Ngày Thứ 7 PHÁP THOẠI 10

13 Tháng Mười Hai 201503:24(Xem: 8388)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Bảy
PHÁP THOẠI 10 (Chiều ngày 22/6/ÂL)

 

Để thêm đức tin và thêm trí tuệ cho chúng ta khi đang theo dõi hơi thở, bám sát hơi thở, hôm nay thầy sẽ nói đến 5 quyền (căn) và 5 lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Từ quyền (căn) là dịch chữ Pāḷi Indriya. Indriya là khả năng kiểm soát, là khả năng dẫn đạo, nó có quyền lực chi phối các tâm sở khác... Ví dụ như tín, tín tâm sở. Khi tín tâm sở được củng cố, huân trưởng... khởi lên, thì nó có một quyền lực, một sức mạnh dẫn dắt, điều động các tâm sở khác bắt chúng phải tuân phục, đi theo. Tín có chánh tín và tà tín. Chánh tín của người Phật tử khi đã có rồi, vững chắc rồi, thì sẽ vượt qua tất thảy mọi khó khăn. Họ có thể thiếu cơm, rách áo mà không chau mày khi theo Phật. Họ có thể nhảy vào lửa, có thể vượt qua vực thẳm chông gai. Hình ảnh những người Tây Tạng quỳ lạy bằng cách nằm sấp trên đường để đến chỗ hành hương cả ngàn dặm sẽ minh chứng cho sức mạnh của đức tin ấy. Còn một số ngoại đạo, tà giáo cuồng tín thì sẵn sàng ôm bom tự sát, khủng bố... vì họ tin sẽ tới được với thánh Allah. Cuồng tín nó có sức mạnh ghê gớm như thế đó!

Gần vấn đề tu tập hơn. Khi ngồi thiền, mình tin vào bản thân mình, tin vào pháp, tin vào đề mục mà mình đã lựa chọn, tin vào vị thầy đang dẫn dắt mình. Chính những đức tin ấy tạo cho mình một sức mạnh, để kiên quyết không lơ là, không giải đãi, không buồn ngủ, không phóng tâm... để cho tâm nhẹ nhàng an trú. Tín tâm sở, một tâm sở thiện, có sức mạnh (quyền lực, indriya) thì nó sẽ kéo theo, điều động các tâm sở thiện khác.

Vậy thì do tín của ta chưa có hay chưa đủ? Chính chưa có hoặc chưa đủ nên các triền cái mới nẩy móng, sanh vuốt phá hoại sự an lành, an toàn của các thiện tâm sở.

Trường hợp khác, khi tín đã có rồi nhưng còn yếu thì ta sử dụng thêm năng lực thứ 2 đó là tấn tâm sở (trong tín, tấn, niệm, định, tuệ).

 Tấn ở trong thiền, trong ngũ quyền khác với tấn trong Tứ Chánh Cần. Tấn trong Tứ Chánh Cần có 2 vế, thiện và ác. Vế thiện thì, khi thấy thiện chưa sanh thì làm cho thiện được sanh khởi; khi thiện đã sanh rồi thì làm cho nó tăng trưởng. Vế ác, khi ác chưa sanh thì làm cho nó đừng sanh, khi ác đã sanh rồi thì làm cho nó diệt mất. Tứ Chánh Cần là một năng lực hữu vi, một nỗ lực, một sự cố gắng để làm lành lánh ác. Trong đời sống, trong sinh hoạt tu tập thường nhật là Tứ Chánh Cần này. Khi tu tập riêng lẻ cũng Tứ Chánh Cần nầy.

Còn tấn khi hành thiền thì nó “nhẹ nhàng” hơn nhiều. Có một cái rất tinh tế, vi tế ở đây, là nếu khởi nỗ lực hữu vi thì bên trong tiềm tàng bản ngã và sở đắc, bên trong ẩn giấu động lực của tham tâm sở. Thấy chưa? Nguy hiểm chưa? Vậy nên thầy dùng từ “nhẹ nhàng” ở trên, và khi ngồi thầy có dặn là để tâm rỗng không, “ngồi như chơi” đó sao! Tấn, trong không gian sinh hoạt này là buông thư, thanh thản để tâm nhẹ nhàng vào ra, xuống lên với hơi thở. Chỉ cần dính khít liên tục là đã toát lên công năng của tấn tấm sở rồi. Và khi tấn tâm sở được duy trì liên tục, ngoài việc hỗ trợ cho tín tâm sở, nó còn làm cho đau nhức lắng dịu, mà hôn trầm, thuỵ miên cũng phải tỉnh thức dậy.

Tấn tạo đủ năng lượng sẽ đưa đến niệm. Niệm đây cũng là Chánh Niệm trong Bát Chánh đạo; cũng là niệm trong Tứ Niệm Xứ. Tuy nhiên, niệm trong khi theo dõi hơi thở chỉ có nghĩa là ghi nhận, nắm bắt hơi thở liên tục, không gián đoạn. Và nhờ công năng của niệm mà định xuất hiện, sau đó là tuệ (có nhiều loại tuệ, cấp độ của tuệ chưa bàn ở đây).

Và khi mà 5 quyền đủ thuần thục, đúng độ thì phát sanh 5 lực. Ở đây, trong 37 trợ đạo phẩm gọi là 5 quyền, 5 lực. Có lực (bala) chúng mới mang sức mạnh thật sự. 5 quyền, 5 lực này giúp ta thành tựu các bậc thiền từ thấp lên cao cùng mở ra cánh cửa Tứ thánh đạo quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn