SỨC MẠNH CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ

18 Tháng Mười 201621:10(Xem: 5608)
SỨC MẠNH CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ
Chìa Khóa Để Hoàn Thiện Các Giá Trị Lớn của Bản Thân và Tha Nhân
Đức Dalai Lama
Thích Nữ Nhật Hạnh dịch từ tiếng Anh và Tạng


Tôi xin gửi lời kính chào chư Tôn Đức Tăng Ni và quý Phật Tử, quý Anh Chị Em Phật Tử, nhưng mà tôi nên chào chung tất cả là Anh Chị Em Nhân Loại. Tôi rất hoan hỷ đến đây để cùng chia sẻ với chư Tôn Đức và quý Phật Tử là chúng ta đều giống nhau trên phương diện tâm thức, xúc cảm, thể chất giống như nhau. Tôi xin chân thành tri ân Ban Tổ Chức, đặc biệt là Hòa Thượng Viện Chủ chùa Điều Ngự .

Tôi vẫn thường hay nói với mọi người khi tôi có cơ hội tiếp xúc, rằng: Tất cả chúng ta cùng là con người, cùng là hữu tình được sinh ra. Chúng ta biết cách mà chúng ta sinh ra giống nhau, và cách mà chúng ta chết đi cũng rất giống nhau. Điều rất quan trọng, cho một đứa trẻ khi còn trong thai mẹ, là nếu người mẹ có một tâm thức an bình và tràn đầy thương yêu thì sẽ giúp cho đứa trẻ phát triển rất tốt. Nếu người mẹ đang lúc mang thai nhưng trong lòng đầy lo lắng và bực dọc thì nó cũng ảnh hưởng xấu đến thai nhi của mình.

Cuộc sống của chúng ta bắt đầu bằng tình thương yêu. Tình thương yêu này vô cùng quan trọng. Chúng ta được sinh ra bằng cách đấy và nhận được sự thương yêu muôn vàn của mẹ. Chúng ta đã được bú dòng sữa của mẹ và được yêu thương. Cái cách mà chúng ta bắt đầu có mặt trong cuộc đời cũng vốn là như vậy và điều này rất là quan trọng. Các nhà khoa học ngày nay đã nghiên cứu và phân tích kết quả cho thấy trong 2 năm đầu sau khi một đứa trẻ chào đời, muốn cho não bộ của đứa trẻ được phát triển tốt, thì đứa trẻ rất cần sự xúc chạm và sự ôm ấp đầy yêu thương của người mẹ. Tất cả chúng ta đều cùng là nhân loại, mặc dù tuy có những người có đầu óc hay gây rối cho con người và xã hội, nhưng họ cũng nhận được vô vàn tình yêu thương từ  người mẹ.

Ngày hôm nay, một số các nhà khoa học đã nghiên cứu được rằng bản chất của con người chúng ta là đầy tình yêu thương. Con người chúng ta, dù là có niềm tin tôn giáo hay không, tình thương yêu, lòng từ bi là chìa khóa để chúng ta giữ cho tâm thức được sự an bình và hạnh phúc. Bên cạnh đó, nếu chúng ta có tình yêu thương, nó sẽ giúp cho sức khỏe của mình được dồi dào. Nếu người nào thường hay sợ hãi, sân hận, bực tức, những điều đó sẽ ăn mòn hệ miễn nhiễm làm cho người đó dễ bị bệnh tật. Do đó, giàu lòng từ bi rất lợi ích cho sức khỏe, thể chất và cũng rất có ích cho sự an bình trong tâm thức.

Cuộc sống của chúng ta bắt đầu bằng tình thương yêu và tình thương yêu đó đóng một vai trò rất quan trọng. Người nào có thể biểu lộ được tình thương yêu của mình đối với bạn bè, với người thân thì người ấy sẽ được hạnh phúc. Những người chỉ luôn quan tâm đến tiền tài, quyền lực do bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục hiện đại, như vậy họ chỉ thỏa mãn những ngũ dục là năm giác quan mà thôi và lúc nào họ cũng cảm giác về cái Tôi.

Chúng ta hay tảng lờ hoặc có khi chúng ta quên lãng về tâm từ bi và an bình trong tâm thức của mình. Thế giới vật chất ngày hôm nay dẫn chúng ta đến nhiều thứ để tranh đua và nhiều thứ cần phải lo lắng, cho nên mình thấy lòng từ bi và tình thương yêu hình như nó không có một hiệu lực thực sự nào. Suy nghĩ này cũng hoàn toàn sai lầm.

Làm thế nào để chúng ta không phải bị khổ đau trong cuộc sống hiện đại? Chúng ta cần phải nỗ lực phát triển bản tính tự nhiên vốn có của con người chúng ta, bắt đầu từ tình yêu thương vô lượng như người mẹ. Bản chất của chúng ta vốn đầy tình thương yêu. Vì vậy, chúng ta phải phát triển lòng thương yêu trong tâm thức của mình để trở thành một con người hạnh phúc, tạo nên một nhân loại hạnh phúc, một xã hội hạnh phúc và một thế giới hạnh phúc. Sự phát triển tình yêu thương này không phải chỉ dành riêng cho những người có tín ngưỡng tôn giáo, mà kể cả những người không có tín ngưỡng tôn giáo, họ cũng cần phát triển tình yêu thương.Vì chính tình yêu thương sẽ mang đến sự an bình trong tâm thức của chúng ta.

Có một số người không quan tâm đến sự an bình trong tâm thức. Họ nói đó chỉ là tín ngưỡng tôn giáo. Suy nghĩ như vậy rất sai lệch. Chúng ta là một phần của 7 tỷ người. Vậy làm thế nào để chúng ta phát triển tình yêu thương đến cho người thân và cho tất cả những người xung quanh? Điều này rất là thiết thực và cần thiết.

Nếu bây giờ chúng ta nỗ lực giáo dục nuôi dưỡng sự an bình trong tâm thức của mình với tấm lòng từ bi, thì trong 7 tỷ người chúng ta, trong thế kỷ 21 này, thế giới sẽ được an bình hơn và ít xảy ra bạo động hơn. Bạo động đến từ đâu? Bạo động là do chúng ta dùng vũ khí. Bạo động đến ngay từ trong dòng tâm thức của mình. Cho nên nếu muốn đạt được sự an bình và ít bạo động, chúng ta phải bắt đầu từ sự giảm trừ bạo động ngay trong tâm thức của mình, thay thế bạo động bằng sự an bình trong tâm thức. Nếu như người nào trong lòng đầy sự ghét bỏ, hận thù, sân hận thì người đó khó giảm được sự bạo động cho chính bản thân mình và cho xã hội . Điều này rất hợp lý. Từ đó chúng ta thấy rằng tình thương yêu đóng vai trò rất quan trọng nếu chúng ta biết phát triển tình thương yêu. Đây là điều hết sức cần thiết cho nhân loại và phi nhân loại.

Thứ nhất, tôi đưa ra quan điểm về đạo đức thế tục vì đạo đức thế tục có thể áp dụng cho mọi người và cho toàn cầu. Những ai mong muốn được hạnh phúc hãy phát triển sự an bình và lòng từ bi trong tâm thức của mỗi chúng ta. Do đó, tôi kêu gọi các anh chị em ở đây, nếu các bạn nào có quan tâm thì chúng ta hãy nghĩ về sự an bình trong tâm thức của mình và phát triển  ngay hiện tại để chúng ta có sự an bình trong nội tâm và hòa bình cho toàn cầu.

Quan điểm thứ hai của tôi, là một Tăng sĩ Phật giáo nên tôi nguyện đẩy mạnh sự hòa đồng tín ngưỡng tôn giáo. Như ở Ấn Độ khoảng 2000-3000 năm trước, những tín ngưỡng tôn giáo khác nhau như Ấn giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, v.v... những tín ngưỡng đó vẫn sống hòa đồng với nhau. Tuy Ấn Độ là một quốc gia dân chủ đông dân cư, thỉnh thoảng có vấn đề, nhưng việc dung hòa tôn giáo vẫn rất là sống động và tốt lành. Họ sống hòa hợp với nhau trong một đất nước như vậy. Tôi được học và được thừa kế triết học và nền tư tưởng Phật giáo từ xứ Ấn Độ và tôi phát nguyện đẩy mạnh sự hòa đồng các tín ngưỡng tôn giáo.

Ngày hôm nay có nhiều người nhân danh tín ngưỡng tôn giáo để sát hại lẫn nhau. Cùng chung niềm tin tôn giáo nhưng họ gây ra chiến tranh và tổn hại lẫn nhau. Điều này đã thật sự xảy ra. Làm thế nào chúng ta phát triển một sự hòa đồng thật sự để tôn trọng những đức tin tôn giáo khác nhau? Làm thế nào để chúng ta học hỏi giáo lý khác của một tôn giáo không cùng với mình? Phần lớn người Việt ở đây các bạn đều là Phật tử,  vì vậy các bạn nên lưu ý rằng hãy sống hòa hợp với các tín ngưỡng tôn giáo khác. Cho dù bạn sống ở bất cứ nơi nào cũng hãy phát triển sự dung hòa tôn giáo.

Tất cả các tôn giáo lớn tuy có những giáo lý triết học khác nhau, quan điểm và khái niệm khác nhau, nhưng họ cùng chuyển tải chung một thông điệp, đó là lòng thương yêu và tâm từ bi. Làm thế nào để phát triển lòng từ bi trong lòng người có tôn giáo là cần phải sử dụng các triết lý khác nhau tùy thuộc theo căn cơ, trình độ của từng người. Vì lý do đó, chúng ta cần có nhiều quan niệm triết học khác nhau.

Tất cả các tôn giáo lớn đều có cùng một thông điệp, đó là làm thế nào để chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc phát triển lòng từ bi, học cách tha thứ, khoan dung, tính tự kỷ luật và biết sống thiểu dục tri túc. Rất cần thiết khi họ dùng các quan điểm triết học khác nhau vì cần phải phù  hợp với nhiều căn cơ, trình độ, ước vọng khác nhau của mỗi chúng sinh. Dựa trên cơ sở đó, triết học cần phải đa dạng và phong phú. Giáo pháp được phổ biến tại thời điểm khác biệt, với quốc gia khác biệt, cho nên cũng cần phải thay đổi và có nhiều sự khác nhau để thích hợp với trình độ, căn cơ của những người đến với tôn giáo. Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng thuyết giảng rất nhiều triết lý khác nhau, sao cho phù hợp với căn cơ và trình độ của thính chúng thực hành. Điều này rất hiệu quả cho các thính giả.

Một số người tin rằng có Chúa, có Đấng Sáng Tạo nên họ phát triển tình yêu thương để phù hợp với Đấng Sáng Tạo của họ. Vài tín ngưỡng tôn giáo khác tin tưởng không có Đấng Sáng Tạo như phái Số Luận vô thần, Kỳ Na giáo và Phật giáo cũng không chấp nhận Đấng Sáng Tạo. Dù có tin vào Đấng Sáng Tạo hay không, chúng ta đều thực hành để phát triển lòng từ bi. Nhằm thỏa mãn mọi ước nguyện, căn cơ, trình độ của người hành giả nên có nhiều triết học khác nhau nhưng có cùng mục đích là phát triển thực hành lòng thương yêu và từ bi. Những ai tin có Đấng Sáng Tạo thì được giải thích như thế này – Đấng Sáng Tạo là đấng từ bi vô lượng đã tạo ra mọi người. Chúng ta đã được Đấng Sáng Tạo tạo ra nên họ mới cảm thấy gần gũi với người khác, vì bản thân tôi cũng được tạo ra bởi Đấng Sáng Tạo. Đấng Sáng Tạo là biểu hiện của lòng từ bi vô lượng, cho nên tôi cần phải làm một người tốt, một người đầy từ bi. Tuy hình thức chúng ta khác nhau, y phục khác nhau, đội những chiếc mão khác biệt  v.v… nhưng điều đó không quan trọng. Điều trọng yếu là chúng ta giống nhau trong quan điểm thực hành là thực hành lòng từ bi. Vì nguyên nhân đó, chúng ta cần phải phát triển sự tôn trọng đối với các tôn giáo khác.

Phật giáo có hai truyền thống khác nhau như truyền thống tiếng Pali, truyền thống tiếng Sanskrit (tiếng Phạn). Hai truyền thống này truyền  bá vào thời gian khác nhau và những quốc gia khác nhau. Ví dụ như Phật giáo được truyền sang đất nước Tây Tạng, Việt Nam, Trung Quốc, Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, v.v... Tuy được truyền qua những lãnh thổ khác nhau, có những danh hiệu và cách gọi khác nhau như là Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Miến Điện, v.v… nhưng chúng ta đều có cùng một truyền thống. Tuy nền tảng triết học có khác nhưng chúng ta đều có cùng một thông điệp và cùng thực hành lòng yêu thương.

Từ xa xưa, những tín ngưỡng tôn giáo lớn đều đã làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh trong quá khứ. Trong hiện tại, họ cũng tiếp tục làm lợi ích cho muôn vàn chúng sinh. 1000 năm hay 2000 năm sau nữa, họ cũng vẫn sẽ không ngừng làm lợi ích cho nhân loại và cho con người. Chính bởi nguyên do đó nên chúng ta cần phải phát triển sự hòa đồng và tôn trọng tín ngưỡng khác nhau của tất cả các tôn giáo.
Nói về Phật giáo, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã xuất hiện ở đời 2600 năm về trước. Ngài là một vị Thái tử sống trong cung điện, có vợ và con. Sau đó xuất gia và sáu năm tu khổ hạnh trong rừng già. Ngài thực hành từ bi, trí tuệ và thành đạo. Cho nên chúng ta nhìn hai chữ “Compassion” và “Wisdom” có nghĩa là “từ bi” và “trí tuệ”. Trong “trí tuệ” có bao hàm thiền chỉ và thiền quán. Thiền quán nghĩa là phân tích, quán sát và tìm hiểu sự thật tồn tại của các pháp để phát triển trí tuệ hiểu được sự thật của con đường tu tập hầu phát khởi sự khát khao mãnh liệt mà tu tập Thiền Định. Thiền chỉ nghĩa là điều động tâm tập trung vào một đối tượng, an trụ một cách vững vàng, không cho tâm phóng ra ngoài hoặc lạc mất sự chú tâm do hôn trầm. Chúng ta tu tập kết hợp cả thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ và thiền quán dựa vào “Sila” làm nền tảng căn bản. Sila là “Giới”. Giới luật là cấm ngăn tự thân không làm tổn hại đến chúng sinh khác vì phát triển lòng từ bi đến muôn loài. Do đó, chúng ta cần phải giữ giới. Thiền chỉ và thiền quán là để chúng ta phát triển trí tuệ, ở đây chính là trí tuệ vô ngã.

Sau khi Đức Phật thành đạo thì Ngài đã tuyên bố như sau:

 “Giáo pháp của ta khám phá
Rất là thâm sâu, tịch tịnh,
Quang minh, vô lậu, ly hý luận
Chúng sinh khó thấu hiểu được.”

Vì lý do đó nên ta do dự không biết có nên thuyết pháp hay không?  Từ xưa nay, tất cả những tư tưởng triết học đều nói rằng có “ngã”. Chấp có ngã, biến kế sở chấp ngã là do suy nghĩ, quan niệm của mình  hoặc bị ảnh hưởng tư tưởng triết học của tôn phái mà cho là có ngã, và còn thêm vào đó chấp có thật ngã. Họ chưa từng nghe nói đến chân lý “vô ngã”. Do đó nếu mà ta có nói ra thì cũng chưa chắc họ lãnh hội được tư tưởng vô ngã. Vì vậy, Đức Phật nghĩ, ta không nên thuyết pháp. Khi nói đến pháp thâm sâu, tịch tịnh, quang minh, vô lậu, ly hý luận là pháp chân như, cũng chính là Đức Phật chỉ rõ trạng thái Niết Bàn, trạng thái Diệt Đế.

Đức Phật thấy có rất ít người có thể hiểu được giáo lý của Ngài mới khám phá ra, nên Ngài bắt đầu đi tìm đối tượng nào có thể lãnh hội được lời dạy của Ngài. Ngài tìm đến năm anh em Kiều Trần Như, là những người bạn đồng tu trước đây để chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã chứng đắc. Đức Phật đã đi đến vườn Lộc Uyển để chuyển bánh xe pháp đầu tiên gọi là Sơ Chuyển Tứ Thánh Đế Pháp Luân, là giáo pháp nền tảng căn bản cho giáo lý của Đức Phật dựa trên Luật Nhân Quả Duyên Sinh. Đức Phật dạy về Tứ Thánh Đế là nói về khổ đau, hạnh phúc để chúng ta hiểu được cái khổ lạc. Chúng ta phải nỗ lực tìm hiểu khổ (khổ thánh đế) và nguyên nhân của khổ (tập thánh đế); hạnh phúc (diệt thánh đế) và nguyên nhân hạnh phúc (đạo thánh đế), không muốn khổ đau thì diệt trừ nguyên nhân gây ra khổ đau; muốn hạnh phúc thì tích tập nguyên nhân hạnh phúc. Cầu nguyện không thể chấm dứt khổ đau hay có được hạnh phúc mà chúng ta phải thực hành qua sự hiểu biết khổ đau và hạnh phúc trên quan hệ nhân quả.

Khổ Đế là kết quả, Tập Đế là nguyên nhân của khổ đau. Kết quả mà mình bị khổ đau do đâu mà có? Nguyên nhân là từ Tập Đế - liên hệ nhân quả giữa Khổ Đế và Tập Đế. Làm thế nào chúng ta đạt được hạnh phúc miên viễn cũng trên quan hệ nhân quả? Đó là Đạo Đế và Diệt Đế. Nếu chúng ta muốn đạt được trạng thái Diệt Đế - Niết Bàn hạnh phúc miên viễn thì chúng ta phải phát triển trí tuệ, tu tập Đạo Đế để đạt được Diệt Đế, bằng cách tu tập đối trị những nguyên nhân của khổ đau. Khi tu tập tiêu diệt hoàn toàn những nguyên nhân của khổ đau sẽ đạt được trạng thái Niết Bàn - Diệt Đế. Vì vậy chúng ta tìm nguyên nhân đạt được trạng thái Niết Bàn - Diệt Đế chính là Đạo Đế. Niết bàn có thể đạt được, dù có khó khăn đến đâu mình cũng nỗ lực đạt được trạng thái hạnh phúc vĩnh hằng. Tứ Thánh Đế trở thành giáo lý căn bản của Đức Phật.

Sau đó Đức Phật đến núi Linh Thứu để chuyển pháp luân lần thứ hai, gọi là Trung Chuyển Vô Tướng Pháp Luân. Ở lần chuyển pháp luân này, Đức Phật giảng sâu và rõ ràng hơn trạng thái Diệt Đế - Niết Bàn và làm thế nào chúng ta đạt được trạng thái Diệt Đế đó. Trong lần chuyển pháp luân này, Đức Phật giải thích về “tính không”, đối tượng của tính không, trong thuật ngữ Tây Tạng gọi là “Yul kyi oh sel”, bản chất các pháp vốn là  không tính.

Lần chuyển pháp luân thứ ba là Hậu Chuyển Quảng Phân Biệt Pháp Luân dạy tất cả các pháp đều không có tự tính. Ba tự tính:1/ Biến kế sở chấp tướng vô tự tính, 2/Y tha khởi sanh vô tự tính, 3/ Viên thành thật thắng nghĩa vô tự tính. Phân tích không có tự tính như thế nào để cho các vị hiểu rõ về tự tính không? Ở đây, Đức Phật đã nhấn mạnh về không tự tính của ánh quang minh của nguyên thuỷ tâm “Yul chen kyi oh sel”. Quang minh của nguyên thủy tâm được giải thích rõ ràng trong Bảo Tánh Luận, một bộ luận của Ngài Di Lặc giải thích minh bạch ánh quang minh của nguyên thủy tâm là không tự tính, không bị nhiễm ô bởi phiền não cho nên phiền não có thể tách ra khỏi dòng tâm thức, cũng là lý do chứng minh Diệt Đế - Niết Bàn chúng ta có thể đạt được.

Lần Sơ Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dùng ngôn ngữ tiếng Pali và Trung Chuyển Vô Tướng Pháp Luân, Ngài thuyết bằng tiếng Phạn (Sanskrit).  Đức Phật chuyển pháp luân Tứ Thánh Đế bằng ngôn ngữ tiếng Pali, là giáo lý căn bản cho cả hai truyền thống Pali và Sanskrit sau này.  Đức Phật thuyết Tứ Thánh Đế làm giáo lý cơ bản trong đó Đức Phật dạy 37 Phẩm Trợ Đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Như Ý Túc, Tứ Chánh Cần, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và  Bát Thánh Đạo Phần. Dựa trên những giáo lý này, Ngài giải thích quan kiến về “chấp ngã”: có cái ngã thô và cái ngã vi tế. Từ đó cũng suy luận ra có “vô minh”. Chúng ta nhận diện được vô minh cũng có hai cấp độ: cấp độ vô minh thô thiển và vô minh vi tế.

Đức Phật giảng về hai đế - Chân Đế và Tục Đế. Trong 37 Phẩm Trợ Đạo có Tứ Niệm Xứ, trong đó gồm niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Niệm thân (thân niệm xứ) nghĩa là chúng ta quán tưởng cái thân này là bất tịnh nhằm sinh lòng nhàm chán mà mong cầu được trạng thái Diệt Đế - Niết Bàn. Niệm thọ (thọ niệm xứ) là quán những cảm thọ khổ đau hay hạnh phúc. Chúng ta luôn muốn tránh những cảm thọ khổ đau và muốn đạt được cảm thọ hạnh phúc. Cho nên thọ niệm xứ này chính là nguyên nhân của Tập Đế và Khổ đế. Cảm thọ lạc liên quan đến tham và cảm thọ khổ liên quan đến sân. Khi nói đến niệm tâm (tâm niệm xứ) thì  tâm của chúng ta không có hình sắc, không có hình dáng, nó cũng không có phương phần. Nó chỉ là cái dòng tương tục của tâm thức tương tự vật chất hình sắc cũng thấy hình sắc cụ thể nhưng khi phân tích từng phương phần nhỏ thì không tìm ra được cái vô phương vô phần, mà nó đều có phương phần như học thuyết Vi Lượng Tử. Dù có phân tích đến tận cùng thì nó cũng có phương phần chứ nó không trở thành vô phương vô phần. Dòng tâm thức của chúng ta cũng vậy.
Khi chúng ta theo dõi dòng tâm thức của mình thì chỉ thấy có dòng tâm thức ở quá khứ, dòng tâm thức ở vị lai. Khi bạn đi tìm dòng tâm thức ở hiện tại thì một nửa tâm thức ở quá khứ, một nửa trong tương lai. Cho nên, không thể tìm thấy dòng tâm thức trong hiện tại. Khi thấy được tâm thức của mình chỉ là một dòng tương tục, thì bạn sẽ có sự khát khao đạt về trạng thái Diệt Đế - Niết Bàn.

Vậy thì khi mình truy tìm cái tâm thức, nó nằm ở chỗ nào mà mình không thấy? Cái tâm thức ở quá khứ, hiện tại, hay vị lai? Bản chất của tâm vốn là tính không, tâm không có thực tính. Từ đó bạn biết những pháp nào mình nên đoạn trừ, những pháp nào nên tu tập. Vì những lý do nêu trên nên chúng ta thực hành quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Những điều này có mục đích rất rõ ràng để chúng ta hiểu được Tứ Niệm Xứ.

Trong Tứ Thánh Đế có 16 hành tướng: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế, mỗi thánh đế có bốn hành tướng riêng.
Khổ Đế hành tướng: Vô Thường, Khổ, Không và Vô Ngã.
Tập Đế hành tướng: Nhân Tướng, Tập Tướng, Sanh Tướng và Duyên Tướng.
Diệt Đế hành tướng: Diệt Tướng, Tịnh Tướng, Diệu Tướng và Ly Tướng.
Đạo Đế hành tướng: Đạo Tướng, Như Tướng, Hành Tướng và Xuất Tướng.

Khi bạn suy nghĩ những điều này một cách tường tận, hiển nhiên bạn cảm thấy rất kinh ngạc về những điều mà Đức Phật đã giảng dạy. Từ Tứ Niệm Xứ bạn hiểu về Tứ Thánh Đế. Nhận thức Khổ Đế là tại vì đâu? Giúp bạn phát triển Tứ Chánh Cần: Điều thiện chưa phát triển làm cho phát triển; điều thiện đã phát triển làm cho tăng trưởng; tiêu diệt điều ác đã sinh; ngăn chặn điều ác chưa sinh.

Tứ Như Ý Túc: Dục, tâm, tinh tấn và quán. Để đạt đến trí tuệ thì bạn phải khao khát (Dục), tiếp đó thông hiểu (tâm), tinh tấn đạt được trí tuệ bằng Quán định. Vì những lẽ đó nên chúng ta cần phải tư duy để xác quyết con đường tu tập. Trạng thái Diệt Đế là trạng thái Diệt, Tịnh, Diệu, Ly và làm thế nào chúng ta đạt đến trạng thái Diệt Đế? Bạn bắt đầu tư duy quán sát những khổ đau trong Khổ Đế  là do vô thường. Đức Phật dạy:

“Vì vô thường dẫn đến khổ đau,
Khổ đau nên dạy vô ngã.”

Vì vậy Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là những giáo pháp chúa tể tối thắng trong các lời dạy của Đức Thế Tôn.

Khi chúng ta thực hành một pháp môn đặc biệt nào, ngoài những lời dạy này ra, thì bạn sẽ dựa vào pháp hành nào để hành trì? Ngoài những lời dạy trên, bạn tưởng mình đang thực hành một pháp môn bí mật đặc biệt nào đó thì thật sai lầm. Đức Phật đã dạy những kinh nghiệm của Ngài, con đường mà Ngài đã trải nghiệm, đã đi qua và chỉ rõ con đường ấy cho bạn thực hành để điều phục tâm của tâm chưa được điều phục. Nếu thực hành theo bạn sẽ đạt được con đường như Ngài đã chứng nghiệm. Thật quan trọng biết bao để cho bạn hiểu sâu sắc về giáo lý căn bản này.

Trong lần chuyển pháp luân thứ hai, Đức Như Lai dạy Kinh Bát Nhã, nội dung kinh thuyết về “tính không”. Tính không của Kinh Bát Nhã khẳng định rằng chúng ta có thể đạt được Diệt Đế. Ở đây Đức Phật giải thích rất rõ ràng những điều mà lần chuyển pháp luân lần thứ nhất Đức Phật chưa dạy rõ, giúp cho chúng ta phát khởi khả năng chứng đắc những điều mình chưa chứng đắc.

Đến lần chuyển pháp luân thứ ba, Đức Phật đã dạy về Ánh Quang Minh của Tự Tâm. Ánh Quang Minh vì là mỗi chúng sinh đều có Phật Tính, những phiền não chỉ là khách trần. Như Lai, Phật Tính vốn có sẵn trong mỗi chúng sinh. Đó là cơ sở để chúng ta có thể đạt được trạng thái Niết Bàn. Nó liên quan đến pháp hành Vô Thượng Du Già trong Mật Thừa.

Khi nói đến Phật Pháp là như thế nào? Đó không phải là Đức Phật, tôn tượng, hay là những kinh sách để chúng ta quy y, mà chúng ta phải hiểu được tinh túy giáo pháp nó nằm ở chỗ nào để từ đó, mình thấy nó khác với những tín ngưỡng và tôn giáo khác. Khi Đức Phật thuyết pháp đều tùy theo căn cơ trình độ của mỗi chúng sinh. Cho nên giáo pháp đó thích hợp với chúng sinh nào thì giáo pháp đó sẽ tốt nhất đối với họ. Chính vì vậy, tôi không nói giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp  tốt nhất.

Khi Đức Phật truyền giáo lý của Ngài thì Ngài dùng ngôn ngữ tiếng Pali. Trong truyền thống tiếng Pali thì không dùng nhiều lý luận mà chỉ lấy ra từ kinh điển và giải thích theo lời dạy của Đức Phật tiêu biểu như 37 Phẩm Trợ Đạo. Nhưng theo quan điểm của truyền thống tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) thì không phải như vậy. Trong Thích Lượng Luận, Ngài Pháp Xứng đã chứng minh Tứ Thánh Đế bằng lý luận để giải thích tại sao gọi là vô thường? Tại sao khổ đau? Tại sao không, vô ngã? Dùng lý luận sắc bén để chứng minh Tứ Thánh Đế, đó là đặc thù trong truyền thống tiếng Phạn. Bên cạnh đó có bảy bộ luận của Ngài Trần Na bạn cần biết. Người Việt theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, bạn phải bảo tồn, phát triển và phải hiểu rõ sâu sắc về những lời dạy của Đức Phật.

Phật giáo khởi điểm từ thánh địa Ấn Độ. Đức Phật chuyển pháp luân để cho Giáo và Chứng của Ngài được lan truyền khắp muôn phương. Đầu tiên là đại học Phật giáo Tashila ở Pakistan ngày nay, rồi sau đó là Học Viện Phật Học Nalanda. Trước khi Phật giáo được phát triển mạnh thì Nalanda chỉ là đại học cho tất cả các môn học, nhưng sau khi Phật giáo đã phát triển mạnh thì đại học Nalanda thuần túy trở  thành là Học Viện Phật Học Nalanda. Bên cạnh đó còn có một học viện nổi tiếng Vikramsila ở bang Bihar. Truyền thống tiếng Pali thì được truyền sang những quốc gia như Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia. Truyền thống tiếng Phạn thì được truyền sang Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Truyền thống Pali dạy về Tam Vô Lậu Học là  hành trì Giới Định Tuệ một cách rất nghiêm túc. Truyền thống tiếng Sanskrit được truyền sang Trung Quốc thì theo những bộ luận của Ngài Long Thọ, Ngài Vô Trước, v.v… và các bậc đại luận sư. Phật giáo Tây Tạng được truyền vào thế kỷ thứ 8, do đức vua của xứ Tây Tạng thỉnh Ngài Tịch Hộ sang truyền đạo. Với sự lãnh đạo của Ngài Tịch Hộ nên Phật giáo được phát triển mạnh mẽ theo truyền thống Nalanda thuần túy.

Bản thân của Ngài Tịch Hộ thì bên ngoài là một bậc trị lục, bên trong luôn giữ Tâm Bồ Đề và bí mật hành trì Kim Cang Thừa. Những bộ kinh luận từ đó được dịch sang tiếng Tạng. Có hơn 100 bộ kinh và hơn 200 bộ luận. Những bộ luận quan trọng như Sáu bộ luận của Ngài Long Thọ và các bộ luận của Ngài Di Lặc, v.v… Cho đến ngày nay, chúng tôi đã có hơn 300 bộ kinh luận khác nhau từ Ngài Tịch Hộ.

Cách chúng tôi học là bắt đầu học thuộc lòng những bộ luận căn bản, rồi sẽ được giải thích theo từng từ ngữ và sau đó, chúng tôi quán sát và tranh luận về cách hiểu biết của mình và đem vào thực hành. Đó là cách phát triển Phật giáo cho đến ngày hôm nay.

Giáo lý trong Phật giáo Tây Tạng chia ra làm giáo pháp phổ biến chung cho tất cả mọi người. Nhưng những pháp hành Mật Thừa là những pháp hành riêng cho từng cá nhân nào đó thôi. Cho nên Mật Chú là những pháp hành riêng cho mỗi cá nhân chứ không phải là giáo lý phổ biến.

Khi Đức Phật thuyết pháp Tứ Thánh Đế và Bát Nhã thì có một số được phổ  biến phổ thông cho tất cả đại chúng, nhưng Mật Chú thì chỉ có một số vị tỳ kheo được tham gia, còn từ nơi linh kiến trong đàn tràng hóa hiện ra thì phải là những chúng sinh thuần tịnh mới có thể nhận lễ Mật Thừa. Trong Bát Nhã Thừa có Dòng Tri Kiến Sâu Xa và Quảng Đại Hạnh, trong đó bao gồm tất cả Tam Tạng kinh điển có thể phổ biến cho tất cả mọi người cùng nghiên cứu và tu học. Nhưng mà sự hành trì thì tùy theo riêng từng mỗi cá thể, cá nhân nào đó.

Phật giáo Tây Tạng thì có Kagyu, Nyingma bắt nguồn từ Dịch Giả Chenrulosawa, sau đó có tông phái Kadampa, phái Sakya. Có một số người nói rằng Phật giáo Tây Tạng là Lạt Ma Giáo, nói như vậy là họ không có sự căn cứ rõ ràng. Vì bốn tông phái dù là Nyingma, Kagyu, Kadampa hay Sakya đều được truyền thừa từ hai bậc thầy là Ngài Liên Hoa Sanh và Ngài Tịch Hộ truyền xuống.

Trong cá biệt lại có cái cá biệt, các vị trong các môn phái còn đội những cái mũ khác nhau, hành trì khác nhau, nhưng đều có nguồn gốc từ Ngài Tịch Hộ truyền xuống. Phật giáo Tây Tạng chúng tôi có đầy đủ tất cả Hiển Giáo và Mật Giáo. Muốn học và hiểu tất cả thì bạn phải học từ 20 năm đến 30 năm. Không phải tôi là người Tây Tạng cho nên lúc nào cũng thấy theo cái lối của người Tây Tạng. Muốn hiểu được các điều tôi nói thì các bạn phải nghiên cứu sâu xa những lời dạy của Đức Phật. Không những nghiên cứu học hỏi mà còn áp dụng tu tập để làm cho giáo pháp, giáo lý và sự chứng đắc luôn được lưu giữ, bảo tồn và phát triển.

Ngày hôm nay, các học giả nghiên cứu chuyển tải ngôn ngữ từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng. Tiếng Tạng là phương pháp dịch thuật chuẩn xác và tốt nhất trong tất cả các ngôn ngữ. Tây Tạng chúng tôi là một quốc gia có vị trí địa lý ở  khu vực cao nhất thế giới, nhưng nhờ tri ân các bậc thầy nên sự hiểu biết và sự tu tập chứng đắc cũng trở thành cao cấp giống như độ cao của đất nước.  Ba mươi năm qua, tôi có những cuộc thảo luận và trao đổi kiến thức với các nhà khoa học. Tôi nghĩ không có sự mâu thuẫn, chính Đức Phật dạy :  

“Này các Tỳ Kheo, người trí hãy khảo sát,
Chiêm nghiệm lời dạy của ta
Giống như thử vàng bằng cách chặt,
Cắt và mài để biết vàng thật hay vàng giả,
Chứ đừng vì kính mà tin lời dạy của ta”.

Lời dạy của Đức Phật có lý do, có hợp lý, có điều mà chúng ta có thể đạt được và nó không có lỗi lầm. Khi nào mình khảo sát hợp lý, thấy không có lỗi lầm thì chúng ta hãy chấp nhận. Vì lý do đó, trong kinh Đức Phật đã dạy có kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Tương tự  như vậy, trong Tự Thích Nhập Trung Luận của Ngài Nguyệt Xứng cũng có dạy:

“Kinh điển thì có liễu nghĩa và bất liễu nghĩa.”

Làm thế nào để chúng ta hiểu kinh bất liễu nghĩa thì chúng ta cần phải khảo tra và nghiên cứu.

Quan điểm nói rằng hãy khảo sát và thấy  hợp lý rồi mới tin . Đây chính là điểm đặc biệt trong Phật giáo, mà không có một tín ngưỡng tôn giáo nào đề nghị là hãy khảo sát rồi mới tin. Đức Phật dạy chúng ta hãy nên tìm tòi xem xét, nghiên cứu lời dạy của Ngài cẩn thận, không vì kính mà tin. Để khởi lên tư tưởng khảo sát, kiểm nghiệm lời dạy của Ngài là đúng hay không thì chúng ta hãy khởi phát sự nghi ngờ. Có nghi ngờ thì bạn mới khởi lên ý tưởng đi tìm sự thật. Đó là lý do chúng ta cần phải học hỏi, nghiên cứu, khảo sát những lời dạy của Đức Phật.
Buổi sáng hôm nay tôi giới thiệu sơ về giáo lý của Đức Phật, làm thế nào để chúng ta phát triển một cái tâm lương thiện, cái tâm tốt lành để hành xử tốt đối với mọi người. Như vậy, ngay nơi đời sống hiện tại của chúng ta sẽ có được hạnh phúc, xã hội sẽ được hạnh phúc, thế giới cũng sẽ được hạnh phúc và an bình. Chứ chúng ta không nên quá quan tâm đến việc kiếm nhiều tiền mà thiếu đi lòng từ bi.

Lần trước tôi đã đến đây hay là  ở San Francisco, tôi thấy một số người họ ngủ ở bên đường. Họ không có nhà cửa, họ sống vô gia cư. Nên tôi đã mời họ dùng một bữa trưa và tôi cảm thấy rất vui  cùng chia sẻ cơm trưa với họ. Bởi vì họ là những con người, cũng là anh chị em nhân loại với mình, cho nên chúng ta cần phải trợ giúp họ. Chúng ta cần phải chú  trọng giáo dục thế hệ trẻ, không những cho họ đầy đủ thức ăn mà còn phải dạy thế hệ trẻ làm thế nào để phát triển tình yêu thương trong mỗi con người chúng ta.

Wisdom theo các truyền thống của Phật giáo thì có bốn tông phái khác nhau theo truyền thống Đại Học Nalanda là triết học Tỳ Bà Sa Bộ, Kinh Lượng Bộ, Duy Thức Tông và Trung Quán Tông. Nếu giải thích về triết học với vốn tiếng Anh nghèo nàn của tôi, tôi sẽ làm cho triết học Phật giáo trở nên nghèo nàn. Do đó tốt hơn là tôi nói bằng tiếng Tạng.

Khi nói đến trí tuệ thì ta phải nói về nhận thức của pháp tương đối là Tục Đế, và nhận thức về chân lý tuyệt đối là Chân Đế, sự thật tồn tại của tất cả các pháp. Ngoại đạo cũng nói hai đế: Chân Đế và Tục Đế. Bốn tông phái của Phật giáo giải thích Chân Đế và Tục Đế theo tư tưởng triết học của mỗi trường phái.

Theo Kinh Lượng Bộ, thì nói tất cả các pháp là thật có là Chân Đế, còn những pháp thuộc hư không, vô vi là Tục Đế. Tỳ Bà Sa Bộ, Kinh Lượng Bộ giải thích về “nhơn vô ngã” mà không nói về “pháp vô ngã”. Pháp ngã là dựa trên các uẩn làm cơ sở nền tảng để thành lập nhơn có ngã, nhưng mà nhơn có ngã chỉ giải thích ở hai trường phái dưới. Hai trường phái Duy Thức Tông và Trung Quán Tông giải thích là pháp vô ngã là cơ sở thiết lập có ngã nhơn cũng không có tự tính. Từ đó mà nói rằng Duy Thức Tông và Trung Quán Tông nói là không những “nhơn vô ngã” mà “pháp cũng vô ngã”. Nên không có thực chất một cái nhân ngã nào.

Quan điểm triết học của Duy Thức Tông và Trung Quán Tông cũng có sự khác nhau rất xa về tư tưởng của pháp vô ngã. Chúng ta cần phải nghiên cứu và học các bộ luận của Ngài Thanh Biện trong luận giải Trung Quán Tâm Luận. Không biết là tiếng Việt  có bộ luận này hay không? Bộ luận này không có trong tiếng Hoa, thì tiếng Việt chắc cũng không được dịch ra, nhưng chúng ta phải nên dịch bản luận này vì bản luận này rất hay, giải thích tất cả các trường phái từ thấp lên cao để hiểu triết học Phật giáo theo trình tự từ thấp lên cao. Muốn hiểu được các trường phái cao cấp nhất là Trung Quán, bạn phải hiểu từ cấp độ trường phái thấp nhất đi dần lên cao, chúng ta cần phải học hỏi bộ luận này. Vì Ngài Thanh Biện là học trò của Ngài Long Thọ, tuy không biết là học trò trực tiếp hay học trò gián tiếp.

Triết học Phật giáo được giải thích trong Trung Quán Tâm Luận của Ngài Thanh Biện nói theo quan điểm này sẽ bị lỗi như thế nào? Và chỉ ra sự mâu thuẫn giữa triết học của trường phái này và trường phái kia như thế nào? Lập luận không hợp lý bị bác bỏ bằng chứng minh biện luận. Bộ luận này rất hay cho chúng ta tư duy và nghiên cứu tìm hiểu sự khác biệt của các trường phái, triết học của bốn tông phái trong Phật Giáo.
Như triết học Trung Quán là triết học chủ chốt giải thích cứu cánh triết lý của Đức Thế Tôn. Nhưng trong Duy Thức Tông giải thích thì rất tương tự với giải thích của Vi Lượng Tử trong Vật Lý Học hiện nay. Khi mà Duy Thức Tông giải thích: Nếu như không có con mắt để nhận thức màu xanh thì cái màu xanh đó không tồn tại. Các nhà bác học cũng giải thích như vậy, tại vì cái màu xanh ấy có tồn tại hay không tồn tại là do có nhận thức của con mắt. Cho nên quan điểm này tương ứng với khoa học. Theo Duy Thức Tông nói tất cả vạn pháp là duy tâm, không có đối cảnh bên ngoài. Cho nên bản thể của nhận thức, tâm nhận thức và cảnh nhận thức cùng là một bản thể.

Cách đây khoảng 10 năm hay 20 năm về trước, tôi có gặp một nhà vật lý học người Ấn Độ và ông  nói Vi Lượng Tử là phát minh mới mẻ đối với các nhà khoa học hiện đại. Nhưng điều này đã được Ngài Long Thọ giải thích từ 2000 năm trước chứng minh các pháp không tồn tại một cách độc lập.

Trung Quán tông có hai chi nhánh: Trung Quán Tự Thuật Phái và Trung Quán Ứng Thành Phái. Nhưng Trung Quán Tự Thuật Phái thì chấp nhận trên phương diện thuật ngữ có thực tính. Ngài Long Thọ trong Căn Bản Trung Quán Luận, phẩm thứ 18 dạy:

 “Đoạn tận nghiệp và phiền não tức giải thoát
Nghiệp và phiền não từ phân biệt khởi
Những phân biệt hý luận chấp thật ấy
Hý luận ấy bị triệt tiêu bởi Không Tính.
(Hý luận ấy bị triệt tiêu trong Không Tính).”

Nếu chấm dứt được nghiệp và phiền não sẽ được giải thoát. Giải thoát là không phải tìm ở bên ngoài, mà giải thoát tìm ở ngay nơi tâm thức của mình. Khi mà chúng ta chấm dứt những nghiệp hữu lậu, nghiệp mà do phiền não, tâm niệm tiêu cực điều khiển hành động thì bạn sẽ được giải thoát. Như câu đầu tiên dạy: “Đoạn tận nghiệp và phiền não tức giải thoát”.

Nghiệp hữu lậu do đâu mà nó phát sinh, do phiền não, tâm niệm tiêu cực phát sinh. Phiền não do đâu mà khởi, là do chúng ta hiểu biết sai lầm về sự thật, gọi là Phi Như Lý Tác Ý. Hiểu biết sai lầm, phi như lý tác ý khởi ra từ đâu? do cái hý luận chấp thật. Cho nên Ngài Long Thọ nói nghiệp và phiền não chấm dứt thì sẽ được giải thoát. Nghiệp và phiền não khởi sinh từ vọng tưởng chấp thật, từ đó chúng ta nhận lấy thân hữu lậu chi phối đau khổ, bị sinh tử luân hồi.

Các nhà khoa học ngày hôm nay nghiên cứu kết quả cho thấy, khi cơn giận khởi lên, thì bạn thấy đối tượng đó hoàn toàn xấu và đáng ghét, nhưng 80-90% do tâm thức của mình gán đặt vào chứ thật ra không phải là như vậy. Do hiểu biết sai lầm phi như lý tác ý, từ đó mình mới phát khởi ra tham lam và sân hận. Tại vì sao? Tại vì những gì trình hiện trước bạn đều cho là nó thật. Cái chấp thật đó làm cho bạn tạo nghiệp. Làm thế nào đoạn trừ chấp thật đó, có phải chúng ta niệm chú, cầu nguyện, tụng kinh thì sẽ đoạn trừ được chấp thật? Những điều đó không thể làm cái chấp thật đó tiêu tan, mà chúng ta phải nhận diện sự thật tồn tại của các pháp, nhận diện sự si mê về sự thật. Si mê cho các pháp nó tồn tại độc lập, thật có. Muốn phát triển hiểu biết chân lý để tiêu diệt cái chấp thật thì chúng ta phải hiểu biết về không thật, không tự tánh, tính không. Tại vì tính không và chấp thật không tồn tại cùng nhau trên một đối tượng, nó mâu thuẫn với nhau. Khi chúng ta chứng tri tính không thì đương nhiên sẽ tiêu diệt được chấp thật. Tại vì tâm chấp thật có tự tính tồn tại độc lập, bị phi như lý tác ý trợ giúp nhận biết sai lệch, khiến phát khởi phiền não, phiền não phát khởi tham, sân và tạo nghiệp, từ nghiệp dẫn dắt trong sanh tử luân hồi.

“Nghiệp và phiền não từ phân biệt khởi
Những phân biệt hý luận chấp thật ấy”

Chúng ta đoạn trừ chấp thật hý luận đó bằng cách nào? Bằng cách tu tập về tính không. Khi nói tu tập tính không đoạn trừ cái chấp thật “Hý luận ấy bị triệt tiêu bởi Không Tính” đó là đang diễn tả trạng thái Đạo Đế, tu tập Đạo Đế. Chúng ta tiêu diệt phiền não chấp thật đó trong tính không “Hý luận ấy bị triệt tiêu trong Không Tính” có nghĩa là từ tâm chân như diệt trừ những cái chấp thật, đó gọi là Diệt Đế.

Làm thế nào chúng ta đoạn trừ toàn triệt chấp thật? thì chúng ta cần tìm hiểu phiền não thô và phiền não vi tế. Vì lý do đó, trong Trung Quán đưa ra rất nhiều quan điểm triết học, cho nên thuật ngữ  có tự tính, Đại Viên Mãn của Sakya cũng nói các pháp không có thật tính.

Chúng ta học triết học tính không với mục đích là gì? Để chúng ta tiêu diệt những cái chấp thật. Vì Du già thiền quán nên nỗ lực phát triển hiểu biết về tính không để tiêu diệt chấp thật, tiêu diệt chấp ngã. Khi chúng ta nói Wisdom là chúng ta đề cập đến “trí tuệ”. Muốn có trí tuệ thì chúng ta phải học, phải tìm hiểu triết học của bốn trường phái để hiểu sâu xa từ “nhơn vô ngã” cho đến “pháp vô ngã”.

Compassion là “từ bi”. Từ bi là thông điệp chung, không phải của riêng Phật giáo, mà ngay cả phi Phật giáo, họ cũng thực hành hạnh từ bi. Nguồn gốc tinh túy của Phật giáo chính là lòng từ bi. Trong truyền thống tiếng Pali, từ bi là phát triển lòng từ bi vô lượng đến tất cả các loài chúng sinh. Trong truyền thống tiếng Phạn, từ bi đó phải được trợ giúp của trí tuệ. Làm thế nào chúng ta phát triển lòng từ bi vô lượng? Bằng cách chúng ta phát tâm bồ đề. Tâm bồ đề là tâm bi hướng đến tất cả chúng sinh và trí tuệ là hướng đến quả bồ đề. Làm thế nào để chúng ta có cái tâm lợi tha để cứu giúp tất cả những chúng sinh vô lượng? Chúng ta phát lòng từ bi, biết rằng khổ đau có nguyên nhân, và nguyên nhân đó có thể đoạn trừ, có thể tiêu diệt. Do đó chúng ta phát  tâm mạnh mẽ muốn tiêu diệt khổ đau cho chúng sinh, gọi là tâm lợi tha. Chúng ta biết khổ đau mà lại không rõ ràng cái khổ đau đó có thể tiêu diệt hay không? Chúng ta chỉ cầu nguyện cho khổ đau tiêu tan là không có hiệu lực, không có sức mạnh để muốn đoạn trừ khổ đau cho tất cả chúng sinh. Đến khi nào bạn có trí tuệ để biết rằng quả bồ đề có thể đạt được vì lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, khổ đau có thể tiêu diệt thì lòng khát khao mãnh liệt để tiêu diệt khổ đau cho tất cả chúng sinh khởi lên mạnh mẽ trong tâm thức của bạn. Từ đó, “Con nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, con sẽ tiêu trừ hết khổ đau cho tất cả chúng sinh”. Tâm muốn cứu khổ đau cho tất cả chúng sinh sẽ phát khởi. Vì lý do đó cho nên chúng ta cần phải có Compassion. Lòng từ bi  phải đi kèm với trí tuệ.

Tôi xin lỗi đã làm cho các bạn bị nắng nóng nhưng mà không biết tại sao mây nó không kéo đến để che bớt cơn nóng.

Kinh Bát Nhã – Hai nội dung chính trong Kinh Bát Nhã là Hiển Thuyết Không Tính và Ẩn Thuyết Đạo Lộ, gồm hai chữ Từ Bi và Trí Tuệ. Chúng ta đều tụng Bát Nhã Tâm Kinh phải không? Bát Nhã Tâm Kinh nói đến tinh túy về tính không và tính không là để đối trị hai chướng. Vì vậy, muốn đoạn trừ sở tri chướng thì chúng ta cần phải phát triển lòng bi và tâm bồ đề. Sử dụng phương tiện là tâm bồ đề kết hợp với trí tuệ. Trí tuệ cần phải kết hợp với phương tiện thì chúng ta mới có thể tiêu diệt được sở tri chướng. Ngài Thế Thân dạy:

“Giáo pháp của Đức Phật có hai:
Giáo Pháp và Pháp Chứng
Việc duy nhất bảo trì Giáo Chứng
Là áp dụng thực hành”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn