Niệm Phật

13 Tháng Chín 201200:00(Xem: 13645)

NIỆM PHẬT
Thích Nữ Phổ Hạnh

Thế gian ly sanh diệt
Thí như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm
(Kinh Lăng Già)
Dịch nghĩa:
Thế gian lìa sanh diệt
Như hoa đốm hư không
Trí tuệ không có, không
Hưng khởi tâm Đại Bi.

 

Cứu cánh trí tuệ Phật Giáo là chứng đắc Tánh Không của vạn pháp. Trong kinh điển, Tánh Không là pháp giới Tánh, cũng chính là Phật Tánh. Phật tánh không ngằn mé, không hạn lượng, không đối đãi giữa sanh và tử, giữa có và không... Phật tánh kết tập hưng khởi từ sức trí tuệ vô lượng và tâm đại bi vô biên. Đức Phật thường dạy, Bồ Tát đạo nương Phật tánh làm con đường, nương trí huệ Bát Nhã làm thuyền độ sanh. Nhờ nương sức từ bi của chư Phật, Bồ Tát quán sát thế gian như hư huyễn, không thật có sinh diệt, như hoa đốm giữa hư không. Bồ Tát tinh tấn phổ độ chúng sanh không mệt mỏi, không nhàm lìa, nhưng không thấy mình vĩ đại, không thấy chúng sanh đáng tội nghiệp, không thấy mình cao cả, đáng làm chỗ cho chúng sanh cúng dường… Vì dù có chấp, có thấy đến thế nào chăng nữa, thì điểm cuối cùng trên đạo lộ giải thoát vẫn phải là “tâm, Phật, chúng sanh - ba thứ ấy đều không sai biệt”.

Như vậy, từ cảnh giới của phàm phu cho đến cảnh giới của Bồ Tát, không có cảnh giới nào muốn đạt đến cứu cánh giải thoát mà không nương nhờ sức Từ Bi, Trí Tuệ vô lượng, vô biên của Phật. Nương nhờ và quy y nghĩa là tùy chỗ, tùy duyên… nhưng không mất phương hướng,

 

không quên tưởng nhớ đến Phật, không quên niệm Phật. Khi tâm thường chân thật niệm Phật, lâu dần sẽ sanh chuyên tâm. Cấp độ chuyên tâm cao hơn sẽ dẫn đến Nhất Tâm. Nhất Tâm là cảnh giới của Định. Định lực sẽ biến thành nguồn năng lượng mạnh mẽ, tùy vào tầng thứ của Định mà phát sanh trí tuệ đưa đến giải thoát. Khi chứng đắc trí tuệ cứu cánh, tất nhiên cảnh giới của Phật Tánh sẽ hiển bày. An trụ Phật tánh tức an trụ Tánh Không của vạn pháp. Từ duyên khởi tánh Không, phát tâm Đại Bi phổ độ chúng sanh.

Như vậy, từ phàm phu cho đến cảnh Phật, khi nào còn chưa đắc độ thì còn cần nương tựa Phật. Tuy vậy, con đường sẽ gần hay xa tùy vào cấp độ “chân thật Niệm Phật” của mỗi chúng sanh.

Trong Kinh điển, đức Phật thường ca ngợi đức hạnh “Chân Thật”. Phải chân thật niệm Phật, phải chân thật tu hành. Vì chân thật thì việc tu mới có kết quả. Không chân thật thì dù có làm gì chăng nữa cũng chỉ tốn kém thời giờ, không lợi ích được gì. Cứ thế một đời trôi qua trong quên lãng, ngàn đời trôi qua trong nhấp nháy, càng xa Chánh pháp thì cơ hội gặp đạo giải thoát càng ít đi. Thường nghe ví dụ, khi thật sự biết rắn là loài vật đáng sợ, là loài vật nguy hiểm, thì khi gặp rắn, không cần phải đợi giải thích, năn nỉ hay răn đe, lập tức không ai dám chộp lấy con rắn, mà điều đầu tiên khởi lên là phải sợ hãi và tìm cách lánh xa. Giả sử gặp lúc giữa đêm, đang cơn tối tăm khiến lầm lẫn giữa rắn và sợi dây, dù chộp lầm chăng nữa nhưng khi chạm đến cái lạnh lạnh ghê ghê của da rắn, liền lập tức buông tay không một giây tính toán chần chừ. Đó chính là chân thật sợ rắn. Còn nếu không phản ứng như vậy, thì một là rơi vào dạng “điếc không sợ súng”, tức không hề biết rắn nguy hiểm lợi hại như thế nào; hai là dạng “chuyên viên bắt rắn” mới không sợ rắn cắn mà thôi. Hai dạng đó dầu luôn miệng nói là “sợ rắn” theo xu hướng của mọi người, nhưng thật tâm không sợ. Đó là nghĩa không chân thật trong trường hợp này.

Niệm Phật hay tu bất cứ pháp môn nào cũng vậy, phải “chân thật tu hành”. Rất có nhiều trường hợp vì hoàn cảnh, vì nhân duyên nào đó… bắt buộc phải biểu lộ hành động tu hành, nhưng thật tâm thì khác. Thay vì nghĩ đến Phật, thì lại nghĩ đến những chuyện không phải Phật. Quý Thầy giảng Pháp thường nhắc: Nếu thật sự chúng ta hiểu Vô Thường thì chúng ta đã không như bây giờ. Nếu thật sự chúng ta sợ Luân Hồi, thì chúng ta đã buông hết phiền não tham, sân, si… từ lâu rồi. Và quả thật là vậy, vì từ vô lượng kiếp mỗi chúng sanh đã kinh qua không biết bao nhiêu cảnh giới trong sáu nẻo luân hồi. Chúng sanh đã từng làm quốc vương, tướng tá, dân đen… cho đến làm súc sanh, thọ báo địa ngục, ngạ quỹ… Dạng tâm thức nào cũng đã kinh nghiệm qua, trong đó danh lợi, quyền uy tột đỉnh của thế gian, giàu sang phú quí… cho đến hèn hạ, bần cùng… tất cả cũng đã có. Chỉ có kinh nghiệm của Chứng Đạo hay kinh nghiệm “Niệm Phật Tam Muội” là chưa từng có mà thôi. Chỉ nghĩ đến 5 dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, chắc chắn chúng sanh nào cũng từng trãi qua trong quá khứ, nhưng giờ này còn lại gì, ngoài tâm thức ưu phiền của kiếp nhân sinh? Thường niệm quán như vậy, mấu chốt vấn đề đã được bật ra, từ đó phát sinh động lực đem tất cả buông xuống. Vì vậy, Tổ sư nào cũng nhắc nhở, kiếp sống này là cơ hội cuối cùng để quay đầu lại, là chuyến tàu cuối ngày đưa người về quê hương. Nếu lỡ tuột mất trôi qua, thì thật không còn gì đáng tiếc hơn nữa.

Thật cảm niệm công ơn Đức Phật không gì diễn tả hết được! Tưởng tượng nếu thế gian không có phút Đản Sanh của Thái tử Tất Đạt Đa, giờ này không chỉ nhân loại mờ mờ mịt mịt, mà địa ngục dầu sôi, ngạ quỹ đói khổ, súc sanh tối tăm… còn tăng dân số không đếm kể cho hết được.

Thế gian mãi mãi kính lạy buổi bình minh chấn động ba ngàn thế giới, ngày Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề năm xưa. Ngày ấy đến nay đã hơn 25 thế kỷ, nhưng tất cả trời, người vẫn còn được nhuần ân. Tâm thức chúng sanh không chỉ hiểu được sự hiện hữu của thế giới loài người, thế giới loài vật, mà còn biết hướng đến thế giới của phi nhân, của chư Thiên hay địa ngục, ngạ quỹ, a tu la… Huyền diệu hơn, chúng sanh còn biết có thế giới Phật, thế giới của tuyệt đối thanh tịnh, thế giới của liên hoa hóa sanh. Nơi thế giới ấy, không có bóng dáng của sanh tử luân hồi, không còn nhân ái dục để chiêu cảm nghiệp báo thai sanh. May mắn hơn, Đức Phật đã vạch rõ con đường đi đến thế giới đó. Con đường rất dễ hiểu, chỉ theo một công thức “Tất cả do Tâm tạo”.

Tâm như một kho tàng chứa tất cả những chủng tử gieo trồng vào đó. Chính những chủng tử đó sẽ hướng dẫn chúng sanh tái sanh. Cảnh giới đi tái sanh tùy theo chủng tử nào gần nhất, mạnh nhất lúc chấm dứt thân giả tạm này, nghĩa là khi Chết. Tất cả chúng sanh còn trong vòng nghiệp báo, khi thần thức lìa khỏi thân xác, đa phần đều phải rơi vào cảnh mờ mịt, hoảng loạn, bơ vơ… không khác tâm trạng trẻ con sợ hãi, hoang mang khi thất lạc cha mẹ. Trong cơn hoảng sợ thần thức có khuynh hướng tìm cầu cảnh nào đó để nương tựa. Cảnh đó sẽ là những tâm trạng quen thuộc, thường xuyên xảy ra khi còn sống. Những tâm trạng quen thuộc tạo thành chủng tử khắc ghi vào Tâm thức. Chính những chủng tử đó hóa hiện thành cảnh giới làm nơi nương tựa cho thần thức. Điều đó giải thích trong cuộc sống thường ngày thương yêu hoặc say mê cái gì quá, sẽ tái sanh trở lại gần gũi với cái thương, cái mê đó. Hoặc giả thù hận hay căm ghét nhân vật nào đó, thần thức cũng lấy tâm đó để nương tựa, rồi trở lại báo thù hay tiếp tục cuộc vòng quanh của thương yêu, oán ghét…

Ví dụ khác, một người thường tạo nghiệp sát sanh, khi mạng chung thần thức sẽ thấy lại cảnh chết chóc kêu la của loài vật; và trong hiện cảnh như vậy, nếu chủng tử thiện lành không đủ sức làm mờ đi, thì thần thức sẽ bị nghiệp lực dẫn đi theo chiều hướng tiếng kêu la của loài vật. Và đó là lúc đi vào cảnh giới theo chủng tử nghiệp lực đã tạo; cho đến khi nhân quả nhẹ dần, thì nghiệp lực bấy giờ sẽ được thay thế bởi những nghiệp khác để đi vào cảnh giới khác hơn. Nhưng nghiệp lực là gì ? Đó là những hành động tạo tác hóa thành chủng tử thiện ác vậy. Thế thì được đi lên hay đi xuống đều tùy vào sức mạnh của những chủng tử còn lại trong tâm thức chúng sanh đó.

Tâm cảnh người niệm Phật thường ngày huân tập câu niệm Phật. Cảnh giới của người chân thật niệm Phật nhận thức các pháp đều duyên sanh, không tự tướng. Nhận thức được vạn vật vô thường biến đổi không ngừng. Từ đó không sanh tham đắm và chấp trước. Các việc thường ngày xảy ra chỉ do nhân duyên, chúng đến rồi chúng sẽ đi, như “hoa đốm giữa hư không”.

Quan trọng hơn, người niệm Phật muốn nhập vào cảnh giới Phật, phải phát Bồ Đề Tâm tức phát tâm sớm chứng đạo Vô Thượng để cứu độ hết thảy chúng sanh không phân biệt. Đó cũng là thấy rõ nhân duyên của các pháp mà phát Đại Bi Tâm trong tinh thần Bồ Tát. Cảnh giới của người niệm Phật như thế thường sanh hỷ lạc và thanh tịnh. Do thấy rõ lỗi lầm của sinh tử, nên chấm dứt khát ái, không còn tái sanh trong ba cõi. Sau khi mạng chung, đời sống kế tiếp không thọ thân trong bào thai mà hóa sanh trong hoa sen.

Do luôn sống với tâm thanh tịnh, tâm thức lúc đó chứa đầy chủng tử niệm Phật, nên khi xả báo thân, tất nhiên thân tái sanh phải phù hợp với cảnh giới ấy: Cảnh giới Phật. Huống hồ, ngay giờ phút đó còn được Chư Phật, chư Bồ Tát cuỡi mây Đại Nguyện, lướt gió Đại Bi đến tiếp dẫn vãng sanh. Cuộc hành trình đau khổ của kiếp luân hồi đến đây mới mong chấm dứt !

Và từ đây, tâm thức người niệm Phật sẽ chính thức hòa vào dòng pháp của chư Phật, chư Bồ Tát. Sẽ chứng đắc cảnh giới của Pháp Tánh, của Duyên khởi Tánh Không. Sẽ chấm dứt tái sinh, không sinh không diệt. Không còn đối đãi của thế gian, không chấp Có cũng không chấp Không. Nhưng vẫn tiếp tục hạnh nguyện Bồ Đề, trở lại Ta Bà hóa độ chúng sanh. Đó là cảnh giới của chư Bồ Tát trong Kinh Lăng Già “Trí bất đắc hữu vô, nhi hưng Đại Bi Tâm” mà Đức Phật thường nhắc nhở vậy.

Kính nguyện tất cả chúng sanh đều niệm Phật, một mai cùng vãng sanh cảnh giới Phật và cùng làm bạn hữu nương thuyền Từ phổ độ chúng sanh.

 

Cảm niệm mùa Phật Đản TL 2010

Thích Nữ Phổ Hạnh kính bút


(CÙNG TÁC GỈA / DỊCH GỈA)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn