Thiền chỉ và thiền Vipassanā

14 Tháng Ba 202219:02(Xem: 1039)

Sự khác biệt giữa thiền chỉ và thiền Vipassanā 

Tỳ Khưu T. Seelananda


Thiền chỉ có nghĩa là vắng lặng và Vipassanā có nghĩa là nhìn thấu vào bên trong. Đây là hai trình độ của sự phát triển tâm linh và thông qua sự thực tập, tâm của con người có khả năng để phát triển hơn nữa và trở nên hoàn thiện. Những người đã phát triển tâm của mình đến mức hoàn thiện được gọi là các vị Thánh A-la-hán. Đức Phật, vị Thánh A-la-hán đầu tiên của kỷ nguyên của chúng ta nói, “ Nếu con người siêng năng thực hành chánh niệm và tỉnh giác một cách liên tục, thế giới này sẽ không vắng bóng các bậc Thánh A- la –hán.”

 

Chúng ta bắt đầu việc ngồi thiền bằng thực hành thiền vắng lặng. Đầu tiên, chúng ta chọn một đề mục thiền thích hợp. Trong Phật giáo, có khoảng 40 đề mục được đề nghị để sử dụng cho việc thực hành thiền vắng lặng, và hơi thở là một đề mục phổ biến.

Sau khi chọn một đề mục thích hợp, bạn tìm một chỗ thích hợp, ít bị quấy rầy để thực hành. Ngày nay, thật khó tìm được một nơi hoàn toàn yên tĩnh, không có tiếng ồn của xe cộ, ti vi và chuyện trò ồn ào của cuộc sống thường nhật, nhưng chúng ta nên tìm sự yên tĩnh mà chúng ta có thể tìm thấy trong nhà chúng ta. Chúng ta ngồi trên gối, hai tay đặt vào lòng, hai chân bắt chéo nếu bạn có thể ngồi được như vậy (điều quan trọng là bạn hãy khởi sự thực tập cho dẫu bạn không thể ngồi được tư thế kiết già). Nếu bạn muốn hoặc cần ngồi trên ghế, cũng tốt nữa, nhưng hãy cố gắng giữ lưng cho thẳng.

Bây giờ, hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại, chú tâm hoàn toàn vào đề mục thiền của bạn. Hãy thư giãn mọi bắp thịt trong cơ thể của bạn, thả lỏng mọi sự căng thẳng hoặc căng cứng. Hãy thở một cách tự nhiên. Ngồi yên như vậy cho đến khi bạn cảm nhận được sự định tĩnh và bạn kinh nghiệm được trạng thái tâm vắng lặng. Cố gắng thực hành như vậy tối thiểu vài phút mỗi ngày.
Đây là cách để phát triển sự an tịnh, học để chú tâm vào một đề mục hoặc một điểm để tâm ý tập trung vào đó. Bạn phải cố gắng giữ cho tâm mình tập trung vào một đề mục, trong trường hợp này là hơi thở vào và hơi thở ra. Hãy để cho hơi thở trôi chảy một cách tự nhiên, thanh thản và êm dịu.

Thực hành Vipassanā thì hoàn toàn khác. Vipassana về cơ bản, có nghĩa là chia ra hoặc tách ra. Nó là kết quả của quá trình thực tập và phát triển chánh niệm và tuệ giác. Ở đâu có chánh niệm ở đó có tuệ giác. Đó là lý do tại sao thiền quán còn được gọi là thiền tuệ. Qua việc thực hành Vipassanā, hành giả có thể thấy rõ ba đặc tướng của sự hiện hữu là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, không có linh hồn.

Không giống thiền vắng lặng hay thiền chỉ (samatha), trong thiền Vipassanā, hành giả phải chú tâm vào các đối tượng sanh khởi, càng nhiều càng tốt. Chúng ta thường nhận biết nhiều đối tượng khác nhau thông qua các cửa giác quan của chúng ta. Qua mắt, chúng ta tiếp xúc với (thấy) những vật hữu hình (cảnh sắc), qua tai chúng ta tiếp xúc với âm thanh, qua mũi chúng ta tiếp xúc với mùi, qua lưỡi chúng ta tiếp xúc với vị, qua thân thể chúng ta xúc chạm với những đối tượng hữu hình và qua tâm chúng ta tiếp xúc với những đối tượng mà tri giác nhận biết được (đối tượng của tâm). Tất cả đều sanh khởi do nhân duyên. Nếu hành giả hướng sự chú tâm đến thời điểm tiếp xúc (thời điểm mà chủ thể, đối tượng và ý thức gặp nhau hay ghi nhận trong khoảnh khắc hiện tại), hành giả có thể hiểu được bản chất của các cảm thọ, thủ cũng như tham ái.

Với một sự hiểu biết vào bản chất của sự vật như vậy, hành giả có thể đi đến kết luận rằng chẳng có gì đáng để ôm giữ như là của ta và “ chẳng có gì là của ta, tất cả mọi thứ chẳng phải là ta, tất cả mọi thứ chẳng phải là cái Ngã của ta, mọi thứ đều vô thường, mọi thứ đều bất toại nguyện và mọi thứ đều vô ngã, không có linh hồn.”

Qua sự quán chiếu như vậy, hành giả sẽ không còn cảm thấy có những ham muốn bám víu vào bất cứ điều gì cũng như không xua đuổi bất cứ điều gì, hành giả sẽ sống hạnh phúc và an vui trong xã hội như một đóa sen nở trong hồ. Rễ của nó có thể tìm thấy trong bùn, nhưng hoa thì tinh khiết và trong sạch.

Tương tự như vậy, chúng ta sinh ra trong một thế giới đầy đau khổ, nhưng nếu chúng ta có đủ chánh niệm và phát triển trí tuệ, tánh giác chúng ta sẽ đơm hoa. Vậy, đây là những gì khác biệt trong việc thực hành thiền vắng lặng (samatha), trong đó chúng ta chỉ lấy một đối tượng (làm đề mục), trong khi với Vipassanā, chúng ta ghi nhận càng nhiều đối tượng càng tốt. Đó chính là sự khác biệt.

Theo: The Different between Samatha and Vipassana

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Panna Dipa Tuệ Đăng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn