- Ngày Thứ 1: PHÁP THOẠI 1
- Ngày Thứ 2 PHÁP THOẠI 2
- PHÁP THOẠI 3
- Ngày Thứ 4 PHÁP THOẠI 4
- PHÁP THOẠI 5
- Ngày Thứ 5 PHÁP THOẠI 6
- PHÁP THOẠI 7
- Ngày Thứ 6 PHÁP THOẠI 8
- PHÁP THOẠI 9
- Ngày Thứ 7 PHÁP THOẠI 10
- PHÁP THOẠI 11
- Ngày Thứ 8 PHÁP THOẠI 12
- PHÁP THOẠI 13
- Ngày Thứ 9 PHÁP THOẠI 14
- PHÁP THOẠI 15
- Ngày Thứ 13 PHÁP THOẠI 16
- PHÁP THOẠI 17
- Ngày Thứ 22 PHÁP THOẠI 18
- PHÁP THOẠI 19
- Ngày Thứ 23 PHÁP THOẠI 20
- PHÁP THOẠI 21
- Ngày thứ 25 PHÁP THOẠI 22
- PHÁP THOẠI 23
- Ngày Thứ 27 PHÁP THOẠI 24
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (1)
- Ngày Thứ 28 PHÁP THOẠI 25
- Ngày Thứ 32 PHÁP THOẠI 26
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (2)
- Ngày Thứ 33 PHÁP THOẠI 27
- Ngày Thứ 46 PHÁP THOẠI 28
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (3)
- Ngày Thứ 47 PHÁP THOẠI 29
- Ngày Thứ 48 PHÁP THOẠI 30
- Ngày Thứ 49 PHÁP THOẠI 31
- Ngày Thứ 50 PHÁP THOẠI 32
- Ngày Thứ 51 PHÁP THOẠI 33
- Ngày Thứ 52 PHÁP THOẠI 34
- Ngày Thứ 57 PHÁP THOẠI 35
- Ngày Thứ 63 PHÁP THOẠI 36
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (4)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (5)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (6)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (7)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (8)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (9)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (10) Có 49 Ngày & Thân Trung Ấm Không?
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)
Nhà xuất bản Văn Học
Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (8)
I- Bạn Ngọc Trâm Nguyễn hỏi:
“- Thưa thầy con thấy trong 37 trợ đạo phẩm có pháp tứ như ý túc, thầy có thể nói cho con về pháp Tứ Như Ý Túc được không ạ?
Pháp này hành trì như thế nào ạ?
Trả Lời:
Về Tứ như ý túc
Tứ như ý túc nằm trong 37 phẩm trợ đạo: Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Tứ niệm xứ, Thất giác chi và Bát chánh đạo. Đây là những pháp tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát; nó xen lẫn trong nhau, tương quan với nhau. Tuy nhiên, khi nói đến những sức mạnh của tâm thì có Ngũ căn, Ngũ lực; khi nói đến những nỗ lực chân chánh để tu tập có hiệu quả thì có Tứ chánh cần; khi nói đến những năng lực vượt trội đưa đến thành tựu mục đích như sở nguyện thì có Tứ như ý túc; khi tu tập minh sát, những thành phần cần phải quán niệm thì có Tứ niệm xứ; khi nói đến những chi phần để giác ngộ thì có Thất giác chi; khi tập trung vào lộ trình tu tập giới định tuệ thì có Bát chánh đạo.
Bài này nói về Tứ như ý túc. Như ý túc được dịch từ cụm từ iddhipāda. Iddhi có nghĩa là sức mạnh thắng vượt, là khả năng thành tựu hay khả năng đạt đến kết quả viên mãn. Pāda nghĩa đen là cái chân, bàn chân, nghĩa bóng là căn cứ, căn bản, nền tảng. Vậy cả cụm từ có nghĩa là sức mạnh nền tảng, thắng vượt để thành tựu kết quả, đạt được mục đích như sở nguyện – nên ở đâu cũng dịch là như ý túc. Có 4 như ý túc (Bốn nền tảng tạo nên sức mạnh thắng vượt đưa đến thành tựu như sở nguyện) sau đây:
- Dục như ý túc (chandiddhipāda)
- Tấn như ý túc (viriyiddhipāda)
- Tâm như ý túc (cittiddhipāda)
- Thẩm sát như ý túc (vimaṃsiddhipāda)
Tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ, khi tu tập như ý túc, chư hành già còn phải tăng mức độ định và tấn nữa:
- Tu tập như ý túc cùng với dục định, tinh cần hành.
- Tu tập như ý túc cùng với tấn định, tinh cần hành.
- Tu tập như ý túc cùng với tâm định, tinh cần hành.
- Tu tập như ý túc cùng với thẩm sát định, tinh cần hành.
Bây giờ chúng ta hãy khảo sát từng như ý một, đồng thời nói thêm về dục, về định, về tấn.
1- Dục như ý túc (chandiddhipāda):
“Tu tập như ý túc cùng với dục định tinh cần hành”.
Dục (chanda) nghĩa đầu tiên là ước muốn thuần tuý như muốn làm, muốn ăn, muốn thực hiện một cái gì đó; với nghĩa này thì dục này chưa ẩn chứa thiện, ác; nó trung tính. Nghĩa thứ hai là muốn có được cái gì đó, muốn đạt được một ước nguyện, muốn thành tựu một mục đích chơn chánh nào đó. Tuy nhiên, từ dục, từ chanda thuần tuý này lại có thêm iddhi, tức là thêm năng lực, thêm sức mạnh cho chanda thành chandiddhi thì dục trở thành ước muốn mãnh liệt như dòng thác từ nguồn cao đổ xuống không cái gì có khả năng ngăn giữ được. Cũng vậy, do dục như ý nầy nhất như, bất khuất, kiên định như đá tảng không gì lay chuyển được mà thái tử Sĩ-đạt-ta quăng bỏ vương quyền như đôi dép rách để xuất gia tìm đạo. Như lệnh bà Gotamī cùng mấy trăm công nương Sakyā tự cạo đầu, đắp y, mang bát lê gót chân rướm máu bộ hành 45 do-tuần tìm Phật xin xuất gia. Do vậy, khi định nghĩa dục như ý túc, đức Phật kèm thêm chữ định, gọi là dục định; ngoài ra, ngài còn cho ta biết thêm dục nào là dục chơn chánh nữa:
“Này các thầy tỳ-khư! Có người tu tập như ý túc cùng với dục định, tinh cần hành, với ý nghĩ: Như vậy, ý muốn ta sẽ không quá thụ động và không quá hăng say; không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài; an trú với trước sau đồng đẳng, dưới thế nào thì trên như vậy, trên thế nào thì dưới như vậy; ban ngày thế nào thì ban đêm như vậy, ban đêm thế nào thì ban ngày như vậy”.
Kinh cũng giải thích thêm rằng: “Dục thụ động là dục đi đôi với thờ ơ, biếng nhác. Dục quá hăng say là dục bị buông lung, phóng dật chi phối. Dục co rút vào phía trong là dục bị hôn trầm, thụy miên ru ngủ. Dục phân tán ở phía ngoài là dục bị sự lôi cuốn của ngũ trần”.
Như vậy, dục ban đầu chỉ với nghĩa ước muốn thuần tuý, bây giờ trở thành ước muốn chân chánh ví như muốn làm việc tốt, muốn thành tựu pháp học, pháp hành, muốn tu tập chấm dứt tham sân phiền não. Và ước muốn ấy rất mãnh liệt vì có định và cả tinh cần tăng thêm sức mạnh nữa.
2- Tấn như ý túc (viriyiddhipāda)
“Tu tập như ý túc cùng với tấn định tinh cần hành”.
Tiếp theo là tấn, đôi nơi dịch là cần, đều đúng cả - vì tấn chính là tứ chánh cần. Đây là nỗ lực thường xuyên để làm lành, lánh ác. Tuy nhiên, khi tấn (viriya) có iddhi đi kèm thì tấn này tăng thêm năng lực, sức mạnh với nỗ lực vượt trội hơn nên gọi là viriyiddhi. Thế mà vẫn chưa đủ, viriyiddhi còn tăng cường thêm sức mạnh của định và tinh cần nữa.
Đây là tâm dính chặt, bám sát với ước muốn mãnh liệt, có mục đích rõ ràng, dứt khoát, không lay chuyển; và cứ nỗ lực kiên trì mãi như thế, kiên trì cho đến lúc thành tựu, đạt kết quả viên mãn. Ví dụ:
- Những vận động viên bơi lội, điền kinh... mấy phút giây trước khi cán đích, họ đều ráng sức, vận dụng hết sức lực cuối cùng như thế nào thì tấn như ý túc dục định tinh cần hành cũng y như vậy (tuy mục đích khác).
- Thời Phật Kassapa có 7 vị tỳ-khưu lên một ngọn núi cao, nguyện cùng nhau hành minh sát, nếu không đắc thánh đạo quả thì thà chết chứ không đi xuống núi – là minh chứng cho tấn như ý túc dục định tinh cần hành nầy.
3- Tâm như ý túc (cittiddhipāda)
“Tu tập như ý túc cùng với tâm định, tinh cần hành”
Tâm, citta ở đây chính là tư tác đến mục đích. Tại sao vậy? Vì như ý thứ nhất là dục, là muốn, là mong ước, nhưng muốn, mong ước gì? Như ý thứ hai là cần, là tấn, là nỗ lực nhưng cần, tấn, nỗ lực làm gì, đến đâu, sẽ thành tựu cái gì? Do vậy, tâm chính là mục đích của các như ý. Ví dụ:
- Hướng đến thành tựu trí tuệ thấy rõ danh, sắc?
- Hướng đến thành tựu chánh tri kiến?
- Hướng đến thành tựu tri kiến thoát khổ?
- Hướng đến thành tựu từ, bi, hỷ hay xả?
- Hướng đến thành tựu sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền hay 4 vô sắc giới thiền?
- Hướng đến thành tựu tu tập giới, định, tuệ hay bát đạo chi?
- Hướng đến thành tựu pháp học?
- Hướng đến thành tựu thắng trí thần thông?
- Hướng đến thành tựu tam vô lậu học?…
Sự hướng đến ấy, cái tâm ấy cần phải tăng cường thêm sức mạnh của định và của tấn nữa. Nghĩa là tâm dính chặt vào mục đích không thối chuyển. Như câu chuyện của tôn giả Ānanda: Cuộc kết tập pháp và luật lần thứ nhất, ba tháng sau khi Phật Niết-bàn, tôn giả Ānanda mới Nhập Lưu, cần phải đắc quả A-la-hán mới được vào dự hội nghị. Thế là suốt đêm ngài hành minh sát. Với dục như ý, với tấn như ý, với tâm như ý… quá dõng mãnh, quá quyết liệt - vì có thêm năng lực định và tấn nên đến gần sáng ngài đã không còn chịu đựng nổi, mỏi mệt quá ngài nghiêng lưng nằm nghỉ. Thế rồi, trong tư thế vừa nghiêng lưng ấy, ngài đắc quả A-la-hán!
Chuyện gì đã xảy ra. Đấy là do tâm như ý túc có định có tấn đã được đẩy đến tận cùng mục đích thành tựu. Nó đến đích rồi đấy nhưng còn rung động bởi năng lực của dục, của đại hữu vi! Chính khi nghiêng lưng nằm xuống, có nghĩa là buông dục, buông luôn đại hữu vi là ngài đắc quả A-la-hán ngay! Quá dễ hiểu mà!
4- Thẩm sát như ý túc (vimaṃsiddhipāda)
“Tu tập như ý túc cùng với thẩm sát định tinh cần hành”.
Vimaṃsa là một loại trí tuệ nên thường được dịch là tuệ, là quán, là trí… tuỳ theo ngữ cảnh của diễn ngôn. Tuy nhiên, trong nghĩa thẩm sát như ý túc, là như ý thứ tư, nó là loại thẩm sát, nhìn ngắm lại, xem xét lại diễn trình vừa đi qua, đồng thời, quán sát, tư duy khi ở trong thành tựu, mục đích ấy. Một vài ví dụ:
- Đã thấy rõ danh, sắc rồi… thì thẩm sát chính là xem xét lại có đúng như thế không? Sắc sanh, sắc diệt có đúng như thế không? Và lợi ích của nó là phát sanh tuệ giác nào?
- Đã thành tựu sơ thiền… thì thẩm sát chính là xem lại các thiền chi nó ra sao, có đúng như thế không? Và sẽ đi lui, đi tới nhiều lần như vậy. Và lợi ích của nó là nhằm để giải thoát cái gì? Ví dụ, sơ thiền là giải thoát 5 triền cái, tứ thiền là giải thoát tầm, tứ, hỷ và lạc!
- Đã thành tựu thắng trí thần thông rồi… thì thẩm sát chính là xem lại lộ trình đã đi qua như thế nào! Và lợi ích của nó là như thế nào? Đôi khi tự đặt câu hỏi: Thần thông này có giải thoát được tham sân, phiền não hay không?
- Đã thành tựu vô lậu rồi… thì thẩm sát chính là xem lại pháp giải thoát ấy nó thâm sâu, vi diệu đến mức độ nào?
Như vậy chúng ta thấy rõ chức năng của thẩm sát như ý túc, nó cũng cần phải có định và tấn nữa mới toàn mãn.
Nói tóm lại, Tứ như ý túc do nằm trong 37 phẩm trợ đạo nên nó cần thiết, và không thể thiếu cho bất kỳ sự tu tập nào, mục đích nào (xem tâm như ý túc) từ cạn vào sâu để cuối cùng là thành tựu giác ngộ, giải thoát.
- Chư thánh nhân A-la-hán tu tập thuần thục Tứ như ý túc thường có nhiều khả năng lãnh đạo đồ chúng.
- Tôn giả Moggallāna tu tập Tứ như ý túc viên mãn đạt 6 thông nên khả năng nhiếp hoá ma vương, long vương… được xem như là đệ nhất của giáo hội chỉ đứng sau đức Phật mà thôi.
- Vị Thánh đệ tử thiện xảo pháp môn này có thể kéo dài mạng sống đến một tiểu kiếp hay phần tiểu kiếp còn lại. Kinh Đại Niết-bàn nói rằng, đức Phật đã gợi ý ba lần về điểm này nhưng tôn giả Ānanda bị ma vương che ám nên không thỉnh ngài trụ thế.
Điều khá quan trọng mà mọi người thường tranh luận về Tứ như ý túc là về chữ dục, trong Dục như ý túc. Ở bình diện thường ngữ, thường nghĩa thì Dục như ý túc có cái gì như đi ngược lại giáo pháp Phật. Ngay ở sơ thiền đã ly dục, ly ác pháp – thì khởi từ dục thì làm sao đưa đến định? Ở đây chúng ta phải hiểu rằng, dục định là lòng mong muốn mãnh liệt rời xa sự cám dỗ của ngũ trần; và cũng mong muốn mãnh liệt như thế để thành tựu mục đích cao cả và tối thượng. Và khi tu tập rồi thì tất cả dục đều được buông bỏ, xả ly, tịnh chỉ. Trong kinh Tương Ưng, có kể chuyện một bà-la-môn đã thắc mắc vấn đề dục định, sợ rằng không phù hợp với mục tiêu của Phạm hạnh. Tôn giả A-nan đã giải thích cho ông ta thấy rằng: “Do trước có lòng dục thúc đẩy, ông đến đây... Do trước có tấn thúc đẩy, ông đến đây... Do trước có tâm thúc đẩy, ông đến đây... Do trước có thẩm sát thúc đẩy, ông đến đây... Sau khi đến đây rồi, dục, tấn, tâm, thẩm sát của ông được tịnh chỉ, cũng vậy, vị A-la-hán thì lòng dục, tấn, tâm, thẩm sát được tịnh chỉ”.
Tứ như ý túc theo nội hàm lý giải ở trên thì các Nikāya rất ít đề cập, nhưng lại nói khá nhiều về Tứ thần túc, nhấn mạnh đến khả năng của những thắng trí. Những chi pháp trong kinh Tăng chi bộ, chỗ 4 pháp thấy bỏ quên Tứ như ý túc. Chỉ có kinh Tương Ưng là nói trọn 37 phẩm trợ đạo. Tứ như ý túc ở đây được nói rõ là dẫn đến định, sau đó, tu tập minh sát để tuần tự đoạn trừ lậu hoặc. Khi tuệ vô lậu xuất hiện thì dục định, tấn định, tâm định, thẩm sát định được tịnh chỉ, ngưng lắng, không còn hoạt dụng nữa.
Trên đây là Tứ như ý túc theo nghĩa kinh điển, áp dụng cho tất cả sự tu tập từ cạn vào sâu, từ thấp lên cao; và cả sử dụng để tu luyện thần thông (sau khi đắc tứ thiền, hành giả lựa chọn một đề mục như đất, nước... rồi sử dụng Tứ như ý túc để luyện các thắng trí, ví dụ đi qua sông, độn thổ...) nhưng nó không thuộc phạm vi bài viết này. Điều cần nói nữa, là trong các sinh hoạt xã hội, làm bất cứ công việc gì, nếu biết áp dụng Tứ như ý túc đều đưa đến thành công, thành tựu, đạt kết quả như sở nguyện.
II- Bạn vinh nam hỏi:
“- Thưa thầy, con rất muốn học thiền, con đã đọc nhiều bài pháp của thầy tuy là chưa thật hiểu song con đã thử thực tập ở nhà. Khi con bắt đầu ngồi xuống và nhắm mắt lại thì tim con đập rất nhanh, do vậy mà con khó thấy yên tĩnh được. Con muốn hỏi thầy là con phải đối trị thế nào trong trường hợp này ạ!”
Trả Lời:
Đơn giản thôi bạn ạ! Thân tâm chúng ta thường sinh hoạt theo thói quen; ở môi trường thói quen thì thân tâm như cá lội trong nước, nhởn nhơ trong nước một cách rất an lành. Thế rồi, khi bắt đầu tập thiền, ta ngồi xuống, cố giữ thân yên, tâm bắt đầu sổ tức hay tuỳ tức. Và khi như vậy thì ta đã đi ngược với thói quen sẵn có nên thân tâm nó phản ứng.
Những hiện tượng như nhức, mỏi, tê, đau đầu, nóng ngực, hơi thở dồn dập, tim đập mạnh, chảy mồ hôi... đều là triệu chứng do thân tâm phản ứng lại mà sinh ra. Không có gì phải bận tâm đâu bạn ạ. Chỉ cần một thời gian thôi, do kiên trì, do niệm được an trú; và khi niệm an trú thì thân sẽ thích nghi với “thói quen mới”. Không những thích nghi mà khi tâm có hỷ có lạc, nghĩa là có các thiền chi xuất hiện thì hơi thở sẽ rất mảnh, rất nhẹ và nhịp tim sẽ chậm lại, đều hoà, bình ổn. Và khi ấy, bạn sẽ được thong dong, tự tại bơi lội trong “dòng sông mới”, dòng sông của niềm vui, của thiền duyệt đấy bạn ạ! Chúc bạn cố gắng thêm chút nữa!
III- Bạn H. Nguyễn hỏi:
“- Nhìn trái xoài ta chảy nước miếng vì ... đều do "kinh nghiệm" cũ, và phản xạ "tự nhiên" của bản năng. Con tri ân HT chỉ dạy.
1) HT dùng lập luận "tự nhiên của bản năng" để giải thich sự biến đổi của các pháp thì không ổn lắm vì con chưa từng đọc hay nghe các chư tổ sư dùng từ "tự nhiên" trong "Luận" cả. Ví dụ như nói anh A chảy nước miếng vì "tự nhiên", chị B sợ hãi vì "tự nhiên"... nghe không được ổn lắm.
2) Vấn về đặt ra là tại sao khi mắt thấy ta không "biết" liền, mà phải chờ cho đến khi miệng chảy đầy nước miếng mới "biết"?
mắt tiếp xúc với (xoài) sắc trần, tâm khởi tưởng (xoài ngon) sinh ra chảy nước miếng. Ta phải tu ở chổ gốc tức là chổ mắt thấy là "biết" liền mới có hy vọng về với trí tuệ sẵn có, nếu ta bỏ gốc mà dụng công tu ở chổ "biết" vì nước miếng đã đầy miệng thì chỉ được đời sống an vui tự tại hiện tiền vì tỉnh thức và biết dừng, nhưng vẫn còn xa với đạo (bản thể thanh tịnh sáng suốt tròn đầy trong chúng ta).
Người trí tuệ gặp chuyện thì "biết" ngay, người có một ít trí tuệ khi gặp chuyện nghĩ tưởng (nướcmiếng đầy miệng) mới "biết", người thường thì bị sáu căn và sáu thức sai khiến suốt ngày.
Trả Lời:
Trái xoài này nó “chua” quá bạn nhỉ? Chua quá làm chúng ta cứ chảy nước miếng hoài!
Câu hỏi này tôi đã trả lời rồi, tôi đã muốn trả lời ngắn gọn và giản dị cho mọi người cũng lãnh hội, nhưng hoá ra, ở đó lại chồng thêm tri kiến khác. Cái mà tôi gói ghém nơi những cụm từ như “quả dị thục, chuyện cũ, cái cũ, thói quen, tự nhiên...” là muốn đơn giản hoá cái phức tạp của lộ trình tâm, mà nếu ai chưa học qua thì rất khó lãnh hội. Tôi thành thật xin lỗi vì có thể tôi đã thiếu trí tuệ ngôn ngữ hoặc giả tôi đã không giảng nói cho tường tận.
Bây giờ tôi sẽ nói cái cũ, dị thục, cái tự nhiên theo Abhidhamma:
Bạn chịu khó lắng nghe nhé!
Khi một sắc, một thanh, một hương, một vị, một xúc đi vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thì những lộ trình tâm sẽ xảy ra, sẽ diễn ra. Được gọi là nhãn môn lộ trình tâm, nhĩ môn lộ trình tâm...
Tôi ghi ra đây nhé, chịu khó tham khảo một tí.
1- Hữu phần (bhavaṇga) quá khứ - 01 sát-na
2- Hữu phần rung động – 01 sát-na
3- Hữu phần đứt dòng – 01 sát-na
4- Cửa mắt, cửa tai mở ra (đón nhận sắc, thanh...) – 01 sát-na
5- Cái biết của mắt, của tai phát sanh (nhãn thức, nhĩ thức...) – 01 sát-na
6- Tiếp thọ, tiếp nhận đối tượng (sắc, thanh...) – 01 sát-na
7- Suy đạc, quan sát, xem xét đối tượng (nó là cái gì?) – 01 sát-na
8- Kết luận, xác định (đã biết nó là cái gì rồi) – 01 sát-na
9- Tác hành tâm, tức là quyết định sẽ xử lý ra sao đối với đối tượng ấy. Trong tác hành tâm này nó sẽ diễn tiến trong 7 sát-na. Ở đây, tư tác, cetāna khởi lên tham sân, thương ghét, thiện hay ác. Tạo nghiệp là do cetāna, tư tác này.
10- Đồng sở duyên: Nó khởi lên 02 sát-na rồi diệt. Nó có chức năng “sao lưu” đối tượng vừa được xử lý ở tư tác phía trên rồi chuyển cho dòng bhavaṇga cất giữ.
11- Hữu phần (bhavaṇga): Trở lại với dòng trôi chảy bình lặng.
Tôi sẽ có ví dụ để hiểu cái rắc rối ở trên.
“- Tôi đang nằm ngủ, chợt nghe một tiếng động. Giật mình thức dậy, tôi cố xem thử tiếng động ấy là tiếng động gì. Sau một hồi lắng nghe, biết là tiếng chuột, tôi lấy cái gậy, đập cho có tiếng động để xua đuổi chuột rồi quay lưng lại ngủ.”
1- Tôi đang nằm ngủ là hữu phần.
2- Tiếng động, tức là một đối tượng khởi sanh làm cho hữu phần rung động.
3. Giật mình thức dậy là hữu phần đứt dòng để nhường cho đối tượng mới.
4- Cửa tai mở ra hướng về đối tượng là tiếng động.
5- Cái biết của tai (nhĩ thức) phát sanh
6- Tiếp thọ: Là tiếp nhận đối tượng tiếng động
7- Suy đạc: Là suy đoán (qua kinh nghiệm) xem thử riếng động ấy là tiếng động gì.
9- Xác định, biết đấy là tiếng chuột.
10- Vì tiếng chuột ấy làm tôi bực bội, khó chịu nên tôi cầm gầy khua, đánh đuổi nó. Trong trường hợp này, 7 sát-na tác hành tâm đã khởi, đã tạo nghiệp.
11- Đồng sở duyên, nghĩa là 2 sát-na này duyên với đối tượng tiếng chuột cùng hành động của tác hành tâm ở trên, nó “sao lưu” vào dòng bhaṇga.
12- Trở lại nằm ngủ, vào dòng hữu phần.
Như vậy, lộ trình tâm này diễn tiến trong 17 sát-na tâm. Trong một giờ đồng hồ, ta có thể có cả hằng tỷ lộ trình tâm như vậy trọn vẹn có, đứt đoạn có.
Trở lại với “cái cũ, dị thục, tự nhiên”... ta sẽ thấy rằng, trong lộ trình 17 tâm sát-na ở trên, từ 01 cho đến 09 đều có từ quả dị thục, nó hành xử như chức năng tự nhiên, ai cũng như thế, đều giống nhau. Và điều quan trọng chúng ta phải hiểu là nó chưa tạo nghiệp thiện ác gì cả, chúng được vận hành do cái cũ, nghiệp cũ. Chính ngang số 10, xử lý đối tượng tiếng chuột mới chính là cái mới, tạo nghiệp mới!
Điều tôi trình bày ở trên không liên quan gì đến “luận” của chư tổ cả, vả chăng, tôi cũng chưa bao giờ lấy “luận” của chư tổ làm sở y – mà tôi chỉ lấy cái thực, cái sự thực làm nền tảng soi chiếu. Cũng có thể tôi tựa theo kinh, vì kinh là đức Phật giảng nói, còn “luận” là kiến giải của chư tổ. Dòng diễn tiến 17 sát-na tâm ở trên là cái sự thực, cái thực do trí tuệ thấy biết của đức Chánh Đẳng Giác, nó chẳng phải là “luận” đâu! Đối với tôi, tôi tu tập theo kinh của Phật, còn luận của chư tổ có giá trị tham khảo, nghiên cứu rất giá trị vậy.
Còn một vấn đề nữa trong câu hỏi là “biết chảy nước miếng”, bạn suy luận dường như đúng mà không phải vậy. Bạn nói bạn có tu tập thiền minh sát với ngài Kim Triệu. Chưa đâu, bạn chỉ mới đối trị một vài tập khí, một vài thói quen ban đầu thôi. Còn nếu bạn đã tu tập minh sát thực sự thì những cụm từ như “chảy nước miếng biết chảy nước miếng”, “đau nhức biết đau nhức”, “tham biết tham, sân biết sân” thì bạn sẽ thấy biết ngay tôi đang nói tới cái tinh yếu của thiền minh sát – nhìn ngắm cái sự thực cái như thực - đó vậy.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu tại sao – thì bạn nên xem lại cho thật kỹ thập nhị duyên khởi: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, sầu bi ưu não. Trong 12 duyên khởi ấy, vô minh và hành thuộc nhân quá khứ (nhân cũ). Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ thuộc quả hiện tại (gọi là quả dị thục do nhân quá khứ tạo nên thân tâm hiện tại). Ái, thủ, hữu (bên trong có vô minh và hành) là nhân hiện tại, tạo nghiệp mới; ái chính là tham sân, thương ghét; thủ là nắm giữ, chấp chặt cái tham sân, thương ghét ấy, và hữu là bắt đầu tạo hạt giống 3 cõi dục, sắc và vô sắc. Ái, thủ hữu là nhân hiện tại sẽ cho quả vị lai là sinh, lão tử, sầu bi ưu não!
Nên nhớ như đã nói ở trên, thọ là cái cũ, do nghiệp cũ mà có, do kinh nghiệm cũ mới có. Do trước đây (cũ) đã từng ăn xoài nên đã kinh nghiệm (cũ) xoài là chua; biết xoài là chua là cũ, và chảy nước miếng cũng là phản ứng tự nhiên của thân do kinh nghiệm cũ.
Người tập thiền minh sát luôn ghi nhận, luôn niệm cái thực đang xẩy ra qua duyên khởi căn trần thức. Tham tuệ tri tham, sân tuệ tri sân chính là niệm khi ái đã khởi (ái là tham sân). Cứ ghi nhận “mặt mũi tham sân” ấy một hồi thì tham sân ấy tự diệt, không cần nỗ lực diệt mà nó tự động diệt. Ái diệt thì thủ hữu diệt và toàn bộ những khoen đi sau như sinh, lão tử, sầu bi ưu não không tồn tại.
Hôm nay tôi đã hết sức, đã hết lòng chỉ ngón tay trỏ vào chỗ tận diệt khổ đau phiền não, mong rằng người có trí giác hiểu thầm lặng trong lòng mình thì tôi sẽ vô cùng hoan hỷ vậy.
Xin cảm ơn tất cả các bạn.