Như lý tác ý – lối về tuệ giác

01 Tháng Hai 201910:05(Xem: 6336)


nhu-ly-tac-y
NHƯ LÝ TÁC Ý – LỐI VỀ TUỆ GIÁC

Sakya Như Bảo

 

“Như lý tác ý” (Yoniso manasikāraṃ) là một thuật ngữ được sử dụng rất thường trong các bản kinh Nikàya. “Như lý tác ý” là tư duy, nhận thức một cách khôn ngoan, đúng pháp. Mục tiêu của công phu Như lý tác ý là đưa Chánh kiến vào đời sống hằng ngày, giây phút nào ta sống có Chánh kiến tức là có Như lý tác ý, ngược lại nếu chúng ta rời bỏ Chánh kiến sẽ đồng nghĩa với việc bị sa đà vào những Phi như lý tác ý (ayoniso manasikāraṃ).

Theo Kinh Chánh Tri Kiến, các bậc Thánh Hữu họcVô học đã đạt đến ‘Chánh kiến xuất thế gian’, các vị ấy luôn Tuệ tri như thật bản chất của các Pháp, nhìn các pháp như chúng thật sự là, đúng với bản chất duyên sinh, vô ngã của chúng. Hàng phàm phu, trái lại, dầu có làu thông thiên kinh vạn quyển, bất quá chỉ dừng lại ở ‘Chánh kiến thế gian’, ở ‘Trí hữu sư’ hạn hẹp tạm thời.

Thật vậy, nhờ học hỏi giáo lý, chúng ta biết cuộc đời là huyễn mộng, là duyên sinh, vô ngã, nhưng khi gặp sự cố - như mất người thân, hay bị vu oan giáng họa chẳng hạn - ta vẫn đắm đuối, chìm ngập trong khổ đau (nỗi mất mát to lớn dường kia, nỗi oan ức sừng sững ra đấy, lại có thể là mộng mị, vô ngã hay sao?).  Thế thì cái thấy, cái biết thường nhật của chúng ta chẳng qua chỉ là những tri kiến kinh điển, là cái hiểu trên phương diện sách vở, không qua kinh nghiệm thực chứng. Nó do vậy, hoàn toàn chẳng nghĩa lý gì khi ta trực chiến với khổ đau. Cái mà người học đạo giải thoát hướng đến không phải là tri kiến thế gian này mà là Tuệ giác của bậc Thánh, là sự nhận thức sâu sắc sau khi đã trải nghiệm và chứng thực sâu sắc.

Thông thường, chúng ta nhìn các pháp không phải với con mắt Tuệ Tri mà là Tưởng Tri, nghĩa là theo những gì ta suy đoán hay tưởng tưởng, vẽ vời về đối tượng (tức cái thấy “Tỷ lượng” và “Phi lượng” theo Duy Thức học). Chính vì thiếu con mắt trí tuệ nên chúng ta luôn bị cái tưởng dối gạt dẫn đến nhìn sự việc méo mó, lệch lạc, và vì thế, không thể soi thấu sự thật ẩn nấp đàng sau lớp sơn sắc uẩn.

Một ví dụ rất dễ hiểu là khi xem biểu diễn thời trang, cặp mắt của đa số khán giả thường dán chặt lên cô người mẫu, trong khi các nhà thiết kế chỉ quan tâm đến bộ áo mà cô ấy trình diễn. Trong tình huống này thì người mẫu có vai trò tương tự như cái móc áo.

Chúng ta thường đem tâm cấu uế để nhìn đời nên thấy mọi thứ xung quanh đầy dẫy những triền phược, điên đảo, từ đó nảy sinh dục tâm, sân tâm, và hại tâm. Nếu biết hiểu đúng, nhìn đúng - tức là Như lý tác ý - thì ta sẽ thấy rằng thật ra chẳng có cái gọi là tịnh hay bất tịnh. Tịnh hay bất tịnh, vốn không phải do sự việc hay sự vật mà chính do nơi thái độ của ta về chúng như thế nào. Nếu đạt đến cái thấy này thì dù sống giữa lòng thế tục, đi giữa gió bụi dương trần, mắt thấy việc đời, tai nghe chuyện đời ta vẫn thấy bàng bạc trong đó ý đạo nhiệm mầu, ấy chính là “Như Lai thường trụ trên tà áo xuân”,[1] là ‘chim thuyết pháp,’ ‘cây niệm Phật’ của cảnh giới Tây Phương cực lạc.

Trong đời sống tu tập, đôi khi ta phải chạm mặt với những cảm thọ rất đau đớnthống khổ, nó có thể bóp nghẹt sức sống Chánh kiến trong ta. Những lúc như thế, điều nên làm không phải là trốn tránh, tự dối gạt mình. Bởi chạy trốn, ngay cả khi trốn trong “Vô tưởng Định”, thì cũng chỉ là một hình thức tạm treo miễn chiến bài với khổ đau mà thôi, khi hạ màn thì đau khổ vẫn trùng trùng vây bủa. Cách duy nhất ta có thể làm là chánh niệm quán sát cho đến khi những khổ thọ này chuyển sang xả thọ. Nghe qua thì có vẻ khiên cưỡng, nhưng thật sự một người chưa trải nghiệm khổ đau, chưa đi qua giông tố cuộc đời, hoặc nồng độ khổ đau chưa đạt tới ngưỡng, thì thật khó mà tỉnh táo ‘Như lý tác ý.’ Nói tóm lại, nếu biết Như lý tác ýNhư lý giác sát thì chính những khổ thọ sẽ trở thành chất xúc tác giúp ta bừng khai Tuệ giác. Đây chính là mục tiêuhành giả nào cũng hướng đến.

        Điều cần lưu ý Tuệ giác vốn không phải là thành phẩm từ sự tập hợp những kiến thức khái niệm do tư duy mà có. Nó chính là cái nhìn Hiện Lượng (theo Duy Thức học), là cái thấy, cái biết tự nhiên và trực tiếp mà không hề qua trung gian suy luận, vượt ra ngoài bình diện của trí năng, là một huyền nhiệm xảy ra ở ngoại biên của ý thức. Khi công phu chánh niệm của hành giả chín mùi thì nó tự khắc hiển lộ.

Nói cách khác, Tuệ giác chính là sự sống hiện tiền, bất cứ khi nào Tuệ giác có mặt thì liền có “hiện pháp lạc trú.” Đây là điều mà không kinh điển nào có thể làm được. Vì Tuệ giác chưa bao giờ thoát thai từ Kinh điển, Tuệ giác vốn đã có sẵn trong mỗi chúng ta, Kinh điển chỉ có tác dụng như chất xúc tác để phát động hạt giống Chánh kiếnChánh niệm tiềm ẩn nơi mỗi người. Nếu chúng ta tìm giải thoát nơi giáo điển thì há chẳng phải là việc làm “ôm cây đợi thỏ”[2] “khắc thuyền cầu kiếm”[3] hay sao? Nếu ý thức được điều này, đứng trên lập trường này mà học Phật pháp thì mỗi bài kinh, mỗi dòng chữ đi qua đất tâm ta sẽ tràn ngập ánh sáng tuệ giác:

“Ý nào hóa hiện ngàn hoa,
Chữ nào cẩn nguyệt trên tà áo ni.”
(Phạm Thiên Thư)

Thế nên, người học Phật phápChánh kiến thì tu ngay trong khi học, không đợi phải học cho đủ bài bản mới nghĩ đến việc dụng công. Nghe Pháp trước hết phải lắng lòng thanh tịnh, tâm tuyệt đối trong sạch. Tất cả những thành kiến, những ký ức, những kinh nghiệm, những phán xét chủ quan về Pháp và người thuyết Pháp đều phải được bỏ ngoài cửa giảng đường. Có như thế thì chúng ta mới thưởng thức được cam lồ pháp vị. Người dạy sẽ dạy bằng tất cả tấm lòng, người học cũng sẽ học bằng cả cuộc đời mình, với tất cả những niềm đau nỗi khổ mình đã đi qua. Cái học và sự tu phải được đan xen tương tác lẫn nhau, áp dụng những điều được học vào sự tu và lấy cái tu để soi chiếu cái học; Như thế mới không uổng phí những giờ học pháp. Bởi tuy rằng hạt mầm Chánh KiếnChánh niệm vốn sẵn có nơi mỗi chúng sanh, nhưng vì lâu nay chúng ta đã quen sống trong thất niệm, mãi mê với trò tầm chương trích cú, nên mảnh đất tâm sớm đã khô cằn, hoang phếcỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.”[4] Gặp được minh sư thiện hữu hay tham dự những giờ học Phật pháp chính là cơ hội để ta ‘renew,’ ‘refresh’ lại vườn tâm của mình. Vấn đề là phải có đủ Định lực để giữ gìn miên mật ngọn lửa chánh niệm cháy sáng không gián đoạn, soi thấu bốn đối tượng thân, thọ, tâm, và pháp; Chính sự quán niệm này sẽ làm bừng khai Tuệ giác. Nếu vì những bôn ba thế sự (hay đa đoan ‘pháp sự’) mà ta ngoảnh mặt ruồng rẫy chân tâm, để ngọn lửa chánh niệm bị lu mờ, bị phụ bạc trong đời sống tu tập thì mọi cái còn lại, kể cả Tam tạng giáo điển đều trở thành những xác uớp của lịch sử. Bỏ mình theo vật sao chẳng khỏi mất mình! Phương chi, sức sống của chánh pháp tuỳ thuộc vào chính những người đang sống và thể hiện nó chứ không liên quan gì đến những trò hý luận, huyền đàm, càng chẳng can hệ gì đến học hàm hay vị thế cá nhân.

Con đường ngày xưa vẫn đó, vầng trăng Tuệ giác vẫn tròn đầy, uyên nguyên vành vạnh, soi bước chân những lãng tử hồi đầu. 

“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.”
(Bùi Giáng)

Hỏi tức là đã trả lời.


 

 



[1] Thơ Phạm Thiên Thư

[2] “Thủ chu đãi thố” (Kinh Bách Dụ)

[3] “Khắc chu cầu kiếm” (Sđd)

[4] Nguyễn Du

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn