NIỆM PHẬT VÀ THIỀN

24 Tháng Mười 201616:00(Xem: 5691)

NIỆM PHẬT VÀ THIỀN

INAGAKI H. ZUIO

TƯ NGUYÊN dịch theo nguyên tác “Nembutsu and Zen” của Inagaki H. Zuio

tại Hội Nghị Lần Thứ 7 Hiệp Hội Nghiên Cứu Tịnh Độ Chân Tông Phật Giáo Quốc Tế

 

Trong khi nghiên cứu về Tịnh Độ Chân Tông (thường gọi là Chân Tông), sự quan tâm của tôi về Thiền và các tư tưởng khác của Phật Giáo Đại Thừa trổi dậy trong tôi. Những nghiên cứu không thành thạo thời trẻ của tôi về đủ loại thư tịch Phật Giáo được mở rộng và sâu xa hơn khi tôi theo học Cao Học tại Đại Học Ryukoku (Long Cốc Đại Học).

Kiến  thức của tôi về Chân Tông và sự thể nghiệm của tôi về Shinjin (Tín Tâm) đã làm cho tôi tin rằng giáo pháp của Ngài Shinran (Thân Loan) về Niềm Tin Tha-Lực là cách duy nhất cho bản thân tôi và cho phần lớn các người khác. Niềm tin này đã không bao giờ thay đổi qua nhiều năm, nhưng vào năm hai mươi tuổi, tôi cảm thấy cần phải học thêm những tông phái tư tưởng Đại Thừa khác, không phải những giáo pháp khác với Chân Tông, mà những giáo pháp chứa đựng trong Chân Tông. Một vị thầy lớn của Chân Tông vào thời Edo khuyên rằng, chúng ta không cần phải nghiên cứu Tịnh Độ Tam Kinh trong Tam Tạng Kinh Điển, mà nghiên cứu chúng trong toàn bộ giáo pháp của Đức Phật. Với tôi, nghiên cứu những giáo pháp Đại Thừa khác qua sách vở là không đầy đủ; giống như một thiền sư đã nói – gải ngứa đôi bàn chân bên trên đôi giày. Tôi cần phải chứng nghiệm. Khá lâu trước đây, tôi tự đến gõ cửa một thiền tự ở Kobe. Gần nơi cha mẹ tôi đã sinh sống trước khi tôi ra đời, có một ngôi thiền tự tên là Shofukuji (Chánh Phúc Tự); mà vị trụ trì lúc đó là roshi (lão sư) danh tiếng, Yamada Mumon, người mà sau này trở thành chánh trụ trì Myoshinji (Diệu Tâm Tự) và là Viện Trưởng Đại Học Hanazono (Hoa Viên Đại Học). Lão Sư Mumon cũng là bạn của cha tôi.

Tôi đã tham dự trong vài khóa thiền. Vào khóa thiền đầu tiên, tôi được nhận vào qua sự tiếp xúc riêng với Lão Sư Mumon, khi đó ngài trao cho tôi koan (công án) về “Mu” (Vô). Đây là câu chuyện của một thiền sư Trung Quốc là Triệu Châu. Một ngày nọ, một nhà sư hỏi Triệu Châu  rằng con chó có Phật Tánh không? Triệu Châu trả lời, “Vô”. Ý nghĩa của chữ “vô” có tính chất gợi ý; nó không đơn thuần có nghĩa là “Không”. Lão Sư Mumon bảo tôi chú tâm vào công án này. Như bây giờ tôi còn nhớ lại, sự chú tâm tự nhiên dẫn tôi khám phá ra những nội dung bí ẩn của Tín Tâm. Ngay cả việc cố gắng ngồi chéo chân và chú tâm vào công án lại được thực hiện một cách tự nhiên bởi Năng Lực của A Di Đà.

Đây là cuộc gặp gỡ nghiêm túc đầu tiên của tôi đối với Thiền. Kinh nghiệm nhỏ của tôi vào thời ấy làm cho tôi tin rằng Thiền thật sự là giáo pháp kỳ diệu nhưng không phải là một phương pháp thực tiễn và hiệu quả nhất để cứu độ mọi người. Sau đó tôi nhận thấy rằng nếu Thiền mà được thực hành theo cách của Tariki (Tha Lực), thì thật lý tưởng.

Tôi không thể nói về tôi một cách vô tận như vậy. Nhưng vì đây là lần đầu tiên tôi nói với mọi người về kinh nghiệm Thiền của tôi, tôi muốn khơi lại trí nhớ của tôi. Người già thường thích hồi tưởng về quá khứ của mình, có lẽ tôi cũng đã già rồi.

Như quý vị đều biết, D.T. Suzuki là một diễn giả vĩ đại cả về Thiền lẫn Chân Tông. Sự cống hiến của ngài qua sự phổ biến Thiền ở Tây Phương không thể nào ước định được; trong cùng lúc, ngài cũng đưa Chân Tông đến với Tây Phương bằng cách viết những sách và bài viết về nó và dịch những sách về Chân Tông. Không quá đáng mà nói rằng ngài đã phổ biến Thiền và tạo ra trào lưu Thiền khắp thế giới trong thời hậu chiến. Những sách của ngài về Thiền đã được đọc nhiều cả trong nam giới lẫn nữ giới, có hay không có trình độ học vấn. Cái nhìn sâu sắc và sự giải thích có sức thuyết phục của ngài đã đánh thức Bồ Đề Tâm của hàng ngàn người và đưa họ vào Phật Đạo.

Một sự phân tích ngắn gọn về tư tưởng Thiền và Niệm Phật của D.T. Suzuki thiết tưởng cũng cần thiết trước khi tôi bắt đầu đi sâu vào đề tài mà tôi đã chọn. Cha của ngài là một người theo phái Thiền Lâm Tế và mẹ của ngài là một người sùng tín Chân Tông, thuộc một nhóm không chính thống nhắm theo sự thể nghiệm thần bí. D.T. Suzuki có khuynh hướng mang tánh cách thần bí là từ mẹ của ngài. Người ta thừa nhận một cách rộng rãi rằng Thiền của ngài mang đậm tánh chất của Chân Tông, và sự diễn tả của ngài về Chân Tông có thoáng nét của Thiền. Nhiều người trong chúng ta, mà phần lớn, được gợi ý qua hình thức tông phái cho rằng, Thiền và Chân Tông là hai lối khác biệt rõ ràng, nhưng đối với D.T. Suzuki, qua bẩm tánh tâm linh, thì không có sự phân biệt cứng nhắc như vậy. Vì lý do này mà ngài đã bị chỉ trích bởi một số người theo phái Thiền chính thống cũng như những người tiêu biểu của Chân Tông, nhưng sự hài hòa của Thiền và Chân Tông qua nhân cách của ngài có ảnh hưởng lâu dài đối với những tư tưởng gia và hành giả nghiêm túc của Phật Giáo. Trong số các người hiện diện nơi đây, tôi tin rằng có nhiều người đã có cảm hứng mạnh mẽ về những cuốn sách của ngài trong một giai đoạn nào đó trong cuộc hành hương tâm linh của mình. Dù sự diễn đạt của ngài có chính thống hay không, các sách và bài viết của ngài về Chân Tông vẫn còn được tìm đọc một cách rộng rãi và sẽ còn là nguồn cảm hứng quan trọng trong nhiều năm tới. Bầu không khí mà ngài đã tạo ra đã trở nên phổ biến mà chúng ta không thể nào bỏ qua D.T. Suzuki khi chúng ta nói chuyện với người đời nay về Tịnh Độ Chân Tông. Đây có nghĩa rằng chúng ta không thể giải thích và thảo luận Chân Tông chỉ trong bối cảnh của Tịnh Độ Chân Tông. Thiền bị ràng buộc đi vào quan điểm của chúng ta khi chúng ta trình bày Chân Tông trong bối cảnh hiện nay.

Vài năm trước đây, tôi đã mua một cuốn sách khá hấp dẫn bởi vì tiêu đề của nó là đề nghị Thiền trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đọc đi đọc lại, nhưng đã không tìm thấy có gì liên quan đến Thiền, và vì vậy tôi đã thất vọng. Tiêu đề quyển sách là: Thiền và Nghệ Thuật Bảo Trì Xe Gắn Máy. Tôi cảm thấy Thiền đã bị lạm dụng và đem ra mua bán. Tiêu đề của bài nói chuyện của tôi cũng có thể là “Thiền và Niệm Phật” nếu tôi muốn bán nó trong thị trường đại chúng. Nhưng xin ghi nhận thứ tự của chữ ở đề tài này là: “Niệm Phật và Thiền”, với sự nhấn mạnh về Niệm Phật.

Chúng ta hãy trở về với những ngày mà Ngài Shinran Shonin (Thân Loan Thánh Nhân) để thấy tình trạng Phật Giáo lúc đó. Thiền hãy còn phôi thai chưa được thành lập một cách vững chắc tại Nhật Bản. Ngài Eisai (Vinh Tây) [1141-1215] đã sang Trung Hoa và mang về hình thức Thiền Lâm Tế (Oryu-ha, Hoàng Long Phái), nhưng khi đối mặt với sự tấn công mạnh mẽ từ các nhà sư trên núi Hiei, chùa của ngài ở Kyoto, Kenninji (Kiện Nhân Tự), đã được biến thành một trung tâm của Thiên Thai Tông và Mật Tông cũng như Thiền. Khi Ngài Dogen (Đạo Nguyên) [1200-1253] mang về Nhật Bản thiền phái Soto (Tào Động) vào năm 1227, ngài đã hai mươi bảy tuổi, trong khi đó Ngài Shinran đã năm mươi bốn tuổi rồi. Tôi đã được cho biết rằng trong số những bảo vật của Hoonji (Pháp Ân Tự) ở Tokyo, mà hiện được trụ trì bởi Giáo Sư Shojun Bando, có một cây phất trần tặng cho Ngài Shinran từ Ngài Dogen; để đáp lại, Ngài Shinran đã tặng tràng chuỗi của ngài cho Ngài Dogen. Tôi cảm thấy tò mò về những gì trong cuộc đối thoại giữa hai vị thầy, nếu họ thực sự đã gặp nhau. Thực tế là Thiền đã phát triển phần lớn là sau thời Shinran. Nếu ngài ở vào cuối thời kỳ Kamakura (Khiêm Thương) và được tiếp xúc với Thiền, thì ngài sẽ đã làm gì? Và, nếu ngài sống vào thời nay, khi Thiền thịnh hành khắp thế giới, thì ngài có thử Thiền hay không? Đây là những câu hỏi trong giả thuyết, mà tôi bị cám dỗ tự đặt cho chính mình.

Trước khi so sánh Niệm Phật và Thiền thêm nữa, tôi cảm thấy cần phải đề cập đến pháp định tâm của Thiên Thai, mà Ngài Shinran gặp trong những năm trưởng thành của ngài. Trong ngôi làng phía nam Kyoto, nơi mà Ngài Shinran được sinh ra, nơi đó hãy còn một ngôi chùa tên là Hokaiji (Pháp Giới Tự), nơi đó đã an vị một ngôi tượng Phật A Di Đà ở chính giữa, vào thế kỷ thứ 11. Ngài Shinran, ngay khi còn là một bé trai, đã đến viếng chùa hầu như mỗi ngày, nghe chư tăng tụng kinh và nhìn họ đi nhiễu quanh chánh điện trong lúc chăm chú nhìn vào Phật A Di Đà mà niệm danh hiệu của ngài không gián đoạn, bởi vì ngôi chánh điện này được dùng để Jogyo-zanmai (Thường Hành Tam Muội). Khi ngài lên núi Hiei để tu học, ngài đã được cho vào Thường Hành Điện, nơi đây ngài đã chuyên chú thực hành chánh định.

Qua sự phân loại của Ngài Shinran về giáo lý Phật Giáo, Thiền và Thiên Thai được xếp vào phương pháp chiều dọc để giải thoát nhanh (shucho, thụ siêu) cùng với Shingon (Chân Ngôn) và Kegon (Hoa Nghiêm). Mặc dù giáo pháp của Thiên Thai thích hợp, theo quan điểm của Ngài Shiran, là một cách vượt trội để giải thoát giống như Thiền, còn Chân Ngôn và Hoa Nghiêm, thì khó thực hành. Nhưng những hệ thống thực hành “chiều dọc” có thể đổi thành hệ thống “chiều ngang” hay “chéo ngang” trongTịnh Độ, nếu hành giả hướng tâm ý của họ và cầu vãng sanh vào cõi Tịnh Độ bằng cách hồi hướng công đức thực hành của họ về đó để phù hợp với Quán Kinh, hay phù hợp với Đại Nguyện Thứ 19. Thường Hành Tam Muội, mà tôi tin là Ngài Shinran đã thực hành trên núi Hiei, có một chức năng kép: pháp thực hành của Thiên Thai và pháp thực hành của Tịnh Độ. Thật ra, lối Tam Muội này hợp nhất giữa Thiên Thai và Tịnh Độ. Bộ kinh mà phát xuất pháp Thường Hành Tam Muội là một bộ kinh cổ nhất của kinh điển Đại Thừa ở Ấn Độ và Trung Hoa. Nó được gọi là Pratyutpanna Samadhi Sutra (Bát Nhã Tam Muội Kinh), và được dịch là “Kinh Tam Muội trong Sự Hiện Diện của Tất Cả Chư Phật”. Theo kinh này, một người chú tâm hướng về Phật A Di Đà từ bảy ngày cho đến ba tháng có thể thấy ngài và tất cả Chư Phật.

Bát Nhã Tam Muội đã không những là pháp thực hành ở Trung Hoa và Nhật Bản bởi tín đồ Thiên Thai Tông, mà cũng còn là pháp thực hành rộng rãi ở Ấn Độ. Vị tổ thứ nhất trong bảy vị tổ của truyền thống Chân Tông, Ngài Nagarjuna (Long Thọ), khuyến khích mạnh mẽ pháp tam muội này và cho là một phương pháp có hiệu quả để bảo đảm trạng thái Bất Thối Chuyển, vì sự quán tưởng một cách thành công Phật A Di Đà và tất cả Chư Phật trong pháp tam muội này, một người vãng sanh vào Nhà Như Lai và cuối cùng sẽ đạt đến Phật Quả.  Sơ Tổ sáng lập Tịnh Độ Tông Trung Hoa, Ngài Hui-yuan (Huệ Viễn) ở Lư Sơn (334-416), đã hăng hái thực hành pháp Bát Nhã Tam Muội với một trăm hai mươi hai tín đồ. Ngài Shan-tao (Thiện Đạo) (613-681), Ngũ Tổ, cũng được cho biết là đã có sự thể nghiệm đầu tiên diện kiến Phật A Di Đà bằng cách thực hành pháp Bát Nhã Tam Muội. Mặc dù Ngài Thiện Đạo là một người tiêu biểu lớn của Quán Kinh, công bằng mà nói, ngài dùng kinh này để làm phong phú và hệ thống hóa sự thể nghiệm ban đầu của mình về Bát Nhã Tam Muội. Tôi xin vội thêm rằng Bát Nhã Tam Muội Kinh là căn bản của Quán Kinh khi kinh này có lẽ được biên soạn ở Trung Á. Một số thuật ngữ và biểu thức chính trong Quán Kinh lấy từ Bát Nhã Tam Muội Kinh, và cũng trong Quán Kinh, pháp Niệm Phật Tam Muội cũng ngang hàng với Bát Nhã Tam Muội.

Còn có một lý do quan trọng khác cho cuộc thảo luận khá dài của tôi về Bát Nhã Tam Muội. Một thiền sư thời nhà Tống, Yun-chi Chu-hung (Vân Thê Châu Hoành) (1535-1615), người đã giới thiệu pháp thực hành tổng hợp của Thiền và Niệm Phật, viết cuốn sách nổi tiếng, tựa đề là Zenkan sakushin (Thiền Quan Sách Tấn), trong đó ngài trích dẫn từ Bát Nhã Tam Muội Kinh để đôn đốc tín hữu Tịnh Độ thực hành tinh tấn trong ba tháng theo quy định của kinh này cho đến khi họ đạt được Bát Nhã Tam Muội. Vì vậy, trong pháp Thiền-Niệm Phật của Châu Hoành, Bát Nhã Tam Muội rất được khích lệ.

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử Phật Giáo ở Trung Hoa, chúng ta nhận sẽ thấy rằng pháp môn Niệm Phật đã là một lực lượng vượt trội từ thế kỷ thứ sáu. Nó đã được thực hành bằng pháp xướng âm không-thiền cũng như pháp quán-thiền. Từ cuối thời nhà Đường, pháp môn Niệm Phật cũng được thực hành trong các Thiền Viện. Một Thiền Sư nổi tiếng, Yung-ming Yen-shou (Vĩnh Minh Diên Thọ) (904-975), là một người ủng hộ mạnh mẽ pháp Thiền và Niệm Phật. Chúng ta đọc về sự nhận xét của ngài:

“Chín trong mười người thực hành Thiền mà không thực hành Tịnh Độ thì đi sai đường.”

“Không cần Thiền mà theo Tịnh Độ, mười ngàn hành giả của mười ngàn hạnh công đức đều được vãnh sanh (vào Tịnh Độ).”

“Còn những người thực hành cả Thiền lẫn Tịnh Độ thì mạnh nhất, như cọp mọc thêm sừng”

Khuynh hướng trộn lẫn này đã trở nên phổ biến một cách rộng rãi và ảnh hưởng lâu dài trong những thế hệ về sau này. Ngày nay, tại Việt Nam và trong những cộng đồng người Hoa hải ngoại, bao gồm cả Đài Loan, Niệm Phật và Thiền rất hài hòa. Tại Nhật Bản loại Thiền này, gọi là Obaku (Hoàng Bá), được truyền vào bởi Ingen vào năm 1682, nhưng không được phổ biến cho lắm ngoại trừ các kiều dân Trung Hoa.

Tôi đã đề cập trước đây về “Thiền Quan Sách Tấn” của Châu Hoành. Cuốn sách này được đánh giá cao bởi Hakuin (Bạch Ẩn), một thiền sư vĩ đại Nhật Bản (1685-1768), nhưng ngài chỉ lấy một nửa lời khuyến khích của Châu Hoành và gạt sang một bên phần Niệm Phật trong cùng một cuốn sách. Sớm hơn trước đó, Dogen (Đạo Nguyên), cũng vậy, đã không thích phần Niệm Phật; ngài so nó với tiếng ếch kêu trong ruộng lúa và bác bỏ sự hiệu lực của nó để đạt đến Giác Ngộ. Trong truyền thống Thiền Nhật Bản, hình như, việc giảng dạy đích thực là thực hành Tọa Thiền chuyên biệt mà không cần phải lập đi lập lại Niệm Phật hoặc Tọa Thiền trộn lẫn với những pháp môn khác. Lời khuyên của tôi cho những người tu Thiền ở điểm này là họ cần phải thực hành cả hai Tọa Thiền và Niệm Phật; nhưng Tọa Thiền mà không quán tưởng hay thuần âm thanh Niệm Phật thì không đưa họ đến gần Satori (Ngộ).

Các thiền sư đương thời ở Nhật Bản hình như đã rút tỉa từ pháp môn Niệm Phật. Nhiều năm trước đây mà tôi tham dự một buổi thuyết giảng của Lão Sư Yamada Mumon, với đầy đủ các tài liệu tham khảo với Tannisho (Thán Dị Sao). Lão Sư Kobori của Daitokuji (Đại Đức Tự) ở Kyoto, là một thiền sư vĩ đại, trên giường lúc sắp chết đã Niệm Phật và đề nghị pháp môn này với các đệ tử của mình. Thượng Tọa Sakakibara Tokuso, một thiền sư Obaku (Phái Hoàng Bá), là một người thuần thành với pháp môn Niệm Phật; ngài dùng Thán Dị Sao trong các phận sự của mình hàng ngày. Khi đọc nó, ngài đã rơi nước mắt với tấm lòng biết ơn. Tôi đã gặp ngài một lần trước đây khá lâu và có ấn tượng sâu sắc về sự thuần thành của ngài đối với Đức Phật A Di Đà.

Hành giả Chân Tông chấp nhận Thiền như thế nào? Giờ đây mở ra sự bí ẩn mà một số giảng sư Tịnh Độ Chân Tông đưa Thiền vào chương trình giảng dạy của họ. Một số ủng hộ các phương pháp quán tưởng khác. Đây là những hiện tượng khác thường, không nghe thấy trong lịch sử 800-năm của Tịnh Độ Chân Tông. Khuynh hướng chung hình như là có nhiều, nhiều hành giả Chân Tông sẽ tỏ ra quan tâm đến Thiền giống như sẽ có nhiều, nhiều tu sĩ Thiền chuyên trì Niệm Phật.

Phần thảo luận bên trên chỉ là phần nào trong sự khảo sát bên ngoài, có lẽ thích hợp với đề tài của tôi, “Niệm Phật và Thiền”, hãy còn chưa thỏa đáng nếu thực chất của sự khác biệt hay tương quan chưa được làm sáng tỏ. Giả sử chúng ta thử đổi đề tài là “Shinjin và Satori” (“Tín Tâm và Ngộ”). Khi đó chúng ta đi sâu hơn vào vấn đề và thảo luận toàn bộ chủ đề từ bên trong. Quý vị có lẽ sẽ chấp nhận rằng Niệm PhậtTín Tâm không hoàn toàn như nhau và, tương tự như vậy, Tọa ThiềnNgộ cũng không giống nhau. Niệm PhậtTọa Thiền là những hình thức tu tập Phật Giáo, trong khi đó Tín TâmNgộ là những trạng thái thức tỉnh tâm linh. Không phải tất cả những người Niệm Phật đều có Tín Tâm, và không phải tất cả những người thực hành Tọa Thiền đều thức tỉnh trong Ngộ. Nhưng những ai có Tín Tâm tất cả đều từ Niệm Phật, và tất cả những ai đã chứng Ngộ thì thường xuyên Tọa Thiền. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đạt Tín Tâm và làm sao chúng ta có thể chứng Ngộ? Đó là sự thật rằng trì danh Niệm Phật không dẫn đến Tín Tâm một cách tức khắc và một hay hai khóa Tọa Thiền không mang đến Ngộ. Nhưng tôi xin đoan chắc với quý vị rằng Niệm Phật là cách duy nhất, xuyên qua đó Tín Tâm sẽ phát sinh, và Ngộ cuối cùng sẽ đến với những ai Tọa Thiền. Trong cả hai trường hợp, định tâm là điều kiện tiên quyết. Cả đời thực hành Niệm Phật hay Tọa Thiền mà không định tâm thâm hậu thì vô ích, nhưng nếu chúng được thực hành siêng năng với sự nỗ lực, một thời gian ngắn thực hành có thể mang lại sự chuyển hóa tâm thức hoàn toàn và khi đó một chân trời tâm linh mới sẽ mở ra trước mắt quý vị.

Câu hỏi thường được nêu ra là liệu Tín TâmNgộ là những thể nghiệm giống nhau hay khác nhau. Câu trả lời của tôi là: chúng khác nhau nhưng không phải không liên quan với nhau. Trước hết, tôi xin làm sáng tỏ những điều khác nhau căn bản. Tín Tâm là sự thức tỉnh về Trí Tuệ, Từ Bi và Năng Lực của Đức Phật A Di Đà, trong khi đó Ngộ là sự thức tỉnh về Trí Tuệ, Từ Bi và Năng Lực vốn có của quý vị. Nói một cách khác, Tín Tâm là sự thức tỉnh về Tâm của Đức Phật A Di Đà, và Ngộ là sự nhận ra Phật Tánh của quý vị. Cho dù quý vị đã đạt đến Tín Tâm, quý vị vẫn  chưa phải là Phật; quý vị phải chờ cho đến khi thân nghiệp của mình được rời bỏ trong lúc chết để trở thành Phật qua sự biểu hiện trọn vẹn Phật Tánh nơi quý vị, đã được nêu rõ trong Kyogyoshinsho (Giáo Hành Tín Chứng) của Ngài Shinran (Thân Loan), ở trong chương Chân Phật và Quốc Độ Phật. Ở đây Ngài Thân Loan bảo rằng chúng sanh mê lầm và phiền não không thể nào thấy được Phật Tánh của họ ở thế giới này là bởi vì nó bị che phủ bởi những đam mê dục vọng xấu xa, nhưng, ngài tiếp, khi đến cõi Cực Lạc, chúng ta sẽ chắc chắn hiển lộ Phật Tánh của chúng ta nhờ sự chuyển giao công đức của Đức Phật A Di Đà thông qua Nguyện Lực của ngài.

Trong trước tác của ngài, Shinran đề cập đến Tín Tâm như là Phật Tánh. Vì vậy theo đó, Tín TâmNgộ liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu Ngộ là sự nhận ra toàn bộ Phật Tánh với thân và tâm, thì Tín Tâm là sự nhận ra Phật Tánh thông qua Danh Hiệu của Đức Phật A Di Đà. Vì Đức Phật A Di Đà đã đưa Phật Tánh của chúng ta đến sự trưởng thành đầy đủ và đạt thành Phật Quả, Phật Tánh của chúng ta đã được hoàn toàn nhận ra trong Cõi Phật của ngài. Khi chúng ta nghe Danh Hiệu của ngài và xuyên qua đó nhận lấy tất cả những gì Đức Phật A Di Đà đang là, chúng ta cũng nhận được sự phát triển đầy đủ Phật Tánh của chúng ta. Đây là cách theo Tariki (Tha Lực) để nhận ra Phật Tánh, và là một cách nhanh nhất để đạt thành Phật Đạo.

Kế đến, trong số những đề tài liên quan đến Niệm Phật và Thiền, tôi muốn trình bày về tri-kaya, hay ba thân của Phật. Sự chấp nhận cho rằng Tín Tâm được thành lập trong sự liên hệ với Đức Phật A Di Đà, tức là Báo Thân Phật (Sambhogakaya Buddha), trong khi đó, Ngộ là sự thực chứng Pháp Thân (Dharmakaya). Nếu quý vị đã từng thấy Đức Phật A Di Đà trong giấc mộng hay trong trạng thái mê thiếp như trong lúc gần chết, đó là Ứng Thân (Nirmanakaya) của Đức Phật A Di Đà. Lại nữa, nếu quý vị đã quán tưởng thấy Đức Phật A Di Đà trong Bát Nhã Tam Muội hoặc phù hợp với Quán Kinh, đó vẫn là Ứng Thân của Đức Phật A Di Đà, theo sự giải thích của Ngài Shinran. Theo quan điểm của ngài, Báo Thân Phật A Di Đà có kích thước vô hạn và đời sống vô lượng, và quốc độ của ngài là ánh sáng vô lượng. Hình thức của Đức Phật A Di Đà được mô tả trong Quán Kinh và các kinh khác thì hãy còn giới hạn, vô cùng to lớn, về chiều dài là sự biểu hiện của Ứng Thân của Đức Phật A Di Đà. Báo Thân Phật A Di Đà thật sự thì vô lượng, trong bản chất, giống như Pháp Thân. Ngài Thân Loan đặc biệt thích dùng danh hiệu mười chữ: “Kimyo jinjippo mugeko nyorai” (“Quy Mạng Tận Thập Phương Vô Lượng Quang Như Lai”), được dùng đầu tiên bởi Ngài Vasubandhu (Thế Thân). Mặc dù có sự khác biệt giữa ba Phật Thân, không phải có sự khác biệt cứng nhắc giữa thân này và các thân kia; trong kinh nghiệm thực tế của Tín Tâm, ba thân được thể nhập vào một Nhân Vật Đại Từ Bi, nó có thể được mô tả một cách thích hợp nhất là “Oyasama” (Cha Mẹ). Để cho quý vị có một sự minh họa như, “Mẹ ơi”, “Mạ ơi”, “Má”, hay “Mẹ” là một biểu hiện của sự hợp nhất giữa mẹ và con. Quý vị không đưa mẹ mình để phân tích hợp lý chứ? Đối tượng phân tích như vậy, cho dù về mặt sinh học hay tâm lý, đều không thể áp dụng ở đây. Cùng cách ấy, khi chúng ta gọi Phật A Di Đà là “Cha Mẹ”, chúng ta không còn bàn cãi dù ngài là Pháp Thân, Báo Thân hay Ứng Thân.

Tôi đã nêu ra một vài lãnh vực có liên quan đến Niệm Phật và Thiền, nhưng hình như hãy còn một câu hỏi đặc sắc là: Tọa Thiền cần có được chấp nhận và thực hành bởi những người theo Chân Tông hay không? Đối với những ai hãy còn do dự giữa Tự Lực (Jiriki) và Tha Lực (Tariki), Tọa Thiền và các pháp môn khác có lẽ cần thiết cùng với Niệm Phật. Tọa Thiền không đưa tới Tín Tâm trừ khi mục đích của nó là phải được hướng đến sự hợp nhất với Phật A Di Đà. Ngồi, đi hay những hình thức khác của thiền, với sự chú tâm đến Phật A Di Đà, luôn cả Bát Nhã Tam Muội, có thể trở thành một tác nhân để sinh vào cõi Tịnh Độ. Nếu quý vị liên tục thực hành một lối thiền như vậy, quý vị có thể thấy Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ của ngài và/hay nhận biết sự đón nhận của Phật A Di Đà ngay lúc chết, như đã nói trong Quán Kinh. Trong cùng một cách, sự cống hiến đối với pháp môn Niệm Phật suốt cuộc đời của quý vị có thể làm cho quý vị thấy Phật A Di Đà trên giường bệnh khi chết phù hợp với Kinh A Di Đà. Mặc dù nó là sự lợi ích trong sự bảo đảm sanh vào Hóa Thành, siêng năng hành trì tốt pháp môn có-thiền hay không-thiền chắc chắn còn tốt hơn là không làm gì cả mà hy vọng hão huyền vào sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà.

Kế đến, sau khi Tín Tâm được thành lập, liệu Tọa Thiền có còn được đưa vào nữa hay không? Nếu quý vị hãy còn đang thực hành Tọa Thiền trong nhiều năm và, tình cờ, thức tỉnh về lòng Đại Từ Bi của Phật A Di Đà, có lẽ sẽ thấy khó khăn trong việc thay đổi cách-sống của quý vị ngay tức thì. Quý vị có thể tiếp tục sự hành thiền của quý vị để làm phong phú thêm sự thể nghiệm Tín Tâm của mình. Quý vị phải nhớ rằng Tọa Thiền là tư thế căn bản của tất cả Chư Phật và rằng khi vãng sanh vào cõi Tịnh Độ chúng ta tất cả đều phải lấy lại tư thế này và trở thành Phật. Tọa Thiền không thích hợp hơn, chẳng hạn như, cắm đầu xuống đất trong khi luyện yoga, hay sao?

Nhưng nếu quý vị không có kinh nghiệm về Tọa Thiền, tôi không muốn giới thiệu nó. Đạt được Tín Tâm là một công việc làm suốt đời, mà dồn mọi nỗ lực hướng đến nó. Quý vị không có thời gian để thử những pháp môn khác. Nếu quý vị có Tín Tâm, như vậy là đủ rồi. Nếu quý vị có Nam Mô A Di Đà Phật, như vậy là đủ rồi. Không cần tìm kiếm Ngộ trong đời sống này. Trong số những thứ khác, nếu thực hành không đúng cách, Tọa Thiền có hại hơn là có lợi. Tôi phải cảnh cáo với quý vị rằng Tọa Thiền sau khi uống nhiều rượu có hại đến sức khỏe của quý vị, đó là nói phần tối thiểu.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn