PHÁP THOẠI 7

11 Tháng Mười Hai 201503:59(Xem: 8298)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

PHÁP THOẠI 7 (Tối ngày 20/6 ÂL)

 

Có người trình pháp với thầy, thầy hẹn sẽ trả lời tất cả. Có ba người trình pháp, 2 người trình pháp bằng miệng, 1 người trình pháp trong quyển vở chép tay.

Nhưng khoan đã. Tại sao vậy? Vì trong hội chúng có người đã từng tu thiền nhiều năm, có người quán minh sát, có người đang tu định. Vậy muốn nắm bắt cho rõ ràng thì mọi người nên cùng đi chung một đường, phải theo tuần tự thứ lớp trước đã. Thầy không bỏ quên ai cả. Có thể có một vài người thầy sẽ hướng dẫn riêng.

Hiện tại, trong hội chúng có người đếm số, có người theo dõi hơi thở. Tức là có người đang Sổ Tức môn, có người đang Tuỳ Tức môn, nói theo An Ban Thủ Ý. Sổ Tức thì nói nhiều rồi, bây giờ sang Tuỳ Tức.

Tuỳ tức, theo dõi hơi thở, nương theo hơi thở cũng không dễ dàng gì! Ở đây có 2 bệnh chính. Người nhiều hôn trầm, thuỵ miên thì nương theo hơi thở một hồi rồi quên, rơi vào dã dượi, buồn ngủ khi khí trệ xuống đan điền. Người nhiều trạo cử, phóng tâm thì khi hơi thở ra đầu chót mũi thì nó phóng đi mất, chẳng biết tăm dạng hành tung, do khí thượng thăng. Nên nhớ là nó luôn chạy đi khi hơi thở ra. Nó không bao giờ phóng đi khi hít vô! Vậy thì để ý, chăm chăm chú chú khi thở ra, nhất là giai đoạn chuẩn bị hít vô. Thời gian từ khi thở ra và chuẩn bị hít vô là thời gian mà tâm hay bị phóng vọt đi, lưu ý như vậy.

Quên hay phóng thì tìm cách cột nó lại. Hãy chú ý tướng hơi thở chạy vô chạy ra, từ mũi xuống đan điền và từ đan điền ra chót mũi. Để tâm liên tục hai chỗ đan điền và chót mũi. Vậy là ta đang tìm cách cột 2 chỗ.

Nếu cột 2 chỗ mà nó vẫn chạy mất thì cột 3 chỗ. Trong Thanh Tịnh Đạo có đề cập đến cột 3 chỗ như cột bó củi. Bó củi mà cột 2 chỗ thì lỏng lẻo, phải cột 3 chỗ nó mới chặt. Cũng vậy, không những cột nơi đan điền (để tâm khi hơi thở xuống đó), cột nơi mũi (chú tâm khi hơi thở ra đến chót mũi) mà còn cột ở giữa, là nơi chỗ ngực nữa.

Tuy nhiên, mọi người hãy tuỳ nghi tìm cách riêng cho mình. Vì trong Thanh Tịnh Đạo còn đưa thêm ví dụ: Như người cưa cây, lưỡi cưa từ bên này sang bên kia thân cây, hơi đâu mà theo dõi cả 3 nơi, chỉ cần chú tâm vào một điểm là đủ quán xuyến hết rồi! Cho nên có người chỉ cần chú ý đến chót mũi, vì dù vô, dù ra, hơi thở cũng phải đi qua đấy!

Hơi thở vào ra nó tế vi quá, có người khó thấy, khó theo dõi. Vậy là chư vị thiền sư bèn nghĩ cách khác, vận dụng nó, sáng tạo nó sao cho việc theo dõi hơi thở có hiệu quả. Vì cần theo theo dõi hơi thở có hiệu quả thì những thiền chi sẽ phát sanh ngay. Và nếu thiền chi tuần tự phát sanh thì nó sẽ tự động đối trị với những chướng ngại.

Thiền sư Mahāsi Sayadow vận dụng phồng, xẹp. Khi hít vô, bụng phồng ra, ghi nhận phồng. Khi thở ra, bụng lép lại, ghi nhận xẹp. Phồng xẹp của cái bụng thì dễ thấy hơn hơi thở. Thế mà có người vẫn quên, không ghi nhận được. Thế là thiền sư dạy rằng, khi bụng phồng lên thì lấy cái tay mà ghi nhận phồng, khi bụng xẹp xuống thì lấy cái tay mà ghi nhận xẹp. Thật không có gì rõ ràng, dễ dàng và cụ thể như vậy nữa. Thế những vẫn có người than là quên mất, không nhớ được, không ghi nhận được. Thế là ngài thiền sư Mahāsi vận dụng thêm nữa.

Ngài đưa thêm 2 chỗ, ngồi và đụng.  Ngồi là ghi nhận, để tâm nơi chỗ mình ngồi. Đụng là ghi nhận, để tâm nơi chỗ mình đụng toạ cụ. Vậy là có 4 chỗ: Ngồi, đụng, phồng, xẹp! 4 chỗ là chắc ăn phải không, cái tâm nó chạy đi đâu được!

Nói tóm lại, mọi người hãy tự vận dụng đi, và tự bản thân mỗi người sẽ thực nghiệm, chứng nghiệm điều ấy.

- Nếu tuỳ tức mà tâm không cột được, không an trú được thì đừng nói chuyện thiền định hay thiền tuệ.

- Nếu tuỳ tức mà cột tâm được, an trú được thì thiền chi hỷ sẽ phát sanh; và ta sẽ dễ dàng bước qua những thiền chi khác.

Nói theo 10 bức tranh chăn trâu là con trâu hoang dã đã chịu phép rồi đó!

Chúc chư hành giả thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn