Chương 4: Sự Sống Và Cái Chết

28 Tháng Sáu 201608:59(Xem: 4506)

TUYẾT GIỮA MÙA HÈ 
Sayadaw U. Jotika 
Tỳ kheo Tâm Pháp dịch Việt

CHƯƠNG 4: CUỘC ĐỜI, SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT


Điều quan trọng nhất để làm trên đời là gì?
Cuộc đời này có ý nghĩa rất sâu sắc.
Hãy tận dụng tốt nhất thời gian sống của mình.
Cuộc đời này quá ngắn ngủi. Không có thời gian
 đâu mà chơi những trò chơi của đời.

Đừng tự làm mình nhức đầu nghĩ ngợi đến toàn bộ cuộc đời mình làm gì. Đừng để suy nghĩ của mình ôm trọn tất cả mọi khó khăn mà bạn nghĩ là sẽ rơi xuống đời mình; Mà trong mọi hoàn cảnh hãy tự hỏi mình rằng: “Có cái gì ở đó mà cứ phải chịu đựng quá khứ không thể dung thứ nổi như thế?”. Bởi vì bạn sẽ cảm thấy xấu hổ phải thú nhận.

                                        MARCUS AURELIUS[45]
Cuộc đời đầy những khó khăn.
Nhưng đừng coi rẻ cuộc đời.
Cuộc sống làm người là một cơ hội để học hỏi
và trưởng thành. Bạn có những bài học cần phải
học hỏi để phát triển trí tuệ. Nếu không học một
cách sâu sắc, bạn sẽ phải quay lại để học nữa.
 
Tất cả những khó khăn bạn đang gặp đều rất có ý nghĩa nếu bạn có được thái độ chân chánh và cách nhìn đúng đắn. Bạn phải giúp đỡ người khác sống một cuộc đời ý nghĩa và cũng có những người khác sẽ giúp bạn. Chúng ta phải có những mối liên hệ nhân quả nghiệp báo như thế. Chúng ta sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, đừng nghĩ rằng tất cả mọi khó khăn trên đời là vô nghĩa.

Chúng ta không thể đi đường vòng để tránh né,
chúng ta phải đi xuyên qua nó.

Trong cuộc đời chẳng bao giờ có cái gì là hoàn hảo cả. Tốt hơn cả là đừng nên mong đợi sự hoàn hảo. Tôi không hoàn hảo; tôi sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo, và tôi không mong đợi điều đó.
 
“Cái gì không giết chết được tôi,
sẽ chỉ càng làm cho tôi thêm mạnh mẽ”
                                                                       NIETZSCHE
Dù rằng với tất cả những đau đớn, tuyệt vọng, thất vọng và hối tiếc của nó, tôi vẫn thấy cuộc đời thú vị và đầy ý nghĩa.
“Mỗi lúc bạn bị thương tổn thường lại là lúc, từ những vết thương đó, những tư tưởng và những cơ hội mới sẽ đến”
“Thật là lợi ích lớn cho người nào nhận ra rằng anh ta cũng có những cái xấu giống như bao người khác, rằng thần linh phù hộ cho cả điều tốt lẫn cái xấu, anh ta chẳng thể từ bỏ nó và cũng không thể sống thiếu nó. Và cũng lợi ích tương tự khi anh ta nhận ra rằng hầu hết những thành công của mình bị xiềng xích bởi chính những xung đột do sự phù hộ ấy mang lại. Đây chính là tiêu điểm của mọi vấn đề: cuộc đời là sự pha trộn giữa tốt và xấu; chẳng có cái gì là hoàn toàn tốt cả; và nếu không có tiềm năng của cái xấu ở đó, cái tốt cũng chẳng thể có mặt. Cuộc đời là sự thành đạt những điều tốt không tách rời khỏi cái xấu, mà là bất chấp cái xấu”.
 ROLLIO MAY[46]             
Cuộc đời hẳn sẽ vô cùng hời hợt và buồn tẻ nếu không có khó khăn và vất vả.
“Sống là đau khổ, và đau khổ là để tìm ra ý nghĩa của đau khổ”
                                               GORDON W. ALLPORT               
“Nếu có chút ý nghĩa nào cho cuộc đời,thì nhất định cũng phải có một ý nghĩa cho đau khổ.
 Không có đau khổ và cái chết, cuộc đời sẽ không thể vẹn tròn”
                                                         VIKTOR FRANKL
 
Đau khổ, học hỏi từ đau khổ ấy, và trưởng thành.
 
Tôi đã từng đau khổ rất nhiều và bây giờ tôi vẫn còn đau khổ, nhưng tôi chịu đựng một cách bình tĩnh, một cách cao quý, đầy lòng tự trọng. Tôi coi đau khổ như một phần của cuộc sống, một phần rất quan trọng. Làm sao tôi có thể học hỏi được điều gì nếu tôi không đau khổ? Nhưng tôi bình tĩnh mỗi khi tôi đau khổ. Ai có thể tin được rằng tôi lại đau khổ sâu sắc đến thế? Tôi không nghĩ rằng cuộc đời không nên có đau khổ; tôi không nghĩ rằng tôi cần phải loại bỏ đau khổ; tôi không cố gắng vượt qua đau khổ, nhưng tôi cố gắng biến đau khổ trở thành có ý nghĩa; tôi cố gắng thấu hiểu đau khổ một cách sâu sắc. Không chống cự. Tôi không bị trầm cảm, lo lắng bất an. Tôi chỉ hy vọng rằng tôi đủ trí tuệ để thấu hiểu đau khổ và cuộc sống.

Mỗi khi tôi đau khổ cực cùng, tôi lại tiến thêm một bước về phía xa rời dính mắc. Nó dạy tôi buông bỏ. Samudaya (Tập đế: khổ đế thứ hai) – tham ái dẫn đến đau khổ (dukkha). Đơn giản làm sao, chí lý làm sao.

Cuộc đời chúng ta đều khó khăn vất vả. Vì vậy chúng ta học hỏi được nhiều hơn những người có cuộc sống quá dễ dàng. Cuộc đời tôi cũng rất khó khăn. Nhưng dù vậy, tôi vẫn thích nó. Tôi đã học hỏi được rất nhiều: cảm xúc, tình cảm, nhìn và học thật sâu sắc.

Nếu bạn có chánh niệm, đau khổ
sẽ khiến bạn nhìn mọi thứ rất sâu sắc.

Tôi không muốn có một cuộc đời không khó khăn, tôi cũng không muốn sống hời hợt, nông cạn, mà tôi muốn biết tất cả về cuộc đời và về đau khổ.

Hầu hết tất cả mọi người đều sống cuộc sống của mình một cách rất hời hợt và nông cạn. Họ được sinh ra trong một xã hội và sống với những giá trị của xã hội nơi họ sinh ra; họ bị mắc kẹt trong cái xã hội ấy.

Bạn phải ý thức thật rõ ràng
mình muốn gì từ cuộc đời để xác lập giá trị
 của riêng mình và sống với nó.

Ngay cả khi bạn đã xác lập được giá trị (hay sự đánh giá) của riêng mình rồi, bạn vẫn phải thường xuyên nhìn sâu vào nó và xem nó có thực tế hay không, nó có ảnh hưởng như thế nào đến tâm mình.
 
Sống ở trên đời là cả một nghệ thuật.
Không có một công thức, một khuôn mẫu nào
cho nó cả. Bạn phải luôn luôn tỉnh thức và sáng tạo.
Một khi đã đánh mất đi tính sáng tạo, thì bạn
sống cũng như chết rồi. Tính sáng tạo trong cách sống
cuộc đời mình thật là quá hiếm.
Chẳng trách mọi người cứ ứng xử như một cái máy.
Chẳng trách họ chẳng hề có niềm vui trong cuộc sống.

Tất cả chúng ta đều có những thăng trầm trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải nhìn chúng thật khách quan.

Tôi sống cuộc đời mình trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại. Không suy nghĩ quá nhiều và làm tâm mình rối tung lên. Chấp nhận cuộc sống như nó đang là và cũng sẵn sàng chết bất cứ giây phút nào. Người ta nói cuộc đời đầy khó khăn. Nó sẽ còn khó khăn hơn đối với những người không cần phải làm việc. Nhưng bạn vẫn có thể sống vui vẻ và học hỏi được rất nhiều từ cuộc đời. Và nếu muốn, bạn có thể giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi này. (Một cái vòng luẩn quẩn đúng không?).

Tôi chẳng thích đau khổ tý nào. Bạn có thích không? Ở nơi đây, cuộc sống thật đơn giản, và tôi muốn nó còn đơn giản hơn nữa.
 
Hãy giữ bình tĩnh; chờ đợi; và kiên nhẫn.
Làm bất cứ điều gì có thể làm được trong thời điểm
 hiện tại. Chẳng có cái gì ở lại mãi cả.
Mọi thứ sẽ thay đổi, có thể theo chiều hướng tốt hơn
nếu bạn sáng suốt và bình tĩnh, nhưng nếu bạn
xáo động, bất an, và chạy lăng xăng như hóa dại,
bạn sẽ chỉ càng làm cho mọi việc thêm rối mà thôi.

Tất cả những gì diễn ra từ trước tới nay đã đưa tôi đến chỗ này, như bây giờ. Bởi vì tôi đang sống một cuộc sống bình yên và đầy ý nghĩa trong giây phút hiện tại này, nên đối với quá khứ tôi cảm thấy hoàn toàn OK, hoàn toàn thanh thản. Tôi tha thứ cho mọi người và tha thứ cho chính bản thân mình nữa, và tôi biết ơn tất cả mọi người về những gì họ đã làm với tôi hay làm cho tôi. Nếu họ đối xử tốt với tôi, chắc gì tôi đã quyết định trở thành một nhà sư như thế này. Bây giờ thì tôi hiểu họ hơn nhiều, tôi biết trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong con người họ.
Chúng ta cảm thấy mình bị tổn thương cứ như thể mình vẫn còn là một cậu bé hay một cô bé ấy.

Biết chấp nhận những điều không thể tránh khỏi
là rất quan trọng đối với sự bình an của tâm mình.

Tôi rất biết ơn cuộc đời; nó đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Tôi muốn sống một cuộc đời thật dài để được học hỏi nhiều hơn nữa. Có những điều mà chúng ta chỉ có thể học hỏi được lúc tuổi đã về già.

Cuộc đời rất quan trọng. Cách chúng ta sống cuộc đời
 của mình, cách chúng ta quan hệ với mọi người
phản ánh sự thực hành Pháp của mình.

Nơi bạn sống và người bạn quan hệ là rất quan trọng. Một số nơi chốn, một số con người thường gây cho bạn những trạng thái tâm xấu, luôn luôn ở trong những trạng thái tâm xấu như thế sẽ làm hỏng tâm bạn thực sự. Bạn bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh một cách rất vi tế.

Để hiểu được sự thiêng liêng của cuộc sống
con người này chẳng phải là chuyện dễ.
 Con người thường bán rẻ chính mình vì đồng tiền,
vì thú vui, tình dục và quyền lực.
Chúng ta thực sự cần những người bạn tốt
và trí tuệ từ khi ở tuổi niên thiếu để chỉ ra
con đường con người cần tiến đến.
Trở thành những con người thánh thiện.

Cuộc đời không hẳn là tồi tệ đến vậy. Có những lúc nó cũng rất bình yên, an lạc, nhưng tôi chẳng muốn sống thêm một cuộc đời nữa. Tôi cố gắng thấu hiểu chính mình và người khác, thấu hiểu cuộc đời một cách sâu sắc hơn. Thấu hiểu là công việc chính của cuộc đời tôi. Tôi ngày càng ít ham muốn với mọi thứ, điều đó làm cho tâm tôi nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn ham đọc sách. Không có ham muốn làm việc gì lớn lao cả. Chỉ cố gắng sống cuộc đời mình sao cho càng ít đau khổ càng tốt, và càng nhiều hiểu biết càng hay.

Tôi đang làm những gì mình có thể làm được. Không bao giờ coi bất cứ cái gì là quá nghiêm trọng cả. Tất cả mọi thứ có sinh thì đều có diệt. Chẳng có cái gì diễn ra đúng như tôi mong muốn bao giờ. Vì vậy tốt hơn cả là chẳng nên lo lắng quá nhiều; đừng khăng khăng muốn mọi việc phải diễn ra theo ý mình, nhất là đối với người khác – họ có tâm của riêng họ, ý thích của riêng họ.

Rất nhiều sự việc đã diễn ra trong cuộc đời tôi. Con người đau khổ quá nhiều bởi vì việc gì họ cũng coi là quá nghiêm trọng, mà không biết rằng nó chẳng đáng thế.

Tôi muốn bạn biết rằng bất cứ điều gì xảy ra cũng đều OK đối với tôi cả. Tôi có thể buông bỏ được bất cứ thứ gì. Cái chết dường như đến gần hơn khi tôi ngày càng già đi. Rất nhiều bạn bè của tôi đã chết. Hai người chết vì bệnh gan, một người vì bệnh máu trắng, một vì nhồi máu cơ tim, và người nữa vì tai nạn. Mẹ tôi chết không biết vì bệnh gì. Tôi sẽ chết; tôi không biết là khi nào và ở đâu, và chết như thế nào. Tất cả mọi thứ đều phải hoại diệt. Không đáng phải dính mắc quá mức vào bất cứ cái gì.

Tôi đã học hỏi được điều gì đó từ tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời tôi. Vì vậy, giờ đây tôi mở lòng ra với bất cứ sự việc nào.

Tất cả mọi hoàn cảnh trong cuộc đời,
dù tốt hay xấu, đều là những cơ hội để học hỏi.
Có khả năng chấp nhận được sự không chắc chắn,
 và sống với nó là một dấu hiệu chắc chắn
của sự trưởng thành.
Chúng ta thường cứ muốn phải chắc chắn
về tương lai. Chẳng cần như thế, cái gì đến, sẽ đến.

Khi chưa hiểu về cuộc đời, chúng ta nói: “Nó chẳng có gì tốt đẹp cả”. Trước khi học được cách sống cuộc đời mình như thế nào, chúng ta đã vội muốn biết làm thế nào để vượt qua nó. Chỉ toàn dùng cái đầu mà không dùng trái tim, điều đó làm cho cuộc sống trở nên khô cằn làm sao. Tôi chỉ hy vọng là bạn biết mình muốn làm điều gì với cuộc đời mình. Hãy làm điều gì khiến bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc cả cuộc đời, cho đến tận khi chết.

Vâng, thế giới này thật điên khùng.
Nhưng chúng ta có thể làm được gì bây giờ?
Chẳng làm được gì hết.
Tại sao cứ phải phí thời gian và sức lực vô ích mà
thất vọng, bất mãn về điều đó?
 
Bạn biết không, những “công việc vui vẻ” chỉ mang lại cho bạn nhiều nỗi đau hơn là vui vẻ. Tôi biết tất cả những gì sẽ xảy đến nhưng không có cách nào để nói cho bạn hiểu được. Nếu muốn vui vẻ, bạn phải chấp nhận sự đau đớn luôn đi cùng với nó. Nếu bạn không muốn đau đớn, thì đừng chạy theo thú vui. Phiền não làm cho cuộc đời thêm phức tạp. Không có lòng tham, ham muốn và dính mắc, bạn có thể sống một cuộc sống đơn giản như thiền sư Ryokan. Tôi không muốn bảo bạn hãy trở thành một nhà sư. Tôi biết việc đó quá khó với bạn, nhưng ít nhất bạn cũng có thể là một người cư sỹ tại gia sống một cuộc đời đơn giản. Bạn có những ham muốn đầy mâu thuẫn. Giống như câu tục ngữ: “Con lừa chết đói giữa hai bó rơm”[47]. Điều trước hết là bạn phải hiểu tâm mình thật sâu sắc. Bạn muốn sống cuộc đời mình như thế nào đây? Bạn muốn coi cái gì là giá trị nhất trong cuộc đời?

Chẳng có sự thỏa mãn trong bất cứ cái gì hết, thế nhưng chúng ta vẫn cứ nghĩ, “Tôi sẽ hạnh phúc nếu…”. Tìm kiếm sự thỏa mãn là tìm kiếm sự đau đớn. Hiểu biết điều này thật sâu sắc, chúng ta sẽ học cách buông bỏ. Những lý giải về tâm lý đều đúng, (tôi thích nghiên cứu về tâm lý học), nhưng chỉ trừ khi nó dẫn đến nhìn rõ sự dính mắc của chúng ta và buông bỏ, còn không nó sẽ chẳng hề mang lại sự bình yên chút nào hết. Không có sự bình an, chúng ta vẫn cứ rối mù và vẫn không hạnh phúc. Sự hiểu biết về mặt tri thức không đủ; nó chỉ lý giải và lý giải, và khó khăn thì vẫn cứ chất đống lên – lý giải không bao giờ có hồi kết cả.

Rất nhiều lần bạn nói: “thực sự là tôi chẳng biết gì cả”. Tôi nghĩ đó là cảm giác thật. Chúng ta thật sự biết được cái gì cơ chứ? Thực sự, tôi cũng chẳng biết gì hết. Nhưng tôi đi rất chậm; tôi không vội vàng; tôi không chờ đợi quá nhiều dù là từ chính mình hay từ người khác. Tôi phạm sai lầm và tôi học hỏi từ những sai lầm ấy.

Mỗi khi bạn không biết phải làm gì, mỗi khi bạn rối mù, đó là khi bạn phải thực sự bắt đầu nhìn xem. Nó là cơ hội cho một sự khởi đầu mới. Sự không chắc chắn thật là khó chịu, nhưng nó làm cho tâm mình trở nên tỉnh giác. Làm gì bây giờ? Hãy nhìn thật sâu vào tâm mình mà đừng suy nghĩ quá nhiều. Giữ cho tâm bạn rộng mở trước sự không chắc chắn. Lúc này bạn cần phải có một cái tâm “không biết gì hết”. Nó là một phần của tiến trình trưởng thành của bạn; nó đánh thức bạn dậy từ trạng thái đờ đẫn.

Tôi hy vọng bạn không khó chịu về sự rối mù đó. Cuộc đời thật là kỳ lạ, ít nhất là đối với tôi.

Cuộc đời là một chuỗi những biến động. Không có hồi kết và chẳng có gì chắc chắn. Luôn luôn thử nghiệm những cách sống mới, cách quan hệ mới, cứ nghĩ rằng sẽ có một chỗ nào đó hoàn hảo để ở và một người bạn hoàn hảo để sống cùng; như thế chúng ta sẽ chỉ tự biến mình thành một kẻ ngu mà thôi. Chúng ta hoang mang làm sao khi sống không có những cái “bánh vẽ” ấy! Nhưng khi trưởng thành lên và ngày càng vỡ tan ảo tưởng trước cuộc đời, dần dần chúng ta nhận ra trên thế giới này chẳng có một chỗ nào là hoàn hảo, chẳng có một người bạn hoàn hảo, một người thầy hoàn hảo, một vị sư nào hoàn hảo cả… Chẳng có cái gì trên thế gian này là hoàn hảo cả. Tôi không hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo. Người ta nói Đức Phật là người hoàn hảo.

 Có cái gì trên đời mà bạn biết chắc được không? Cuộc đời chúng ta đầy những giả tưởng. Toàn những “bánh vẽ”. Chúng ta chỉ sống dựa vào những giả tưởng đó. Nếu bỏ đi tất cả những giả tưởng ấy, chúng ta sẽ chẳng còn lại cái gì để mà dựa dẫm cả. Bạn có thực sự chắc chắn mình đang sống vì cái gì không? Có chắc không? Sống vì cái gì?

Những điều mình tin, những giả tưởng, những hy vọng. Đủ rồi!!! Không có những thứ đó, tâm mình sẽ rất nhẹ nhàng. Đó chỉ là những gánh nặng.

Không có những thứ đó, chúng ta mới có thể chú tâm nhiều hơn đến cái đang là.

Bạn biết không, nếu bạn không sống vì một
 cái gì đó thật ý nghĩa, thì cuộc đời bạn sẽ là vô nghĩa.

Bạn đang sống vì cái gì? Vì chân lý, vì tình yêu, vì lý tưởng chính trị hay vì đất nước bạn? Bạn thấy không, rất khó để mà trả lời. Đúng không?
Nếu bạn có một câu trả lời, chẳng hạn như: sống vì sự thật. Vậy thì, cuộc sống hàng ngày của bạn có thể hiện được điều gì để chứng minh cho câu trả lời của bạn hay không? Bạn thân mến của tôi, con người chúng ta lạc đường nhiều lắm bạn ạ. Chúng ta chẳng đi đến đâu cả. Chỉ trôi dạt như một con thuyền không lái.

Thật là kỳ lạ cách con người sống cuộc sống của mình, vô phương hướng, vô mục đích, không ý nghĩa, không lòng từ bi và hiểu biết lẫn nhau. Cuộc đời thật là một mớ hổ lốn kinh khủng!

Một số người chỉ sống trôi dạt, không bến bờ, chẳng đi đến đâu cả. Họ chẳng có phương hướng, chẳng có mục đích, hoàn toàn lạc lối. Họ không hiểu cuộc đời, không hiểu ý nghĩa cuộc đời là gì, không hiểu bản chất của vòng sanh tử luân hồi này (samsāra).

Một số người ở đây hoàn toàn có đủ cơ hội để sống với Pháp, để thực hành Pháp, nhưng họ chỉ uổng phí thời gian của mình. Chỉ khi đã đánh mất những gì mình đang có, con người ta mới thấy được giá trị của nó.

Tôi quan tâm đến cách bạn sống cuộc sống hàng ngày của mình như thế nào, thời gian trong ngày được sử dụng ra sao.
Cách sống phải là nguồn tạo cảm hứng cho bạn.

Tôi nhận được thư của sư U Dh, kể về nỗi khó khăn khi làm một nhà sư ở giữa xã hội Phương Tây như thế nào. Sư không thể hành thiền được. Sư nói ở đó có quá nhiều thứ diễn ra quanh mình. Đúng thế, tôi biết mà.

Đừng bận rộn nhiều công việc. Hãy dành thêm nhiều thời gian để thư giãn. Về chuyện bận rộn, Đức Phật đã dạy chúng ta phải : “sống đơn giản, ít phận sự”  (appakicco ca sallahukavuttī) – bận rộn là con đường dẫn đến khùng điên.

 Nếu biết tự hạn chế chính mình một cách cẩn thận, bạn sẽ có thể phát triển được những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống. Hiểu biết về cuộc sống và hiểu biết về Pháp đi cùng với nhau. Đầu tiên là bạn phải học cách sống cuộc sống hàng ngày của mình một cách tỉnh táo và ý nghĩa.
Hãy làm việc gì quan trọng nhất. Có rất nhiều việc lợi ích để làm, nhưng chúng ta phải tự hạn chế bản thân mình và hãy làm việc tốt nhất.
Một người bạn nói với tôi rằng: “Sư là người rất tài hoa”, nhưng tôi không muốn làm nô lệ cho cái tài hoa ấy của mình. Tôi tự hạn chế bản thân mình, mặc dù tôi có thể làm được rất nhiều thứ. Tôi đã từng làm rất nhiều thứ trong những kiếp trước của mình. Tuy nhiên, trong kiếp này, tôi sẽ chỉ học cách sống thật ý nghĩa mà thôi; tôi sẽ học hiểu về ý nghĩa của cuộc đời.

Con người chúng ta cần phải hiểu thật sâu sắc rằng, trong bao kiếp sống quá khứ, chúng ta đã từng là tất cả mọi thứ rồi, đã từng là đàn ông, đàn bà, kẻ giàu, người nghèo, người học vấn, kẻ quyền thế… Tại sao lại cứ phải sống y như thế trong kiếp này nữa?

Chúng ta cần phải có một lý tưởng cho cuộc đời mình,
 để mà có một hướng đi, một mục đích sống cho mình,
nhưng không nên phát điên lên vì những lý tưởng ấy.
Lý tưởng tốt đẹp nhất là luôn luôn chánh niệm.
Ôm ấp một hình ảnh thiếu thực tế về
 bản thân mình là điều rất nguy hiểm.

Việc đầu tiên là hãy tìm hiểu tâm mình thật sâu sắc. Bạn muốn sống cuộc sống của mình như thế nào? Bạn coi cái gì là giá trị nhất trên đời?
“Làm thế nào để làm cho cuộc sống càng đơn giản càng tốt?”.

Hãy làm cho tâm mình càng đơn giản càng tốt,
 thì rồi cuộc sống của bạn sẽ đơn giản.
Tham lam đi cùng với ngu dốt là những thứ
khiến cho cuộc sống của mình trở thành phức tạp.
 
 Thật không dễ khi tất cả mọi người xung quanh bạn đều sống một cuộc sống vội vàng, tham lam, và phức tạp. Cần phải có trí tuệ lớn và một cái tâm thật mạnh để không bị cuốn theo họ. Trước khi biết điều đó, bạn vẫn chỉ loanh quanh nghĩ cách làm thế nào để tự chứng tỏ rằng mình không phải là một kẻ thất bại và thấp kém mà thôi.

Sống mà không cần quan tâm đến
 người khác nghĩ về mình thế nào thật là một điều
khó làm biết bao. Bạn không nhất thiết phải
 dành cả cuộc đời mình chỉ để làm mỗi một việc
 là kiếm tiền và tiêu tiền,
 thế nhưng đó lại là điều mà hầu hết mọi người
 đang làm!

Mỗi khi bạn muốn mua món đồ gì, hãy tự hỏi mình: mình có thực sự cần hay không? Đừng có mua cái gì chỉ vì nó có ích. Có quá nhiều thứ có ích trên thế giới này. (và cũng có quá nhiều thứ vô ích nữa). Hãy tận dụng tối đa những gì bạn đang có. Giấy được làm từ cây. Nếu bạn yêu cây cối, xin đừng phí phạm giấy.

Thời gian vô cùng quý giá. Chúng ta hoang phí quá nhiều thời gian đọc sách, nói chuyện, đi chỗ này chỗ kia, chỉ để giết thời gian. Sự buồn chán quả là một vấn đề rất lớn. Chính vì vậy mà giải trí mới trở nên quan trọng đến thế. Tâm muốn sự thay đổi. Nó không thể ở lại với chỉ một thứ duy nhất bao giờ.

Trong rất nhiều năm, tôi tìm đọc triết học, tôn giáo, Đạo Phật, khoa học, chính trị, tâm lý học, văn học, thơ ca…cố tìm ra một định hướng cho cuộc đời để mà sống với nó, một cái gì đó để mà sống vì nó, cố tìm ra một công thức, một khuôn mẫu chung để mà đi theo. Càng đọc tôi lại càng thấy ra rằng những lý tưởng chính trị hay tôn giáo chỉ càng làm hại thêm cho nhân loại mà thôi. Những cuộc chiến tranh tôn giáo và chiến tranh chính trị đã minh chứng cho điều đó. Thật là nực cười: họ tuyên bố đem lại hạnh phúc cho nhân dân nhưng chính họ lại đang reo rắc thêm đau khổ; họ nói về tình thương, trong khi chính họ lại không thể chịu đựng nổi hình bóng của nhau; họ nói về đoàn kết, gắn bó, nhưng chính họ lại đang tạo thêm bè phái và chia rẽ.

Bây giờ thì tôi nghĩ cho chính bản thân mình.
Trách nhiệm của tôi là tìm ra tôi muốn
 sống cuộc đời mình như thế nào,
tôi muốn sống cho cái gì.
Nếu tôi phạm sai lầm, thì chính tôi là người
 chịu trách nhiệm. Không thể đổ lỗi cho bất cứ ai.

Tôi không thể chắc chắn về những giá trị của mình, và những lựa chọn mà tôi đã làm. Tôi luôn luôn phải tỉnh giác và nhìn xem những cách suy nghĩ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình như thế nào. Điều này chẳng dễ làm. Tôi cần phải rất chánh niệm, nhạy cảm, và phải tuyệt đối sống thật với chính mình.

Chịu trách nhiệm hoàn toàn về cách sống cuộc sống của mình không phải là chuyện dễ. Chẳng trách hầu hết mọi người chỉ đổ trách nhiệm ấy lên những nhà lãnh đạo chính trị hay tôn giáo! – một người nào đó phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta.

Tôi không phải là tín đồ, bởi vì điều đó có nghĩa là tôi không chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời mình. Tôi cũng không phải là lãnh đạo, bởi vì điều đó nghĩa là tôi gánh trách nhiệm thay cho người khác, và cũng có nghĩa là tôi tước đi quyền tự chịu trách nhiệm của họ. Tôi là một người bạn. Tôi mãi mãi là một người thám hiểm.

Tôi muốn giữ cho tim mình rộng mở với bất cứ ai, hay bất cứ điều gì. Tôi không biết mình làm việc đó thành công đến đâu. Tôi đã sống ẩn cư xa lánh thế giới bên ngoài đã 6 năm nay, giờ đây tôi muốn mở lòng ra với nhiều người hơn. Tôi tin rằng mình sẽ học hỏi được nhiều khi học cách sống với mọi người.  Đó sẽ là một thử thách lớn đối với tôi. “Những người sống tách biệt không đóng góp được gì”. Điều đó đúng.

Hãy nói cho tôi biết điều gì là điều ưu tiên nhất trong cuộc đời bạn? Tôi không cố gắng để trở thành một mẫu người nào đó. Tôi chỉ cố gắng hết mình để hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc đời mình, trong tâm mình và trong trái tim mình.

Hầu hết mọi thứ đã mất đi tầm quan trọng đối với tôi bởi vì tôi không đầu tư thêm gì vào chúng nữa cả. Một số người có thể thấy khó hiểu nổi sự thay đổi thái độ của tôi. Tôi hiểu họ và các vấn đề của họ, nhưng tôi không thể coi những thứ đó là quan trọng. Chẳng hạn, bạn tôi, sư U Dh, viết thư cho tôi kể rằng sư đang làm một cái nhà sīmā (nơi chư tăng hành tăng sự như lễ xuất gia, lễ tụng giới mỗi nửa tháng…) trong chùa. Tôi đã hoàn toàn mất hết hứng thú với những chuyện như vậy. Thậm chí tôi cũng chẳng quan tâm đến việc mọi người nghĩ về tôi như thế nào – đó chỉ là những ý nghĩ hời hợt thoáng qua trong tâm họ mà thôi. Dù sao tôi cũng chẳng muốn quấy rầy họ.

Hãy làm những gì bạn có thể làm, nhưng nên nhớ rằng bạn sẽ không bao giờ đạt được lý tưởng của mình đâu. Bạn không thể bị đổ lỗi vì không toàn hảo. Đối với tôi, tôi ngày càng ít quan tâm về những gì người khác mong đợi ở tôi; tôi cũng chẳng thèm để ý nếu tôi không đáp ứng được mong đợi của họ. Cảm thấy như là tôi ngày càng hiểu rõ hơn về bản thân mình vậy. Tôi có những tiêu chuẩn giá trị riêng của mình, và tôi không nghĩ là có ai đó phải đồng ý với tôi về điều đó. Tôi không thể chia sẻ những hiểu biết và tuệ giác của mình với mọi người được bởi vì hầu hết tất cả mọi người đều bị trói buộc bởi truyền thống.

Mâu thuẫn với mọi người thật là mệt mỏi. Khao khát sự cung kính, sự đánh giá và trân trọng của người khác là một ngục tù. Tôi đã từng cố hết sức để là một con người dễ thương; tôi đã từng cố làm cho người khác hạnh phúc nhưng tôi phát hiện ra rằng mỗi khi tôi làm cho một người hạnh phúc thì sẽ luôn có một người khác không hạnh phúc về điều đó. Vì vậy tôi thất bại, không thể làm cho tất cả mọi người cùng hạnh phúc được. Bây giờ thì tôi chỉ cố gắng hết mình để làm cho một người duy nhất được hạnh phúc – đó là chính tôi; thậm chí ngay cả điều đó không phải lúc nào cũng làm được.

Tôi đã từng cố để cải thiện những người xung quanh mình, cố để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề của thế gian. Tôi thường mang nặng những vấn đề triết lý trong tâm mình. Nhiều năm trước, có người bạn đã cố thuyết phục tôi rằng tôi không phải là Chúa trời. Tôi nghĩ cậu ấy nói đúng. Tôi không chịu trách nhiệm về thế giới này; tôi không nên gánh cả thế giới trên vai mình. Kể từ đó tôi đã buông bỏ nó. Giờ đây tôi chẳng có gánh nặng nào phải mang về điều đó nữa cả. Tôi sống mỗi ngày qua một cách đơn giản, bình an với niềm vui sống, “joie de vivre”.
Một ngày trôi qua đối với tôi y hệt như những ngày khác. Tôi không vui mà cũng chẳng buồn về năm mới sắp đến. Vì vậy, thay vì chúc bạn “Năm mới vui vẻ”, tôi sẽ chúc “Mỗi ngày đều vui vẻ”, nếu điều ấy có thể được. Sinh nhật đối với tôi cũng vậy; tôi không biết tại sao mình lại cần phải thấy hạnh phúc hơn trong ngày sinh nhật. Nhưng tôi cũng không bận lòng khi mọi người nói “chúc sinh nhật vui vẻ” với tôi.

Ngày lại ngày trôi qua y hệt như nhau. Đôi khi tôi quên mất cả ngày tháng nữa, chẳng biết hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu, tháng nào. Nhiều khi mấy tuần liền tôi chẳng nhìn lịch để xem ngày nào, tháng mấy. Thời gian đi chẳng ai hay; ngày lại ngày, tháng cùng tháng lặng lẽ trôi qua. Rất nhanh thôi cuộc đời này rồi sẽ đi qua. Nhưng đừng lo, bạn sẽ còn có rất nhiều cuộc đời kế tiếp nữa. Hãy thong thả, và đừng coi cái gì là quá quan trọng cả. Tại sao cứ phải vội vội vàng vàng như vậy làm gì?

Cái hiểu này mang lại cho tôi rất nhiều năng lượng (về tâm lý); nó làm cho tôi luôn tỉnh giác. Tôi là một người thám hiểm đang dấn thân vào một vùng đất chưa hề biết. Bất cẩn là một điều tôi không thể trả giá được. Tôi luôn luôn phải quan sát, luôn phải nhìn xem mình đang ở chỗ nào; luôn phải cẩn thận về mọi bước đi của mình, và phải luôn luôn tự điều chỉnh.

“Tôi sống vô mục đích. Phải một thời gian lâu tôi mới nhận ra rằng mình rất cô đơn”. Tôi nghĩ bạn không phải một mình cô đơn đâu. Có hàng tỷ người cũng sống vô mục đích và cô đơn. Hầu hết bọn họ đều không ý thức được điều đó và số còn lại thì chối bỏ nó hoặc che đậy nó bằng một cái gì đó (công việc, thú vui...).

Thật là khó chấp nhận được một điều là tôi không có ai để nương tựa cả, không có ai hiểu được sự cô đơn của tôi, nhưng có một chú chim nhỏ ngoài kia nói với tôi rằng:

“Cuộc đời là thế đấy,
 đừng mang nặng những kỷ niệm quá khứ và mọi
 lo lắng tương lai trong đầu mình.
Hãy sống mỗi và mọi phút giây một cách
chánh niệm. Tương lai sẽ tự nó lo cho chính nó”.

Bạn nói, “Tôi bị mất phương hướng”. Bạn đi đâu mà mất? Nếu không đi đâu cả thì làm sao mà mất. Bạn đang ở nơi bạn đang đứng đấy thôi. Thôi, tôi chỉ đùa chút thôi. Tôi hiểu bạn đang cảm thấy như thế nào, và tôi cũng đã từng nghe rất nhiều người nói như thế. Chúng ta muốn cuộc sống của mình phải khác đi. Nhưng chúng ta thực sự muốn gì? Không phải tiền, không phải danh vọng, không phải quyền lực. Một cái gì đó cao hơn những thứ đó. Không muốn bất cứ cái gì cả có phải là tốt hơn không? Nhưng mà khi đó thì người ta lại nói là bạn không có động lực, không cống hiến gì cho đất nước, cho nhân loại cả. Xã hội đòi hỏi rằng chúng ta nhất định phải muốn một cái gì đó, nếu không chúng ta chỉ là một cục xương lười biếng, vô dụng. Thật khó để chỉ ngồi yên đó và xem màn diễn của cuộc đời; thật khó để chỉ chánh niệm.

Tôi đang làm rất nhiều cái việc “không làm gì cả” ở đây. Thật là tuyệt vời, và mọi người hộ độ tôi chỉ vì mỗi việc đó. Nhờ nền văn hóa, nhờ ơn Đức Phật nữa, người đã mang lại điều đó.
“Dám không hơn thua với người”. Tôi thích điều đó. 

Ngày càng nhiều người nhìn nhận tôi cứ như tôi là một nhà sư rất trí tuệ. Đôi khi tôi cảm thấy điều đó như một gánh nặng. Họ không cho phép tôi thỉnh thoảng được ngu ngốc tý chút. Thật là thích khi không có ai ở bên cạnh mình cả. Tôi không phải là người không có lỗi lầm, và tôi cũng chẳng mong ước mình là một người hoàn hảo. Thật là dễ chịu hơn khi tôi tự cho phép mình được là người ngu ngốc. Danh tiếng tốt là một ngục tù.

Hãy cố gắng hiểu mọi người hơn nữa. Chỉ với tấm lòng nhân hậu và hiểu biết bạn mới gần gũi được mọi người. Nếu không họ chẳng bao giờ chia sẻ cuộc đời họ với bạn đâu.

Thật là nguy hiểm khi bộc lộ mình ra
 với những người không tử tế và
không hiểu được bạn, họ sẽ chỉ đánh giá,
phán xét và kết tội bạn mà thôi.
Nếu tìm hiểu sâu tâm con người, bạn sẽ thấy
rằng rất nhiều người đau khổ thật nhiều, thật sâu ở
bên trong nhưng họ đã học cách che đậy điều đó.
Hãy tử tế với mọi người nhưng đừng cố làm
 vừa lòng họ. Đừng làm một thiên thần.
Làm một con người nhã nhặn đã đủ khó khăn lắm rồi.
Quá tốt có thể sẽ có kết cục quá cay đắng.

Tôi luôn nói cho mọi người biết mức giới hạn của mình, thậm chí cả những vấn đề về Phật Pháp. Ở đây rất yên tĩnh và bình an bởi vì chúng tôi có giới hạn. Mọi người muốn đến đây mỗi ngày, nhưng chúng tôi nói “Xin lỗi, không được”.
 
Cuối cùng thì bạn phải quyết định mình muốn làm gì.
Không ai có thể quyết định thay cho mình cả.
Bạn không thể sống cuộc đời tôi và tôi cũng
không thể sống thay cho bạn.
Để trở thành người trưởng thành thật là khó.
Chúng ta không thể dựa dẫm vào bất cứ ai.
Tự lập là điều tốt nhất.

Không có ai và không có nơi nào là hoàn hảo cả. Một nơi chốn hoàn hảo, một cộng đồng hoàn hảo, một người thầy hoàn hảo chẳng thể kiếm đâu ra.
 Tôi biết nhiều người, nhưng chưa thấy một người nào bình an cả, trừ sư U.I; mặc dù sư là một người ít học nhưng sư biết cách sống một cách bình an.

Chúng ta không phải là người trí tuệ toàn hảo.
Có đôi khi chúng ta cũng phạm sai lầm.
Tôi không nghĩ là mình phải cảm thấy tội lỗi suốt cả
cuộc đời về những sai lầm mình đã làm trong quá khứ.
Hãy tha thứ cho chính mình.
Hãy để cho mình trở thành một con người mới.

Chúng ta hay tự khẳng định mình thuộc về một mẫu người nhất định nào đó. Những người quen biết chúng ta cũng thường xếp chúng ta vào mẫu người như thế này thế kia, nhưng cái gọi là bạn đó thì lại đang luôn luôn thay đổi. Bạn bây giờ không phải là một với con người 10 năm trước đây; bạn đã thay đổi rất nhiều; và bạn vẫn đang luôn thay đổi. Hãy tự cho phép mình được thay đổi, được trở thành một con người khác.

Cuộc đời là một sự thử nghiệm,
một cuộc phiêu lưu. Nó chứa đầy rủi ro.
 Hãy chấp nhận rủi ro, nhưng phải
 bảo đảm rằng quyết định của mình đưa ra được
xuất phát từ một nội tâm tĩnh lặng.

          Khi còn trẻ tôi nghĩ rằng cuộc đời giống như một công thức toán học. Giờ đây khi đã luống tuổi, tôi thấy cuộc đời như một bài thơ.
Tôi cố gắng hết mình để làm cho cuộc đời mình chấp nhận được. Đôi khi tôi tràn đầy hỷ lạc, lúc khác tôi thất vọng.

Bạn không nghĩ rằng tôi lại có đau khổ (dukkha). Bạn nghĩ rằng cuộc đời tôi tràn đầy hỷ lạc, hạnh phúc vô tận, đúng không? Nó là đau khổ ở bên ngoài đau khổ (thường tình); mặc dù là một loại đau khổ khác, nhưng dù sao cũng vẫn là đau khổ. Tôi kham nhẫn với nó; tôi làm việc với nó; tôi phải trả một cái giá. Tôi đau khổ nhưng không kêu ca. Tôi hy vọng tôi xứng đáng với nỗi đau khổ đó, đau khổ ấy được tôi quán sát một cách bình tĩnh.

Một cuộc đời thật sự mãn nguyện
không cần phải quảng cáo.
Nếu cuộc đời bạn thật sự mãn nguyện,
bạn không cảm thấy có nhu cầu phải chứng tỏ điều đó.

Bạn nói: “Thật quá dễ để bị lạc hướng ở đây, nước Mỹ này, lạc trong sự bận rộn, lạc trong sự dư thừa của dòng lũ thông tin và giải trí…lạc trong vô số những điều làm tâm mình phân tán”. Bạn nói đúng và tôi nghĩ điều đó vô cùng nguy hiểm.

 Một cuộc sống bận rộn là một cuộc sống hời hợt và nông cạn.
Nếu bạn quá bận rộn, thậm chí bạn sẽ không có cả thời gian để mà hiểu những tình cảm - cảm xúc, và suy nghĩ của mình. Cha tôi là một nhà doanh nghiệp. Rất bận rộn. Ông chết đi như một người xa lạ với chúng tôi, những người con của ông. Tôi không biết chút gì hết về cuộc sống tinh thần, tình cảm và tâm lý của ông. Ông là một kẻ nghiện công việc. Vì vậy, tôi quyết định là mình sẽ không bao giờ sống bận rộn như thế. Hầu hết những con người trí tuệ, những nhà thơ và tác giả trí tuệ mà tôi biết đều không phải là người bận rộn. Họ sống một cuộc đời tĩnh lặng và bình yên. Họ không thèm quan tâm đến danh tiếng, tên tuổi, sự công nhận của người đời hay tiền bạc và sự xa hoa… Những gì con người coi là tiêu chí thành công mới thật phù phiếm làm sao.

Tất nhiên con người ta phải kiếm sống, nhưng dành hết cả thời gian để lăng xăng làm trăm thứ việc trên đời, chẳng có việc gì là đáng làm cả, thì thật là điên rồ. Bạn thậm chí còn không biết về chính bản thân mình, không có thời gian để mà nhìn sâu vào trong mình, bởi vì bạn chỉ luôn luôn nhìn ra bên ngoài, bởi bạn cho nó quan trọng hơn, hoặc là bạn đã huân tập thói quen hướng ra bên ngoài quá nhiều. Thậm chí bạn cũng chẳng hiểu được cái con người bạn vẫn nói là bạn yêu thương nhất trên đời.

Tôi rất hiểu điều bạn nói về mặc cảm kém cỏi trong nam giới Mỹ. Chính tôi cũng thấy được điều này khi tôi ở Mỹ. Căn bệnh này (có thể gọi là như vậy) rất hiếm gặp ở những dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng nghèo đói kém phát triển ở Miến Điện. Nhưng ngay cả những gia đình khá giả ở Miến Điện cũng gặp phải vấn đề này. Tôi nghĩ đó là do những người bên ngoài trông đợi quá nhiều ở họ, và cái hình mẫu một con người thành đạt của xã hội hiện nay quá cứng nhắc, hẹp hòi, quá nặng về vật chất, rập khuôn và ngu ngốc. Cứ như thể chỉ có một hình mẫu tốt đẹp duy nhất cho tất cả mọi người ấy.

Hãy sống cuộc đời theo cách sống của riêng mình.
Có ai thực sự để ý đến bạn đâu cơ chứ?
Hãy nhìn tất cả mọi việc thật nhẹ nhàng, thanh thản.
Cuối cùng thì cũng chẳng có gì là quan trọng cả.
Tôi hy vọng bạn sẽ học được cách sống bình an trong thế giới bất toàn này.

Tôi tròn ba chín tuổi vào ngày 5 tháng 8. Theo cách tính âm lịch của Miến Điện, tôi đã bước sang tuổi bốn mươi. Tóc tôi đã bắt đầu điểm bạc, nhất là ở hai bên thái dương, và phía trên đỉnh đầu cũng ngày một thưa hơn, một dấu hiệu chắc chắn của tuổi già! Không thể nào thoát được. Đó thật là một điều không tưởng khi tôi còn trẻ. Rất nhanh thôi, tôi sẽ khuất bóng khỏi cuộc đời, nhưng tôi cũng cảm thấy OK về điều đó.
Chết thì có cái gì là sai? Nó là một phần quan trọng và tất yếu trong cuộc sống. Không chết thì mới thật là điều kinh khủng. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho tâm mình nếu mình sống thêm bốn mươi năm nữa? Có thể tôi sẽ vẫn còn ngu ngốc như bây giờ…hay là…vâng, tôi cũng sẽ già hơn. Rất nhiều tóc rụng. Những mảng đầu thưa và tóc bạc. Rất nhanh rồi tôi sẽ chết. Bây giờ thỉnh thoảng tôi đã bắt đầu bị đau lưng, đau ở các khớp ngón tay. Bệnh thấp khớp chăng? Đó là một phần của cuộc sống. Không ca thán. Tôi thực sự mong muốn được sống cuộc đời mình thật hoàn mãn theo cách sống của riêng tôi cho đến cuối đời. Sau đó thế nào thì tôi chẳng biết.

Tôi đang ngày một già đi; không còn nghi ngờ gì về điều đó. Tôi muốn nói là khi già đi, giờ đây tôi có thể thực sự cảm nhận được nó qua cách tôi sống cuộc đời mình. Tôi không chỉ nhìn và nghe mọi người; tôi còn cảm nhận họ trong tim mình. Tôi biết con người họ nồng ấm hay lạnh lùng; cứng rắn hay mềm yếu; tôi còn ngửi họ nữa – tôi biết họ sạch hay bẩn, họ đang giả dối hay thành thật.
Phần tốt đẹp là tâm tôi đang ngày càng trở nên trưởng thành hơn, càng ít dính mắc hơn.

Tôi biết rằng không có gì đáng để khiến mình phải đau khổ.

Tôi có một chỗ để ở, y áo đủ mặc; cơm đủ ăn mỗi ngày. Sức khỏe của tôi không tệ. Tôi có đủ và tôi biết điều đó. Tôi có một số người bạn tốt. Tôi có thể hành thiền suốt ngày; tôi chẳng bao giờ phải bận rộn. Vậy, bạn có ghen tỵ với cách sống của tôi không? Tôi đang sống tốt. Dù rằng đang ngày càng già đi. Ngày càng ít dính mắc hơn với hình ảnh tự tạo của chính mình. Hạnh phúc khi không là ai cả.

Đêm muộn,
Lắng nghe tiếng mưa đông,
Nhớ lại thời trai trẻ
Chẳng lẽ chỉ một giấc mơ qua?
Chẳng lẽ đời mình đã từng trẻ?
                                                            RYOKAN
Rất nhanh thôi rồi bạn sẽ hỏi chính mình câu hỏi đó.

Giờ đây tôi để tình thương của mình ngày càng thể hiện hơn. Dường như trái tim của nhà sư già này đang ngày càng lớn lên cùng tuổi tác. Nhưng tôi không thể yêu được hết tất cả mọi người. Những người tôi yêu thương, tôi yêu thương thật nhiều-thật biết cách yêu thương. Có nhiều người tôi yêu thương thật tha thiết, một số cảm nhận được tình thương ấy.

Chết một cái chết tự nhiên thì OK. Điều quan trọng là làm sao để sống một cuộc đời bình yên và có ý nghĩa. Cái chết không làm tôi bận lòng, nhưng tôi không muốn chết đau đớn. Một ngày nào đó tất cả chúng ta rồi sẽ phải chết. Có thể ngay bây giờ. Chắc chắn 100% là tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Biết điều đó, chúng ta phải sống thực sự trí tuệ và đừng hoang phí thời gian và sức lực vào những điều phù phiếm, vụn vặt, đừng mất công lo lắng và nghĩ ngợi những điều vô ích.

Cái chết thì không đến nỗi tệ thế đâu. Cái đau trong lúc chết mới thực là khó khăn. Bởi vì sự dính mắc nên chúng ta mới nghĩ cái chết là điều tồi tệ, vì khi chết chúng ta phải rời bỏ tất cả những gì mình yêu dấu. Tôi nghĩ chúng ta phải tự rèn luyện mình để chết với một trái tim bình yên, và biết cách rời bỏ tất cả những gì mình thương yêu, dính mắc. Một người chưa học được cách sống bình an thì chưa thể học hỏi được gì nhiều từ cuộc đời.
 
Nếu bạn chỉ còn sống thêm một tháng nữa thôi,
Bạn sẽ làm gì trong một tháng ấy?
Cái chết có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?
Cuộc đời có thể nào có ý nghĩa và trọn vẹn
nếu không có đau khổ và cái chết?
 Bạn đã học hỏi được bao nhiêu từ đau khổ
 - đau khổ của chính bạn và của người khác?
Sống cả cuộc đời luôn chối bỏ cái chết, đó là dấu hiệu
 chắc chắn của một cái tâm chưa trưởng thành.
Tốt hơn cả là hãy chấp nhận những gì
không thể chối bỏ.

Đúng, tôi rất thường xuyên suy nghĩ đến sự chết. Tôi đã hai lần tiến gần đến sát cái chết. Nhìn nhận cuộc đời từ góc nhìn ấy, điều rất rõ ràng là chúng ta đang phí phạm thời gian của mình vô cùng – ngu ngốc chạy đuổi theo danh vọng, địa vị, tài sản và sự ngưỡng mộ, sùng bái của người đời, và những điều đó thì chẳng bao giờ là đủ cả. Tôi đã thấy cái chết ở rất gần, nhưng làm sao tôi có thể tả cho người khác biết nó như thế nào? Khi bạn biết rằng mình sắp mất tất cả và khi bạn cảm thấy OK về điều đó, tôi từ bỏ tất cả. Và lúc đó tôi biết điều quý giá nhất mà tôi có được là sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời.  Một ngày nào đó tôi sẽ kể cho bạn nghe.

Tôi tương đối khỏe. Chỉ đang ngày một già đi và học hỏi từ những sai lầm của chính mình. Tôi đang cố gắng hết mình để sống một cuộc sống bình yên.

Nhiều lần lặp lại, tôi phát hiện ra rằng dính mắc dẫn đến đau khổ. Chẳng có lỗi lầm gì trong chuyện đó cả. Hãy canh chừng dính mắc. Lòng tham muốn làm cho bạn tin rằng bạn sẽ hạnh phúc khi sự ham muốn đó được thỏa mãn, nhưng ham muốn thì không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta cứ nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ hạnh phúc. Một ngày nào đó, một ngày nào đó…và cái ngày đó cứ lùi dần, lùi dần chẳng bao giờ đến. Bạn sẽ là người may mắn khi có thể nói: “Tôi hạnh phúc”.

Già đi không tệ đến thế nếu bạn có chánh niệm và trí tuệ. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình. Nghỉ ngơi trước khi bạn mệt. Hãy chăm lo sức khỏe của mình để có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ. Chúng ta sẽ có rất điều điều để chia sẻ với mọi người khi đã luống tuổi. Khi ngày càng lớn tuổi hơn, tôi hy vọng chúng ta sẽ ngày càng thân thiết và cởi mở với nhau hơn. Sự chia sẻ và quan tâm thực sự với nhau. Tôi biết ơn cuộc đời. Cuộc đời đã dạy cho tôi thật nhiều. Tôi muốn sống một cuộc đời trường thọ để có thể học hỏi nhiều hơn. Có những điều mà chúng ta chỉ có thể học được khi tuổi đã về già.

Con người có quá nhiều việc để làm đến nỗi hầu hết họ quên cái chết.
 
Chúng ta cứ nghĩ rằng bản thân mình là quan trọng.
Đó là một ảo tưởng.
 
Chúng ta muốn mình có vị trí quan trọng trong cuộc đời người khác. Chúng ta muốn cảm thấy (hay tin) rằng chúng ta mang lại được một sự biến đổi lớn cho cuộc đời của họ.
Chúng ta nên làm những gì có thể làm được nhưng đừng mong đợi là mọi người sẽ phải ghi nhớ những gì mình đã làm cho họ.
Bạn cố gắng quá vất vả để tử tế với mọi người.
Bạn quá quan tâm, lo lắng đến sự thực hành của người khác. Bạn sẽ không thể sống bình yên nếu cứ tiếp tục làm như vậy.
 
Hãy sống cuộc đời mình một cách bình yên trước đã.
Rồi sau đó hãy làm bất cứ những gì bạn nghĩ là
 thích hợp với một cái tâm bình yên.
 
“Cho người khác cái quyền được ngu ngốc là một trong những bước quan trọng nhất và khó khăn nhất trên con đường phát triển tâm linh”.
Đúng thế.
                                                      THADDEUS GOLAS                                                                                                                                             
 
Bất cứ điều gì bạn làm, hãy chú ý và làm thật cẩn thận.
Tốt nhất là làm ít nhưng làm thật tốt.
 
Làm với động cơ hòan toàn trong sáng là điều rất hiếm (hầu như không có bao giờ).
Càng quay mặt chối bỏ những động cơ ích kỷ trong mình, chúng ta càng tự làm hại mình, hại người dưới cái mác hy sinh vì người khác.
 
Chối bỏ bóng tối là chối bỏ sự nguy hiểm. Thừa nhận sẽ mang lại ánh sáng. Chối bỏ chỉ càng thêm tăm tối.
 
Nghiên cứu sách vở không phải là việc làm có giá trị và quan trọng nhất trên đời. Nghiên cứu tâm mình và những quan hệ, những phản ứng của tâm còn có giá trị, quan trọng và thỏa mãn hơn nhiều.
 
Chúng ta có thể đóng kịch trong một lúc nào đó, nhưng sự thật thì vẫn tự thể hiện ra trong mọi lúc.
Sống với lòng tự trọng ngày càng tăng trưởng là cách sống tốt đẹp nhất.
 
Ý nghĩa của cuộc sống là vô điều kiện.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Sáu 2021(Xem: 4043)
ình trạng nghèo khó, bất công, thiếu tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… chúng ta cần tiên phong trong vấn đề cải tổ chính sách và hệ thống giáo dục từ học đường đến gia đình, từ quốc gia đến thế giới, và tôi nghĩ rằng, đây vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng chính là sự sống của chúng ta vì chúng ta không xem một nhà làm giáo dục như là một nghề để sinh sống mà đây là lý tưởng sống, mạch sống, nguồn sống của nhân loại.
01 Tháng Sáu 2021(Xem: 3912)
12 Tháng Ba 2021(Xem: 4264)