiệm trạng thái đang có.

Cho nên có hai câu hỏi. Một là, ta có hiểu được sự cần thiết của tu tập chăng? Ở đây, không có nghĩa là chỉ nói đến Tọa thiền. Tôi có hiểu được sự cần thiết tu tập cho cả cuộc đời còn lại của tôi không? Hai là, tôi có biết tu tập là gì không? Tôi có thật sự biết không? Tôi từng gặp nhiều người, họ vẫn còn làm trong suốt hơn hai-mươi năm những gì mà gọi là tu tập. Nếu thời gian này họ bỏ ra để luyện nghệ thuật đánh gôn có lẽ sẽ có lợi ích hơn cho họ.

Bây giờ đây, mỗi người trong chúng ta có thể nhìn vào cuộc đời của chính mình. Chúng ta sẽ tìm kiếm những gì? Nếu chúng ta có thể nhìn xuyên thấu qua sự lục soát, chúng ta có thấy được nơi mà ta phải tìm chăng? Chúng ta thấy những gì ta có thể làm không? Sự tu tập có tính tự nguyện sẽ xảy ra từ lý lẽ là không có gì khác cần làm. Loại quyết định này có thể phải mất hai-mươi-lăm năm mới có được. Vậy hai câu hỏi là: Tôi có hiểu được sự cần thiết của tu tập? và Tôi có biết tu tập là cái gì không?

Hỏi: Theo tôi nghĩ, tu tập là từng giây phút mở lòng ra đón nhận tất cả những cảm xúc giác quan đến với tôi cũng giống như tư tưởng của tôi.

Joko: Một cách (hay ở bình diện của) kinh nghiệm thì đúng, nhưng vẫn cần phải xa thêm hơn nữa. Theo đường lối tu tập thì vậy cũng tạm đủ cho bây giờ rồi.

Hỏi: Tôi nghĩ rằng, tu tập là có mặt trong những nỗi đau buồn, bất an nằm bên trong, và an bày cũng như kết hợp chúng vào những mối tương quan của ta.

Joko: An bày và kết hợp với chúng nghĩa là thế nào?

Hỏi: Ví dụ như, khi ta thật sự hờn giận: ta là cơn giận, kinh nghiệm nó xem nó tác động nơi thân thể ta ra sao; đồng thời cũng nhận xét xem những tư tưởng phát sinh do cơn giận tạo ra.

Joko: Đúng thế! Nhưng thỉnh thoảng nhiều người nói với tôi những gì họ nên làm, trái lại đó chính là những thứ họ lại không làm.

Hỏi: Đó bởi là vì ta không ở trong trạng thái thật sự cho phép ta cảm nhận và kinh nghiệm những nỗi đau buồn ở trong thời điểm nó xảy ra.

Joko: Tôi rất tán thành. Nhưng thí dụ ngay bây giờ, bạn đang ở trong lúc khởi trình một khóa hội thảo mới. Nếu bạn nói những điều như trên, thì sẽ có người nhìn vào bạn và nói, “À! Tôi không biết bạn đang muốn nói cái gì?” Hoặc họ có thể nói, “Tốt, tôi đã là cơn giận của tôi nhưng đâu có gì xảy ra đâu.” Thật ra không phải dễ dàng để hiểu những lý luận này.

Hỏi: Tu thiền là học thế nào ta có thể thể nhập với phút giây hiện tại hoặc cái gì mà ta gọi là “bây giờ.” Học thế nào để có thể có mặt ở đây, bây giờ.

Joko: Vấn đề là, đa phần trong chúng ta diễn giải phút giây hiện tại theo nhiều cách khác nhau. “Làm thế nào sống trong phút giây hiện tại” nghe thì rất là hấp dẫn. Nhưng nếu có ai đó nói, “Buối thuyết trình của ngài hôm nay thật là tệ, Joko,” thì tôi không muốn sống trong phút giây hiện tại này, vì không ai muốn kinh nghiệm cảm giác bẻ bàng phải không?

Hỏi: Dường như là vậy, nếu tôi thật sự sống với cơn giận của mình, tôi có thể trở nên náo động và trong kinh nghiệm trực tiếp như thế, tôi có thể sẽ làm những hành động tai hại kẻ khác.

Joko: Không phải thế! Nếu chúng ta thật sự kinh nghiệm cơn giận, ta sẽ không hành xử như thế. Nếu chúng ta tin vào ý nghĩ giận dữ của mình thì ta có thể sẽ phản ứng theo nó để làm hại người khác. Nhưng kinh nghiệm thuần túy không có thành phần của mệnh lệnh, cho nên sẽ không có những gì cần phải làm để thực hành mệnh lệnh trên. Nguyên chất của cơn giận thì rất êm lặng và bạn sẽ không bao giờ hại ai khi có nó cả.

Tu tập không có nghĩa là, ngay trong khi đang đấm đá với một ai đó, ta dừng lại và nói, “Tôi sẽ kinh nghiệm cái này.” Khi sự tu tập của ta càng tiến triển hơn thì ta có thể kinh nghiệm một cách tự nhiên hơn, mỗi lần cơn giận nổi lên. Nhưng phần lớn con người ta, trong khi họ giận dữ, họ hành động theo chiều hướng họ đang bị ý tưởng của mình sai khiến; và rồi sau khi cơn giận qua đi, họ mới quay trở về để kinh nghiệm cơn giận qua ký ức; bởi vì họ không có được cái khả năng tỉnh giác để kinh nghiệm lúc cảm giác đang làm chủ họ.

Hỏi: Tu tập có liên hệ gì với sự chú tâm. Khi tôi hoàn toàn chú tâm vào một sự việc gì — như là tôi đang bàn luận với con trai của tôi — sự việc xảy ra rất sôi động nhưng không bắt nguồn từ cá tính của tôi hay quan niệm nào cả.

Joko: Vâng! đúng vậy. Bởi vì không nhị nguyên. Trong kinh nghiệm trọn vẹn, vốn không có người đang kinh nghiệm, chỉ có bản thể của kinh nghiệm. Khi sự phân biệt vắng bóng, thì “có” nguồn năng lượng và trí tuệ để biết cái gì nên làm. Giống như những gì bạn đã nói, sự việc xảy ra không ngừng. Nhưng thông thường ta lại không kinh nghiệm được những gì cả. Chúng ta biết hết tất cả mọi phương cách cần phải làm gì khi đối diện những hoàn cảnh này, nhưng lại rất ít khi xử dụng được vì tâm ta luôn luôn trở về theo lề lối cũ mỗi khi đối diện với cảm giác đau khổ.

Hỏi: Một phần của sự tìm kiếm của tôi trong giai đoạn này là cố gắng hòa hợp để học hỏi trong những điều kiện không thoải mái hoặc những cảm giác không hài lòng bên trong, với phấn đấu để trở nên thân thiện với những quan niệm sai lầm về phút giây hiện tại.

Joko: Thật là đúng, nếu theo lập trường khái niệm.

Hỏi: Thông thường là thế!

Joko: Vâng! Đối với phần lớn trong chúng ta, là vậy. Chúng ta có thể nói thẳng ra như thế trong lúc này, đó là một trong những lý do tại sao người ta hay nói những học sinh cao cấp thì bao giờ cũng khó huấn luyện. Họ nghĩ rằng họ đã biết; nhưng thật ra họ chưa biết (làm). Họ chỉ biết nói thôi.

Hỏi: Những từ ngữ mà tôi tiếp nhận được về tu tập thì “dễ thương tổn” và “sống với.” Đó là sự cố gắng sống mà không có một hệ thống phương pháp tự bảo tồn, hoặc ít ra cũng phải cảnh giác về điều kiện chung quanh.

Joko: Đó là sự thật. Nhưng phần lớn chúng ta, tự bảo vệ là phản ứng tự nhiên. Những phản ứng đó là nơi phát sinh sân hận. Có một cách nói nào khác hơn về sự dễ bị thương tổn không?

Hỏi: Ta vẫn chưa thể đóng cái cửa của Ý căn.

Joko: “Dễ bị thương tổn” có nghĩa là tôi không phải đóng cả các Căn ngay cả khi tôi đang bị đau khổ. Lý do tôi muốn để cánh cửa mở rộng là khi tôi cảm nhận khổ đau, tôi sẽ thoát khỏi nó. Điểm quan trọng là, khi tôi cảm thấy đau khổ, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc chỉ vì lý do tôi không thể hàng phục nó. Hãy để ý xem, người ta khi đứng dậy từ chiếc ghế ở nơi sân sau nhà, họ không để ý đến việc cần phải đẩy chiếc ghế vào lại gần cái bàn. Đó là vì họ không có sự cam kết với chiếc ghế. Họ cảm thấy, “cái ghế không quan trọng, tôi phải trở lại thiền đường để nghe về Chân lý.” Nhưng chân lý đang là chiếc ghế, là cái nơi chốn mà chúng ta đang hiện diện. Khi chúng ta để cánh cửa mở rộng, một phần là ta không muốn có sự liên hệ với bất cứ sự kiện gì, vậy ta thoát khỏi sự khống chế của nó. Chúng ta chọn đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ở chung với bất an và lo lắng mà ta đang có.

Section 1.02 Tu tập với mối quan hệ

 Tâm quá khứ bất khả đắc;

 Tâm tương lai bất khả đắc;

 Tâm hiện tại bất khả đắc. Kinh Kim Cang

Bây giờ là mấy giờ? Sự thật có thời gian hay không? Chúng ta có thể nói gì về đời sống hàng ngày của ta trong sự liên hệ với thời gian, với vô thời gian, vô ngã? Chúng ta có thể học gì từ mối liên hệ với cái vô thời gian, vô ngã này chăng?

Thông thường, chúng ta nghĩ một buổi pháp thoại hoặc hòa nhạc hay một sự kiện nào đó trong cuộc sống luôn luôn có sự bắt đầu, đang tiến hành, và phần kết thúc. Nhưng ở bất kỳ thời điểm nào trong buổi nói chuyện này, ví dụ như nếu tôi dừng lại ở ngay nơi đây, thì những gì tôi đã nói đang ở đâu? Chúng vốn không hiện hữu. Nếu tôi dừng lại ở một điểm nào đó sau này, thì những lời tôi đã nói ở đâu? Chúng không còn tồn tại. Khi buổi pháp thoại đã qua, thì lời nói ở đâu? Không có lời nói. Tất cả chỉ còn lại một luồng ký ức trong bộ não của chúng ta mà thôi. Những dữ kiện trong trí nhớ này, bất cứ điều gì, chỉ là những mảnh vụn không trọn vẹn; chúng ta chỉ nhớ được đôi phần của những kinh nghiệm thật sự. Cùng dạng đó cho buổi hòa nhạc — thật ra, ta có thể nói tương tự cho một ngày hay cả cuộc sống của chúng ta cũng đều như thế. Ở giây phút này đây, quá khứ của ta ở đâu? Nó không còn tồn tại nữa rồi.

Vậy tất cả những lý luận này có liên quan ra sao đối với mối quan hệ, tới sự liên đới giữa ta với bất cứ sự việc hay con người — tới sự liên hệ giữa ta với cái tọa cụ, với buổi ăn sáng, với một người, với văn phòng, hay con cái của mình?

Cách thức mà chúng ta thường hay nắm giữ một mối quan hệ là như thế này, “Mối quan hệ này là đó, ngoài kia (thân và tâm), và nó cần phải cung cấp cho tôi sự thích thú. Tối thiểu nhất, nó không gây ra cho tôi phiền toái.” Nói một cách khác, chúng ta biến mối quan hệ thành một ly kem. Cái ly kem ngoài kia, khơi cho chúng ta niềm vui thích, và sẽ mang lại cho chúng ta thoải mái. Rất ít người trong chúng ta nhận định mối tương quan ở vào khía cạnh khác hơn là, “Thế này nhé! Tôi đã chọn bạn và bạn phải biết bạn nên làm những gì.” Cho nên, khi chúng ta lo lắng về mối liên hệ, chúng ta không phải đang hướng về khía cạnh tốt đẹp; dù cho phần tốt đẹp này hiện đang là phần lớn của toàn bộ mối liên hệ. Nhưng cái mà chúng ta luôn luôn để ý đến là phần (nhỏ) không dễ chịu: “Nó không nên có mặt ở đây.” Và khi tôi nói “không dễ chịu,” nó có thể là từ mức độ quấy nhiễu cho tới mức độ nghiêm trọng hơn.

Vậy tất cả những thứ này có liên hệ ra sao với vô thời gian, vô ngã?

Hãy chọn một cuộc tranh cãi trong buổi ăn sáng. Đến giờ ăn trưa, chúng ta vẫn còn phiền muộn; không những chỉ phiền muộn mà chúng ta còn đi than van và kể cho nhiều người biết về vấn đề đó, để mong có được niềm an ũi, cảm thông, đồng tình — trong khi trong đầu của chúng ta thì đã suy tính. “Khi tôi thấy anh ta tối nay, tôi sẽ nói rõ ràng cái vấn đề này; tôi sẽ làm cho sáng tỏ đến nơi chốn của vấn đề.” Vậy thì, chỉ có một bất đồng ý kiến trong buổi ăn sáng, rồi sinh ra nỗi phiền muộn chiếm hết buổi ăn trưa, rồi thêm những thời gian kế đến — Ta làm gì với cái nỗi phiền muộn này.

Nhưng thật ra, cái gì mới là “đang ở đây”? Cái gì mới thật sự là bây giờ? Trong khi ta ngồi đây ăn buổi ăn trưa, thì cái cuộc tranh cãi trong buổi ăn sáng đang ở đâu? “Tâm quá khứ bất khả đắc.” Vậy nó ở đâu? Buổi ăn tối mà ta đang chuẩn bị để giải quyết vấn đề (dĩ nhiên là để thỏa mãn ta) đang ở đâu? “Tâm tương lai bất khả đắc.” Nó vốn không hiện hữu.

Vậy thì cái gì “hiện hữu” đây? Cái gì mới là “thật đây”? Chỉ là cơn bực tức ngay bây giờ trong buổi ăn trưa. Câu chuyện tôi diễn tả những gì xảy ra trong buổi ăn sáng, thì không phải là “cái đang xảy ra” — nó đã diệt, chỉ là câu chuyện tôi kể lại thôi — nó không thật (không có thực chất, chứ không phải là tôi đang nói dối). Vậy thì cái gì là thật? Là cơn đau đầu của tôi đang có, trạng thái bối rối đang sôi trong bụng của tôi. Và chính lời nói huyên thuyên của tôi đã biểu lộ ra những năng lượng vật lý đó. Ngoài những kinh nghiệm vật lý đó ra thì không còn cái gì khác nữa là thật cả. Và tôi không biết đó có là thật hay không, nhưng đó là tất cả mà tôi có thể nói đến.

Cách đây vài tuần, có một cô gái trẻ (không phải là thiền sinh) đến nói chuyện với tôi và muốn kể tôi nghe về những gì mà chồng của cô đã đối xử với cô vào ba tuần lễ trước đó. Cô ta rất ư là giận đến nổi không thể nói ra thành lời. Cho nên tôi đã hỏi, “Vậy chồng của cô hiện giờ ở đâu?” “Ồ! Anh ấy đang ở sở làm.” “Vậy thì cơn giận của cô đâu, cuộc tranh cãi đâu?” “A! Thì tôi đang kể cho thầy nghe đây.” Tôi lại hỏi, “Nhưng mà nó đâu, chỉ cho tôi.” “A! Tôi không thể chỉ cho thầy, nhưng tôi kể cho thầy nghe về nó. Đây này, nó xảy ra như thế này.” “Nhưng xảy ra khi nào?” “Ba tuần trước.” “Nó ở đâu?” …. Cô ta càng trở nên cáu gắt. Cuối cùng, cô ta có thể thấy ra, cơn giận kia không có thật tí nào cả. Sau đó cô nói, “Nhưng nếu đó là những gì xảy ra, tôi phải làm thế nào để đối xử với anh ta?”

Cái điểm cốt yếu là, chúng ta gầy dựng một hệ thống tỉ mỉ, cảm xúc, những tình tiết xuất phát từ niềm tin dựa vào thời gian — quá khứ, hiện tại, và tương lai. Mọi người đều làm vậy và hãy tin tôi, làm thế không phải là một việc tầm thường. Con người hay tự đặt mình — tôi từng làm thế — vào trong một tình trạng làm cho mình khó mà xoay trở; họ không thể nào thi hành bổn phận của họ, và dần dần tạo cho họ chứng bệnh về tâm cũng như sinh lý.

Bây giờ hãy nói về, ý nghĩa ra sao là chúng ta không cần làm gì cả khi chúng ta đang lên cơn giận? Không! Chúng ta làm những gì chúng ta cần nên làm. Chắc chắn, chúng ta chỉ làm những gì chúng ta nên làm vào mỗi thời điểm, và làm tốt nhất với khả năng của mình.

Nhưng hành động dựa trên sự mập mờ và thiếu hiểu biết sẽ đưa đến càng mập mờ, đảo lộn, và u tối hơn. Hãy để tốt và xấu qua một bên, tất cả chúng ta đều nên làm thế cả không có ai ngoại lệ. Vì trong sự thiếu hiểu biết, lòng tin dựa vào kinh nghiệm sống trong quá khứ của chúng ta — Cái đó xảy ra hôm qua, và bây giờ đây và rồi … — chúng ta sống trong một thế giới đầy những than phiền, như là một nạn nhân hoặc là người xâm lấn, trong tất cả những thứ này tạo nên một môi trường không thân thiện tí nào cả. 

Chỉ có một thứ, duy nhất một thứ tạo nên cái thế gian thù địch này. Đó là Tư tưởng của chúng ta — những viễn ảnh và tưởng tượng của chúng ta. Chúng sản xuất ra không gian, thời gian, và đau khổ. Nhưng nếu chúng ta cố gắng tìm trong quá khứ hay ở tương lai, nơi mà cái tư tưởng của chúng ta đang cư ngụ, thì đó là một việc bất khả thi — chúng bất khả đắc.

Có một thiền sinh kể cho tôi nghe rằng, anh ta bị bí lối từ khi anh nghe tôi nói về thời gian, bởi vì anh luôn muốn tìm quá khứ của anh. Anh nói, “Nếu không có quá khứ, không tương lai, và tôi không thể nắm bắt hiện tại — nghĩa là tôi cố gắng nấng níu với hiện tại nhưng nó cứ ra đi — vậy tôi là ai?” Đây là câu hỏi rất hay; là câu hỏi mà ai cũng muốn hỏi. “Tôi là ai?”

Hãy chọn một ý tưởng tiêu biểu mà ai cũng có thể có làm ví dụ, “Bill làm cho tôi phát chán.” Ở đây, có “Tôi”, “Bill”, và một cảm giác (nhàm chán). Mọi thứ ở đây. Bây giờ tôi dựng lên một cái “Tôi”, tạo ra một cái “Bill”, và thế nào đó một cái “chán” phát sinh.

Hãy nói thế này: “Tôi/Bill/chán.” Chung lại thành một chữ. “TôiBillchán.” Rồi kinh nghiệm đúng như vậy, ngay bây giờ. Lúc nào cũng thế, chúng ta sẽ thấy rằng, nếu chúng ta chỉ kinh nghiệm, thì có ngay cái giải đáp trong đó. Thật ra, thực chất của kinh nghiệm và giải đáp không phải là hai thứ riêng biệt. Nhưng ngay trong giây phút ta nói, “Cô ta làm cho tôi phát ghét,” “Anh ta gây phiền nhiễu cho tôi.” “Chúng ta đã làm cái này,” “Cô ta đã làm cái kia.” “Nó làm cho tôi muốn bệnh, làm cho tôi cáu gắt; xúc phạm cảm giác của tôi,” thì chúng ta có cái “Tôi”, “người kia”, cái gì đó mà ta đã bào chế xong. Thay vì: không có gì cả — ngoại trừ phút giây hiện tại không thể bắt nắm của “tôi-anh-giận hờn”. Thể nhập vào đó, lúc đó giải đáp trở nên hiển lộ.

Nhưng chừng nào chúng ta còn đánh xoáy tư tưởng của mình, như là “Bill làm cho tôi phát bực.” thì chúng ta vẫn còn có vấn đề. Bạn sẽ nhận ra rằng cái câu nói có đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối; và dẫn đến thế gian: thù nghịch, đe dọa, và phân chia.

Bạn thấy không! Không có gì là sai trái đối với một câu nói. Chúng ta sống trong một thế giới tương đối; tương tự như: buổi ăn sáng, trưa, và tối. Không có gì là quan ngại cho một thế gian tương đối trên phạm trù khái niệm. Nhưng cái gì làm cho nó bị “sai lệch”? Đó là, chúng ta không bằng lòng nhìn nó với thái độ “như-nó-là”. Chúng ta không chịu chấp nhận nó “như-nó-là,” mà chúng ta luôn có chiều hướng chọn bạn hay người yêu giống như thái độ khi xem TV.

Ví dụ, chúng ta gặp một người con gái dễ nhìn và, “Hừm, cô ta giống như đài số 4 và tôi thì luôn luôn bình thản và thoải mái với băng tầng số 4; tôi biết cái gì có trong đài này; một phạm vi nhất định, vài tiết mục này, vài phim truyện kia, và cộng thêm một ít tin tức — Tôi có thể thoải mái với người đài số 4.” Rồi chúng ta cùng tụ hợp và sinh hoạt trong một thời gian, mọi thứ đều xảy ra tốt đẹp. Có nhiều tiện lợi và thỏa hợp. Rõ ràng đây là một mối tương quan tốt.

Nhưng thật là lạ, cái gì xảy ra sau một thời gian? Khi không bất ngờ, đài số 4 chợt nhảy qua đài số 63, có nhiều sự khó chịu và giận dữ; đôi khi nhảy qua đài 49, những mơ mộng và ảo tưởng. Tôi làm gì với những khoảng thời gian này? Thấy không, tôi đang (giả vờ) chung sống với (người) đài số 4. Nhưng không, (bên trong) tôi lại thích hưởng thụ một ít thời gian với đài 33, có hoạt họa trẻ con, nói nhiều về giấc mơ thời thơ ấu có công nương và hoàng tử. Kế đó, tôi muốn có chút ảm đạm, chán chường, mặc cảm của đài số 19. Trong khi tôi đang muốn co rút trong buồn chán và cô đơn, thì cô ta lại đang muốn nổi bật và nổi loạn; thật không tiết tấu, tình điệu chút nào cả. Hoặc là đôi khi, tất cả các đài cùng kéo lên trong một lúc. Chúng ta bị đảo lộn, ồn ào, và một hay cả hai bên bắt đầu đấm đá hoặc ngoảnh mặt quay đi.

Làm gì bây giờ? Chúng ta giờ đây đang ở trong phối cảnh hỗn loạn mà ta thường hay có; chúng ta phải cố gắng dọn dẹp nó phải không? Dù thế nào, nó cũng đã có một thời gian tốt đẹp. Vậy chúng ta phải làm gì. Quá rõ ràng, cả hai đều trở về đài số 4. Chúng ta nói với cô, “Cô phải nên thế này, cô nên làm thế kia: Đó là người mà tôi đã yêu.” Trong giai đoạn tạm thời, hai bên có sự cố gắng tích cực, bởi vì có một sự hòa bình giả tạo ở đài số 4 (và nhiều cơn buồn chán.) Thật ra, phần lớn những cuộc hôn nhân đều như thế này cả sau một thời gian. Có người nói, bạn có thể nhìn ra ai là người đã lập gia đình trong nhà hàng — đó là cặp không nói chuyện với nhau.

Có một điều lý thú là không một ai có câu hỏi, khi cái đài trở nên lộn xộn, là “Ai đã bật lên những tầng sóng này? Ai là nguồn gốc của tất cả những thăng trầm, chuyển biến, tiết mục này?” Nên nhớ, không có gì là sai trái về các đài này. Nhưng chúng ta không bao giờ đặt vấn đề là ai là người đã bật những đài này lên. Ai là người tác động hành động của chúng ta? Nguồn gốc là gì? Đây là câu hỏi rất quan yếu.

Nếu chúng ta không hỏi câu hỏi này và chịu đựng nỗi khổ đau cho đến cùng cực, thì chúng ta sẽ quyết định tách rời sự quan hệ để đi tìm một đài số 4 khác — bởi vì nếu chúng ta đã thích mẩu đài số 4, thì ta sẽ có chiều hướng đi tìm loại đó. Toàn bộ tiến trình sẽ lập lại không những cho mối quan hệ hôn nhân, mà cả trong việc làm, trong những cuộc nghĩ hè, hay bất cứ cái gì. Đây là những gì chúng ta hay làm.

Sau những đoạn tình tiết không trọn vẹn, chúng ta bắt đầu nhìn vào toàn thể bức tranh cuộc đời của mình. Thỉnh thoảng, có một vài người may mắn thật sự, bắt đầu cứu xét câu hỏi tổng thể về ta sẽ làm những gì với cuộc sống của mình, và cũng bắt đầu hỏi những câu hỏi căn bản, “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ về đâu?”

Đôi khi rất là buồn thảm, chúng ta nhận ra rằng, sau khi chung sống với một người trong khoảng thời gian dài, mà như là chưa gặp hay biết qua người ấy. Tôi đã gặp tình huống đó trong suốt mười-lăm năm. Có người sống chung cả đời mà vẫn chưa hề gặp. Tầng số thỉnh thoảng có va chạm, nhưng gặp gỡ thì không.

Chúng ta có thể may mắn và đụng độ một phương pháp tu học tốt. Trong Kinh tạng, đức Phật có dạy, “Hiểu rõ ràng tất cả mọi đau khổ. Đây là sự thật, không phải là gian dối.” Chúng ta có thể không hiểu ý nghĩa của lời này là gì; nhưng nếu chúng ta là một trong những người may mắn, chúng ta có thể bắt đầu tu tập trí tuệ theo một tiến trình đầy nổ lực, thì chúng ta có thể hiểu được.

Tu Tuệ có nghĩa là làm sự chuyển đổi vi tế liên tục, từng bước một; ban đầu từ mức độ thô thiển tới tế nhị, và rồi càng trở nên tế nhị hơn. Ở vào mức độ vi tế cao độ, ta bắt đầu thấy xuyên thấu qua cái mà ta gọi là phẩm cách của ta, đây là những gì mà chúng ta vẫn thường hay nhắc đến. Chúng ta bắt đầu thật sự nhìn vào tâm, thân, tư tưởng, nhận thức giác quan, mọi thứ mà chúng ta nghĩ rằng đó là chúng ta.

Giai đoạn khởi đầu của sự tu tập là, trong khi chúng ta ở ngay giữa cơn bối rối, con lộ đông đảo, chúng ta khó mà tìm thấy một khoảng trống và xe cộ thì túa ra khắp nơi. Nó rất là lộn xộn và đe dọa. Đó là lối sống mà phần lớn chúng ta cảm nhận qua. Chúng ta quá bận rộn với những gì đang liên tục lao vào chúng ta, nên không thể nào nhận ra được những cạm bẫy đang chờ đợi mình khắp nơi. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ càng một lúc, chúng ta sẽ nhận ra những hang lỗ chung quanh ta. Chúng ta vẫn có thể bước sang bên bờ lề để có một cái nhìn thoáng hơn. Không cần biết giao thông có bận rộn ra sao, chúng ta vẫn có thể thấy nơi nào có thông lộ.

Bây giờ thì bước kế tiếp của chúng ta là đi vào một tòa biệt thự cao và ra ngoài lang cang của tầng thứ ba để quan sát giao thông từ nơi đó. Nó thật có khác phải không? Chúng ta có thể thấy được chiều hướng của dòng xe cộ luân lưu về theo hướng nào. Chúng ta nhìn theo phong cách là, sự chuyển động kia không có dính dáng gì đến ta. Nó vận hành theo chiều hướng của riêng nó.

Rồi nếu chúng ta đi càng lên cao hơn, chúng ta sẽ thấy rằng giao thông chỉ là một mô hình; nó có đẹp chứ không có gì đe dọa cả. Nó chỉ là một luồng chảy và chúng ta bắt đầu thấy được nó như một bức địa đồ lớn. Chúng ta cũng thấy nơi nào có khó khăn so với nơi khác trong phong cảnh chung, mà không cần phải phân ra tốt hay xấu; nó chỉ là một bộ phận của toàn bộ — giống như đời sống của chúng ta. Sau nhiều năm tu tập, chúng ta có thể đạt tới trình độ mà lúc nào chúng ta cũng có thể vui vẻ đối với bất cứ những gì mà chúng ta thấy; vui vẻ với bản thân, với mọi vấn đề như nó là. Chúng ta có thể lạc quan và thưởng thức chúng nhưng không bị vướng mắc vào chúng, và ta thấy được tính vô thường và luôn thay đổi của chúng.

Rồi chúng ta lại đi xa hơn nữa, đi tới lãnh vực mà ta chỉ là nhân chứng cho cuộc đời của ta. Tất cả vẫn vận hành, thú vị; chúng ta không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ những gì. Để rồi sau cùng, chúng ta trở ra lại đường phố, vào lại chợ đông, ngay trong lòng của sự ồn ào, hỗn loạn; để thấy những mơ hồ, bối rối như-nó-là mà không bị nó chuyển giống như khi trước. Chúng ta có thể yêu thích nó, hưởng thụ nó, phục vụ nó, và cuộc đời ta được thấy như-nó-là tự bao giờ — tự tại và giải thoát.

Vậy vào lúc ban đầu, nơi chúng ta bị vướng buộc ngay trung tâm của hỗn loạn và mơ hồ, cũng là nơi mà nhiều người trong chúng ta bắt đầu sự tu tập. Đó cũng là nơi mà đa phần trong chúng ta thấy mối quan hệ của mình đang mập mờ, rối ren, thậm chí có phần cay đắng. Bởi vì, chúng ta mong rằng mối quan hệ của chúng ta sẽ mang lại cho ta bình an từ những rối loạn.

Nhưng trong khi chúng ta nổ lực tu tập với mối quan hệ, chúng ta bắt đầu thấy được rằng, chính những mối quan hệ là phương tiện tốt nhất cho ta phát triển khả năng thực hành; ta có thể thấy cái gì là tâm, thân, cảm xúc, và tư tưởng thật sự là gì. Tại sao những mối tương quan lại hữu ích cho tu tập? Tại sao chúng giúp cho chúng ta đi vào cái mà chúng ta gọi là cái chết dần của bản ngã? Bởi vì, ngoài việc tọa thiền ra, không có con đường nào là thù thắng hơn, có thể từ trong mối quan hệ, giúp cho thấy ra nơi nào ta bị vướng mắc, những gì ta bị ràng buộc. Chừng nào ta chợt nhận diện ra được, là ta có cơ hội học hỏi và tiến triển hơn. Cho nên mối quan hệ là một món quà tốt, không phải vì nó làm cho ta vui vẻ — nó thường thì không làm được vậy lâu dài — nhưng bởi vì bất cứ mối quan hệ cá nhân được đưa vào ánh sáng tu tập, thì nó sẽ tỏ rỏ như tấp gương.

Bạn có thể nói rằng mối quan hệ là cánh cửa dẫn đến Thật tánh của chúng ta, tới vô ngã. Trong nỗi sợ hãi của chúng ta, chúng ta luôn gõ vào cánh cửa mà đã được dựng lên bởi những ước mơ, hy vọng, ham muốn của chính mình; chúng ta lại xa lánh nỗi khổ đau của cái cửa “Vô môn”, cái cửa rộng mở cho bất cứ ai, bất cứ những gì như-nó-là, bây giờ và ở đây.

Thật là ngộ nghĩnh khi nhận ra rằng, người ta không nhìn thấy ra được bất kỳ mối liên hệ nào cả giữa niềm khốn khổ và sự phàn nàn của họ — sự phàn nàn của họ là: họ có cảm giác là một nạn nhân, cảm giác là mọi người đều là tác nhân cho niềm khốn khổ của họ. Thật là không thể tin nổi phải không? Có được bao nhiêu lần sợi dây liên hệ này được mổ xẻ trong những buổi pháp thoại? Bao nhiêu? Tại sao thế? Bởi vì nỗi sợ hãi cho nên chúng ta không dám đối diện với vấn đề.

Chỉ những con người có thông tuệ, năng lực, và kiên nhẫn mới có thể tìm thấy được cái điểm tựa mà vũ trụ dùng để xoay. Thật không may mắn, cuộc sống của những người không thể nhận diện ra giây phút hiện tại thì rối loạn và căng thẳng; không thân thiện; không lân mẫn. Căn bản của sự thật là, không phải đời sống mang đến những điều trắc trở cho họ, mà chính họ mới là người tạo ra cái cảnh khốn khó cho chính mình. Nhưng nếu chúng ta chối từ không nhìn vào những gì chúng ta đang làm — đó là một điều đáng lấy làm hối tiếc — thì chúng ta sẽ phải nhận lấy từ những gì do cuộc sống mang đến. Để rồi chúng ta lấy làm bâng khuâng tại sao đời mình sao lại có nhiều gian khổ. Nhưng đối với những ai tu tập kiên trì trong cuộc sống, thì sẽ càng hưởng được nhiều niềm vui trong mối quan hệ trên tinh thần Vô ngã (hay nói cách khác, trong tinh thần cởi mở.) Tuy là hiếm hoi nhưng nó vẫn xảy ra. Khi nó có xảy ra, lúc đó ta không biết có còn gọi nó là mối quan hệ nữa hay không. Ai là người có liên hệ với ai khác? Bạn không thể nào nói là vô ngã quan hệ với vô ngã. Cho nên, ở lãnh vực này thì ngôn từ không thể nào diễn đạt được. Đây là tình cảm và lòng bi mẫn không biên giới, như lời của Tam Tổ Tăng Xáng đã nói, “Không có hôm qua, không có ngày mai, và không có hôm nay.”

Section 1.03 Kinh nghiệm và Trạng thái (cách cư xử)

Theo kinh nghiệm, tôi muốn nói là, giây phút ban đầu khi chúng ta cảm nhận cuộc đời trước khi một chập tâm phát sinh. Ví dụ: trước khi suy nghĩ, “Ồ! Đó là chiếc áo màu đỏ,” thì có “Cái thấy” (hay kinh nghiệm thấy, sự thấy.) Chúng ta cũng có thể nói, “Cái nghe”, “Cái va chạm”, “Cái vị”, “Cái biết.” Đây là chân lý tuyệt đối: gọi nó là Thượng đế, Phật tánh, hay là bất cứ từ ngữ gì bạn thích. Kinh nghiệm này, bị lọc qua hệ thống quan điểm giới hạn của con người để tạo ra cái thế giới của chúng ta. Chúng ta không thể nào chỉ ra bất cứ thứ gì trong thế gian này, chừng như ở ngoài hay ở bên trong chúng ta, mà ta không cách nào kinh nghiệm được. Nhưng chúng ta không thể nào có được cái mà ta gọi là “đời sống con người” nếu ta không thể biến chuyển cái kinh nghiệm đó thành trạng thái. Bằng trạng thái thì sự việc vận hành theo mọi điều kiện chung quanh. Ví dụ, là một cá thể như chúng ta: ta ngồi, ăn, đi lại, nói năng. Trong chừng mực này thì ngay cả tấm thảm cũng có cái trạng thái: như là nằm trải ra đó. (Nếu chúng ta nhìn nó dưới một kính hiển vi cực mạnh, ta sẽ thấy nó không bất động tí nào cả. Nó là một dòng năng lượng đang di động ở một vận tốc nhanh kinh khủng.)

Vậy chúng ta có thể phân biệt sự phát sinh (tạo hóa) — chính là Thượng đế, Phật tánh, chân lý, hay là gì đó — là đối cực của cái thế gian được tạo thành nhanh chóng bởi điều kiện. Thật ra, cả hai chỉ là một: sự phát sinh và thế gian vốn không khác. Nếu chúng ta có thể thật sự nhận chân (hiểu thấu bằng kinh nghiệm) vấn đề này thì chúng ta sẽ không còn có trở ngại khó khăn gì nữa trong cuộc đời của mình, bởi vì nó quá rõ ràng là không có quá khứ hay tương lai — chúng ta thấy được ra rằng, tất cả những thứ mà chúng ta lo lắng đều không thật.

Phần lớn trong cuộc sống, chúng ta chỉ lờ mờ nhận thức được kinh nghiệm của mình. Chúng ta chỉ mơ hồ biết một khía cạnh nào đó, ở một chừng mực nào đó, về cách cư xử của ta và cái kinh nghiệm có một mối liên quan mật thiết với nhau. Nếu chúng ta có cơn nhức đầu và có thái độ cau có; chúng ta có thể nhận ra là, có sự ảnh hưởng giữa những cái đập như búa bổ trong đầu và cái trạng thái quạo quọ đang có của mình. Vậy ngay khi chúng ta không thể trọn vẹn nhận thức được cái kinh nghiệm của mình, thì ít ra, chúng ta không hoàn toàn có cái nhìn bản thân ta độc lập hẳn hoi với kinh nghiệm của chính ta. Nhưng nếu thấy một người nào khác cau có, chúng ta lại phán xét họ theo lề lối trái ngược (thái độ và kinh nghiệm của họ bị tách biệt ra; nói khác đi, họ không thể được thông cảm như là, vì họ đang kinh nghiệm đau khổ cho nên họ mới có trạng thái hành xử không thân thiện). Chúng ta không thể nào cảm được kinh nghiệm của họ, cho nên chúng ta chỉ phán xét cái lối cư xử của họ trong lúc ấy (cộng thêm cái thành kiến sẵn có của chúng ta đối với cá nhân đó trong quá khứ, thì lại đưa ta càng đi xa hơn). Nếu chúng ta nghĩ, “Cô ấy không nên có thái độ ngạo mạn,” chúng ta chỉ nhìn vào cách hành xử và rồi phán định, bởi vì chúng ta không có được sự nhận thức thật sự về kinh nghiệm, cảm giác lo sợ của cô ta đang có. Chúng ta đã vội vã kết tội về thái độ kiêu căng của cô ta theo quan điểm biên kiến của mình rồi.

Thái độ cư xử là những gì mà chúng ta luôn luôn quan sát. Chúng ta không thể quan sát kinh nghiệm. Xin lưu ý là, chúng ta có một sự quan sát về một sự kiện. Sự kiện đi qua rồi vào quá khứ; còn kinh nghiệm thì không bao giờ nằm trong quá khứ. Đó là lý do tại sao trong Kinh Phật có nói, chúng ta không thể ĐỤNG, không thể THẤY, không thể NGHE, và không thể NGHĨ về nó — vì bởi trong phút giây chúng ta dự định làm thế, thời gian và sự phân định nhị nguyên đã tạo ra cái thế giới hiện tượng tương đối rồi. Khi tôi quán sát cánh tay của tôi đang được nâng lên, thì nó (cánh tay hay cái tâm biết đó) không phải là tôi. Khi tôi quán sát tư tưởng của tôi, thì chúng nó (tư tưởng hay tâm đang suy nghĩ) không phải là tôi. Khi tôi nghĩ, “Đây là tôi,” thì tôi cố gắng bảo vệ cái “tôi” đó. Sự thật, những gì mà tôi đang quán sát về mình (ngay cả những hiện tượng mà tôi ưa thích và gần gủi nhất) đều không phải là tôi. Đó chỉ là trạng thái của tôi trong lúc ấy, là hiện tượng thế gian. Tôi là ai, chính là lãnh vực kinh nghiệm tự thân, vĩnh viễn không bao giờ xác định được. Phút giây tôi đặt tên nó, nó đã diệt rồi.

Trạng thái hành xử và kinh nghiệm trên căn bản không riêng rẽ. Khi tôi kinh nghiệm bạn (thấy, đụng, nghe bạn), thì bạn đang là kinh nghiệm của tôi, như-nó-là. Nhưng khuynh hướng nhân bản thì không chịu dừng lại ở đây; thay vì tôi chỉ thể nhập kinh nghiệm của mình, tôi lại cộng thêm cái quan niệm của mình về cái mà chừng như (không chắc chắn) bạn đang làm — để rồi tôi phân cách giữa tôi và bạn. Khi thế gian có sự cách biệt, tôi nghĩ rằng nó cần phải nghiên cứu, phân tích, và phán đoán. Chính vì chúng ta sống theo lối sống như thế, thay vì kinh nghiệm tự thân, cho nên chúng ta luôn có vấn đề. Chúng ta lệ thuộc vào ký ức, khái niệm; nhưng nếu chúng ta không hiểu biết tường tận nguồn gốc những thứ này, chúng ta sẽ không áp dụng nó đúng đắn, cho nên chúng ta tạo ra hỗn loạn.

Cũng giống như chúng ta, người khác chỉ đơn thuần kinh nghiệm, mà trông có vẻ như là phong cách hành xử. Nhưng chúng ta lại nhìn họ bằng phong cách hành xử; chúng ta chỉ chú trọng vào khía cạnh của lối hành xử của họ mà bỏ qua kinh nghiệm đang có của họ. Kinh nghiệm thiết thực là tổng thể bởi vì đó là cái mà tất cả chúng ta là. Chừng nào chúng ta có thể thấy ra sự câu thúc ngu xuẩn của mình về tư tưởng, quan niệm, thì chúng ta có thể dùng thời gian cho kinh nghiệm trong cuộc sống, lúc đó chúng ta mới có thể cảm nhận hơn được thực chất đời sống — kinh nghiệm thật sự — của người khác. Một đời sống mà không bị điều khiển bởi quan niệm, mà là thể nhập kinh nghiệm hiện tiền, là chúng ta bắt đầu chăm sóc cho mọi người — bản thân và mọi người. Từ đó, chúng ta không còn nhìn người như là một đối tượng, con khỉ có lối xử thế thì không gì hơn là bản thể của lối xử thế đó.

Tất cả sự tu tập đều không ngoài mục đích đưa chúng ta về lại với kinh nghiệm đơn thuần. Từ những kinh nghiệm đơn thuần này sẽ làm nảy sinh tư duy và hành động thích ứng. Thông thường chúng ta không thể nào làm được vậy; bởi vì chúng ta hành động theo sự thao túng của tư tưởng và những quan niệm đang xoay cuồng trong đầu chúng ta — đi ngược lại mục đích tu tập của chúng ta.

Gần như luôn luôn chúng ta nhìn người khác ở vào khía cạnh của phương cách hành xử của họ. Chúng ta không bao giờ hứng thú đến sự thật rằng, cách hành xử của họ vốn bị ảnh hưởng vào kinh nghiệm đang có của họ. Với bản thân, chúng ta có ý thức phần nào về sự ảnh hưởng này, nhưng không trọn vẹn. Trong tọa thiền, chúng ta thấy rằng, chỉ một phần tự thân thì có thể hiểu biết; khi khả năng nhận thức về kinh nghiệm tăng trưởng, thì hành động của chúng ta cũng chuyển biến: không còn bị lệ thuộc nhiều nữa vào điều kiện, ký ức, mà phản ánh từ đời sống như-nó-là trong từng sát na thời gian.

Đây là lòng bi mẫn chân chính. Bao giờ chúng ta sống với kinh nghiệm của chính mình, chúng ta thấy là, trong khi chúng ta có cái thân và cái tâm vận hành theo một đường lối riêng, mà không có gì là bền vững. Chúng ta cũng nhận thức qua trực giác được là những người khác cũng đều như thế. Mặc dù, cách xử thế của người khác có thể là vô trách nhiệm, và chúng ta có thể cần thiết phải phản đối lại lối cư xử như thế một cách cứng rắn, nhưng thực chất giữa ta và họ đều như nhau. Chỉ ở chừng mức nào đó, chúng ta sống bằng kinh nghiệm cho nên chúng ta có thể hiểu được đời sống của người khác. Lòng bi mẫn vốn không phải là một ý tưởng hay một tiêu chuẩn, nó không có thể dạng nhất định, nhưng nó phát triển một không gian to lớn và đầy năng lực trong tu thiền.

Cái không gian này thì luôn luôn hiện hữu. Chúng ta không cần phải tìm kiếm và cố gắng đạt được. Nó chính là chúng ta, bởi vì nó là kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta không thể là gì khác hơn — nhưng chúng ta có thể bao phủ nó bằng vô minh của chính mình. Chúng ta không phải “tìm” gì cả — đó là tại sao đức Phật nói rằng, sau bốn-mươi-năm ngài không đạt được gì cả. Có gì để mà đạt đến? Nó luôn ở ngay nơi đây.

Section 1.04 Mối quan hệ không có kết quả

Tôi vừa mới trở về từ Úc châu. Tôi qua đó với niềm hy vọng sẽ hưởng được thời tiết tốt — vậy mà trong hai ngày đầu tiên trời mưa tầm tã mà lại vui vẻ. Rồi năm ngày còn lại của khóa tu học ở Brisbane, lại có một cơn bảo biển lạnh buốt. Cuồng phong thì thật mạnh đến nổi chúng tôi khó mà thẳng người lên khi chạy từ tòa biệt thự này sang bên kia. Chúng tôi phải vất vã lắm chỉ giữ cho khỏi bị ngã. Gió rú như còi xe trên những mái nhà trong mọi thời. Dù thế nào đi nữa, đó là một khóa tu học thật giá trị, và tôi gặt hái được (tôi luôn luôn thu hoạch) là, không cần biết là tôi đi đến đâu, con người vẫn là con người: đầy những kỳ diệu và cũng đầy dẫy vấn đề. Nơi nào có con người, vấn đề quấy rầy người Úc cũng giống như quấy rầy chúng ta. Họ có khó khăn đầy ắp với mối quan hệ cũng giống như chúng ta. Cho nên tôi muốn nói một chút về những ảo tưởng mà chúng ta có về mối tương quan tốt đẹp sẽ xảy ra. Bạn thấy không! Nó không bao giờ có kết quả như ta mong muốn cả. Bạn có thể nói, “À! Thế tại sao chúng ta lại bỏ công sức cho sự tu tập này nếu lời đó là đúng.” Thật ra, chúng ta muốn có một cái gì đó tốt đẹp xảy ra, nhưng chính “cái muốn” kia làm cho mối quan hệ trở nên không tốt đẹp.

Cuộc sống có thể tốt đẹp — nhưng nó không phải bắt nguồn từ quan điểm là, chúng ta sẽ làm gì đó để cho nó tốt đẹp. Trong bất cứ điều gì chúng ta làm trong sự liên hệ với người khác, luôn luôn có một kỳ vọng tiềm ẩn trong đó — rõ ràng hay vi tế. Chúng ta nghĩ, “Bằng cách nào đó, tôi sẽ nghĩ ra cách làm cho mối quan hệ này có kết quả tốt, và sau đó tôi sẽ có được những cái mà tôi mong muốn.” Tất cả chúng ta đều muốn một thứ gì đó từ người mà ta có quan hệ với. Không ai có thể nói, tôi không muốn bất cứ gì từ những người mà tôi đang có quan hệ. Ngay cả khi chúng ta từ chối đi một mối quan hệ, thì đó cũng là một cách của “muốn một thứ gì đó”. Cho nên mối quan hệ không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp được.

Nếu vậy thì cái gì mang lại kết quả (tốt đẹp) đây? Một thứ có thể mang đến kết quả tốt đẹp (nếu chúng ta thật sự tu tập) là một ước muốn “không muốn gì cho bản thân cả, mà chỉ giúp đỡ cho tất cả mọi đời sống, trong đó có những mối quan hệ cá nhân.” Bây giờ thì bạn có thể đang nghĩ, “À! Nghe có vẻ hay hay, được tôi sẽ làm thế!” Nhưng không ai thật sự muốn làm vậy cả. Chúng ta không muốn ủng hộ người khác, vì chân thành ủng hộ một người có nghĩa là bạn phải cho họ mọi thứ mà không kỳ vọng gì cả. Bạn có lẽ sẽ cho họ nhiều thời gian của mình, ra sức giúp đỡ, phân chia tiền tài, bất cứ thứ gì. “Nếu anh cần gì, tôi sẽ cho anh.” Tình cảm không mong đợi đền trả. Thay vì thế, chúng ta lại chơi cái trò đùa: “Tôi sẽ tâm sự (với anh/chị) để cho mối quan hệ của chúng ta tốt đẹp hơn.” có nghĩa là, “Tôi sẽ tâm sự để cho bạn biết tôi muốn cái gì.” Tiềm ẩn phía dưới sự mong chờ, chúng ta đem tới những trò chơi để tạo cho mối quan hệ có vấn đề. Nếu chúng ta thật sự thấy thế, thì vài người trong chúng ta sẽ bắt đầu hiểu ra những bước kế tiếp, và có thể thấy tình trạng sẽ đi về đâu. Chúng ta có lẽ nhìn thoáng nhanh vấn đề ngay bây giờ, để rồi, “Vâng, tôi có thể làm việc này cho bạn, tôi có thể nâng đỡ đời sống của bạn và không mong đợi một sự đền trả nào cả. Hoàn toàn không.”

Có một câu chuyện có thật về một người đàn bà, mà chồng bà đi viễn chinh ở Nhật trong thời chiến tranh. Khi ở Nhật, ông sống với một người đàn bà Nhật bản và có được hai đứa con. Ông yêu người vợ Nhật này thật nhiều. Khi ông trở về Mỹ, ông đã không kể lại cho vợ của mình (người vợ ở Mỹ) về cuộc tình này. Nhưng trong phút giây hấp hối trước khi chết, ông đã tỏ thật cùng bà về mối tình này và những đứa con. Lúc ban đầu, bà thật là giận dữ. Nhưng sau đó, không biết có những biến chuyển gì bên trong đã xảy ra, và bà đã đối diện với cảm giác sân hận của mình. Trước phút giây chồng bà từ giả cõi đời, bà đã nói, “Tôi sẽ chăm sóc cho họ. Ông hãy yên lòng ra đi.” Thế rồi, bà đã đi Nhật (sau khi tang sự cho ông hoàn tất), tìm kiếm người đàn bà trẻ kia và lo mọi thủ tục để mang bà ấy cùng hai con về Mỹ. Họ xây dựng một gia đình chung và người vợ lớn kia đã tận toàn khả năng mình để giúp người đàn bà trẻ kia, dạy tiếng Anh, giúp bà có việc làm, giúp đỡ chăm lo cho hai đứa con, mà không bao giờ nghĩ gì đến một kỳ vọng gì cho mình. Đó là cái mà ta nên gọi là tình yêu đúng nghĩa.

Tu thiền không phải là một việc làm không thực tế, mà là một phương cách để có thể tiếp xúc với đời sống của chúng ta. Khi chúng ta thực hành, chúng ta càng thấy rõ ràng hơn thế nào là cách sống khác hơn, và chúng ta sẽ không còn tiếp tục sống theo nề nếp sống theo tự ngã — không phải chọn một điểm tựa khác thay vì tự ngã, bởi vì nó vẫn bao gồm chúng ta — mà là sống theo chiều hướng của tổng thể. Nếu chúng ta tu tập mà vẫn không tiến dần theo chiều hướng này, thì sự tu tập của chúng ta đang thực hành là sai lầm. Chừng khi nào chúng ta còn muốn bất cứ gì, thì chúng ta nên biết là, sự tu tập cần phải tiếp tục miên mật hơn nữa. Tôi đã thực hành trong một thời gian khá dài, nhưng tôi nhận ra rằng, trong lần đi khóa tu học vừa qua (đó là một chuyến đi dài đối với người ở lứa tuổi của tôi, mặc dù đó là một khóa tu rất tốt, và có tầm ảnh hưởng lớn rộng cho nhiều người), tôi đã nói, “À! Chuyến đi này thật đã ảnh hưởng khá nhiều cho tình trạng sức khỏe của tôi, tôi không biết là tôi sẽ đi vào năm tới. Có lẽ tôi cần nhiều thời gian nghĩ ngơi.” Cái tâm con người là thế đó. Giống như tất cả mọi người, tôi muốn được thoải mái, thích dễ chịu, không thích bị mệt mỏi. Bạn có thể đang nghĩ, “À! Có gì sai trái đâu, khi muốn một tí thoải mái cho bản thân?” Không có gì là sai cả khi có ý muốn như thế, trừ khi cái ý muốn kia bất đồng với định hướng cuộc đời của tôi — cái này còn quan trọng hơn cái cảm giác thoải mái mà tôi đang muốn. Nếu cái định hướng cuộc đời không xuất hiện ra từ sự tu tập, thì sự tu tập không còn có một giá trị gì. Nếu chúng ta biết định hướng cuộc đời của mình, nó sẽ ảnh hưởng sâu đậm vào mỗi cơ bắp đời sống của ta, vào mối quan hệ, công việc làm, tất cả. Nếu có một cái gì đó không lộ ra từ sự tu tập, thì đó chỉ là thứ mà ta “muốn”, những thứ sẽ làm cho cuộc sống của ta thêm thú vị. Vậy cái đó không phải là tu tập.

Nhưng đừng đơn giản hóa vấn đề. Trong khi chúng ta ngồi như thế này, chúng ta phải xây dựng hai, ba, bốn hình thái của sự tu tập. Chỉ ngồi với sự tập trung cao độ là đã có giá trị rồi. Nhưng chúng ta phải coi chừng, chúng ta có thể, một cách vô tình, dùng phương thức này để trốn tránh đời sống. Sự thật, con người có thể dùng loại tiềm năng này để gầy dựng một năng lượng theo chiều hướng không tốt. Định là một phần của tu thiền; chúng ta không muốn nhấn mạnh điều này ở đây, nhưng cái năng lực sẽ đạt được ở giai đoạn nào đó trên tiến trình tu tập. Thiền Minh Sát (tôi lúc nào cũng thích hơn) dạy chúng ta trong mọi lúc nên chú ý, quán sát, nhận diện, thì rất là giá trị và tôi nghĩ rằng, nó là pháp hành tốt nhất mà lại căn bản nhất trong tất cả pháp hành. Nhưng, nó lại có thể dẫn hành giả (như tôi cũng đã có một giai đoạn qua) trở nên hoàn toàn lạnh cảm. Không còn một thứ gì làm cho tôi xúc động bởi vì tôi đã trở thành một cái máy quan sát. Đó có thể gọi là một giới hạn (hay trở ngại) cho pháp tu tập này. Có rất nhiều phương pháp tu tập. Mỗi pháp môn đều có điểm hay, và cũng có điểm giới hạn. Cũng tương tự như những phương pháp trị liệu tâm lý hay sinh lý, đều có tác dụng tốt lẫn xấu. Đường lối phát triển nhân sinh tốt nhất cho một con người phải bao gồm: Phong thái trung dung, trí tuệ sáng suốt, đầy lòng bi mẫn. Thế thôi, thật là đơn giản, phải không?

Trong mối quan hệ, bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy khó chịu — đó là nơi không thích hợp cho ta — câu hỏi lớn nên được mang ra chất vấn, những gì đang xảy ra trong ta. Làm thế nào chúng ta có thể tu tập với những cảm giác bất an này? Tôi không có nói là tất cả các mối quan hệ đều nên kéo dài đến mãi mãi. Bởi vì, nguyên nhân của mối quan hệ vốn không dính dáng gì đến bản chất của mối quan hệ cả. Cái nguyên nhân chỉ cộng thêm sức mạnh cho đời sống của chúng ta; nhất là trong lúc đời sống đang đối diện với mối quan hệ, cũng giống như bắt vào một làn sóng đài phát hình vậy thôi. Một mối quan hệ tốt sẽ cho đời sống nhiều năng lượng hơn (thấy hình rõ hơn). Nếu hai người có mối quan hệ tốt, thì cuộc đời có nguồn năng lượng (có một đài tốt); so với hai người không có mối quan hệ (không có đài nào cả) hoặc là có nhưng mà không tốt (có đài nhưng mà yếu không thấy hình) thì không có năng lượng hay có nhưng mà yếu. Cứ thế mà suy ra, hai, ba, … vô số đài. Có nhiều đài cùng băng tầng thì hợp lại thành một đài chung thật lớn. Đó là những gì mà cuộc đời muốn tìm; nó đâu có cần biết đến là, chúng ta có “vui vẻ” trong mối quan hệ hay không; nó chỉ muốn tìm mối quan hệ (băng tầng), và nó muốn nguyên nhân của mối quan hệ tốt (cộng thêm năng lực). Nếu mối quan hệ nào không còn đủ năng lực (mất đi nguyên nhân tồn tại) thì cuộc đời sẽ loại bỏ đi (mối quan hệ chấm dứt). Cuộc đời đâu cần nghĩ đến mối quan hệ của chúng ta; nó chỉ đi tìm những mối quan hệ có nguyên nhân tốt (đài có năng lực) để nó có thể vận hành ở mức tối đa. Cái giòng vận hành này là những gì chúng ta tùy thuộc vào. Còn tất cả những tình tiết, lâm ly, sôi động của bạn, của tôi, của anh ấy, của cô ta, thì cuộc đời không có hứng thú biết tới. Cuộc đời chỉ đi tìm những mối tương quan (đài phát), giống như một luồng gió mạnh, nó sẽ dùi dập vào những mối quan hệ để thử thách nó. Nếu mối quan hệ chịu đựng không nổi thử thách, thì hoặc là mối quan hệ cần phải phát triển lớn mạnh hơn để còn chịu đựng, bằng ngược lại nó sẽ phải bị phân hủy để một cái gì mới và tươi tốt hơn có thể phát sinh từ sự điêu tàn này. Dù cho nó có đổ vỡ hay không thì không quan trọng bằng những gì mà chúng ta học được từ tiến trình này. Nhiều người lập gia đình trong khi không có gì để làm căn bản (không có nguyên nhân — không có năng lượng) để phục vụ cho mối quan hệ. Dĩ nhiên, tôi không tán thành người khác đoạn tuyệt hôn nhân của họ. Tôi chỉ đơn giản nói rằng, chúng ta thường hay hiểu lầm ý nghĩa của hôn nhân là gì. Khi mối quan hệ không tốt đẹp, có nghĩa là cả hai người đều ám ảnh bởi cái “Tôi”: “Những thứ tôi muốn là …” hoặc “Cái này không thích hợp cho tôi.” Nếu có vương vấn một chút gì đòi hỏi, mong muốn, thì dẫn đến mối quan hệ trở nên gắng bó và vận động trơn tru hơn. Đó là lý do tại sao cuộc đời thật kỳ thú. Là một tự ngã riêng biệt với tham vọng tách rời, thì bạn không có giá trị gì cho cuộc đời này cả. Và tất cả mối quan hệ không ra hồn, phản ánh được sự thật rằng họ chỉ muốn những thứ cho bản thân của ông ta hay bà ta.

Đây là những câu hỏi mà tôi luôn nghĩ đến, và bạn có thể không đồng ý với những gì tôi đang nói. Tuy nhiên, tu thiền là đi vào trạng thái Vô ngã, là nhận thức ra rằng, con người là không có cái Ngã. Đó không có nghĩa là một người tầm thường. Nó có nghĩa là một người vững mạnh. Nhưng vững mạnh không có nghĩa là cứng ngắt. Tôi có nghe về một phương cách thiết kế nhà ở bờ biển, nơi mà những trận bảo lớn có thể làm ngập lụt nhà cửa: khi nhà bị ngập, phần đồ đạt trong nhà bị sụp đổ. Còn dòng nước thay vì lôi cuốn cả căn nhà, nó chỉ đột phá qua và trôi đi những thứ bên trong và để lại căn nhà trống trơ trọi. Mối quan hệ tốt cũng giống như thế. Nó có một kiến trúc uyển chuyển và một khả năng làm giảm bớt chấn động và căng thẳng, cho nên nó có thể giữ nguyên vẹn và tiếp tục tồn tại vận động. Nhưng khi mối quan hệ xây dựng phần nhiều trên “tôi muốn”, thì đó là một loại kiến trúc cứng ngắt. Khi nó cứng thì nó không thể nào chịu nổi sức ép của cuộc đời, và nó không thể phục vụ đời sống tốt được. Đời sống cũng giống như con người, rất uyển chuyển, cho nên đời sống có thể dùng con người cho những gì nó cố gắng hoàn thành.

Nếu chúng ta hiểu đúng đắn về tọa thiền và sự thực hành của mình, chúng ta có thể bắt đầu làm quen dần với bản thân mình, và cũng hiểu được cảm xúc đớn đau luôn luôn tàn phá cuộc sống của ta như thế nào. Nếu chúng ta thật sự tu tập, thì từ từ theo thời gian, sức mạnh sẽ được tích lũy. Đôi khi có giai đoạn thật là khó khăn khủng khiếp. Nếu có ai nói với bạn một cách khác — không khó khăn, không trở ngại, hay là rất dễ dàng nhanh chóng … — thì họ không phải nói với bạn về phương pháp tu thiền đúng đắn. Tu thiền đúng đắn thì không phải là một tiến trình tu tập cầu kỳ, hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta thực hành đúng trong một thời gian, chúng ta sẽ biết được những gì chúng ta đang đi theo; chúng ta bắt đầu thấy ta là ai. Vậy tôi muốn bạn nên thưởng thức sự tu tập của mình và thực hành nó một cách nghiêm chỉnh. Tu tập không phải là cắt tỉa gọn gàng cuộc đời mình. Tu tập chỉ là xây dựng nền tảng. Nếu không phải là vậy thì không có thứ gì khác cả. Vậy hãy giữ sự trong sáng rõ ràng những gì ta tu tập trong giây phút hiện tại. Ai biết được, vài người trong chúng ta có thể thấy ra bản thân mình, thể nhập vào một mối tương quan mỹ mãn — mối tương quan có một nền tảng khác biệt. Đó cũng tùy thuộc vào mỗi người chúng ta tạo dựng ra cái nền tảng đó. Cho nên, chỉ lo cố gắng tu tập.

Section 1.05 Mối quan hệ thì không phải chỉ dành cho người và người

Chúng ta tọa thiền là để biết chúng ta là ai. Chúng ta có tâm và thân; nhưng những phần này không thể nào giải thích được đời sống mà ta đang sống. Shakespeare’s Polonius có nói, “Đối với cái Ngã của anh thì phải theo nó cả ngày lẫn đêm, nếu anh không thể thì thất bại cho người khác.” Chúng ta muốn biết Chân như của mình. Chúng ta có thể gầy dựng lên một hình ảnh nào đó và đặt tên “Bản thể”, và nếu nó quả là một thật thể, rồi nó cũng sẽ phải liên tục thay đổi. Chúng ta tọa thiền để khám phá, để thể nhập Chân như của mình. Nhưng nó là cái gì?

Nếu bạn phải định nghĩa “Chân như” thì bạn sẽ nói gì? Hãy suy nghĩ một giây. Cái gì tôi có thể nghĩ đến? Những thứ như: sự vận hành của một cá nhân mà không bị điều khiển hay chi phối bởi lòng vị kỷ. Thật là khó mà thấy loại người như thế được chấp nhận như một con người theo khía cạnh nhân sinh mà ta thường hay gặp. Nhưng từ một góc độ nhìn khác, loại người như vậy thì thật sự là một con người hoàn hảo — nhưng không theo cách mà chúng ta thường hay nghĩ về bản thân mình hay người khác. Loại người như vậy giống như không phải là một người nào cả.

Trong khi chúng ta vật lộn trong đời sống và có cảm giác thiếu sót gì đó từ những mối quan hệ với người này hay người nọ, hoặc đối với việc làm hay một sự kiện nào đó; vì bởi một trong những lỗi lầm mù quáng của chúng ta là có cái quan niệm rằng, “tôi có liên hệ với người đó hay sự kiện đó.” Ví dụ, giả như tôi là người có gia đình. Thông thường chúng ta nghĩ trong hôn nhân là, “Tôi là hôn phối của anh ta.” Nhưng chừng nào tôi còn nói, “tôi là vợ của anh ta,” thì có hai cá nhân và trong thật thể không thể có hai được. Thật thể không biết có sự phân biệt. Nhìn bề ngoài thì tôi đám cưới với anh ấy, nhưng thật thể — gọi nó là tiềm năng vô hạn — không thấy có sự phân biệt. Thật thể hình thành ở nhiều dạng khác nhau nhưng cốt yếu nó vẫn ở trong điều kiện của một thể, một tiềm năng lực. Khi tôi nói tôi kết duyên cùng bạn, hoặc tôi sở hữu chiếc xe Toyota hay là tôi có bốn người con, theo trong ngôn ngữ hằng ngày là như vậy. Nhưng chúng ta cần phải nhìn ra rằng, đó không phải là sự thật rốt ráo (đó chỉ là một phương cách diễn đạt qua ngôn từ). Thật tế, tôi không có kết duyên với bất cứ ai hay vật gì; tôi chính là người ấy, tôi mới là vật ấy. Bản thể vốn không biết có sự khác biệt.

Vậy bây giờ bạn có thể đang tự nhũ, tất cả những thứ đó thì tốt; nhưng nói theo thực tế, chúng ta làm gì về những vấn đề khó khăn xảy ra trong cuộc sống của ta? Tất cả mọi người đều biết, đó là một sự thử thách rất ư là to lớn; cũng như con cái, cha mẹ, mối quan hệ. Giả sử tôi kết duyên với một người vô cùng khó chịu. Và những đứa con thì đang bị quản thúc rất là gắt gao. Tôi thường hay nói về sự thật rằng, khi chúng ta chịu đựng khổ đau, thì chúng ta phải trở thành cơn chịu đựng đó. Đó là phương thức chúng ta tiến bộ, và hoàn toàn đúng. Nhưng bây giờ thì làm sao áp dụng vào hoàn cảnh khó khăn này khi nhiều người đều chịu đựng chung một nỗi khổ? Chúng ta làm gì đây? Có nhiều dạng biến đổi của vấn đề trong mối quan hệ. Ví dụ là, tôi có một người hôn phối, mà người ấy thì đang làm việc trong một cuộc nghiên cứu, và nơi thí nghiệm cho luận án này thì phải qua Phi châu trong ba cho tới bốn năm — còn công việc của tôi thì ở đây. Vậy thì làm sao? Tôi phải làm gì? Hoặc tôi có cha mẹ già cần nhiều sự chăm sóc — nhưng nghề nghiệp của tôi, trách nhiệm và bổn phận, cần tôi ở nơi khác, tôi phải làm gì? Những vấn này là thiết thực trong đời sống ngày nay. Dĩ nhiên không phải tất cả những vấn đề đều khó khăn như thế này, nhưng những vấn đề nhỏ nhặt hơn vẫn có thể làm cho chúng ta luôn luôn lo lắng.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lòng hy sinh của chúng ta không nên cho đến người khác như là cho một cá thể; mà nên là cho đến một bản thể. Dĩ nhiên, người nhận đó cũng nằm trong bản thể đó, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa hai tiêu điểm này. Nếu mỗi người của chúng ta là một phần tử của một tổ hợp nào đó, thì mối liên hệ của chúng ta thì không phải với những người trong tổ hợp, mà là với cái “bản thể” của cái tổ hợp đó. Nói đến cái Bản thể, tôi không phải chỉ ra một cái bóng ma huyền bí nào đó đang quanh quẩn trên kia. Bản thể không là gì cả, nhưng nó lại là thứ duy nhất luôn thao túng đời sống của chúng ta. Nó là “chủ nhân ông”. Tu thiền hay nhập thất đều nhằm mục đích để hiểu biết hơn về bản thể của mình. Nếu chúng ta không hiểu được, thì chúng ta sẽ bị mập mờ bởi mọi vấn đề và sẽ không biết phải làm những gì cho đúng khi đối diện với chúng. Cho nên, một thứ mà nên đáp ứng thật sự thì không phải là một đạo sư, cũng không phải là một trung tâm (thiền viện, chùa, nhà thờ..), cũng không phải là một công việc (dĩ nhiên là cần cho đời sống tương đối, nhưng ở đây đang nói về pháp chân đế), cũng không phải là một người bạn đời, cũng không phải là một đứa con, mà là cái Bản thể (hay bản lai diện mục, hay Chân như) của ta. Vậy làm thế nào chúng ta biết cách để đáp ứng với cái bản thể đó? Tất nhiên, đó không phải là dễ dàng gì, và cần mất rất ư là nhiều thời gian, đi chung với sự kiên nhẫn ngoại hạng để học hỏi.

Sự tu tập chỉ cho ta thấy rất rõ rằng, phần lớn trong đời sống của chúng ta, chúng ta không mấy hứng thú gì về bản thể của mình; chúng ta thích thú với cái Ngã nhỏ bé tương đối của ta hơn: chúng ta hứng khởi với những gì cái Ngã đó muốn, những gì cái Ngã đó nghĩ đến, những gì cái Ngã đó mong mỏi, những gì làm cho cái Ngã đó cảm thấy sung sướng, những gì bảo đảm cho sức khỏe của ta, sự sung mãn của ta; đó là những lãnh vực mà chúng ta hao tốn hầu hết năng lực vào. Tu tập tích cực từ từ chiếu sáng làm cho lộ diện sự thật đó. Thật ra, vốn không phải là vấn đề tốt hay là xấu, khi chúng ta có chiều hướng sống theo lề lối suy nghĩ như thế, bởi vì nó vận hành theo khuynh hướng do điều kiện tạo ra vậy. Khi chúng ta có được một chút manh nha về sinh hoạt của mình luôn nằm trong khuôn mẫu của vị kỷ; khi chúng ta nhận thức ra nỗi buồn và bao thống khổ mà lề lối sinh hoạt này tạo ra, thì đôi khi chúng ta có thể ngoảnh mặt làm ngơ với nó. Chúng ta có thể thậm chí có một khoảnh khắc sống theo một chiều hướng khác hơn: sống với bản thể (Chân như).

Nói một cách cụ thể, cái gì là phương thức để tiếp xúc với bản thể? Cách thức thì có thể rất thô thiển, thậm chí rất ư tàn nhẫn — và đôi khi nó có thể là trái ngược. Không có một công thức nhất định nào cả. Có lẽ tôi bỏ công việc làm tương đối tốt của tôi ở New York để ở nhà chăm sóc cha mẹ tôi. Hoặc lẽ là không. Không ai, ngoại trừ bản thể của tôi, mới có thể bảo tôi cái gì tôi nên làm. Nếu sự tu tập của chúng ta lớn mạnh đến giai đoạn chúng ta không còn hay tự lừa dối chính mình — bởi vì chúng ta thể nghiệm được bản chất kinh nghiệm của mình — thì chúng ta biết nhiều hơn về cái gì là hành động đầy lòng bi mẫn mà ta nên làm. Khi chúng ta không là ai cả, Vô ngã (dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến trạng thái đó một cách hoàn toàn), thì hành động chân chánh (Chánh Nghiệp) sẽ biểu lộ rõ ràng.

Bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể dạy cho chúng ta hoặc ít hay nhiều; và một số mối quan hệ, một cách đáng tiếc, là phải đi đến kết thúc. Đôi khi, cách tốt nhất cho con người lại là sự phân hóa mối quan hệ để tiếp tục khoảng đời còn lại. Không một ai có thể nói cho tôi biết cách nào là tốt nhất; không ai có thể biết ngoại trừ bản thể của tôi. Không cần biết là mẹ tôi nghĩ như thế nào, hay dì tôi nghĩ ra sao; và chắc chắn không cần biết tôi sẽ nói gì về vấn đề này. Có một vị thầy từng nói, “Cuộc đời của bạn vốn không mắc mớ gì đến bạn. Cho nên, bạn đừng nên lo.” Nhưng sự tu tập của ta thì chắc chắn là chuyện ta cần phải làm. Sự tu tập là cách học những gì để giúp cho chúng ta hiểu được những điều mà chúng ta không thể thấy, chạm, nếm, hay ngửi. Theo thực chất, bản thể không là gì cả, nhưng nó lại là ông chủ. Khi tôi nói, nó không là gì cả, là tôi nói theo nghĩa thông thường; chủ nhân ông không phải là một vật, nhưng nó lại là thứ duy nhất. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta không phải kết hôn với người hôn phối, mà là với cái bản thể. Khi chúng ta dạy một nhóm trẻ em, chúng ta không phải đang dạy dỗ những đứa trẻ, mà là chúng ta đang diễn tả cái bản thể theo chiều hướng thích hợp tới cả lớp.

Những thứ này vừa nghe qua có sắc thái của chủ nghĩa duy tâm và xa vời; nhưng mỗi năm phút chúng ta có một cơ hội thực hành nó. Ví dụ: sự giao tiếp với một người mà người đó hay làm cho ta khó chịu; một sự kiện nhỏ không như ý, khi chúng ta cảm thấy người khác nên biết rõ (và đừng nên làm). Cơn bực bội khi đứa con gái của tôi hứa sẽ gọi điện thoại cho tôi nhưng rồi lại quên. Cái gì là bản thể trong tất cả những dự kiện này? Thường khi, chúng ta không thể nào nhận ra bản thể; chúng ta chỉ có thể thấy ra cách nào mà chúng ta nắm bắt hụt nó. Chúng ta có thể nhận thức ra nỗi bực bội, phiền muộn, bồn chồn. Những loại tư tưởng như thế chúng ta có thể lập Niệm được. Chúng ta có thể làm được một cách kiên nhẫn; chúng ta có thể kinh nghiệm sự căng thẳng do tư duy tạo ra. Nói khác đi, chúng ta có thể kinh nghiệm được những gì mà chúng ta ép đặt giữa chúng ta và bản thể của chúng ta. Khi sự tu tập cẩn thận như vậy được đặt vào cuộc sống của chúng ta trên hết tất cả mọi thứ khác, đó chính là lúc chúng ta đang phục vụ cho ông chủ — và rồi chúng ta phát triển thêm sự hiểu biết về những gì cần phải làm xong.

Chỉ có một ông chủ. Ông chủ không phải là tôi, hoặc một ai khác, không phải là người giác ngộ này hay là đạo sư kia; không một người nào có thể là ông chủ cả. Thiền viện cũng chỉ là một phương tiện cho ông chủ. Hôn nhân, quan hệ hay bất cứ gì khác cũng như thế. Nhưng để hiểu thấu được điều này, chúng ta phải chiếu rọi mọi hoạt động của ta không chỉ một lần, mà là mười-ngàn lần hay nhiều hơn nữa. Chúng ta phải đặt ánh sáng của chiếc đèn pha (tỉnh giác) vào những tư tưởng không thân thiện về người hay việc. Chúng ta phải lưu ý rõ ràng vào những cảm thọ, ham muốn, kỳ vọng, phán xét về người khác hay bản thân mình — những thứ này phủ kín mọi sự vật. Chúng ta giống như là một con mực nhỏ, chúng ta đã tinh nghịch xì ra chất mực làm cho chính bản thân mình cũng không thể thấy được môi trường chung quanh. Khi chúng ta thức dậy mỗi sáng, chúng ta lập tức nặn ra mực rồi. Mực của chúng ta là gì? Mối bận tâm vị kỷ, chính nó đã che tối tất cả những gì chung quanh ta. Khi chúng ta sống một đời sống vị kỷ, chúng ta luôn luôn tạo ra vấn đề. Chúng ta có thể khẳng định là, chúng ta không thích những câu chuyện thần thoại khủng khiếp, nhưng chúng ta lại hành động theo những sự khủng khiếp đó. Có cái gì đó bên trong chúng ta đã luôn bị quyến rũ bởi sự sôi động của ta và chúng ta bám víu vào nó (cái gì đó) và làm cho chính mình lu mờ, bối rối.

Tu tập đúng đắn sẽ đưa chúng ta đi vào sâu hơn vùng không gian rõ ràng và thực tế (không có dấu vết của giả tạo và sai lầm), nơi mà mọi sự là như-nó-là — chỉ có sự vận hành. Sự vận hành này không thể bắt nguồn từ trạng thái vị kỷ. Tọa thiền sẽ làm tăng vượt bực cái cơ hội cho chúng ta an trụ trong không gian này nhiều hơn trong cuộc sống còn lại của chúng ta. Nhưng chúng ta phải có kiên nhẫn liên tục, và lập trường; chúng ta phải giữ trạng thái bình thản và ngồi. Bản thể không là gì cả. Nó chỉ là sự vắng bóng của tất những thứ khác. Đó là những thứ gì?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn