- Ngày Thứ 1: PHÁP THOẠI 1
- Ngày Thứ 2 PHÁP THOẠI 2
- PHÁP THOẠI 3
- Ngày Thứ 4 PHÁP THOẠI 4
- PHÁP THOẠI 5
- Ngày Thứ 5 PHÁP THOẠI 6
- PHÁP THOẠI 7
- Ngày Thứ 6 PHÁP THOẠI 8
- PHÁP THOẠI 9
- Ngày Thứ 7 PHÁP THOẠI 10
- PHÁP THOẠI 11
- Ngày Thứ 8 PHÁP THOẠI 12
- PHÁP THOẠI 13
- Ngày Thứ 9 PHÁP THOẠI 14
- PHÁP THOẠI 15
- Ngày Thứ 13 PHÁP THOẠI 16
- PHÁP THOẠI 17
- Ngày Thứ 22 PHÁP THOẠI 18
- PHÁP THOẠI 19
- Ngày Thứ 23 PHÁP THOẠI 20
- PHÁP THOẠI 21
- Ngày thứ 25 PHÁP THOẠI 22
- PHÁP THOẠI 23
- Ngày Thứ 27 PHÁP THOẠI 24
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (1)
- Ngày Thứ 28 PHÁP THOẠI 25
- Ngày Thứ 32 PHÁP THOẠI 26
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (2)
- Ngày Thứ 33 PHÁP THOẠI 27
- Ngày Thứ 46 PHÁP THOẠI 28
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (3)
- Ngày Thứ 47 PHÁP THOẠI 29
- Ngày Thứ 48 PHÁP THOẠI 30
- Ngày Thứ 49 PHÁP THOẠI 31
- Ngày Thứ 50 PHÁP THOẠI 32
- Ngày Thứ 51 PHÁP THOẠI 33
- Ngày Thứ 52 PHÁP THOẠI 34
- Ngày Thứ 57 PHÁP THOẠI 35
- Ngày Thứ 63 PHÁP THOẠI 36
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (4)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (5)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (6)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (7)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (8)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (9)
- Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (10) Có 49 Ngày & Thân Trung Ấm Không?
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)
Nhà xuất bản Văn Học
Ngày Thứ Tám
PHÁP THOẠI 12 (Chiều ngày 23/6 ÂL)
Hôm qua, thầy nói chuyện với chư sư, chư ni, về 5 quyền, 5 lực mà nói chưa hết. 5 quyền, 5 lực trong khi tu tập định tuệ nó khác với trong sinh hoạt thường nhật.
5 quyền có thể tu tập riêng lẻ.
Có ba loại bồ-tát: Bồ-tát đức tin, Bồ-tát tinh tấn và Bồ-tát trí tuệ. Bồ-tát trí tuệ thành tựu quả vị Phật sớm nhất, sau đó là Bồ-tát đức tin, sau rốt nữa là Bồ-tát tinh tấn. Bồ-tát tinh tấn, tức là hạnh nguyện phục vụ chúng sanh với thời gian lâu xa nhất mới thành Phật, như Bồ-tát Mettaya (Di Lặc).
Về Tín: Có người đức tin có sẵn từ truyền thống gia đình. Có người có đức tin sau khi đọc kinh sách, nghiên cứu giáo pháp. Có người sau khi đi Ấn Độ thăm bốn chỗ động tâm, đọc bia ký vua A Dục, thăm các nước đất Phật như Thái, Miến, Tích Lan... thì đức tin mới vững chắc. Có người thờ xá-lợi Phật, thấy xá-lợi sanh thêm một ngôi, hai ngôi thì đức tin mới được củng cố... Có người chứng kiến việc nhân quả trả vay ở đời, thấy chuyện luân hồi tái sanh là có thật... nên phát sanh thâm tín Tam Bảo.
Ngược lại, tuy có người có đức tin từ truyền thống gia đình nhưng lớn lên chạy theo danh lợi, địa vị, quyền lực, mù quáng theo con đường bất chánh nên tối ám lương tri – thì đức tin bị diệt mất. Có người do ỷ y mình thông minh, tài giỏi chỉ tin vào kiến thức, lý trí khôn ngoan của mình thôi; loại người này đức tin rất yếu. Có người học khoa học tự nhiên, giỏi về toán, lý, hoá nên chỉ tin vào cái gì chứng minh được, giải thích được; loại người này dễ không có đức tin. Nhưng đạo Phật không chỉ dừng lại ở lý trí khoa học; nó còn có những lãnh vực mà không bao giờ tu duy lý tính hoặc khoa học với tới được.
Nói tóm lại, về đức tin, có người ít, người nhiều, có người bị sụt giảm rồi mất, có người được trưởng dưỡng thêm.
Về Tấn: Bồ-tát tinh tấn, tức là có hạnh nguyện chuyên làm lành lánh dữ, làm các thiện sự, các công ích phục vụ chúng sanh, xã hội. Ai chuyên bỏ ác làm lành, làm các công đức, phục vụ Tam Bảo, phục vụ chúng sanh, xã hội không mệt mỏi thì Tấn này (hạnh phục vụ) sẽ lớn mạnh, tăng trưởng.
Về Niệm: Trong công việc, làm việc gì ghi nhớ việc ấy; làm việc gì, chú tâm vào việc ấy không xao lãng. Người có niệm đi không bước vấp, đi không hấp tấp, vội vã, không dễ gì té ngã do bất cẩn được. Sâu hơn chút nữa, ý nghĩ khởi gì là biết cái ấy. Cái gì phát sanh nơi thân, nơi cảm giác, nơi trạng thái tâm, nơi ý thức, tư tưởng, nhận thức - người có niệm, nói rõ hơn là có tu tập Tứ Niệm Xứ - đều ghi nhận rõ ràng. Ở đây sẽ có ba giai đoạn ghi nhận: Một, nó khỏi sanh một hồi mới ghi nhận; hai, nó đang khởi sanh liền ghi nhận; ba, vừa mới khởi sanh là ghi nhận liền.
Những khi suy nghĩ vẩn vơ, nhiều chuyện buồn đau chi phối, hay nghĩ đến quá khứ, vị lai, nhiều vọng tưởng hoặc nhiều phóng tâm... thường bị thất niệm. Vậy, có người niệm được củng cố, tăng trưởng; có người bị sụt giảm, mất niệm.
Ở đây cần một một lưu ý: Cái gì đi qua tai, mắt mũi lưỡi thân ý – ghi nhận được nó là chức năng của Chánh Niệm, thấy rõ nó là chức năng của Chánh Kiến; biết rõ nó là thiện ác, tốt xấu, đàn ông, đàn bà là chức năng của Chánh Tư Duy.
Về Định: Bất cứ đối tượng nào, nếu ta chú tâm lâu thì phát sanh định. Khi nào ta giữ tâm ổn định, quân bình, bình tĩnh thì khi ấy ta có định – đây là định trong đời sống thường nhật. Trên đời, làm bất cứ công việc gì, dù thiện, dù ác, đều có định nầy, do vậy có tà định, có chánh định. Tà định hướng tới điều ác, việc ác. Chánh định hướng tới điều lành, việc lành. Tà định khởi tâm dục mà tâp thiền. Chánh định ly dục mà tập thiền.
Muốn định trong đời sống thường nhật được tăng trưởng thì phải thường xuyên có chú tâm, có niệm, vì niệm sanh định. Tốt hơn và hiệu quả hơn thì phải tu tập thiền định.
Về Tuệ: Tuệ có 2 loại là tuệ tục đế và tuệ chân đế. Tuệ tục đế là tuệ thấy rõ nhân quả, tội phước, đúng sai, phải trái, thiện ác, chuyện đáng làm và chuyện không nên làm. Tuệ chân đế là tuệ thấy rõ cái thực, cái như chân như thực, thấy rõ bản chất như thật của tâm và pháp. Ví dụ thấy rõ tâm vô thường, vô ngã; pháp vô thường, vô ngã. Chẳng có gì nắm bắt được, lưu giữ được, nó luôn trôi chảy, dịch chuyển, cả tâm và pháp, 2 sát-na không giống nhau, 2 giọt nước không giống nhau, một tư, một tưởng, một tế bào sắc chất cũng thế. Chẳng có cái ngã tính nào, thực tính nào trong sự dịch chuyển muôn đời ấy. Đó là cái thực, là sự thực. Thấy được cái ấy là ta có tuệ giác, từ cạn vào sâu. Giác ngộ điều ấy thì tâm ta vô ưu, vô não, giải thoát thênh thang, tự do thênh thang trước sự dịch chuyển vô thường vô ngã của tâm và pháp. Ta buông xả hết, tự nhiên buông xả hết tham sân phiền não chứ chẳng có ý buông xả tham sân, phiền não trước những được thua, thành bại, đúng sai, phải trái, bờ này, bờ kia... nữa. Niết-bàn là vậy, chứ không phải thế gian pháp là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh rồi nói Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh như đâu đó hiểu lầm. Cái ấy là nhị nguyên, là hai bờ của thế gian pháp. Bỏ bên này chụp bên kia. Bỏ cái này, được cái nọ. Phải siêu xuất cả hai bờ như câu kinh Pháp cú sau đây:
“- Bên này sông, bên kia sông
Cả hai không có, cũng không bờ nào
Thoát ly phiền não buộc rào
Là sa-môn gọi, đúng sao danh người!”
Không được cái gì cả mới tự do, mới giải thoát. Được cái gì đó là sở đắc, là bản ngã. Coi chừng đó!
Trở lại với sự tu tập cụ thể, như minh sát nói, thấy đau biết đau, thấy tham biết tham... là tập ghi nhận như thực đó. Đếm số hơi thở thì thấy rõ đếm số hơi thở, như thực đó. Theo dõi hơi thở thấy rõ đang theo dõi hơi thở, như thực đó. Nếu đếm số và theo dõi hơi thở mà nhất tâm thì đi vào định, nó cũng là như thực, vì đấy là sự vận hành tự nhiên của tâm và pháp. Từ định sang tuệ mà nhìn ngắm thân, thọ, tâm và pháp cũng tương tự vậy, đều là thấy tự nhiên như nhiên như chúng đang là cả.
Tóm lại, sự tu tập của chúng ta dù định hay tuệ cũng phải từ cái như thực đang là mà đi, không bao giờ sai lầm cả, không bao giờ sợ lạc vào tà ma ngoại đạo cả. Hãy cố lên. Phải đầy đủ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà lên đường, mà tập thiền nhé!