Trong Vùng Sáng Của Tử Thần

22 Tháng Bảy 201414:38(Xem: 9863)
Nhiều Tác Giả
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Tổng Hợp & Biên Dịch
Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Trong Vùng Sáng Của Tử Thần

Helen Tworkov

Rick Fields, nhà thơ, nhà văn, đệ tử của ngài Chogyam Trungpa Rinpoche và các vị thầy Tây Tạng theo truyền phái Kagyu và Nyingma, được xét nghiệm mắc bệnh ung thư phổi vào năm 1995. Ông từng là Tổng Biên tập của tạp chí Yoga Journal và có công thành lập tạp chí Tricycle vào năm 1991. Ông là tác giả của nhiều sách, nổi tiếng nhất là How The Swans Came to The Lake (Lịch Sử Phật giáo tại Mỹ, NXB Shambhala, 1981), và Code of The Warrior (Phong Cách Của Người Chiến sĩ). Cuộc phỏng vấn này do Helen Tworkov thực hiện ở California, vào tháng 5.1997. Ông mất vào ngày 6 tháng 6, 1999.
***
Helen Tworkov (HT): Khi biết mình bị ung thư, ông đã phản ứng như thế nào?

Rick Fields (RF): Phản ứng đầu tiên của tôi là ‘ván bài đã lật ngửa’ vì căn bệnh này cả năm nay đều bị chẩn đoán sai, nên nó đã trở nặng, tôi phải làm gì đó khá táo bạo, tích cực.

HT: Ông có lo lắng về tiến triển của căn bệnh?

RF: Không. Quan điểm của tôi là “Tôi sẽ sống đến khi phải ra đi”. Là điều ai cũng phải thế thôi. Tôi thấy thật vô ích khi nói: “Bạn còn bốn tháng để sống”. Và tôi không muốn trao sức mạnh đó cho ý kiến của một ai, dù đó là một vị giác ngộ tâm linh hay một bác sĩ đại tài. Tôi không tin vào việc tiên đoán tương lai.

HT: Giữa sự chấp nhận cái chết và sự cố gắng để chữa lành căn bệnh nan y này, ông thấy thế nào?

RF: Trước sau gì tất cả chúng ta đều phải chết. Chết là một hiện thực, nó đến không báo trước bao giờ. Và thân này, tấm thân này đây, sẽ trở thành một cái xác. Phật giáo luôn nhắc nhở ta điều đó. Vài vị bác sĩ trước đó đã cho tôi biết các thống kê về ung thư phổi di căn thời kỳ thứ tư, rất trầm trọng. Khi biết được như thế, tôi bảo với họ là tôi không muốn nghe thêm nữa. Có lợi ích gì đâu? Tôi sẽ sống đến khi tôi chết thôi. Dầu cho các vị bác sĩ có bảo với tôi là tôi còn bốn tháng nữa hay năm năm nữa, tôi vẫn chỉ sống đến khi tôi chết. Thì họ cũng vậy, họ cũng chỉ sống đến khi họ phải chết. Họ nghĩ là họ biết đến khi nào tôi phải chết, nhưng liệu họ có biết khi nào họ chết không. Nếu tôi chết khi đang chiến đấu với căn bệnh thì cũng chẳng sao. Sớm muộn gì tôi cũng chết thôi.

HT: Khi ông chiến đấu với ung thư, căn bệnh có giống với cái gì đó ở bên ngoài ông? Nó có trở thành một phần dị biệt của thân mà ông phải chiến đấu?

RF: Lúc đầu, tôi có cảm tưởng như có cái gì đó đang xâm chiếm tôi. Dĩ nhiên, chính là do các tế bào trong thân thể tôi gây nên, nên nó cũng là một phần của tôi. Nhưng phản ứng đầu tiên của tôi là với bản năng của một chiến sĩ, tôi phải chiến đấu thôi. Sau lần xạ trị (radiation treatment) đầu tiên, tôi trì chú và quán tưởng – nhất là quán tưởng về một vị thần hung dữ - để giúp tôi diệt trừ các tế bào ung thư trong quá trình chữa bệnh.
HT: Căn bệnh có ảnh hưởng đến cách sống của ông không? Ông có bớt vướng mắc vào những điều nhỏ nhặt, u mê, khờ khạo để tạo ra đau khổ cho mình và cho người chung quanh không?

RF: Có thể. Nhưng tôi cũng có những thói quen đã thành tật, các vọng tưởng, ảo vọng và tôi cũng bám víu vào cuộc sống này. Có thể câu hỏi cần được đặt ra là: Câu nói ‘Tôi sẽ sống cho đến khi tôi chết’ có nghĩa như thế nào? Sống có nghĩa là gì? Có ít nhất là hai lựa chọn: một là tìm một chỗ ẩn cư, hai là tiếp tục cuộc sống gọi là trần tục này. Tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tiếp tục có những mối liên hệ. Tiếp tục viết chút đỉnh. Tôi vẫn tiếp tục sống. Dầu cuộc sống như thế đôi khi cũng rất buồn cười. Có nhiều lúc tôi lại nghĩ mình nên tìm một chỗ ẩn tu, và cố gắng đạt được giác ngộ viên mãn trước khi chết. Nhưng đồng thời, tôi cũng nghĩ: “Nếu tất cả chỉ là để được sống, và tôi đang chiến đấu để được sống, thì tại sao không sống cho trọn vẹn?” Và tôi đã chọn con đường đó. Dầu nó có thế nào.
HT: Ông đối phó thế nào với sự tự thương hại?

RF: Tôi nghĩ sự thương hại đi kèm theo cái ngã. Khi điều đó xảy ra lần đầu, tôi có cảm giác như tất cả căn nghiệp đều đổ dồn lên đầu tôi, trêu cợt tôi, long mắt nhìn tôi. Nhưng tôi nhìn trả lại ngay. Đó là bản chất của người chiến sĩ... Tôi nhớ ngài Chogyam Trungpa Rinpoche đã nói: “Sống hay chết. Cả hai đều tốt cả”. Tôi không muốn biến cái chết trở thành kẻ thù của tôi. Chết không phải là kẻ thù. Nó là một phần của ta, nó là một phần của cuộc sống. Ung thư có thể bị coi như kẻ thù - ở những giai đoạn khác nhau. Nhưng cái chết, dù đến với ta bằng cách nào, hay bất cứ lúc nào, cũng không phải là kẻ thù của ta. Ta phải trân trọng nó. Đó là thái độ đúng đắn của một người chiến sĩ. Đối với người chiến sĩ, chết không phải là kẻ thù. Khi các tay kiếm sĩ samurai lâm trận, họ mang theo mình túi tiền nhỏ để dành cho đám tang của mình. Nếu bạn bước vào một đấu trường, không sợ hãi, và chấp nhận cái chết có thể xảy ra cho mình, thì bạn sẽ chiến đấu can trường hơn -thực ra còn có thể thắng nữa- hơn là nếu bạn vào trận với lòng sợ hãi. Phần lớn giáo lý của đức Phật và của các trường phái tâm linh khác chú trọng vào việc phá bỏ lòng sợ hãi cái chết của chính mình. Sợ cái chết của chính mình là sợ sự sinh ra của chính mình hay sợ chính cuộc sống của mình.

Phần vì khi bệnh, tôi coi như đó là một cơ hội để trả nghiệp bệnh hoạn cho cả tha nhân trong tinh thần Bồ Tát. Đó là một cái nhìn khác với phương Tây khi người ta nghĩ về bệnh hoạn. Cái nhìn Bồ Tát đảo ngược mọi thứ. Theo học thuyết Vajrayana (Kim Cương thừa), điều này có nghĩa là hãy chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra và xem đó là một phần của con đường đạo. Không chỉ những hoàn cảnh thuận lợi, mà bất cứ hoàn cảnh nào cũng thế. Người ta có thể nói rằng: “Cầu xin cho căn bệnh tôi đang mang giúp tôi có thể chịu đựng thêm bệnh hoạn của kẻ khác, để họ thoát khỏi sự đau đớn”. Làm như thế người ta chế ngự được sự thương thân và chấp ngã, vì khi mang bệnh, câu hỏi đầu tiên sẽ là: “Tại sao là tôi?”
HT: Ông có ảo tưởng gì về những ngày cuối đời mình?

RF: Tôi muốn được tỉnh táo cho đến giây phút cuối cùng. Việc chứng ngộ dễ dàng xảy ra ở những giây phút ấy khi con người không còn bị ngoại cảnh chi phối, và bản thể thuần khiết của tâm lúc ấy sẽ chập chờn chói sáng quanh ta. Và để đạt được điều đó cũng không khác gì việc tu tập thiền hiện nay. Đó không phải là một điều bí mật thần kỳ gì, mà khi bạn đã hành thiền ngay trong hiện tại, thì bạn sẽ tiếp tục hành thiền cả trong giây phút cuối cùng của cuộc sống. Hãy luôn nhớ rằng Phật tánh chẳng sanh, chẳng diệt. Tâm niệm như thế khi bạn hành thiền, xem đó như cái nền, như con đường đạo, như cái quả ta gặt hái, tôi cho đó là việc làm hữu ích nhất.
HT: Trong hoàn cảnh của mình, ông giải quyết cách nào đối với sân hận hay tuyệt vọng?

- Không có cách duy nhất cả, mà luôn thay đổi. Có lần một mình từ nơi chuyên tu lái xe trở về, tôi chợt bật khóc. Rồi nó dẫn đến sự nổ bùng những đau khổ, giận hờn bên trong tôi. Ngồi trong xe, tôi bắt đầu la khóc không kiềm chế. Đó là những giây phút xúc động mãnh liệt vì tôi có thể tuôn ra hết những cảm xúc của mình.
Tôi tức giận đối với căn bệnh đã đến để chiếm đoạt cuộc đời tôi. Tôi luôn phải canh chừng nó, nếu không nó sẽ chiếm hữu tôi bằng cách biến tôi thành một thứ luôn xoay vòng theo nó; trong khi điều tôi tranh đấu để giữ là một cuộc sống linh hoạt, uyển chuyển mà tôi có thể đón nhận bằng nhiều cách. Điều quan trọng là bạn nhìn căn bệnh dưới góc cạnh nào. Ung thư góp phần giúp tôi có sự tỉnh thức hay nhận biết Phật tánh của mình hơn. Nhưng tôi sân hận vì thấy căn bệnh này đã xáo trộn hết cả cuộc đời tôi.

HT: Các vị thầy của ông, họ phản ứng như thế nào?

RF: Trước tiên họ nói là: “Ai cũng phải chết. Chết là hiện thực”, chứ không phải là: “Chúng tôi sẽ chữa cho anh, anh sẽ bình phục”. Trong cách nói đó có vẻ như là: “Anh còn chờ đợi gì nữa? Anh đã được sinh ra, thì giờ anh sẽ ra đi”. Gần như là “thì có gì mà làm ầm ĩ?” Nhưng sau đó, họ nhẹ nhàng hơn: “Đó là dịp may để anh tu”.

HT: May mắn vì ông là người biết tu?

RF: May mắn chỉ vì tôi có thời gian để chuẩn bị, hơn là vì biết tu hay không. Tây phương thì lại cho là may mắn nếu ai đó được ra đi trong giấc ngủ hoặc đứng tim hay chết bất đắc kỳ tử. Nhưng với ung thư thì mình có thời gian để suy gẫm về tất cả mọi thứ và sửa soạn cho cái chết. Bên phái Kagyu Ngundro (Phật giáo Tây Tạng) thường hay tụng niệm bốn câu chú, trong đó có câu thứ hai ngài Trungpa Rinpoche đã dịch là:

Chết là một điều rất thực
Đến khi có ai ngờ
Thân rồi, xác đó mà thôi.

Sự chết là điều duy nhất chắc chắn trong cuộc đời ta; nhưng văn hóa, xã hội ta (Mỹ) lại dường như muốn quên nó đi. Cho nên, trong một mức độ nào đó, các bệnh vô phương cứu chữa lại là một cơ hội giúp ta hướng về đời sống tâm linh của mình. Nếu thế thì ta lại phải đối mặt với câu hỏi là ta phải làm gì đây, và làm thế nào. Có những giáo lý nhằm vào việc chữa trị khuyên người ta duy trì sự sống mà cũng không chối bỏ cái chết. Dầu gì đi nữa, những sự suy nghĩ cho rằng tiến trình của cái chết cũng là một kinh nghiệm đáng quý, là một con dao hai lưỡi; nó hữu ích, có thể như thế, nhưng có ai không muốn duy trì sự sống càng lâu càng tốt. Tôi cũng vậy thôi.

HT: Sự tu tập của ông có thay đổi gì không sau khi biết mình bị bệnh?

RF: Căng thẳng hơn. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi đã nghĩ là sự tham thiền của mình tốt hơn, kết quả hơn tùy thuộc vào thời gian tôi bỏ vào đó. Nhưng theo Phật giáo thì không phải thế. Có người đã nói sự ám ảnh của cái chết giúp ta có thể chủ tâm hơn vì ta bắt đầu suy gẫm về mọi thứ nhưng không phải với thái độ cầu mong hay chờ đợi, mà là ngay giây phút này. Và tất cả mọi sự tu tập cũng chỉ để được như thế, luôn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.

HT: Có nghĩa là ông đã bỏ nhiều thời gian hơn mỗi buổi sáng để thực hành hay ông đã thực hành với sự chú tâm hơn?

RF: Chú tâm hơn và chuyên cần hơn. Bất kể chuyện gì, mỗi sáng tôi đều tọa thiền. Và tôi nhận ra là không cần biết tôi đã ngồi bao lâu, quan trọng là tôi đã có sự chú tâm không. Việc hành thiền không thay đổi dù tôi có bệnh. Không có gì khác giữa tôi và những người tu tập bình thường khác. Bạn nhập thiền, xả thiền, nản chí, thoải mái, chứng ngộ hay lo ra. Hình như tất cả không phải vì những cái quan trọng, mà là vì những cái không quan trọng. Bạn nhìn ra thế giới và thấy con người đau khổ vì những chuyện gì đâu.

HT: Bệnh lúc thuyên giảm, lúc không, đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?

RF: Khi bệnh tôi thuyên giảm, người ta nói về sự hồi phục mầu nhiệm của tôi. Nhưng khi căn bệnh tái phát, tôi phải chấp nhận nó cách khác. Tôi đã có thể sống với căn bệnh. Một trạng thái đồng hiện hữu. Tôi đã dành nhiều thời gian trong ngày để hành thiền hơn, chú trọng vào việc thanh tịnh hóa và tăng thêm sức mạnh cho cơ thể, cho các tế bào v.v… gần như tưởng tượng ra sự chuyển đổi của các tế bào ung thư, chứ không phải sự hủy diệt của chúng. Chuyển đổi thành các tế bào lành mạnh, thành các tế bào lành bệnh. Có thể sẽ có phương thuốc chữa trị, nhưng bây giờ thì chưa, thì phải tìm cách sống chung với nhau, tìm cách để kiềm chế nó ở mức độ không đến nỗi đe dọa cuộc sống. Có lúc tôi nghĩ không phải là tôi đang bị căn bệnh đe dọa tính mạng, mà chính cuộc đời tôi đang đe dọa căn bệnh, hiểu theo nghĩa là tôi đang kiềm chế không cho căn bệnh làm chủ tôi.

HT: Ông có tiên đoán gì về bệnh của mình?

RF: Lại cũng câu hỏi đó! Có lẽ không được tốt. Chắc chắn là tôi sẽ chết. Nhưng khi nào thì tôi không muốn nghe những lời tiên đoán của ai. Như tôi đã nói, tôi sẽ sống và ở đây tôi nhấn mạnh – cho đến khi tôi chết. Có một điều mà căn bệnh đã làm rõ hơn cho tôi là: Phật pháp đã giúp tôi đoạn đầu đời, đã hữu ích cho tôi đoạn giữa, và – tôi chắc chắn là – sẽ tốt đẹp ở đoạn cuối đời tôi thôi.

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Trích dịch từ In The Light of Death, Tricycle 1998 – The Buddhist Review)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn