Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (4)

14 Tháng Mười Hai 201503:39(Xem: 9183)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (4)

 

1- Bạn ChuMĐiệp hỏi: 

“- Kính thưa thầy, 

Con mới đọc một đoạn trong một cuốn sách của ngài Ajhan Cha'a, ngài có nói về tầm và tứ rồi mới đến hỉ lạc. Vậy đâu phải khi mình ngồi thiền mình chỉ an trú vào hơi thở mà thôi, mà nếu có thiện pháp ý nghĩ nào tốt hiện ra thì mình cứ giữ tâm trên đối tượng đó, chà sát đối tượng đó (có tầm có tứ) cũng vẫn được, rồi từ từ sẽ đến chỗ không tầm không tứ luôn, phải không thầy? Xin thầy dạy về cái vụ tầm tứ này vì từ trước nay tập thiền con chỉ lo chiến đấu với hơi thở, hễ có ý tưởng nào khởi lên là con ráng hết sức đuổi nó đi, nhưng không phải lúc nào nó cũng chịu đi! 

Con xin cảm tạ ơn thầy chỉ dạy”.

Trả Lời:

1- Đương nhiên có tầm tứ rồi mới đến hỷ, lạc. Thiền định thì phát sanh 5 thiền chi đối trị với 5 triền cái mà thầy đã giảng nói nhiều lần trước đây:

- Tầm đối trị với hôn trầm, thuỵ miên

- Tứ đối trị với nghi

- Hỷ đối trị với sân

- Lạc đối trị với trạo cử

- Nhất tâm đối trị với dục

Đây là lộ trình thiền định để đi vào sơ thiền đầy đủ 5 thiền chi. Bỏ tầm, chỉ còn 4 thiền chi tứ, hỷ, lạc, nhất tâm là đệ nhị thiền. Bỏ tầm, tứ chỉ còn 3 chi hỷ, lạc, nhất tâm là đệ tam thiền. Bỏ hỷ, chỉ còn 2 chi lạc và nhất tâm là đệ tứ thiền. Bỏ lạc, chỉ còn xả và nhất tâm là đệ ngũ thiền. Đây là cách phân loại của Abhidhamma, còn theo Kinh thì chỉ có 4 thiền – cũng tương đương đệ ngũ thiền.

2- Khi tập định thì tâm phải chuyên nhất vào đề mục thiền. Còn nghĩ thiện, nghĩ ác thì nó đã rơi vào trạo cử, một trong 5 triền cái ở trên. Nếu có niệm xấu hay tốt và nếu muốn giữ niệm tốt thì không còn gọi là thiền định nữa vì nó đã rơi vào cách tu tập Tứ chánh cần:

- Niệm ác chưa sanh không thì đừng để cho nó sanh.

- Niệm ác đã sanh khởi rồi thì làm cho nó diệt.

- Niệm lành chưa sanh khởi thì làm cho nó phát sanh.

- Niệm lành đã sanh khởi rồi thì làm cho nó tăng trưởng.

Phải phân biệt hai cái khác nhau.

3- Chỉ cần trở lại với hơi thở là tưởng nghĩ này kia sẽ chấm dứt. Đừng chiến đấu với nó, đừng tạo áp lực cho mình. Chỉ ngồi thở tự nhiên. như chơi vậy thôi, thật nhẹ nhàng, thật thanh thản.

Có điều cần lưu ý nữa là có nhiều người không có “căn cơ định” nên càng ngồi càng bứt rứt, khó chịu. Nếu vậy thì tu thiền tuệ đôi khi lại tốt hơn. Vì có người không cần định vẫn tu minh sát được như thường.  

2- Bạn Lâm taxi hỏi:

Mong thầy giảng thêm về 10 kiết sử được không ạ. Theo con hiểu khi hết vô minh tức là phải đủ tam minh là túc mạng mình, thiên nhãn minh và lậu tận minh đúng không ạ?

Trả lời:

- 10 kiết sử mà nói cho đầy đủ thì quá dài, tôi hẹn sẽ viết một bài, sớm hay muộn bạn sẽ đọc trên trang thuvienhoasen.org hay huyenkhongsonthuong.net

- “Minh hiện vô minh diệt” đây là hàm chỉ “lậu tận minh” chấm dứt tham sân si phiền não. Còn ngũ thông (còn gọi là minh) như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, biến hoá thần thông thì ngoại đạo cũng đắc được vì 5 thông này còn phiền não ngủ ngầm. Như trưởng hợp Đề-bà-đạt-đa có ngũ thông nhưng vẫn phạm nhiều tội ác đó!

3- NgọcAn hỏi:

“Mô Phật, dạ, thưa thầy, con là môt cận sự nam, con cũng đang thực tập pháp môn Hộ trì 6 căn để giảm bớt tâm tham, nhưng với tâm ý thì con lại chọn chánh niệm từng động tác lớn nhỏ để phòng hộ, nhưng khi con phải làm việc đòi hỏi phải nhanh tay nhanh chân thì con làm không được, gián đoạn rất nhiều, mong thầy chỉ cho con những cách đơn giản hơn! Cuối cùng con nguyện cầu hồng ơn Tam Bảo gia hộ cho Thầy và chưTôn Đức được dồi dào sức khỏe. Mong cho con cũng có cơ hội thành tựu được bảy pháp bất thối của người cận sự”.

 

Trả lời:

- Xem câu trả lời nơi pháp thoại 24.

4- Bạn Nguyễn Thị Đấu hỏi:

“- Kính Thầy! Bài giảng của Thầy hay quá! Con xin cám ơn Thầy! Con thuờng trông chờ để đọc các bài viết của Thầy. 

Riêng trong bài này ( phần Sắc không trong Bát nhã Tâm kinh), chi là câu đệm : Hãy nghe đây!... Sao mà con... thấy vừa ... tuợng thanh, vừa ... tuợng hình... sao sao đó hơi khó cảm tình Thầy ạ! Hay là tại con hay tuởng tuợng! 

Nếu có gì không phải, xin Thầy tha lỗi!”  

Trả lời:

- Không có gì đâu, đó là cảm nhận riêng của mỗi người. Tuy nhiên, chịu khó đọc lại đi, nó lợi ích cho sự tu tập lắm đó. Phải phân biệt cho rõ cái nào là “sắc như thực”, cái nào là “uẩn” nơi “sắc uẩn” Nếu không thấy “cái uẩn” này, sự che lấp hay chồng chất trên cái sắc – thì không bao giờ giác ngộ, giải thoát được.       

5- Bạn Lâmtaxi hỏi:

“- Chân thành cảm ơn thầy đã nói rất dễ hiểu về vi diệu pháp. Một môn rất khô khan và thật khó cho hạng phàm phu như con có thể thấy. Con chỉ biết niệm nhanh như chớp mắt nhưng không biết có bao nhiêu sát na trong đó, do đó con chưa phá được nghi trong trường hợp này " không biết số sát na tâm như vậy có đúng hay không?" 

Tuy nhiên trong ví dụ của thầy khi vào khu vườn chợt nghe tiếng nổ tâm bắt đầu tạo nghiệp, việc cần cần phải làm là thấy biết như thật. Nhưng con nghĩ không phải lúc nào cũng chỉ hay biết mà không khởi niệm được. Vì trong tứ chánh cần đức Phật có nói các thiện chưa sanh phải được làm cho sanh và đã sanh phải được tăng trưởng... không khởi niệm có khi còn là ác nữa vì khi chúng sinh khác cần được cứu giúp thì mình nên giúp chứ đâu phải lúc nào cũng thấy biết đúng không thầy ? 

Nhân tiện con xin hỏi thêm một câu liên quan tới giới sát. Từ ngày con học được Phật pháp khi con bị muỗi đốt con không nổi sân, nhưng con nghĩ nếu con muỗi này nhờ máu con mà đẻ thêm nhiều muỗi, chúng sẽ đi đốt người và còn lây bệnh nữa, do đó con vẫn giết chúng. Vậy nhân quả sẽ như thế nào trong các trường hợp tương tự ạ?”

Trả lời:

1- Phân tích ra sát-na để ta có ý niệm khái quát thôi, chứ bạn dẫu cố gắng cũng không thể thấy biết được. Hiện giờ khoa học vật lý lượng tử cũng đang lúng túng là sau hạt, sóng và dây là cái gì họ cũng đang tìm kiếm. Một sinh diệt của siêu vi vật chất nó nhanh lắm, có thể là một phần triệu giây đồng hồ hoặc hơn kia đấy. Bỏ chuyện tính đếm ấy đi, nó không hữu ích gì cho việc thấy khổ và diệt khổ cả!

2- Không phải nghe tiếng nổ là bắt đầu tạo nghiệp! Khi nào khởi tham sân rồi tư tác theo tham sân ấy mới tạo nghiệp. Cần lưu ý rõ điều đó!

3- Khởi niệm thì cứ khởi niệm, không có vấn đề gì cả. Khi khởi niệm mà có thiện hay ác thì hãy tu tập theo Tứ chánh cân.

4-  Giết một chúng sanh có thức tánh thấp có tội nhiều hơn một chúng sanh có thức tánh cao hơn. Ví dụ giết một con muỗi tội nhỏ hơn một con thằn lằn. Giết một con dán tội nhỏ hon một con chuột. Sống trên đời phải mặc áo, ăn cơm, uống nước là ta khó tránh khỏi sát sanh. Trong không khí, trong nước, trong rau trái, trong tất cả thực phẩm đều có đụng đến sanh mạng chúng sanh. Do vậy, giới sát sanh bên Nam truyền: “Tôi cố ý tránh xa sát sanh”. Phải để ý là “cố ý tránh xa”, nghĩa là tránh xa chừng nào tốt chừng đó chứ không thể tuyệt đối được. Ngoài ra, trong nghiệp sát, tội nặng nhẹ còn tuỳ thuộc cái tâm lúc ấy: Ví dụ, giết để chơi, giết với tâm ác độc, giết con này để cứu con kia, giết để cứu người, giết vì bảo vệ sinh mạng, giết vì nuôi mạng (ví dụ bơm sâu rầy đồng ruộng), giết để nghiên cứu một loại thuốc để chữa bệnh cho loài người... Tát cả đêu có tội nhưng sẽ có tội nặng, tội nhẹ. Giết để chơi, giết với tâm ác độc tội nặng nhất. Tất cả do nơi tư tác (Cetanā) cả.

Vậy, sống giữa thế gian không thể không có tội, không thể tránh điều xấu ác, khó trắng bạch như vỏ ốc. Một hạt cát nhỏ thả xuống nước thì chìm nhưng những viên đá to bỏ trong thuyền thì không chìm. Chiếc thuyền kia là thiện pháp. Làm việc lành tốt, việc thiện nhỏ có thể chở được tất thảy những việc ác nhỏ.  

6- Bạn ChuMĐiệp hỏi:

“- Thưa thầy, 

Con đang thực hành theo pp thầy dạy, quan niệm hơi thở sổ tức tùy tức rồi sẽ qua minh sát. nhưng có thiền sư chủ trương rằng phải đạt định trước thì mới có chánh niệm sắc bén để minh sát cho thành công. Dĩ nhiên con thích tu thiền theo thầy dạy vì đơn giản hơn, "dễ" hơn, nhưng con cũng thấy thiền sư Brahm cũng có lý vì thiền sư nói theo kinh nghiệm tu tập của ngài. Thưa thầy, xin thầy giải thích điểm này rõ hơn, để con và những bạn tu thiền theo lời thầy dạy đuợc yên tâm quyết một bề tu tập. 

.Con xin kính cẩn tạ ơn chỉ dạy của thầy”.

Trả lời:

- Sư Brahm nói đúng. Phải sổ tức, tuỳ tức rồi mới qua minh sát. Sổ tức, tuỳ tức đưa đến định. Có định mới sang tu tuệ. Tuy nhiên, trong những Nikāya thì có 3 trường hợp:

Một, đạt định Tứ thiền mới tu tập minh sát.

Hai, đạt cận hành định mới tu tập minh sát.

Ba, có người không cần định, đi thẳng vào minh sát luôn. Đây là trường hợp có tuệ không có định, kinh gọi là khô tuệ hay can tuệ (sukkha-pañña) – can có nghĩa là khô. 

7- Hai câu hỏi của bạn Bạch Cúc:

Kính thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh 

(tiếp theo email đã gởi trước đây) 

Thầy dạy về hai chữ ... Sắc và Không. 

@@@ Xin thầy chỉ dạy cho con: 

Sự khác biệt giữa: 

Vô dư y Niết bàn và Hữu dư y Niết bàn. 

Kính chúc thầy an khang 

Nữ Phật tử Bạch Cúc

Trả lời:

1- Trong các pháp thoại thầy đã nói nhều về sắc không rồi.

2- Đức Phật, chư thánh tăng A-la-hán giác ngộ, giải thoát rồi, đã chấm dứt tham sân, đau khổ, phiền não rồi... nhưng còn sống trên đời, còn mặc áo, ăn cơm, còn phải nuôi dưỡng cái thân để hoằng pháp đó đây... thì được gọi là Hữu dư y Niết-bàn. Đây là Niết-bàn tại thế, cái thân của các ngài còn bị trả quả do nghiệp còn dư sót trong quá khứ. Ví như đức Phật còn bị bệnh tả lỵ, bị vu oan, bị chảy máu chân, bị đói... Ví như tôn giả Mục Kiền Liên còn bị kẻ cướp giết hại.

Nhưng khi các ngài nhập diệt Niết-bàn tịch tịnh rồi thì tất cả mọi nghiệp dư sót không còn khả nẳng trả quả nữa – thì được gọi là Vô dư y.

Bạch Cúc

Kính thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh 

Thầy dạy về hai chữ .... Sắc và Không 

Xin thầy vui lòng chỉ dạy cho con 

1) Vô dư y Niết bàn là ... sắc hay là không? 

2) Hữu dư y Niết là ... không hay là sắc 

Kính chúc thầy an khang 

Nữ Phật tử Bạch Cúc

Trả lời:

- Cứ hỏi sắc và không hoài. Thôi, nhân tiện thầy nói rõ thêm một lần nữa vì lợi ích cho nhiều người.

Niết-bàn là pháp siêu thế, nó ở ngoài mọi ngôn ngữ diễn đạt của thế gian. Dù định nghĩa hay, giỏi, chính xác trăm phần trăm cũng chỉ là khái niệm của thế gian. Niết-bàn ở ngoài 4 phạm trù: Có; không; vừa có, vừa không; không có không không.

Niết-bàn có ba đắc tính: Không, Vô tường, Vô tác (hay Vô nguyện). Nó khá kinh điển và phức tạp.

Hành giả tu tập Tứ niệm xứ, dùng minh sát (vipassanā) theo dõi, quán sát ngũ uẩn, duyên khởi... để thấy rõ tính chất như thực tướng của chúng. Đấy được gọi là:

Vô thường tùy quán (aniccānupassanā)

Khổ tùy quán (dukkhānupassanā)

Vô ngã tùy quán (anattānupassanā)

Khi “vô thường tùy quán”, hành giả sẽ thấy rõ mọi danh pháp, sắc pháp đều không thể tạo lập giữa không gian “một tướng nào cả”. Vậy, thật tướng của các pháp vốn là vô tướng. Đây được gọi là “vô tướng giải thoát” (animitta vimokkha).

Nhờ quán vô thường nên thấy rõ các hành bị hạn cuộc bởi sanh và diệt, chúng không thoát khỏi sanh và diệt - nên vị ấy bước vào “vô tướng giới” (không còn tướng của các hành).

Khi theo dõi, quán sát mọi danh pháp, sắc pháp đều là khổ - dù là lạc nhưng bản chất vẫn khổ - nên rời khỏi các dục, giải thoát nhờ ly dục. Đây được gọi là “ly dục giải thoát”vô ái giải thoát hay vô nguyện giải thoát (apapaṇihota vimokkha).

Tất cả các hành đều khổ, nhờ ly dục nên thoát khỏi các khổ.

Khi theo dõi, quán sát mọi danh pháp, sắc pháp đều vô ngã (duyên khởi, vô tự tính) nên hành giả thấy rõ “không tánh của các pháp”. Đây được gọi là "không tánh giải thoát" (suññātavimokkha).

Các hành là rỗng không, trống không (như thân cây chuối không có lõi). Nhờ thấy các hành là vô ngã nên các vị ấy đắc “không giải thoát”.

Vậy, Không, Vô tướng, Vô Ái là 3 đặc tính của Niết-bàn dù hữu dư hay vô dư.

8- Bạn ThôngMinh hỏi:

“- Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tập hợp của ngũ uẩn chi phối mọi hành động của con người và của tam giới. Muốn đoạn diệt tiêu trừ liễu thoát được ngũ uẩn đòi hỏi 1 công phu tu hành miên mật, 1 sức định lực mạnh mẽ nơi Thân Tâm. 1 pháp hành trì thường liên tục ít gián đoạn. Hàng ngày khi chúng ta đi đứng nằm ngồi ăn uống ngủ nghỉ đều dính trong ngũ uẩn này chi phối. Cách đơn giản để hiểu và hành khám phá đoạn diệt từng thứ uẩn nhanh nhất là nhờ vào công phu niệm phật. Hàng ngày với công phu niệm phật những uẩn từ từ tan rã theo từng lớp chấp trước, phân biệt, vọng tưởng. Những căn bản chướng của vô minh sẽ tiêu diệt và tri kiến về ngũ uẫn sẽ xuất hiện nơi tâm tạo thành dòng thức vô ngã của thể tánh. Cầu nguyện cho những người đang trên con đường tu hành biết kết hợp thiền tịnh song tu mau thành tựu Tịnh Độ nơi Tâm”.

Trả lời:

Câu này thì tư tưởng trước sau không nhất quán. Và rất tiếc, cần phải chịu khó nghiên cứu, học hỏi thêm để biết đâu là định, đâu là tuệ. Tôi chỉ có thể giúp bạn chút ít:

- Có sắc như thực (paramattha) chưa bị chế biến bởi tình cảm và nhận thức chủ quan của con người, và có sắc uẩn, tức là cái sắc đã bị con người nhào nặn, đẻ ra (paññatti). Vậy, diệt là diệt cái sắc uẩn còn sắc như thực như con mắt, như chiếc lá làm sao mà diệt, mà tại sao lại diệt?

- Đây là thấy bằng quán chiếu, bởi tuệ minh sát chứ không phải “miên mật định lực” gì cả!

- Niệm Phật chỉ đưa đến cận hành định, mà là niệm Phật như Arahaṃ. Buddho... chứ không phải tên một vị Phật nào. Chỉ cận hành định, chưa có an chỉ định, thì mới vẫn là định, chưa có tuệ thì làm sao mà “những uẩn từ từ tan rã theo từng lớp chấp trước, phân biệt, vọng tưởng”?

- Thiền tông thì tu tập, giải thoát tại đây và bây giờ còn Tịnh độ thì cầu vãng sanh Tây phương - vậy chỗ thì ở đây, chỗ thì thế giới khác – không biết người ta kết hợp Thiền tông và Tịnh độ song tu thế nào?

9- Bạn chân diệu Mỹ hỏi:

“- Tôi tra ra câu nói đó là của Thiền Sư Thanh Nguyên Duy Tín trong Truyền Đăng Lục, quyển 22. 

Thiền Sư Thanh Nguyên Duy Tín nói: 

"Lão tăng, 30 năm trước khi chưa học thiền thấy núi là núi, nước là nước. 

Sau nhân theo thiện tri thức chỉ cho chỗ vào thì thấy núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước. Rồi nay đã thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh thì thấy núi chỉ là núi, nước chỉ là nước."

Tương tự như thơ của Tô Đông Pha:

Lô sơn yên tỏa, Triết giang triều

Vị đáo sinh bình hận vị tiêu

Đáo đắc, hoàn lai vô biệt sự 

Lô sơn yên tỏa, Triết giang triều

Dịch 

Mù (suơng) tỏa non Lô, sóng Triết giang

Khi chưa đến đó hận vô vàn

Đến rồi lại cũng không gì khác.

Mù tỏa non Lô, sóng Triết giang. 

Tô Đông Pha”.

Trả lời:

Rất cảm ơn! Đúng là vậy.

Bài thơ của Tô Đông Pha cũng nói lên điều tôi nói trong bài pháp.

10- Bạn ChuMĐiệp hỏi:

“- Thầy nói: "Trong thiền tuệ, có chú tâm là có chánh niệm, tỉnh giác. (...) Trong thiền định thì sử dụng tầm, tứ; trong thiền tuệ thì sử dụng chánh niệm tỉnh giác." 

Áp dụng vào thực tế, như vậy khi mình ngồi thiền, tầm tứ vào hơi thở, còn trong mọi sinh họat hàng ngày, cứ giữ chánh niệm tỉnh giác: lái xe, thảo luận,nấu ăn, làm cái gì biết cái ấy, phải không thầy? xin thầy dạy thêm, vì con chưa hiểu rõ ý thầy nói: "trong thiền định thì sử dụng tầm tứ" là sử dụng như thế nào. 

Con chỉ có thể tọa thiền buổi tối khuya, ban ngày bận tiếp khách, thảo luận, đi lại rất bận rộn. con muốn tập chánh niệm tỉnh giác luôn ban ngày. con xin cảm tạ ơn thầy dạy đạo”.

Trả lời:

- Khi ngồi thiền định thì tầm tứ nơi hơi thở. Sử dụng tầm tứ thế nào thì xem lại câu trả lời đầu bài này.

Nếu chưa nắm được, thầy nói thêm một chút nữa nhé. Ví dụ mình đang ngồi đây, đang nhìn ngắm cái này, cái kia, đang nghĩ tưởng lung tung. Chợt mình thấy mình thất niệm bèn trở về với hơi thở và bắt đầu  hít vào, thở ra. Trở về với mình, với hơi thở là tầm đó! Tầm có nghĩa là tìm kiếm hơi thở. Tiếp theo, mình theo dõi, rà soát hơi thở vào ra một cách liên tục, không gián đoạn thì được gọi là tứ. Tứ nghĩa là quan sát, quan sát hơi thở liên tục – nên đôi nơi gọi tứ là sát. Và khi mà tứ hay sát thuần thục rồi thì một, hai hoặc cả 5 loại hỷ sẽ phát sanh. Đây là định luật tự nhiên của tâm sinh lý cơ thể. Rồi hỷ, rồi lạc, rồi nhất tâm – đây là 5 thiền chi của thiền định.

Cảm ơn các bạn cùng chư Phật tử đã cùng đồng hành với tôi một đoạn đường tu học. Quý báu lắm giữa cuộc đời này!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn