TRÀ ĐẠO

26 Tháng Mười 201620:40(Xem: 6208)
TRÀ ĐẠO
ĐÀO NGUYÊN MINH sưu tầm

 


LỊCH SỬ

Trà có nguồn gốc từ vùng đồi núi Nam châu Á, và từ đó được đưa vào Trung Quốc. Ban đầu, trà được dùng như là vị thuốc, nhưng đến đời nhà Đường (618-907), trà trở nên là món giải khát chính có mùi vị thơm tho của nó. Trà là đề tài chính trong nền văn hóa Trung Quốc, nên Lục Vũ mới soạn ra ba cuốn sách gọi là Trà Kinh. Vào thời đó, lá trà được ép thành bánh như thỏi gạch nung. Khi pha trà, bánh trà được cắt nhỏ trộn với gừng hoặc muối và được đun sôi. Về sau, vào thời nhà Tống (1127-1280). Lá trà xanh được hấp, sấy, và xay nát thành bột trà. Loại bột trà này được dùng nhiều trong các buổi lễ ở các tự viện.

Trà có lẽ được mang về Nhật vào thời kỳ giao tiếp văn hóa đầu tiên với nhà Đường Trung Quốc. Thiền Sư Kukai, tổ sư thiền phái Shingon (Chân Ngôn), đã mang bánh trà từ Trung Quốc về Nhật dâng cho Nhật Hoàng vào đầu thế kỷ thứ 9. Đến thế kỷ thứ 12, việc uống trà ở Nhật đã trở thành một nghi thức trong triều đình và các tự viện Phật Giáo.

Thiền Sư Eisai (1141-1215), người du nhập Thiền Lâm Tế vào Nhật Bản, cũng đưa lối uống trà bột vào Nhật khi ngài trở về Nhật sau thời gian tu học bên Trung Quốc. Ngài cũng biên soạn cuốn Kissa Yojoki (Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký), nêu lên những dược tính của trà cho sức khỏe vật lý lẫn tâm lý.

Việc nghiên cứu trà được tiếp nối qua vị đệ tử của Eisai như Thiền Sư Dogen (1200-1253), vị tổ sư thiền phái Tào Động ở Nhật. Khi Dogen trở về từ Trung Quốc năm 1227, ngài cũng mang về nhiều dụng cụ để pha trà, và hướng dẫn cách uống trà qua đời sống tu hành ở thiền viện Eiheiji, là tu viện được chính ngài thành lập tại Fukui.

Thưởng thức trà không những chỉ hạn chế ở trong các tự viện hay triều đình. Mà sự thịnh hành của trà đã lan vào giai cấp võ sĩ đạo. Hội họp dùng trà trong thời đại này thường được tổ chức để thẩm định các loại trà ngon và có giải thưởng dành cho những ai thắng giải. Kèm theo đó là hội thơ, uống rượu, hay đấu giá những loại trà cụ mang về từ Trung Quốc. Do vậy mà các sứ quân thường hay sai các võ sĩ sang tận bên Trung Quốc tìm mua những trà cụ để mang về.

Tiến trình pha trà, dùng trà có nhiều liên quan phức tạp qua cách uống trà của nó: nghi thức dùng trà ở tự viện; hội trà của các quan chức triều đình; vào thế kỷ 15 và 16, lại có một lối uống trà của giai cấp thương buôn; tiêu biểu trong thời kỳ này có ba danh sư dùng trà là Murata Shuko, Takeno Joo, và Sen no Rikyu.

Murata Shuko (1422-1503) sống vào thời đại văn hóa huy hoàng Muromachi (1392-1573). Murata xuất thân từ Nara (kinh đô đầu tiên của Nhật) và đã tham dự vào các cuộc trà được thiết đãi trong các thú thưởng ngoạn như tắm suối nước nóng. Sau đó Murata được dịp tiếp xúc với Noami, một nghệ sĩ làm cố vấn cho Sứ Quân Ashikaga Yoshimasa, người thực hiện nghi thức uống trà ở Kyoto. Sau đó Murata dời về Kyoto (Kinh Đô), gia nhập vào hàng ngũ tăng chúng, và học thiền qua sự hướng dẫn của Thiền Sư Ikkyu Sojun (Nhất Hưu Hòa Thượng - 1394-1481) từ năm 1474 cho đến khi Thiền Sư Ikkyu mất. Thiền Sư Ikkyu thông hiểu một số nghi thức uống trà của Trung Quốc cũng như Đại Hàn, và truyền cho đệ tử Murata.

Trong sự thực hành nghi thức uống trà (gọi là Trà Đạo) của Murata Shuko là có sự tỉnh thức ở trong nguyên tắc dùng trà hơn là chỉ thuần thưởng thức như là một món giải khát, trà được coi như là dược liệu, nên việc dùng trà là một nghi thức, hay trong các tự viện là một nghi lễ; cho nên sự pha trà, dâng trà và uống trà có mang tính chất Thiền ở trong đó, cho nên mọi động tác trong Trà Đạo có thể đưa tới sự giác ngộ. Qua sự tin tưởng này, Murata Shuko đã phát triển một nét nghệ thuật riêng trong việc dùng trà, nghệ thuật ấy mang nét đẹp riêng của Nhật Bản, đó là nét thẩm mỹ của sự bất toàn hảo và tính chất thô sơ trong đời sống hàng ngày. Murata đã từng nói, “hơn là ánh trăng vào một đêm trong sáng, ta lại thích ngắm ánh trăng có phần bị che khuất bởi một đám mây!" Do vậy, Murata đã tìm thấy nét đẹp ở nơi những trà cụ Nhật Bản, tuy nhìn thô sơ đơn giản kém thua nét mỹ miều của các trà cụ từ Trung Quốc. Trong một lá thư gửi cho người đệ tử, ngài viết, “Điều quan trọng là việc tìm thấy nhiều cách để hâm mộ các loại trà cụ của Nhật Bản hơn là của Trung Quốc”.

Quan niệm trà đạo của Murata Shuko về sau được khai triển bởi Takeno Joo (1504-1555), một người thương buôn về ngành thuộc da sống trong thành phố sầm uất Sakai. Ở vào tuổi hai mươi bốn, Takeno đã dời về Kyoto và học làm thơ từ nhà thơ Sanjonishi Sanetaka. Sở thích của ông là theo đuổi một nghệ thuật, mà nhà thương buôn giàu có này muốn học một nghệ thuật nào có bề sâu văn hóa. Thành phố Sakai là một trung tâm thương mại giao dịch với Trung Quốc, cho nên các thương buôn đã nhắm vào việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm luôn cả các loại trà cụ mang qua từ vùng trung thổ. Takeno khai triển việc thực hành trà đạo. Chẳng hạn, ông đã làm cho đơn giản hơn lại gian phòng bốn-chiếu-rưởi (khoảng 9 mét vuông) mà Murata ưa thích bằng cách biến bức vách dán giấy trắng bằng bức vách tô bằng đất, khung cửa sổ đan tre thay cho khung cửa gỗ, và làm khung lò nấu nước nhỏ hơn được bao quanh bằng khung gỗ thiên nhiên. Dù cho ông rất giàu, nhưng ông không thích các bộ trà mắc tiền mà chỉ dùng các bộ trà thô sơ đơn giản.

Người đệ tử xuất sắc của Takeno Joo là Sen no Rikyu (1522-1591), người đã hoàn chỉnh Trà Đạo khi mới lên 19 tuổi, ngài là đệ tử của Takeno Joo. Rikyu, sanh quán ở Sakai, là người con trai lớn của một nhà thương buôn giàu có.  Kỷ lục ghi chép rằng, ông nội, Sen Ami, là một nghệ sĩ cố vấn cho Tướng Quân Ashikaga Yoshimasa nhưng đã dời đến  Sakai để lánh nạn trong cuộc chiến Onin đang hoành hành ở Kyoto. Cho dù dòng họ của Rikyu là Tanaka, nhưng ông thường dùng tên của ông nội là Sen để làm tên họ cho mình. Rikyu bắt đầu học Thiền tại Nanshuji ở Sakai dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Takeno Joo. Trà sư vùng Sakai này không những thích thực hành Trà Đạo mà còn thích về Thiền. Đây là lý do tại sao ông thấy nét đẹp qua sự đơn giản thô sơ. Phần lớn các trà sư lớn ở vào thế kỷ 15 và 16 đều học Thiền tại Daitokuji và truyền thống này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Sen no Rikyu dời về Kyoto và tiếp tục học Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Viện Chủ Kokei tại thiền viện Daitokuji. Sự sáng tạo của ông trong việc thực hành Trà Đạo có mang tính chất của Thiền. Chẳng hạn như, qua nhiều cải tiến của ông tránh đi sự phân biệt mà người đời thường có, như phân biệt giữa con người và thiên nhiên, quý tộc và bình dân, tăng và tục, đẹp và xấu, tôn giáo và thường tục. Vì vậy, qua sự phác họa trà thất và con đường dẫn vào trà thất, ông nêu lên sự ý thức của con người với thiên nhiên là một. Bằng cách làm cửa vào trà thất, mà qua đó, khách dùng trà phải chui vào để không còn phân biệt giai cấp, để bỏ đi giai cấp xã hội giữa con người với nhau. Bằng quan niệm thẩm mỹ của các trà cụ qua nét thô sơ bình thường, hầu siêu việt lên trên sự phân biệt giữa đẹp và xấu. Sen no Rikyu không phải là người xa lánh thế gian để tìm sự yên tịnh nơi trà thất. Trong Thiền, ngồi trong yên lặng và sinh hoạt năng động, cả hai, là hai mặt của cùng một sự việc; mà không tương phản. Xuyên qua cuộc gặp gỡ với hai tướng quân Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, ông là một nhân vật trung dung giữa hai thế lực tranh chấp chính trị vào thời Momoyama (1573-1614). Ban đầu ông là trà sư cho Nobunaga, người trở thành tướng quân mạnh nhất lấn chiếm quyền sau sự suy thoái của tướng quân Ashikaga. Những gì mà Nobunaga ưa thích lại khác thường trong nghệ thuật trà đạo là ông thường dùng nó một cách rộng rãi dành mục đích chính trị. Qua sự liên hệ với Rikyu và những trà sư khác từ Sakai, vị tướng quân có thể lấy lòng dân thành phố này nếu ông muốn. Trong trường hợp ông muốn tưởng thưởng cho những người phục vụ tốt với ông bằng cách tặng cho họ những bộ trà cụ nổi tiếng mà ông có được. Đôi khi ông còn cho phép những tướng sĩ tổ chức các buổi trà đạo. Điều này được coi như là vô cùng vinh dự đối với các tướng sĩ thời đó. Trong số những người được hân hạnh này lại có cả Hideyoshi.

Hideyoshi, sau chiến thắng oanh liệt vào năm 1578, đã được phép của Nobunaga để thiết trà. Một kỷ lục ghi lại là trong một buổi trà đạo, khi ấy Hideyashi pha trà cho Rikyu. Nobunaga muốn xem xét kỹ cử chỉ của Hideyoshi trong cách pha trà thiết đãi cho Rikyu như thế nào, vì Rikyu là trà sư của chính Nobunaga. Đến khi Nobunaga chết vào năm 1582, Hideyoshi đoạt lấy quyền bính và lại chọn Rikyu để làm trà sư của mình. Qua năm sau, để lấy lòng chính trị của người dân Sakai, Hideyoshi đã mời những nhân vật quan trọng trong thành tham dự một buổi trà đạo mà lại chính Rikyu đích thân pha trà.

Qua thời gian mà Hideyoshi tận hưởng sự hào nhoáng, ông cũng đã tiếp nhận nét đơn giản, thuần khiết của Trà Đạo được ưa chuộng qua Rikyu. Ngôi thành lớn của Hideyoshi ở Osaka, một biểu hiệu thế lực chính trị mới của ông, không những có Trà Thất Bằng Vàng di động mà còn có một cái chòi hai-chiếu (4 mét vuông) gọi là Yamazato, “Sơn Trang”. Trà Thất Bằng Vàng được lấy ra từ hoàng cung ở Kyoto vào năm 1586, để thiết trà cho Thiên Hoàng Ogimachi. Rikyu lúc đó là người hầu cận chính của Hideyoshi trong trà đạo này để thấy không những Trà Thất Bằng Vàng mà còn có trà cụ bằng vàng nữa.

Thiết trà trong trà thất bằng vàng thường bị coi là trái với nét đơn giản của trà nơi túp lều tranh. Không có sử liệu nào ghi chép cảm giác của Rikyu về sự tương phản này, tuy nhiên người ta có thể thấy được rằng qua sự thực hành Thiền, có lẽ ông đã nhận ra rằng sở thích của mình đối với Trà Đạo là thanh tịnh, hương vị dịu dàng là đã có ngụ ý của sự tương quan khác biệt.

Nét tương phản của Trà Đạo được tìm thấy qua bài thơ sau đây của Fujiwara Teika (1162-1240), người dạy cho Takeno Joo, thầy của Rikyu, như là mực thước của tinh thần wabi (tinh thần tịch lặng, thơ sơ) của trà đạo như sau:

 

Miwaraseba

hana mo momiji mo

nakarikeri

ura no tomayano

aki no yugure

 

As I look around

Flowers or crimson leaves

are naught

by the rush-thatched hut along the shore

in autumn's evening dusk

 

Tôi nhìn ra,

không có hoa,

cũng không có lá.

Trên bờ biển,

một chòi tranh trơ trọi,

trong ánh nắng chiều thu.

 

Với Takeno, màu sắc hoa lá có thể đem so với việc dùng trà của những người ham muốn xa hoa, trong khi đó túp lều tranh đơn giản trên biển vắng tượng trưng cho tinh thần thanh tịnh tịch lặng của Trà Đạo mà Takeno muốn nêu ra trong cách dùng trà. Tuy nhiên, người ta có thể thực sự thưởng thức nét đẹp của tịch lặng chỉ khi nào có sự chán ngấy sắc hoa màu lá mà thôi.

Đối với Hideyoshi hình như đã hưởng đến sự quá độ đó, khá rõ ràng qua mấy kỷ lục của nhiều trà sư vào thời đó cho rằng ông cũng có khả năng thưởng thức và tham dự vào sự thưởng ngoạn được thực hiện bởi trà sư Rikyu.

MỘT CÂU CHUYỆN THIỀN TRONG TRÀ ĐẠO

Sau khi Murata Shuko sáng lập Trà Đạo, Thiền Sư Ikkyu mới thử hỏi ngài, “Ông có cảm giác gì và tại sao ông lại uống trà?”

Thiền Sư Murata trả lời, “Đệ tử uống trà cho sảng khoái!”

Thiền Sư Ikkyu không hài lòng với sự trả lời này và hỏi lại lần nữa, “Ý ông thế nào về lối uống trà của Triệu Châu?”

Thiền Sư Murata giữ yên lặng.

Thiền Sư Ikkyu bảo người thị giả mời ngài Murata một tách trà, rồi ngài hét lớn gạt tách trà trên tay Murata xuống đất. Murata vẫn thản nhiên trước hành động vô lý của Thiền Sư Ikkyu. Murata cúi đầu điềm đạm, tỏ sự tôn trọng, rồi bái biệt.

Khi Murata vừa ra tới cửa, Thiền Sư Ikkyu gọi lớn, “Murata!”

Ngài quay đầu lại, “Thưa thầy, đệ tử đây”.

Thiền Sư Ikkyu hỏi ngài, “Tách trà đã bể vậy ông có còn uống trà nữa hay không?”

Murata để tay trước ngực làm như đang cầm tách trà để uống, và nói, “Thưa thầy, con vẫn còn uống trà đây!”

Thiền Sư Ikkyu lại hỏi, “Ông sắp đi, vậy làm sao ông lại còn uống trà?”

Murata thành thật trả lời, “Đệ tử uống trà ở khắp mọi nơi!”

Thiền Sư Ikkyu lại hỏi, “Lúc nãy, ta hỏi ông, ‘Ông có cảm giác gì khi ông uống trà?’ Ông bảo, ‘Đệ tử uống trà cho sảng khoái!’ Bây giờ ông lại nói ông uống trà ‘ở khắp mọi nơi!’ Vậy điều gì ông muốn nêu ra, nếu ông không việc gì trong sự uống trà?”

Murata thản nhiên nói, “Thiền là khắp mọi nơi trong thế gian, hoa hồng, liễu xanh… khắp nơi là thế giới kỳ diệu. Cũng như vậy, con không việc gì từ sự uống trà ở khắp nơi, nơi mà con có thể tìm thấy được sự tịch lặng vĩnh cửu, tự tánh chân thật, và sáng suốt. Nó cũng là nguồn gốc chân thật của hạnh phúc mà con nhận ra được từ Thiền khi con quay nhìn vào bên trong. Uống trà tạo nên sự an lạc vĩnh cửu.”

Thiền Sư Ikkyu lắng nghe sự trả lời, rồi khen ngợi Murata và trao truyền tâm pháp để Thiền Sư Murata có thể tập trung vào việc hoàn tất nghi thức uống trà được gọi là Trà Đạo.

Trà được dùng để lắng đọng tâm tư; nó giúp cho chúng ta đạt đến thiền vị. Trà Đạo bao gồm cả quang cảnh, âm thanh, mùi vị, tiếp xúc và nội tâm: cũng như ngồi thiền đưa chúng ta đến thiền tâm, thì Trà Đạo cũng vậy. Một Thiền Sư đã nói: “Tinh thần của Trà Đạo là thanh lọc và đưa sáu giác quan ra khỏi nhiễm ô. Bằng cách nhìn bức họa treo tường thì nhãn thức được thanh tịnh; ngửi cánh hoa đơn độc cắm vào bình thì tỷ thức được thanh tịnh; lắng nghe tiếng nước sôi trong ấm thì nhĩ thức được thanh tịnh; nhấm vị trà thì thiệt thức được thanh tịnh; và cầm trang trọng dụng cụ pha trà thì thân thức được thanh tịnh. Khi năm nhận thức được thanh tịnh thì tâm thức tự nó cũng được thanh tịnh khỏi những nhiễm ô phiền não. Nghệ thuật trà đến sau tất cả các sự rèn luyện về tâm thức, và ước vọng của tôi là mỗi giờ trong ngày không rời khỏi tinh thần của trà, vì nó không phải chỉ là phương tiện để thưởng thức”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn